Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phố chật từ hôm qua

“Mình có nên về không em?”

Em sững sờ trước câu hỏi của chồng. Thật bực mình, lần đầu tiên chồng hỏi ý kiến em mà sao không hỏi những câu khác, vào lúc khác. Em cố ngăn mình không gắt gỏng và bực bội nhưng chẳng thể nén tiếng thở ra dài đằng đẵng. Con người từng mơ ước bám trụ lại phố, sống chết cũng không về quê và càng không bao giờ về nhà vợ bởi như “chó chui gầm chạn” mà giờ ngồi đốt thuốc trầm ngâm, phân vân ý định quay về.

Mạ điện vào bảo cứ về đi. Khoa đã đập chái bếp và xây thêm buồng riêng cho hai đứa, công việc từ từ tính sau, ở quê mình cũng không chết đói được. Liệu có nên về không? Thâm tâm, em muốn nhảy dựng lên reo vui vì được về lắm chứ. Về sẽ gặp lại cánh đồng. Về sẽ có ba mạ. Và về nhà là có Khoa.

*

Chồng thèm ở phố. Thèm mỗi sáng ngồi lê la ở quán cà phê cóc, cầm tờ báo điếu thuốc cho tàn vài phút giây nhàn rỗi trước khi vào công ty. Em thích phố vì phố có siêu thị. Thành phố bé tí tẹo này mà ba, bốn cái siêu thị to đùng. Nhiều khi lượn lờ ở đó cả buổi nhưng em chẳng mua chi bởi cầm lên lại so đo với giá ở chợ nên thôi. Chẳng qua em siêng đi để mình ra dáng một người thành thị.

Phòng trọ chưa tới mười lăm mét vuông, khó mà tả hình dáng căn phòng cho đúng bởi đất này bị xéo, mấy viên gạch lát nền cũng nghiêng nghiêng như lấn qua đất của nhà bên cạnh. Hồi mới chuyển tới em hay nằm mơ bậy bạ. Chồng bảo, những người lao động chân tay và lao động trí óc có thể phân biệt dễ dàng khi đêm về. Ý của chồng là kiểu lao động chân tay như em đến cuối ngày nằm ngủ thẳng cẳng, còn lao động trí óc như anh tối mới phải thao thức tỉnh giấc. Bởi vậy, mấy chuyện nằm mê hay trằn trọc khó ngủ này nọ tốt nhất đừng than thở chi với anh. Chồng luôn có những lý lẽ làm đau người khác.

Em chưa kể cho chồng nghe nội dung giấc mơ là gì, cứ sợ anh lại đi đánh đề như mấy bận. Em dối chẳng mơ mộng chi rõ ràng, chỉ là đang ngủ thì giật mình như người đang đi bị hụt chân thế thôi. Chồng càm ràm dắt xe ra khỏi nhà mà chẳng buồn ăn sáng. Mình em ngồi gặm ổ bánh mì chấm bát trứng kho mặn rồi nghĩ tới lui giấc mơ gần đây. Em đã mơ thấy mình biến thành con ếch, kêu ộp ộp bên mép ruộng. Lạ lùng, con ếch là em cứ đứng tần ngần nhìn về phía ruộng mà không động tĩnh chi cả. Trong hồi ức của em, đồng lúa lại chập chờn ẩn hiện.

Cánh đồng nằm ngay trước nhà và trải dài suốt đường đi học. Mùa mưa, nước ngập lõng bõng đến mắt cá chân, mùa hạn thì nứt toác khô rang. Em nhớ đau đáu cánh cò chao chợn trên đồng và bóng mạ đứng tần ngần trông giờ trổ nước. Cứ ngỡ mỗi lối mình qua từ bé đến lớn đều men theo cánh đồng, là cánh đồng chạy theo em hay em hụt hẫng mà đi theo nó không chừng. Năm em đậu đại học, ba mổ con heo to nhất mời cả xóm tới ăn mừng. Ở quê toàn vậy, hễ con cái đỗ đạt lại liên hoan, cứ như mừng thế hệ sau đã có cơ hội rời xa đồng ruộng, xa mấy cảnh chân lấm tay bùn.

Có lần, khi mưa trút xuống phố bất chợt, gió xô dạt mấy gốc cây nghiêng ngả ven đường và chẳng mấy chốc nước ngập qua ống pô xe. Lúc xe chết máy, em lững thững dắt bộ, tự dưng nhìn thấy cánh đồng đang ở ngay trước mặt mình. Những người loay hoay trên phố dùng dằng với đám áo mưa là bà con đang lúi húi dặm lúa. Chỗ bùng binh là hố bom để trâu ngập. Và một bóng đàn ông đi ngược chiều tiến về phía em có gương mặt hao hao hệt Khoa.

Người ta luôn tồn tại lý trí và cảm xúc trong một thân xác, đứa lắm mơ mộng như em lại thêm nhiều mâu thuẫn. Em sợ quần áo mình lấm bùn, sợ bàn tay vàng khè bởi dính phèn đặc, sợ con đỉa khát máu bám vào chân. Thế nhưng lại thèm cơm gạo mới, thèm những con cá đồng thơm béo, thèm nồi ốc sả, thèm ngẩn ngơ trước hương lúa trổ đòng, thèm bình yên ngắm biển lúa rì rào xao động. Nỗi nhớ ruộng đồng những ngày ở phố tưởng như không còn trong em bởi từ lâu em nghĩ mình đã trút bỏ được vỏ quê mùa.

Dạo trước Tết, em nấn ná rủ chồng ở lại để ngắm đường hoa tiền tỷ sắp hoàn thành. Hoa trải khắp từ đầu đến cuối con đường dài mấy cây số. Số hoa này đổi ra hẳn bằng tất thảy cánh đồng của cả làng cả huyện gộp lại. Hoa không ăn no được, chỉ để ngắm rồi chụp hình, để phố thơm và đẹp, đồng ruộng nhà mình cũng thơm cũng đẹp lại còn có thể ăn no. Chồng nghe em lẩm bẩm lại lắc đầu, cái quê mùa của em không thể gột bỏ được đâu khi đứng ở nơi đông đúc nào cũng đem phân vân so bề tẹp nhẹp.

Mỗi mùa xong hai vợ chồng luôn nhận được một bao gạo. Mạ bảo Khoa gửi vô cho hai vợ chồng bây đó, chẳng ai thương bây như nó. Em dặn chồng trưa đi làm về nhớ ghé bến xe chở gạo, chồng quay ngoắt qua em và đột nhiên hỏi một câu thuộc về bản chất anh:

- Tiền xe ai trả?

- Ngoài nhà trả rồi!

- Ờ, vậy thì được.

Em từng hồ nghi cái người tán tỉnh ngọt lịm trước kia với gã đàn ông em nựng là chồng bây chừ hẳn là hai kẻ khác nhau. Thậm chí con người khác biệt trước kia, tự thân cũng chia năm xẻ bảy khi rộng rãi không đáng có trên bàn nhậu với bạn bè nhưng lại lăn tăn tì tiện với vợ. Ngẫm buồn một hồi, khi không em lại thở dài bởi thắc mắc: “Sao mãi mà Khoa không lấy vợ?”

Lần đầu trông thấy Khoa, em đã cố cho ra dáng một bà chị. Sau này lớn, lại ước chi mình được làm em. Năm đó em bảy tuổi, Khoa khoảng năm hay sáu. Em trông thấy Khoa ngay mép ruộng, lúc Khoa ngồi bó gối ngó mông lung. Mạ nói có thể Khoa bị bắt cóc, ba chạy đi hỏi quanh vùng xem có chiếc xe nào dừng lại để làm rớt một đứa trẻ hay có ai ngó nghiêng khả nghi chi không. Hỏi chi Khoa cũng lắc đầu, chỉ lẩm bẩm trong miệng vài tiếng ba quên em rồi.

Khoa ngồi thu lu bên đám ruộng nhìn chằm chằm vô mấy bông lúa rồi hỏi em đây là gì? Mạ nói nó người thành phố hẳn hoi, không hiểu sao lại rớt lại chỗ này. Bà mẹ nào mất con cũng tìm điên người cho coi. Khoa hồn nhiên nói mẹ em ngủ trong cái hộp mà người ta mang đi rồi, không thấy về nữa.

Bằng óc tưởng tượng từ mấy bộ phim đang chiếu trên tivi, mạ đoán già đoán non chắc là vợ chết nên ba thằng cu lấy vợ khác, có khi mẹ ghẻ bỏ con chồng. Mạ nắm tay thằng nhỏ da trắng bóc ốm dơ xương đi dọc hết mấy con đường đất, qua mé đường lộ hỏi vu vơ khắp nơi coi có ai thấy người nào làm rớt thằng cu này không, bằng vẻ mặt hớn hở muốn người ta nói không, muốn người ta bảo của nhặt được thì cứ giữ. Nên chi qua chục người, ai cũng bẹo má thằng cu mà lắc đầu, chậc, rớt ngay nhà chị à, thôi, nuôi đi coi như duyên.

Em lẽo đẽo đi theo mạ ba ngày, sợ mạ đem cho Khoa đi hoặc quên Khoa ở đâu đó. Mạ cằn nhằn trách ông trời làm nắng dữ nên những cuộc chuyện trò hỏi rõ ngọn ngành về đứa trẻ dắt theo chỉ đứt quãng vài câu. O không biết thì thôi, chị không biết thì thôi, tui đi cả nắng. Gặp dăm ba người không thấy tăm tích chi, mạ lật đật dắt hai đứa về nấu cơm. Vo gạo và ngó chừng thằng nhỏ đang lấy que củi vẽ vào đất, mạ hỏi “con thích có em không?” Em vỗ tay và gật đầu. Khoa ở với nhà em từ dạo đó.

Khi vào phố học, em nhận ra chất giọng lần đầu nghe thấy từ Khoa giống hệt người ở đây. Mạ cũng từng nói như thế nhiều lần, từng hỏi Khoa có muốn vào đây tìm lại gia đình, gốc gác. Khoa lúc này đã rành tiếng quê trọ trẹ, lắc đầu kéo dài “dạ khôông.”

Khoa chưa bao giờ đặt chân vào phố, thậm chí chưa bao giờ ra khỏi làng. Cậu con trai đó cứ lẩn thẩn quanh ruộng đồng rồi cắm mặt xuống đất vườn. Thân hình vạm vỡ và cái lúm đồng tiền một bên khiến đám con gái trong làng ngẩn ngơ. Khoa đẹp trai đến nỗi ngày xưa lũ bạn học cứ đòi làm em dâu của em. Em ghen tức và bực bội khi đám bạn đến nhà chơi mà mắt cứ lúng liếng nhìn Khoa, chúng kéo tay nhau xô đẩy đứa này đứa nọ lại gần rồi cười ré lên. Cũng như mấy lần ngó Khoa đứng tươi cười trò chuyện với đứa con gái nào trong xóm, thể nào em cũng đá thúng đụng nia, hậm hực suốt ngày.

Hẳn bằng linh cảm của người mẹ, bằng thứ gì đó len lỏi sâu xa như qua ánh mắt của đứa con gái mới lớn đứng ngơ ngẩn nhìn thằng con trai cũng đang lớn bổ củi trước hiên nhà. Và đôi lúc bắt gặp đứa con gái ngồi thu lu trong bếp cười ngây dại khi lấy than hồng vẽ tên thằng con trai ở kia. Mạ nghiêm mặt nói: “Con! Khoa là em trai con. Chị em lớn nên giữ khoảng cách.” Mạ nói nhẹ nhàng đủ để em hiểu.

Mỗi lúc về nhà trông thấy Khoa làm tất thảy việc lớn bé, em lúi húi giành làm thì bị đẩy ra, “việc của chị là học cho giỏi, ba việc này để đó”. Khoa học đến cấp hai, đủ chữ dùng rồi thôi dù học rất giỏi. Lần đầu tiên ba lấy chổi đánh Khoa cũng vì cái tội dám tự nghỉ học giữa chừng. Trong ký ức, ai cũng ghi nhớ Khoa là đứa trẻ bị bỏ rơi nên biết đâu ngày nào đó họ về tìm lại hoặc “khi đủ lông đủ cánh nó sẽ đi tìm gốc gác của mình”, nên nếu không chăm lo tốt cho Khoa ba mạ áy náy lắm. Không biết Khoa có nghĩ vậy không, em chỉ thấy Khoa luôn sống trong sự bằng lòng và hàm ơn, ít nói ít cười dù khuôn miệng ấy nở ra có thể khiến cả ngôi nhà hay lòng đứa con gái này rực rỡ.

Khi em lấy chồng và quyết định lập nghiệp ở thành phố, mạ dù buồn nhưng có vẻ yên tâm. Những hôm làm ca chiều, em vẫn dậy sớm để dọn dẹp nhà cửa. Em ghét những sự bừa bộn. Chồng ghét sự gì quá chỉn chu. Ngay cả những khi cùng nhau, chồng bảo em phải thế này rồi lại thế kia nhưng em chỉ nằm yên bất động nhắm nghiền mắt như tượng rồi lắm khi ngủ quên. Chồng hậm hực bởi bản lĩnh đàn ông chẳng được thể hiện như ý nguyện. Hai vợ chồng hờn giận nhau nhiều bữa cũng bởi chuyện đó. Thêm thay em muốn có con mà chồng không chịu, anh rề rà nhà cửa thế này đẻ làm chi, ai trông và tiền đâu.

Em luôn có cảm giác mình mắc nợ. Mạ hay bảo người gặp gỡ người ở đời là duyên, có tình cảm với nhau là nợ rồi nhắc món nợ đâu đó giữa nhà mình và Khoa. Hẳn có một sợi dây vô hình nào từ kiếp trước đã níu Khoa đến với nhà mình. Em thấy mình nợ đôi người vì những tình cảm lửng lơ chẳng thể nào phân định và không biết lấy chi để trả. Trả bằng sự hân hoan cho chồng thỏa mãn hay trả bằng niềm hy vọng cho Khoa, trả bằng ngọt ngào ước mơ cho chính em.

Bằng đại học không cho em một công việc tốt, lương cao như ý muốn. Ngành này cách đây vài năm thuộc dạng hiếm chừ đi đâu cũng đầy rẫy. Sau vài lần đổi chỗ bởi công ty nợ lương hay lương chỉ đủ đổ xăng, em cất bằng đại học để xin làm công nhân trong khu công nghiệp. Nực cười là lương lá và chính sách còn tốt hơn cả những công ty trước kia từng làm. Có điều thời gian trọn vẹn cho mình hầu như không có.

Buổi tan tầm ở phố luôn tắc đường. Em chợn vợn lo không biết chồng đã về hay còn ghé quán nhậu bởi những hợp đồng cho căn nhà trong mơ. Chồng bảo chán cảnh trọ rồi, mười năm ở trọ là quá đủ, phải liều, phải bứt phá, được ăn cả ngã về không. Số tiền dành dụm bao năm qua rồi vay thêm anh em bạn bè, chồng gộp với bạn mở công ty, nếu có thể em sẽ là vợ giám đốc cũng nên. Sẽ có ngày vợ chồng mình đi ô tô về làng, xây cho làng cái cổng thật hoành tráng để mỗi ngày bà con đi qua đi lại phải nhắc tên vợ chồng mình. Chồng luôn nuôi ý nghĩ muốn làm giàu nhất thiết phải bám phố và mơ hồ tưởng tượng ngày về quê thiên hạ ngước mắt nhìn. Thi thoảng bắt gặp vài bài báo giới thiệu gương thằng bạn giờ là triệu phú trồng nấm hay nuôi gà, nuôi thỏ, anh dấm dẳng chửi tục, kêu thằng đó chỉ hên.

*

“Phố dạo này bớt mưa.”

Sau câu nói kèm tiếng thở dài của em, chồng cằn nhằn “không lẽ em nhớ lội nước lụt hả?” rồi thì “thèm ngập hay chi mà ngồi đó mơ mộng mưa gió hả trời.” Chồng lại ém nhẹm vài ba bâng quơ em tự tỏ bày. Như một đứa con nít bị hàm oan mà chẳng thể phản kháng, em lẳng lặng rút lại tâm tư rồi giấu biệt.

Bao nhiêu vốn liếng tiền của tích cóp vậy là đã mất trắng theo vụ làm ăn của chồng, đã thế lại gánh thêm một khoản nợ to đùng chẳng biết bao giờ mới trả nổi. Em mơ hồ nhớ giấc mơ mình biến thành con ếch rồi dằn vặt đáng ra mình không nên rời xa đồng ruộng. Hình như phố mỗi ngày mỗi chật khi người đông đúc thêm mà đất đai thì co lại, chỉ cơ hội hay ước mơ là không đính kèm định kiến và phân biệt.

Có lần, Khoa khẳng định hẳn rằng nơi đó chật chội lắm nên người ta mới đẩy Khoa đi, chỗ mình rộng rãi mắc mớ chi phải rời. Thế nên em càng đinh ninh phố đã chật đâu từ hôm qua chứ không hẳn là hôm nay hay ngày mai. Lòng người ngó vậy thôi, chớ mỗi ngày cũng chật chội và ngộp thở thêm nhiều lắm.

D.A

Diệu Ái
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 278 tháng 11/2017

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground