Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tháng tư ngày ấy, bây giờ

C

hẳng hiểu sao tôi lại yêu tháng Tư đến thế. Cũng có thể tháng Tư đem lại không khí mát mẻ cuối xuân và chút ấm áp đầu hè, mà cũng có thể tháng Tư đã gắn liền với những kỷ niệm xa xưa và những lễ hội kỷ niệm mừng ngày giải phóng. Có thể bạn sẽ nói: Tháng Tư thì ở đâu mà chẳng có lễ hội. Nhưng bạn hãy một lần về thăm quê tôi, mảnh đất giới tuyến xưa,Vĩnh Linh, Quảng Trị vào dịp 30-4 thì biết. Khắp nơi từ Thị trấn Hồ Xá, đến các xã xa xôi như Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, hay xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thủy... đâu đâu, người dân cũng nhanh chóng làm nốt những công việc cần thiết để kịp đến với lễ hội được tổ chức trên cầu Hiền Lương. Ở đó, bạn sẽ rõ hơn truyền thống đấu tranh kiên cường của nhân dân hai bên bờ vĩ tuyến 17, được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất, được nghe điệu hò sông nước thật êm ái khoan thai, được xem nhiều trò chơi, trong đó sôi động nhất là trò đua thuyền... Bạn sẽ được ngắm những chàng trai khỏe mạnh, những cô gái với vẻ đẹp dân dã mà đằm thắm... Bạn sẽ được nghe giọng nói dễ thương : mô, tê, ni, nớ... để rồi dù có đi đâu thì bạn cũng nhớ mãi.

Thế cũng đủ cho tôi yêu thương và nhớ nhung mỗi độ tháng Tư về. Cứ hằng năm, hễ gần đến dịp nghỉ lễ 30-4, chị tôi lại gọi điện thoại và nhắc lại nhiều lần câu hỏi: "Lễ năm nay Út được nghỉ mấy ngày? Có về quê khô...ông?" Tôi trả lời giọng buồn buồn: "Nỏ về được chị ơi! Năm nay chắc lễ hội vui lắm chị hè?" " Năm mô cũng vui lắm, Út nỏ về thì uổng lắm nờ ..." Mà chị không hỏi thì cũng biết, từ ngày đi làm ăn xa, lấy chồng rồi hai nhỏ ra đời, tôi chẳng thể về quê dịp lễ này. Tất cả những gì tôi kể cũng chỉ là nghe qua chị mà thôi.

Chị gái tôi giống mạ nên có giọng hò làm say lòng bao người. Chị cũng từng vào đội văn nghệ xã, rồi huyện, chị cũng đã nhiều lần đi hát hò trong những lần tổ chức lễ kỷ niệm 30-4 của xã, của huyện... Thế cho nên chị cứ nhắc tôi hoài...

Dịp lễ 30-4 còn nhắc tôi nhớ đến những ngày quân Giải phóng tiến vào Miền Nam. Tôi còn nhớ như in không khí sục sôi, phấn khích của người dân quê tôi ngày ấy. Tiếng súng ỳ ùng bên bờ Nam vọng sang bờ Bắc đánh dấu bước tiến quân đầu tiên của quân Giải phóng. Tôi còn bé lắm nhưng cũng đủ thấu hiểu niềm vui đang lan tỏa. Chú tôi cố mở hết cỡ chiếc đài bán dẫn bé xíu để nắm tin tức từng ngày. Quân Giải phóng đi đến đâu là thắng lợi đến đó. Chú tôi loan tin cho cả làng cùng đến để nghe tin tức. Tiếng reo hò vỗ tay vang dội sau mỗi tin thắng trận truyền về. Niềm vui lan vào lớp học, lan vào từng bài giảng của thầy cô, niềm vui lan trên ruộng lúa, nương khoai. Cờ đỏ rợp trời từ Thị trấn đến nông thôn mừng chiến thắng... Nhiều người con bên bờ Bắc háo hức vì sắp được đoàn tụ với gia đình bên bờ Nam sau nhiều năm xa cách...

Những ngày sau giải phóng, người dân hai bên bờ Nam - Bắc được tự do đi lại. Từ biển Cửa Tùng, người dân có thể chèo đò sang bờ Nam. Các chị, các bà ở xã tôi và các xã lân cận háo hức rủ nhau vượt cầu Hiền Lương đi chợ Kêng, chợ Cầu... bên bờ Nam. Những người đã đi, trở về mang theo hàng hóa là những tấm áo, quần, áo len đủ màu sắc, rất đẹp. Mạ tôi giục chị em tôi khâu cho được mấy chục cái nón lá, đan cho được mấy chục cái rổ tre để mạ mang đi đổi hàng. Chị em tôi háo hức, thức cả trưa, tranh thủ học bài mau để còn khâu nón, đan rổ...

Hôm mạ tôi theo mấy o, mấy bà trong xóm đi chợ bên bờ Nam, mạ dậy từ tờ mờ sáng, khi chị em tôi còn ngon giấc. Mãi quá chiều thì mạ tôi về. Chúng tôi, đứa nào cũng có một tấm áo len. Áo của tôi màu đỏ, chị tôi màu xanh, em trai tôi thì màu vàng...Đúng là lần đầu tiên trong đời, chị em tôi mới có được tấm áo ấm đẹp đến vậy. Tôi mê mẩn ngắm mình qua chiếc gương nhỏ, mong cho mùa đông mau tới để được mặc. Mạ tôi còn kể, khi đi và về trên cầu Hiền Lương, có lực lượng công an kiểm soát rất chặt chẽ, mỗi người sẽ được mang một số hàng hóa nhất định. Nếu mang nhiều sẽ bị tịch thu vì bị coi là " Con buôn"...

...Tháng ngày cứ nối đuôi nhau theo vòng quay vĩnh hằng. Tuổi thơ tôi gửi lại quê hương, gửi lại chút nhớ thương bên dòng sông Bến Hải, chút lưu luyến bên nhịp cầu Hiền Lương. Chiếc cầu mới cũng đã hoàn tất tự bao giờ mà nhịp cầu thuở xưa vẫn còn in hằn dấu vết để mỗi lần ai đó đi qua trên chiếc cầu cũng hình dung một thuở đất nước bị cắt chia.

Bây giờ thì bạn đã biết vì sao tôi yêu tháng Tư đến vậy!

Mỗi lần vào dịp lễ 30-4, tôi lại nhớ đến quay quắt, nhớ làn khói mong manh buổi chiều mà mạ tôi trở về từ chợ Kêng, nhớ nụ cười của chị em tôi khi cầm trên tay chiếc áo ấm mới. Tôi lại nhớ chiếc thuyền nhè nhẹ rẽ nước trên dòng sông Bến Hải, nhớ giọng hò của mạ, của chị tôi, của mấy o con gái Vĩnh Linh quê tôi ngày ấy: "Hò ơ....ơ...hờ...ơ .. hờ ...ơ...hơ ....Ơ ...Ơ... Bến Hiền Lương bên thương bên nhớ, bởi vì ai...ơ...hơ... mà cách trở ...ơ ... đò ngang ...ơ..." để rồi lòng lại tự dặn lòng, sẽ cố gắng thu xếp để một lần được đứng trên chiếc cầu Hiền Lương hòa cùng đoàn người tham gia lễ hội. Lễ hội bi chừ có tên gọi mới là “Lễ hội Thống nhất non sông” đã được nâng lên tầm quốc gia, những ba năm thì tổ chức một lần. Tôi ao ước được về để ngắm cảnh đổi thay của quê hương sau mấy mươi năm giải phóng. Được dạo trên con đường đến khu chợ nhỏ bé ngày xưa ở bờ Nam... và ghé thăm nhà của ông bà thông gia với gia đình tôi (Em trai tôi đã lấy vợ là một cô gái bên bờ Nam. Tình yêu nảy nở sau một lần tham gia lễ hội trên cầu Hiền Lương vào dịp 30-4 năm ấy). Rõ ràng nhịp cầu Hiền Lương đã chứng kiến niềm vui và hạnh phúc của bao thế hệ...Cớ gì tôi lại không mơ ước được về trong một ngày vui như thế chứ, phải không các bạn?

Bạn hãy về quê tôi vào dịp tháng Tư Lễ hội Thống nhất non sông để được nhìn thấy sự đổi thay của một chiếc cầu, một vùng quê. Ngày ấy dù trong “cắt chia” bây giờ độc lập thống nhất đều chung một khát vọng trào dâng là đoàn tụ. Ôi là khát khao đoàn tụ, dù bé nhỏ là gia đình sao tôi không tìm về, và rộng lớn như bầu trời sông nước Hiền Lương, sao tôi không lặn ngụp…

 

N.T.T

Nguyễn Thị Thư
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 199 tháng 04/2011

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground