Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng hát

Năm 1973, Hiệp định Pari về việc chấm dứt sự có mặt của Mỹ ở chiến trường Việt Nam được ký kết. Tháng 6 - 1973, thực hiện chỉ thị của Thường vụ Khu ủy Vĩnh Linh về nhiệm vụ khôi phục lại sản xuất, Khu đoàn Vĩnh Linh mở chiến dịch làm thủy lợi mang tên 19/8 để xây dựng tuyến mương tháo úng nhằm đưa toàn bộ diện tích ruộng sâu trũng của các xã vùng Đông vào gieo cấy lúa hai vụ. Là phóng viên trẻ, mới vào nghề lại là người của địa phương có công trình tháo úng đi qua, nên tôi được cử đi tác nghiệp. Trước khi đi ông Lân, thủ trưởng cơ quan bảo tôi:

Bên văn hóa họ cử nhạc sỹ Hoàng đi. Chú Hoàng là người cùng xã, có bạn cùng quê dễ làm việc. Hồi học cấp hai tôi có biết Hoàng. Hoàng ở làng dưới, làng Cổ, thổi sáo rất hay.

Xuống công trường gặp lại nhau Hoàng bảo:

- Trưa tối ăn cơm ở bếp của Khu đoàn tại công trường. Tối về nhà mình nghỉ, nhà mình ở gần cửa sông, gió nồm mát lắm, nằm ngủ khỏi mắc màn. Tôi đồng tình.

Nhưng do yêu cầu công tác tuyên truyền, nên hàng ngày sau bữa cơm chiều, tôi phải theo xe của đồng chí Bí thư Khu đoàn lên thị trấn để về cơ quan nộp tin bài phản ánh tiến độ thi công trên công trường cho ban biên tập để phát vào bản tin sáng. Suốt thời gian làm việc ở công trường tôi chỉ về nhà Hoàng được một lần vào buổi trưa tết Đoan Ngọ.

Vợ Hoàng là người xứ Đạo, không đẹp nhưng rất có duyên. Hai vợ chồng đã có một cậu trai ba tuổi và cô vợ đang mang thai đứa thứ hai. Sau bữa cơm vợ Hoàng bảo tôi:

- Anh lớn tuổi rồi lo mà lấy vợ đi. Nếu chưa có ai nói anh Hoàng giới thiệu con Hoa cho. Con Hoa ở trên Vĩnh Hòa, cùng đi học lớp nhạc với anh Hoàng do ty văn hóa mở đó.

Tôi không nói gì, còn Hoàng thì bảo:

- Kệ hắn. Hắn làm báo, đi khắp nơi lo chi ế vợ!

Buổi chiều cả tôi và Hoàng phải trở lại công trường. Trên đường đi Hoàng bảo:

- Chiều nay cậu mang máy đi ghi âm mấy bài hát để sáng mai phát trên công trường cho nó có không khí. Ở xã đoàn Vĩnh Hòa có con Hoa hát bài “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ hay lắm. Hoa cùng đi học lớp nhạc với mình. Sau khóa học, với khả năng nhạc lý và giọng hát của mình lẽ ra nó cũng được tuyển vào đoàn văn công ty văn hóa như mình, nhưng địa phương kiên quyết rút về với lý do làm hạt nhân cho văn nghệ cơ sở. Nếu không bây giờ nó trở thành ca sỹ có tài rồi. Rất tiếc cho nó. Chiều nay cậu gặp Hoa biết đâu...

Không ngờ câu nói bỏ lửng của Hoàng đã làm nên duyên phận giữa tôi và Hoa. Chiều hôm ấy, sau khi tập hợp số liệu về tiến độ thi công trên công trường, ghi âm xong phần văn nghệ tôi lại theo xe của khu đoàn lên thị trấn để chuẩn bị cho bản tin sáng ngày mai.

Sáng hôm sau, trên toàn bộ hệ thống loa truyền thanh, sau phần điểm tin khối lượng đào đắp và tiến độ thi công của công trình tháo úng ở vùng Đông là chương trình văn nghệ “Tiếng hát trên công trường”. Và cả công trường đã nghe giọng hát của Hoa qua bài “Xa khơi”. Phải nói Hoa có giọng hát mới khá hay. Khi cao vút lấp lánh như ánh mặt trời, lúc trầm ấm sâu thẳm như một giọt đàn bầu, nhất là những khúc luyến láy, dồn dập như những đợt sóng xô trên mặt biển làm nức lòng người nghe. Thời điểm ấy Đất nước chưa thống nhất nên bài hát có một sức truyền cảm đến kỳ lạ. Hoa tự nhiên nổi tiếng khắp trong trường. Nhiều chàng trai chưa vợ ở các xã đoàn tham gia xây dựng công trình tìm đến làm quen. Phải nói Hoa có một vẻ đẹp thuần phác của con gái vùng thôn quê, nhất là đôi mắt to với cái nhìn nồng nàn đến thôi miên.

Năm sau, khu vực Vĩnh Linh phát động chiến dịch khai hoang phục hóa để mở rộng diện tích đất sản xuất. Tôi được phân công về các xã vùng Đông để viết bài tuyên truyền cho chiến dịch. Đây là lần đầu tiên tôi đến quê Hoa và được gặp Hoa trong một hoàn cảnh rất bất ngờ. Sáng hôm ấy sau khi làm việc với Đảng ủy xã để lấy số liệu về diện tích được khai hoang phục hóa, tôi tự tìm đến nhà ông Trương - cán bộ văn hóa xã để kiếm bữa cơm trưa. Thời ấy ở các vùng nông thôn ngoài cửa hàng mua bán ra không hề có hàng quán bán đồ ăn, thức uống như bây giờ.

Chiều hôm ấy trên đường trở về cơ quan, trong lúc tôi định tạt vào một nhà dân ở ven đường để xin nước uống thì bất ngờ gặp Hoa đi gánh nước về. Cái nhà tôi định tạt vào chính là nhà của Hoa. Thấy nhà vắng vẻ, tôi hỏi:

- Hoa ở một mình sao?

- Nhà út đông lắm. Bốn người cả thảy. Mạ út chiều ni đi ăn kỵ trên ngoại, còn hai anh đi làm ở xí nghiệp gạch ngói trên huyện lâu lâu mới về. Tối ni anh ở lại chơi nói chuyện cho vui. Ăn cực một bữa không chết mô. - Hoa trả lời và giục tôi vào nhà.

Sau mấy giây lưỡng lự, tôi nhận lời và nhờ Hoa cất giùm cái máy ghi âm rồi dắt xe đạp vào dựng ở bậc cửa.

Tuy nói ăn cực một bữa, nhưng bữa cơm Hoa đãi tôi hôm ấy thật ngon. Cơm gạo trắng, thức ăn có cá nục kho và măng luộc chấm với nước cá giằm ớt cay đến xé họng. Lúc hai anh em đang ăn cơm ở giữa sân thì bà mẹ Hoa về. Tôi bỏ đũa đứng dậy chào, bà đáp lại gọn lỏn “chào anh” rồi đi thẳng vào nhà làm tôi hơi chột dạ.

Sau này nói chuyện với Hoa tôi mới biết nhà Hoa luôn có nhiều người con trai trong làng đến chơi, đôi lúc có cả mấy anh công nhân trên thị trấn nữa. Nhưng sau đó họ lảng dần. Điều đó làm cho bà giận Hoa mỗi khi có khách trai đến nhà.

Đêm ấy, tôi và Hoa ngồi nói chuyện ở giữa sân, còn bà mẹ nằm trong nhà canh chừng, lâu lâu lại giục hoa đi ngủ sớm để ngày mai đi chợ huyện bán chè. Tôi biết Hoa từng có mối tình rất đẹp với một người lính. Nhưng gia đình người con trai kiên quyết không cho đính hôn vì sợ ảnh hưởng đến sự tiến bộ của con mình sau này. Trong làng còn có một anh phó chủ tịch xã góa vợ hơn Hoa mười tuổi đang tìm cách gây cảm tình. Ông này đã ký giấy giới thiệu Hoa đi học lớp nhạc và cũng chính vị phó chủ tịch xã này kiên quyết rút Hoa về địa phương sau khi tốt nghiệp khóa học để thực hiện ý đồ của mình. Nhưng sau khi đặt vấn đề ông đã bị Hoa từ chối thẳng thừng với lý do không muốn làm mẹ kế. Ông phó chủ tịch xã tức lắm và tìm mọi cách ngăn cản những người con trai đến đặt vấn đề xây dựng với Hoa. Ngay cả đối với tôi, khi biết Hoa có cảm tình, ông đã trực tiếp đến cơ quan gặp tôi và bảo:

- Đồng chí làm báo cho Đảng, lấy vợ phải chọn người thành phần cơ bản, sao lại đi lấy con địa chủ?

Tôi trả lời:

- Cảm ơn đồng chí đã nhắc nhở. Trong cải cách ruộng đất nhà Hoa bị quy sai nhưng nay đã sửa thành phần rồi. Nhưng tôi lấy vợ có phải lấy địa chủ đâu mà sợ. Mong đồng chí thông cảm!

Nghe tôi trả lời như vậy, ông bực tức bỏ đi và hằn học nói:

- Quá mất lập trường. Hỏng!

Biết tôi công tác ở đài truyền thông khu vực, lâu lâu Hoa mượn xe đạp của ông anh lên thị trấn chơi và ghé vào thăm tôi.

Đám cưới của chúng tôi được tổ chức sau đó ít lâu. Tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, nên sau khi cưới, gia đình Hoa cho đám đất ở góc vườn để làm nhà. Năm sau chúng tôi có con đầu lòng mà lại là con trai, nên tuy nhà tranh vách đất nhưng cuộc sống của chúng tôi rất đầm ấm và vui vẻ. Thứ bảy nào tôi cũng về nhà và không quên mang theo cái máy ghi âm để cả nhà được nghe ca nhạc. Đặc biệt là để Hoa được ghi âm lại những bài hát hay do mình tự hát.

Năm 1976, sáp nhập tỉnh. Tôi được điều động bổ sung cho lực lượng phóng viên của đài phát thanh tỉnh Bình Trị Thiên. Đây là một cú sốc đối với tôi vì tôi không muốn xa vợ con trong hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn. Thấy tôi băn khoăn Hoa động viên:

- Anh được trên điều động là một vinh dự, cứ yên tâm vào Huế mà công tác. Ở nhà em tự xoay xở được, vả lại có mẹ, có các anh bên cạnh và cả làng xóm nữa.

Tôi thật sự cảm ơn vợ về những lời động viên và vào Huế nhận công tác đúng thời gian quy định. Là một phóng viên trẻ, tôi thường xuyên được phân công đi tác nghiệp ở các địa bàn thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh nên ít có dịp ghé thăm nhà. Tôi rất lo cho cuộc sống của mấy mẹ con Hoa. Nhưng Hoa đã làm tôi thật sự bất ngờ. Mỗi lần được dịp ghé thăm nhà, tôi thấy Hoa không những yên tâm với cuộc sống lao động sản xuất của mình thay tôi nuôi dạy con cái mà còn hăng hái tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương. Tiếng hát của Hoa đã đem đến niềm vui cho mọi người và cũng nhận được sự giúp đỡ của bà con chòm xóm trong cuộc sống hàng ngày. Dường như niềm say mê ca hát đã giúp Hoa vượt qua những mặc cảm của thân phận và những vất vả của cuộc sống đời thường, vươn lên sống có ích cho gia đình và xã hội. Tiếng hát thật kỳ diệu trong khát vọng hòa giải những nỗi niềm đem lại niềm tin con người vào cuộc sống. Tôi nhớ có một lần nói ra ý định chuyển công tác về huyện, hoặc nghỉ chế độ mất sức để có điều kiện giúp Hoa nuôi con ăn học, Hoa cản ngay:

- Anh đừng có nghĩ quẩn, cuộc sống và xã hội ngày càng tiến bộ, bây giờ người nông dân đang thực hiện khoán 10, được chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ai làm nhiều hưởng nhiều, không còn chế độ ăn chia thiếu công bằng như thời bao cấp đâu mà sợ.

Tôi thật sự cảm phục trước những hiểu biết và lòng tin mãnh liệt của Hoa vào sự phát triển của xã hội, nên yên tâm công tác và gặt hái được nhiều thành quả trong hoạt động nghiệp vụ. Tôi có điều kiện cộng tác tích cực hơn với các báo Trung ương và giành được nhiều giải thưởng báo chí của Trung ương và địa phương.

Nhưng trong cuộc đời, không ai đoán biết được những gì xảy ra với mình trong tương lai. Năm 1985 tôi bị thương nặng trong cơn bão số 10. Năm 1992 vết thương tái phát tôi buộc phải nghỉ chế độ mất sức vĩnh viễn. Hôm cầm quyết định về nhà, Hoa không nói gì, nhưng tôi biết Hoa rất buồn. Hoa nhìn tôi bối rối, rồi lặng lẽ đi xuống bếp. Rất may là các con tôi hiểu được hoàn cảnh của bố mẹ nên rất chăm học, chăm làm. Tuy không còn sức khỏe như trước, nhưng với đồng hưu mất sức cộng với thu nhập từ kinh tế vườn, lúa, màu do Hoa làm ra trên các chân ruộng khoán nên cả hai vợ chồng vẫn nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Đến nay, cả tôi và Hoa đều đã già. Tôi thì chẳng nói làm gì, yên phận rồi. Nhưng Hoa vẫn còn làm tôi bất ngờ. Hoa vẫn say mê ca hát và đang là hạt nhân văn nghệ của hội người cao tuổi ở địa phương.

N.N.P

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 278 tháng 11/2017

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

2 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

2 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

2 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

2 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground