Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người

LTS. Tiến tới Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 11/6/2010 Đại hội Hội Nhà văn khu vực Bắc miền Trung đã diễn ra tại TP. Đông Hà, Quảng Trị.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Chính- UVTV, phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có bài phát biểu chào mừng; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam trình bày toàn văn bản dự thảo Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2005-2010 và phương hướng phát triển văn học nhiệm kỳ 2010-2015. Tại Đại hội, có 10 tham luận của các nhà văn đã được trình bày và nhiều tham luận do không có thời gian đã nộp lại cho BTC. CV. Sẽ chuyển những tham luận tiêu biểu đến bạn đọc ở số báo sau. Đại hội cũng đã bỏ phiếu tín nhiệm giới thiệu 3 nhà văn: Kiều Vượng (Thanh Hóa), Đức Ban (Hà Tĩnh), Xuân Đức (Quảng Trị) vào BCH Hội nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ VIII.

Do khuôn khổ CV. Có hạn nên chỉ trích đăng một phần, chủ yếu là hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong Bản dự thảo báo cáo do nhà thơ Hữu Thỉnh trình bày. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc, bạn viết.

CV.

 

NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC NHIỆM KỲ 2005-2010

I. ĐÁNH GIÁ, KHÁI QUÁT

Đồng hành với sự nghiệp vĩ đại của nhân dân, văn học ta 5 năm qua tiếp tục phát triển với cảm hứng yêu nước, dân tộc, dân chủ, nhân văn. Cái mới trong văn học có khi diễn ra đột xuất, đơn chiếc, dễ thấy nhưng nhiều khi nó diễn ra lặng lẽ, tiệm tiến, chắc chắn, phải đợi một thời gian mới thấy hết diện mạo của nó. Cái mới trong sự phát triển văn học trong 5 năm qua có thể khái quát qua những đặc điểm sau đây.

- Tiếp tục truyền thống nhập cuộc xả thân trong chiến tranh, các nhà văn thường trực sáng tạo trong cuộc đấu tranh cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đi đến những lĩnh vực mũi nhọn, những nơi còn nhiều khó khăn, những vấn đề xã hội nóng bỏng. Chủ đề nổi bật và mối quan tâm lớn nhất của văn học ta hiện nay là vấn đề đạo đức xã hội. Cuộc đấu tranh để hoàn thiện con người trong bối cảnh cơ chế thị trường và sự xung đột giữa các nhóm lợi ích diễn ra với biết bao giằng xé, đau đớn, vật vã được thể hiện một cách chân thực, tươi ròng, sâu sắc trong tất cả các thể loại. Qua đó người đọc cảm thấy rất rõ cái tâm xây dựng và “hữu trách” của nhà văn…

- Khắc phục tình trạng phân tán, tản mạn trong những năm đầu đổi mới, các nhà văn chúng ta quan tâm hơn đến yêu cầu kết tinh văn học, dồn sức cho những tác phẩm tiêu biểu mang ý nghĩa tổng kết của cả một đời văn. Tiểu thuyết, trường ca, thơ tuyển được xuất bản ngày càng nhiều với sự từng trải về kinh nghiệm  sống và sự vững vàng về bút pháp. Văn học chỉ trở thành văn hiến khi nó được kết tinh.

- Càng tiến sâu vào tiến trình hội nhập, ý thức, tình cảm, mối quan tâm của nhà văn về truyền thống dân tộc ngày càng sâu sắc. Hoặc là khai thác các dữ liệu lịch sử để xây dựng những tác phẩm có quy mô lớn, hoặc là dựa trên hệ giá trị dân tộc để đấu tranh chống lại cuộc xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, phê phán xu hướng giải thiêng dân tộc, hạ bệ thần tượng, và hoặc là tập trung nghiên cứu, bổ sung khắc phục những giá trị còn khuất lấp…tát cả tạo nên một khuynh hướng phục hưng dân tộc mạnh mẽ cả trong sáng tác và lý luận, phê bình.

- Xu hướng hiện đại hóa văn học với những cố gắng nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà văn, tiếp cận những tư tưởng tiên tiến của thời đại, những vấn đề chung có tầm nhân loại, không ngừng cách tân hình thức, đổi mới nhịp điệu, bút pháp, ngôn ngữ, khắc phục bệnh trì trệ, véo von, mòn cũ, quan tâm hơn đến dấu ấn cá nhân, nắm bắt cho được những vấn đề đời sống đang đặt ra, đến mối giao cảm đồng điều giữa người viết và người đọc, rút ngắn khoảng cách giữa tác phẩm và công chúng.

- Xuất hiện nhiều tài năng mới, trẻ, thể hiện rất rõ hơi thở, giọng điệu của đời sống ngày hôm nay. Họ có ý thức nói lên mối quan tâm của một thế hệ trước một hiện thực bộn bề đang khai mở. Không quá bận tâm về những khuôn thước cũ, họ đi tìm cách biểu cảm mới phóng khoáng, tự nhiên, và rất mừng là từ trong đội ngũ đông đảo đã xuất hiện những cây bút trẻ thực sự có tài năng. Có thể do quan niệm rằng, sáng tạo văn học là sản phẩm của con người nhưng xét kỹ nó cũng là hoạt động của tự nhiên, nên lớp trẻ quan tâm đến vẻ đẹp tổng thể, ít để ý nhiều đến chau chuốt, đẽo gọt mà dụng ý tạo ra những vẻ đẹp thô tháp, tươi sống, phồn thực. Đội ngũ này sẽ trở nên lực lượng nòng cốt trong thời gian tới mang dấu ấn về một thế hệ văn học trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trước những thay đổi chưa từng có, văn học tiếp tục trình diện bức tranh rộng lớn về đời sống và con người. Đề tài mới, nhân vật mới, những khám phá mới, biểu hiện sâu hơn về tâm hồn và tư tưởng, tâm lý và thói quen mới. Không gian sáng tạo được mở rộng. Tầm nhìn được nâng lên. Điều kiện làm việc, tiếp cận thông tin với thực tiễn đời sống có nhiều thuận lợi. Khả năng phân tích, lý giải nhiều vấn đề xã hội có sự từng trải hơn trước. Việc xử lý những vấn đề văn học nhuần nhuyễn hơn trên cơ sở tôn trọng tài năng, giúp nhà văn tự điều chỉnh.

Tuy vậy, hoạt động nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, do áp lực ngày càng mạnh của văn hóa đại chúng và thông tin mạng. Chưa bao giờ thị phần văn học bị co hẹp như bây giờ. Cơ chế công bố tác phẩm rộng thoáng, dễ dàng hơn nhưng sức mua co lại hạn chế mất đầu ra. Với chế độ nhuận bút như ngày nay thì chỉ động viên người ta, viết báo, hoàn toàn gây chán nản cho công việc viết văn. Tô đậm thêm tình hình này là tác động tinh vi của thi trường, lái người viết và người đọc vào xu hướng giải trí rẻ tiền, mùi mẫm câu khách. Việc xã hội hóa các hoạt động văn học và việc hình thành các câu lạc bộ, các nhóm, các giải thưởng có mặt được là tạo ra cái nền rộng của sáng tác và thưởng thức nhưng có mặt chưa được là làm lạc chuẩn, lệch chuẩn, hỗn loạn giá trị. Tháo gỡ tình hình trên cần một giải pháp đồng bộ cả chỉ đạo, quản lý, cơ chế, chính sách và sinh hoạt nghề nghiệp.

II. ĐẨY MẠNH SÁNG TÁC, LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH.

1. Về sáng tác: Có một tình hình gần như sự phân công tự nhiên, lướp trẻ mới vào nghề thường làm thơ và viết truyện ngắn. Các nhà văn đã có sự từng trải thì tập trung dành thời gian để viết những tác phẩm dài hơi. Theo đó, mối quan tâm về đề tài, chủ đề, cũng có sự khác nhau. Lớp trẻ xông xáo vào hiện thực hôm nay, dễ thích ứng với thị trường trong khi những nhà văn lớn tuổi thích khái quát đời sống với bề dày của sự trải nghiệm và tích lũy vốn liếng. Cả hai bổ sung cho nhau, tạo nên sự hài hòa bức tranh văn học. Nhưng viết về ngày hôm nay hay lùi về xa trong quá khứ, thì tất cả đều gặp nhau trong mối quan tâm chung, đó là, môi trường văn hóa và thân phận con người. Xa hoặc gần, nhà văn đều muốn bày tỏ thái độ trước mặt trái của xã hội làm rạn nứt mối liên kết cộng đồng và nền tảng văn hóa. Chân thực hơn và hướng thiện hơn, đó là âm hưởng chung. Sự phê phán sắc sảo làm nổi bật tinh thần xây dựng, thái độ trong cuộc, đồng cảm, chia sẻ trước nổi đau tinh thần và những bất hạnh trong cuộc sống, tạo sức hấp dẫn cho không ít tác phẩm. Lương tâm nhà văn luôn tỉnh thức.

Thể loại bút ký văn học tỏ ra có nhiều lợi thế đi vào vấn đề hôm nay. Các cuộc thi bút ký của báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn gây được sự chú ý của bạn đọc với những phát hiện mới về đời sống công nghiệp, những vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, những thay đổi của các dân tộc thiểu số. Những cô giáo bám lớp bám bản trên những vùng núi cao, những nhà doanh nghiệp, các nhà khoa học, những người lính trên các tuyến đảo, biên giới gây xúc động cho người đọc về vẻ đẹp bình thường, vạm vỡ, với đức hy sinh và lẽ sống cao đẹp. Truyện ngắn là thể loại năng động và có nhiều thành tựu, là niềm tự hào của văn học ta.

Thơ là tâm hồn của dân tộc. Một thể loại cổ nhất nhưng luôn luôn tiên phong về đổi mới cách cảm, cách nghĩ và về những vận động nội tại nhằm mở rộng và cộng hưởng và khả năng khái quát cuộc sống vốn là phẩm chất ưu việt của thể loại này. Tình hình phát triển thơ trong những năm qua giải đáp câu hỏi thơ cớ thể đi vào đời sống như thế nào. Để làm việc đó, có nhiều hướng tìm tòi, hoặc là sự bứt phá về mặt hình thức, thơ không vần, thơ văn xuôi đồng thời phát triển với thơ thiền, thơ lục bát, thơ đường luật hoặc là trở lại với thể loại trường ca… tất cả tạo nên hình ảnh một nền thơ đang vận động. Thái độ của chúng ta là trân trọng tất cả, miễn là hay. Quy luật sáng tạo là hướng tới những giá trị chưa từng có, mọi tìm tòi, không dễ tới đích ngay từ đầu. Ngay cả những thiên tài cũng cần rất nhiều bản nháp. Trên một tinh thần dân chủ cả trong sáng tác và thưởng thức như vậy, việc tổ chức thành công các Ngày thơ Việt Nam trong nhiều năm qua là một sinh hoạt mới mẻ, thu hút đông đảo công chúng tham gia, dần dần trở thành một mỹ tục mới. Việc nâng cấp tờ phụ trương của báo Văn nghệ thành tạp chí Thơ đầu tiên và duy nhất về động nghề nghiệp. Những cuộc thi thơ được phát động sôi nổi trong cả nước, các tuyển tập thơ lớn được xuất bản, có tác dụng kích thích tiềm năng sáng tạo và tổng kết những giá trị thơ ca của đất nước.

Tiểu thuyết là thể loại trọng yếu của văn học. Đó là cả một thế giới. Trong những năm qua Ban chấp hành vừa có sự quan tâm đến sự phát triển toàn diện của các thể loại vừa có sự chú ý đến trọng điểm tiểu thuyết. Cuộc thi tiểu thuyết liên tục được tổ chức trong mười năm nay tạo nên mùa gặt về thể loại này. Sau khi tổng kết cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba 2002-2005, Ban chấp hành đã phát động tiếp cuộc thi tiểu thuyết 2006-2009 với 277 tác phẩm dự thi và 51 tác phẩm vào chung khảo. Tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết hài hước, tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết dã sử… cùng xuất hiện nói lên một cách sống động về sự phát triển của thể loại này. Có những bộ tiểu thuyết 10 tập với công sức sáng tạo mấy chục năm của tác giả. Nhiều tác giả tiểu thuyết là nhà văn nữ và tác giả chưa phải hội viên. Đây có lẽ là một trong những thành tựu nổi bật về đời sống văn học hiện nay.

2. Về đầu tư chiều sâu: trước một tình hình phổ biến là không ai có thể sống được bằng nghề văn, vậy thì vấn đề cần phải làm gì để giúp nhà văn gắn bó với nghề, phát triển tài năng sáng tạo. Ngay sau Đại hội nhà văn lần thứ VII kết thúc, Ban chấp hành đã xây dựng Dự án đầu tư chiều sâu. Dự án đã sớm được các cơ quan hữu quan ủng hộ, từ đó nâng lên thành một quy mô lớn hơn. Từ Dự án ban đầu của Hội nhà văn thành Dự án chung của cả nước. Đây là một bước phát triển đột phá trong sự quan tâm của Nhà nước với văn học nghệ thuật. Khắc phục tình trạng cào bằng, bình quân, quan tâm hơn đến hiệu quả là một đổi mới trong quan điểm đầu tư sáng tác, trong năm năm qua. Hội đã đầu tư 15 tỉ đồng giúp các nhà văn đi thực tế, đi trại sáng tác, tiếp nhận thông tin, tổ chức Hội thảo và sáng tác tác phẩm và công bố tác phẩm. Phương thức nhà nước đặt hàng ký hợp đồng với tác giả đang phát huy hiệu quả, khẳng định một hướng đi đúng được đông đảo nhà văn hoan nghênh.

Tuy vậy, bên cạnh thành tựu, chúng ta thấy tình hình văn học còn có những hạn chế. Dễ nhận thấy khả năng xông xáo vào những vấn đề trung tâm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa mạnh. Tình trạng sàn sàn, trung bình còn khá phổ biến. Những tác phẩm độc đáo, đột xuất, làm chấn động dư luận chưa nhiều. Vì nhiều nguyên nhân có tình trạng chạy theo số lượng. Cần nói rõ là trong văn học số lượng chưa nói lên gì cả. Câu chuyện lượng chuyển thành chất ở đây có những tác động qua lại tinh vi mang đậm cung bậc đặc thù của sự sáng tạo. Cần phải lắng nghe ý kiến của bạn đọc phàn nàn về sự thiếu chắc tay trong phản ánh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, khiến người ta có cảm giác nội chiến. Hoặc là câu chuyện muôn thưở về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, cho rằng viết khó hiểu thì văn mới sáng. Và sau nữa là miêu tả tình dục. Đây không phải là vấn đề cấm kỵ, nhưng cũng chưa ở đâu đòi hỏi sự tinh tế như ở đây, vì chưa ở đâu biên giới giữa cái cao quý và cái tầm thường lại mong manh như thế, thử thách bản lĩnh nhà văn cao đến như thế.

2. Về lý luận phê bình. Đây là lĩnh vực trí tuệ, được xem là bộ phận ý thức của văn học. Là lĩnh vực rất khó khăn nhưng không thể không làm. Thà làm, bắt tay vào làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm còn hơn là né tránh khoanh tay đứng nhìn… Khắc phục tâm lý coi lý luận phê bình đối lập với sáng tác, không khí sinh hoạt và mối quan hệ giữa lý luận, phê bình và sáng tác vừa qua trở nên rất gần gũi và thân mạt. Nhà sáng tác thực sự cần có nhà phê bình trông đợi ở các nhà phê bình. Không khí này chúng ta được thấy ở Hội nghị lý luận, phê bình ở Đồ Sơn, tháng 10/ 2006. So với Hội nghị lần đầu tổ chức ở Tam Đảo, Hội nghị ở Đồ Sơn có bước tiến rõ rệt về nội dung và phương thức tổ chức Hội thảo. Cái được là sự đối thoại dân chủ, thẳng thắn, cùng thảo luận cùng lắng nghe nhau, trả lại sự công bằng, khách quan cho sự nhìn nhận đánh giá các sự kiện, các giá trị trong quá khứ, đồng thời giải tỏa một số ẩn ức do thiếu thông tin. Cái chưa được, nói đúng hơn, cái mong đợi là tính lý luận, trình độ lý luận cần được nâng cao hơn, thuyết phục hơn. Nhiệm kỳ vừa qua, việc tổ chức các hoạt dộng lý luận, phê bình sôi nổi và có nề nếp hơn trước. Đáng nhớ là các cuộc Hội thảo chuyên đề triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị được tổ chức tại Quảng Nam với chủ đề “Văn học với đời sống”, ở Ninh Bình với chủ đề “Nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà văn” vở Vĩnh Phúc với chủ đề “Văn học và doanh nhân”, ở Thanh Hóa với chủ đề “Văn học và hội nhập quốc tế”, ở An Giang với chủ đề “Văn học với đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân”. Đó là những cuộc Hội thảo ở khu vức nhưng vấn đề của nó có tầm cả nước. Mặt được của nó là tiếp cận sâu vào từng vấn đề vừa có tầm lý luận vừa có ý nghĩa thực tiễn, là một sáng kiến triển khai nghị quyết của Đảng gắn với các hoạt động nghề nghiệp và của nhà văn. Ngoài ra, các cuộc Hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh Nam Trân, 100 năm sinh Hoài Thanh, 20 năm mất Chế Lan Viên, 100 năm sinh Võ Quảng, 100 năm sinh Nguyễn Tuân đều là những sinh hoạt lý luận, phê bình văn học có ấn tượng. Nắm bắt được những yêu cầu mới, Ban chấp hành đã có những cải tiến quan trọng trong việc đầu tư cho lý luận, phê bình. Hội đã ký hợp đồng 34 công trình lý luận phê bình, vừa giới thiệu cơ bản một số trào lâu lý luận nước ngoài, vừa mang tính tổng kết thực tiễn. Một số công trình đã được công bố. Việc kết nạp hội viên ngành lý luận phê bình được chú ý hơn trước. Trong 5 năm qua, 15 nhà phê bình trẻ đã trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Trong 4 khóa bồi dưỡng của Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, đã dành một lớp chuyên về lý luận phê bình. Điều đáng mừng là số học viên tham gia lớp lý luận phê bình thậm chí còn cao hơn cả sáng tác.

Như vậy là, công tác lý luận, phê bình vừa qua đã được quan tâm đồng bộ cả đào tạo, đầu tư và các hoạt động thực tiễn. Nhiều nhà lý luận, phê bình đã được mời tham gia các Hội đồng giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, của Nhà nước, của khu vực và các hoạt động thẩm định của Hội đồng khoa học Bảo tàng văn học Việt Nam. Chúng ta cũng đã chủ động phối hợp với Hội đồng lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, tiến hành khảo sát một số vấn đề lý luận quan trọng. Nhiều nhà lý luận phê bình là hội viên của Hội đã được mời tham gia Hội đồng và đã có những đóng góp quý báu có tình nòng cốt.

Tuy vậy, đây là một linh vực không đơn giản. Nó vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, vừa là trí tuệ vừa là tình cảm, càng ngày càng thấy rõ ra là cần phải có một đội nghũ chuyên gia hàng đầu, có tiếng nói thẩm quyền về các vấn đề nghề nghiệp. Bên cạnh những vấn đề đội ngũ cần được bổ sung gấp gáp, công tác lý luận phê bình trên báo chí của Hội vừa qua còn bộc lộc nhiều bất cập, chưa có đường nét để làm rõ định hướng. Nhiều tác phẩm được giải thưởng của Hội không được hội thảo dần dần đã rơi vào im lặng. Không biết nắm bắt thời cơ để làm công tác lý luận phê bình. Có cơ quan không có người chuyên về công tác quan trọng này. Cũng có trường hợp đáng trách, tuy ít và ở ngoài sáng tác của Hội là có những tác phẩm bị dư luận phản đối thì lại có những người khen hết lời và ra sức bảo vệ…

Trước một hình thái thế giới đầy biến động, đan xen giữa các yếu tố thuận và nghịch, vừa ổn định vừa bất trắc, khắc phục những rủi ro để tiến hành hợp tác giải quyết những nhiệm vụ có tính toàn cầu, khu vực, và từng quốc gia có tác động không nhỏ đến tư tưởng, tầm nhìn, tâm lý của mỗi nhà văn. Càng tiến sâu vào tiến trình hội nhập, chúng ta cần thấy vấn đề quan trọng nhất là tăng cường nội lực dân tộc, trong đó văn hóa được coi là quyền lực mềm. Càng tiến sâu vào thị trường chúng ta càng thấy bên cạnh những khởi sắc có biết bao lo âu, biết bao câu hỏi tưởng đã có lời đáp lại bật lên mới mẻ gai góc chưa từng có. Trên hành trình lớn đó, Đại hội XI của Đảng tổ kết kinh nghiệm đổi mới và vạch ra chiến lược xây dựng đất nước ta thành nước công nghiệp phát triển vào nửa thế kỷ XXI. Chiến lược xây dựng kinh tế - xã hội gắn liền với chiên lược xây dựng con người càng làm nổi bật lên vai trò và trách nhiệm của nhà văn. Trong sứ mệnh cao cả đó, tiếp tục những thành tựu đã đạt được, trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ trọng tâm của văn học ta là tập trung sức sáng tạo của toàn đội ngũ, phấn đấu để có nhiều tác phần hay. Đó là những tác phẩm kết tinh tài năng và tâm huyết nhà văn, có giá trị sâu sắc về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng xây dựng tình cảm, tâm hồn, nhân cách và lẽ sống. Tác phẩm hay là danh dự của mỗi nhà văn và là lý do tồn tại của Hội ta. Để đạt mục tiêu đó chúng ta chủ trương đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nửa đời sống văn học của đất nước, tạo một không gian rộng rãi, cởi mở cho lao động sáng tạo, khuyến khích mọi tìm tòi, thể nghiệm. Chúng ta hiểu răng, tạo ra một bước bứt phá, tạo ra cái mới đích tực là vô cùng nhọc nhằn và khổ đau. Thái độ của chúng ta là phải biết chờ đợi, kiên nhẫn chờ đợi, trân trọng tầng câu từng chữ, từng trang viết, hết sức tránh phê phán, chối bỏ một cách vội vã làm thui chột tài năng. Ứng xử với văn học là ứng xử với con người. Cần tạo mọi điều kiện để giúp đỡ nhà văn đi vào đời sống, tích lũy lâu dài trong đời sống, hiểu đời và hiểu người. Cần đổi mới phương thức hoạt động của Hội, với phương châm: Tất cả vì hội viên, tất cả cho hội viên. Cần quán triệt sâu sắc yêu cầu chuyên nghiệp hóa trong từng bộ phận, từng cơ quan, từng khâu công tác, phấn đầu xây dựng Hội thực sự là Hội của những nhân cách văn hóa cao…

 

 

* Trính: Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2005 – 2010 và phương hướng phát triển văn học nhiệm kỳ 2010 – 2015 do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trình bày tại Đại hội

 

 
 
Hữu Thỉnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 189 tháng 06/2010

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground