Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về nhân vật lịch sử khá phức tạp Nguyễn Hữu Bài

N

hân vật lịch sử dân tộc ta suốt trong bề dày lịch sử dựng nước, khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi cũng như chống ngoại xâm, bình nội loạn có rất nhiều những bậc tài ba lỗi lạc, anh dũng kiên cường và có chân dung để lại khá rõ ràng mạch lạc. Nhưng cũng có những con người khá phức tạp, cái đúng, cái sai, có công, có tội, thậm chí có khi thân thế gắn bó với kẻ thù mà lòng dạ lại tận trung với nước. Đánh giá loại nhân vật đó thật khó. Công việc có thể làm được trước mắt là tạm ghi lại một cách trung thực việc làm của họ để hậu thế suy ngẫm. Trên tinh thần chung đó, bằng vào tư liệu điền dã và nguồn sử liệu để lại tuy có ít ỏi, tôi viết ra đây những ghi nhận ban đầu về ông Nguyễn Hữu Bài, một nhân vật lịch sử thời cận đại quê ở Quảng Trị.

THUỞ THIẾU THỜI

Sinh quán ông Nguyễn Hữu Bài ở làng Cao Xá, huyện Vĩnh Linh, gần đèo Ba Dốc. Ông sinh ngày 29-9-1863 trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa lâu đời. Cha mất sớm, mẹ góa, nghèo. Dư luận đương thời cho rằng lúc nhỏ ông Bài rất thông minh, sáng trí. Năm lên 10 tuổi, ông được nhận vào tu học ở Chủng viện An Ninh, ngôi trường đào tạo các vị linh mục bản xứ được thành lập vào đầu thời Gia Long tại làng An Ninh, huyện Vĩnh Linh. Tên cũ là trường Phường Rượu vì xưa dân làng nấu rượu. Trường tồn qua 152 năm, từ 1802 mãi đến 1954 mới bị chiến tranh ác liệt tàn phá bình địa. Ở ngôi trường này trong suốt 8 năm, ông Bài học chữ Hán, Quốc Ngữ, La Tinh, Tiếng Pháp và Triết lý. Ông Bài là một tu sĩ xuất sắc nhưng vì thiếu tư cách làm Linh mục nên được trả lui về gia đình. Năm sau, ông mới có dịp vào Huế học tiếng Pháp ở Thương Bạc. Theo hồi ký “Tâm sự tướng lưu vong” của Đỗ Mậu (NXB Công an Nhân dân - 1991) thì ông Nguyễn Hữu Bài có đi du học ở trường dòng Penang ở Mã Lai. Trong đám du học sinh này có cả Ngô Đình Khả, một nhân vật có cùng cảnh ngộ ấu thơ bần dân khốn khó như Nguyễn Hữu Bài. Sau khi học xong, hai ông Khả và Bài được người Pháp cho làm thông dịch ở Tòa Khâm sứ Huế sau Hòa ước Quý Mùi 1883.

Năm 1887, vua Đồng Khánh băng hà sau 3 năm trị vì ngắn ngủi. Dưới áp lực của người Pháp, Nam triều lập Bửu Lân con của Dục Đức lên làm vua lấy niên hiệu Thành Thái. Thành Thái lên ngôi lúc 10 tuổi, nên triều đình cử hai vị đại thần là Nguyễn Trọng Hợp và Trương Quang Đán làm phụ chánh. “Riêng Ngô Đình Khả nhờ có công dẹp được các cuộc nổi dậy chống Pháp ở Quảng Bình, nhờ có liên lạc chặt chẽ với các giáo chức Pháp ở cả bên chính quyền lẫn bên Hội truyền giáo nên được cử vào chức cận thần mang hàm Thượng thư bên cạnh vua Thành Thái cùng với Nguyễn Hữu Bài làm Thượng thư bộ Công” (Sđd. Tr115). Cũng theo Đỗ Mậu, hai nhân vật này tuy không xuất thân nơi khoa giáp, không thăng chức theo hệ thống quan trường mà nắm giữ được những chức vụ tối quan trọng trong triều là vì người Pháp muốn có những người thân tín là cụ Khả để kiểm soát nhà vua, và cụ Bài để kiểm soát triều đình.

Trong việc tiến cử, rõ ràng người Pháp có nâng đỡ cụ Bài, nhưng trong chặng đường dài hoạn lộ nhiều việc ứng xử và hành xử có lệ thuộc người Pháp hay không là điều cần làm sáng tỏ. Những phản đối quyết liệt của ông sau này với quan thầy thực dân cũ, thiện chí của ông đối với những chí sĩ yêu nước thể hiện rõ tấm lòng nhiệt thành với đất nước, một thái độ trách nhiệm trước thời cuộc, một bản lĩnh độc lập của Nguyễn Hữu Bài không dễ gì có được ở những vị quan lại Nam Triều.

ÔNG BÀI - VỚI NHỮNG NHÀ CHÍ SĨ

Bản báo cáo của toàn quyền Beau gửi Chính phủ Pháp nhân dịp tìm người kế vị vua Thành Thái cho thấy thái độ công khai bênh vực Kỳ ngoại hầu Cường Đế - một hoàng thân quốc thích có hoạt động chống Pháp rõ rệt: “… Ngày 03-9-1907, tôi đến Huế để chứng kiến lễ thoái vị của vua Thành Thái. Viên chánh văn phòng của tôi liền đi thăm các quan đại thần của Triều đình Huế để dò la cho biết tư tưởng của họ đối với thời cuộc. Các vị này đều công kích kịch liệt tất cả các nhân vật đưa ra, nhưng họ thận trọng không đề nghị một ai cả, chỉ cùng thốt câu sáo ngữ: “Chúng tôi sẽ đồng ý và hoan nghênh bất kỳ một ông vua nào mà Chính phủ bảo hộ tuyển chọn”. Riêng có Nguyễn Hữu Bài, Công bộ Thượng thư có nói đến cái tên Cường Để và có thái độ thẳng thắn ủng hộ”. (Thái Văn Kiểm - Đất Việt Trời Nam).

Ông Nguyễn Hữu Bài có chân trong tổ chức yêu nước Việt Nam Quang phục hội của Phan Bội Châu (Theo từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB KHXH, 1991). Hơn 20 năm sau, chúng ta còn thấy tấm lòng ưu ái của Nguyễn Hữu Bài với nhà chí sĩ họ Phan. Sau nhiều năm vận động cách mạng ở nước ngoài, tháng 6 năm 1925 cụ Phan Bội Châu bị tay sai Pháp bắt cóc ở Quảng Đông rồi từ Thượng Hải cụ bị giải về nước giam ở Hỏa Lò để chịu án vắng mặt có từ 12 năm trước. Thực dân Pháp định thủ tiêu kín, nhưng việc bại lộ phải đưa ra xử trước hội đồng Đề hình của chúng, kết án khổ sai chung thân. Nhân dân toàn quốc đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan, Toàn quyền Đông Dương bấy giờ buộc ra lệnh ân xá nhưng đưa cụ về an trí ở Bến Ngự. Trước sự việc, Toàn quyền Varenne lại hỏi thêm hỏi Hội đồng Thượng thơ: “Suốt từ Nam ra Bắc khắp mọi nơi đều sôi nổi yêu cầu xin ân xá cho cụ Phan. Vậy Nam triều nghĩ sao?”. Ông Nguyễn Hữu Bài đáp: “Ông Phan là người Việt Nam, nay Chính phủ Pháp đã ân xá, Nam triều còn nói gì”. Ông Varenne lại hỏi thêm: “Nay ông Phan về Huế, Nam Triều đối đãi ông thế nào?" Ông Bài liền đáp: "Ông Phan nguyên đậu cử nhân, ông cứ giữ địa vị như cũ. Nam Triều đối với ông như các ông cử nhân khác”. (Theo Thái Văn Kiểm - Đất Việt Trời Nam).

ÔNG BÀI PHẢN ĐỐI NGƯỜI PHÁP

Có nhiều việc ông Bài phản đối người Pháp. Trước hết có thể kể đến việc ông phản đối đào lăng vua Tự Đức. Tại khu lăng tẩm Tự Đức, có nơi cất đồ ngự dụng và hài cốt của vua nằm yên trong nhà bằng đá bên trong Bửu cấm thành. Mậu Thân 1908, ông Bài giữ chức Thượng thư bộ công, Khâm sứ Pháp Mahée đòi đào lăng vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Ông Bài lên tiếng chống đối, viện lý người Việt rất tôn trọng người chết; xúc phạm đến lăng vua là làm náo động lòng dân. Lý lẽ xác đáng cùng với thái độ cương quyết làm người Pháp bỏ ý định tham lam. Nhân dân và sĩ phu biểu dương ông và Ngô Đình Khả với câu ngạn ngữ: “Đày vua không Khả, đào mả không Bài”. Khả: tức Ngô Đình Khả không ký tên đày vua Thành Thái. Bài: tức Nguyễn Hữu Bài không chịu ký tên ủy nhiệm Mahée khai quật lăng Tự Đức. Nhân đây cũng cần nói thêm đôi điều về quan hệ giữa ông Bài với gia đình họ Ngô.

Dòng họ Ngô Đình vốn quê ở làng Xuân Dục, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình theo Thiên Chúa giáo từ thế kỷ XVII. Khoảng năm 1870, giai đoạn quân Pháp đánh chiếm Trung - Bắc Kỳ, phong trào Văn Thân nổi lên chống Pháp cứu nước và phát động phong trào giết Đạo thì dòng họ Ngô Đình bỏ làng Xuân Dục di cư về làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy. Theo những bô lão ở Quảng Bình, tổ tông ông Khả thuộc vào hạng bần dân khốn khó, sống bằng nghề chài lưới. Mãi cho đến đời ông khả, khi Pháp đánh chiếm được Quảng Bình mới liên hệ được với cố đạo để đi học chữ Hán và chữ Pháp tại trường dòng Penang. Năm 1885, phong trào Cần Vương ở Quảng Bình nổi lên phò vua Hàm Nghi chống Pháp, Ngô Đình Khả được quân Pháp và triều đình An Nam cử giữ chức An phủ sứ về tỉnh nhà lo việc bình định dưới quyền điều khiển của Đại tá Pháp Duvillier. Rõ ràng Ngô Đình Khả có công làm tay sai cho Pháp trong việc đàn áp phong trào kháng chiến chống thực dân xâm lăng dân tộc. Tuy là kẻ có công nhưng đường công danh của Ngô Đình Khả nửa đường gãy gánh. “Theo Diệm kể lại cho ký giả Shaplen năm 1962,  thì thân phụ của ông mất chức vì người Pháp nghi ngờ cụ Khả có liên hệ đến một âm mưu chống Pháp, vì chống lại người Pháp truất phế và đày vua Thành Thái… Theo nhiều vị cựu quan lại trong Nguyễn Phước tộc thì việc ông Khả mất chức thực ra là lúc làm cận thần, ông đã tự động dựng một ngôi giáo đường trong hoàng thành trái với màu sắc tôn giáo nơi cung cấm nhà Nguyễn, bất chấp những lời phản đối. Nhân cơ hội vua Thành Thái bị truất phế, triều đình hạch tội ông Khả khinh mạn Hoàng gia, giáng ông xuống 3 cấp và cho về hưu non” (Đỗ Mậu, Sđd tr 115). Nhưng theo Đỗ Mậu, vụ xây ngôi giáo đường này chỉ là một cái cớ. Nguyên nhân sâu xa là do mâu thuẫn thế lực: “Khâm sứ Trung kỳ Lévéque bấy giờ là người thuộc hội Tam điểm (Frane - Nacon), có khuynh hướng chống lại sự bành trướng quyền lực của hội thánh thiên chúa, có thái độ khinh mạn nhà vua và triều đình An Nam. Y có toàn quyền trong việc bổ nhiệm, thay đổi hay cách chức quan lại An Nam. Khả hội đủ 2 yếu tố cho Lévéque khinh ghét: Quan lại và Thiên chúa giáo lại không được các bạn đồng liên bênh vực nên khi Thành Thái bị truất phế, ông không còn tư cách gì làm cận thần… Vì vậy ngôi giáo đường trong Đại nội chỉ là cái cớ có thật cuối cùng. Tiếng đồn rằng vì “đày vua không Khả” nên Ngô Đình Khả bị mất chức cũng là tiếng đồn được phóng đại thêm vì chính cụ Bài không chịu ký vào giấy đào mả của vua, lại vừa công khai bênh vực Kỳ ngoại hầu Cường Để mà vẫn thăng quan tiến chức, nắm giữ giềng mối triều đình mấy chục năm trời”. (Sđs, tr 116).

Võ hiển Nguyễn Hữu Bài là nhạc phụ của Ngô Đình Khôi và là người đỡ đầu cho Ngô Đình Diệm (2 con trai Ngô Đình Khả). Trong vòng 10 năm Ngô Đình Diệm từ chức Tri huyện leo lên đến Thượng Thư: “Chỉ có Nguyễn Hữu Bài mới có đủ uy thế để tiến cử ông Diệm với vua Bảo Đại làm Thượng thư bộ lại thay thế mình về hưu khi Diệm còn rất trẻ, đương là Tuần vũ 1 tỉnh nhỏ”. (Sđd, tr 116).

Tất cả những điều vừa nói trên không ngoài tình cảm đồng môn giữa ông Bài và ông Khả và tình cảm gia đình vì ông Bài là nhạc phụ Ngô Đình Luyện, anh trai Ngô Đình Diệm. Những gì anh em dòng họ Ngô kịp để lại những vết nhơ trong lịch sử xảy ra khá lâu sau khi ông Bài mất và cái chính là đã dựa vào thế lực của tên thực dân mới.

Trở lại thái độ của ông Bài với người Pháp. Năm 1923 đời vua Khải Định, ông được thăng Thái phó, tước Võ hiển Đại học sĩ, đứng đầu Nội các. Người Pháp dùng uy lực, ngày 25-11-1925, buộc Nam triều phải ký điều ước nhường cho họ nắm giữ mọi quyền nội trị, chỉ dành riêng cho triều đình Huế phần trông coi công việc tế lễ mà thôi. Cơ mật việc đại thần Nguyễn Hữu Bài cùng quan thượng thư Trần Đình Bá cương quyết phản đối,  chống lại điều ước bất công này. Cuối cùng người Pháp buộc phải nhượng bộ, rút lui không ký được Điều ước 25-11-1925.

Vua Khải Định thành lập Viện cơ mật, trong dụ đặt cụ Nguyễn Hữu Bài Thượng thư bộ Lại làm Viện trưởng, có tên gọi là Cơ mật Viện trưởng đại thần. Năm 1933, Khâm sứ Trung kỳ định bỏ Viện cơ mật, cho 13 nhân viên về hưu và đặt thêm 1 chức “Viện trưởng Hội lý” để kiểm soát công việc của viện và dò xét các vị đại thần trong Viện Cơ mật. Ông Bài liền thảo lá sớ kháng nghị. Lại một lần nữa người Pháp buộc phải bỏ chức “Viện trưởng Viện Hội lý”.

Năm 1925, ông được vua Bảo Đại tấn phong Phước Môn Quận Công. Mãi cho đến khi Pháp cho vua Bảo Đại trực tiếp tham chính (1933). Nội các do ông đứng đầu mới từ chức. Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn có bài thơ ghi lại biến cố lịch sử này:

Năm cụ khi không rớt cái ình

Đất bằng sấm dậy giữa thần kinh.

BÀI không đeo nữa xin dâng LẠI

ĐÀN chẳng ai nghe khéo dở HÌNH

LIỆU thế không xong BINH chẳng được,

LIÊM đành chịu đói LỄ dừng dinh.

CÔNG danh như thế là hưu hỉ.

ĐẠI sự xin nhường kẻ hậu sinh.

(Bài: Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại. Đàn: Tôn Thất Đàn, Thượng thư Bộ Hình. Liệu: Phạm Liệu, Thượng thư Bộ Binh. Liêm: Võ Liêm, Thượng thư Bộ Lễ. Đại: Vương Tứ Đại, Thượng thư Bộ Công).

Cụ Bài về hưu lúc 70 tuổi, kết thúc chặng đường quan trường 50 năm. Bảo Đại phong cho ông chức Cố vấn nguyên lão, mỗi lần chầu vua không phải lạy. Hai năm sau ông mất tại Huế, an táng ở sở Phước Môn, Quảng Trị.

CÔNG LAO ÔNG BÀI TRONG VIỆC DI DÂN LẬP ẤP.

Sinh thời ông Nguyễn Hữu Bài có công lập ra nhiều nhàn điền mà những cụ cao tuổi ở Quảng Trị gọi là ngũ môn: Phước Sơn (ở Cửa Tùng). Mỗi sở đất chiếm cả vài trăm mẫu ví như Sở Phước Môn chiếm cả vùng giáp Tích Tường, Như Lệ về phía Đông trườn lên Tân Mỹ, Tân Lệ, Cơn Khế và cả rừng đầu nguồn về phía Tây. Về hình thức ngũ môn rất giống với những trang trại của các lãnh chúa phương Tây mà ông Bài đã có dịp ra nước ngoài học hỏi được. Điều đáng lưu tâm ở đây là cách tổ chức sản xuất tập trung, cách chọn giống cây trồng và giải quyết công ăn việc làm cho hàng loạt người lao động từ nhiều vùng. Ở Phước Môn khu vực trung tâm đất bằng được khai hoang san lấp thành vùng sản xuất lúa. Đập đàng có cả trăm, mương máng chằng chịt. Vườn đồi trung du trồng chè bán ký, trồng mít, dứa, chanh cam và nhiều loại cây lưu niên khác. Vùng gò đồi được quy hoạch trồng thông, đặc biệt cây quế được chú trọng và phát triển tốt. Chăn nuôi phát triển thành bầy, đàn đông đúc. Dân theo ông Bài đến lập nghiệp đa phần theo đạo Thiên chúa lẫn người lương từ Nam Ngãi, Thừa Thiên và đông nhất là các địa phương trong tỉnh Quảng Trị. Để quản lý, ông Bài cắt đặt người trông coi về phần ruộng, đê điều thủy lợi, sơn phần, không cho dân chúng trong vùng vào rừng khai thác bừa bãi.

Nhìn chung quy mô và mô hình sản xuất của ngũ môn tương tự nhau. Do điều kiện tự nhiên quy định, có khác nhau một vài chủng loại giống cây trồng. Ví như việc trồng dâu nuôi tằm, dệt vải của các chị (Nhà Phước) ở Phước Sơn Cửa Tùng qua mô tả của Léopold Cadière: “Họ trồng bông kéo chỉ, dệt vải to, đó là thứ vải riêng của tỉnh Quảng Trị. Họ còn trồng dâu nuôi tằm kéo tơ để dệt thao lụa hàng tốt, tiêu thụ rộng khắp ở trong nước lẫn nước ngoài. Sở tiểu công nghệ của các chị đã thu hút nhiều khách du lịch tới Cửa Tùng kể cả hai ông bà cựu Hoàng đế Bảo Đại…” ( Mission de Huế).

Nguyễn Hữu Bài còn là một nhà thơ. Ông để lại hơn trăm bài thơ chữ Hán, chữ Nôm truyền tụng trong dân gian. Di cảo của ông còn giữ được ở gia đình. Sưu tập, giới thiệu thơ văn của ông sẽ góp một phần không nhỏ vào việc đánh giá sự nghiệp của Nguyễn Hữu Bài đầy đủ hơn. Hy vọng sẽ có dịp đề cập vấn đề này trong một bài viết khác.

Y.T

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 4 tháng 01/1995

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

2 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

3 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground