Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trường Trung học kháng chiến Lê Thế Hiếu

I- Hoàn cảnh ra đời

Ngày 01-12-1946: Kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Ngày 17-02-1947: Giặc Pháp dùng đất Lào làm bàn đạp tiến về đường số 9, từ Huế tiến ra đánh chiếm thị xã Quảng Trị, thị xã Đông Hà và lan ra cả tỉnh. Bình Trị Thiên trở thành một chiến trường ác liệt nhất trong cả nước. “Bình Trị Thiên khói lửa” một địa danh tiêu biểu cho sự ác liệt của chiến tranh trong thời gian chống Pháp. Tỉnh Quảng Trị là một tỉnh nằm giữa miền đất khói lửa ấy và cũng nằm giữa ba từ ghép Bình - Trị - Thiên. Đây là mảnh đất đã chịu nhiều tàn khốc nằm giữa ba từ ghép Bình - Trị -Thiên. Đây là mảnh đất đã chịu nhiều tàn khốc của chín năm kháng chiến trường kỳ. Nhà văn Hồng Chương đã từng ngược đường số 9 theo đơn vị “Biệt động đường số 9” trong những ngày khói lửa đã ghi lại:

Núi ngàn lùi lại sau vai

Làng xa lấp ló giữa hai cái đồi

Đó là những năm tháng giành giật với địch từng tấc đất, vì nơi đây có con đường số 9 như một chiếc thắt lưng của bán đảo Đông Dương chạy từ bờ biển Đông ở phía Đông đến bờ sông Mê Kông ở phía Tây nối liền hai nước Việt Lào và tiếp cận với Thái Lan. Âm mưu của địch hòng chiếm được đường số 9 làm án ngự chia cắt hai vùng trù phú về sức người sức của nước ta, hòng cắt đứt đường dây liên lạc giữa Trung ương với miền Nam hòng làm cho lực lượng kháng chiến của ta suy yếu.

Mặc dù cuộc kháng chiến chống Pháp ở Quảng Trị gay go, ác liệt như thế nhưng các trường học được mở ra khắp nơi từ chiến khu đến đồng bằng. Ở các vùng ven đô thị ta cho phép lập hội tề để che mắt địch nhưng chính quyền vẫn trong tay cách mạng. Hệ thống trường học được mở ra khắp nơi. Trường được đặt rải rác trong nhà dân, mỗi lớp khoảng 25 - 30 học sinh là nhiều để dễ cơ động phân tán khi có địch càn quét.

Đến năm 1950, khi số lượng học sinh tiểu học khá nhiều và do yêu cầu bức bách của cuộc kháng chiến, tỉnh Quảng Trị đã có nghị quyết mở trường Trung học kháng chiến Lê Thế Hiếu. Đó là trường trung học đầu tiên duy nhất của Quảng Trị kháng chiến đặt tại chiến khu Cùa. Được tin quyết định thành lập trường trung học, học sinh khắp nơi trong tỉnh và ngay trong vùng tạm chiếm (thị xã Quảng Trị, thị xã Đông Hà)… tấp nập kéo nhau lên chiến khu để học tập. Mặc dù phải vượt qua hệ thống đồn bốt tháp canh của địch chằng chịt bủa vây. Tỉnh cử thầy Hồ Sĩ Phan, Huyện ủy viên Cam Lộ làm Bí thư chi bộ, thầy Phan Cử Nhân làm Hiệu trưởng, các thầy cô giáo bộ môn như thầy Nguyễn Khắc Thi, Phạm Viết Trinh, Hồ Đình Lô, Nguyễn Thế Tân, Đậu Xuân Trạch…

II- Nội dung dạy và học:

1. Với khẩu hiệu “Tất cả cho kháng chiến, tất cả để chiến thắng”, Trường Lê Thế Hiếu được Tỉnh ủy xác định là một pháo đài kháng chiến trên mặt trận giáo dục. Nhà trường đề ra khẩu hiệu “Thi đua đẩy mạnh sản xuất, tự cung tự cấp, tự lực cánh sinh, học để phục vụ nhân dân, học để phục vụ kháng chiến…” thầy và trò đã phát huy cao độ tự lực cánh sinh trong mọi sinh hoạt, đặc biệt là trong việc xây dựng trường lớp để học tập. Để tránh địch oanh kích bằng phi pháo, trường được phân tán từng lớp dưới lùm cây. Đó là những lớp học bằng tranh tre do thầy trò bỏ công sức vào rừng đẵn tre gỗ lá về dựng lớp. Bàn học là những tấm ván mượn của dân kê trên những rường tre buộc theo chiều dài lớp học. Ghế ngồi là những cây tre ghép lại, bàn ghế của thầy cô giáo cũng bằng tre đóng cố định xuống đất. Tất cả đều bằng tre nhưng rất đẹp.

Có thời gian địch oanh kích ban ngày liên tục thì lớp học được chuyển sang đêm. Có thời gian địch oanh kích ban đêm thì lớp lại học ngày. Xung quanh lớp học đều có hầm hào giao thông để sơ tán ra xa khi có tình huống. Học sinh được tổ chức theo nếp quân sự hóa. Mỗi lớp là một trung đội. Từ nhà đi đến lớp ở các trục đường chính đều có hố cá nhân, hào giao thông do học sinh thiết kế và thực hiện để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mệnh. Hàng tuần có báo động thực tập rút kinh nghiệm.

2. Chương trình học do Bộ giáo dục quy định nhưng sách giáo khoa thì không có và cũng không hoàn chỉnh. Dựa vào chương trình dưới sự chỉ đạo của Sở giáo dục Khu và Ty giáo dục tỉnh các thầy giáo phải soạn rất công phu. Các môn tự nhiên: Toán, Lý, Hóa, Vạn Vật (Sinh Vật) chủ yếu là sách giáo khoa cũ và tham khảo thêm sách của địch ở vùng tạm chiếm đưa ra, một phần dựa vào các sách toán của Nguyễn Thúc Hào, Lê Hải Châu, Lê Văn Thiêm… Các môn xã hội như văn, sử, địa,… chưa được hoàn chỉnh như hôm nay nhưng bảo đảm được phần cơ bản so với sách giáo khoa hiện hành. Riêng về văn được đưa vào nội khóa nhiều bài trên báo Nhân dân, Báo Cứu quốc và Báo của tỉnh để dạy thêm. Đặc biệt môn chính trị được thay bằng giờ chính trị thời sự. Công dân giáo dục mỗi tuần mỗi tiết nhưng trường luôn xác định môn quan trọng.

Tính chất toàn diện được thể hiện rất rõ trong cơ cấu chương trình và xuyên suốt thời gian cũng như trong giảng dạy môn Chính trị - Thời sự được tiến hành học tập dân chủ vào một buổi hàng tuần. Nội dung là các vấn đề thời sự ở trong nước và trên thế giới. Đơn vị học tập theo lớp do lớp trưởng hướng dẫn đã được nhà trường bồi dưỡng trước. Những buổi học tập dân chủ như thế có tác dụng lớn:

- Mọi người suy nghĩ và mạnh dạn phát biểu ý kiến với phương châm tự do tư tưởng rèn luyện tính mạnh dạn, cởi mở, khiêm tốn học hỏi nhau.

- Mặc dù thiếu cơ sở lý luận nhưng căn cứ các bài xã luận trên báo Nhân dân học sinh được bồi dưỡng quan điểm lập trường giai cấp vững vàng, đạo đức tác phong gương mẫu.

Chiều thứ bảy hàng tuần, nhà trường giành thời gian thích đáng để giải đáp thắc mắc. Những buổi sinh hoạt như thế rất vui vì học trò và thầy tranh luận nhau sôi nổi.

3. Để hòa nhập với phong trào kháng chiến, phục vụ đắc lực cho kháng chiến, trong quân đội có phong trào “Rèn cán chỉnh quân” trong Đảng có “Rèn cán chỉnh cơ”. Ở trường Lê Thế Hiếu đã tổ chức đợt học tập rèn luyện tư tưởng với tên: “Đợt cải tạo học tập” nhằm xác định mục đích, động cơ, tinh thần thái độ học tập đúng đắn, phê phán những tư tưởng tiểu tư sản trong học sinh. Các cuộc vận động học tập “Học sinh gương mẫu Hà Học Hợi” và các gương của chiến sĩ thi đua toàn quốc đã thành phong trào hào hứng sôi nổi trong toàn trường. Sau các đợt vận động như thế, trường đã xây dựng được nhiều học sinh gương mẫu về mọi mặt. Phong trào tự lực cánh sinh trong học tập, học tập động não được đề cao. Vai trò nhóm học tập cũng đồng thời phát huy để giúp nhau tiến bộ nhưng luôn chú ý vai trò cá nhân là chính.

4. Do tình hình chiến sự căng thẳng, địch chia cắt để cô lập chiến khu với đồng bằng, việc tiếp tế lương thực từ đồng bằng lên rất khó khăn. Cảnh cơm thiếu gạo khan, đói cơm nhạt muối đã xảy ra trong thời gian dài. Do đó học sinh phải nghĩ đến tăng gia sản xuất, tự cung cấp hoàn toàn để đảm bảo đời sống mới học tập được. Trường dành ba buổi trong tuần để sản xuất tự túc, chủ yếu là trồng sắn, khoai, bầu bí… Mặc dù chưa có sản xuất tập thể nhưng trường đặt vấn đề với địa phương tạo điều kiện cho học sinh về điều kiện đất đai, giống má.

Sau mỗi lần địch bắn phá, ném bom đạn, trường học bị đốt cháy, thầy trò lại tổ chức vào rừng đẵn gỗ cắt tranh để làm lại trường. Chỉ một tuần sau là trường lớp được xây dựng lại đàng hoàng hơn, kín đáo hơn, đẹp đẽ hơn.

Xin nói thêm để phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến, năm học được biên chế từ tháng giêng đến cuối tháng mười hai năm đó. Sau năm 1954 mới điều chỉnh lại như hiện nay.

Có thể nói rằng học sinh của trường Trung học Lê Thế Hiếu ngày ấy ai cũng trưởng thành nhanh chóng. Trong đó đáng kể nhất là vai trò lao động sản xuất và hoạt động xã hội được nhân dân rất yêu mến.

III- Hoạt động xã hội và phục vụ kháng chiến:

1. Quan hệ giữa thầy và trò trong thời gian này là quan hệ vừa thầy trò, vừa anh em. Tôi không biết vì sao lúc đó nhà trường bắt buộc học trò gọi thầy bằng “Anh”(1). Nhưng tiếng anh sao nghe đầm ấm thân thương mà không hề làm giảm tính tôn kính của thầy giáo tí nào. Quan hệ thầy trò lúc đó có nét thiêng liêng đặc biệt lắm! Một hôm thầy Nguyễn Khắc Trí bị máy bay địch ném bom làm sập hầm. Mặc dù dưới tầm bom đạn địch, tất cả học sinh ẩn nấp gần đó đã xông ra đào hầm cứu sống thầy, mặc dầu trời tối bưng nhưng, học sinh vẫn cáng thầy vượt suối, trèo đèo, băng rừng hàng chục cây số để đưa thầy vào bệnh viện tỉnh đóng tại Đá Nổi (Ba Lòng). Thầy Thi và một số học sinh khác được bệnh viện tỉnh cứu sống mà không dị tật. Các thầy giáo luôn gần gũi học sinh và cũng thật sự coi học sinh như em út. Chính vì vậy các thầy giáo được học sinh yêu mến quý trọng.

2. Lúc đó tổ chức Đoàn TNCQ trong trường rất mỏng nên vai trò Hiệu đoàn học sinh rất quan trọng. Hiệu đoàn là tổ chức học sinh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của nhà trường, các tổ chức ngành dọc là Tỉnh đoàn học sinh. Ở trường Lê Thế Hiếu, vai trò Hiệu đoàn được phát huy cao độ trong việc tự quản vì Tỉnh đoàn học sinh phần lớn là học sinh Lê Thế Hiếu. Hiệu đoàn có những hoạt động xã hội gắn liền với nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ như tuyên truyền kháng chiến, phát thanh hàng ngày trong nhân dân, giúp địa phương xóa mù chữ và dạy Bổ túc văn hóa, tham gia bảo vệ mùa màng, chống địch cướp phá mùa màng, tham gia tính thuế nông nghiệp và mọi chủ trương của tỉnh, huyện, xã. Học sinh còn sáng tác thơ, ca, hò, vè, kịch để phục vụ kháng chiến. Ngoài ra còn tham gia văn nghệ phục vụ các hội nghị của tỉnh, các ngày lễ lớn phối hợp với bộ đội Trung đoàn 95, Trường Quân chính Phân khu Bình Trị Thiên.v.v… Đã góp phần động viên tinh thần phấn khởi của nhân dân và quân đội.

Tuy bận học tập nhưng đã tích cực tham gia phá hoại đường số 9, cầu Đầu Mầu để cắt đứt đường giao thông địch trong chiến dịch đường 9 để phối hợp với Mặt trận Tây Bắc và Điện Biên Phủ.

Nhà trường sẵn sàng đóng cửa trường hai, ba tuần lễ để học sinh tỏa về đồng bằng, vùng tạm chiếm ven đô tham gia công tác thuế nông nghiệp, địch vận, bao vây kinh tế địch…

Đợt tham gia phá hoại cầu Đầu Mầu đã có học sinh bị thương do tai nạn lao động nhưng không đáng kể, nói chung bảo đảm được sinh mệnh, không có ai hoang mang ngại khổ.

3. Khi chiến sự ở Thừa Thiên căng thẳng, địch càn quét đồng bằng ráo riết, trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu (Thừa Thiên) có nhiều khó khăn, học sinh trường Lê Thế Hiếu đã góp tiền, góp gạo, cử đại diện vượt hàng trăm cây số đường vào chiến khu Thừa Thiên ủng hộ vật chất để các bạn học tập tốt (2).

Hiệu đoàn cũng đã tổ chức các cuộc hành quân cắm trại để tuyên truyền thắng lợi của các chiến dịch từ mọi miền đưa tới.

Hoạt động xã hội và phục vụ kháng chiến đã góp phần rèn luyện học sinh năng lực công tác. Đó là những tiền đề tạo cho học sinh trưởng thành sau này.

IV- Trưởng thành

Hòa nhịp với sự trưởng thành của kháng chiến, trường Lê Thế Hiếu càng có nhiều thành tích đáng kể trong việc đào tạo học sinh theo mục tiêu, do đó công đức của nhà trường ngày càng tăng. Đầu năm 1952, nhiều học sinh của trường được Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh cho đi học để đào tạo cán bộ cho tỉnh nhà. Những đoàn học sinh băng qua đường 9, vượt dốc Ba Rền ra Việt Bắc, có số qua Trung Quốc, Liên Xô,… học tập đã cổ vũ khích lệ học sinh khắp nơi trong tỉnh lên chiến khu Cùa để học tập. Tuy nhiên cũng có một vài người (cá biệt) không chịu được gian khổ của hoàn cảnh chiến tranh (cơm thiếu, gạo khan, sốt rét rừng…) đã trở về vùng tạm chiếm. Nhưng nói chung tuyệt đại đa số học sinh đã được giác ngộ cách mạng nên đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ để học tập, rèn luyện, luôn ý thức góp phần kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Như trường đã cung cấp cho kháng chiến nhiều cán bộ tốt, trong mọi lĩnh vực. Hiện nay có người đã giữ cương vị chủ chốt ở một số cơ quan khắp mọi miền đất nước. Nhiều người trở thành Giáo sư, Phó tiến sĩ, Tiến sĩ. Có người đã ngã xuống khắp các chiến trường thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Những gương học tập, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành của học sinh trường Lê Thế Hiếu đã tô thắm truyền thống đẹp đẽ của quê hương Quảng Trị anh hùng. Những học sinh của trường luôn nhớ ơn công lao dạy dỗ nhiệt tình của các thầy cô giáo và sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền huyện, xã Cam Lộ cũng như sự đùm bọc yêu mến của nhân dân xã Cam Lộc nay là Cam Chính và Cam Nghĩa.

Tự hào thay những thầy giáo và học sinh trường Trung học kháng chiến Lê Thế Hiếu đã được sự tin cậy và còn ghi lại dấu ấn trong nhân dân chiến khu Cùa những ấn tượng sâu sắc về phẩm chất người học sinh kháng chiến và cách mạng.

H.Đ.T

 ______________________

(1) Vì quen gọi thầy bằng anh nên khi chúng tôi ra học cấp ba Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) lúc đó đóng tại Bạch Ngọc - Đô Lương phải gọi bằng Thầy rất ngượng - Có khi gọi nhầm là anh bị thầy phê bình.

(2) Trường Lê Thế Hiếu kết nghĩa với tường Nguyễn Chí Diểu ở Thừa Thiên.

Hồ Đắc Thắng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 6 tháng 03/1995

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground