Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tìm ký ức

 TCCV Online - Chỉ nhẹ tay tháo vòng thép buộc sơ sài, chú Lưu đã mở được cửa nhà mình. Ngôi nhà cấp bốn ngày đó kiên cố nhất xóm giờ thành cái nhà cũ nhất, xung quanh đã mọc lên mấy cái nhà hộp khang trang hơn.

Mười lăm năm bỏ hoang, cỏ trong vườn tốt um, cây mít cao chạm nóc nhà. Ngày chú về trời mưa lâm thâm, thầu đâu rụng những hạt tròn rải rác góc sân rêu, đi không khéo rất dễ trượt chân.

Không còn gì trong căn nhà này nữa. Chính xác thì chỉ còn mấy thứ đổ vỡ. Một mớ chén đọi nếu ngồi một buổi lắp ghép họa may mới lựa ra được mảnh sứt nào hợp với đít chén nào.

Lũ chuột gặm nát cái màn rèm chỗ buồng ngủ, chỉ chừa lại mấy cái móc tròn chắc dai quá chúng chịu thua. Vài bức ảnh trắng đen lem luốc trên tường, nhìn vào thấy mặt ai cũng giống mặt ai, chỉ là những nhúm muối tiêu lộn xộn.

May mà không còn thứ gì đáng giá ở đây, nếu không nó cũng đã hư hết cả, vì chuột cắn hay mối mọt rúc rỉa. May nữa là những đồ vật lưu lạc đâu đó, lại gợi về ký ức cho người bỏ quê đi xa mười lăm năm.

Bộ ngựa gỗ gõ giờ nằm ở nhà ông trưởng thôn, chú Lưu thấy ngay khi bước vào trình diện, cũng có ý báo cho chính quyền biết tui trở về rồi đây, ưa bắt thì bắt đi. Trưởng thôn vỗ vai chú Lưu, bảo về rồi à, có tính ở luôn không, quê hương giờ cũng khá giả, kiếm sống được, mấy cái chuyện ngày xưa chắc người ta cho qua rồi.

Thấy chú Lưu nhìn ngó bộ ngựa, trưởng thôn bảo cần cứ lấy về lại, ngày đó tui cũng có cắm hụi ở chỗ vợ chú, xài mười mấy năm coi như đủ rồi.

Nhưng chú Lưu về đây không phải để đòi mấy cái thứ đó. Vì nếu có cuộc đòi nợ thì chú mới là người bị đòi. Người ta đã làm giúp chú cái việc đi trả nợ, bằng cách xiết đồ đạc trong căn nhà không chủ ngay sau hôm chú dắt díu vợ con rời quê. Kẻ lấy bộ bàn ghế, người bê cái tủ đứng hai ngăn, người vác cái tivi.

Ai đến sớm chọn được cái ngon. Người đến sau còn vài đôi giày đôi dép, cái ấm trà phích nước, cũng lấy hết. Có người tính ra hời, có người lỗ. Cũng hể hả lấp liếm vì chí ít mình không bị con hụi lừa hết.

Trưởng thôn nói chừng ấy nợ hồi đó là to, nhưng giờ nhỏ xíu, chú có đem trả chắc người ta không nhận nữa đâu. Về được đây là mừng rồi, tui sẽ vận động bà con ai còn giữ cái gì thì trả lại cho chú, chắc họ vui vẻ cả, không đáng chi nhưng là kỷ niệm. Mà kỷ niệm thì không mua bán gán xiết được.

Nói là làm ngay, trưởng thôn mà, chỉ buổi chiều bộ ngựa đã sắp đặt cẩn thận vào chỗ phòng ngoài nhà chú Lưu. Cái bộ ngựa này ngày đó chưa lên nước đen tuyền như bây giờ. Mùa hè mấy cha con chú Lưu thường ở trần mặc quần xà lỏn nằm trên đó chơi.

Thằng Nhứt cầm quạt ve vẩy mỏi tay lăn ra ngủ ngon lành. Thằng Nhị săm soi nhổ mấy sợi râu ngứa cho cha, nhổ trúng chỗ râu hiền chú giật nảy lên kêu đau. Thằng Tam chỉ cầm cái kẹo chanh mút kiêng dè sợ hết. Thím Lưu dưới bếp nói với lên mấy cha con trưởng giả chuẩn bị ăn cơm.

Cảnh thanh bình không tái diễn ở một vùng đất xa xôi ngàn cây số, nơi cả năm người chui ra luồn vào căn phòng thuê chục mét vuông trải được manh chiếu. Chạy trốn mà đòi cao sang chi được, có chỗ núp là ngon lành rồi.

Nằm đâu cũng ngả lưng, ngủ là qua được một ngày, cha nói với bầy con kiểu triết lý để an ủi nhưng chúng không chịu hiểu. Thằng Nhứt chê đau lưng vì chật, nằm cả đêm không quay qua xoay về được. Thằng Nhị kêu nóng quá, không có gió trời chi cả. Thằng Tam hỏi thõng chân thế nào để xoa hai bàn chân phủi bụi trước khi đi ngủ.

Ở chỗ xa xứ đó sáng ra đã nghe tiếng còi xe ồn ào, mở cửa bụi đất bay mù. Thằng Nhứt hỏi bao giờ thì về lại nhà hả cha, bữa nay con khỏi phải đi học đúng không. Cha ôm con vào lòng nói học gì cũng là học, học cả đời. Mười hai tuổi thằng Nhứt đi vào phụ việc trong quán sửa xe máy, chùi bụi bặm mấy con đai ốc, vá xăm bơm lốp, cũng có cơm ăn ngày hai bữa.

Người ta bưng đến trả chú Lưu cái bàn học trò, nói hai đứa con tui nhờ học cái bàn này giờ đều là sinh viên công lập đó nghe. Có khi cũng vì hưởng cái hên của thằng Nhứt, hồi đó nó đi học toàn được giấy khen loại giỏi.

Sẵn tính thông minh lanh lẹ nên thằng Nhứt đi học nghề nhanh. Giờ cũng đã có một quán sửa xe tuyển ba thợ vào làm. Trước khi chú về Nhứt có dặn cha coi có đồ gì của con còn lại thì cất giùm, mai mốt lỡ về còn có cái để nhớ. Nhắn chung chung kiểu đó là biết thằng Nhứt chẳng nhớ một đồ vật nào cụ thể.

Vì năm tháng xa quê những đứa trẻ con lớn lên đã quên đường về. Nhiều lần chú Lưu rủ thím với mấy đứa về một chuyến, giờ tiền bạc đã dư dả, có ai tới đòi nợ thì trả cho họ, đỡ áy náy. Lúc thì thím Lưu bảo đang mùa bóng đá, quán cà phê bán được, đóng cửa uổng. Lúc thằng Nhứt nói chuẩn bị sửa quán, về không ai coi ngó thợ. Lúc khác thằng Nhị kêu đang vào đợt thi cử. Ờ, đành chờ, có về thì phải đông đủ mới vui.

Ngàn cây số ngắn dần khi phương tiện đi lại ngày càng dễ, xe giường nằm lên đó ngả người coi mấy tập phim, ngủ một giấc là về tới quê. Nhưng thằng Nhứt nói quen đất này rồi, chỗ nào nuôi sống mình thì đó là quê. Đúng rồi, chỗ này đã nuôi nó từ một đứa trẻ thành chàng thanh niên có nghề ngon lành, nên nó bám.

Dù đôi lúc nó cũng ngước lên hỏi cha liệu còn cuộc trốn chạy nào nữa không. Thằng Nhị có người yêu ở miền Tây sông nước bập bùng, nếu có chuyến đi thì nó tiếp tục chọn đi vào phía Nam chứ không ngược về miền Trung quê hương làm gì. Thím Lưu băn khoăn bà con chắc chưa quên chuyện ngày đó, về chỉ khiến người ta nhắc lại xấu hổ. Tiền bạc có thể trả được, hoặc xí xóa được, còn cái vết nhơ không dễ tẩy như áo quần.

Những người ra đi với ký ức mỏng manh đã bị gió phương Nam thổi bay, thay vào đó thành thị bồi đắp những ký ức khác. Những người có ký ức đậm nét thì lại bị cắt ngang sau cùng bởi một chuyện buồn. Chuyến ra đi vội vàng trong đêm, chắc chắn là ký ức đậm đà nhất, sắc bén nhất, cứa đứt tất cả những tươi đẹp trước đó.

Và cũng tùy cơ địa từng người mà vết thương lâu hay mau lành. Chú Lưu có lẽ là người lành sớm nhất, nhưng cũng mất mười lăm năm. Một buổi sáng quán cà phê vắng khách, chú ngồi nhấp trà phả khói thuốc nhìn trời thấy mấy đám mây trôi đùn về một góc, chợt chú đứng dậy tuyên bố dứt khoát phải về một chuyến.

Đường làng mình bữa nay ngon không, xe khách chạy qua về tận ngõ luôn. Trưởng thôn nói, như có ý bảo chuyện đi về là rất dễ, không còn trở ngại gì nữa. Cái đêm sơ tán đó, chú Lưu chưa quên việc dắt díu đùm gói đi bộ năm cây số mới tới chỗ đón xe, dọc đường cứ sợ người ta chạy theo đòi tiền hụi. Giờ về dễ ợt, đúng như ông trưởng thôn nói. Đời mà, đánh kẻ chạy đi ai đánh người chạy lại.

Chỉ ba ngày chú Lưu về, cái nhà hoang đã hết lạnh lẽo. Hàng xóm phụ giúp phát cỏ dọn nương. Trong nhà đã có ít đồ đạc lưu lạc được tìm về, sắp đặt vào chỗ cũ. Ngó những thứ đó, chú thử tưởng tượng coi cái nào lưu dấu với người nào nhiều ít.

Cái tủ gỗ hai ngăn đựng áo quần chắc là gắn liền với thím Lưu nhất. Vì nó chứa toàn áo quần của thím như bộ áo dài đi dự đám cưới, rồi mấy cái đồ lót chú Lưu bảo phải cất chỗ kín đáo. Thêm tấm gương gắn ngoài cửa tủ là chỗ thím thường đứng chải tóc, đánh phấn son. Sinh nở ba lần mà thím vẫn còn đẹp mặn mà. Chú Lưu nhớ có lần bảo với thím kiểu này chắc mẹ mày dễ đẻ thêm một đứa nữa để phá cái thế tam nam bất phú.

Cái tivi cũng được bưng đến trả. Người bưng trả bảo nếu chú không về cái này đã bán cho đồng nát, bây giờ dùng tivi màn hình phẳng chuẩn hình ảnh HD chứ ai dùng cục to đùng hình chỉ trắng với đen này đâu. Sơ sài cũ kỹ thế mà thằng Nhị hồi đó vừa xem phim Tây du ký vừa đưa tay gãi gãi lên mặt học đòi Tôn Ngộ Không.

Nếu chú Lưu nhắc lại, chắc chắn thằng Nhị sẽ nói cái câu quen thuộc là cha nhắc chi mấy chuyện trẻ con, có nhớ đâu. Nhưng dù thằng Nhị có phũ phàng với ký ức của nó, thì chí ít chú Lưu cũng đã tìm ra một cái tivi để gọi là có vật liên tưởng. Còn hơn thằng út Tam, chịu không biết có thứ đồ gì gắn liền với nó, vì lúc đó Tam nhỏ quá, đáng nhớ nhất là mấy gói kẹo chanh thì nó nhai nuốt hết rồi.

Trước chuyến trở về, đúng cái ngày mấy đám mây trôi đùn đó, khi chú nói phải về thì thím với mấy đứa con cũng đã xuôi lòng. Chắc vì mây gợn nhớ, hay vì nhìn tóc chú Lưu đã ra màu mây coi chừng thèm cảnh quê nên tất cả gật đầu nhất trí. Thằng Nhứt nói ở quê giờ về sửa xe máy cũng ngon ăn, tay nghề mười mấy năm sửa xe cho dân Sài Gòn không thể đói được.

Thằng Nhị nói chán con gái trong này rồi, có khi về quê lại tìm được cô nào đó hay hay. Thím Lưu nói tui răng cũng được, nhưng tội thằng út Tam, biết nó có chịu không? Tất cả im lặng một chút, ờ, biết ý thằng út thế nào. Cũng có khi út Tam là đứa sẵn sàng về nhất, vì nó vô tư với cuộc chạy trốn, mà nó đâu có chạy trốn, nó được bồng trên tay mẹ cha hẳn hoi.

Cuối cùng chỉ chú Lưu về trước, coi như đi tiền trạm, về tiền trạm thì đúng hơn.

Và chuyến trở về lần này vô tình chú đã gầy lại ký ức cho từng thành viên trong gia đình. Những ký ức đẹp gắn với đồ dùng thân thuộc sẽ xóa được ký ức đau buồn sau cùng. Giống như xu thế chơi đồ cổ đồ bao cấp giúp người ta sống trân quý hơn.

Chỉ mấy ngày chú không thể tìm lại hoặc được trả lại hết những gì bị bốc xiết. Hồi đó nhà chú nhiều đồ bây giờ cũng xếp vào loại đồ cổ được, như bàn ủi con gà, máy cát xét hiệu Sharp, đồng hồ Liên Xô. Những thứ này giờ đã có giá nên người ta không trả lại cũng đúng. Chú chỉ băn khoăn liệu còn cái gì cho thằng út Tam không.

Trước khi rời ngôi nhà để vào lại phương Nam, chú Lưu nhận được thêm một đồ vật. Là cái giường ngủ vợ chồng chú. Người đem đến trả buổi tối, bảo cái giường phải đem đi ban đêm để người ta đỡ nhìn thấy.

Đấy có lẽ là vật gắn liền với ký ức của thằng út Tam.

Ký ức lần đầu tiên nhìn thấy một cảnh là lạ. Út Tam từng thì thầm với cha rằng chiều nay con ngủ dậy thấy mẹ với một chú nào đó ở truồng trên cái giường này. Chú Lưu nghe xong bịt miệng thằng nhỏ, dặn đừng nói cho bất cứ ai, kể cả mẹ. Thằng Tam dạ, mẹ cũng dặn đừng kể với cha chứ không mẹ sẽ bị chết.

Đó mới là cú tác động mạnh nhất khiến chú Lưu quyết định di tản cả nhà, bất chấp tiếng kêu khóc của thằng Nhứt thằng Nhị, bất chấp lời can vãn của thím Lưu rằng nợ rồi trả dần được. Bởi một đứa trẻ có thể kể bất cứ chuyện gì cho người khác nghe. Những chuyện người lớn cho là nhạy cảm bí mật, trẻ con chỉ xem như chuyện phim. Và chuyến đi là để cách ly thằng út Tam với mảnh đất thân thuộc rất dễ bị xoi mói, giấu giếm một câu chuyện có thể vỡ ra bất cứ lúc nào, hơn cả vỡ nợ.

Chuyện tày trời vậy tha thứ được không? Được. Chú Lưu từng coi chuyện vụng trộm đó biết đâu cũng là một cuộc xiết nợ. Nhẹ nhàng thế chú thím mới sống được vui vẻ với nhau tới giờ.

Chỉ có thằng Tam là xui xẻo, nó đã bị xe cán từ hồi lên bảy khi băng qua đường mua bong bóng, ký ức nếu nó có mang theo từ quê vào phương Nam thì cũng không còn cất tiếng. Chẳng biết hồn có đau đáu ký ức không, nếu lỡ nó tìm về được căn nhà này.

H.C.D

Hoàng Công Danh

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

5 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

5 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

5 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

5 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground