Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện làng

T

ừ điển tiếng Việt xuất bản năm 1994 định nghĩa: “Làng - Khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt, và là đơn vị hành chính cấp thấp nhất thời phong kiến”. Ở một đất nước kinh tế lấy nông nghiệp làm gốc, nông thôn làm chỗ dựa thì Làng rất quan trọng. Thiên niên kỷ thứ nhất, đất nước trải qua “một nghìn năm Bắc thuộc, mất nước nhưng không mất làng”, nhờ sức của làng mà giành lại độc lập cho nước. Cứ theo định nghĩa trên đây thì có thể hình dung, “làng” hình thành một cách tự nhiên, theo nhu cầu vừa chủ quan vừa khách quan của “khối dân cư”. Đối nội là để tổ chức, phân công, tôn ty, quan hệ, ứng xử với nhau. Đối ngoại là để trở thành một đơn vị (có đời sống riêng) tiếp nhận và kháng cự, về xã hội, kinh tế, văn hóa...

Dân gian dùng quen tổ từ: “làng - nước”. Làng, “đơn vị hành chính cấp thấp nhất”, là tế bào của nước. Sức mạnh của làng (trong quan niệm dân gian) có khi vượt cả quyền lực của nước: “Phép vua thua lệ làng”. Những ai từng sinh ra, lớn lên ở làng đều cảm thấy làng “đáng yêu” thân thuộc như máu thịt. Thân thuộc từ lũy tre xanh:

Lũy tre xanh xanh

Làng tôi, làng anh

Cùng giống nhau nhỉ

Có lũy tre xanh...

Chúng ta yêu lũy tre xanh

Yêu làng yêu xóm yêu anh đi cày.

Mỗi làng Việt Nam đều được bao bọc bằng lũy tre như huyền vũ che chắn gió bão, như thành lũy ngăn bước kẻ thù. Bên trong lũy tre là bản sắc làng, cả kinh tế, văn hóa không hề pha trộn. Vui buồn, hạnh phúc, đắng cay đều có làng chia sẻ. Cả khi tai họa ập đến bất ngờ, như trộm cướp vào nhà, vợ chồng xô xát bạo lực, tiếng kêu đầu tiên bật ra như vô thức: Uơ làng! Thuở trước, nhà tranh vách đất, một ngày hè nắng nôi, gió Lào thổi ngàn ngạt, nghe vẳng từ đầu xóm tiếng kêu giật giọng: Uơ làng xóm...! Thế là không ai bảo ai, nam phụ lão ấu đều nhào ra đường, tay cầm xô chậu và những dụng cụ múc nước: Nhà ai cháy đấy! Chữa cháy là việc gấp của cả làng.

Làng, như một ngôi nhà chung. Nhà có cổng thì làng cũng có cổng. Những người đi xa lâu ngày về, thấp thoáng thấy cổng làng, lòng đã rưng rưng, mí mắt đã nặng nặng. Những tay đại ca giang hồ hảo hớn khi trở về bước qua cổng làng là trở lại thành đứa con của cộng đồng. Đã có những vần thơ tả cổng làng đẹp đến huyền hoặc:

Chiều hôm đón mát cổng làng

Gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi...

...Cổng làng vài chị gái non

Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm...

...Cổng làng rộng mở ồn ào

Nông phu lững thững đi vào nắng mai

(Thơ Trần Huyền Trân)

Quan hệ cộng đồng trong “khối dân cư ở nông thôn...” nhiều khi là lợi thế cả trong tình yêu, hôn nhân:

Đôi ta cùng ở một làng

Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh

(Thơ Nguyễn Bính)

Có con mà gả chồng gần / Có bát canh cần nó cũng mang cho” (Ca dao)

Thiết chế làng rất bền vững. Có một khái niệm vừa mang tính khoa học vừa như đúc kết dân gian: Văn hóa làng! Vừa vô hình vừa hữu hình, mà dù ai, quan chức hay bình dân, trí thức hay nông phu, nếu không thấm nhuần thứ văn hóa này sẽ lập tức trả giá ngay. Cái giá đong đếm không phải bằng pháp lý hay trừng phạt kinh tế mà đơn giản là dư luận trong làng ngoài xóm, nhiều khi chỉ bằng ánh mắt, những tiếng xì xầm của người làng mà kẻ vi phạm bỏ đi biệt xứ, thậm chí quyên sinh. Bỏ rọ trôi sông! Hình phạt này chắc chắn không tìm thấy trong bất kỳ bộ luật nào, nhưng lệ làng thì có đấy. Nó thật khắc nghiệt nhưng nhờ vậy mà hàng ngàn năm giữ được lề thói “nữ liệt bất cánh nhị phu” (Gái liệt không thờ hai chồng). Phiên Nôm ra là “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một dạ nuôi con”. Và, sự phản kháng cũng bùng phát ngay từ trong “con nhà bà làng”:

Đôi lứa ta một làng một bụng

Tựa hồ như con gà trụng nước sôi

Dẫu lòng thầy mẹ ngồi nhà đan rọ thả trôi

Thả trôi thì thả! Thiếp không thôi nghĩa chàng

(Ru con)

Rồi cũng chính từ hình phạt khắc nghiệt đối với phụ nữ “không chính chuyên” mà ở làng biết tự điều chỉnh cho phù hợp: Đào một cái hố nhỏ, cho người đàn bà mang bầu ngoài giá thú nằm sấp, bụng lọt xuống hố, roi đánh trên lưng người mẹ đau nhưng đứa bé trong bụng không hề hấn gì. Ôi, làng! Nghiệt ngã thay mà cũng nhân văn, sáng tạo lắm.

Ngày trước, còn phân biệt, kì thị với người ngụ cư, dù đã có đất có nhà, đã nhập “hộ khẩu”vào làng:

Đò dọc thì tránh đò ngang

Ngụ cư thì tránh trai làng cho xa

(Ca dao)

Trai làng này sang tán tỉnh gái làng khác có khi còn bị trai làng ấy kết bè vây đánh. Cái sự bó hẹp trong mỗi “pháo đài cấp làng” khiến cho nhiều đôi trai gái phải than lên rằng:

Rồi mùa toóc rạp rơm khô

Bạn về nhà bạn biết nơi mô mà tìm

(Ca dao)

Chuyện tình cảm ấy ngày nay là... chuyện nhỏ! Điện thoại, internet... chân trời góc biển vẫn sục được, nói chi khác làng.

*

Cái tình làng nghĩa xóm là quan trọng lắm. Có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, tối lửa tắt đèn có nhau:

Nhớ bữa cơm đèn dậy từ mờ tối

Gọi nhau xin lửa qua rào

(Thơ Nguyễn Bao)

Ngày nay, trong tiến trình phát triển, có một xu thế không cưỡng lại được là tiến trình “đô thị hóa nông thôn”, làng thành thị tứ, thị trấn, quan hệ láng giềng kiểu làng xóm phai nhạt dần. Cuộc sống khấm khá, có khi quan hệ phố xá hình thành trước cả tiến trình kinh tế. Ở nông thôn vẫn gọi là “làng” nhưng không còn mái tranh giàn mướp, lũy tre xanh, hàng dâm bụt. Nhấp nhô tầng tầng cao thấp, kín cổng cao tường, còn thêm một “anh” Becgiê canh cổng, hỏi có còn ai dám “gọi xin lửa qua rào”. Có vẻ như trong lịch sử hình thành đã hơn một lần “văn hóa làng” bị đứt gãy, sa sút. Đó là thời kì cải cách ruộng đất, cải tạo quan hệ sở hữu điền địa ở nông thôn mà quên bảo vệ quan hệ tinh thần làng xóm, văn hóa làng bị tổn thương không ít. Tổ chức kinh tế hợp tác xã nông nghiệp một thời chồng lên đơn vị dân cư làng cũng khiến văn hóa làng chống chếnh. Gần đây, chủ trương của Đảng “xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” diện mạo làng đang khởi sắc trở lại với việc xây dựng những thiết chế văn hóa như đình, đền... phục dựng, bảo tồn các vốn ca dao dân ca, lễ hội... Nhưng không thể không thận trọng hơn khi mà trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có những chi tiết nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến diện mạo một ngôi làng truyền thống. Làm đường bê tông thì tốt nhưng có nhất thiết phải chặt hạ hết cả lũy tre, bờ dậu, có nhất thiết phải phá đi cái bờ tường rào bằng san hô bền vững qua hàng trăm năm để thay bằng bê tông?! Kè bờ sông cũng nên chú ý đến cây xanh hai bên bờ và độ uốn lượn mềm mại. Các gia đình có điều kiện kinh tế khi xây nhà riêng cũng nên hài hòa với không gian kiến trúc của chòm xóm, xây tường rào, trụ cổng cũng không nên quá cách bức, lạnh lùng. Dân gian đúc kết một câu thành ngữ “hay” đến rợn người: “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất xóm giềng”. Có một gia đình ở làng sống cũng tốt lắm, bỗng một ngày chủ nhà nổi hứng nuôi chó Tây. Con chó to như con bê xồ cắn người hàng xóm phải đi viện khâu hàng chục mũi. Từ đấy không ai dám đến nhà nữa.

*

Làng tôi, vệt dân cư mỏng như lá lúa bên bờ tả ngạn Kiến Giang được lần lượt các cụ tổ theo lệnh các bậc vương hầu Hồ Hán Thương (1402), Lê Thánh Tông (1471), Nguyễn Hoàng (1558)... vào khai canh lập ấp dựng nên, qua bao biến loạn binh đao vẫn trụ vững dù trên mình mang đầy thương tích. Anh em tôi trưởng thành đi lập nghiệp cư trú nơi xa lâu mới về thăm, có người bạn vong niên ở làng hỏi: “Vườn nhà bác để hoang sao không trồng cây ăn trái lưu niên kẻo uổng đất?” “Trồng làm gì, để họ vào hái, phá!” “Bác cứ trồng, cho ai hái thì hái, người làng cả, thiệt đi đâu?!”

Ôi, một câu nói hay, giản dị, đầy vị tha, vậy mà đi chân trời góc biển, sương giăng trắng phớ trên đầu, trở về làng mới thẩm được, quý hóa thay!

N.T.T

 

NGUYỄN THẾ TƯỜNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 297 tháng 06/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground