Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức Quảng Trị nước mắt và nụ cười

Những năm tháng cầm máy ảnh của tôi trong chiến tranh tuy ngắn, nhưng nó gắn liền với những chiến dịch lớn, những giai đoạn ác liệt nhất tại mặt trận Quảng Trị nơi một thời lẫy lừng chiến công. Đặc biệt với chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, địa danh này đã vùng lên như một chiến địa nóng bỏng nhất trong lịch sử chiến tranh giải phóng ba mươi năm của dân tộc ta. Nơi mà phía bên kia các hãng tin phương Tây từng gọi là “Mùa hè đỏ lửa”. Cũng chính nơi đây, đội ngũ phóng viên, báo chí, các chiến sĩ văn hóa - văn nghệ cả nước đã có dịp hội tụ. Cái “binh chủng đặc biệt” ấy cũng đã sống, chiến đấu, lập công và hy sinh như những chiến sĩ thực thụ. Là phóng viên nhiếp ảnh mặc áo lính, chúng tôi vừa là người trong cuộc, vừa là chứng nhân, chép sử bằng hình ảnh. Phải ghi lại cho hôm nay và mai sau những hình ảnh trung thực về con người và mảnh đất huyền thoại, mọi đối đầu lịch sử giữa chính nghĩa và bạo tàn, nơi máu - nước mắt và nụ cười hòa trộn những chuyện chỉ có trong cổ tích.

Một phần tư thế kỷ trôi qua thật nhanh, song trong tôi ký ức về một miền đất khói lửa luôn sống động và mới mẻ. Tôi lần giở những tấm ảnh thời chiến đã ố vàng, những tấm phim đã bắt đầu mờ vì bụi và nấm mốc. Những thứ mà tôi luôn giữ gìn như “của gia bảo”. Từ những vật nhỏ bé và vô tri ấy bỗng một thời bom đạn ập về.

Cái quyết liệt của cuộc chiến được biểu hiện ngay từ lúc bộ đội ta kiên trì bám địch. Ngày đêm dai dẳng trên đầu là “Đầm già”, “Cán giáo”- tên các loại máy bay trinh sát địch - rồi bom bi, B52, bom tọa độ… Sau những trận bom hủy diệt là những trận bom không nổ. Những tờ truyền đơn kêu gọi sự sống thấp hèn. Ống kính chúng tôi đã kịp “in” được dấu những bàn chân đi dép cao su xéo lên những tờ truyền đơn trắng bệch, tương phản với những hố đen nham nhở của những hố bom B52 như càng làm trơ thêm bộ mặt bỉ ổi của bè lũ xâm lược. Vượt lên trên sự hủy diệt sự sống mãnh liệt, không hiếm những nụ cười dễ thương trên gương mặt anh giải phóng quân trẻ tuổi, trên đôi mắt dịu hiền của những cô du kích “vành đai” dày dặn khói lửa. Một chiến sĩ vừa chỉ đường cho xe tăng của ta đi qua, anh cúi xuống nâng niu vuốt lại từng nhánh cỏ non mùa xuân. Xe tăng đại đội 5 dừng lại ở một khu rừng. Chỉ chốc lát chúng tôi đã thấy từng cụm phong lan, cỏ cụm đã nở những nhành hoa trắng muốt, tỏa hương thơm ngào ngạt được treo lủng liểng trên nòng pháo hay trên giàn ngụy trang. Một đại đội pháo binh vừa “Cơ động” sau những trận giã pháo chính xác vào căn cứ địch, các pháo thủ vừa dừng chân đã bẫy được những “chú” sóc nâu, có khi là một “chị” khiếu hót hay. Anh em thức cả buổi trưa để đan nhanh những chiếc lồng “dã chiến” xinh xắn treo chúng trước hầm pháp. Thậm chí có khẩu đội đã nuôi cả một đàn ong mật trong thùng lương khô đã bỏ. Khi pháo gầm lên, ong chui vào tổ, pháo bắn xong ong bay ra mừng tíu tít. Những “pô” ảnh được ghi lại trong các “công viên” lưu động dưới tầm B52 này đã làm chúng tôi xúc động tận đáy lòng. Anh Gia Bình, cán bộ tuyên huấn đoàn 31 (bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị), một người thích làm thơ và ham chụp ảnh. Trong một lần đi bám địch  ở “vành đai” về, ghé qua một đơn vị du kích ở Triệu Phong, chiếc máy ảnh chiến lợi phẩm của anh đã ‘chớp” được một bức ảnh khá độc đáo.

Trong căn hầm làm bằng chiếc xe bọc thép Mỹ M.113 nửa nổi, nửa chìm, một cô gái du kích đang thận trọng chải lại mái tóc bồng xanh mượt trước một tấm gương cũng là “chiến lợi phẩm” thu được trên cửa kính xe tăng địch. Trên môi người con gái nở một nụ cười duyên dáng, e thẹn. Và khi gặp chúng tôi, “tác giả” bức ảnh đã xin bằng được mấy mẫu giấy ảnh, rồi hì hục in ảnh tới khuya dưới hầm bằng đèn pin, để rồi sáng ra “triển lãm” kịp thời tác phẩm nhỏ xíu nóng hổi nhiệt tình của ảnh cho các chiến sĩ thưởng thức.

Đi chiến trường, điều mơ ước cao nhất của người phóng viên nhiếp ảnh là làm sao ghi được hình ảnh người chiến sĩ ở tư thế đẹp nhất: Tư thế dũng mãnh xung phong đạp lên đầu thù hình ảnh thất bại thảm hại của lũ giặc giàu phương tiện chiến tranh nhưng tinh thần thì quá nghèo nàn, bạc nhược…

Thời cơ lớn đến với chúng tôi. Ngày 26.3.1972, tiếng súng hợp đồng binh chủng đồng loạt vang lên trên khắp các tuyến phòng ngự của địch trên trục đường số 9, báo hiệu chiến dịch lịch sử giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Mở đầu là trận “mưa pháo” chưa từng có của quân giải phóng nhằm vào hàng rào điện tử mác- na- ma- ra. Bằng ống kính tầm xa trên đài quan sát ở điểm cao X, phóng viên quân đội Lê Minh Điền lia máy ghi lại trận tiến công như vũ bão với hàng chục căn cứ bốc cháy ngay từ loạt đạn đầu  của pháo binh quân giải phóng. Vũ Tạo, Triệu Hùng, Hải Nam (phóng viên báo QĐND và thông tấn quân sự) bám theo một đơn vị bộ đội địa phương luồn sâu vào lưng địch phía đồng bằng. Các anh có mặt đúng lúc và ghi lại hình ảnh đồng bào Gio Linh, Cam Lộc, Mai Lộc nổi dậy giành chính quyền làm chủ. Tại đây các anh đã có những tấm ảnh làm nức lòng người xem.

Tôi và một số anh em nữa xin xuất kích với một đơn vị thiết giáp quân giải phóng. Lần đầu tiên, được sự chi viện của pháo binh, đoàn xe tăng của chúng tôi giữa ban ngày nổ máy trườn lên những con đường mới toanh, uốn khúc, nằm phía đường Chín phóng nhanh. Dọc con đường bất ngờ, vừa kỳ diệu này, bộ đội công binh hiệp đồng với dân công hỏa tuyến, tay cuốc, tay xẻng đứng đón những đoạn đường khó đi, sẵn sàng “khắc phục” cho xe tăng qua. Ở một đoạn đường, chị em dân công hỏa tuyến vẫy xe tăng dừng lại để tiếp sức cho chúng tôi bằng những bình nước mát ngọt tình chiến đấu. Tôi xách máy ảnh nhảy xuống đường, đưa máy lên định bấm. Bỗng có những bàn tay khỏe mạnh nhưng lấm láp túm chặt lấy máy ảnh của tôi:

- A! Anh bộ đội nhà báo! Cho chúng em một “pô” ảnh kỷ niệm với các anh xe tăng nào!. Thấy các “o” xúm lại đông, tôi hoảng quá định nhảy lên xe trốn nhưng không kịp. Tôi phải chụp những bức ảnh hoàn toàn “theo yêu cầu” của chị em. Xe chạy rồi, chúng tôi nghe những tiếng đùa không dứt, át cả tiếng máy nổ:

- Cố lên chị em ơi! Mai mốt thế nào “Bố cháu” ở nhà cũng được coi hình chị em mình đấy nhé!

Chiều 31.3.1972, căn cứ Đầu Mầu - Trên trục đường số Chín - rung lên bởi những loạt pháo chính xác của quân giải phóng. Đợi cho pháo chuyển làn, tôi lắp cuốn phim mới vào chiếc máy ảnh “pratica”, kiểm tra lại chiếc máy “ky- ép” dự phòng, xốc khẩu tiểu liên kẹp một bên, chạy theo tổ bộ binh chọc thẳng vào căn cứ này. Đây là một vị trí vững chắc nhờ hệ thống hỏa lực Mỹ trang bị cộng với hệ thống hầm ngầm, hầm cố thủ, dây thép gai, hàng rào mìn tự động các cỡ, lại nằm trên quả đồi có độ dốc trên 40 độ. Căn cứ này trong tầm chi viện liên hoàn giữa điểm cao 544 (căn cứ Phu - lơ), đồi Tròn và căn cứ hỏa lực Tân Lâm (với pháo “vua chiến trường”).

Khi bộ đội ta xung phong, tên thiếu tá tiểu đoàn trưởng ác ôn Tôn Thất Mãn, chỉ huy căn cứ này bỏ chạy về căn cứ Tân Lâm. Binh lính bối rối, sức kháng cự yếu đi, toàn căn cứ bị bao trùm trong khói lửa và tiếng hô “Xung phong!”. Tôi chỉ còn kịp lăn xuống một chiến hào nông ngay bên cạnh. Mấy giây sau, khi thấy mấy anh chiến sĩ lướt qua, tôi liền  nhỏm dậy leo lên cao. Bỗng trước mắt tôi hiện ra một cảnh tượng làm tôi bàng hoàng: Trong làn khói bụi  mờ mờ, một đống xác lính địch, nhiều cái đã được bó lại từ trước (ý chừng để chờ máy bay trực thăng đến chở đi) bên cạnh xác vừa gục ngã ngổn ngang súng đạn Mỹ. Bên phải, phía cao hơn, trên nóc lô cốt làm bằng bao cát, chiến sĩ ta đang leo lên, đang phất cờ, người chĩa súng trút đạn về phía những tên địch ngoan cố chống cự. Trong một giây thoáng qua, trong đầu tôi vụt lóe lên hình ảnh bấy lâu mong đợi. Như máy, tôi giơ nhanh ống kính lên: Khuôn hình hiện rõ xác giặc và bóng các chiến sĩ ta phất cờ xung phong. Tôi bấm liền ba kiểu như cùng một khoảnh khắc. Lòng tôi trào lên một cảm xúc khó tả. Cái “giây phút bấm máy” hiếm hoi ấy đã giữ lại vĩnh viễn trong bức ảnh “Chiếm căn cứ Đầu Mầu” mà nhiều người biết tới.

Làn gió chiến thắng còn cuốn hút tôi vào cơn lốc của chiến dịch. Tôi đã chụp liên tiếp “Vua chiến trường”, “pháo cực nhanh” binh lính địch phản chiến trở về với cách mạng, những nụ cười hiên ngang của các chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm với mưa bom bão đạn.

Điều quan trọng đối với phóng viên chiến trường không chỉ là chụp ảnh tại trận mà đưa được hình ảnh về an toàn, kịp thời để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin còn quan trọng hơn vì nó không kém phần nguy hiểm. Tôi đã chạy bộ ngày đêm quên cả ăn ngủ và hiểm nguy hoặc bám theo xe tải thương vượt qua bom đạn, quyết giành giật với thời gian từng giây từng phút. Cho nên không có gì lạ khi mỗi gói phim trong người tôi đều ghi dòng chữ: “Phim chụp tại mặt trận. Nếu tôi hy sinh, xin chuyển giúp về…”. Nhưng may mắn đã thuộc về tôi, để đến hôm nay tôi vẫn còn có thể ngồi suốt đêm lần giở những thước phim, vuốt lại những tấm hình còn thắm đượm bao kỷ niệm. Và để con cháu chúng ta hôm nay cũng như mai sau biết được cha anh chúng đã sống và chiến đấu như thế nào?

Đ.C.T

(Nguyên PV nhiếp ảnh chiến trường tại mặt trận Quảng Trị)

 

Đoàn Công Tín
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 38 tháng 11/1997

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground