Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Cam Lộ

LTS. Hoà trong không khí thi đua sôi nổi cùng cả tỉnh hướng đến 100 năm ngày ngày sinh Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, 35 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, Đảng bộ và nhân dân huyện Cam Lộ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (02.4.1972 - 02.4.2007).

Chào mừng sự kiện lịch sử này, CV. có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Công Phán, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV. Thưa đồng chí Chủ tịch, 35 năm đã trôi qua kể từ ngày quê hương giải phóng, đồng nghĩa với chiến tranh đã lùi xa. Cam Lộ- bãi chiến trường ác liệt năm xưa nay đã là những khu dân cư trù mật. Song chúng tôi hiểu, trong chiều sâu tâm thức của Đảng bộ và mỗi người dân Cam Lộ còn vang vọng và mãi mãi tự hào về những năm tháng bền gan kháng chiến, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nhân dịp kỷ niệm này, xin đồng chí cho biết đôi điều về truyền thống cách mạng hào hùng, bi tráng đó?

Đồng chí Nguyễn Công Phán: Cam Lộ tập trung nhiều đầu mối giao thông nên đã tạo ra vị trí địa quân sự hết sức quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là tâm điểm đánh phá của kẻ thù hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc và nhất là đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta. Tháng 7.1945 kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến tạm thời. Nhưng Mỹ nguỵ ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Cùng với việc thiết lập hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra, Mỹ nguỵ đã tập trung xây dựng vùng Cam Lộ thành phòng tuyến chiến lược kiên cố bằng hệ thống đồn bốt, trận địa, bố trí lực lượng lớn quân lính thiện chiến với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất; thiết lập bộ máy kềm kẹp với những thủ đoạn đàn áp tàn bạo nhất hòng khuất phục ý chí chiến đấu của quân và dân ta nơi tuyến đầu chống Mỹ.

            Chúng điên cuồng đàn áp các phong trào cách mạng và bằng một khối lượng bom đạn khổng lồ trong các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh”. đã biến Cam Lộ thành một vùng đất hoang tàn đổ nát. Biết bao người con của Cam Lộ anh dũng ngã xuống trước đạn bom, trước máy chém, trước những thủ đoạn đàn áp, tù đày, tra tấn dã man nhất mà bộ máy chiến tranh đế quốc có thể nghĩ ra. Song sức mạnh của xe tăng bọc thép, hàng rào kẽm gai, những đòn tra tấn thâm độc nhất không thể khuất phục được khí tiết của những người cộng sản, không thể ly tán được thế trận lòng dân một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Cái mà Mỹ nguỵ không thể có được đó là sự tuyệt đối trung thành của nhân dân ta đối với Đảng; là truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Chính từ trong đau thương, uất hận tột cùng đối với những tội ác do bọn cướp nước và bán nước gây ra, tinh thần yêu nước lại càng dâng lên mãnh liệt nhất. Dưới ánh sáng chỉ đường của Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn soạn thảo, quân và dân Cam Lộ cùng với cả tỉnh, cả nước biến căm thù thành hành động cách mạng, sẵn sàng dội bão lửa vào đầu Mỹ nguỵ.

18 năm bền gan kháng chiến là khoảng thời gian thật đáng tự hào. Trên khắp mọi miền quê Cam Lộ, từ trong đau thương bom đạn tàn phá, từ tiếng thét căm thù của người chiến sĩ trước lúc hy sinh, từ nắm cơm khô đưa cán bộ thoát làng hay từ trong ngấn lệ của người vợ, người mẹ tiễn chồng con theo kháng chiến đều trung trinh một ý chí sắt son với Đảng, cách mạng: “Nhà tan cửa nát cũng ừ, đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau”. Đâu đó dưới bàn thờ tổ tiên là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ nằm vùng; đâu đó trong từng ống nứa, mõ trâu cũng đều tiếp gạo nuôi quân; trong gánh hàng rong, mo cơm em bé chăn trâu là tài liệu cách mạng, là viên đạn, lon muối, liếp thuốc kháng sinh… của người dân vượt qua muôn vàn hiểm nguy chắt chiu giành cho kháng chiến. Mỹ nguỵ không thể ngang nhiên cướp phá xóm làng, những người con của quê hương đồng khởi vùng lên. Từ những cụ già tay không quật cường chặn xe tăng giặc cày xới mồ mả tổ tiên; những người mẹ, người chị trong đội quân tóc dài dũng cảm đấu tranh ngăn cản bước tiến của giặc, vận động những người con bên kia chiến tuyến nổi dậy làm binh biến; những em nhỏ mưu trí dẫn đường, đưa tin cho bộ đội tấn công đồn bốt quân thù những chiến sỹ biệt động không kể hiểm nguy quyết phá tề, diệt ác, trừ gian; đến các tầng lớp nhân sỹ, trí thức, học sinh, đồng bào các tôn giáo đều một lòng ủng hộ cách mạng. Tất cả máu thịt của quê hương như đang dâng quyện vào nhau tạo thành sóng, thành cồn, lớp trước ngã, lớp sau đứng lên, tất cả hợp thành sức mạnh, hợp thành ý chí căm thù để chiến đấu và chiến thắng.

Ngày 11.3.1972, sau khi phân tích tình hình giữa ta và địch trên các chiến trường, Bộ chính trị và Quân uỷ Trung ương ra nghị quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972, giải phóng Trị Thiên. Nỗi mong chờ của toàn Đảng bộ, quân và dân huyện nhà suốt 18 năm qua nay đã đến. Bộ đội địa phương, dân quân du kích, các cánh quân chủ lực của sư đoàn 304, 308… tất cả đều tiếp cận vị trí sẵn sàng chiến đấu. 11 giờ 30 phút ngày 30.3.1972, lệnh tấn công Quảng Trị được phát ra, từ khắp các nơi bão lửa dồn dập trút lên đầu quân thù: Đầu Mầu, 241, Động Toàn, Mai Lộc, Chi khu Cam Lộ, Ngã tư Sòng… tất cả các phòng tuyến kiên cố nhất của Mỹ nguỵ bị phá vỡ. Phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, dân quân du kích cùng nhân dân các địa phương nhất tề nổi dậy diệt ác, phá kềm, vùng lên giải phóng quê hương. Ngày 02.4.1972, Trung đoàn 24 quân chủ lực (Sư đoàn 304) siết chặt vòng vây, mãnh liệt tấn công căn cứ chỉ huy Trung đoàn 56 nguỵ tại cao điểm 241, khiếp đảm trước hoả lực của ta, trung tá nguỵ Phạm Văn Đính dẫn toàn bộ quân nguỵ ra đầu hàng. 16 giờ cùng ngày, toàn bộ các tuyến phòng thủ trên các hướng đông, tây, nam, bắc của địch được mệnh danh là “Pháo đài bất khả xâm phạm” đã bị quân ta xoá sổ. Cam Lộ hoàn toàn được giải phóng trong niềm hân hoan vô hạn.Với thắng lợi của cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1972, giải phóng hoàn toàn Cam Lộ, Do Linh, cục diện chiến trường nghiêng hẳn lợi thế về phía ta, buộc Mỹ nguỵ từ thế phòng ngự tác chiến, chuyển qua bị động, co cụm lại ở những phòng tuyến hoả lực mạnh. Vùng giải phóng Cam Lộ kết hợp với Do Linh và Hướng Hoá- nối với khu vực Vĩnh Linh đã trở thành căn cứ địa vững chắc, nơi đứng chân của các lực lượng cách mạng trong đợt 2 của cuộc tấn công chiến lược 1972, tiến tới mở cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Quảng Trị, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa đất nước ta bước sang kỷ nguyên mới.

Suốt 18 năm chiến đấu và chiến thắng, quân và dân Cam Lộ đã tiến hành 1.475 trận chiến lớn nhỏ, tiêu diệt 6.654 tên địch, bắn rơi 23 máy bay các loại, phá huỷ 331 xe quân sự, 26 khẩu pháo, 5 tàu chiến của Mỹ nguỵ. Đầu Mầu, Khe Van, Cù Đinh, Ba De, Đồi Không tên, Mai Lộc, Thượng Nghĩa, Cam Vũ, Ngã tư Sòng… mỗi tên đất, tên làng đều gắn liền với mỗi chiến công. 9/9 xã, thị trấn trong toàn huyện; Đảng bộ, quân và dân huyện Cam Lộ cùng 7 cá nhân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.

Để có được chiến thắng vinh quang đó, 975 người con của quê hương đã hy sinh, được Nhà nước suy tôn liệt sĩ; 425 thương binh đã gửi lại một phần thân thể trên chiến trường. Trên mỗi tấc đất của quê hương Cam Lộ còn biết bao người con trên mọi miền Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống cho sự hồi sinh của mảnh đất nơi này. Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ xin đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương Cam Lộ. Xin một lòng tri ân các Bà mẹ VNAH, thân nhân của các liệt sỹ, các đồng chí thương binh, gia đình có công với cách mạng đã đóng góp những gì quý giá nhất, những người thân yêu nhất của mình và của gia đình mình cho cách mạng, cho quê hương.

PVLà một huyện ở trung du, tiềm năng thế mạnh không lớn, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông- lâm nghiệp. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh còn nhiều thiếu thốn. Chiến tranh để lại những di hại hết sức nặng nề về các vấn đề xã hội, môi trường sinh thái cũng như thiên tai và nhiều vấn đề gay gắt của đời sống xã hội đã và đang đặt ra. Trải qua 35 năm xây dựng, Đảng bộ và nhân dân huyện Cam Lộ đã phát huy truyền thống của một huyện anh hùng như thế nào để phát triển?

Đồng chí Nguyễn Công Phán: Trong những năm qua, Đảng bộ huyện đã đề ra những định hướng phát triển kinh tế- xã hội phù hợp cho từng thời kỳ phát triển. Luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, quyết không cam chịu nghèo nàn lạc hậu, phát động các phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân nhằm vượt qua khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Cho đến hôm nay, Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ có thể tự hào với những thành quả hết sức quan trọng đã đạt được qua 35 năm phấn đấu dựng xây trên mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH, đặc biệt là sau 15 năm huyện nhà được lập lại.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 13%. Cơ cấu nền kinh tế từng bước chuyển dịch đúng định hướng, giá trị sản xuất Công nghiệp, TTCN và TM- DV tăng nhanh trong tổng giá trị sản phẩm làm ra.  Sản lượng lương thực có hạt đạt 12.000 tấn, tăng gấp 2 lần so với năm 1992. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,9%, tăng gấp 3 lần so với năm 1992.

Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng chuyên canh hàng hoá. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã được chuyển đổi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Diện tích Lạc đạt 1.000 ha, tăng hơn 3,5 lần so với năm 1992; cao su 1.937 ha tăng gấp 7,9 lần; hồ tiêu 857 ha tăng gấp 5 lần; vùng sắn nguyên liệu trên 600 ha cùng với nhiều loại cây trồng, con nuôi khác có giá trị đã được đầu tư, phát triển.

Công nghiệp- TTCN và TM-DV có bước tăng trưởng khá, tốc độ phát triển bình quân của CN-TTCN trong những năm gần đây đạt 17%; TM-DV đạt 14,8%. Lĩnh vực nghành nghề sản xuất kinh doanh ngày càng phong phú. Giá trị sản xuất Công nghiệp- TTCN và TMDV đạt 47,6% trong tổng giá trị sản phẩm làm ra, gấp 2,5 lần so với năm 1992.

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống được tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, của huyện và huy động sự đóng góp của nhân dân. Đến nay, 100% xã, thị trấn, thôn bản có điện lưới quốc gia; có đường ô tô đến tận các trung tâm dân cư; có trạm xá đảm bảo đủ điều kiện để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Thông tin liên lạc đạt 6,8 máy điện thoại/100 dân; hơn 90% trường tiểu học, THCS và trường Mầm non được đầu tư xây dựng khang trang kiên cố. Nhiều công trình lớn đã và đang được xây dựng như: Các tuyến đường quốc gia đi qua địa bàn, Hồ Nghĩa Hy, Cầu Cam Tuyền, Tỉnh lộ 11, Chợ trung tâm; hệ thống nước sạch sinh hoạt ở khu vực trung tâm huyện lỵ, Bệnh viện đa khoa huyện… đã làm cho bộ mặt quê hương ngày một thêm đổi mới.

Trên lĩnh vực văn hoá- xã hội, công tác xã hội hoá giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học ngày càng được nâng cao; cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư xây dựng theo mô hình trường chuẩn quốc gia; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được duy trì và 2005 được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân được chú trọng nâng cao về chất lượng; các điều kiện phục vụ chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh cho nhân dân được đảm bảo; tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm bình quân 0,16% năm; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 28%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn 1,02%, giảm 2,38 lần so với năm 1992.

Công tác chính sách xã hội được chú trọng, các phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với người có công cách mạng; giúp đỡ cưu mang trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, người tàn tật, người già không nơi nương tựa, tương trợ người nghèo… được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn đóng góp đã xây dựng được 137 nhà, sửa chữa 26 nhà tình nghĩa với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 37 nhà đại đoàn kết với số tiền 421 triệu đồng.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được ổn định và cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt gần 5 triệu đồng, tăng 2,5 lần so với năm 1992. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là 3,14%. Hầu hết các địa phương trong toàn huyện không còn hộ thiếu đói, nhất là trong những ngày giáp hạt; tỷ lệ hộ khá và giàu tăng nhanh. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá phát triển rộng khắp. Đến nay đã có 100% làng, khóm, cơ quan đơn vị phát động xây dựng văn hoá, trong đó có 110/175 làng, thôn, khóm, cơ quan được công nhận đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 62,8%. Ngoài ra có 5 xã, thị trấn đã phát động xây dựng xã điển hình văn hoá. Điều đáng phấn khởi là các cộng đồng dân cư đã quan tâm chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Hơn 41 km đường giao thông nông thôn, 40 km kênh mương được bê tông hoá và 53 nhà văn hoá-học tập cộng đồng được tu sửa và xây mới…

Quốc phòng- an ninh được củng cố và tăng cường, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được đẩy mạnh, nhiệm vụ xây dựng cơ sở an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu gắn với cụm liên hoàn an ninh trật tự được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Hệ thống chính trị có nhiều cố gắng đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao chất lượng trên cả ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố kiện toàn, năng lực điều hành và quản lý nhà nước ngày càng được nâng cao theo hướng cải cách hành chính và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có nhiều tiến bộ, góp phần ổn định tình hình.

Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được củng cố về tổ chức, đổi mới phương thức và nội dung hoạt động, tập hợp đông đảo quần chúng, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

PV. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Cam Lộ, đồng chí Chủ tịch có gởi gắm gì qua diễn đàn Tạp Chí Cửa Việt?

Đồng chí Nguyễn Công Phán: Nhân kỷ niệm 35 năm  ngày Cam Lộ giải phóng, cho phép tôi được thay mặt Đảng bộ và nhân dân huyện nhà xin  tỏ lòng biết ơn đối với những đóng góp to lớn của các Sư đoàn chủ lực 304, 308, 324, 325, 390 và các quân, binh chủng đã dũng cảm mưu trí tấn công địch tạo ra những thuận lợi để quân và dân Cam Lộ đứng lên giành quyền làm chủ, giải phóng quê hương. Xin cảm ơn sự đóng góp, chi viện hết mình của đồng bào cả nước, của miền Bắc XHCN, đặc biệt là sự hỗ trợ trực tiếp của nhân dân Vĩnh Linh- hậu phương lớn vững chắc, chung thuỷ cùng sự phối hợp giúp đỡ tận tình của quân và dân Do Linh, Đông Hà, Thị xã Quảng Trị, Triệu Phong, Hải Lăng và của đồng bào các dân tộc ở Đakarông, Hướng Hoá. Xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể cấp tỉnh, cũng như sự cổ vũ động viên của đồng chí đồng bào cả nước.

Cũng nhân dịp này, thay mặt Thường vụ Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, các chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn huyện hãy phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng cách mạng, chung sức chung lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII đã đề ra. Với niềm tin chắc chắn vào sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; với ý chí quyết tâm và những hành động cụ thể, thiết thực, nhất định chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp đổi mới trên mảnh đất Cam Lộ anh hùng.

PVXin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND Huyện Cam Lộ 

            Y.Thi Thực hiện

 

P.V
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 150 tháng 03/2007

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

12 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

13 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground