Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gia đình của Lính

Truyện ngắn dự thi

N

gười ta gọi tôi là thằng cu Lính vì tôi theo bố lên đồn này ở từ lúc còn đỏ hỏn. Bố bảo lúc sinh tôi ra mẹ bị băng huyết, khi bố từ biên giới về thì mẹ đã mất. Đón tôi từ tay y tá, bố chỉ biết ôm tôi và khóc, lúc đó tôi cũng khóc ngất vì khát sữa.

Bố mẹ tôi cùng lớn lên ở trại trẻ mồ côi, rồi lấy nhau, không có bà con thân thuộc. Sau khi lo xong tang sự cho mẹ, bố đem tôi lên đơn vị ở cùng. Cạnh đồn có khu tập thể của giáo viên, mỗi lần bố bận công việc thì tôi được gửi sang đấy. Như để bù đắp lại người mẹ đã mất, tôi có thêm vài ông bố bà mẹ khác nữa, người gọi tôi là con trai, người gọi tôi là con rể, đứa bé năm ấy đã cảm thấy hạnh phúc vì luôn được ẵm bồng, nựng nịu.

Đến tuổi vào lớp một, tôi cũng được đi học trường ở đây cùng với các bạn Pa Cô, Vân Kiều. Cả trường chỉ có một lớp một duy nhất, có lẽ tôi là học sinh chuyên cần nhất, đúng hơn là cùng với tôi còn có cái Hà, thằng Lượng và con Liên nữa, cả ba đứa nó cũng theo ba mẹ lên đây dạy học, nghe bảo hồi nhỏ tôi được bú ké sữa mẹ của ba đứa nó, nên chúng tôi hay khoác tay nhau bảo chúng mình là anh em. Bốn chúng tôi bao giờ cũng là người đến sớm nhất sau đó mới lác đác vài bạn ở trong bản vào lớp, cũng dễ hiểu thôi vì nhà chúng tôi gần trường mà, nhà các bạn ấy xa hơn chúng tôi nhiều, có bạn ngủ trên lưng mẹ cho đến khi đến trường mới chịu dậy. Có hôm nhiều bạn nghỉ học, cả lớp vắng hoe, cô giáo và chúng tôi nhìn nhau buồn rười rượi, vậy là chiều hôm đó sẽ có vài thầy cô cùng các chú bên doanh trại của bố vào bản, hôm sau lại thấy các bạn đi học. Tôi không biết người lớn dùng cách nào nhưng ngày hôm sau đi học lại các bạn phấn khởi, hăng say lắm. Tình thế cũng chẳng khá hơn được bao lâu khi mùa mưa về, đường trơn trượt, lầy lội, nước suối lớn, các bạn lại nghỉ, thầy cô và các chú lại vào bản, có hôm không trở ra được phải ở lại vài ngày.

Bốn đứa nhỏ ở nhà cứ ngóng ra đường cái, xem bao giờ mọi người mới về. Hà chống cằm rên rỉ “Chắc ít bữa bố mẹ mình cũng xin về dưới phố thôi”. Thằng Lượng nhảy lò cò bên vệ cỏ hỏi “Sao bạn nói thế?”. Hà ngước lên bảo “Hôm trước đi ngủ mình nghe bố mẹ nói vậy, bố mẹ bảo ở đây vất vả quá”. Thằng Lượng chép miệng đi đi lại lại trên đường “Bố mẹ mình thì bảo: Lượng, con gắng học cho giỏi ít bữa lên đây xây cầu làm đường cho bố mẹ đi với nghe con”. Lúc đó con Liên mới lên tiếng “Thế cậu có đồng ý không?”. “ Có chứ.” Lượng quả quyết. Thấy ý tưởng của bố mẹ Lượng hấp dẫn quá tôi cũng hùa theo “Vậy, cho mình làm với nhé”, dù trước đó tôi vẫn luôn mơ ước được làm bộ đội giống bố, nhìn bố trong bộ quân phục màu xanh, đeo quân hàm trên vai trông oách lắm, tôi luôn tự hào khi nhắc tới bố.

 

Minh hoạ: THÀNH THÁI

Chờ mãi không thấy mọi người về, bốn đứa chúng tôi chạy vào doanh trại cho gà ăn. Doanh trại của bố khá rộng, khu vườn có đủ các loại rau củ, lợn, gà, vịt... Cả mảnh vườn rau xanh và chuồng lợn chuồng gà thẳng tắp, cả hàng rào doanh trại nữa đều do một tay chú Vinh làm. Bố kể hồi trước chú Vinh làm trong đội ma túy, bắt tội phạm giỏi lắm, nhưng trong một chuyên án, chú bị trúng đạn ở chân, từ đó chân chú đi cà khiễng không đủ sức khỏe để tham gia các chuyên án. Ba mẹ chú làm nông cũng vất vả nên Chỉ huy tạo điều kiện cho chú ở lại làm hậu cần, tăng gia sản xuất thay vì cho ra quân. Vì vậy chú Vinh có cả kho tàng các câu chuyện hình sự hấp dẫn, gay cấn để kể cho chúng tôi nghe mỗi lần chúng tôi giúp chú cho gà ăn.

Hôm ấy, cả bố tôi và ba mẹ chúng nó đều đi vào bản, tôi lại rủ ba đứa vào doanh trại, sau khi cho gà ăn, chúng tôi liền vào bếp tìm chú Vinh. Chú đang đứng trong bếp, tay cầm xẻng đảo thức ăn trong những cái nồi to bự, nồi ấy nấu đủ cho tầm hơn ba chục chú lính trong doanh trại. Con Liên nhắm mắt lại hít hà mùi thức ăn bốc lên “Thơm quá chú Vinh ơi, cho cháu ăn với”. Thằng Lượng với cái Hà cũng giơ tay “Cháu nữa chú ơi”, tôi đứng yên chẳng phải xin vì thế nào tôi cũng có suất trong đó, chú Vinh quay sang cười rồi nghiêm giọng hỏi:

“Các đồng chí làm xong nhiệm vụ chưa?”

“Báo cáo xong rồi ạ!” Chúng tôi nghiêm chân, nói to dõng dạc.

“Tốt lắm! Nhưng tí nữa về nhà ăn nhé!” Chú quay sang đảo đảo thức ăn, thờ ơ trước vẻ mặt hớn hở của chúng tôi.

Con Liên ngẩn cổ buồn rầu “Bố mẹ tụi cháu chưa về”.

Đến đó tôi mới nhớ ra là bố tôi cũng chưa về, mắt lại đảo ra phía cổng chính “Chú có nghe tin gì không chú Vinh?”

Chú đẩy khúc củi vào tro để tắt lửa, ngoảnh lại nói: “Bây giờ có hai tin, một tin vui một tin buồn, mấy đứa muốn nghe tin gì trước?”

“Tin vui đi chú” chúng tôi đồng thanh đáp.

“Tin vui là tối nay mấy đứa sẽ được ăn cơm chú nấu”.

Chúng tôi đập tay vào nhau hò reo mừng rỡ nhưng rồi sực nhớ ra vẫn còn tin buồn, cả bốn đứa lại xìu mặt nhìn chú Vinh “Vậy tin buồn ạ?”

“Tin buồn là nước suối lớn, bố mẹ mấy đứa hôm nay không về được”.

Mỗi đứa tẩn ngẩn tìm một chiếc ghế để ngồi vẻ buồn lắm, lo lắng lắm. Tôi ngước mặt nhìn chúng nó “Mình quen rồi, chắc lại sang bên tập thể ngủ, còn ba bạn thì làm sao?”

Con Liên rơm rớm nước mắt “Mình không biết, chưa bao giờ mẹ mình đi như vậy cả”.

Thằng Lượng nhảy xuống ghế vỗ ngực: “Thì sang nhà mình, tụi mình ngủ cùng nhau, không có gì phải sợ cả”.

Cái Hà chống cằm, miệng méo xẹo “Eo ôi, mình vẫn sợ lắm”.

Chú Vinh nhìn chúng tôi rồi hỏi “Thế bên tập thể không còn người lớn nữa hả, sao mấy đứa lo thế?”

“Dạ có chứ, nhưng các cô ấy bận em nhỏ cả, chẳng ai sang ngủ cùng tụi cháu được đâu”, Lượng lên tiếng.

“Ừ, vậy khó cho mấy đứa quá nhỉ, hay mấy đứa ở lại đây ngủ với chú?”

“Ngủ với chú ạ?” Mấy đứa trố mắt nhìn nhau.

“ Ừ, ngủ với chú đi, hôm trước mới kể đến đoạn chú đi vào rừng gặp tụi buôn bán ma túy đang trao đổi hàng hóa phải không nhỉ? Tối nay ngủ lại đây chú kể tiếp cho”.

Vậy là chúng tôi bị câu chuyện của chú Vinh hấp dẫn, gật đầu nhận lời ngay. Tối đó, Hà và Liên ngủ ở giường của bố, tôi và thằng Lượng leo lên giường trên nằm với chú Vinh, hơi chật một tí nhưng chúng tôi bị cuốn vào những cảnh đọ súng, những chiếc còng tra vào tay tên tội phạm và ngủ say lúc nào không biết.

Tôi vẫn thắc mắc không biết đường vào bản khó cỡ nào mà tối đó bố mẹ chúng tôi không trở ra được, cũng không rõ tại sao các bạn cứ thỉnh thoảng lại nghỉ học, chúng tôi năn nỉ bố mẹ lần sau được theo cùng vào bản. Bố bảo đường đi vừa xa, vừa khó, chúng tôi đi cùng sẽ vất vả lắm lại vướng chân người lớn nhưng chúng tôi vẫn một mực năn nỉ, năn nỉ cho đến khi bố gật đầu hứa bao giờ thuận lợi sẽ cho chúng tôi theo.

Một ngày kia thời tiết khá đẹp, trời se se lạnh, trước đó vài ngày trời tạnh nên đường vào bản khô ráo, nước suối nhỏ có thể lội sang được, thế là chúng tôi được thỏa nguyện ước mong. Trước khi đi, bố quy định dù có mệt cũng phải tự đi, không ai được bồng bế hay đòi cõng gì hết, mỏi cũng ráng chịu. Chúng tôi vì được thỏa trí tò mò mà gật đầu đồng ý. Đi bộ vào bản tầm một tiếng đồng hồ, cả nhóm mỏi chân rã rời nhưng vì quy ước nên đành chịu, bốn đứa cầm tay nhau miệng đồng thanh: “Cố lên, cố lên, cố lên!” để nối theo dấu chân người lớn phía trước.

Vào đến bản, thấy các bạn từ xa, chúng tôi quên cả mỏi mệt, chạy nhào đến nhảy nhót reo mừng rối rít.

“Sao các bạn không đi học?” Con Liên hỏi ngay cái câu hỏi mà tôi định nói đầu tiên khi gặp các bạn, nhưng vì vui quá tôi quên mất.

“Ba mẹ không cho đi”.

“Sao ba mẹ không cho? Đi học thích lắm mà”.

“Nhà xa quá, vất vả quá, ba ốm rồi, mẹ phải lên rẫy”.

“Ba cậu ốm gì vậy?”

“Mình không biết, ở trên nhà sàn ấy”.

“Không sao đâu, các chú quân y đang khám cho ba cậu đấy, còn có các bác sĩ tình nguyện ở dưới xuôi nữa, bạn đừng lo, mai đi học nhé”. Tôi động viên.

“Chắc không được đâu, mẹ mình bảo mình ở nhà trông em để mẹ đi làm rẫy”.

“Để mẹ mình lo, mẹ mình cũng vào đây”. Hà chỉ tay về phía mẹ của mình đang nói chuyện với vài người phụ nữ. Cạnh đó mẹ của Liên, bố mẹ Lượng cũng đang gặp những người khác, chúng tôi không biết họ nói gì, chỉ biết rằng sau cuộc nói chuyện đó các bạn của tôi ngày mai sẽ quay lại trường đi học.

Tôi vẫn nghĩ là chuyện đi vào bản ngoài mỏi chân ra thì không có gì khó khăn cả. Nhưng hôm đó, đang ăn cơm tối thì bố giục tôi ăn nhanh, về phòng gom vài bộ quần áo sang tập thể ở ít ngày, bố cùng vài chú nữa phải đưa bác An - bác sĩ quân y về nhà. Tôi thắc mắc không hiểu vì sao bác An lớn thế rồi mà phải được nhiều người đem về nhà? Thì ra bác bị lũ cuốn trôi khi đi vào bản khám bệnh cho người dân, dù bố và các chú đã chạy dọc theo con suối cố gắng ném cho bác khúc cây để bám vào nhưng không được, dòng nước từ trên nguồn đổ về cuồn cuộn nhấn bác An xuống rồi lại lật lên, cho đến khi bác mắc lại ở một gốc cây bên bờ thì bác đã không còn thở được nữa. Bố và các chú kéo bác An lên cố hết sức cấp cứu nhưng bác không tỉnh lại nữa, bàn tay trắng bệch lạnh ngắt thả lỏng hai bên thân người ướt nhẹp. Tôi không chứng kiến được việc đó, nhưng lúc tối được các thầy cô bên tập thể kể lại, chúng tôi nhìn nhau chau mày. Đó là khúc suối mà muốn vào bản bố mẹ chúng tôi buộc phải đi sang. Bố vẫn hay đi vào bản vài ngày, bố cũng hay đi tuần tra suốt cả tuần, nhưng bao giờ bố cũng trở về, và tôi xem đó như là chuyện đương nhiên, chưa bao giờ tôi mảy may nghĩ đến việc bố không về nữa. Nhưng từ lúc nghe chuyện bác An tôi đã cảm thấy lo lắng cho bố, cho các cô các thầy, vì muốn đem đến cái chữ cho các bạn của tôi, vì chăm lo cho sức khỏe của dân bản, vì canh giữ cho giấc ngủ của đồng bào, trong đó có tôi và các bạn của tôi mà có thể một ngày nào đó họ sẽ bị đi cà khiễng như chú Vinh hay bị nước dữ cuốn trôi như bác An. Nghĩ đến đó tôi bất giác lo sợ. Tôi ra hiệu ngoắt con Liên, Hà và Lượng ra cột cờ ở sân trường.

“Lính, cậu gọi tụi tớ ra đây làm gì vậy?”, tôi chưa kịp nói thì con Hà đã hỏi.

“Mình lo thật đấy, bố mẹ tụi mình hay phải lội qua suối để đi vào bản đó, nhỡ không may…”

“Cậu đừng nói dại, mình cũng nghĩ đến chuyện đó rồi đó” con Liên ngắt lời tôi.

“Bố mẹ mình có kinh nghiệm rồi mà, bố của Lính cũng cẩn thận lắm, các cậu yên tâm đi, không có chuyện gì đâu” con Hà trấn an tụi tôi nhưng tôi biết nó cũng lo lắm.

“Mình ráng học giỏi, sau này mình sẽ lên đây xây cầu sang suối. Đừng lo nữa, về thôi, muỗi cắn chân tớ sưng vù rồi này” thằng Lượng lại nói về ước mơ duy nhất của nó.

Trời vào đông được bốn tháng thì chuẩn bị Tết. Thường sau khi cùng gói bánh với dân bản xong, tôi và bố chỉ về nhà một ngày để ra mộ thắp hương cho mẹ rồi lại lên đơn vị để trực Tết. Còn Lượng, Liên, Hà sẽ về phố đón Tết với bố mẹ, có lẽ đó là những ngày cô đơn nhất của tôi khi không có ba đứa nó chạy chơi ú tìm, bắn bi hay trò bắt tội phạm phỏng theo chuyện đánh án của chú Vinh.

Mỗi lần sang bên tập thể ở lại, chúng tôi được mẹ Hà đọc truyện cho nghe, nhà nó có một cái giá sách đủ các loại truyện tranh. Cách đây hai ngày, chúng tôi được nghe truyện “Cây nêu ngày Tết”. Thường ở phố bữa nay không có cây nêu nữa, về miền quê thì thấy lác đác vài nhà vẫn còn. Chúng tôi quyết định sẽ làm cây nêu để trừ tà, cầu may, cầu mong may mắn luôn đến với bố mẹ chúng tôi.

Tôi nhờ chú Vinh chặt cho một cành tre khá dài ở trong doanh trại, chú mang ra cổng cho tôi, lúc đó Lượng chờ sẵn phía ngoài, hai đứa hai đầu khênh ra bãi đất trống. Khi ra đến nơi, Hà và Liên đã chờ sẵn ở đó với một túi đầy lá đùng đình. Chia nhau thành bốn đoạn chúng tôi dán lá khắp thân cây tre, cái Hà luồn dọc thân cây nêu bằng những sợi đèn màu chạy bằng pin mà dịp trước về phố đi nhà sách nó đòi mẹ mua. Còn tôi lôi từ trong túi quần ra một lá cờ Tổ quốc, luồn vào cán rồi cột trên đỉnh cây nêu. Hợp sức của bốn đứa con nít, chúng tôi dựng cây nêu đứng lên, cột vào một gốc cây sẵn ở đó. Bốn đứa nằm lăn ra đất, ngước mặt nhìn ánh đèn nhấp nháy, lá cờ Tổ quốc phất phới trong gió nở nụ cười mãn nguyện.

“Ước gì mình xây được một ngôi nhà ở đây nữa, tụi mình ở lại với nhau ăn Tết như một gia đình nhỉ” con Liên lại mơ mộng, nhưng mà ý tưởng của nó thật thú vị.

“Thôi, để chờ mình lớn nhé, mình học giỏi rồi lên đây làm đường, xây cầu xây luôn nhà cho tụi mình ở” thằng Lượng hồ hởi đồng tình với điệp khúc cũ “mình học giỏi” như câu cửa miệng của nó.

“Nhưng bố mẹ mình sẽ về phố mà, mình có được ở đây với các bạn đâu” Hà tiu nghỉu đáp.

“Bố mình bảo, ở đâu mình cũng sẽ tìm thấy gia đình của mình, rồi bạn cũng sẽ tìm được chúng mình” tôi an ủi Hà.

“Lính nè, mình nghe nói bộ đội thỉnh thoảng có luân chuyển công tác đến nơi khác, nhỡ may bố cậu phải đi thì cậu tính sao?”

Bất chợt con Liên hỏi tôi một câu mà xưa nay tôi chưa từng nghĩ đến, tôi vẫn nghĩ mình mặc định ở đây cho đến lúc lớn, nhưng nếu có trường hợp như vậy xảy ra thật thì tôi cũng không biết mình sẽ tính thế nào nữa, đầu óc trống rỗng, mơ hồ. Chúng tôi nhìn nhau, rơm rớm nước mắt, khoác tay lên vai nhau bảo: “Chúng ta là anh em, là một gia đình”. Hôm đó là hôm cuối cùng chúng tôi ở bên nhau trước khi ba đứa bạn tôi về phố ăn Tết.

Sau hai hôm, tôi và bố cũng về nhà thắp hương cho mẹ. Ngay khi quay trở lên tôi chạy ngay ra mô đất kiểm tra xem cây nêu còn không, thật là may mắn vì không ai phá vỡ công trình của chúng tôi. Khi tôi đang cố tìm công tắc đèn cái Hà giấu trong đám lá, bố đi đến từ phía sau lưng:

“Cây nêu đẹp quá, con nhớ các bạn lắm phải không?”

“Dạ, con nhớ lắm, không có các bạn chơi, buồn buồn bố ạ”.

“Ừ, con trai mạnh mẽ lên nhé”.

“Dạ, hết Tết các bạn lại lên phải không bố?”

“Hết Tết các bạn lại lên, nhưng bố con mình sắp... đi” giọng bố ngập ngừng.

“Đi đâu vậy bố? Có lâu không? Chắc phải về kịp để con còn đi học chứ?”

“Bố vừa nhận được lệnh điều động sang đơn vị khác, cách đây hơn năm chục cây số, ở đó chắc cũng tầm vài năm nữa”.

Lệnh điều động bố có nghĩa là tôi cũng điều động theo và cũng hiểu được là tôi sẽ không được gặp các bạn nữa, tôi sẽ không được gặp anh em, gia đình của chúng tôi, những ông bố bà mẹ đã yêu thương tôi suốt bảy năm qua rồi cũng không ở bên cạnh tôi nữa, chú Vinh với vô vàn câu chuyện đánh án cũng không đi theo tôi. Với đứa trẻ bảy tuổi thì đó là cả gia tài, mất đi gia tài của mình là mất mát lớn lao nhất, khó chấp nhận nhất. Chờ tôi lăn lê gào thét thỏa sức cho đến khi chịu nằm yên một chỗ khóc rưng rức, bố ôm tôi vào lòng, tay chỉ lên ngọn cây nêu:

“Con có thấy lá cờ Tổ quốc không?”

“Dạ có”. Tôi sụt sùi đáp.

“Con nhớ nhé, ở đâu con nhìn thấy lá cờ Tổ quốc thì gia đình của con ở đó”.

Tôi gật đầu, gạt nước mắt.

Bố vuốt tóc tôi “Giỏi lắm, rồi sẽ ổn thôi con trai”.

Tôi trèo lên lưng bố, đầu ngoái lại nhìn cho đến khi lá cờ khuất dần sau cổng doanh trại.

L.T.K.N

 

LÊ THỊ KIM NHẠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 294 tháng 03/2019

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground