Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thế hệ nhà văn quê Triệu Phong trưởng thành thời tiền khởi nghĩa và chín năm chống Pháp

Năm 1957 là năm khai sinh ra Hội Nhà văn Việt Nam. Tại thời điểm này ở Quảng Trị có bốn nhà văn được kết nạp. Ngoài nhà thơ Chế Lan Viên nổi tiếng khắp cả nước quê ở Cam Lộ, ba nhà văn còn lại đều ở Triệu Phong. Dưới đây tôi xin giới thiệu chân dung và số phận ba nhà văn quê Triệu Phong mà bạn đọc, nhất là giới trẻ còn rất nhiều người chưa biết đến.

1. Hồng Chương (1921-1989), tên thật Trần Hồng Chương, quê ở làng Phương Sơn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ ông học ở trường làng, sau vào học ở Huế. Năm 1937, Hồng Chương đã tham gia phong trào Dân chủ ở Huế, vào Đoàn Thanh niên Dân chủ, năm 1940 gia nhập Đoàn Thanh niên phản đế. Phụ trách báo Cứu quốc của Tỉnh ủy Quảng Trị năm 1940, báo xuất bản bí mật. Hai lần bị thực dân Pháp bắt giam, lần thứ nhất bị bắt ở Huế (1939) và lần thứ hai đi đày ở nhà tù Buôn Ma Thuột (1941). Sau khi phát xít Nhật đảo chính Pháp năm 1945, ông thoát ngục về quê tham gia hoạt động chuẩn bị Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Quảng Trị. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp chủ yếu ông làm công tác tuyên huấn thuộc Khu ủy Khu IV, tham gia Chi hội Văn nghệ Bình Trị Thiên.

Sau ngày hòa bình lập lại, ông ra Hà Nội công tác. Năm 1956 ông làm việc ở Ban biên tập tạp chí Học tập (nay là tạp chí Cộng sản), là Phó Tổng biên tập và Tổng biên tập tạp chí Cộng sản và là Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu, mất tại Hà Nội.

Tác phẩm chính: Máu lửa đồng quê (tập thơ, 1948), Ngược đường số 9 (truyện, 1958), Một luồng gió mới (tiểu thuyết, 1959), Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật (lý luận phê bình, 1962), Văn nghệ cách mạng và cách mạng không ngừng (lý luận phê bình, 1959), Mấy vấn đề về lý luận và phê bình văn nghệ (lý luận phê bình, 1965), Mãi mãi đi theo đường lối văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (lý luận phê bình, 1971).

Trong những năm tháng tham gia cách mạng hoạt động bí mật, đặc biệt là thời kỳ bị tù đày tại Lao Thừa Phủ, nhà tù Buôn Ma Thuột, ông sáng tác khá nhiều thơ. Các bài thơ như Cái đầu gối, Cục đường, Bão tố… phổ biến khá rộng rãi. Một số bài thơ có tiếng vang, trở nên quen thuộc với công chúng và đông đảo chiến sĩ cách mạng ở Khu IV vào những năm 1947 là bài Tráng sĩ hành sau đổi tên là Đội biệt động đường số 9. Bài thơ ca ngợi tinh thần dũng cảm chiến đấu của quân và dân vùng chợ Cạn về sau được đặt tên cho tập thơ Máu lửa đồng quê. Về văn xuôi, bạn đọc quan tâm nhiều đến cuốn tiểu thuyết Một luồng gió mới. Ở đó, ông tập trung miêu tả phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng dâng cao, và các hoạt động công khai hoặc bí mật của những người Cộng sản ở Huế trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ…

Thành công nhất của Hồng Chương chủ yếu trên lĩnh vực lý luận phê bình. Nhiều tiểu luận của ông thể hiện một thái độ kiên định trên những vấn đề nguyên tắc và có tính chiến đấu sắc sảo khi đánh địch, đấu tranh với những luận điệu sai trái.

2. Vĩnh Mai (1918-1981). Nhà thơ còn có bút danh khác là Búa Tạ. Tên thật Nguyễn Hoàng, quê làng An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Thuở nhỏ, Vĩnh Mai học ở trường huyện, sau vào Huế học ở trường Phú Môn, đỗ bằng Thành chung. Ông là một thanh niên trí thức giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1936, ông đã tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên học sinh Dân chủ ở Huế. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ tháng 9-1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Buôn Ma Thuột cho đến tháng 3-1945. Sau khi ra tù, ông tham gia phong trào Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên, là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Tuy Hòa, Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh Phú Yên.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Vĩnh Mai đã từng kinh qua các chức vụ: Bí thư Thành ủy thành phố Huế (1946-1949); Phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị (1947 - 1949); Ủy viên Liên khu IV, phụ trách Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (Liên khu IV) từ 1949-1954. Năm 1955 là cán bộ Ban Tuyên giáo, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội văn nghệ Liên khu IV. Năm 1955-1956 là Chánh văn phòng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Từ 1956 trở đi là cán bộ biên tập tuần báo Văn nghệ, phụ trách tổ thơ của báo.

Tác phẩm chính: Khóc Hoài (thơ, 1946), Người dân quân xã (thơ, 1947), Tiếng hát hòa bình (thơ, 1954), Đôn và Thanh (truyện thơ, 1955), Lên đường (thơ, 1962), Tiếng hát (thơ, 1978), Đất đen và hoa thắm (thơ, 1982), Từ mùa xuân ấy (thơ, 1984), Chàng trai ấy (thơ tuyển, 1992).

Thơ của Vĩnh Mai chân thành, đôn hậu, cởi mở nhất là những bài thơ viết về quê hương, bạn bè, đồng chí, lời thơ mộc mạc nhưng xiết bao đau xót bởi đất nước và con người bị chiến tranh tàn phá. Là người cùng thời, nhạc sĩ Trần Hoàn có một nhận định chân phương và lý thú: “Thơ Vĩnh Mai không nhiều, nhưng đậm. Đậm một chất “chè Thái”, càng đắng càng ngọt, uống ít nhớ lâu, hương vị cứ bám mãi đầu lưỡi… Xuất hiện trước những nhà thơ khác lúc bấy giờ, với những kiểu cách bay bướm, mượt mà giàu âm điệu ví như những tấm lụa nhiều màu sắc óng ánh, thơ Vĩnh Mai như tấm áo vải ta, bền và dày, đậm đà trong màu nâu giản dị, thô ráp, nhưng lại hồn nhiên như một đóa hoa rừng...”.

3. Nguyễn Khắc Thứ (1921-1990), quê ở làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Nguyễn Khắc Thứ thuộc thế hệ những nhà văn thời chống Pháp, từng là cán bộ trong quân đội. Cũng như bao thanh niên trai tráng cùng lứa tuổi, ông hăm hở tham gia cách mạng từ khởi nghĩa tháng Tám 1945, khi học xong trung học được vài năm, được bổ sung làm ở hỏa xa miền Trung. Say mê văn chương từ thuở học trò, ngay từ những ngày đó ông đã viết nhiều truyện ngắn, truyện dài và thơ nhưng chưa có dịp xuất bản hoặc đăng tải trên báo chí. Năm 1948, khi giặc Pháp càn quét đến quê ông, toàn bộ sách vở, trong đó có nhiều tác phẩm, truyện ngắn, thơ ca dưới dạng bản thảo đã bị cháy thành tro bụi.

Nguyễn Khắc Thứ là phóng viên quân đội ở mặt trận Bình Trị Thiên. Ngoài việc đi chiến dịch lấy tin tức, ông còn đảm nhiệm việc in ấn xuất bản tờ báo quân đội ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Toàn bộ tâm huyết của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ được ký thác và đọng lại lâu bền trong ký sự Trận Thanh Hương, ra đời năm 1955 nhưng đã được ấp ủ nhiều năm trước đó. Trận Thanh Hương đã đi vào lịch sử như một trận vận động chiến quan trọng ở chiến trường Trị Thiên, không chỉ quân dân Trị Thiên mà cả nước phấn chấn vì ta có thể đánh địch “giữa ban ngày”, mặt giáp mặt, súng đọ súng. Ta bắt hàng trăm tên tù binh giải đi thành hàng qua nhiều xóm làng để chuyển lên vùng chiến khu, khác với trước đó ta chỉ đánh những trận nhỏ có tính chất du kích thuộc chiến lược cầm cự. Với Trận Thanh Hương, tài năng và tên tuổi của Nguyễn Khắc Thứ đã được khẳng định, vượt ra khỏi Bình Trị Thiên đến với văn đàn cả nước.

Hòa bình lập lại, Đại đoàn 325 tập kết ra Bắc đóng ở Quảng Bình. Vừa lúc Tổng cục Chính trị mở trại viết về các anh hùng quân đội, Nguyễn Khắc Thứ được điều ra dự trại sáng tác này và tiểu thuyết Đất chuyển ra đời. Đất chuyển kể lại một câu chuyện có thực, với những nhân vật có tình người và chiều sâu tâm hồn. Chỉ mấy tháng sau khi xuất bản, Đất chuyển được một nhà văn Trung Quốc dịch ra Hoa ngữ với tên gọi Thổ địa hồi gia; là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam sớm được dịch ra tiếng nước ngoài. Dù vậy, trước sau ông vẫn là con người “phận mỏng cánh chuồn”, sự nghiệp văn chương giữa đường đứt gánh chỉ vì cái ‘‘phốt’’ quan hệ nam nữ mà trong môi trường quân đội lúc bấy giờ rất nghiêm.

Sau này nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tiếc nuối: “Về Hà Nội là một dịp may. Lao được một ván cầu sang bến mà mở đường đi tiếp nữa. Oái ăm thay, với Nguyễn Khắc Thứ là nút thắt của một bi kịch. Bi kịch sau cùng của đời người”. Ông Trương Quang Đệ trong bài viết “Đôi chút kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Khắc Thứ” đăng trên tuần báo Văn nghệ cho biết, trong những năm tháng bị “Hạ phóng” xuống tham gia lao động ở một nông trường quân đội, rồi được điều về phụ trách kho sách của thư viện quân đội, Nguyễn Khắc Thứ đã hoàn thành một bộ truyện dài nhan đề Khói lửa vào giữa những năm 80. Tuy vậy ông vẫn chưa cho xuất bản, có lẽ ông cảm thấy có điều gì đó chưa ổn? Trước đó vào những năm 70, ông còn viết cuốn truyện dài lấy tên Ngày cuối thu nói về mối tình đầu của ông mà ông thương nhớ suốt đời. Nhưng đáng tiếc những tác phẩm đó chưa được xuất bản thì đã thất lạc đâu đó!... Tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Khắc Thứ là truyện ngắn Hẹn hò, ra mắt bạn đọc năm 1966 và sau đó người ta không thấy ông xuất hiện trên văn đàn nữa. Ngay cả những đồng nghiệp cùng thời và những người bạn chiến đấu vào sinh ra tử với ông cũng rất ít khi liên lạc được với ông kể từ sau ngày Hẹn hò ra đời.

Tác phẩm chính: Trận Thanh Hương (truyện ký, 1955), Đất chuyển (tiểu thuyết, 1958) và ba truyện: Bản án tử hình, Phá kho bom Tân Sơn Nhất, Hẹn hò (xuất bản 1966). Cũng theo ông Trương Quang Đệ, bấy nhiêu tác phẩm được xuất bản chỉ là phần nổi của tảng băng mà phần chìm có thể không bao giờ tìm thấy nữa.

*

Ba nhà văn quê Triệu Phong mỗi người mỗi phong cách, cá tính sáng tạo. Thành công nhất là nhà báo, nhà văn Hồng Chương bởi bản lĩnh chính trị và tư duy lý luận sắc bén. Vĩnh Mai cũng là con người bản lĩnh song thẳng thắn trung thực, đấu tranh chống lại cái xấu, cái thấp hèn đến ngưỡng nhiều người, trong đó có cả đồng nghiệp quay lưng lại với ông. Còn với Nguyễn Khắc Thứ thì “phận mỏng cánh chuồn” như đã nói, song không ít đồng nghiệp và bạn đọc nuối tiếc cho sự nghiệp văn chương mỗi lần nhắc đến tên ông.

 

Y.T

 

Y THI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 307

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground