Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đèo Yêu

TRUYỆN NGẮN dự thi

L

úc đó, gần giữa buổi sáng rồi mà sương rừng vẫn chưa tan. Những thân cổ thụ, những cụm rễ, những vách đá còn nhập nhòa. Bóng tiểu đội phó Mùi cùng Mão và Lữ vừa lẫn trong sương được một lúc thì cả khoảng rừng rền rền tiếng AC130 dội như sấm, tiếp đó mấy loạt 20 li, luồng đạn như những cục than hồng nối nhau rót xuống. Nó đánh ngoài đó... Nguy rồi! vừa quay vào đến cửa hang, nghĩ thế tôi quay ngoắt lại lao ra. Đường ngập lá khô mấp mô ngoắt ngoéo quanh các thân và rễ cây, tôi co chân phóng vùn vụt, mặc lá cành quất vào mặt rát rạt. Ra đến đường tôi mới dừng lại thở phào. Nó đánh hướng Na Cốc, Lữ và nhóm anh Mùi đi hướng ngược lại. Không việc gì rồi.

Vượt biên giới tham gia chiến dịch, xuống đến đây, tiểu đoàn phải xé lẻ ra mấy hướng. Tiểu đoàn bộ lấy hang lèn Nặm Phít làm hậu cứ để từ đây tỏa đi theo các hướng. Tiểu đội thông tin bị xẻ làm ba. Bốn người đi theo tiểu đoàn trưởng lập chỉ huy sở tiền phương bám địch. Số ở lại hậu cứ có nhiệm vụ nối thông liên lạc với phía trước, phía sau. Ngày hôm qua chúng tôi lên tận đỉnh lèn bắt liên lạc với đại đội cắm ở bến vượt Nặm Thơm nhưng không có tín hiệu. Tối đến, khi cử nhóm anh Mùi ra Pu Hắc lập đài trung chuyển, tiểu đoàn phó Phùng nói chắc chắn: “Vướng thằng Pu Hắc thôi. Các cậu ra đó cứ lên hẳn đỉnh cao nhất là được đấy”.

Tôi an tâm quay vào hang, đầu óc lan man. Đèo Pu Hắc, tiếng Thái cũng như tiếng Lào tôi học được từ mấy bạn người dân tộc hồi còn ở trường, nghĩa là “ngọn núi tình yêu”. “Pu là núi , núi cao. Hắc tiếng Lào là  yêu . Chắc ngọn đèo này có truyền thuyết gì đó liên quan đến chuyện gái trai rồi. Tình yêu gái trai là chuyện muôn thuở, ở đâu, thời nào cũng vẫn vậy, có sức mạnh kì diệu có thể giúp con vượt qua cả thời gian, vượt qua cả sự sống chết. Đèo cũng chẳng cao lắm, ngoằn ngoèo bám bên sườn ngọn núi, sát bên đường còn có bóng cây nhưng trên cao toàn lau lách và cây nhỏ do bị bom đạn từ trước, còn bên phải là vực sâu, sườn ta luy có nhiều tầng cây mọc cao vượt quá mặt đường, thành thử đường đèo rất kín đáo. Nhớ hôm tiểu đoàn đi vào, cả chặng dài xe luồn trong rừng. Na Kai rừng thưa hơn, thông già từng vùng rộng, cao vút trùm bóng trên những bãi cỏ tranh cao lút đầu người. Mỗi lúc có gió, những bãi cỏ tranh dập dờn như sóng cuộn, mênh mông. Qua Na Kai, lên đèo gặp một rừng con gái. Công binh nữ san đường, chống lầy, toàn cuốc chim, xẻng xúc, dao cưa… Vây quanh thùng xe chúng tôi là những bím tóc, những eo lưng lằn ướt mồ hôi. Con gái từng tốp vác những đoạn cây đứng nép bên đường. Những cục đất ném lên, những câu đùa nghịch ngợm táo tợn, toàn giọng quê ta tau tau, mi mi thân thuộc. Tôi nhận ra giọng nói quê mình rất quen mà không kịp hỏi gì. Đang lúc hai chiếc L19 vè vè thu hẹp vòng lượn quây lấy con đèo, chúng tôi phải nhanh chóng vượt trọng điểm. Xe lao nhanh xuống dốc, trên xe cả đám ngẩn ngơ ngoái nhìn những khuôn mặt non tơ, những bàn tay con gái vẫy vẫy đuổi theo. Đám con gái chỉ trạc tuổi Tâm của tôi, trước lúc ra đi chắc hẳn các cô còn đi học, có khi còn nũng bố mẹ.

Chiều nay thì Lữ cùng anh Mùi và Mão sẽ ra ngoài đó.

Lữ quý mến tôi từ đoàn huấn luyện, coi tôi như anh trai. Hết ba tháng lăn lê bò toài đến ngày lên đường thì Lữ bị sốt. Sợ phải ở lại, Lữ cố dậy lên xin chỉ huy đi cho bằng được. Tôi cũng hứa sẽ cố gắng đưa Lữ theo kịp anh em. Đắn đo cân nhắc rồi chỉ huy cũng gật. Thế rồi suốt đêm luồn lách trên dãy núi, cũng gập ghềnh khe suối, cũng đèo dốc lên xuống mà mấy anh cán bộ khung bảo cho nó giống đường Trường Sơn, tôi ba lô trước ba lô sau, và bên vai Lữ bám theo dặt dẹo bước. Tinh mơ ngày thứ hai, cả đoàn xuống núi tràn vào một xóm, mắc võng quanh các nương sắn ngủ vùi trong tiếng chuông nhà thờ và những tiếng đọc kinh râm ran. Mãi đến khi có tiếng phản lực gầm rú và mặt trời đã chói chang, anh nuôi gõ kẻng ăn cơm chúng tôi mới dậy. Lữ bật khỏi võng nói tỉnh như sáo. Anh ơi, em khỏe rồi, khỏe hẳn rồi. Anh coi nì… Rồi Lữ vươn vai chạy quanh gốc mít, miệng giục anh dậy đi, dậy để em cuốn võng.

Cả ngày hôm đó chúng tôi được nghỉ. Xóm núi nghèo, lối ngõ quanh co với những khóm tre, bụi chuối rậm rịch bước chân lính trẻ. Lũ trẻ con ban đầu còn ngượng ngập, một lúc thì quen, nắm tay kéo chúng tôi vào nhà. Dân ở đâu cũng quý bộ đội, chúng tôi được bà con cho ăn mít, ăn khoai, được mời uống nước chè chát. Các cô thôn nữ mắt mũi lúng liếng. Vắng bóng trai làng, có lẽ các anh bộ đội lúc này đã khơi dậy trong các cô những tình cảm thầm kín mơ hồ. Và Lữ, sau khi được cô bé nắm tay kéo ra vườn hái mấy quả cam và quấn quít suốt buổi chiều đã như được gây men mà có vẻ bịn rịn khi chia tay. Tôi ghé tai Lữ, có hẹn hò gì không em? Lữ đỏ mặt lúng túng, chưa, chưa anh ạ. Ừ, chưa là tốt chứ như anh đây, dây vào thương nhớ là khổ đấy…

Tôi có người yêu trước ngày lên đường. Hai đứa cùng xã, Tâm làng dưới tôi làng trên, cách nhau một quãng đồng năm hai vụ lúa rì rào tiếng nước chảy và lách chách tiếng cá đớp mồi. Con đường mòn vòng vèo nối hai làng không mấy khi vắng bóng con gái. Hàng ngày, dưới bầu trời nhởn nhơ mây trắng và thi thoảng máy bay phản lực gầm rú, đám con gái ngược lên làng tôi để vào núi. Và chiều về, những gánh củi, gánh cỏ nặng vai, những eo lưng mềm, những khuôn mặt ửng hồng, những bước chân thoăn thoắt và những giọng cười vang giữa cánh đồng như át cả tiếng bom xa xa dội lại khiến kì nghỉ hè năm đó như thỏi nam châm hút tôi về.

Có những buổi chiều ra đầu ngõ, tôi như bâng quơ, như vô tình. Đám con gái về qua nhà tôi cười nói ríu ran mang theo mùi mồ hôi, mùi da thịt lạ lẫm… Tôi nhận ra trong đám có một  rất xinh. Khuôn mặt xinh, miệng cười xinh và cặp mắt sáng hiện ra sau vành nón hút ánh mắt tôi. Thế rồi chiều đó có ba bốn cô, trong đó có bé  dừng bước, đặt gánh cỏ bên bờ ruộng rồi ríu rít kéo nhau vào ngõ nhà tôi.

- Anh cho bọn em gáo nước. Rồi các cô đưa mắt tìm và xăm xăm bước đến lu nước đặt ở góc sân.

- Đừng uống nước lã, để mình lấy nước chè…

- Bọn em nỏ uống nước chè, nước chè anh cho con ni nì.

Cả đám nhìn sang “cô bé của tôi” cười khúc khích.

- Phải không mi? Anh ơi, anh cho con Tâm nước chè đi. Tâm chỉ uống nước chè thôi…

Mặt Tâm đỏ hừng, lúng túng mâm mê quai nón.

Đã “tia” được từ trước, lúc này tôi mới biết tên em. Tôi nói, Tâm uống nước chè nha. Tâm bảo, chúng nó trêu đấy, em nước lã cũng được.

Thêm vài lần vào xin nước nữa Tâm trở nên bạo dạn hơn. Và hè năm đó là một bản tình ca mượt mà đối với tôi. Hai ngày sau tôi xuống làng, vào nhà chào mẹ, làm quen với em gái Tâm. Mẹ Tâm quý tôi, em gái Tâm cũng có vẻ thích tôi. Buổi đầu như thế là rất thuận lợi…

Dọc đường hành quân tôi cứ rủ rỉ kể cho Lữ như thế. Chưa yêu bao giờ nên Lữ rất chăm chú, háo hức với những điều kì lạ, mới mẻ với tâm hồn hãy còn sáng trong của cậu. Chắc anh nhớ chị Tâm lắm. Ừ! Nhớ lắm, nhớ quay quắt… Như Lữ mà khỏe, đi chiến đấu mà lòng dạ còn vương vấn là, là… Anh nói cứ như người lớn. Được yêu vẫn tốt chứ anh, tình yêu giúp cho ta quên đi gian khổ… À! Hóa ra Lữ cũng đã khôn lớn chứ đâu như tôi nghĩ. Cu cậu ra đó, nếu được ở gần đám chị em kia thì biết đâu lại có thêm một bản tình ca để góp thêm vào truyền thuyết của ngọn đèo được mang tên là “đèo tình yêu” ấy cũng nên.

Sáng đó Bảy trực dưới hang, tôi và Thái mang máy lên đỉnh lèn. Tháo dép xỏ giày rồi xốc máy lên vai tôi theo Thái đi ra. Lối lên bên hông lèn ngoắt ngoéo nhiều vệt nứt, vách đá chen chúc cây rừng và những cụm dứa dại rùm ròa. Cái máy P109 kèm ắc quy khá nặng, tôi níu cành cây, bíu vách đá nhích từng bước. Hì hục phải hơn tiếng đồng hồ hai chúng tôi mới lên tới nơi. Đỉnh lèn không cao lắm, chỉ độ hơn hai trăm mét. Đặt máy 2W xuống một hõm đá khá phẳng. Dây kéo từ máy dưới hang được đấu vào chiếc điện thoại 0743. Thử máy với Bảy xong tôi đưa mắt bao quát một vòng. Trời ong ong vàng, ngờm ngợp phía dưới rừng bạt ngàn mênh mông chen chúc những ngọn cây mờ mờ như phủ khói loãng. Mạn tây nam, chăng ngang bầu trời mấy vệt khói trắng thẳng băng. Thái bảo B52 đấy, có lẽ nó sang đánh bên mình… Máy bay trinh sát lúc này cũng chưa xuất hiện. Căng xong ăngten, Thái bảo, mở máy đi mày. Tôi bật máy, bóp tổ hợp: 01 gọi 04, 01 gọi 04 nghe rõ trả lời. Ngay tức khắc giọng Lữ nghe trong vắt: 04 nghe rõ. Mừng quá, Lữ có vẻ rất vui... Vậy là tiểu đoàn đã nối thông liên lạc với Pu Hắc, tôi mở sổ gửi bức điện đã mã hóa và nhận báo cáo của xê 10, hẹn giờ các phiên sau rồi tắt vô tuyến. Tôi quay máy hữu tuyến gọi xuống cho Bảy, thông rồi, bắt được rồi. Bảy mừng rỡ. Vậy là từ ngày mai, khi có vấn đề khẩn cấp chỉ việc quay máy báo là xong. Đang chuẩn xuống núi thì có tiếng vè vè rồi một chiếc L19 từ hướng Tây nam bay tới. Hú vía, nãy giờ hai đứa đứng phơi mình trên đỉnh lèn, chẳng biết đã bị nó phát hiện chưa.

Tôi xốc máy 2W lên lưng, một tay xách máy hữu tuyến còn tay kia níu các mỏm đá tụt xuống trước. Thái đi sau phòng chừng. Xuống đến cửa hang thì đã thấy tiểu đoàn phó Phùng đứng chờ:

Tín hiệu tốt chứ ? Tớ nói có sai đâu. Vẻ mặt ông giãn ra rồi nhoẻn cười? Từ ngày mai mang theo cơm trưa, trực từ tám rưỡi đến năm giờ, thay nhau mà lên. Nói rồi ông quay người đi vào.

Tiểu đoàn tôi có ba đại đội, một xuống hướng Sa Vẳn, hai đại đội còn lại bám theo tăng, pháo đất cùng bộ binh ở hướng đường 12 nhắm vào Thà Khẹt. Nghe đâu sắp tới tiểu đoàn còn thành lập thêm đại đội 12ly7, thông tin, trinh sát một số sẽ được cử phụ trách khẩu đội trưởng. Biết thế thôi, đến đâu hay đó, còn hàng ngày hôm thì tôi hôm thì Bảy, thay nhau cùng Thái cõng máy lên đỉnh lèn. Chúng tôi cẩn thận ngụy trang máy và cột ăngten, những lúc không liên lạc thì thay phiên nhau chui vào hốc đá ngủ. Ghè đi mấy mỏm đá nhọn, lót vài lớp lá êm là có một chỗ đặt lưng yên lành. Mặc ngoài kia nắng chói, mặc L19 hay OV10 soi mói. Thằng địch sẽ chẳng thể ngờ đối phương đang giữa lưng trời, ngay trước mũi chúng. Và đó là những giây phút tôi thả hồn theo sự tưởng tượng, nhớ nhung. Tôi nhớ Tâm cồn cào và thương đến ứa nước mắt. Nhà Tâm, nếp nhà ngói nhỏ ba gian rêu bám từng vạt xanh xỉn đốc, chân tường lở lói từng vạt. Mảnh sân nề tróc loang lổ, bên góc có bụi nhài với những búp trắng ngà tỏa hương lặng lẽ. Chuồng trâu cạnh cái cổng có hai cánh gỗ lộc cộc mỗi khi đóng mở. Lần đầu xuống chơi, tiễn tôi ra về ngọn đèn dầu trong tay Tâm phụt tắt bên cánh cổng và tôi đã rụt rè nắm lấy bàn tay em trong run rẩy của cả hai đứa.

Vắng bóng đàn ông căn nhà tàn tạ. Tôi nhớ bữa cơm chiều ăn cùng chị em Tâm và mẹ trong cái bếp trống hoác ùn đầy tro rơm, hùn hụt gió đông bắc. Một niêu cơm gạo đỏ, một trách cá đồng kho nục xương, một đĩa dưa cải vàng dòn. Tôi bưng bát cơm trong ánh mắt ấm áp của mẹ, của em. Em gái Tâm mới mười ba tuổi đã ý tứ. Mỗi lần tôi xuống, em chào rồi bỏ đi chơi ngay. Tôi nhớ nụ hôn đầu tiên vụng về và thơ dại. Chập tối, xin mẹ đi chơi rồi hai đứa đứng với nhau dưới tán cây mưng đầu ngõ. Cây mưng nhà Tâm già cỗi, nửa số cành sà sát bờ ao, nửa còn lại trùm kín đoạn ngõ dài. Mới đầu hôm đã không một bóng người. Dưới làn mưa bụi và những giọt tí tách, trong nồng nã của mùi hoa mưng găn gắt tanh nồng, Tâm úp mặt vào ngực tôi, hai tay vòng nhẹ hông tôi. Tôi vòng tay ôm riết tấm thân mảnh dẻ thanh tân, lấy hết can đảm hôn lên đôi má mịn màng, hôn lên cặp môi thơm mọng của em. Nụ hôn đầu đời, hơi thở của em có mùi lúa non thơm mãi đến bây giờ. Đó là lần tôi xuống chia tay em để đi bộ đội.

Những cơn mưa rơi rớt cuối cùng đã chấm dứt. Mùa khô Lào lên tiếng bằng những cơn gió hoang thổi ràn rạt trên những đồi cỏ tranh dập dờn như sóng cuộn. Trên nền trời ong ong mờ đục không mấy lúc vắng bóng các loại máy bay trinh sát. L19 như con chuồn vè vè chao đi chao lại, OV10 hai thân như gọng bừa bắt nắng nhấp nhánh trên cao tít, trùm lên bầu trời một vòm lưới âm thanh dai dẳng. Xa xa, bóng mấy tốp F thoắt ẩn thoắt hiện sau những dãy lèn đá. Những chùm tiếng nổ dội đi dội lại âm âm như những tiếng sấm xa.

Bảy đi cùng chính trị viên Hiền xuống xê 10 Nặm Thơn. Cơ quan chỉ còn lèo tèo, vài anh lái xe, mấy nhân viên có vẻ nhàn rỗi, chỉ còn tôi và Thái ngày hai lượt lên xuống đinh lèn. Thông tin liên lạc với với Nặm Thơn vẫn đều đặn thông qua đài Phu Hắc. Nhóm anh Mùi và Lữ đi đã mười ngày. Thế rồi chiều đó Bảy và chính trị viên về. Gặp nhau ở cửa hang, Bảy dừng lại nói. Tối qua tao và chính trị viên vào chỗ thằng Lữ. Thế à, ngoài đó…? Nhóm anh Mùi sướng lắm. Sướng? Sướng gì? Được một trung đội chị em rước về ở cùng, được họ chăm như chăm chồng chăm con ấy. Bảy vừa nói vừa lắc đầu. Ba người được quây giữa đám con gái. Chỗ ở của họ thích lắm, kín đáo, sạch sẽ.

- Ba hoa gì thế Bảy? Xuống bếp báo cơm kẻo nhịn bây giờ. Vâng, vâng... Vừa trả lời Bảy vừa lục cóc ba lô. Suýt quên, Lữ nó có thư cho mi đây. Trao thư cho tôi, Bảy nói thêm. Thằng Lữ được mấy đứa con gái nâng niu, chiều chuộng lắm. Rồi Bảy xăm xăm đi vào. Tôi rẽ ngang ngồi xuống tảng đá cạnh hang thả máy, xé bì thư. Mặt trời lặn từ bao giờ, trong bóng cây nhập nhoạng có hai tờ giấy gấp tư rơi ra. Gì mà những mấy trang thế này. Tôi cầm lên một tờ, nét chữ con trai cứng quèo: Pu Hắc ngày… Anh Tân ơi..! Lắm chuyện, cũng địa chỉ, cũng ngày tháng? Trước hết em báo để anh vui, chị Tâm ở đây. Anh tin không? Em đã gặp chị Tâm ở ngay đèo Pu Hắc này và chị có thư gửi kèm cho anh…. Tôi thả rơi tờ giấy thư Lữ, cầm ngay tờ kia lên. Giấy hơi đen, trời lại tối. Những hàng chữ tròn tròn màu mực tím nhập nhòe: Kính gửi anh Tân. Lời đầu thư cho em hỏi thăm sức khỏe của anh. Anh có khỏe không. Công việc có nặng nhọc lắm không. Nghe Lữ nói là cùng ở với anh em mừng mừng là. Chắc là anh không ngờ em đi bộ đội… Viết đến đây có lẽ Tâm xúc động. Chạy ra chỗ sáng hơn, tôi căng mắt vào thư Tâm. Bạn bè đi hết, em ở nhà với ai. Em đi may ra gặp được bố, gặp được anh. Lâu lắm nhà không có tin bố, mà em cũng nhớ anh lắm, nhớ lắm. Em nhớ và thương anh… Trời, thương em quá Tâm ơi. Làm sao mà em nghĩ đơn giản thế. Chiến trường có ngàn vạn người, chiến tranh có bao nhiêu nẻo đường, làm sao tìm được bố, làm sao gặp được anh. Em đi thế này… Mẹ thì yếu, em Tình còn dại…

Tôi gấp hai lá thư nhét vào túi áo rồi vào hang, bụng cồn cào, chân tay mỏi rã rời. Vậy là tôi và em chỉ còn cách nhau một ngày đi bộ. Một ngày thôi. Nếu được phép tôi sẽ vọt đi ngay, ngay lúc này, dù trời đã tối. Nghĩ đến đây tim tôi đập loạn xạ.

Bảy bưng phần cơm lên tận ngách hang cho tôi. Vừa ăn tôi vừa dán mắt đọc. Lữ khoe đã được yêu. Ôi, Lữ đã yêu, yêu ngay ở đó. Yêu ngay ở cái đèo tình yêu ấy. Cô bé tên là Trâm, cũng xinh, xinh như chị Tâm và hai người rất thân nhau. Lữ viết tiếp: giá như lúc này có anh ở đây... Còn thư Tâm:... Em mong được gặp anh lắm, để em xem anh thế nào. Hồi ở nhà anh gầy lắm, cố gắng giữ sức khỏe, đêm ngủ nhớ mắc màn kẻo sốt rét nghe anh…Trời ơi, em lo cho tôi. Hôm chia tay để tôi ra đi Tâm cứ ghì riết lấy tôi mà thổn thức. Anh ơi, ngày chiến thắng anh về hai đứa mình đưa nhau về quê nội nha anh. Quê nội em ở Quảng Trị, bố nói là nhà gần bờ Nam sông Bến Hải. Đường có xa em vẫn đi. Có anh bên cạnh thì đi đến mô em cũng đi được…

Bố Tâm người Quảng Trị, là bộ đội miền Nam tập kết. Lúc tôi và Tâm gặp nhau thì ông đã tái ngũ từ lâu và đã vào chiến trường. Bố Tâm đi, chỉ còn ba mẹ con đàn bà, tôi không nghĩ Tâm lại đi tiếp. Tâm phải ở nhà nuôi mẹ và chờ tôi về chứ.

Tôi ăn quấy quá xong Bảy lại giúp tôi mang bát đũa đi. Uống nước rửa ráy qua loa tôi lên sạp buông màn rồi bấm đèn đọc đi đọc lại thư Tâm, đọc đến gần như thuộc lòng mà tôi cứ đọc. Tôi ngắm nhìn từng nét chữ tròn tròn hiền dịu, sau mỗi con chữ cứ thấp thoáng khuôn mặt Tâm. Càng đọc tôi càng thương em, lòng rung lên đến xót xa. Tôi lo cho em, lo đến thắt ruột. Thư em không nói nhưng thư Lữ báo, mới hôm kia T28 đánh bắc đèo, trung đội công binh hy sinh ba người. Úp thư Tâm lên ngực thổn thức rồi tôi ngủ thiếp lúc nào.

Hai ngày tiếp theo liên lạc vẫn thông suốt nhưng tôi thì bồn chồn như ngồi trên đống lửa. Thế rồi tối đến, tiểu đoàn phó Phùng vào ngách thông tin. Ông nói:

- Sáng mai cậu Thái và cậu Tân ra thay cho Mùi và Mão về.

Nghĩ mình nghe lầm, tôi nhìn ông đăm đăm. Cậu nghe không rõ à? Sáng mai hai cậu ra Phu Hắc thay cho Mùi và Mão về. Cậu Bảy chịu khó lên núi một mình, chịu khó thế, máy dưới này sẽ có người trực.

Trời ơi, thực hay mơ đây? Vậy là sắp được gặp Tâm rồi, suýt chút nữa tôi đã hét toáng lên?

- Thế nhé, đi cho sớm. Bảo Mùi và Mão về ngay có việc.

Tiểu đoàn phó đi rồi, tôi ngồi ngẩn người. Rồi choàng tỉnh, tôi mở tung ba lô. Phải có cái gì làm quà cho Tâm chứ. Cuốn sổ tay chưa dùng, múi dù chính trị viên Hiền cho bữa trước… Tiếng Thái gọi xuống ăn cơm âm âm trong vòm hang nghe như từ cõi nào vọng đến. Một tối dài đến là dài, tôi chập chờn thức, ngủ làm Thái càu nhàu, mày làm sao thế, cứ lục xục như ma…

Thế rồi trời cũng chuyển sáng. Vòm hang nhờ nhờ. Tiếng gà rừng gáy te te, tiếng chim chéc chéc lao xao ngoài cửa hang. Tôi vùng dậy tháo màn, gấp chăn cho vào ba lô rồi ra sau hang rửa mặt đánh răng. Mày hôm nay khẩn trương thế, cứ như báo động dã ngoại ấy nhỉ... Thái nói những gì nữa tôi đâu để ý. Rửa quấy quá rồi hai chúng tôi trở lên khoác ba lô ra đi. Sẽ ăn dọc đường, cả sáng cả trưa. Lương khô đã mang đủ, đói đâu nghỉ ăn đó.

Chúng tôi chạm chân đèo lúc hơn bảy giờ chiều. Trời đã xâm xẩm mà thằng L19 vẫn chưa chịu về. Đèo vắng ngắt, mặt đường in dấu xẻng, lằn xe. Những đoạn cây lát chống lầy từ mùa mưa đã khô cong và bám đầy bụi mờ mờ dưới chút ánh sáng cuối ngày. Gần đến nơi rồi. Chắc giờ này họ đang ăn cơm. Tim tôi đập lên rộn ràng, hồi hộp đến tức thở.

- Chỗ rẽ đây rồi. Bảy dặn đến chỗ bên phải có tảng đá. Tảng đá kia kìa. Thái đưa tay chỉ. Theo tay Thái chỉ, tôi nhận ra tảng đá to bên cạnh một gốc cây có bộ rễ rất lớn. Tôi theo Thái vạch cành cây mép ta luy bên trái. Mấy bậc đất nhẵn thín hiện ra, xuống hết taluy chạm khe nước, lúc này phải căng mắt mới thấy được một lối mòn bên bờ khe. May mà chúng tôi đi sớm, nếu không sẽ không biết lối nào mà lần. Đi độ hơn cây số, đoán là đã đến chỗ rẽ, Thái bắc tay làm làm loa gọi khe khẽ: Anh Mùi ơi… anh Mùi ơi. Tôi cũng gọi theo: Lữ ơi…

Vẫn yên lặng. Thế rồi tiếng anh Mùi vọng xuống, cũng khe khe vừa đủ nghe:

- Ai đó? Thái phải không? Phải Thái không? Đứng yên đó, đứng yên đó, không bước nữa nhé. Cứ đứng yên đừng nhúc nhích.

Phải đến gần mười phút, hai bóng đen xuất hiện từ trên đi xuống. Tôi nhận ra anh Mùi trước, Lữ đi sau. Tớ phải gỡ mấy quả lựu đạn. Đi đâu mà vào đây? Vừa đi anh Mùi vừa nói. Ra thay cho ông về. Sao lại về? Ông được điều làm khẩu đội trưởng 12ly7, về mà khao đi… Thái nói nhát gừng,

Lối lên được ghép những đoạn cây ngắn thành bậc, một bên có buộc cây làm tay vịn. Mặc hai người đi trước nói chuyện, Lữ tụt lại ghé tai tôi nói như khóc, họ đi rồi anh ơi. Ai đi? Chị Tâm đi rồi, đi cả rồi… Tiếng “rồi” cuối cùng Lữ nói như hụt hơi. Tôi đứng sững, lặng người, sự háo hức bồn chồn biến mất. Niềm hứng khởi đang hồi cao trào đã vụt tắt. Nồi nước đang sôi đã bị rút củi đột ngột. Chả trách, lúc từ đường tụt xuống taluy tôi đã có cảm giác là lạ. Họ đi chiều qua anh ạ. Đột ngột lắm. Em và anh Mùi từ trên núi xuống thì ai nấy đã ba lô trên vai. Chị có gửi cho anh cái gì ấy, em đang cất trong ba lô.

Chúng tôi nặng nề bước. Lên hết dốc, một vùng nhờ nhờ hiện ra, bằng phẳng quang quẽ với những gốc cây thẳng đứng, im lìm. Dừng lại cạnh một gốc cây chất mấy cành lá còn tươi, anh Mùi gọi nhỏ:

- Mão ơi, có Thái và Tân ra đây này. Dậy nào, chịu khó đun tí nước sôi.

Từ một hốc tối sau mấy cành cây Mão lóp ngóp bò lên. Ôi, Thái, Tân…

- Họ đi rồi, bọn mình phải xuống hầm ngụy trang mới dám ngủ. Cẩn thận vẫn hơn chứ lúc chị em còn ở thì không sao. Đấy, các cậu xem. Tôi nhìn ra, quanh các gốc thông vẫn còn nguyên cọc phụ, dây tăng, giá ba lô… Tất cả lúc này trở nên lạnh lẽo hoang tàn đến rùng mình. Chỗ nào là của Tâm? Lúc này em ở đâu? Hình như tôi khóc, mi mắt ươn ướt rồi lăn xuống hai giọt nước trên gò má.

Tôi cố nuốt hết nửa bánh lương khô rồi uống cạn bát nước Lữ đưa. Lấy cớ năm người sẽ chật, Lữ và tôi bấm đèn xuống một hầm bên cạnh. Lữ bảo hầm này là hầm của chị Tâm và Trâm. Đào phòng thôi chứ chưa phải xuống ngủ lần nào.

Hầm ba vì kèo, đáy lát cây và phủ tấm phên nứa. Mùi ẩm mốc xộc vào mũi khiến tôi hắt hơi liền mấy phát. Đợi Lữ trải xong tấm tăng, tôi đặt ba lô làm gối rồi nằm xuống. Đêm qua bọn em nằm hầm đàng kia. Họ đi rồi bọn em cũng giả vờ như rút, tối đến gài lựu đạn xong mới dám chui xuống hầm kéo cành cây phủ lên mới dám ngủ. Lữ nói. Cả ngày nay, anh Mùi và Mão lên đèo, mình em ở “nhà” hết xuống suối câu cá lại lên mặt đường xem có gặp người không. Buồn lắm, hồi trưa lại có chiếc trực thăng nữa chứ. Chẳng biết nghi ngờ chi mà nó cứ vòng đi vòng lại trên mấy vạt rừng thông bên kia đồi… À, chị Tâm gửi anh. Lữ trao cho tôi gói giấy nhỏ. Tôi luống cuống mở. Mảnh phin trắng vuông được riềm chung quanh có thêu mấy chữ “Nhớ thương anh” gấp bốn góc bọc lấy nhúm tóc…

Lữ nói Lữ kể những gì tôi không nghe được nữa. Tôi lặng người úp cả cái khăn thêu và lọn tóc vào ngực. Nhìn thấy em, chị ấy vụt chạy ra sau lùm cây một lúc rồi quay lại đưa. Chị nói may mà còn gặp, Lữ đưa giúp nhé. Bên tai tôi Lữ nói những gì nữa… Trâm khóc, hai đứa nắm tay nhau... Rồi nào là chị Tâm hiền, chị Tâm tâm lý, chị Tâm…

Chẳng biết tôi đã ngủ chưa. Đang mơ mơ màng màng thì tôi nghe tiếng bước chân lội nước ì oạp, tiếng con gái cười nói ồn ào. Rồi có tiếng Tâm kêu váng, Trâm ơi, anh Tân đến, nhanh lên, nhanh lên

Tôi bật choàng dậy…

- Anh răng rứa? Anh ngủ mơ à?

Ôi, chỉ là nằm mơ. Miệng hầm tối nhờ nhờ, ngoài kia vẫn im phăng phắc. Lắng tai nghe chỉ có tiếng nước qua kẽ đá róc rách, róc rách triền miên. Tỉnh ra, mồ hôi toát dấp dính khắp mặt khắp cổ tôi. Tôi thẩn thờ, sáng mai nhóm anh Mùi về rồi. Lại chỉ còn ba đứa với con đèo hoang lạnh nhìn đâu cũng có bóng dáng em. “Đèo tình yêu” ơi, những tưởng nơi đây chúng tôi sẽ được gặp nhau, vậy mà… Mảnh khăn có lọn tóc nham nhở em cắt vội vẫn nắm trong tay, tôi cứ ngồi yên như vậy chờ trời sáng.

Vĩ thanh:

Sáng hôm sau anh Mùi và Mão trở về hậu cứ. Tôi bảo Lữ ở nhà rồi cùng anh Thái lên đèo. Mấy ngày tiếp theo việc liên lạc không có gì đặc biệt. Nghe tin chiến dịch phát triển rất nhanh. Trận đánh mới ở đường 12 chuẩn bị nổ súng. Ở thêm hai ngày nữa thì chúng tôi được gọi về để chuyển hậu cứ vào sâu hơn. Bảy đón tôi ngay cửa hang, nói hai cô công binh xinh xinh ngoài Pu Hắc vào tìm. Tao bảo mày chưa về thì họ quay ra liền. Chắc họ cũng vào chỗ mai mốt đánh nhau đấy. Nghe Bảy nói trong tôi chợt lóe lên hy vọng, mình vẫn còn cơ hội gặp em.

 

N.N.L

 

NGUYỄN NGỌC LỢI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 295 tháng 04/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground