Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ghi chép về Vĩnh Linh (trích)


 
 

LTS: Ghi chép về Vĩnh Linh” - di cảo của cố nhà thơ Xuân Quỳnh, do PGS.TS Lưu Khánh Thơ, em chồng nhà thơ tổng hợp lại từ những trang nhật ký được ghi trong các năm 1969-1970. Thời kỳ này Xuân Quỳnh có nhiều chuyến đi thực tế về Vĩnh Linh, Quảng Trị. Những trang nhật ký không hề trau chuốt, mà đơn giản nhà thơ ghi lại những sự việc, những chân dung đã nhìn thấy, đã nghe kể làm tư liệu sáng tác. Đọc những dòng ghi chép chân thực của Xuân Quỳnh, chúng ta hiểu thêm về đời sống và cuộc chiến đấu ngoan cường của quân, dân vùng đất đầu cầu giới tuyến những năm Mỹ đánh phá ác liệt; càng thấu suốt sức lay động của những bài thơ ra đời ở Vĩnh Linh của Xuân Quỳnh. Cửa Việt trân trọng trích in Di cảo này.

 

Bốn năm chiến tranh phá hoại, người Vĩnh Linh không biết sống chết thế nào, ngồi với nhau lúc này mà chưa biết lát nữa có còn không. Khi ngồi nói chuyện với nhau phải ngồi thật xa, quãng vài chục mét, đi đâu phải báo cho nhau biết, người nọ phải nhớ hầm người kia để khi nó oanh tạc xong thì đi moi hầm. Khi moi hầm chỉ cần đào ra cho hở được cổ lên. Biết là sống rồi thì đi moi hầm khác. Phải moi thật nhanh không thì nó quay lại nó đánh. Trong hầm bao giờ cũng có một cái xẻng, xà phòng và đèn dầu hỏa, đèn pin.

Mười ngày B.52 ác liệt, có chị ở trong hầm thấy chồng về đến sân thì bị B.52 đánh tan ra, nhặt lại chỉ còn một mũ thịt. Chị xin đi làm dân quân. Mọi người gửi được con đi sơ tán là rất mừng. Khi con đi, có chị cứ nhìn ra phía đường số 1. Nhìn vậy thôi chứ có biết xe chạy đằng nào! Khi thấy pháo sáng bắn đằng ấy là cứ điên cả ruột lên. Khi con đã ra đến nơi rồi, nhận được lá thư đầu tiên là mừng không kể được, cho vàng cũng chẳng quý bằng (biết được con đã đến nơi đến chốn). Ác liệt đến nỗi có một con trâu ở bên này bờ sông bốn năm. Mỹ bỏ bom nó chạy sang bên kia sông. Khi ngừng ném bom nó trở về, vì ngừng bắn phá ở miền Bắc thì phía bờ Nam nó vẫn đánh dữ.

Cán bộ và dân quân bên này sang hoạt động bên kia. Dân quân các xã phân công nhau sang Dốc Miếu, Cửa Việt đánh quấy với nó, bắn tỉa. Họ tranh nhau đi, đi bộ đêm, nơi nào gần thì gần sáng lại mò về ngủ. Có khi sáng quá, không đi kịp, lội qua sông bị tàu chiến hoặc pháo hắn bắn vào.

Bên nam, anh Lê bảo: có một loại máy bay … (máy bay cánh quạt) của nó là ghét nhất, nó sà thấp quạt lật cả nón, tung cả áo ra, bà con gọi là “thằng lật nón xem mặt”. Nếu cán bộ ta đeo vũ khí thì nó thả thang xuống bắt hoặc bắn chết. Có lần có anh cán bộ bị nó trông thấy, anh liền chạy xuống ruộng cấy trà trộn với bà con nhưng không kịp cởi thắt lưng vũ khí. Nó thả thang xuống, anh chạy, chạy ra đến bờ sông thì anh cởi được thắt lưng vứt ở bờ rồi lặn xuống sông. Anh lặn rất giỏi, lặn đầu này qua đầu kia rồi lại ngóc lên thở, lại lặn từ đầu kia về đầu này. Nó đuổi, soi kính xuống sông. Khi đó trời nắng to nên nó trông rõ. Chỗ nào có bọt là nó bắn. Nó theo riết đến hơn một tiếng đồng hồ thì bắn chết được anh ở dưới sông.

Có những đội dân quân muốn đánh Mỹ quá trà trộn vào bộ đội, qua sông rồi sang bên kia, đến địa điểm bộ đội kiểm điểm thấy thừa một đại đội thế là cũng phải cho họ đánh.

Các đội dân quân ở bên này xã Vĩnh Linh thay phiên nhau đi đánh Mỹ ở bên kia. Mỗi đơn vị của một xã là 20 ngày. Dân quân này hoàn toàn nhà nước trang bị và nuôi.

Anh em dân quân tập chạy, chạy đến mức từ Cửa Việt về có hơn hai tiếng. Tối đi đánh sáng lại về. Chừng 5 giờ tối thì đã đến…

11/11/1969. Anh Dương Tốn, Phó Bí thư Khu ủy khu vực Vĩnh Linh:

- Chúng chủ trương biến Vĩnh Linh thành khu trắng, từ cầu vào là 10 km.

- Ngăn chặn chi viện, dọc sông Bến Hải là hàng rào lửa.

- Đánh giặc giữ quê không phải là chỉ giữ làng mình mà giữ huyện mình. Sang sông đánh ở bên kia - Cửa Việt, Dốc Miếu.

- Chiến tranh tâm lý ở bờ sông… Có nhà trẻ cách bờ 100m, hắn thả đồ chơi trẻ con ở sông, trước nhà trẻ.

- Ruộng bỏ hoang 4 năm chiến tranh phá hoại.

- Dân vận ở, không có dân (xã viên) thì không có địa đạo. Không có địa đạo thì không sống nổi.

- Trong 4 năm chiến tranh, không ai chạy sang với địch, mặc dù thiếu mất nửa.

- Còn một vạn thanh niên mà có 8.000 thanh niên dưới lớp 7, cho nên cần phải cho họ đi học để lo xây dựng CNXH.

- Em Thắng 13 tuổi ở Vĩnh Giang đẩy thuyền ra 3 lần đưa bộ đội qua sông.

- Ở đây trước kia là vùng bị chiếm, bây giờ con cái ngụy quân, ngụy quyền, con cái người di cư cũng vác súng đi đánh giặc. Đảng tin cậy giao súng cho họ.

- Cô Lành - Vĩnh Tân, liên quan đến ngụy quân. Cô học xong lớp 7 về. Hợp tác bố trí làm kế toán, sau lại chuyển giữ mẫu giáo. Cô biết hợp tác không tin cô, sau cô vào dân quân. Cô yêu một anh trong đảng ủy, anh cũng yêu nhưng không dám nói ra. Khi đánh giặc trận địa bị vùi, anh người yêu cô chạy ra trận địa bị chết ngay trước mặt cô. Sau mãi, mọi người thấy cô chiến đấu dũng cảm, đã kết nạp cô vào Đảng.

- Chị Lựu, Vĩnh Quang. Khi chúng đánh hủy diệt Vĩnh Quang, chị bảo thằng con lớn đưa em đi sơ tán (thằng bé 13 tuổi), nó xin cho nó một cái chài để đánh cá dắt em đi, nuôi em, thỉnh thoảng lại về thăm mẹ xem mẹ còn sống không (chị 5 con).

- Có một em ở Vĩnh Quang 5 tuổi trốn ở lại không đi sơ tán, dân quân giấu đi, vì thiếu trẻ con buồn. Nó được giấu hơn một năm.

- Vĩnh Tân, 30 nghìn cây tiêu chỉ còn có một cây mà vết bom đạn cứ đầy ra, đến mấy ngàn vết.

12-11-1969. Anh Đường, chủ nhiệm HTX Hiền Lương:

·         - Nó đánh căng nửa năm 1967, một số cho sơ tán đất đỏ, một nửa cho sơ tán QK, ở lại có 40 người, hầu hết là dân quân vùng trũng - mưa lụt, địch đánh căng, nếu người nào ở lại phải biết bơi.

Ngày ngồi suốt trong hầm, truyền tin nhau phải lấy súng.

Đêm phải ra cửa hầm chữ A, chặt chuối kê lên ngủ, chồng chuối hai bên như hai vách hào, ngồi ở giữa. Tổ chức phải thay đổi quy định một hầm ba người: hộ mới: 1 đảng viên dân quân, 1 dân quân, 1 đoàn viên.

Năm 1967 chia được 27 hộ (27 x 3). Gia đình mới rất thương nhau, họ giải quyết khó khăn cho nhau, nuôi nhau. Nếu có chăn nuôi được con gà, con lợn nào thì họ thịt cho anh em bị thương ăn. Chia áo quần, xoong nồi cho nhau. Có con cá, cái bánh sắn cũng chia nhau.

        - Đưa số anh em bị thương đi 100 mét lại phải nằm xuống. L.19 hắn cứ bay trên đầu, hắn quay đuôi thì lại dậy đi, hắn quay đầu lại là lại phải nằm xuống.

Trâu bò chết đi chôn coi như đi chiến đấu. Hai bên bờ sông ăn chung một giếng nước. Bà con trước kia vẫn sang Hiền Lương lấy nước.

        - Treo cờ năm 67, 68, chỉ treo được một ngày thôi, ngày nào hắn cũng ra đánh cho sập cờ. Kinh nghiệm 4 giờ chiều thì anh em đi lấy cờ về, nếu rách quá thì đổi cờ, nếu rách ít thì mang về mẹ Diệm vá, sáng lại treo.

Nếu cột nó đánh hỏng thì treo lên cây dương cao. Có lần ra hắn bắn phá quá. Khi nào hạ cờ là phải hạ cả cây dương, 9 người treo một lúc. Khi nào hắn đánh quá thì chui vào lô cốt. Ở nơi cột cờ thì cây cỏ hết cả nên nhìn thấy cờ bay hắn biết là trong thôn ra treo thôi. Hắn đánh vào trong thôn. Hiền Lương hai năm 67, 68 chết 62 người. 182 nóc nhà chỉ còn 1 cái.

       - 1967 làm 140 mét ruộng mà chỉ thu được 30 mẫu. Lúa tốt mà nó đánh quá. Sau nước ngập thối lúa. Ra gặt là hắn bắn. Gặt đêm, lúa chín quá nằm dưới nước không thấy mà gặt. Vì lao động cả năm nên lúa gặt về chia đều.

Ngô làm ra gần được ăn rồi, ngô tốt quá. Hắn toàn đánh cháy hết ngô tốt. Năm 1968 xin máy cày về cấy được 5ha. Cày bừa xong hắn rải bom nổ chậm… không trồng được.

       - Đi trên đường số 1 phải đi thật nhanh. Ai muốn nói chuyện hoặc hút thuốc là phải đến cửa hầm mới nói.

     - Có ông cụ hơn 80 tuổi, không đi sơ tán được, có con trai ở dân quân. Cụ cứ ngồi một mình ở trong hầm, pháo hắn bắn, cụ bảo hắn nổ trên hầm, cụ trùm tất cả chăn, quần áo lên đầu, có khi úp cả cái thúng lên đầu (khi hắn bắn nhiều, anh em vào xem cụ ra sao thì thấy cụ như thế).

Anh em dân quân du kích bên kia gửi đồ đạc bên này. Khi nào bị nó đánh rách hết quần áo thì lại về lấy quần áo thay.

*

Vĩnh Thủy, B52 đánh đầu tiên

Anh Điểm chủ nhiệm hợp tác xã: - Năm 1966 đánh ác liệt. Đầu năm 1967 nó đánh B52. 21-4-1967, 8 tốp mỗi tốp ba chiếc. Đánh từ trong đồi ra 4 loạt. Nghe bom nổ như ngô rang lại tưởng nó thả bom bi ra xem. Sau bom rơi bên mình mới biết B52. Sau loạt bom ở trong thôn thì dân chạy ra đồng, nó lại đánh ngoài đồng, chạy vào đúng nơi của nó. Lúc đó hai thôn là 90 người. Khi đó bom nó bỏ khói mù lên không trông rõ người. Khi bà con vào trong cổng sắt được 60 người. Còn mấy chục vào các hầm ở ngoài. Nó đánh trúng một hầm 12 người. Người trong hầm bật ra hết không ai chết.

Sau loạt đó, lúa chín, vận động bà con ra gặt. Ra gặt hai ngày đầu mang băng ca, giường nhỏ đi theo để đề phòng bị thương, chết.

Giờ sản xuất đêm từ 7 đến 10 giờ.

·         - Đợt 2. 1-7-1968. Nó đánh cả Vĩnh Linh. Cả Vĩnh Linh ăn cơm trong bụi, bụi mù mịt. Ở Vĩnh Thủy nó đánh từ 5 giờ đến 9 giờ, 16 tốp đánh.

Sáng đang ngủ say đã nghe bùng bùng ở ngoài, nhìn ra các đồi đã bốc lửa, khói rồi. Biết B52 rồi nhưng chỉ tưởng ba tốp thôi.

Sau nó đánh liên tục không biết làm sao mà ra khỏi hầm. Nó đánh trúng ba hầm. Mặc bom đạn, vác lèn ra đào. Hầm nổi nên đào nhanh. Đứa con anh hai tuổi ngồi trong hầm lâu quá, nó ngạt thở cứ kêu “ba ơi ba”. Anh lấy nước trong hầm dấp cho nó, nó vẫn không thở được. Hầm rộng và sáng nhưng khi nó đánh, gió nam tạt vào khói mù mịt chả ai trông thấy ai. Mấy ngày nó đánh nhiều thì bọn lính trong Cồn Thiện ra nhiều. Pháo của mình bị dập hai khẩu, còn có một khẩu cũng cứ bắn vào trong lúc nó đánh B52. Ngày đó là 17-8-1968.

Sau 15 phút thì cả ba khẩu cùng bắn được (pháo 85). L19 vẫn liệng trên đầu. Khi đó pháo không tránh nữa, cứ bắn. Phản lực bổ nhào xuống đánh, pháo vẫn bắn. Không hiểu sao pháo không việc gì.

Trước thì ngụy trang lá. Sau nó đánh trụi cây cỏ thì súng phải bôi đất đỏ để ngụy trang. Lính chỉ mặc quần đùi thôi. L19 bay rất thấp, nhiều khi thấy rõ được chữ số.

Chiều 11-11-1968 hắn đánh cái cầu đến 3, 4 tiếng. Thôn chạy lên đồi ngồi. Khi anh về thấy hai quả bom, một quả trúng nhà, một quả ở dưới bếp không nổ. Hai anh em nhà anh vác cái xe đạp xa ra một đoạn nữa rồi lại đi ra đồi. Bộ đội cũng đã đào trận địa. Đào được 8 trận địa. Đêm nằm nghe xe pháo chạy trên đồi cả đêm.

Sáng hôm sau có hai chiếc máy bay từ Cồn Thiện bò ra. Cứ thấy súng ta phùm phùm ra. Chưa nghe tiếng nổ, anh nghĩ “Ai mà nghịch cái gì thế!”.

Hai chiếc L19 bị thương bay rà qua thôn và thả cả bản đồ xuống. Bản đồ hắn đã xé. Trong bản đồ có đề cả các làng Thủy Ba, Thủy Ba Hạ, Thủy Ba Tây.

Sau hắn ra bốn chiếc phản lực. Ta bắn rơi. Thấy máy bay nó tan ra ở trên trời như truyền đơn. Mọi người đều nhảy lên hầm hoan hô. Lúc bấy giờ bộ đội ưng chi cho nấy. Có người tuyên bố “cho bộ đội cả heo”.

Có hai AD6 vừa ra ta bắn luôn cháy một chiếc, đầu tiên nó cháy bằng cái bếp lửa mình đun thôi. Sau cháy rất to. Bà con mừng là máy bay bò ra cái nào cháy cái ấy!

Anh đang ở trong trận địa thì thấy phạch phạch, anh quay lại thấy hai chiếc trực thăng, có trông thấy cả tụi Mỹ mặc quần áo màu lá cây. Ở bên này đồi chỉ có súng trường với tiểu liên, bắn mấy cũng không trúng. Hắn thả thang xuống, bay rất thấp. Tóc mình bay như bị gió to.

Có người cầm con dao rựa đứng ở cửa hầm, sợ hắn vô hầm. Lúc bấy giờ ai có gì cầm nấy. Hắn bay thấp đến nỗi trông thấy thằng Mỹ cầm súng lục bắn xuống. Cái giày rất to cứ lòng thòng ở trên trực thăng.

Anh ngồi đếm dù bật ra, có tất cả là 6 thằng. Lúc đó trực thăng bay rà thấp quá. Cối 82 của dân quân bắn trực thăng.

*

Đào địa đạo

Anh Triêm kể

Đầu tiên phát động học Củ Chi đào địa đạo không ai tin. Sau tổ chức một đội đào riêng, đào thử một ngày được 2m3, đào càng vào trong càng lắm đá, nên đào một tháng được hơn 100m3.

Người đào địa đạo ra trông cứ đen nhẻm vì khói dầu hỏa, vì tối không trông ra người nữa. Người gánh đất tối không trông thấy đường phải vịn vách địa đạo lần ra. Hai kíp, một kíp ban ngày, một kíp ban đêm.

Đầu tiên chỉ cho phụ nữ, trẻ con xuống địa đạo, sau nó đánh rát quá mà đường ra địa đạo thì xa nên các đội tự động đào lấy. Anh Triêm nhặt được cái la bàn của tàu Mỹ trôi vào bờ. Anh dùng la bàn này để lấy hướng để đào địa đạo, vì không có la bàn thì đào mãi loanh quanh khi ra thì hai miệng lại gần nhau.

Giếng nước bị đánh hết, lo dân chết khát phải đào giếng trong địa đạo. Địa đạo làm giếng và trạm xá thì sâu hơn địa đạo dân ở. Đào địa đạo ở trong đó rất nóng, tuy một kíp thay đổi nhau, người này gánh đất thì người kia đào, một lát sau lại thay.

Đào đến 5,5m thì có nước. Dưới địa đạo nhiều chuột, làm nắp đậy miệng giếng lại để đề phòng chuột sa vào và đề phòng giặc phun thuốc độc hóa học. Mỗi nhà có một ngọn đèn chai và hai ve nước (to bằng cái cột), một ve nấu cơm, một ve nấu nước chè.

Trạm xá được hai giường và một tủ đựng thuốc.

Một hội trường chứa được 50 người. Đào dọc theo địa đạo, khoét sâu vào từng gia đình ở như hai dãy phố ở chếch nhau.

Đào địa đạo, tính hướng gió, cửa hướng đông nam để mùa hè cho có gió. Khi mở được cửa trổ lên đất liền thì gió lùa vào. Khi cửa trổ lên đất liền là đào hào thật sâu.

Phân các bếp ra ở giao thông hào sâu ấy, một lán ở cạnh hầm.

Trưa ăn cơm nguội, tối ăn nóng mang xuống giao thông hào để ăn. Chỉ nấu được cơm sáng sớm và tối. Lúc nào cũng có cá ăn, vì thời kỳ nào nó ít đánh thì ta đi đánh cá ăn (cá trích, cá nẹp).

Lúc nào nó đánh căng mình không đi đánh cá được thì nó đánh cho mình ăn (nó đánh bom xuống mình đi nhặt cá ở biển). Có khi cùng anh Lương đi tuần, hai người nhặt được 20 yến cá. Cá của Mỹ đánh bom, các anh gọi là mắm B52, khoai Hồng Quảng, vì thời kỳ đó chỉ có ăn chuyên hai món đó.

Buổi đánh cá 1968. Anh Triêm lấy hai chiếc thuyền nhỏ ra vây cá rồi cho thuyền vào bờ khiêng vào. Vừa lúc đó, hai chiếc OV10 từ Quảng Bình bay về. Nó liệng vòng thứ nhất, anh cho là nó không thấy, ngồi sát đất. Nó liệng vòng thứ hai thì anh biết là nó phát hiện rồi. Nó liệng vòng thứ ba thì anh chắc là nó chờ phản lực là phóng điểm. Nó liệng vòng thứ tư thì anh nghĩ nó xoay lưng vào phía … là ta chạy. Cá nhiều, nó xoay lưng lại các anh chạy vào địa đạo. Nó phóng điểm 4 chiếc phản lực ra đánh tơi bời. Nó đánh xong là ta ra lấy cá vào.

Thời gian đó anh em đi đâu về là vui lắm, mang bó chè, khi mang trầu, thuốc hút cho các cụ, các mẹ. Khi đó sống rất vui. Ai cũng biết hát hò. Hát bài Chiếc lược máy bay, hát bài Cồn Cỏ v.v…

Quy định giờ ngủ. Mọi người chấp hành rất nghiêm chỉnh. 9 giờ tối là ngủ hết, vì nếu nói thì vang cả địa đạo ảnh hưởng người khác.

B52 đánh, ngồi trong địa đạo như đưa võng, có khi 13, 14 ngọn đèn đều tắt.

Khi trên cấp cho mỗi gia đình hai hào dầu, đều tập trung cho địa đạo. Sau hết dầu thì xã viên góp tre để đốt đào địa đạo.

Anh Triêm hiện giờ vẫn giữ cái la bàn anh nhặt được mà mấy năm trước dùng để đào địa đạo. Anh bảo anh để dành để anh dùng lái tàu đánh cá biển.

*

Tuổi thơ của con

Tuổi thơ con có những gì

Có con cười với mắt tre trong hầm

Có làn gió sớm vào thăm

Có ông trăng rằm sơ tán cùng con

Sông dài, biển rộng, ao tròn

Khói bom đạn giặc, sao hôm cuối trời

Ba tháng lẫy, bẩy tháng ngồi

Con chơi với đất con chơi với hầm

Mong ngày, mong tháng, mong năm

Một năm con vịn vách hầm con đi

Trời xanh các ngả ngoài kia

Cỏ xanh quanh những hàng bia trên mồ

Quả tim như cái đồng hồ

Nằm trong lồng ngực giục giờ hành quân

Dế con cũng biết đào hầm

Con cua chả ngủ, canh phòng đạn bom

Trong trăng chú cuội tắt đèn

Để cho mắt giặc mây đen kéo về

Cái hoa cái lá biết đi

Theo người qua suối, qua khe, qua làng

Chiến hào mặt đất dọc ngang

Sẽ dài như những con đường con qua

Hầm sâu giờ quý hơn nhà

Súng là tình nghĩa đạn là lương tâm

Mẹ nuôi ngọn lửa trong hầm

Để khi khôn lớn con cầm lên tay

Những điều mẹ nghĩ hôm nay

Ghi cho con nhớ những ngày còn thơ

Ngày mai tròn vẹn ước mơ

Yêu thương thêm chuyện ngày xưa nước mình

 

Vĩnh Nam - Vĩnh Linh

24/11/1969

 

Thời gian đi trong lòng đất

Giặc Mỹ ném bom hủy diệt làng ta

Xuân không xanh, thu không vàng nữa

Giữa ban ngày mịt mù bom tọa độ

Và ban đêm pháo sáng thắp thâu đêm

Mặt đất không còn khái niệm thời gian

Ta mang thời gian vào trong lòng đất

Đốt đèn lên ta làm ban ngày

Ta định phút định giờ lên đánh giặc

Tính mùa cá ta thu, tính vụ lúa ta cày…

 

Thời gian của ta đi trong lòng đất

Thời gian của ta không bao giờ mất.

Vĩnh Thạch - Vĩnh Linh

12/11/1969

X.Q

 

XUÂN QUỲNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 299 tháng 08/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground