Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mầm sống

TCCV Online - Đã sang thu, tiết trời dịu dần qua mỗi ngày. Mẹ Hựu nhận ra điều ấy khi nhìn sắc lá thay màu ở hàng cây trước sân. Trông vào đấy mẹ thoáng bùi ngùi khi nghĩ đến những chiếc lá vương vãi trên vuông sân nhỏ. Mỗi mùa thay lá là mỗi lần mẹ ngẫm lại thấy mình cũng như những chiếc lá kia lặng lẽ trở về với góc khuất giữa cõi vô thường. "Mẹ già như chuối chín cây...". Tiếng ru chẳng rõ  từ đâu theo gió đưa lại. Thuở sinh con mẹ đâu đã ngẫm ngợi gì nhiều về ý nghĩa của nó. Mãi đến những năm ngồi mong ngóng con về mẹ mới thấm thía ngọn nguồn câu hát. Giờ đây  mỗi lúc nhìn lên khung ảnh con trên tủ thờ mẹ lại nhớ lời ru xưa.

Tiếng trẻ con nô giỡn từ ngôi nhà bên cạnh vẳng sang vẫn không dứt mẹ Hựu ra khỏi những suy tưởng miên man. Mẹ nhận ra mình thích chìm đắm hằng giờ với ký ức để được gặp lại những người thân. Trong thế giới riêng ấy mẹ như bắt gặp thời xuân sắc của mình với bao kỷ niệm buồn vui trong đời. Bao năm rồi nỗi niềm trong mẹ sắc lại tựa  những chiếc lá lìa cành mỗi lúc một sậm vàng day dứt. Sáng nay bất chợt nhận ra những chiếc lá thay màu đầu tiên, trong mẹ thức dậy một nỗi ngóng trông mơ hồ...

- Sao mẹ lại ngồi đây?

Tân hỏi và dẫn người đàn ông đi cùng theo chân mẹ Hựu vào nhà. Căn phòng hẹp, bày biện đơn sơ. Trên tủ thờ ở giữa phòng đặt hai khung ảnh của  hai người mặc quân phục càng tăng thêm cảm giác quạnh quẽ. Người đàn ông kín đáo dõi nhìn khắp phòng như cố tìm kiếm dấu vết của một ai đó cùng sống trong ngôi nhà này.

- Đêm qua mẹ lại mơ thấy thằng Minh về.

Ngồi xuống bên bàn, mẹ Hựu nói trong tiếng thở dài. Tân đặt vào tay mẹ chiếc phong bì.

- Đây là lá thư Minh gửi cho mẹ.

Mẹ Hựu ngơ ngác nhìn Tân. Tân ôm vai mẹ, mắt hướng về phía người đàn ông,  giải thích:

- Lá thư được gửi lâu rồi. Bác Lâm đã giữ nó bao năm nay.

- Tôi nghĩ sẽ không bao giờ chuyển được lá thư cho người nhận. Bất ngờ mới biết anh Tân đây lại quen với người gửi lá thư này.

Đôi mắt mẹ Hựu ánh lên vẻ ngạc nhiên lẫn đau đáu một điều gì. Nhìn vào đôi mắt ấy, ông Lâm thấy như  có lửa đốt trong lòng.

-  Hôm đó, tôi vừa đến bưu cục thì thấy chiếc phong bì nằm trên bậc thềm. Tôi nhặt lên và gửi đi. Những ngày sau đó thư được gửi trả về vì  không có người nhận...

Những nếp nhăn trên mặt hằn sâu theo nỗi đau xót dâng đầy lòng mẹ khi nhớ mình đã chuyển chỗ ở trong những ngày ấy. Cầm tay Tân, mẹ giục:

- Đọc cho mẹ nghe đi!

Tân nhìn những dòng chữ đã nhạt màu,  đọc chậm rãi:

"Mẹ kính thương!

Đêm nay đơn vị con sẽ hành quân. Bao giờ đến nơi đóng quân, con sẽ tin cho mẹ biết. Mẹ hãy chuẩn bị để cưới vợ cho con đấy. Mẹ còn nhớ cô gái mời nước hôm mẹ lên thăm con không ? Khi đơn vị con về lập trận địa phòng không đã được bố trí ăn nghỉ ở nhà Thy. Thy là cô gái chịu thương chịu khó. Hẳn mẹ sẽ hài lòng. Chuẩn bị đầy đủ cho con mẹ nhé. Xin phép được là con về tổ chức cưới ngay. Không có nhiều thời gian đâu mẹ ạ.

Con của mẹ

Lê Minh"

Tân nhớ lại hôm họp mặt tiễn ông Lâm về hưu. Anh đón lấy lá thư từ tay ông Lâm, giở ra đọc cho mọi người cùng nghe. Đến lúc ấy, anh mới hiểu những tiếng thều thào: "Mẹ ơi...Thy ơi..." trước khi Minh trút hơi thở cuối cùng trên tay anh. Giọng Minh bật ra từ trái tim rung lên lần cuối trước khi vĩnh viễn tắt lịm nghe thật da diết. Anh và đồng đội đã gạt nước mắt chôn Minh với nỗi ngậm ngùi khi ngày chiến thắng không còn bao xa nữa...

Căn phòng im ắng chỉ nghe tiếng gió lùa qua khung cửa để ngỏ mang theo hơi lạnh hây hây. Mẹ Hựu  ngồi sững sờ bên bàn. Mẹ nhớ như in những ngày lặn lội tìm lên trận địa thăm con. Đã sắp lớp bao điều muốn nói từ lúc ở nhà, thế mà đến nơi trông thấy con bận bịu, mẹ không mở lời được. Mẹ đâu biết con mẹ đã nghĩ đến điều này nhưng chưa nói ra. Nào ngờ đó lại là lần cuối cùng mẹ gặp con trai.

Mẹ Hựu lần đến trước tủ thờ, đặt lá thư cạnh khung ảnh, giọng lạc đi:

- Minh ơi, lá thư con gửi dặn mẹ chuẩn bị đi cưới vợ cho con năm nào, giờ mẹ đã nhận được. Con hãy yên lòng an nghỉ...

Nhìn mẹ Hựu gục đầu bên ảnh con, ông Lâm có cảm nhận mỗi sợi tóc bạc đi là bởi nhuốm bao nỗi buồn thao thức theo năm tháng dồn lại ở mẹ. Hai khung ảnh thờ và  khuôn mặt mẹ Hựu bỗng nhòa đi, ông Lâm nhận ra là mình đang khóc. Những năm tháng chiến tranh dẫu phải đối diện với chết chóc, đau thương nhưng ông cũng như mọi người vẫn  luôn nghĩ đến sự sống còn, sự trùng phùng để mà hy vọng, chờ đợi. Sau khi lá thư được trả về, ông thường trông ngóng với nỗi hồi hộp mỗi khi sắc áo bộ đội thoáng qua trước mặt. Những lúc có bộ đội vào bưu cục, ông mang lá thư ra hỏi nhưng chẳng ai biết đến nó khiến ông càng sốt ruột. Nhiều lúc ý nghĩ hay người bộ đội đó đã hy sinh lởn vởn trong đầu song ông vội gạt đi. Lúc này nhìn những giọt nước mắt lặng thầm chảy trên gò má nhăn nheo của mẹ, ông cảm thấy như mình có lỗi.

Ngoài hiên những tia nắng còn rớt lại xuyên qua kẽ lá in từng vệt tròn chỏng chơ trên nền gạch cũ. Nhớ đến ánh mắt mẹ Hựu nhìn bọn trẻ ở nhà bên khi mới bước vào ông Lâm thấy chạnh lòng. Giá mà có một phép màu nào đó mang được tiếng cười trẻ thơ đến cho ngôi nhà này thì chẳng khác nào đem lại mùa xuân cho đời mẹ. Lần đầu tiên trong đời ông Lâm nghĩ đến điều ước trong những câu chuyện cổ tích xa xưa và thầm mong điều đó trở thành sự thật.

- Mẹ vừa nhận được giấy báo đã chuyển hài cốt thằng Minh về rồi. Sáng mai sẽ làm lễ tại nghĩa trang.

 Tân nắm lấy đôi tay chai sần vì một đời lam lũ của mẹ Hựu, không nén được xúc động :

  - Ngày mai con và bác Lâm sẽ đưa mẹ đi.

Đêm ấy mẹ Hựu bồn chồn không sao chợp mắt được. Trong căn phòng tranh tối tranh sáng giữa trời khuya, ông Lâm trở mình suốt buổi. Như có sự thôi thúc vô hình nâng ông dậy khi trời vừa dợm sáng.

Lần bước giữa những dãy mộ thẳng tắp, mẹ Hựu nhớ lại ngày nhận được tin chồng hy sinh. Mẹ đã khóc khi quấn khăn tang lên mái đầu thơ trẻ sớm phải mất cha. Những năm tháng ấy với mẹ sao mà dằng dặc. Mẹ đã nuôi con bằng nỗi đau và tình thương hợp lại. Lớn lên con đòi đi bộ đội. Mẹ lại lầm lụi một mình mong ngày con trở về. Mẹ nghĩ đến cảnh sẽ có cháu ẵm bồng lúc tuổi già.  Chỉ nghĩ vậy thôi mẹ đã thấy những tháng năm còn lại của đời mẹ thật hạnh phúc...

Dừng lại trước bia mộ có dòng chữ "Lê Minh", mẹ sụp xuống bên mộ, bàn tay hằn những đường gân miết đi miết lại trên mỗi con chữ như muốn lần ra hình vóc con trai mình. Người quản lý nghĩa trang mắt dân dấn nước bước đến bên mẹ:

- Đây là vật tìm thấy khi bốc hài cốt của Minh. Các anh trên ấy nhờ trao lại cho thân nhân liệt sĩ.

Mẹ Hựu ấp vội bọc ni lông đã nhờ đục vào lòng như để tìm hơi ấm từ hài cốt con trai còn vương lại. Gió vờn qua rặng dương ngân rào rạt, thổi bùng lên những nén hương sắp tàn như muốn sưởi ấm hương hồn của người đang yên nghỉ dưới lòng đất lạnh.

Tân nâng mẹ Hựu dậy. Mẹ lóng ngóng mở bọc ni lông. Mười ngón tay mẹ bấu chặt lá thư và tấm ảnh đã hoen vàng. Thoạt nhìn tấm ảnh, gương mặt đỏ lựng e thẹn của cô gái mời nước trên trận địa phòng không năm nào vụt hiện về trong tâm trí mẹ. Trời ơi, sao ngày ấy mẹ lại vô tình đến thế... Mẹ bíu lấy tay Tân.

- Đọc thư cho mẹ nghe.

Tân giở mảnh giấy gấp tư đã thẫm màu, những con chữ như nhảy múa trước mắt anh.

"Thy thương yêu.

Anh  đã ra đến trận địa. Ở đây ác liệt lắm. Đành gác đám cưới lại thôi. Bao giờ anh về sẽ tính tiếp. Nếu sinh con dù trai hay gái hãy đặt tên con là Hòa Bình.

 Anh Minh"

Tấm ảnh vụt khỏi tay mẹ Hựu nằm chỏng chơ trên cỏ. Thoáng nhìn ông Lâm giật mình ngờ ngợ về cô gái trong ảnh. Khuôn mặt ấy, mái tóc ấy ông thấy quen lắm. Ông đã gặp ở đâu rồi thì phải. Lúc này quá bất ngờ khiến ông không sao nghĩ ra được. Cúi nhặt bức ảnh, ông cố lục tìm trong trí nhớ nơi đã  gặp gỡ cô gái này.

- Thy ơi, con và cháu đang ở đâu sao không về với mẹ...

Tiếng mẹ Hựu nức nở khiến ông Lâm bừng tỉnh. Người con gái tên Thy... thằng cháu Bình... những năm lặn lội tìm về quê chồng... Trong một lần đến chơi nhà bạn và gặp cô gái tại đây, ông đã được nghe kể về điều này. Tự sâu thẳm trong ông bỗng vỡ òa niềm hạnh phúc khó tả khi nhớ lại điều mong ước kỳ diệu trong câu chuyện cổ tích đã nghĩ đến hôm trước.

Mẹ Hựu rời nghĩa trang, đôi vai rung lên từng đợt, bóng đổ dài trên lối đi vàng nắng xiên khoai.

Sớm hôm sau, ông Lâm lặng lẽ theo chuyến xe khách rời thành phố. Ông biết ở nơi ông ra đi và nơi sắp đến là hai bờ  đang ngóng tìm nhau...

P.X

Nguồn: Tạp chí Non Nước

Phạm Xuân

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

8 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

9 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground