Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xưởng quân giới Hùng Việt

S

au ngày cách mạng tháng Tám 1945 thành công, việc xây dựng lực lượng vũ trang đã dặt ra một loạt vấn đề bức thiết: Cán bộ, vũ khí, lương thực. Những nhu cầu to lớn ấy phải giải quyết trong hoàn cảnh đất nước ta bốn bề địch bao vây, khó khăn chồng chất.

Liên hệ tình hình đó về mặt vũ khí ở tỉnh ta, cán bộ chiến sĩ các lượng vũ trang kể cả chi đội Thiện Thuật đơn vị LLVT tập trung của tỉnh, lúc ban đầu cũng chỉ được trang bị bằng các loại vũ khí thô sơ như gươm kiếm, đại dao,… là chủ yếu, một đại đội có vài ba chục khẩu súng trường cũ kỹ đủ các loại: Remington, Mousqueton, súng trường Nga, súng săn một nòng, súng săn hai nòng..

Để giải quyết khó khăn về vũ khí, ngày 15/09/1945, Hồ Chủ tịch ra sắc lệnh thành lập phòng quân giới thuộc Bộ Quốc phòng. Người trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đồng chí phụ trách, chỉ dẫn việc tổ chức sản xuất và mua sắm vũ khí cho quân đội.

Thực hiện chủ trương đó của Hồ Chủ tịch, ở nước ta, Tỉnh ủy quyết định thành lập xưởng sửa chữa vũ khí của tỉnh, lúc đầu gọi là xưởng Đội Quyên, đặt ở làng Như Lệ (Hải Lăng). Lực lượng công nhân của xưởng Đội Quyên khi mới thành lập gồm một số công nhân ở các nhà máy đèn, máy nước trước đây chuyển sang, một số học sinh cũ Trường Kỹ nghệ Huế như Xăn Việt Tùy, Phan Thanh Bình… tham gia. Dụng cụ máy móc của xưởng sơ sài, què quặt. Anh em cán bộ công nhân vừa làm vừa học, tự đi tìm nguyên vật liệu để sản xuất. Được sự phối hợp, động viên giúp đỡ của các đồng chí trong ban chỉ huy chi đội Thiện Thuật (về sau là Trung đoàn 95) và ban chỉ huy đại đội dân quân Lê Hồng Phong của tỉnh, xưởng Đội Quyên đã sửa chữa được các loại súng hỏng, hóc, kịp phục vụ công tác huấn luyện quân sự của các LLVT trong tỉnh và cuộc chiến đấu chống bọn tàn quân Pháp của quân và dân tỉnh ta trên mặt trận phía Tây đường 9.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) xưởng Đội Quyên cử anh Văn Tôn cán bộ của xưởng ra khu IV xin máy móc dụng cụ. Số cán bộ, công nhân của xưởng thực hiện chủ trương của tỉnh chia làm hai kíp: kíp 1 gồm 15 người do anh Nguyễn Thế Suyền phụ trách, chuyển ra Gio Linh, tìm địa điểm đặt máy, tiếp tục sửa chữa súng đạn cho các LLVT làm nhiệm vụ ở mặt trận Bắc Quảng Trị; kíp 2 cũng gồm 15 cán bộ, công nhân do anh Tôn Thất Điền lãnh đạo, đưa một số dụng cụ máy móc của xưởng xuống thuyền, di dộng trên sông phục vụ theo yêu cầu mặt trận thị xã Quảng Trị, Đông Hà… Kíp 2 hoạt động trên sông Thạch Hãn trong thời gian ngắn khoảng nửa tháng thì được chuyển lên Lan Đình (Gio Linh) sáp nhập vào kíp 1. Sau đó toàn xưởng chuyển ra Thượng Lập (Vĩnh Linh) tiếp tục nhiệm vụ.

Khi quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Linh (30-3-1947), anh em cán bộ công nhân của xương thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, cùi cõng máy móc dụng cụ tìm đường trở vào Cùa. Sau 7 ngày đêm thiếu ăn, khát uống, băng rừng, vượt suối, chui qua các đồi đầy lau lách, gai mây cào rách cả áo quần, da thịt để đến vùng Cùa. Nhớ lại chặng đường gian truân đó, bác Văn Việt Tùy nguyên là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (1947) phụ trách xưởng kể lại: “ Trong xưởng có nhiều anh em công nhân, viên chức, học sinh chưa bao giờ đi chân đất, leo đá tai mèo, trèo dốc, nay cố sức đi cho kịp anh em khác, mệt không tưởng được, nếu không, bị tụt lại đằng sau có khi bị cọp vồ. Bàn chân bị toạc da tươm máu, sên bám vào hàng chục con trong một lúc, anh em chúng tôi chống lại bằng cách cắt ống tay áo, nhai thuốc lá vắt nước bết vào rồi bó bàn chân lại, thay giày. Làm như vậy vừa chống được sên, vừa đi khỏi đau chân. Dọc đường, dạo ấy gặp lúc trời nắng như thiêu như đốt, khi bắt gặp được vài cây chuối ri (rừng), anh em chúng tôi xúm lại, bóc bẹ già vứt đi, cắt khúc ruột chuối non cho mỗi người một khoanh để nhai cho đỡ khát nước, lúc ấy mọi người chúng tôi ai cũng cảm thấy sao mà mát lạ! Anh Tôn Thất Điền lục trong ba lô của mình, tìm được một bánh đường đen sót lại, anh mừng quýnh reo lên, rồi đưa ra băm nhỏ, phân phát cho mỗi người một tý, ai cũng mừng như lúc nhỏ dại mỗi lần mẹ đi chợ về cho kẹo v.v…”

Tháng 7-1947, đoàn cán bộ, công nhân khu IV chuyển máy móc nguyên liệu vào cho Quảng Trị. Bác Văn Viết Tùy kể tiếp: “Trong thời gian ra Khu IV, anh Văn Tôn đã xin Khu IV bổ sung cho xưởng 20 cán bộ, công nhân, 2 máy tiện, 5 tấn hàng quốc phòng. Từ khu IV vào Quảng Trị, đoàn do anh Văn Tôn phụ trách, đi bằng đường biển, cập bến tại Gia Đẳng (Triệu Phong). Có hàng vào, anh em chúng tôi ai cũng mừng, tập trung lực lượng hối hả đi chuyển hết máy móc, nguyên vật liệu đó lên miền tây Hải Lăng… Cuộc di chuyển rất hứng thú, phấn khởi nhưng cũng rất vất vả, ác liệt. Từ Gia Đẳng lên theo đường chợ Cạn, qua sông Vĩnh Định băng rú Trà Lộc lên Thượng Xá, vượt qua quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam. Trên đường hành quân bị địch lung, địch phục kích bắn chết một đồng chí!:”.

Đoàn Khu IV vào bổ sung, đưa tổng số lực lượng cán bộ, công nhân của xưởng lên 68 người, trong đó có 48 cán bộ công nhân của Trung đoàn 95.

Xưởng quân giới Hùng – Việt được chính thức thành lập vào ngày 10-10-1947. Trong buổi lễ ra mắt, có đồng chí Nguyễn Xuân Luyện Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh dự và giao nhiệm vụ cho xưởng.

Một là sửa chữa các loại vũ khí, kịp phục vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Hai là nghiên cứu cải tiến vũ khí lấy được của địch để sử dụng; đồng thời củng cố nhiệm vụ nghiên cứu cách chống phá vũ khí, phương tiện chiến đấu của địch.

Ba là, đào tạo công nhân cho ngành quân giới.

Đề phòng địch càn quét, phá hoại, xưởng quân giới Hùng- Việt chia làm hai phân xưởng, một xưởng đón ở Khe Me, một phân xưởng khác đóng ở Khe Dầu. Hai phân xưởng ở cách nhau khoảng nửa ngày đi bộ theo đường rừng. Phân xưởng ở Khe Me chịu trách nhiệm sửa chữa súng, nhồi thuốc súng. Phần xưởng ở Khe Dầu làm nhiệm vụ đúc lựu đạn, mìn các loại.

Toàn xưởng có phòng kỹ thuật và phòng hậu cần. Phòng kỹ thuật do đồng chí Trần Anh Vinh làm trưởng phòng, phòng có 2 ban: một ban chuyên nghiên cứu cách sửa chữa các loại vũ khí một ban khác làm thí nghiệm chế tạo các loại mìn, lựu đạn… Phòng hậu cần gồm 20 người ( phần lớn là những thanh niên nông dân khoẻ mạnh vừa tuyển từ các huyện đồng bằng đưa lên) do anh Nguyễn Duyệt phụ trách. Phồng hậu cần lúc này chủ yếu làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm từ các đồng bằng lên; sưu tìm hoặc đi mua nguyên vật liệu từ các địa bàn trong tỉnh, có khi phải vào tận thành phố Huế để mua các thứ: axit, cồn, lưu huỳnh, diêm tiêu…

Sinh hoạt ăn ở của cán bộ, công nhân ở xưởng trong năm đầu cũng nằm trong hoàn cảnh chung hết sức thiếu thốn. Gạo đã ít lại bị ẩm thối, thức ăn chỉ có muối, nước ruốc, áo quần phải tự túc, mỗi lần tắm giặc, anh em phải bận nhờ áo quần  của nhau. Sang năm 1948, mỗi công nhân cán bộ ở xưởng mỗi người một năm được cấp một bộ áo quần. Cán bộ hay đi công tác, công nhân tiếp liệu được cấp thêm một áo trấn thủ một đôi dép cao su.

Xưởng ở giữa rừng sâu nên hay bị đau ốm, nhất là bệnh sốt rét hoành hành. Thuốc Kinin không đủ để điều trị nên trong thời gian hơn một năm đầu đã có 7 người trong xưởng chết vì sốt rét.

Trong khó khăn gian khổ nhưng tinh thần cán bộ cũng như công nhân rất cao, lúc nào cũng hào hứng phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có được như vây, trước hết là do anh em tự xác định được nhiệm vụ của mình là tất cả cho cuộc kháng chiến, đánh thắng giặc Pháp, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Thứ hai là sự chăm lo lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBKCHC tỉnh được kịp thời. Công tác tư tưởng, chính trị lúc nào cũng được coi trọng, đặt lên hàng đầu. Việc tổ chức học tập chính trị, văn hóa được tổ chức nghiêm túc, giáo viên giảng dạy cũng như học viên có trách nhiệm rất cao, tranh thủ hết mọi thời gian để học…

Nhờ vậy, trong thời gian năm rưỡi (kể từ khi thành lập xưởng quân giới Hùng- Việt), bác Văn Việt Tùy cho biết: Xưởng đã sửa chữa được hàng trăm súng trường, 130 khẩu trung, đại liên, sản xuất tròn 200 bom (bom ba càng, bom cầu vồng), và mìn (mìn làm bằng vỏ hộp sữa bò với mảnh chai…), trên 1 vạn quả lựu đạn (lựu đạn treo, lưu đạn chày…).

Với thành tích đó, cuối năm 1948, xưởng quân giới Hùng - Việt được Công đoàn sản xuất vũ khí Khu IV tặng cờ “Tiên phong”, UBKCHC Phân khu cấp bằng khen về thành tích “giữ vững cơ sở” qua trận càn lớn của địch vào tháng 9-1948.

Sau khi phòng đại diện quân giới Khu IV ra đời (01-1949), một bộ phận xưởng quân giới Phạm Hồng Thái (Thừa Thiên - Huế) được tăng cường cho xưởng quân giới Hùng - Việt, từ đó xưởng quân giới Hùng - Việt mang tên mới! Việt – Thái. Xưởng quân giới Việt - Thái trực thuộc quân khu IV.

T.S

 

________

* Chú thích: Bài viết đã sử dụng một số tư liệu do các đồng chí Văn Việt Tùy, Phan Thanh Bình… nguyên là cán bộ của xưởng quân giới Hùng Việt kể lại. Đồng chí  Văn Việt Tùy về hưu ở thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Thanh Bình về hưu ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, Hải Lăng.

Thanh Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 7 tháng 04/1995

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground