Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cửa Việt - đất lành của những cây bút trẻ

Trên mảnh đất không được nhiều ưu đãi từ thiên nhiên, thì lao động luôn đòi hỏi sáng tạo. Hay nói cách khác, sự sáng tạo phải là yếu tố quan trọng đầu tiên để vượt qua gian nan thử thách. Quảng Trị, vùng đất khó khăn về địa thời địa thế, vùng đất đi qua chiến tranh với biết bao tang thương mất mát. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, mảnh đất ấy vẫn tiềm tàng một sức sáng tạo mãnh liệt. Chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật, những nghệ sĩ trên quê hương Quảng Trị đã nối tiếp nhau, tạo nên một sự kế thừa trên hành trình sáng tạo, mang đến cho đời những giá trị tinh thần cao đẹp.

Những năm 1990, sự ra đời của Tạp chí Cửa Việt đã tạo nên một diễn đàn văn nghệ để tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Từ những lớp văn nghệ sỹ đầu đàn có công sáng lập ra tờ báo như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Xuân Đàn cùng những nhà văn có tên tuổi khác đóng góp cho tờ báo định hình như Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Hà, Lê Thị Mây, Cao Hạnh. Trong luồng gió Đổi Mới, văn nghệ sĩ Quảng Trị đã sáng tạo nên những tác phẩm được dư luận chú ý. Từ Cửa Việt, một thế hệ viết mới, trẻ trung, nhiệt huyết, yêu nghề đã xuất hiện và dần được chú ý trên văn đàn như Đinh Như Hoan, Lâm Chí Công, Nguyễn Tiến Đạt, Lê Đức Dục, Nguyễn Hoàn, Đào Tâm Thanh, Trần Hoài, Phạm Minh Quốc, Cát Miên… Cũng từ những tác phẩm đầu tiên được in trên Cửa Việt, tác giả Trần Thanh Hà đã mạnh dạn xuất hiện trên báo chí cả nước, và giải nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 1996 đã khiến chị như một hiện tượng văn chương.

Văn nghệ Quảng Trị ngày càng được chú ý nhiều hơn nhờ lớp tác giả trước “cứng nghề” và lớp tác giả sau xuất hiện một cách tự tin. Báo giấy, báo mạng, các trang blog cá nhân phát triển mạnh tạo cơ hội cho các tác giả công bố tác phẩm để khẳng định bản thân. Đó là thế mạnh của các tác giả trẻ sau này. Nhưng điều đáng trân trọng là họ vẫn luôn tin tưởng Tạp chí Cửa Việt để gửi gắm những sáng tác mới nhất của mình, điều đó làm cho Ban Biên tập Cửa Việt hết sức phấn khởi và nâng niu chăm chút cho những tác phẩm đó. Từ sự tương tác này, các cây bút đã tạo nên một cộng đồng, một đội ngũ thường xuyên xuất hiện trên Cửa Việt với những tác phẩm gây được dư luận.

Hoàng Hải Lâm là một người viết lặng lẽ, xuất hiện đầu tiên trên Cửa Việt năm 2009 với truyện ngắn Hương ngọc lan. Ngay sau đó, anh được văn đàn chú ý khi truyện ngắn X-quang cho một tâm hồn lọt vào top ten báo Văn nghệ năm 2011 và vào vòng chung khảo cuộc thi truyện ngắn uy tín bậc nhất. Từ thành công bước đầu đó, Hoàng Hải Lâm đã chứng tỏ mình là một cây bút khỏe khoắn, các báo chí trong nước thường xuyên đăng truyện của anh. Không dừng ở truyện ngắn, Hoàng Hải Lâm đã thử sức với thể loại tiểu thuyết và được NXB Công an nhân dân in cuốn Trả nợ A-dam.

Lê Như Tâm làm thơ, viết tản văn. Cả hai thể loại này được anh sáng tạo đều đặn, đan xen và hầu hết đều công bố trên Tạp chí Cửa Việt. Với tập thơ trình làng Thức (2012). Là một giọng thơ cách tân kỹ thuật, một hơi thở mới lạ có thể đánh dấu cho sự chuyển pha của thế hệ làm thơ trên quê hương Quảng Trị. Tản văn của Lê Như Tâm lại mang nặng nỗi ưu tư về đời sống, qua đó thể hiện anh là người quan sát đời sống rất kỹ, tiêu biểu là tập tản vănBóng lặng cuối thềm ngày (2015).

Đoàn Phương Nam sinh ra và lớn lên ở Cà Mau nhưng lấy chồng và về sống tại Quảng Trị. Chị trở thành một cây bút của Quảng Trị và đánh dấu sự chững chạc của mình với truyện dài Lý hàng khơi, đạt giải thưởng sáng tác Văn học tuổi 20 do NXB Trẻ tổ chức. Giải thưởng danh giá này đã giúp Quảng Trị lần đầu tiên điểm tên vào danh sách các địa phương có giải. Chị chọn Quảng Trị là có duyên và sự thành công bước đầu của chị khích lệ cho các tác giả trẻ quê nhà tham gia các sân chơi văn học lớn, uy tín.

Hoàng Công Danh in thơ trên Cửa Việt từ khi còn học sinh. Sau một thời gian làm thơ, lại chuyển qua bút ký. Những năm học tập ở nước ngoài, anh vẫn gửi ký về in đều trên Cửa Việt, đó là những bút ký khắc khoải nỗi niềm với quê hương được viết bằng giọng mộc mạc, suy tư. Sau bút ký là truyện ngắn. Và như một cơ duyên, anh trở thành người của Tạp chí Cửa Việt. Hoàng Công Danh sáng tác đều tay. Đến nay anh đã ấn hành 3 tập sách ở NXB Trẻ: Cõng nhau trong một cõi người (2013), Khói sẽ làm mắt tôi cay (2014), Chuyến tàu vé ngắn (2016).

Diệu Ái xuất hiện trong chuyên mục Góc tâm hồn của Dân Trí điện tử với tản văn. Nhưng có lẽ, Cửa Việt mới là nơi phát hiện ra thế mạnh của chị, đó là thể loại truyện ngắn. Những truyện ngắn về đất và người Quảng Trị hồn hậu, dễ thương và cũng đầy ưu tư. Giọng kể chuyện hấp dẫn với những mô tê răng rứa thân quen, chị góp tiếng quê vào văn học cả nước và được đón nhận tích cực khi xuất bản tập truyện Mưa từ cõi tạm và tập tản văn Bởi cuộc đời không có những giá như.

Yên Mã Sơn khá kín kẽ giấu mình. Năm 2012, anh xuất hiện trên báo Thanh Niên với nhiều tản văn chất chứa suy tư về quê hương bản quán. Thoạt nghe tên, người ta không nghĩ tác giả là người miền Trung. Nhưng nhờ chất văn, nhờ những câu chuyện hồn hậu, bạn đọc dần biết đến anh là người Quảng Trị. Sống ở phố núi Lao Bảo, sinh cảnh ấy giúp Yên Mã Sơn có thế mạnh sáng tác tản văn và thơ. Dù không tham vọng in ấn nhiều, nhưng những sáng tác dè dặt của Yên Mã Sơn đã để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc.

Năm 2010, truyện ngắn Số phận in trên Cửa Việt, ký tên tác giả Phương Lan. Từ đó cây bút nữ của Quảng Trị mạnh dạn tham gia các cuộc thi, gửi in bài ở nhiều nơi. Rồi chị đổi bút danh Đặng Nguyên Sơn và thành công với truyện ngắn Pi-a-mơ không chỉ nở trên triền núi, đạt giải nhì cuộc thi Viết từ trái tim (báo Thể thao Văn hóa). Năm 2015, truyện ngắn Mưa rào lọt vào topten báo Văn nghệ. Đặng Nguyên Sơn vẫn khát khao sáng tạo và dấn thân trong cuộc chơi sang trọng này.

Ngô Diệu Hằng in truyện Hàng cây của bé trên Cửa Việt năm 2002, khi ấy tác giả mới 14 tuổi. Thời sinh viên, Ngô Diệu Hằng tiếp tục sáng tác và gửi về in trên Cửa Việt. Chuyên tâm với thể loại truyện ngắn, Ngô Diệu Hằng chững chạc dần lên qua từng tác phẩm. Chất suy tư già dặn cùng với giọng văn được trau chuốt cẩn thận, Ngô Diệu Hằng hứa hẹn là một cây bút chuyên nghiệp.

Lê Trọng Thi bước vào nghề làm báo ở Tạp chí Cửa Việt. Vốn liếng văn chương ban đầu còn khiêm tốn nhưng nỗ lực học hỏi, thực tế đã giúp anh có những bút ký, các bài khảo cứu khá ấn tượng, khai thác đề tài gần gũi là đất và người Quảng Trị, những kết nối quá khứ đến hiện tại.

Cẩm Nhung, người trẻ nhất trong số những tác giả trẻ. Được đào tạo bài bản chuyên ngành báo chí, về Tạp chí Cửa Việt, chị vừa viết báo và bắt đầu viết văn. Các bút ký, ghi chép của Cẩm Nhung cùng với những tùy bút, tản văn đầu tay đã cho thấy sự quan sát đời sống sâu sắc. Chất liệu báo chí cùng với ngôn ngữ văn chương đan xen trong những tác phẩm mà Cẩm Nhung in gần đây trên Cửa Việt, hứa hẹn góp thêm một cây bút tiềm năng.

Cuộc sáng tạo của các tác giả tỉnh nhà không chỉ là cuộc chơi mang tính địa phương, bên cạnh sự vươn ra để tiến xa, họ đã tạo nên một cộng đồng và kết nối với các bạn viết lân cận. Như một mối lương duyên có từ thuở Bình - Trị - Thiên, một số tác giả Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đã đóng góp cho Tạp chí Cửa Việt những tác phẩm tốt. Chính những người bạn láng giềng này đã chia sẻ với Cửa Việt, chia lửa sáng tạo với người viết Quảng Trị. Có thể kể đến một vài người bạn quý sau đây:

Hoàng Thụy Anh vừa làm thơ vừa viết lý luận phê bình ở Quảng Bình, lĩnh vực nào cũng chuyên nghiệp và gặt hái được thành công. Thơ chị cách tân mạnh mẽ cả ngôn ngữ lẫn thi pháp. Chị cũng là cây bút lý luận phê bình sung sức, theo sát đời sống văn học nước nhà, hỗ trợ cho những tác giả sáng tạo văn chương khác.

Phan Tuấn Anh xuất hiện sớm trên văn đàn với tư cách một nhà thơ trẻ qua tập Người ngủ muộn (2008) và khẳng định tài năng thơ rõ rệt hơn qua tập Đoản khúc (2013). Là một tiến sĩ đang làm việc tại Đại học Khoa học Huế, Phan Tuấn Anh xem lý luận phê bình như một công việc chính yếu. Tác phẩm lý luận phê bình của anh nghiêm túc, cẩn trọng. Mỗi đối tượng văn học được anh khảo sát rộng, sâu. Có thể nhắc đến tập Gabriel García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại (2015) dày dặn và công phu, đây là một công trình khoa học thực sự.

Lê Vũ Trường Giang hiện là Biên tập viên Tạp chí Sông Hương, anh viết đều tay cả truyện ngắn và bút ký. Thế mạnh của anh là người nghiên cứu lịch sử nên cả truyện, cả ký đều đậm chất sử thi và giàu kiến văn. Ở truyện ngắn, anh có tập Ngủ giữa trùng sơn và các truyện ngắn tiếp nối mạch lịch sử in trên các báo chí lớn. Cũng có thể xem anh là cây bút ký nối tiếp các tác giả bút ký tài hoa đi trước của Cố đô.

* * *

Qua phác thảo diện mạo các cây bút trẻ, có thể thấy đội ngũ sáng tác này khá đa dạng về thể loại, nhiều tác giả viết đều tay trên hai, ba thể loại. Họ tiếp nhận các trào lưu nghệ thuật đương đại mà vẫn giữ được hồn văn truyền thống, sử dụng các kỹ thuật viết mới để hòa nhập được vào dòng chảy văn học chung. Nhờ đó, mỗi người đều có những nét riêng, một phong cách khác nhau nhưng đều tự tin khẳng định vị trí nghệ thuật của mình. Họ tham gia tích cực vào các hoạt động văn chương, tạo được dấu ấn và triển vọng. Tác phẩm đều có chất lượng và được đón nhận nghiêm túc.

Trong sứ mệnh, nhiệm vụ của mình, mỗi tờ báo không chỉ xuất bản ra ấn phẩm, mà còn phải là nơi bồi dưỡng các tài năng. Cửa Việt hơn hai mươi năm hoạt động đã lãnh nhiệm sứ mệnh này, góp phần xây dựng những thế hệ sáng tác văn học cho tỉnh nhà. Tạp chí Cửa Việt thật vinh dự khi được đón nhận tác phẩm của những người trẻ và sẵn sàng làm cầu nối để tác giả đến với bạn đọc thông qua tác phẩm. Những cây bút trẻ cũng tin yêu Cửa Việt mà chọn nơi đây làm nơi công bố sáng tác. Cũng trong đội ngũ các cây bút trẻ, có đến 4 người hiện đang làm việc trong Ban Biên tập Tạp chí Cửa Việt, một sức trẻ và mới đáng mừng cho tạp chí.

Ngày nay giới trẻ đang bị cuốn theo sự ồ ạt của nền kinh tế thị trường, thì vẫn còn đây những người trẻ giàu nhiệt huyết với văn chương, coi văn chương như một phần máu thịt đời sống. Điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng. Và Cửa Việt mừng hơn nữa vì thấy một đội ngũ các cây bút trẻ của tỉnh nhà đang dần khẳng định mình trên văn đàn cả nước, chính họ đã tạo nên một thế hệ kế tục dòng chảy văn học nghệ thuật trên quê hương non Mai sông Hãn.

Cửa Việt tin rằng với bản lĩnh và chính kiến của mình, bên cạnh việc kế thừa tinh hoa của các thế hệ đi trước, các cây bút trẻ sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào đời sống xã hội, nhập cuộc để nghe kỹ hơn, nhìn tinh hơn, cảm nhận và phản ánh chính xác hơn để cho ra đời những tác phẩm hay, đóng góp vào sự nghiệp văn học nghệ thuật nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Cửa Việt sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn, mãi là mảnh đất lành cho các cây bút trẻ gieo hạt chữ nẩy mùa vàng văn chương.

T.L

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 275 tháng 08/2017

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

8 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

8 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

8 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

8 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground