Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những người lính thời bình

Dễ đã hơn chục năm nay tôi chưa gặp lại Hoàng, người bạn thân của tôi. Nói bạn thân vì Hoàng không chỉ là người bạn thuở học trò, hơn thế, Hoàng còn là đồng đội cũ của tôi suốt mấy năm trong quân ngũ. Hồi ấy, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, hai chúng tôi cùng nhận được giấy báo nhập ngũ, rồi cùng vào biên giới Tây Nam khi chiến sự ở đây đang trong những ngày lên đến đỉnh điểm. Sau hơn hai năm có mặt khắp các điểm chốt biên phòng, tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, một ngày đầu năm 1979, chiến tranh kết thúc, chúng tôi lần lượt được cấp trên cho xuất ngũ trở về địa phương. Tuy khác xã nhưng cùng huyện, lại cách nhau không xa lắm, vậy mà Hoàng và tôi chỉ gặp nhau một, hai lần gì đó rồi biền biệt từ ngày ấy đến nay. Cuộc sống với bao bận rộn công việc đã cuốn chúng tôi vào dòng chảy của nó, để đến bây giờ nhìn lại đã là một quãng thời gian khá xa.

Từ ngày ra quân, tôi chỉ trở lại quê nhà được hơn một năm thì lấy vợ, rồi cùng vợ chuyển vào sinh sống, làm ăn ở một tỉnh gần đó. Tuy hai tỉnh cận kề, cách nhau không xa, nhưng cảm giác về quê hương nguồn cội thì lúc nào cũng cách xa vời vợi, với một nỗi nhớ diết da, dai dẳng. Suốt một thời gian dài, vợ chồng tôi chỉ về quê vài bận, đó là hai lần bố và mẹ tôi mất, và một lần nữa là lần em tôi lấy vợ, chúng tôi phải về dự đám cưới của nó. Công việc ở một xí nghiệp khai thác quặng vô cùng bận rộn và vất vả, khiến chúng tôi suốt ngày tối mắt tối mũi như không còn thời gian để nghĩ đến bất cứ chuyện gì khác.

Gần đây, tự nhiên tôi bỗng nhớ thằng Hoàng lạ lùng! Ngày nào tôi cũng nghĩ đến hắn. Không biết bây giờ hắn ra sao? Ít nhất cũng đã hơn mười năm nay rồi chúng tôi không nhận được tin nhau. Không biết hắn có còn sống ở quê không, hay rồi cũng như tôi phiêu bạt làm ăn đâu đó? Nhớ đến Hoàng tôi lại nhớ ngày chúng tôi còn trong quân ngũ, thế là kỷ niệm lại ùa về. Những trận đánh, những đêm hành quân, những ngày bám chốt... tất cả bỗng như cuốn phim quay chậm lần lượt hiện ra trước mắt tôi.

- Anh nghĩ gì mà thần người ra vậy? - Vợ tôi đến bên lúc nào không hay. Tôi chưa kịp trả lời, cô ấy đã lại nói - Gần đây em thấy anh lúc nào cũng ngồi một mình, trầm ngâm suy tư. Có chuyện gì vậy anh?

Tôi buộc phải nói thật nỗi lòng mình với vợ. Không ngờ cô ấy lại háo hức với những kỷ niệm trận mạc năm xưa của tôi đến vậy. Từ ngày lấy nhau, tôi rất ít khi kể với vợ về những tháng ngày quân ngũ, có chăng chỉ là đôi lần nhắc lại sơ sài một vài mẩu chuyện mà tôi còn nhớ được. Đêm ấy, nằm bên nhau, tôi đã kể rất nhiều chuyện giữa tôi và Hoàng cho vợ nghe. Tôi còn nói thêm là lần này về quê, tôi sẽ đi thăm Hoàng, để biết xem hắn bây giờ ra sao. Chẳng cần đắn đo, suy tính, vợ tôi vui vẻ đồng ý ngay và khuyên tôi nên thực hiện chuyến đi càng sớm càng tốt. Ngày tôi ra đi, vợ chuẩn bị cho tôi đầy đủ mọi thứ và còn dặn đi dặn lại là nếu gặp Hoàng thì phải mời cho bằng được hắn vào thăm nhà.

Chỉ hơn hai tiếng đồng hồ ngồi ôtô khách tôi đã về đến quê và có mặt tại nhà em trai tôi. Nghỉ ngơi, ăn cơm trưa xong, chiều ấy tôi mượn chiếc xe máy của em tôi và ra đi.

Nhà Hoàng cách nhà tôi hơn hai chục cây số, tận trên đường Trường Sơn. Đây là vùng đồi núi trung du, đường sá đi lại còn rất khó khăn. Chiếc xe máy lâu lâu phải khựng lại giữa dốc hoặc nhồi lên nhồi xuống khi phải bò qua những đoạn đường gập ghềnh, khúc khuỷu. Ngay từ ngoài ngõ tôi đã nhìn thấy cái dáng lưng gù gù quen thuộc của hắn. Hoàng cũng nhận ra tôi. Hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Hoàng lên tiếng trước:

- Ôi, Bình! Hơn mười năm nay rồi, mày đi đâu mà không thấy mặt, tao muốn tìm mày mà chẳng biết tìm đâu...

Tôi phải thanh minh ngay để hắn hiểu:

- Công việc bộn bề, lâu lâu tao mới về quê một lần, rất muốn tìm thăm mày mà thời gian không cho phép.

Hoàng hỏi:

- Lần này mày về được lâu không?

- Lâu mau gì thì tao cũng ở lại đây với mày cả chiều và đêm nay, mai tao đi.

- Vậy thì vui quá! - Hoàng nói.

- Vợ con mày đi đâu cả?

Câu hỏi của tôi làm Hoàng lặng đi một lúc, mãi sau nó mới trả lời, giọng nghèn nghẹn:

- Vợ tao mất rồi, cô ấy bị ung thư... Tao bây giờ chỉ có hai cha con, con bé đi học chưa về.

Tôi thấy cay cay nơi khóe mắt khi nhìn Hoàng. Mặt hắn khắc khổ, đượm buồn. Tôi bước đến trước bàn thờ khẽ vén bức màn lên. Trước mắt tôi là di ảnh của một cô gái trẻ. Tôi thắp ba nén hương cắm vào chiếc bát hương đặt phía trước tấm ảnh, vái ba vái rồi đi ra ngoài sân. Tôi không muốn hỏi gì thêm nữa về người vợ đã mất của Hoàng vào lúc này. Tôi muốn hắn được vui vẻ, không phải đau lại nỗi đau mà hắn từng chịu đựng, dù chỉ trong chốc lát.

- Tao muốn xem vườn tược, cây cối nhà mày một lúc...

Vườn nhà Hoàng không rộng, cây cối không nhiều, nhưng đẹp bởi những luống hồ tiêu được Hoàng trồng thẳng thắn, cây nào cây ấy sum suê, chi chít những chùm hạt. Đất đai nơi này chủ yếu là đất đỏ bazan nên hồ tiêu là cây trồng chính. Mới chỉ đầu mùa hạ, tiết trời mát mẻ, vườn hồ tiêu như đang được khoác lên mình chiếc áo màu xanh bất tận của chồi non lộc biếc, trông rất đẹp mắt. Nhưng cuộc sống của Hoàng có lẽ còn khó khăn. Tôi nghĩ vậy khi ngắm nhìn ngôi nhà cấp bốn của Hoàng đã xuống cấp nặng. Mái ngói phủ một màu rong rêu của thời gian và tường nhà nhiều chỗ bị nứt, bị lún. Nhà lại rất chật chội, vì chỉ có hai gian. Vật dụng trong nhà không có gì đáng giá, ngoài một chiếc xe máy 78 cũ và một chiếc tivi đen trắng. Một gian phía ngoài đặt chiếc bàn tiếp khách và phía trong là bàn thờ. Một gian kê hai chiếc giường và ở giữa hai chiếc giường đặt chiếc bàn nhỏ, trên có mấy quyển sách, có lẽ là góc học tập của con gái Hoàng.

Tôi và Hoàng vừa uống nước vừa nhắc về mấy người đồng đội cũ, nhưng không ai biết bây giờ họ ở đâu, làm gì. Được một lúc, Hoàng nói với tôi:

- Bây giờ mày vào giường nằm nghỉ cho khỏe để tao ra ao kiếm lấy vài con cá. Chiều nay chúng mình phải lai rai với nhau một bữa. Còn rất nhiều chuyện để tao và mày tâm sự với nhau.

Tôi hỏi Hoàng:

- Mày có ao nuôi cá à?

- Ừ, tao có cái ao nhỏ ở dưới chân ruộng, độ hơn một sào, nhưng cá thì có ăn quanh năm. Lứa cá trắm và cá chép tao thả nuôi gần một năm nay có con đã trên cân rồi đấy. Thôi, mày nằm nghỉ để tao đi.

Tôi không chịu:

- Tao muốn đi với mày. Mày không nhớ hồi còn ở biên giới Tây Nam tao với mày ngày nào cũng tranh thủ ra kênh Năm Xã bắt cá về cải thiện à?

- Mày nhắc kênh Năm Xã làm tao nhớ quắt quay cái ngày ác liệt, gian khổ nhưng nặng tình đồng đội... Ừ, thì cùng đi cho vui!

Tôi cùng Hoàng ôm lưới ra đi. Đến nơi chúng tôi cởi bỏ quần áo rồi nhảy ùm xuống nước. Một cảm giác thích thú khi cơ thể chìm ngập trong làn nước mơn man, mát dịu. Lưới được căng một đầu từ bên này ao sang bên kia ao. Đụt lưới cho sát xuống bên dưới bùn. Xong đâu đó, tôi một bên, Hoàng một bên cùng từ từ kéo tấm lưới đến đầu ao bên kia. Trong tấm lưới là cả một đàn cá, to có, nhỏ có nhô hẳn đầu lên khỏi mặt nước. Chúng tôi cùng vục tay vào bên trong lưới bắt ra những con trắm, con chép. Hoàng chọn mấy con to nhất mang về nhà.

Trong lúc tôi đang nhen lửa thì Hoàng nhanh chân chạy đi đâu đó một lát rồi trở về. Lúc sau đã thấy một người phụ nữ từ ngoài ngõ đi vào. Cô xách theo một chiếc giỏ mây, trong đựng nửa quả bầu và mấy mớ rau.

- Chào các anh! - Cô cất nón rồi sà ngay vào chỗ chúng tôi - Các anh vào nhà nói chuyện để em làm cho. Đồng đội lâu ngày gặp nhau chắc vui lắm các anh nhỉ?

- Vâng, rất vui! - Tôi vui vẻ trả lời.

Khẽ liếc mắt nhìn qua, tôi đoán người phụ nữ chỉ chừng trên dưới ba mươi tuổi. Mặt cũng khá xinh, đặc biệt rất tươi, tuy nước da hơi đen. Nhưng tôi lại thích cách ăn mặc của cô. Áo nâu, quần đen mộc mạc, giản dị, có cái gì đó gợi sự gần gũi, thân tình. Vào hẳn trong nhà tôi hỏi Hoàng:

- Ai vậy?

Hoàng nháy mắt nhìn về phía người phụ nữ trả lời:

- Hàng xóm láng giềng ấy mà. Nhờ cô ấy sang làm, họ làm nhanh mà ngon... - Hoàng vừa pha trà vừa nói tiếp - Nhà không có đàn bà khổ thế đấy Bình ạ! Trăm việc tới tay mình. Nhưng có những việc, đàn ông như tụi mình vụng về lắm. Mình chỉ quen với những công việc nặng nhọc thôi. Hồi vợ tao mới mất có việc tao lớ nga lớ ngớ như đứa trẻ tập làm, nhất là công việc bếp núc, lo cho con cái. Nhưng làm mãi rồi cũng quen. Còn bây giờ thì cũng... tàm tạm rồi. Nhưng nghĩ cho cùng, có người vợ bên cạnh vẫn hơn. Vắng họ, lắm lúc tao thấy hững hụt lắm! Rất khổ nữa là đằng khác.

Nghe Hoàng nói, tự nhiên tôi liên hệ tới bản thân mình. Tôi thấy Hoàng nói đúng. Trong nhà, trăm việc không việc gì không tới tay vợ tôi. Từ những việc nặng nhọc, vất vả, cho đến những việc lặt vặt như giặt cái áo cái quần, quét cái nhà, tắm rửa cho con khi chúng còn nhỏ. Suốt ngày tôi để ý không lúc nào vợ tôi ngơi tay. Lắm lúc tôi đã thử nghĩ rằng, nếu như không có người vợ bên cạnh liệu mình có kham nổi mọi việc không? Và mình sẽ sống thế nào? Có một dạo, vợ tôi một mình về quê có việc, cô ấy chỉ ở lại có nửa tháng thôi mà tôi có cảm giác thời gian dài dằng dặc. Đúng là nửa tháng ấy tôi như... lạc vào một môi trường sống khác. Có cảm tưởng nếu như tình trạng này kéo dài mình sẽ không sống nổi. Bữa cơm cũng không nấu cho ra hồn. Cái áo cái quần của con nhiều khi quên không giặt. Nhà cửa có lúc còn bừa phứa cả lên nữa. Ngày nào cũng mong vợ như con mong mẹ đi chợ về. Tôi chỉ mới nửa tháng vắng vợ mà đã vậy, huống hồ Hoàng đã hàng bao năm nay.

Tôi hỏi Hoàng:

- Vợ mày mất mấy năm rồi?

- Gần ba năm! - Hoàng trả lời và rỉ rả kể - Cô ấy bị ung thư vú. Tại không biết nên khi khám phát hiện ra bệnh thì đã muộn. Biết là sớm muộn gì vợ tao cũng chết vì căn bệnh quái ác này, nhưng vì thương vợ, lại hy vọng điều kỳ diệu xảy ra nên tao vẫn đưa vợ đi chữa trị khắp nơi. Hễ nghe ai đó mách chỗ này chỗ kia thuốc tốt, chữa hay, thì dẫu nơi ấy xa mấy tao cũng đưa vợ đến. Chữa bằng đủ mọi phương pháp, cả Tây y lẫn Đông y. Ròng rã như vậy hơn một năm mà bệnh tình vợ tao không hề thuyên giảm, lại có phần ngày một yếu đi.

Kể đến đây Hoàng phải dừng lại uống một ngụm nước rồi mới kể tiếp. Tôi thấy hai mắt Hoàng chớp chớp và tiếng hắn thì nghẹn lại.

- Mày biết không, thời gian ấy vì lo lắng, vất vả mà người tao gầy xọp đi. Trước khi vợ tao bị bệnh, tao hãy còn là một thanh niên vạm vỡ, khỏe mạnh, nặng tới 68 cân, ấy vậy mà chỉ trong hơn một năm vợ bị bệnh, tao sút đi cả chục cân, người gầy nhẵng ra. Bệnh này thuốc rất đắt đỏ nên tốn kém vô cùng. Mấy năm hai vợ chồng làm lụng vất vả, tích cóp được mấy chục triệu định để sửa lại cái nhà này, đành phải ném cả vào cho chi phí thuốc thang. Nhưng số tiền đó đâu đã ăn nhằm gì, tao còn phải thế chấp ngân hàng vay thêm mấy chục triệu nữa. Hơn một năm ra Bắc vào Nam, đi đủ các bệnh viện, tao không làm được việc gì, có con trâu cũng bị rét, bị đói rồi chết. Ruộng nương, công việc bỏ bê không làm được phải nhờ hàng xóm làm hộ. Con thì phải gửi cho cô ruột nó ở làng bên. Đêm nằm ở bệnh viện, vừa thương vợ, vừa xót xa cho cảnh nhà, tao đã bao lần ứa nước mắt. Tao không ngờ vợ chồng tao lại lâm vào tình cảnh khốn cùng này. Nhiều đêm tao không hề chợp mắt được tý nào, cứ nằm xuống là hai mắt mở thao láo nhìn vào bóng tối và tự hỏi, tại sao số phận mình lại hẩm hiu vậy? Sao ông trời lại thiếu công bằng với vợ chồng tao vậy?

Hoàng lại một lần nữa dừng lại. Đôi mắt hắn thăm thẳm một nỗi buồn. Còn tôi thì không biết phải nói gì, làm gì để động viên Hoàng lúc này, chỉ lặng im nhìn đi một nơi khác. Nghe hắn kể ruột gan tôi cũng như có muối xát. Tôi đâu ngờ đời Hoàng lại có những tháng ngày lận đận đến vậy.

- Phần tao thì vậy - Hoàng uống nước và tiếp tục câu chuyện - Còn vợ tao, tuy bị bệnh, sức khỏe ngày một yếu đi, yếu đến mức không thể ngồi được, đi lại được nữa, nhưng đầu óc cô ấy thì vẫn minh mẫn, không quên, không lẫn. Con người không có nỗi khổ nào bằng khi biết mình sắp chết mà không biết phải làm gì. Và lại càng khổ đau khi cái chết đang từ từ đến với mình mà mình thì vẫn tỉnh táo, vẫn nhận biết mọi điều. Trong thời gian vợ tao gần mất, tao không rời cô ấy một bước. Bệnh ung thư giai đoạn cuối luôn gây cho người bệnh những cơn đau thắt ruột thắt gan. Những cơn đau làm cho vợ tao quằn quại, không sao chịu nổi. Tao cũng biết là có loại thuốc giúp người bệnh giảm đi những cơn đau, nhưng nói thật với mày, thời gian ấy tao không còn lấy một xu dính túi. Tao thương vợ tao vô cùng mà không biết phải làm sao. Thương vợ, hàng đêm tao chỉ còn biết ngồi bên cạnh vợ, quạt cho cô ấy, xoa bóp, vuốt ve cho cô ấy đỡ đau mà thôi. Nhiều đêm, tao còn phải hát cho vợ tao nghe nữa. Biết mình cận kề cái chết vợ tao lúc nào cũng buồn. Cô ấy dặn đi dặn lại tao là hãy chăm sóc con cho chu đáo, phải cho nó ăn học đến nơi đến chốn, đừng để nó phải khổ. Tao phải hứa đi hứa lại, vợ tao mới chịu nằm yên không nói nữa. Có lần, đâu như trước khi mất khoảng ba, bốn ngày gì đấy, vợ tao cầm tay tao và nói: “Anh hãy còn trẻ, sau này em mất rồi, anh hãy tìm lấy một cô nào đấy mà kết tóc se duyên cùng họ. Nhưng nhớ lời em dặn là phải tìm cô nào có đạo đức, biết thương chồng thương con, biết làm lụng, lo toan cuộc sống gia đình ấy. Người phụ nữ của mình chỉ cần thế thôi anh ạ!”. Nghe cô ấy nói vậy, tao gạt đi: “Anh chưa nghĩ đến chuyện ấy đâu. Anh có con gái của chúng ta bên cạnh là đủ rồi. Anh phải nuôi con khôn lớn, trưởng thành...”. Tao thấy nước mắt vợ ứa ra, tao cũng muốn khóc lắm nhưng cố làm ra vẻ cứng rắn để vợ an lòng. Sau đó ít ngày, vào một đêm trời mưa tầm tã thì vợ tao qua đời.

Hoàng thôi kể. Tôi nhìn lên và thấy hai mắt Hoàng hoe đỏ. Rồi thấy Hoàng cúi xuống lấy tà áo lau đi những giọt nước mắt đang chực trào ra. Tôi cũng không thể chịu đựng được câu chuyện của bạn mình. Mắt tôi như mờ đi và cổ họng thì nghẹn lại. Tôi bỏ ra ngoài sân đứng một mình. Cũng vừa lúc từ dưới bếp có tiếng người phụ nữ vọng lên:

- Xong rồi đây anh Hoàng ơi, em sắp sẵn lên mâm rồi đấy, lát anh xuống mà bê lên, còn bây giờ em về bên nhà một lát đã nhé!

Hoàng bước ra. Tôi và Hoàng cố giữ cô lại, nhưng cô kiên quyết từ chối, chào chúng tôi rồi đi thẳng ra ngõ.

Mâm cơm vừa dọn lên thì cũng là lúc con gái Hoàng đi học về. Cháu đang học lớp năm. Người hơi gầy nhưng xinh xắn. Tôi thấy nó giống Hoàng, nhưng Hoàng nói nó giống mẹ nó nhiều hơn.

- Cháu học có giỏi không? - Tôi vuốt tóc cháu và hỏi.

Nhưng nó không trả lời, chỉ mủm mỉm cười rồi chạy biến vào trong nhà. Hoàng nói:

- Từ lớp một đến giờ năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi đấy mày ạ! Con bé học rất được, lại ngoan, lần nào đi họp phụ huynh cô giáo cũng khen. Thôi, vào ăn cơm kẻo đói.

Đúng là nhờ bàn tay nấu nướng của phụ nữ cũng có khác. Món nào ra món đó. Chỉ nhìn mâm cơm đã thấy ngon miệng rồi. Ngoài một nồi canh chua cá nấu với tàu bạc hà còn có cả món cá hấp bầu rất hấp dẫn. Rồi một đĩa cá mè rán vàng ươm, một đĩa rau sống các loại. Hoàng lục trong tủ lôi ra một bình rượu ngâm rắn. Hắn nói:

- Tao không phải là người nghiện, nhưng trong nhà lúc nào cũng có rượu. Lỡ khách khứa, bạn bè tới mời họ một ly cho vui. Còn tao, mỗi ngày đi làm về, trước bữa ăn tối tao thường uống một ly nhỏ cho giãn xương giãn cốt. Riêng hôm nay tao phải “chết bỏ” với mày...

Tôi nói:

- Tửu lượng tao kém lắm! Nhưng hôm nay mày đã nói vậy thì tao cũng cố gắng “chơi đẹp” với mày...

Chúng tôi ngồi vào mâm và bắt đầu nhâm nhi. Con gái Hoàng chỉ ăn vài miếng là xin phép bố sang nhà bạn học bài. Chỉ còn lại tôi và Hoàng. Đúng là lâu ngày tôi mới lại được thưởng thức món ẩm thực cá đồng tuyệt ngon. Ăn mấy cũng không vừa. Lại rượu ngon, bạn bè, đồng đội thân thiết nữa. Nên chẳng cần giữ ý giữ tứ gì. Cứ thoải mái ăn, thoải mái uống, thoải mái nói chuyện, rất tự nhiên như ngày chúng tôi còn ở bên nhau. Tôi và Hoàng nhắc nhớ những ngày còn trong quân ngũ. Những trận đánh nào đáng nhớ nhất. Những đồng đội nào dũng cảm nhất. Và cả những mất mát, hy sinh của đơn vị trong suốt những năm chiến tranh. Hoàng nói:

- Hồi ấy, từ quê nhà ra đi, đại đội mình có cả thảy 98 người, ấy vậy mà khi kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam, quân số của đơn vị chỉ còn lại già một nửa, mà một nửa người còn lại này đa số đều bị thương từ mức nhẹ nhất đến mức nặng nhất. Số bị thương sau đó đều được xuất ngũ, phục viên, còn lại đâu khoảng ba chục người thì sang Xiêm Riệp… tiếp tục giúp bạn truy quét bọn tàn quân Pôn Pốt. Rất nhiều người trong số này sau đó đã lần lượt hy sinh trên đất bạn. Như vậy là cái đại đội của mình hồi ấy may lắm chỉ còn lại những thằng bị thương như tao và mày...

Tôi hỏi Hoàng:

- Tao nhớ mang máng hình như mày là thương binh hạng cao?

- Cao gì mà cao - Hoàng cười - Cũng như mày tao chỉ có hai mốt phần trăm tỷ lệ thương tật, tiền trợ cấp vừa đủ để đi dự đám cưới, mừng nhà mới... có tháng hai, ba đám mời. Người ta đã mời là phải đi, không đi không được.

- Sao lạ vậy? - Tôi ngạc nhiên - Mày bị thương những hai lần cơ mà!

- Mày nhớ rất chính xác! Đúng là tao bị thương hai lần và có tất cả năm vết thương, nhưng chủ yếu bị ở phần mềm.

Hoàng nói rất nhiều. Chuyện gì mà tôi khơi mào trước thì y như rằng hắn “nhảy” vào tranh luận ngay. Nhưng hắn nói không sai, ngược lại rất có lý có tình. Hình như chút hơi men đã làm hắn thích nói chuyện và nói nhiều. Cuối bữa cơm, tôi hỏi Hoàng:

- Thế mày định chấp nhận ở một mình mãi thế này à? Cũng như tao, mày mới chỉ ngoài ba mươi...

Hoàng hớp một ngụm rượu, trầm ngâm nhìn tôi ra điều khó nói:

- Tao có chuyện này muốn tâm sự và hỏi ý kiến của mày - Rồi hắn ghé mặt về phía tôi, giọng nhỏ lại như sợ ai nghe thấy - Cái cô hồi chiều mày thấy thế nào?

- Thế nào là thế nào? Tao đã biết gì về cô ấy đâu mà mày hỏi tao chuyện ấy - Tôi làm ra vẻ trả lời Hoàng.

- Thì về hình thức ấy! Nhìn cô ấy có được không? Khoảng mấy điểm?

Tôi phì cười:

- À, về mặt ấy thì tao có thể trả lời mày ngay không cần suy nghĩ. Cô ấy rất được. Trẻ và xinh. Dáng người cao ráo, mặt trái xoan, tóc dài và rất vui vẻ... Thế mày và cô ấy yêu nhau à? Cô ấy là gái tân hay...

Hoàng cắt ngang lời tôi:

- Tân gì mà tân, hai chín tuổi rồi đấy! Chồng đi rà mảnh bom không may cuốc trúng bom bi nổ mất mấy năm nay rồi, giờ cũng như tao, cô ấy chỉ có mỗi mụn con gái. Tao và cô ấy để ý nhau được hơn năm nay rồi. Cô ấy tên Hường, thương yêu tao thật lòng, nhưng tao thì cứ lưỡng lự, chưa biết tính sao. Bởi tao còn nghĩ tới vợ tao... Khổ quá Bình ạ! Mày hãy cho tao một lời khuyên nên phải thế nào đây. Thực tình tao rất thương cô ấy, nhưng hình ảnh vợ tao lúc nào cũng hiện lên trong tâm trí tao...

Tôi phải nói ngay với Hoàng:

- Mày còn lãng mạn quá đấy Hoàng ạ! Người mất thì đã mất rồi. Mày có thể sống như thế này mãi với cái bóng của người đã khuất không? Đành rằng trong một chốc một lát ta không thể quên đi ngay được người mà ta hằng yêu quý, bởi còn đó rất nhiều những kỷ niệm mà có lẽ cả đời ta không bao giờ quên được. Nhưng cái gì đã thuộc về quá khứ, cái gì không thể tồn tại, cái gì không còn là của ta nữa thì tao khuyên mày đừng cho nó là quan trọng, mà hãy để cho nó tự ra đi, đừng quá nặng nợ với nó. Vợ mày trước khi mất cũng mong muốn mày như vậy! Cả bây giờ tao tin vợ mày cũng mong muốn mày như vậy! Theo tao, mày và Hường đã tìm hiểu nhau kỹ càng, mày cũng đã mãn tang vợ, cô ấy cũng đã mãn tang chồng, hai người nên đến với nhau ngay đi, càng sớm càng tốt. Tao ủng hộ mày cả hai tay và... hai chân...

Bên ngoài trời đã về chiều, nắng nhạt dần, không khí nơi vùng trung du đầu mùa hạ trở nên mát mẻ, dễ chịu. Vườn hồ tiêu nhà Hoàng màu xanh đã bắt đầu sẫm lại. Tiếng mõ trâu lốc cốc khua rộn con đường làng. Lác đác trên cánh đồng lúa phía xa xa là những cánh chim chao lượn. Gió trườn qua những mõm đồi hình bát úp mang hơi nước mát lạnh từ hồ nước thủy lợi gần đó thổi tràn về. Tiếng gió lao xao, rần rật đuổi nhau trên những ngọn cây cao. Rồi mặt trời cũng khuất hẳn bên quả núi phía tây, chiếc nan quạt khổng lồ với những tia sáng của nó đang mờ dần, mờ dần và sau cùng biến mất. Không gian trở nên chạng vạng và tối dần...

Đêm ấy tôi ngủ cùng Hoàng một giường. Nó mới nằm xuống một lúc, đang nói chuyện với tôi thì ngủ lúc nào không biết. Một lúc sau đã nghe tiếng ngáy, tiếng ngáy không to nhưng đều và dài mãi ra. Nó đã ngủ ngon, còn tôi không sao ngủ được. Tôi hết trở mình bên này lại lật mình bên kia. Ngọn đèn dầu đặt trên nóc tủ rồi cũng bị gió thổi tắt. Cả căn nhà tối om. Tôi biết là mình lạ nhà nên không ngủ được. Và nếu có ngủ được thì cũng phải nửa đêm trở đi. Tiếng thằn lằn chắt lưỡi trên vách nhà. Tiếng côn trùng rỉ rả từ bên ngoài cửa sổ vọng vào. Rồi tiếng của một con mèo hoang nào đó gào tìm bạn tình... càng làm cho tôi khó ngủ. Nửa đêm tôi vẫn trong trạng thái nửa tỉnh nửa ngủ. Tôi mơ màng thấy lại hình ảnh của Hoàng năm xưa. Nó đang cùng tôi ngụp lặn trên kênh Năm Xã với rất nhiều những con cá sặc (tên một loài cá nước ngọt ở Nam Bộ) mà tôi và nó bắt được. Rồi tôi thấy một cột khói bốc cao và lửa bắn ra tung tóe. Tôi bị mảnh đạn xuyên qua bắp chân và Hoàng từ đâu đó chạy lại đỡ tôi, cõng tôi trên lưng chạy băng băng giữa khu vườn trồng cây thuốc lá... Quá nửa đêm thì tôi ngủ được. Nhưng tôi ngủ không lâu, chỉ độ hơn ba giờ sáng đã thức dậy rồi sau đó tỉnh hẳn, muốn ngủ lại cũng không sao ngủ được. Quờ tay sang bên cạnh, tôi không thấy Hoàng đâu. Giường bên cạnh con gái Hoàng vẫn ngủ ngon. Tôi vội rón rén ngồi dậy, mở thật nhẹ cánh cửa đi ra ngoài sân. Trăng không có nhưng sao thì chi chít trên bầu trời. Muôn ngàn ánh sao như những con mắt lấp lánh tỏa ánh sáng nhờn nhợt xuống mặt đất. Trời không còn gió. Không gian lặng phắc, nghe rõ cả tiếng nhúc nhích cựa mình của búp măng từ bụi tre trước ngõ. Tôi chậm rãi đi về phía ấy, định bụng sẽ đi lui đi tới vài vòng thư giãn rồi vào ngủ tiếp. Nhưng tôi bỗng nghe đâu đó có tiếng cười rúc rích, tiếng cười nhỏ thôi, nhưng về đêm nghe rất rõ. Tôi giật mình dừng bước, khẽ cúi người xuống nhìn quanh quất khắp nơi một lượt. Tiếng cười vẫn không dứt. Rồi có cả tiếng nói chuyện, tiếng thở hổn hển... Tất cả những âm thanh ấy được phát ra từ cái đụn rơm trong vườn nhà Hoàng. Biết chắc chắn là Hoàng, nhưng tôi vẫn muốn đi về phía cái đụn rơm xem sao. Trong ánh sao nhạt nhòa, từ xa tôi thấy Hoàng và Hường đang ôm nhau ngồi cạnh đóng rơm. Bóng hai người lẫn vào nhau. Họ nói với nhau gì đó rồi có tiếng Hường bật cười khúc khích. Được một lúc tôi thấy cả hai cùng lăn ra quấn lấy nhau, những cọng rơm vàng như phủ kín người họ. Tôi quay bước trở vào nhà, lên giường nằm cố ngủ lấy một lúc nữa.

Sáng hôm sau, tôi chia tay Hoàng trở về nhà em trai tôi. Rồi cũng ngay sáng ấy tôi nhảy xe đò ra đi. Hơn hai tháng sau tôi nhận được thư Hoàng gửi vào mời vợ chồng tôi ra dự lễ cưới của nó với Hường. Hoàng bảo, tình duyên chúng nó như rổ rá sổ vành cạp lại nên lễ cưới cũng làm đơn giản thôi. Khách khứa thì ngoài hai bên gia đình chỉ mời thêm một số bạn bè thân thiết. Hắn dặn đi dặn lại tôi là phải cố gắng ra với vợ chồng hắn cho vui, thiếu tôi, hắn sẽ buồn lắm!

Trong ngày cưới nét mặt Hoàng tươi vui như trẻ ra mấy tuổi. Nhất là Hường, đúng là cô dâu ngày lên xe hoa có khác. Cứ gọi là hút hồn chàng rể. Dù không váy áo xênh xang, không trang điểm cầu kỳ, Hường vẫn nổi lên như một bông hoa giữa hôn trường. Chỉ là áo trắng, quần lụa đen, nhưng lúc ấy trông Hường thật trẻ trung, xinh đẹp. Một nét đẹp mộc mạc, dung dị, quê kiểng của cô dâu nơi thôn dã mà thời nay khó tìm thấy. Cả con người Hường như toát lên sức sống tươi trẻ, tràn đầy hạnh phúc của người phụ nữ một lần nữa được làm vợ, làm mẹ, trở thành chỗ dựa cho nhau trong tình chồng nghĩa vợ trên cõi đời này sau những mất mát, khổ đau mà cả hai cùng nếm trải. Tôi chỉ còn biết mừng cho Hoàng, người đồng đội cũ của tôi...

*

Mới đây, về thăm quê, tôi lại có dịp gặp Hoàng. Chúng tôi ngồi bên nhau trong nắng chiều trung du, và tôi lại được thưởng thức món cá đồng tuyệt ngon do chính tay vợ Hoàng chế biến. Tất cả các món ăn cũng gần như lặp lại những món ăn của hơn hai mươi năm trước. Vẫn canh chua, cá hấp, cá rán. Vẫn thứ rượu rắn do chính tay Hoàng làm ra. Chỉ có khác ngôi nhà của Hoàng xưa kia giờ đã được thay thế bằng một ngôi nhà khác rất khang trang. Tôi và Hoàng giờ cũng đã khác xưa. Mái tóc ai cũng đã điểm bạc, nét mặt ai cũng đã trở nên già nua, tiếng nói trầm hơn, bước đi chậm hơn. Hai mươi mấy năm rồi! Các con tôi và các con Hoàng giờ cũng đã khôn lớn, trưởng thành, có gia đình và có công việc làm ăn ổn định. Bé Hằng Nga con gái riêng của Hoàng giờ đã là một phó giám đốc chi nhánh ngân hàng ở phố huyện. Đứa con trai của Hoàng với Hường cũng đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm việc. Những gì thuộc về ngày hôm qua thì nay đã không còn nữa. Tất cả đã thay đổi! Tất cả đã lùi vào quá khứ! Chỉ còn lại trong tôi và Hoàng là tình đồng đội, cái sợi dây tưởng như vô hình ấy lại chẳng thể thay đổi, chẳng thể nhạt nhòa.

N.N.C

Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 283 tháng 04/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground