Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngày xuân nhớ về đoàn tuồng Chợ Cạn và gánh hát trùm Bá

 

Đã từng có một đoàn tuồng Chợ Cạn và gánh hát trùm Bá là những loại hình diễn xướng dân gian nửa sân khấu tồn tại trên đất Quảng Trị. Trong quá trình hình thành và phát triển, đoàn tuồng Chợ Cạn và gánh hát trùm Bá đã biết dựa vào các yếu tố diễn xướng dân gian để mở rộng vùng ảnh hưởng.

Đoàn tuồng Chợ Cạn

Trong Đề án có tên “Nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục nghệ thuật tuồng Chợ Cạn” (bản vi tính, 1996) Tiến sỹ Nguyễn Bình có nêu ba giả thiết: “Có ý kiến cho rằng tuồng Chợ Cạn được hình thành dưới thời các chúa Nguyễn. Quảng Trị là điểm dừng chân đầu tiên của chúa Nguyễn, Thủ phủ Ái Tử (1558 - 1570) đến Thủ phủ Trà Bát (1570 - 1600) và Dinh Cát (1600 - 1626). Trong 68 năm tồn tại trên đất Quảng Trị trước khi thiên di vào Phú Xuân, những lớp người đầu tiên đã mang nghệ thuật dân gian tuồng ở Bắc vào để tự diễn cho nhau xem, để làm khuây khỏa vơi đi nỗi nhớ về cố hương, lối diễn sơ khai này có thể là Tuồng đồ (như là một thứ hát bộ, sau dần nâng lên Tuồng pho  Tuồng thầy). Cũng có người cho rằng tuồng Chợ Cạn được hình thành dưới triều vua Tự Đức (1848 - 1883) - một ông vua giỏi văn chương và mê các loại hình nghệ thuật đặc biệt là tuồng. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tuồng Chợ Cạn Quảng Trị xuất hiện khá muộn vào những năm đầu thế kỷ XX mà cụ thể là dưới thời vua Khải Định (1916 -1925)”.

Theo lời kể của nghệ sĩ Xuân Lư và công chúng lớn tuổi trong vùng thì địa bàn hoạt động của tuồng Chợ Cạn trước hết dựa vào lợi thế những phiên Chợ Cạn mười ngày nhóm họp một lần. Khi có công chúng tập trung tấp nập đông đúc thì đoàn tổ chức biểu diễn. Về sau lưu diễn ở các đình chợ trong tỉnh như đình làng Câu Nhi (Hải Lăng), Chợ Phiên (Cam Lộ), Chợ đình Bích La (Triệu Phong), Chợ đình Mai Xá (Gio Linh)... Có khi đoàn tuồng Chợ Cạn ra tới Quảng Bình, đặc biệt hơn là những chuyến được mời vào Huế diễn. Lúc cụ Thất Luận làm trưởng đoàn tuồng Chợ Cạn thì số diễn viên và việc phân bổ các vai diễn như sau. Vai kép: ông Thất Luận (tên thật là Trần Luận ở làng Thượng Trạch, xã Triệu Sơn) vừa là trưởng đoàn kiêm đạo diễn, diễn viên; ông Kiểm Ứng (tức Trần Ứng làng An Phó); ông Trần Hùng; ông Trần Công Đốc; ông Huỳnh Tỵ; ông Trần Lạng (tức Bát Lạng); ông Lê Trong; ông Lê Thẻ (Cửu Thẻ); ông Trần Dục (làng An Lưu thủ vai hề)... Vai đào: cô Trần Thị Huế (con ông Trần Công Đốc); cô Trần Thị Kiến; bà Đốc (vợ ông Trần Công Đốc); cô Lê Thị Huế; cô Trần Thị Liễu, bà Trần Thị Nậy... là những nữ nghệ sĩ, diễn viên chủ chốt của đoàn. Nhắc tuồng: ông Diệu Sâm. Ngoài ra còn có thành phần chạy hiệu và đặc biệt là các nghệ sĩ, đào kép các nơi khác được đoàn mời về tham gia.

Trong những năm hoạt động sôi nổi, đoàn đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong quần chúng nhờ những vai diễn đặc sắc. Phần lớn các vở diễn này rút từ tích tuồng dân gian như “Thạch Sanh Lý Thông”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”, “Phạm Công Cúc Hoa”, “Lâm Sanh Xuân Nương”… bên cạnh một số tích truyện phổ biến của Trung Quốc như “Mạnh Lệ Quân”, “Tam Hạ Nam Đường”, “Tam Quốc”, “Tây Du”… Một số vở bi hùng khác lấy đề tài từ trong những cuộc tranh chấp chính tà để giành ngôi báu rất thích hợp với khán giả đương thời như “Đào Phi Phụng”, “Tam Nữ Đồ Vương”... Đặc biệt vở tuồng “Sơn Hậu” là vở tuồng đặc sắc của đoàn tuồng Chợ Cạn. Các nghệ nhân thủ vai chính trong vở này vẫn được quần chúng truyền tụng và nhắc đến với lòng ngưỡng vọng, đó là nghệ sĩ Thất Luận (vai Phân Định Công); nghệ sĩ Kiểm Ứng (vai Tạ Ôn Đình); nghệ sĩ Trần Dục (vai Khương Linh Tá); nghệ sĩ Trần Hùng (vai Đổng Kim Lân)...

Nhà hát tuồng Chợ Cạn (còn gọi là ca trường) được xây dựng theo kiểu nhà hát dân gian truyền thống gần giống với trường hát Đồng Xuân Lâu ở Huế. Trang trí sân khấu được thể hiện đẹp đẽ công phu nhưng thường chỉ vẽ một cảnh, không thay đổi và không có các loại phông màn khác. Nhạc cụ đoàn tuồng Chợ Cạn thường được sử dụng là hai trống chầu đặt hai đầu, trong những lần biểu diễn người cầm chầu là một khán giả thạo tuồng được đoàn mời, chủ yếu là đánh trống thưởng (thưởng có tiền thì giục một hồi, khen nghệ thuật diễn thì điểm một trống). Trống chầu được đặt trên chòi, ngoài ra nhạc cụ còn có thanh la, đàn bầu kèm sanh sứa (sứa làm bằng sừng trâu kêu rất trong tiếng).

Về điệu thức, chủ yếu sử dụng các làn điệu như Nam, Khách, Tẩu mã. Nam  Nam thương, Nam bình, Nam ai... tùy theo tâm trạng mà dùng; Khách là làn điệu vương trượng, sang trọng thường dùng cho tướng lĩnh, vua chúa; Tẩu mã là làn điệu dùng khi ra trận, chinh chiến theo tiếng vó ngựa... 

Đoàn tuồng Chợ Cạn nổi tiếng nên nhiều lần được mời vào kinh đô biểu diễn. Nhiều nghệ sĩ là diễn viên đoàn tuồng Chợ Cạn đã được triều đình Huế phong tặng phẩm hàm. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Văn Luận nhiều lần được mời vào kinh đô không phải làm mỗi việc biểu diễn mà còn dạy tuồng hay nghệ sĩ Trần Xuân Dục cũng được mời vào làm trưởng đoàn múa hát cung đình Huế là đoàn Ba Vũ. Trong một thời gian dài chịu sự chi phối và lực hút mạnh mẽ của kinh đô Huế song cái nôi của tuồng Chợ Cạn vốn nổi tiếng không vì thế mà bị phân tán, hòa tan.

Về sau, khi chiến sự xảy ra, chiến tranh và ly tán đã làm cho đoàn tuồng Chợ Can tan rã.

Gánh hát trùm Bá

Người dân Tùng Luật bao đời vẫn tự hào bởi ngôi làng tọa lạc trên thế đất “Phụng hàm thư”, nghĩa là con chim Phụng Hoàng ngậm sách trong miệng: thế đất sinh anh hào, tài tử, giai nhân. Từ trước đến nay Tùng Luật vốn đã là cái nôi văn nghệ dân gian mà đàn hát dân ca, hát sắc bùa, hò bả trạo từng đã nổi tiếng trong vùng. Vào những năm cuối của thế kỷ XIX, Tùng Luật du nhập thêm nghề hát bội, sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh từ khi có “gánh hát trùm Bá”.

Theo tác giả Trần Biên thì gánh hát và đội chèo Cạn làng Tùng ra đời trong khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, do cụ Nguyễn Hữu Bá (sinh năm 1840) hành nghề bốc thuốc chữa bệnh là người hay ra vào kinh đô Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, có lúc vào tận lục tỉnh Nam kỳ sáng lập ra. Trong các cuộc chu du ấy, ông Bá được xem tuồng của các gánh hát từ Quảng Nam trở vào. Từ xem đến say, từ say đến mê, từ mê đến lần mò học hỏi, một vài năm sau ông nắm bắt được bí quyết của nghệ thuật tuồng. Trở về quê tiếp tục làm nghề thuốc bắc nhưng ông Bá vẫn dành thời gian truyền nghề hát cho con em trong gia đình, họ tộc và làng mạc.

Những nghệ nhân đầu tiên của gánh hát trùm Bá có các ông Nguyễn Như Tính (đánh trống, thổi kèn), Nguyễn Như Giản (sử dụng thành thạo năm loại nhạc cụ cổ truyền) và các bà Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Hạnh (ông Giản, bà Hạnh, bà Hòa là con đẻ của ông Bá). Bà Hạnh mất sớm, bà Hòa về sau lấy chồng ở Quảng Ngãi có con gái đầu lòng là NSND Lệ Thi. Ngoài con em trong nhà, ông Bá còn chọn thêm những người có năng khiếu đờn ca trong làng như các ông Trần Duyến (sau 1954 là nhạc công chương trình ca Huế Đài tiếng nói Việt Nam), Lê Não, Võ Cháu, Ba Mè (bố của NSƯT Châu Loan sau này), Nguyễn Khê, Phùng Đấu, Bát Đẩu, Trần Nóng, Lê Nãi. Gánh hát đầu tiên ấy có 14 diễn viên được lập ra vào lúc ông Bá bốn mươi tuổi (1880). Gia tài của gánh hát ban đầu lèo tèo dăm bảy bộ quần áo, hia, mão và nhạc cụ đựng vừa vặn trong đôi bồ con và mấy vở diễn như Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Tạ Ngọc Lân lăn lửa, Giả dại qua đèo v.v

Mỗi độ xuân về, nếu như hai phủ Vĩnh Linh, Gio Linh không có làng nào tới rước gánh hát ông Bá về diễn thì họ lại dắt díu quẩy bồ cuốc bộ ra Lệ Thủy, Quảng Bình hoặc xuôi đò dọc vào tận Thừa Thiên - Huế diễn ở các làng, các rạp hát kiếm tiền. Cho đến khi tiếng chim tu hú lảnh lót gọi bầy, ngoài đồng lúa chiêm uốn câu ngả màu vàng nhạt, các nghệ sĩ khăn gói trở về bến Tân Trại; trở về với đồng ruộng, lưới chài, nương vườn để rồi mùa xuân năm sau lại từ đây lên đường lưu diễn chuyến khác… Từ những chuyến lưu diễn mà nghệ sĩ gánh hát được mở rộng tầm mắt, học hỏi thêm các làn điệu dân ca, nhất là các điệu lý và hò. Lớp nghệ nhân này không những tự học hỏi, trau dồi nghề nghiệp mà còn truyền dạy cho con cháu của mình.

Cũng như đoàn tuồng Chợ Cạn, tiếng tăm của gánh hát trùm Bá lan tỏa trong vùng nên được vua quan triều đình nhà Nguyễn mời vào Kinh biểu diễn. Ông Đổng là nhạc công của gánh hát có tài nghệ thổi sáo được vua ban thưởng hàm “bát phẩm”. Chỉ tính riêng gia đình cụ trùm Bá đã có một người em, ba người con là nghệ nhân ưu tú, năm cháu nội ngoại là nghệ sĩ, bốn chắt nội ngoại là những ca sĩ và nhạc công, tổng cộng có mười bốn người theo đuổi sự nghiệp do cụ sáng lập. Chưa kể gia đình các cụ Ba Mè, Võ Cháu, Trần Duyến, Nguyễn Nghê... phần lớn con cháu của họ đều được dìu dắt để trở thành những nghệ sĩ tài năng. Riêng gánh hát trùm Bá, tuy không còn phiên chế để hoạt động chính thức nhưng trong vòng 30 năm (1954 - 1984), từ “cái nôi” này đã cung cấp đào tạo cho các đoàn Nghệ thuật Trung ương và các tỉnh thành 42 diễn viên ca Huế, dân ca và nhạc công. Trong đó có nhiều nghệ sĩ đạt tới đỉnh cao nghệ thuật được Nhà nước phong tặng danh hiệu như cố NSƯT Châu Loan, cố NSND Lệ Thi, cố NNƯT Ái Chủng, NSND Kim Quý, NSƯT Sĩ Cừ, NSƯT Kim Phú, và nhiều nghệ sĩ tài danh khác như Trần Duyến, Châu Dinh, Châu Phụng, Bích Nồng, Thu Sen... Không ít người trong số họ từng được vinh hạnh vào Phủ Chủ tịch hát những làn điệu dân ca miền Trung cho Bác Hồ nghe, được Bác khen ngợi... Nhưng đó cũng đã là vinh quang của một thời vàng son quá vãng.

Đã từng có một gánh hát trùm Bá vừa đạt tới đỉnh cao thì chiến tranh ập đến. Và cũng không trách cứ gì chiến tranh, vì ngay trong thời bình nhiều bộ môn nghệ thuật trình diễn dân gian nửa sân khấu như hát sắc bùa, chèo Cạn (hát bả trạo)… cũng đã mai một, bóng hình của nó chỉ còn lưu lại ít ỏi ở bài hò đưa linh. Mỗi độ xuân về, người già thường ngồi nhớ và tiếc nuối đến những ngày vàng son quá vãng. Cho đến năm 2019, tỉnh ta mới chính thức thành lập Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Trị (trên nền Đoàn Nghệ thuật tổng hợp). Mong sao Đoàn sớm có kế hoạch khôi phục và nâng cao thành tích và những truyền thống tốt đẹp của đoàn tuồng Chợ Cạn và gánh hát trùm Bá từng vang bóng một thời.

Y.T

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Y THI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 305

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground