Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bầu trời trong xanh

Vào một ngày cực kỳ nóng nực, cậu liên lạc của tiểu đoàn chạy tới cái hầm có mấy phóng viên loan tin:

- Các anh các chị ạ, sắp tới giờ họp báo!

Mọi người xếp lại giấy bút, máy ảnh. Họ chờ từ sáng. Đoàn dũng sỹ đánh giỏi nhất của mấy trận mở đầu sắp về tới đây để đi báo cáo thành tích ở đại hội mừng công. Các phóng viên cần lấy thêm một số tài liệu chi tiết. Toàn là những tay đã xông xáo hầu khắp các trận đánh, nhưng có một cuộc họp báo ngắn ở đây, họ vẫn chờ, không muốn bỏ qua.

Mọi người rẽ xuống lối mòn, về tập trung trong cái lán dựng tạm bên bờ suối. Trong số những tay phóng viên đứng tuổi có một cô con gái. Cô này mặc quân phục, đội mũ tai bèo giống y hệt mọi cô lính ở vùng này. Chỉ có nước da trắng trẻo, giờ đang tái xanh đi vì xúc động là khiến người ta nghĩ cô từ nơi khác đến. Cô ghi chép, nhìn ra ngoài, lại ghi chép, đôi môi run run và cái bút cũng run run. Tay phóng viên nhiếp ảnh, để ria con kiến, kéo tay áo một ông thấp lùn:

- Xem con bé kia kìa, nó lại bắt đầu dở hơi đấy! Bất kể gặp thằng cha nào đó cũng yêu được. Tớ cam đoan với cậu là trong số lính sắp tới đây nó lại yêu một thằng cho mà xem.

Người đàn ông thấp lùn có vẻ bực mình:

- Thôi đi cậu, cứ cái kiểu nghĩ của cậu rồi cái gì cũng thành ra xấu hết. Nó trẻ thì nó yêu chứ sao nào? Nó lấy chồng thì nó hết yêu, có thế thôi...

Tay phóng viên nhiếp ảnh cười rinh rích. Đang hân hoan mong đợi, cô gái nghe tiếng cười đằng sau, cô quay lại và lập tức mắt cô đầy vẻ tức giận. Nhưng bộ đội đã đến. Có sáu dũng sỹ trẻ măng. Mặt cô gái lại càng tái đi vì hồi hộp. Cô đã quên tiếng cười của gã nhiếp ảnh. Sau buổi họp báo ngắn gọn, cô tới bên một chiến sỹ trinh sát. Hai người ngồi cạnh tảng đá bên bờ suối. Người lính trinh sát có vẻ là người thành phố, đưa đôi mắt thông minh nhìn cô gái:

- Nhà báo phải giới thiệu tên đã chứ.

- Tên tôi là Ninh, anh cứ gọi là Ninh thôi vì viết bài tôi cũng ký là Nguyễn Thị Ninh... 

Người trinh sát lắc đầu:

- Tôi ít đọc báo lắm nên chả quen tên ai.

Anh nói thật thà làm Ninh thấy lúng túng. Cô giở sổ tay nhưng chưa ghi chép được gì. Giống như bất cứ một thanh niên nào trong những năm đánh Mỹ, lại ở sát mặt trận, cô cảm thấy yêu mến người chiến sỹ đến nỗi cô có thể nói hết với anh những chuyện mà cô đã trải qua. Cô thấy mình vụng về, xấu xí và cô sợ cái nhìn của người lính. Trời ơi, một đôi mắt, một khuôn mặt... Dường như cả cuộc đời cô đã sống để chờ đợi một con người như thế này...! 

Tay phóng viên nhiếp ảnh ngồi trong lán nhìn ra. Các phóng viên viết báo đang lấy tài liệu nên gã ngồi nghỉ. Hàng ria con kiến của gã nhích nhích một cách độc địa. Gã ngắm đôi thanh niên đang nói chuyện bên bờ suối, ngắm vẻ thanh xuân hồn nhiên của họ và gã lại muốn châm chọc cho thỏa thích.

Ninh nói với người lính:

- Anh kể cho tôi nghe với. Kể chuyện gì mà anh nhớ suốt đời ấy.

Anh lính trinh sát mỉm cười. Anh cũng còn quá trẻ để dễ dàng rung động. Anh chăm chú nhìn một bông hoa bé tý tẹo mọc giữa kẽ đá:

- Tôi tên là Đông, hai mươi tuổi, quê Hà Nội.

Anh nói chậm, hay dừng lại giữa chừng. Ninh biết đây là người lính cực kỳ nổi tiếng mấy ngày vừa qua.

Cách đây một tuần, tổ trinh sát của Đông đi làm nhiệm vụ. Con đường các anh sắp vượt qua đang có những trận đánh dữ. Cách chỗ các anh khoảng một cây số, bộ đội đang quần nhau với bọn thiết giáp và bộ binh giặc. Bọn máy bay cánh quạt, bọn phản lực chia thành tầng thành lớp trấn giữ trên không. Một cái xe tăng M.118 bỗng ở đâu chạy xồng xộc tới chỗ các anh đứng thì dừng lại. Thằng lái nhảy xuống đất, nghĩ là chỗ này không có người, nó bỏ xe đấy lủi vào bên đường.

- Đứng lại! - Đông quát. Quát ba tiếng liền. Thằng giặc quay lại nhìn ba lần mà vẫn chạy. Mặt nó tái xám đi vì sợ. Có lẽ nó định bỏ tăng chạy trốn. Cậu Thắng đi cạnh Đông sốt ruột. Đang lúc nước sôi lửa bỏng này... cậu lia một băng. Thằng lái tăng mất dạng giữa đám lá cây lúp xúp.

Cái tăng vẫn nổ máy, nằm giữa đường thành một đống to tướng. Thật là một tình huống bất ngờ. Các anh nhìn nhau, vừa vui thích vừa lo. Đông nói:

- Tớ biết lái. Không khá lắm nhưng cũng tạm. Lái nhá!

- Sợ gì. Làm tới đi xem nào!

Đông nhảy lên chiếc tăng. Phải loay hoay đến hai mươi phút, cái tăng mới chịu nhích đi. Lính trinh sát thì phải biết đủ nghề. Dạo trước Đông cũng có học lái, nhưng là tăng của mình kia. Tăng của địch khó hơn, vì nó lạ. Nào có ai ngờ tới chuyện này. Bọn địch đang chạy như vịt để thoát thân. Xe cộ thành ra vô chủ.

Sau mấy lần loanh quanh như con bọ hung, cái tăng bắt đầu chạy băng băng về hướng có tiếng súng.

Đang chạy, Đông trông thấy một tay bộ binh vác khẩu B.40 từ trên đồi lao xuống. Thế thua được đã rõ ràng nên lính ta chả cần phải phục kích gì nữa, cứ thấy địch là lao xuống. Đông hoảng hồn dừng xe, bật nắp xe, dùng cái mũ tai bèo phất lấy phất để. Tay súng B.40 đứng sững lại và hiểu ngay. Anh nhảy tới ven đường, nhìn cho kỹ hơn và lao về phía chiếc M.118. Khuôn mặt sáng ngời lên vì thán phục, anh hét qua tiếng nổ:

- Của đâu ra thế? Này, có giỏi thì lái cái tăng này nghiền nát bọn trên đồi kia đi. Hai trận địa của bọn nó đấy. Bộ binh mình đang bở hơi tai mà chưa xong! - Anh ta níu áo Đông - Này, tớ ngồi trên nắp tăng cho. Còn bốn quả đây này. Qua chỗ các bố nhà mình lấy thêm khẩu B.40 cho cậu gì đây, xin thêm cả đạn. Được không?

- Xong ngay! - Đông gật đầu.

Hai chiến sỹ thoăn thoắt leo lên nóc tăng. Lại một lần suýt ăn B.40 của quân ta. Mấy tay bạn của Đông phải đứng cả lên, phất mũ, vẫy tay cho các quả B.40 khỏi lao vào chiếc M.118.

Đằng trước, trên mấy quả đồi, quân ta tấn công cứ điểm của địch. Từng cụm khói vụt ra, phình to lên rồi tỏa ra khắp nơi làm cho cảnh vật như bồng bềnh trong sương dày đặc. Những tấm dù trắng bị tung lên trên không, khói đạn nổ dữ làm không khí bị nén tới nỗi những tấm dù như bị treo lơ lửng. Bóng quân ta chạy trong khói súng. Một cái trực thăng hỏng nằm giơ càng ngay giữa trung tâm cứ điểm của địch, cạnh những công sự bằng bao cát. Một cái ô tô vận tải cản đường đi lên đồi. Đông cho chiếc tăng rú ga, húc cái ô tô lăn xuống hố bom. Đạn và một khẩu B.40 đã được tiếp lên chiếc tăng. Bộ đội ta đã nhận ra “quân nhà”, không bắn vào chiếc M.118 nữa. Còn bọn địch, sau những phút nghi ngờ, bắt đầu nã đạn vào bọn Đông. Đông lái bừa lên, lao vào cái ổ kháng cự của địch. Hai bên xe của anh, lính ta đang lao lên với tăng. Có mấy tay lính khoái cái chiến lợi phẩm này quá, vừa đánh vừa hét.

Một ổ đại liên phun lửa của địch nằm gọn trong xích tăng. Một chiến sĩ nằm trên nắp tăng bắn vào một khẩu Đ.K của địch. Mục tiêu cháy bùng như một bó đuốc làm bằng xăng khô. Một thằng giặc vứt khẩu M.72 chạy dạt lên trên một ụ đất... Đông lái chiếc M.118 tung hoành trên trận địa pháo của bọn giặc nằm bên phải quả đồi. Anh lao lên luôn trận địa cối, dùng tăng nghiến nát tất cả và vòng lên hầm chỉ huy địch, đỗ lại đấy. Ở đây, anh gặp anh em cùng tiểu đoàn. Khu vực này, cánh trinh sát đã rõ như lòng bàn tay nên cái tăng của anh mới thọc đúng hướng như thế. Khắp trận địa quân ta đã làm chủ. Lính ta reo hò đến khản cả tiếng. Một tay quen cho Đông điếu thuốc. 

- Này, xong việc chưa mà đi làm ăn lẻ thế, đồng hương?

- Xong tốt, đêm nay đánh được.

Lính ta vây quanh cái tăng, bàn tán xem xét.

Chỉ huy địch bị dẫn ra khỏi hầm. Một gã to béo, đầu hói, mắt nhỏ, cấp bậc đại tá. Hắn dừng lại một giây và yên tâm trước những cái nhìn của người chiến thắng...

Đông ngừng lại. Cô gái lặng người đi.

- Sau đó thì sao nữa, anh?

- Sau đó tôi bị lôi đi khắp nơi hỏi chuyện, báo cáo. Tôi cũng chả muốn như thế!

- Sao vậy?

- Tôi cũng chả biết nữa. Đối với lính thì đánh đấm dễ hơn là báo cáo, nhà báo chắc cũng biết.

Cô gái nhìn hai bàn tay của người lính. Hai bàn tay đàn ông gân guốc, hai bàn tay già dặn trái ngược với khuôn mặt.

Ninh cố ghìm, nhưng không được, cô hỏi một câu mà cô đã nghĩ từ trước:

- Khi vào trận đánh như thế, anh có cảm thấy gì không?

- Không! Lúc ấy chỉ có đánh thôi. Đúng như vậy. Chị không tưởng tượng được chứ, cái dốc của quả đồi đầu tiên mà tôi lái qua ấy, cực kỳ cao. Ngồi ở chỗ lái chỉ thấy trời. Đến khi thấy gập một cái thật mạnh xuống mới biết là hết dốc.

Ninh ghi vội vào sổ tay “Ngồi ở chỗ lái chỉ thấy trời”. Còn cả câu chuyện thì Ninh không ghi được gì. Nhưng dường như từng chỗ dừng ngắt câu của người lính trinh sát cô cũng nhớ.

Ninh sợ đến giờ chia tay. Tim cô gái đập tới đau đớn.

Không hiểu từ khi nào, cô đã say mê những người lính, say mê chiến công của họ như một chú bé ở tuổi mười ba. Trong đó, cô gái không phân biệt nổi đâu là tình yêu đối với một người, đâu là tình yêu tất cả. Nhưng chưa lúc nào cô thấy thế này. Bàn tay nhỏ nhắn của cô để yên trong lòng bàn tay người lính. Đông ngạc nhiên nhìn thấy nước mắt rưng rưng trong mắt cô gái. Anh xoay lưng lại phía mọi người, kiểu như muốn che chở cho cô trước những ánh mắt người khác. Tiếng anh lạc đi:

- Chào chị nhé, hẹn gặp lại!

Cô gái lắc đầu, nước mắt lăn dài trên má!

- Biết các anh ở đâu mà gặp?

Đông đi sau cùng, qua cái cầu gỗ sang bên kia suối. Xe đang chờ các anh. Ninh đã lau khô nước mắt, lấy lại vẻ mặt bình thường. Nhưng khi chiếc xe bên kia suối nổ máy, cô không dừng được, chạy vào lán, ngồi thụp xuống ghế, khóc òa lên. May mắn thay không có ai trong lán...

Buổi tối, đám phóng viên nghỉ trong một doanh trại của thanh niên xung phong. Ở đây tương đối xa mặt trận. Gã nhiếp ảnh ngốn một lúc cả một hộp giò to tướng. Gã nhìn cái nắp hănggô đựng thức ăn còn nguyên của Ninh, nhìn vẻ mặt bần thần của cô và cười khẩy.

- Nhớ lắm hả? Người thứ mấy trăm đấy hả em?

Cô gái bưng cái hănggô lại võng ngồi ăn. Nói chung, cô ít muốn nói chuyện với gã. Cô không đủ từ ngữ để đối đáp với một kẻ hơn cô tới hai chục tuổi, đã sống qua thời Pháp chiếm Hà Nội, đã có bốn đứa con mà có tới hai cô người yêu suốt ngày ngấp nghé ở cơ quan. Nói chung, gã chỉ là một kẻ nhỏ nhen, bần tiện. Gã nhòm ngó cả cái quần đen mặc trên mắt cá chân của Ninh khi cô mới về cơ quan. Gã giễu cợt đôi dép xanh của cô. Và khi Ninh ngồi ôn tiếng Pháp ở cơ quan, gã cười hô hố khi cô nói nhầm. Trong lớp sương màu hồng luôn luôn bao phủ Ninh, gã giống như cái củi gộc nhô lên làm Ninh rất khó chịu. Gã đã làm một bài vè tự đọc cho mọi người nghe, trong đó gọi cô gái là con gà dám bước vào đàn công. Đến nơi này, giữa những con người tốt đẹp, gã vẫn không khá lên chút nào. Cái mặt dài thượt của gã chỉ tươi tỉnh khi không có tiếng bom, tiếng súng. Gã sợ chết một cách kỳ quặc, luôn làm vướng bận mọi người. Làm sao gã hiểu được mình? Cô gái nhấm nháp những miếng thịt hộp, gườm gườm nhìn cái mặt ươn hèn của gã nhiếp ảnh. Làm sao mà bụng gã to thế? Ăn như hùm ấy!

Đêm hôm đó, ngồi trên võng bấm đèn pin, Ninh viết xong bài báo về chiến sĩ trinh sát và cái xe tăng chiến lợi phẩm của anh. Ngay sáng hôm sau, cô gửi mấy anh phóng viên bên quân đội rồi một mình trở vào sâu trong mặt trận. Gã nhiếp ảnh cũng trở ra. Gã có một lý do gì đấy khi trở ra mà Ninh biết không ai bắt bẻ được. Ninh chưa thấy một người nào sợ chết như gã. Đi một mình, Ninh thấy dễ chịu hơn. Cô vẫn có thói quen mang balô, nhảy lên một chiếc xe vận tải và đi thật dài ngày vào tuyến trong. Đợt này cô xin đi thêm với hy vọng gặp lại người lính trinh sát.

Hôm chia tay, tình yêu bùng lên mãnh liệt đến mức ngay lúc ấy, cô gái có thể hy sinh hết để được đi cùng người chiến sỹ. Bài báo cô viết rừng rực lửa dành cho anh đã gửi đi. Tất cả những bồi hồi, khâm phục, xao xuyến cô đã gói vào những dòng chữ viết vội vàng đằng sau tờ in rônêô. Nay mai, bài báo sẽ đến tay anh. Anh sẽ đọc. Anh có biết những gì Ninh muốn nói với anh đằng sau những dòng mô tả chiến công?

Những ngày hôm sau, Ninh đã bình tĩnh lại. Cô đủ sức nhìn anh như một người bạn trong muôn vàn người lính cô đã gặp, đã nói chuyện. Đôi khi, cô buồn cười trước tình cảm của mình. Nhưng nếu không yêu, làm sao mà viết được?

Cô ở lại thêm hai tuần, đi tới các đơn vị pháo, các đơn vị bộ binh. Và nhiều khuôn mặt, nhiều chiến công làm trái tim cô gái lại nhiều lần đau đớn vì phải chia tay.

Trên chuyến xe trở về, Ninh sốt ruột được đọc lại bài báo viết về Đông. Vội vàng quá, không hỏi đường phố của anh, không hỏi địa chỉ hòm thư? Biết tìm anh ở đâu?

Về qua nhà vứt cái balô, Ninh chạy tới cơ quan ngay. Bao giờ ở chiến trường về, Ninh cũng muốn xem ở nhà có chuyện gì không? Cơ quan yên tĩnh làm Ninh kinh ngạc. Ở văn phòng, cô họa sỹ đang ngồi vắt vẻo nói chuyện các kiểu áo với cô thủ quỹ. Gã nhiếp ảnh đã lại bảnh bao thọc tay vào túi đứng giữa sân nói chuyện bô bô, cười hô hố. Trông thấy Ninh, gã reo:

- A, người hay yêu, về đấy hả.

Ninh cố nén giận:

- Em mới về. Cái bài hôm em gửi về đăng số mấy anh biết không?

- Súp rồi em ơi! - Gã nói một cách hững hờ.

- Sao thế?

- Em cứ vào mà hỏi cụ thủ trưởng em ấy. Bài chưa lên đến Ban biên tập duyệt cơ mà...

Ninh chạy như bay vào phòng làm việc. Ba cái đầu, ba cặp kính trễ xuống mũi, những tiếng xô ghế, những tiếng chào:

- Về đấy hả cô Ninh, bình an không?

- Vâng, cũng tạm được. Sao bài của em không đăng, anh Khang?

- Cô cứ uống nước đi, nghỉ ngơi đã. Tắm giặt chưa?

Ninh nôn nao:

- Chưa cần ạ, chốc nữa em về làm một thể.

Biết tính Ninh, ông trưởng ban kéo ghế bảo cô ngồi. Ông loay hoay tìm trong ngăn kéo bài viết của Ninh. Ninh ngắm cái đầu hói của ông và chợt mỉm cười. Dạo chưa về đây, Ninh thường nghe tên ông và bồi hồi: Tuấn Khang! Ninh tưởng tượng tới một thanh niên khỏe mạnh, mặc quần áo thể thao màu trắng, hay huýt sáo miệng và nhảy ba bậc một lên cầu thang. Hôm ở trường về, Ninh được phân công ở cùng khu nhà tập thể với ông. Người ta chỉ cho cô ông Tuấn Khang. Ông bưng cái bô đi từng bước xuống cầu thang, đầu ông hói đến nỗi ông phải để tóc hai bên tai cho dài để vắt ngược qua, che cái đỉnh đầu. Sáng nào ông cũng ho ầm ĩ, khạc nhổ lung tung ra cầu nước. Và người ta kể cho cô nghe về tính hà tiện của ông. Nhiều chuyện thật là quái đản, không biết bịa hay thật? Chỉ biết là ông quản lý hết các thứ trong nhà. Bao diêm ông quy định để ở góc chạn bát, lúc nào trong bao cũng chỉ có ba que diêm dành trong ngày. Lắm hôm bà vợ phải đi xin lửa vì diêm không cháy, đánh một lúc hết ba que. Ông thường dấm dúi đánh vợ trong nhà vì năm xu rau muống bà dám luộc một bữa... Những chuyện đó thì Ninh biết và bây giờ nhìn cái đầu hói có mấy sợi tóc chăng qua của ông, Ninh thấy ghê ghê.

- Thế này cô Ninh nhé, bài cô viết thì nhiệt tình, mang được không khí ở chiến trường... Nhưng, thế này nhé, cô bịa quá. Đọc xong biết là bịa. Hoặc là cô bịa, hoặc là cái anh trinh sát kia bịa rồi kể lại với cô...

Tính vốn nóng nảy, Ninh không thể chịu nổi khi nghe ông trưởng ban nói. Cô tức đến trào nước mắt. Phải một lúc lâu cô mới nói được:

- Bộ đội đánh giặc thì thiếu gì chuyện bất ngờ. Các anh không tin, nhưng các anh cứ đăng lên, bộ đội họ tin hết.

Ông đầu hói bình tĩnh nhìn cô gái. Ông cho là cô này hơi thần kinh, gặp cái gì cũng bốc lên, nhưng sẽ chán ngay cho mà xem. Ông nói thủng thẳng:

- Thiếu gì các gương điển hình khác, cô đi về chắc nhiều tài liệu, cô cứ viết những cái gì bình thường...

Cô gái đứng phắt dậy, mặt đỏ bừng, đôi môi run bắn lên. Nhưng rồi cô lặng lẽ đi ra, vừa ra đến cầu thang, cô khóc nức lên. Gã nhiếp ảnh đứng đó nhăn nhở cười...

Cách đây một thời gian ngắn, gã cũng đã từng cười như thế. Gã và Ninh đi về một lâm trường ở miền Trung. Thời buổi chiến tranh, lâm trường thường yên tĩnh hơn các điểm khác, vì mọi việc đều diễn ra trong rừng. Mà rừng núi thì lúc nào cũng gây cho ta cảm giác được che chở. Gã hoạt bát, thông minh hơn lúc nào hết. Ở đây, họ gặp một kỹ sư. Một người thanh niên mới đi học ở nước ngoài về, còn đầy nhiệt tình và dĩ nhiên, cả những ý nghĩ tốt đẹp nhưng viển vông. Anh làm ở phòng kỹ thuật. Thấy bộ máy hành chính của lâm trường quá lớn, quá nặng, anh có một sáng kiến: Mỗi ban, mỗi phòng để lại 1/3 nhân viên. Còn tất cả đi tham gia mở con đường vận chuyển gỗ từ nơi khai thác mới ra đường cái. Anh xung phong làm đội trưởng và các bạn anh ào ào ra theo. Ninh và gã nhiếp ảnh về vào đúng những ngày bộ phận hành chính khởi công làm con đường. Giữa buổi chiều trong vắt của rừng già, Ninh gặp anh kỹ sư và yêu ngay. Vẻ khỏe mạnh, xốc nổi và trong sáng của anh hợp với ý nghĩ của Ninh biết bao. Và cái chính là xung quanh, ai cũng quý mến anh. Anh làm ở phòng kỹ thuật, anh có thể cứ yên thân ở đấy chứ. Cái gì đã khiến anh lao vào những việc khó? Lá cờ đoàn cắm ngay ở chỗ anh kỹ sư và những người làm việc cũng khiến Ninh xúc động. Buổi tối, trong nhà khách của lâm trường, Ninh vừa thổn thức vừa viết một bài báo về người thanh niên và những người bạn anh. Cô gửi bài báo đi ngay và ở lại lâm trường một tuần. Tình yêu không tuyên bố gì với anh kỹ sư cũng nhạt dần vì còn bao nhiêu người khác. Nhưng tất cả đã được nói trong bài báo rực lửa ấy. Khi chia tay, Ninh nói với anh kỹ sư:

- Anh đọc bài báo, nếu có gì anh gửi thư cho tôi nhé.

Nhưng ông Tuấn Khang không cho in bài báo. Vì sao thế? Đôi mắt cô gái mở cực lớn, hốt hoảng nhìn khuôn mặt to như quả bí đỏ của ông trưởng ban. Ông ta đủng đỉnh:

- Cứ bình tĩnh, bình tĩnh.

- Không, sao lại bình tĩnh được? Một chuyện như thế mà các anh không đăng? Anh xem, giữa lúc tất cả mọi người đang kêu vì bộ máy hành chính quá to, chiếm quá nhiều lao động, một chuyện như thế này là cần thiết chứ.

Ông trưởng ban vắt những sợi tóc từ bên này thái dương sang bên kia thái dương. Ông đủng đỉnh rút cái hộp thuốc bằng gỗ mộc lấy một điếu bẻ làm đôi, cẩn thận cho nửa kia vào bao. Chưa lúc nào Ninh thấy ông cả gan hút cả điếu và cái vẻ hút thuốc của ông làm Ninh sợ, có một cái gì thèm khát quá, ham hố quá. Ông đã nhịn cơn thèm từ lâu lắm, có lẽ thế? Ninh sốt ruột hỏi ông: 

- Sao thế ạ?

- Thế nhưng rồi đi đến đâu? - Ông trưởng ban bắt đầu. - Cái đội làm đường đó, xong việc thì đi đâu?

- Họ sẽ làm việc khác. Lâm trường đang thiếu lao động. Nhiều việc lắm!

Ninh hơi nao núng. Rõ ràng cô chưa hỏi tới điều này.

- Họ có chuyển hẳn ra lao động chân tay không? Và trong bài báo, cô nói họ hầu hết là cán bộ kỹ thuật. Người ta đào tạo cán bộ kỹ thuật để làm kỹ thuật. Những người ấy vì nhiệt tình, bỏ đi lao động, lâm trường sẽ phải xin cán bộ kỹ thuật khác. Như thế, về mặt kinh tế cô thấy sao?

Trong khi viết Ninh không nghĩ tới điều này. Nhưng có thể biểu dương tinh thần của những người thanh niên ấy chứ?

- Không được đâu, cô Ninh ạ. Biểu dương, nhưng người đọc sẽ chất vấn chúng ta. Cô phải tính đến mọi khả năng khi đưa ra một vấn đề mới, có phải cái gì cũng vội vàng biểu dương được đâu...

Ninh uất ức bỏ chạy ra cầu thang. Gã nhiếp ảnh cũng cười nhăn nhở như hôm nay. Gã đang nhìn theo cô gái đi ra chỗ để xe đạp, lấy xe rồi phóng thật nhanh ra cổng cơ quan. 

Cái gáo nước lạnh mà ông trưởng ban dội xuống lòng nhiệt tình của cô gái quá lớn, quá dữ dằn, làm cho cô như bị xỉu đi. Cứ cái kiểu nhìn người của ông ta như thế, liệu thế giới có còn cái gì tốt đẹp? Ninh đi vội về nhà và nằm vật xuống giường, khóc cho bõ tức. Cô nhìn qua mảng trời xanh ngoài cửa sổ, thấy tiếc cho bầu trời mà người lính trinh sát đã trông thấy khi lái chiếc xe tăng. Đột nhiên, cô thấy thương yêu anh quá. Anh đang ở tít trong mặt trận. Đã lâu không được ngủ đẫy giấc, không được ăn cơm nóng. Còn những người ở đây không tin anh.

Cái phòng kia là của gã nhiếp ảnh. Gã ở gần cổng ra vào nên bất cứ người thanh niên nào lên phòng tập thể của các cô gái, gã cũng biết. Có hôm gã nói trong buổi họp nhà là phòng các cô lộn xộn quá. Ai đời có cô hôn người yêu ở trong phòng khi các bạn đi vắng. Như thế không thể được. Nhà tập thể phải ra nhà tập thể. Hôn nhau như thế, nhỡ người ngoài trông thấy, người ta cho là khu nhà này thiếu văn hóa. Hôm đó, có ông hỏi thẳng gã: Làm sao anh biết người ta hôn nhau? Gã trắng trợn bảo là cửa sổ không đóng, gã nhìn thấy. Ông nọ lại hỏi: Thế lúc anh yêu, anh có biết hôn không? Gã nổi khùng lên. Gã bảo gã sẽ xin đi khỏi khu nhà này. Nhưng rồi vợ con đùm đề, không hiểu gã sẽ xin đi đâu? Và thỉnh thoảng có gì bất bình, gã lại dọa sẽ xin đi nơi khác. Gã luôn luôn có cảm giác mọi người là một đàn gà cứ chực làm bẩn lông công của gã... Còn phòng bên kia máy nước là của ông trưởng ban. Cái bụng của ông ta ngày một lớn còn cái đầu thì đầy những nghi ngờ đen tối. Cách đây ít lâu, một người phụ nữ ở cạnh phòng Ninh, khoảng 11 giờ đêm, nghe tiếng gọi cổng. Chị mở cổng xong, nghe một câu thông báo gì đó, chị khóc ầm lên. Vốn là một cô gái nông thôn, chị hay biểu hiện trạng thái tình cảm một cách ồn ào. Chị khóc, đi sầm sầm lên cầu thang làm náo động cả khu nhà. Ninh mở cửa và chị túm lấy cô:

- Cô Ninh ơi, thằng Mạnh nó chết mất rồi... Ối em ơi là em ơi, em còn hơ hớ xuân xanh, em đã vội bỏ chị mà đi. Ba hôm trước đây em còn ăn cơm với chị, sao em đã vội đi như vậy!

Ninh tái mặt. Mạnh là em trai chị, lính tên lửa. Ba hôm trước anh còn tới thăm chị, còn vui đùa với Ninh. Đơn vị vào đến khu Bốn thì anh chết...

Tiếng ầm ĩ làm cho ông trưởng ban của Ninh, vốn là người rất khó ngủ, phải đi lên cầu thang. Ông hỏi có chuyện gì? Khi biết chuyện, ông đĩnh đạc khuyên:

- Chuyện gì thì chuyện, đêm khuya rồi, các cô phải biết giữ trật tự chứ. Ngày mai người ta phải đi làm, mất ngủ thì còn làm ăn gì...

Người phụ nữ vào nhà đóng cửa lại. Mọi người im lặng. Ai cũng sợ ông, sợ những cái ông còn âm mưu ở trong đầu.

Nhưng đêm ấy, Ninh không tài nào ngủ được. Trái tim thơ dại của cô gái mười chín tuổi đau như thắt. Cô cũng đã từng yêu Mạnh. Lúc này anh đã chết. Cái chết sao mà nhanh chóng đến thế. Vô lý đến thế?

Ninh cứ đứng nhìn qua cửa sổ và nghĩ lung tung. Nước mắt cô rơi lã chã, làm cảnh vật mờ đi.

“Mùa đông dù trôi qua... Những bóng dáng xinh tươi phai mờ và lá trút không ngưng trên cành. Trọn đời em thương nhớ anh. Anh sẽ về, anh sẽ về...”.

Vừa khóc, Ninh vừa hát cái bài mà cô ưa thích... Cô không ngờ rằng trong bao nhiêu khuôn mặt mà cô đã yêu, khuôn mặt người lính trinh sát lái chiếc xe tăng trở lại trong cô bất kể lúc nào.

*

Hai năm đã trôi qua. Cô phóng viên bé nhỏ vẫn đi đi về về trên những chuyến xe vận tải đầy bụi. Cuộc chiến tranh chống Mỹ đang đi tới những ngày thắng lợi. Ông trưởng ban béo thêm và ngày càng như bị cột chân vào bốn bức tường. Lúc nào ông cũng có vẻ quan trọng nhưng có hôm ông đã hắt cả chậu nước vào bà vợ vì bà đánh rơi mất cái phiếu thịt còn ba lạng. Bà vợ khóc ầm ĩ. Ông lôi bà vào nhà, dúi đầu vào tường và rít lên:

- Im mồm ngay!

Ông sợ danh tiếng của ông bị ảnh hưởng.

Ông đã truyền được cho Ninh một ít cái lãnh đạm, ngờ vực trước mọi chuyện. Giờ đây, khi nghe xong chuyện gì, cô cũng đắn đo một chút. Khi viết bài gì, cô cũng suy tính xem cái này có ai tin không, cái kia có ai chất vấn gì không? Cô cũng không còn yêu ai dễ dàng như trước nữa. Hầu hết các bài viết của cô được ông trưởng ban thông qua. Nó chuẩn xác, đúng mực, không quá bốc như trước và điều đó rất là cần cho một người làm báo.

Một buổi chiều, đi bộ từ cơ quan về, cô nghe một tiếng gọi như hét lên: Ninh!

Một chiếc xe con của bộ đội xịch đỗ ngay bên đường. Một người lính chạy lao tới cô:

- Ninh. Chị Ninh!

- Anh đấy à. Trời ơi!

Ninh nhìn người lính trinh sát và tiếng kêu “Trời ơi” của cô có một cái gì chừng mực tới nỗi người lính vụt dừng lại. Cái nôn nóng của anh nguội ngay. Họ hỏi thăm nhau như hai người ở xa tới, như hai người biết nhau từ lâu. Ninh vừa nói chuyện với anh vừa ngạc nhiên tại sao hồi ở mặt trận, mình thấy anh đẹp đến thế, xa vời đến thế. Hình như ở ngoài ấy trông anh cao lớn hơn, cái nhìn thông minh hơn. Dạo ấy, trong quang cảnh của khu rừng bị bom Mỹ tàn phá, anh có vẻ đẹp của một hiệp sỹ. Đứng bên cạnh anh, thấy tất cả những tai họa trở nên nhỏ bé, nhẹ tênh. Dạo ấy, cô sẵn sàng đi với anh đến cùng trời cuối đất. Cô yêu anh mãnh liệt, yêu ngay không cần biết ngoài chiến công và con người bằng xương bằng thịt của anh ra, còn những chuyện gì trong cuộc đời anh?

- Hồi ấy cái bài về anh không in được, tiếc quá.

Người lính mỉm cười:

- Tôi cũng bận chả có thì giờ đọc báo. - Anh định nói cái câu mà hai năm xa cách, anh vẫn dành cho ngày gặp lại cô gái có đôi mắt đầy nước mà anh đã che chở ngày nào: “Tôi không dám viết thư, nhưng không lúc nào tôi không nghĩ tới chị!” Anh định nói, nhưng lại thôi. Đây là một cô gái khác rồi. Không nên nghĩ cái gì cũng như trước.

Chia tay người lính trinh sát, Ninh đi về khu tập thể của mình. Gã nhiếp ảnh vừa bỏ nhầm cái gì vào nồi cháo của con bị mụ vợ đang đay nghiến. Gã sợ vợ cứ tái cả người. Ở chỗ khác gã hào hoa phong nhã bao nhiêu, về trước mụ vợ có hai bàn tay cứng như sắt, gã hèn hạ bấy nhiêu. Gã mặc may ô, quần đùi, tay chân xanh rớt, gã không dám ngước nhìn khi Ninh đi qua vì sợ vợ. Ninh về phòng, mở cửa sổ, đột nhiên cô nhìn thấy bầu trời. Nhưng cô nghĩ: Đông bảo với mình là lúc lái tăng, chả nhìn thấy gì, chỉ nhìn thấy trời. Không hiểu anh ta bịa hay thật? Có lẽ anh ta bịa!

L.M.K

Lê Minh Khuê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 279 tháng 12/2017

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground