Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cây phi lao

Truyện ngắn dự thi

Trại sáng tác tôi tham gia neo lại nơi ngôi làng nhỏ này một tuần. Khách sạn ở gần biển, chỉ cần đi vài bước qua rặng phi lao là ra đến bãi. Đúng dịp nghỉ hè, du khách ùn ùn kéo nhau về đây để tắm. Mặc dòng người xuôi ngược xôn xao, tôi dang tay đón ánh bình minh rạng lên từ phía chân trời và hít căng lồng ngực không khí trong lành buổi sáng. Tôi tìm thấy tâm hồn bình yên khi ở nơi này. Tôi ước mình đang đứng trước biển quê tôi, ngắm nhìn những con sóng reo vui như ngày nào. Phải chụp thật nhiều ảnh để làm tư liệu, để đưa lên facebook khoe với bạn bè. Tôi bắt đầu bấm máy.

Chợt tôi chưng hửng, có một dáng ngồi lọt vào ống kính. Là dáng ngồi co quắp của một cô bé trên phiến đá. Đôi mắt lờ đờ như những tia sáng đang lụi dần. Dáng ngồi ấy, y hệt bà ngoại tôi những ngày cuối đời. Và nó giống đúc hình ảnh avatar của bạn tôi - một con người chỉ còn bộ xương và hộp sọ ngồi trên phiến đá buồn thảm nhìn xuống biển. Tôi sợ dáng ngồi co quắp, mòn mỏi ấy. Nó bào mòn tinh thần đến rã rời. Tôi không muốn lưu vào tâm trí hình ảnh đó. Vậy mà hôm nay cái dáng ngồi ấy ở em buộc tôi phải lưu tâm.

Bình minh ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư, tôi vẫn thấy em ngồi trên phiến đá, dáng ngồi y hệt ngày đầu. Đến ngày thứ năm thì tôi quyết định tiến đến chỗ em ngồi. Nơi đó, có mùi tanh của cá, mùi thum thủm của nước sinh hoạt thải trực tiếp và mùi thối rữa của rong biển bị thủy triều đánh dạt vào bờ.

Em đưa tay dụi mắt, khuôn mặt vẫn còn nguyên vẻ ngơ ngác, hỏi: “Chị là khách du lịch à?” Tôi ngồi xuống cạnh em, đáp: “Không, trại sáng tác văn học chị tham gia mở tại đây.” Em thích cái tên của tôi, Na trong chữ nết na thùy mị. Tôi cũng thích tên em, Mơ trong chữ ước mơ. Thân hình em nhỏ nhắn, nước da nâu sạm nhưng trông rất đằm thắm và duyên dáng. Em muốn sau này mình sẽ trở thành cô giáo dạy văn. Được mang áo dài đứng lớp. Chắp cánh cho những ước mơ mặc sức tung hoành. Em thích được đứng chụp chung cùng các học trò một tấm hình kỷ niệm vào mùa hoa phượng nở. Em nói với tôi rằng, có một cái nghề để làm sẽ đỡ cực hơn bám biển. Những người có việc làm họ được gặp gỡ nhiều người và mang quần áo đẹp. Như dân biển chúng em thì bao giờ mới mang được một bộ áo dài. Ờ, năm thì mười họa mới có cái đám cưới, lễ hội làng. Mà dẫu ngày thường có áo quần đẹp cũng chỉ để cho lũ cá nó ngắm thôi. Tôi bật cười nói:

- Em uống lộn thuốc rồi.

Tròn xoe mắt, em hỏi:

- Thuốc gì chị?

- Thuốc bà già. Bà già tuổi trăng rằm, hì hì...

Khuôn mặt em bỗng dưng tươi vui, thân thiện. Em khác hoàn toàn lúc em ngồi trên phiến đá nhìn ra biển. Tôi hỏi:

- Em thường ngồi như thế ở đây từ khi nào?

- Từ lúc cây phi lao cụt ngọn.

Nhìn những hàng phi lao, ngọn của chúng vút lên trời thẳng tắp trông thật dẻo dai, dũng mãnh, tôi ngỡ ngàng. Cảm thấy băn khoăn trước câu trả lời của em, cổ họng như mắc nghẹn, tôi không nói được điều gì. Hẳn cái dáng ngồi đó đã được mặc định.

Trên cảng, một người đàn bà không mang cua vào chợ nhập cho các lái buôn mà bán cho du khách với giá đắt hơn. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng chị không nghe, những người có chức trách tức giận mang cả rổ cua ném lên xe rác nghiền nát. Chồng chị điên tiết vớ lấy cọc neo trên tàu lao xuống và đánh tới tấp vào người chị.

Tôi và em vẫn ngồi đó nhìn lên cảng. Ánh mặt trời bắt đầu hắt lên mặt cát những tia sáng như những lằn roi dát vàng. Tôi nhìn vào đôi mắt rũ rượi của em, và đôi mắt tôi như muốn cùng em rớt xuống vũng câm lặng. Chỗ em và tôi ngồi cách cảng không xa lắm, có thể nhìn rõ người đàn bà bị chồng đánh đang nằm quằn quại trên cát. Những vết thương rớm máu trên thân thể người đàn bà kia khiến mắt em đầy nước. Trong lòng tôi cũng trỗi dậy một nỗi buồn vô biên. Em nói: “Đôi bàn tay em nóng như lửa đốt.” Tôi vội vàng nắm lấy tay em, sờ vào trán em, nhiệt độ vẫn bình thường. Em giỏi tưởng tượng thật. Em phải là nhà văn mới đúng. Em bật cười thành tiếng trong veo như nước chảy. Lần đầu tiên tôi thấy em cười. Nụ cười hồn nhiên của lứa tuổi em. Tôi bấm máy ghi lại nụ cười ấy và nói nhỏ vào tai em: “Cứ cười mãi như vậy bé con nhé!”

Em rủ tôi đến quán nước của mẹ. Mẹ em còn khá trẻ, dáng gầy mảnh, tóc dài búi gọn sau gáy, da rám nắng, mặt khô khan hốc hác nhưng trông rất hiền lành. Quán nước đặt ở trước sân của một ngôi nhà ngay bên đường cái. Đây là ngôi nhà của hai vợ chồng làm công chức nhà nước. Thương hoàn cảnh nghèo khó của gia đình em nên cho thuê khoảng sân với giá mỗi tháng một trăm ngàn. Thức uống để bán mẹ em đặt chúng trên chiếc xe tự chế. Chiếc xe bốn bánh có thể di chuyển được. Có vài bộ bàn ghế nhựa rải đều giữa sân để khách ngồi. Bảng giá quán nước được đánh máy một mặt và dán ngay bên thân chiếc xe. Nhìn bảng giá, tôi thật sự bất ngờ. Giá rất bình dân. Một quả dừa giá chỉ hai mươi ngàn. Không như những bãi biển du lịch những nơi khác, cũng một quả dừa nhưng họ bán lời gấp năm gấp mười lần. Mẹ em nói: “Lời thế đủ rồi, cô lấy trong vốn khoảng tám đến mười ngàn chứ mấy. Phải khiến du khách tận dụng những cắc bạc cuối cùng. Lúc ra về, trong lòng họ đầy lưu luyến và hẹn ngày quay lại chứ cháu.” Mẹ em nói rồi cười rất tươi, nụ cười đó lây sang cả em và tôi. Em líu lo: “Mẹ em mới tốt nghiệp cấp hai chứ tốt nghiệp đại học chắc cuộc đời bà đã khác nhiều rồi chị à.”

Em xin phép mẹ mời tôi đến nhà dùng cơm trưa. Mẹ em đồng ý. Em bảo tôi đi cùng nhưng ngại quá, chả lẽ đi hai tay không. Thôi để em về trước, lát nữa tôi sẽ đến sau.

Nhà em rất dễ tìm, ngôi nhà ba gian bằng gỗ duy nhất còn sót lại trong làng và trước cổng có cây phi lao cụt ngọn. Quà tôi mua cho em là những cuốn tập trắng tinh còn thơm mùi giấy. Tôi còn ký tặng em tập truyện ngắn đầu tay của mình. Em vui lắm. Bữa cơm dành cho ba người, với nhiều món chế biến từ hải sản tươi ngon. Mẹ em hỏi tôi: “Quê cháu dùng hải sản lại chưa?” “Dạ chưa cô ạ.” Biển quê tôi vẫn đang bệnh nặng. Biển mang trong mình căn bệnh truyền nhiễm khiến mọi người xa lánh. Dân quê tôi hay tin biển bệnh liền lũ lượt kéo nhau đến các quầy tạp hóa để mua vài chục gói muối, vài chục lít nước mắm mang về nhà dự trữ. Chắc cũng đủ dùng trong một năm. Mẹ em lại bảo: “Hải sản cô mua chỗ quen biết, không quá đắt mô, cháu cứ dùng thoải mái nhé.” Trong suốt bữa cơm, mẹ em không hề nhắc đến người chồng cũng như gia cảnh của mình. Tôi thích nhất món cá mú đỏ hấp. Sau khi ăn hết một bên tôi định lật mình con cá nhưng mẹ em đã kịp ngăn lại. Mẹ em dùng đũa rút xương cá ra rồi nói: “Cháu cứ dùng tự nhiên. Dân biển quê cô không thích lật mình cá, sợ bị lật tàu khi ra khơi.” Em nói chen vào: “Nhưng nhà ta có ai ra khơi nữa đâu mà mẹ lo.” Mẹ em lặng đi.

Ăn xong, tôi giúp em rửa chén còn mẹ em quay lại quán nước. Mẹ không đi thẳng mà dừng lại ở cây phi lao, bàn tay siết chặt lấy thân cây và đưa mắt hướng ra biển. Nhìn từ xa dáng người và cây phi lao như nhập lại một. Tôi không tài nào cắt nghĩa được ánh nhìn từ đôi mắt ấy. Tôi chăm chú dõi theo dáng dấp cử chỉ của mẹ em đến nỗi em phải thốt lên: “Mẹ đã thôi ngóng ra biển từ khi đến làm việc tại quán nước chị à.” Tôi băn khoăn hai từ “đã thôi” trong câu nói của em. Mẹ em đi rồi, em rủ tôi ra gốc phi lao ngồi hóng gió biển. Ở gốc phi lao có rất nhiều vỏ chai dầu nóng em xếp cẩn thận. Những vỏ chai dầu nóng nhiều lên ở gốc cây kể từ khi bố em ra biển không về. Có quá nhiều uẩn khúc trong cuộc đời em, nhưng tránh lỡ lời làm tổn thương em nên tôi hỏi: “Bố em là người như thế nào?” Em nghiêng đầu, môi mỉm cười, mắt lim dim mơ màng kể.

Bố em là đứa con của biển, vạm vỡ chân chất. Bố từng dạy em học bơi học lặn. Bố giúp em tận mắt chứng kiến cuộc sống của sinh vật biển trong lòng đại dương. Ở đó là một thế giới đẹp vô ngần. Em đồ rằng nếu ai chưa nhìn thấy nó sẽ tiếc một nửa cuộc đời. Khoảnh khắc ở cùng bố, nhìn khuôn mặt bố qua làn nước biển, trông bố hiền lành giống như ông bụt trong câu chuyện cổ tích. Khi em bơi rành bố cho em chơi trò tung hứng. Bố tung còn biển hứng. Em đứng lên vai bố và nhảy bật lên giữa trời. Em lộn được một vòng tròn. Thời gian ở trên không trung đủ để em gọi: “Bố ơi…” dài thật dài vang vọng giữa biển trời. Bố nhìn em cười sảng khoái. Nụ cười tự do tuyệt đối. Rồi biển đón lấy em. Em sải tay bơi và uốn mình trong làn nước xanh trong như một nàng tiên cá. “Bố em thật tuyệt đúng không chị?” “Ừ. Có một người bố như thế là ước mơ của tất cả mọi người đấy em à.” Bỗng em lặng đi. Rồi thì cảm xúc của tôi như rơi tõm xuống tận đẩu tận đâu khi em nói: “Nhưng khi uống rượu hoặc giận dữ thì bố trở thành một con người khủng khiếp.”

Mỗi lần về đến nhà, bố đều ngồi tót trên chiếc ghế đá mà ông nhặt được ở bên vách núi sát bờ biển. Ông ngồi trên chiếc ghế ấy để đếm tiền. Số tiền bán hải sản mà ông vất vả đánh bắt không mệt mỏi trong những đêm bám biển. Em hỏi tôi: “Chị có muốn xem chiếc ghế đá của bố em không?” Tôi gật đầu vẻ đầy hứng thú. Chiếc ghế đá đặt vào vị trí chính diện ở gian tiếp khách trong nhà. Ẩn mình dưới tấm vải đào khiến nó thêm phần lặng lẽ. Nó màu xám và nặng, em và tôi thử nhấc nhưng không nổi. Chỗ tì lưng của nó mang dáng dấp của rất nhiều loại sinh vật biển, còn tay vịn mang hình thù uốn lượn của những con sóng. Giọng em lảnh lót: “Người làng bảo, đó là chiếc ghế của Long Vương bị trôi dạt lên bờ. Bố em ra lệnh, bất cứ ai là đàn bà đều không được ngồi lên đấy. Từ ngày bố ra biển không về, nhớ lời bố dặn nên mẹ không cho ai đụng vào chiếc ghế này.” Bỗng dưng đôi mắt em rũ buồn khi kể. Ngày nào thu tiền nhiều là bố lại bỏ mẹ con em ở nhà để lang thang dọc các quán rượu. Uống rượu về, bố bắt mẹ vào phòng khóa trái cửa và đánh đập dã man. Khi tỉnh rượu thì xin lỗi xối xả. Mẹ em lại tha thứ. Mẹ nói, dù có tồi tệ thì bố vẫn là trụ cột của gia đình. Ngày trước, một lần mẹ em đi bắt hàu ở biển, không may bị sẩy chân đầu đập vào đá, mất máu rất nhiều. Bố em là nhóm máu O nên bố bảo bác sĩ cứ lấy máu của bố truyền cho mẹ. Sau khi xét nghiệm, nhóm máu của bố an toàn nên bác sĩ cho truyền trực tiếp. Lúc mẹ khỏe lại thì bố tái nhợt đi, nhìn thương lắm. Mẹ em tỉ tê: “Chỉ có người trong gia đình mới chịu hy sinh cho nhau nhiều đến thế.” Nhiều lần đang xoa dầu nóng lên những vết thương mới trên thân thể mẹ, em lại hỏi: “Chúng ta rời xa bố được không?” Nhưng mẹ em không trả lời. Bà gài lại cúc áo và đi xuống bếp. Bà cúi xuống những hũ mắm, tìm những con giòi và giết chúng một cách hả hê. Bố vẫn ngồi trên chiếc ghế đá, mắt nhìn lên trần nhà, hai chân dạng, sảng giọng: “Cơm áo gạo tiền trong ngôi nhà này mình tôi gánh, còn cô chỉ làm những công việc không tên, vô tích sự.” Bố nói vậy, mẹ chỉ im lặng, chăm chỉ tìm kiếm những con giòi rồi đặt chúng xuống đất, dùng chân chà đến nát bét. Rồi bố lại say rượu, rồi cánh cửa phòng ngủ bố mẹ lại khóa trái và cơ thể mẹ gắn thêm những vết bầm dập mới. Bàn tay em lại nhuốm dầu nóng. Nên khi nghĩ về bố, về những vết bầm tím trên thân thể mẹ thì tay em lại nóng lên khủng khiếp.

Trong trại sáng tác cùng tôi có một anh bạn là dân bản địa. Anh kể cho tôi chuyện cây phi lao cụt ngọn trước nhà em. Giọng kể anh ta không kém phần liêu trai: “Một ngày nọ, mây đen vần vũ, ráng chiều vàng rực. Đến tối, sóng bắt đầu gào thét, vỗ vào bờ điên dại. Gió nổi giận gầm rú liên hồi lẫn trong tiếng vi vu của rặng phi lao. Và tiếng của những oan hồn từ ngoài khơi xa vọng về nhòa trong tiếng gầm gào của biển. Bỗng có một làn gió cực mạnh sắc như đao thần ập đến. Một tiếng xoẹt mạnh vang lên giữa làng. Ngày hôm sau, cây phi lao bị cụt ngọn. Người ta chỉ thấy ở gốc cây còn rơi lại vài chiếc lá héo rũ chuyển dần sang màu nâu nhạt. Ngọn của nó mất hút. Dù cụt ngọn nhưng cây phi lao vẫn đứng thẳng thách thức cùng mưa nắng thời gian.”

Em bảo, cây phi lao ấy, ông bà ngoại trao cho bố em từ khi nó còn non nớt. Hôm cây phi lao cụt ngọn cũng là ngày bố ra biển không về. Đôi khi quá sức chịu đựng, mẹ lại nguyền rủa rằng, bố ra biển và đừng bao giờ trở về nữa, chết luôn càng tốt. Nhưng khi bố không về thật thì mẹ là người đau đớn và hẫng hụt nhiều nhất. Những người trong làng và đội cứu hộ ra sức tìm kiếm nhiều ngày nhưng chỉ mang được xác con tàu về mà thôi. Ngày nào mẹ cũng ra ngồi ở gốc phi lao nhìn ra biển như người vô hồn. Người làng bảo, mẹ em bị mắc bệnh tương tư. Cũng có nhiều người phụ nữ trong làng vì thương nhớ chồng rồi sinh bệnh mà chết trẻ. Thời gian ấy trông mẹ em gầy lắm, sức khỏe cũng tệ đi nhiều.

Tôi đặt tay lên thân cây phi lao cụt ngọn. Tôi cảm nhận được nỗi đau đớn mà mẹ em phải chịu lúc ấy. Có lẽ nhớ thương chồng đã rút hết da thịt của một người đàn bà lam lũ. Nhưng quyết không gục ngã, mẹ em đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy. Em bảo: “Mẹ em chữa bệnh bằng sách đấy!” “Sách sao? Tên của nó là gì?” “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Bà chủ quán nơi mẹ làm việc cho mượn.” “Thế à!” “Chị ngạc nhiên đúng không?” Tôi gật đầu chớp mắt cùng em. Em lại thở dài. Cuộc sống gia đình em khó khăn và chật vật hơn rất nhiều so với ngày bố còn ở nhà. Một thời gian dài nhà em sống bằng tiền và gạo từ thiện. Nhưng chẳng được bao lâu thì gạo cũng hết và tiền cũng hết. Mẹ ngày nào cũng ngồi ở gốc cây phi lao, không ngó ngàng đến bất cứ điều gì, đến bất cứ ai, kể cả thùng gạo đã hết. Em buộc phải bỏ học đi làm. Ai thuê gì em cũng làm. Em đi lượm ve chai, bán vé số và giúp các bác ở bến cảng bán hải sản chui cho khách du lịch. Cô giáo chủ nhiệm đã tìm gặp mẹ em nói chuyện. Mẹ gọi em về, bẻ một nhánh phi lao vuốt sạch lá và đánh vào mông em. Em đứng im, không kháng cự. Lần đầu tiên trong đời mẹ đánh em. Em không thấy đau. Em biết, bao nhiêu roi vút vào mông em thì bấy nhiêu roi hằn lên tim mẹ. Mẹ hy vọng rằng em sẽ chạy trốn những lằn roi tức giận của mẹ nhưng điều mẹ mong đã không thành. Em đứng yên để mẹ đánh. Mẹ gào tên em đến khản cổ rồi vứt roi và gục xuống sân. Em ôm chầm lấy mẹ và khóc rất nhiều. Mẹ nói trong tiếng nấc: “Con muốn từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo dạy văn sao?” Sau đó, mẹ bắt em quay lại trường học. Mẹ đi phụ quán nước cho người ta kiếm tiền. Số tiền mẹ em kiếm được đủ để hai mẹ con sống lay lắt qua ngày. Chỉ đến khi mở được quán riêng mới khá hơn đôi chút.

Đã năm năm trôi qua nhưng gia đình em vẫn chưa hay tin tức về bố. Mẹ em không lập bàn thờ cho bố nhưng bà phủ lên chiếc ghế đá một tấm vải đào. Tội nghiệp cây phi lao, ở chỗ bị cụt đến nay vẫn chưa cho chồi mới.

Em lại ngồi cái dáng co quắp ấy. Tôi không thích dáng ngồi đó của em chút nào. Dáng ngồi ấy sẽ đánh cắp tuổi thơ em mất thôi. Em đưa ánh mắt thất thần nhìn ra biển mà biển thì rộng mênh mông, lút tầm mắt. Em nói với tôi:

- Chị này...

- Gì em?

- Chị có tin phép màu không?

Tôi nhìn em, nhìn cây phi lao rồi nhìn ra biển lớn. Những giọt buồn lặng lẽ vương lên mắt tôi.

Đ.N.S

 

ĐẶNG NGUYÊN SƠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 293 tháng 02/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

13 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

14 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground