Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giấc mơ tuổi trẻ

TRUYỆN NGẮN dự thi

 

X

e dừng ở bến đúng năm giờ sáng, hành khách mệt nhoài sau một chuyến đi dài gần mười tiếng. Cảm giác rét tê tái dần ngấm vào da thịt của Thiên An, cô quấn chiếc khăn len lên người. Mở điện thoại, cô nghĩ thầm “14 độ, hỏi sao không run”.

Không biết Duy đứng đợi cô từ khi nào, anh mặc bộ đồ cao su đi mưa để giữ ấm, nhìn thấy cô co ro anh bật cười. Cô có chút bồi hồi. Dường như rất lâu, từ ngày anh đi trồng rau, những cuộc đón đưa đã không lặp lại. Thời sinh viên, mỗi lần cô về quê lên, anh luôn canh đúng giờ, chỉ cần cô xuống xe anh đã ở đó. Anh đưa cô chiếc áo dù bảo cô khoác lên thêm, rồi chở cô về trang trại. Buổi sớm chẳng có gì ngoài sương, sương dày đặc bao trùm lên mọi thứ. Sương quấn quanh rừng thông bồng bềnh như chiếc khăn bông, có khi Thiên An tưởng như mình chạm vào sương được. Con đường cứ như đi giữa rừng, hai bên là hàng thông cao vút. Duy chạy chậm, tiếng máy xe chìm trong tiếng rì rào của lá, lâu lâu những quả thông khô rơi xuống mặt đất, được nâng đỡ nhẹ nhàng bằng một lớp cỏ úa màu. Thiên An nghe được âm thanh đó bằng sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối của núi rừng. Cô chợt thấy mình thật nhỏ bé, bình thản.

Xe rẽ vào một con đường nhỏ, dẫn vào ngôi nhà mới xây còn chưa tô tường, Thiên An biết đã đến trang trại của Duy nhờ tấm biển nhỏ bằng gỗ mà Duy dùng để “đánh dấu lãnh thổ”. Con Gỗ - con chó nhỏ của Duy nghe tiếng chủ chạy ra mừng, quấn chân chủ một chút nó chạy trở vào nhà, có lẽ nó không thích cái lạnh cho mấy. Nó trườn dài cạnh lò sưởi nhỏ, nơi chủ nó và cô bạn đang hơ tay. Màu gạch nâu đỏ, mùi củi thông khô trầm ấm bỏ quên gió rét đang ở ngoài cánh cửa.

Duy nấu bữa sáng cho mọi người. Ở trang trại này có Duy và bốn người nữa. Khi cô đến, Tuấn và Thành đang chạy bộ, cái lạnh thấu xương không ngăn được các bạn trẻ rèn thể lực. Một lát sau, Kim và Ngọc cũng đến, hai nàng ở trọ ngoài thị trấn, nơi cô xuống xe. Họ đến làm việc ban ngày, buổi tối trở ra thị trấn. Nhà Duy đủ rộng cho nhiều người hơn, nhưng như thế không tiện.

- Ăn sáng sớm để còn ra đồng cho kịp, ở đây toàn tự túc, không có hàng quán, cô An chịu khó ăn nhé!

- Em ăn gì cũng được, quan trọng có người nấu thôi, anh biết mà.

Thiên An đáp lời đùa vui của Duy, thật ra cô cũng bất ngờ khi thấy Duy đứng rang cơm, xào rau, chiên trứng. Hồi sinh viên, Thiên An ở nhà bác, còn Duy ở trọ trong dãy nhà bác cô cho thuê, anh nổi tiếng là người ăn cơm ké khắp cả dãy trọ. Mấy năm không gặp vậy mà anh lại trở thành bếp chính ở trang trại. Nhìn kỹ thì Duy khác ngày trước nhiều, da ngăm hơn, thân hình chắc hơn, không còn dáng dấp chàng công tử bột. Hai năm lăn lộn nơi núi rừng Tây Nguyên, cuốc xới từng luống đất đã làm Duy rắn rỏi và trưởng thành. Một ngày, chẳng nói chẳng rằng, anh bỏ công việc kỹ sư trong tập đoàn ô tô lớn làm bao người tiếc nuối. Tiền tích lũy của bao năm đi làm anh đem hết đổ vào đất rẫy. Ngày tháng chỉ có mỗi sức trẻ và ý chí ấy có lẽ Duy không bao giờ quên, và Thiên An ít nhiều hiểu được qua những cuộc gọi gần như cả đêm của hai anh em. Anh kể về những bỡ ngỡ rất lần đầu của chàng kỹ sư cơ khí đi làm nông, cơm còn chưa biết nấu, ủ phân bò đến xây xẩm mặt mày và niềm hân hoan tràn ngập khi rau lủi đâm chồi, nhận được đơn hàng đầu tiên anh suýt rơi nước mắt. Câu chuyện tưởng như bình dị ấy của những bó rau con cá, là biết bao giọt mồ hôi của Duy giữa trời Tây Nguyên lạnh giá. Qua lời anh, Thiên An nhận ra, chỉ cần làm được điều mình thích, dù gian khổ thế nào cũng hạnh phúc. Nửa năm đầu trong hành trình trở thành nông dân của Duy, anh bắt đầu học lại từ đầu. Buổi sáng anh đến làm cho một trang trại, học cách người ta làm đất, chăm cây. Buổi chiều anh phát cỏ ở mảnh đất mình. Buổi tối lên mạng mày mò xem cách ủ phân ủ rơm. May mắn, một người bạn giới thiệu cậu em trai tên Nguyên, vừa tốt nghiệp ngành nông nghiệp lên làm với Duy, thế là Duy có bạn đồng hành sau hai tháng cô đơn. Hai chàng trai, ba hecta đất trống, trong một năm đã phủ xanh bằng rau lủi – một thứ rau rừng từng cứu đói cho bộ đội thời kháng chiến. Duy thích loại rau này khi anh ăn lần đầu, thấy được tiềm năng tiêu thụ nên quyết tâm đầu tư vào nó. Ý tưởng đến bất ngờ nên anh không nói trước, cũng chẳng chuẩn bị nhiều, cứ thế mà đi, làm dần rồi biết, vì chẳng ai tự dưng mà biết hết mọi thứ. Càng làm càng yêu công việc của mình, nhìn cọng rau non xanh cũng làm anh vui lạ. Trong những câu chuyện khi xa cách, đôi lần Thiên An hỏi vui anh “thế lực” nào chống lưng để anh làm được điều này, anh nói là khát khao của anh qua mỗi ngày cứ lớn lên, vượt qua sức mạnh của anh và còn vì giấc mơ của một người đặc biệt, sau này sẽ nói cho cô.

Ngày anh đặt viên gạch đầu tiên cất ngôi nhà của riêng mình, anh gọi cho cô hay, mai mốt hoàn thành có chỗ mưa không tạt, gió không lùa anh mời cô lên chơi. Con gái ở phố chỉ biết cắm chui điện nồi cơm như cô mà cho ở chòi canh thì tội quá. Lên anh cho ăn rau lủi, anh dẫn đi lượm trái thông ở rừng thông đẹp nhất Việt Nam, dẫn đi thăm cây phượng tím buồn man mác bên bờ hồ Đắk Ke xinh đẹp, thác nước ở đây hoang sơ mà kỳ vĩ lắm, có khi ghé chơi rồi cô sẽ không muốn về xuôi nữa, lúc ấy anh sẽ cho làm công ở trang trại của anh, anh sẽ cho ra chợ bán rau để thành hot girl bán rau nổi tiếng trên cộng đồng mạng. Qua video anh gửi, đôi chân Thiên An thôi thúc cô đi, vậy mới có hành trình dài thật dài, từ nhà cô vào thành phố, từ thành phố lên Tây Nguyên. Cô không đi máy bay dẫu nó nhanh hơn, cô thích chuyến xe đi qua nhiều vùng đất, mỗi trạm dừng chân, cô sẽ đi quanh nhìn ngắm đặc sản của vùng được bày bán, nghe giọng địa phương, hay say sưa với một cảnh sắc. Với lại, cô đâu có vội.

Xong bữa sáng, mọi người tự mang chén đi rửa, “đó là quy tắc ở trang trại”, Duy chỉ vào cái bảng treo trên vách. Có khá nhiều quy tắc chung cho những thành viên lẫn khách đến trang trại, tựu trung lại là đúng giờ, trách nhiệm, nề nếp, không làm phiền người khác. Nhà toàn thanh niên trai tráng mà ngăn nắp đâu đó ra trò, từ cái chạn bếp đến nông cụ ngoài hiên theo hàng theo lớp chỉnh tề. Con Gỗ cũng ngầm hiểu quy tắc nên chẳng bao giờ tha trộm giày dép hay vật dụng giấu đâu đó. Mọi người ra đồng khi những tia nắng còn ngại màn sương, lúc này Thiên An mới nhìn thấy hết ruộng rau của Duy, nó rộng hơn cô tưởng tượng. Rau lủi trồng theo luống ngay tăm tắp, xanh rờn. Giữa hai luống rau, Duy chừa con đường đi khá lớn, anh nói để các bạn trẻ đến chụp hình khỏi giẫm lên rau, nhiều du khác đến đây “seo phì” lắm. Công việc của họ mỗi ngày là chăm sóc và hái rau. Kim và Ngọc sẽ đem rau lủi xuống chợ bán lẻ trước, còn lại ba anh thanh niên phân rau, đóng hàng đem gửi đi Đà Nẵng, Sài Gòn và xuống thị xã giao cho các nhà hàng. Bán rau ở chợ nửa ngày, Ngọc phụ trách phần kế toán, ghi chép sổ sách. Kim lanh lợi nên được giao nhiệm vụ marketing, chịu trách nhiệm nội dung và hình thức quảng cáo. Hai anh chàng còn lại thì làm đúng ngành, nhưng ai cũng phải đi trồng rau, hái rau, vì phải tham gia vào quá trình sản xuất mới am hiểu và biết quý trọng sản phẩm làm ra, Duy nói như vậy. Thế nên Duy phân công luôn Thiên An hái rau, khách đến trang trại được ưu đãi như người của trang trại, “cùng làm, cùng ăn, nhưng không cùng ngủ”. Thiên An hái chưa quen tay, cọng dài cọng ngắn. Nhìn qua rổ của Kim, cô nàng đã hái gần đầy, đều từng cọng. Tay Kim nhanh như một cái máy. Kim chỉ Thiên An hái một cọng làm chuẩn rồi giữ cọng đó hái tiếp cọng khác. Rau đều lên trông thấy. Câu chuyện đi chợ bán rau của Thiên An, Kim, Ngọc vơi dần khi mà hai người đó đã bỏ cô khá xa, họ hái sang chiếc rổ thứ hai còn rổ của Thiên An mới lưng nửa rổ. Con Gỗ quen Thiên An, nó đi theo cô vẫy đuôi động viên, chắc nó muốn giúp cô mà đành chịu. Ngọc và Kim chuẩn bị cho buổi chợ và giao rau cho kịp chuyến xe buýt đầu tiên qua thị trấn. Thiên An cũng đi theo khi chỉ hái đầy đúng một rổ rau.

- Bán rau thôi đừng bán chị An nghe mấy đứa! Duy nói với theo lúc ba chị em đèo rau đi.

*

Quanh ruộng rau có rất nhiều cây dâu rừng, quả chín đỏ hồng mọng nước. Vị chua thanh nhẹ và ngọt dịu của quả dâu làm Thiên An thích thú, cô dành cả buổi trưa để đi loanh quanh mấy cây dâu rừng. Buổi chiều, khi mọi người xới đất chuẩn bị luống rau mới, Thiên An đi nhặt quả tầm bóp. Tầm bóp cũng mọc dại khắp nơi, trái chín như những cái lồng đèn bé xíu. Bóc lớp vỏ bọc ra là trái tròn như viên đạn, vị ngọt và nhiều hạt nhỏ li ti. Thiên An say sưa hái, cô quên rằng mọi người đã ăn quá nhiều mấy quả này nên không còn tha thiết khi thấy Thiên An mang vào cả rổ. Ăn đúng một bữa dâu rừng, tầm bóp như ao ước, Thiên An không dám hái nữa, để dành vài hôm về xuôi làm quà.

Duy nói sẽ đưa cô đi thăm thác Pa Sỹ nhưng đường đi băng rừng khá vất vả. Duy dặn cô mang nón, thoa thuốc như người lớn dặn dò đứa trẻ. Cả trang trại sẽ nghỉ làm một ngày đi cắm trại. Đêm đó, Kim và Ngọc ở lại trang trại để đi sớm vào sáng hôm sau. Bữa tiệc nhỏ rộn ràng quanh lò sưởi. Thiên An muốn nghe lý do vì sao mấy người trẻ kia lại theo Duy lên rừng.

- Lúc anh Nguyên chuẩn bị du học có tiến cử em với anh Duy, lúc đó em mới tốt nghiệp loay hoay xin việc ở thành phố, tìm hiểu về mục tiêu của anh Duy, em thấy máu háo hức nổi lên và rồi chị biết đấy, em ở đây hơn một năm, không muốn về lại thành phố.

- Làm sao gia đình lại cho em đi?

- Đâu có cho, em tự đi. Em lớn rồi, phải tự quyết định cuộc đời mình. Em học được nhiều điều hay lắm. Từ ngày lên đây, bỏ hẳn game, công việc gì cũng làm được. Về thăm nhà, mẹ em bất ngờ, thấy em tốt lên nên bà không bắt em về nữa.

Đó là chuyện của Tuấn, Thành cũng vậy, theo Tuấn lên đây vì tình cờ đọc được thông tin tuyển tình nguyện viên của Duy. Cậu lên thực tập hai tháng, về báo cáo luận văn xong, nhớ rừng nên trở lại.

- Thành có người yêu trên này dễ gì mà bỏ được chị ơi.

Kim nhanh miệng. Thành thích cô bạn gái làm ở khu du lịch, ngày đi thực tập cậu hay ra đó uống cà phê để dùng nhờ mạng. Nét đẹp thanh khiết như suối của người con gái dân tộc Mơ Nâm đã làm Thành ngẩn ngơ. Một tình yêu được vun đắp bằng lời hẹn với núi rừng.

- Mùa tam giác mạch nở tụi em làm đám cưới, chị An lúc ấy lên chơi với tụi em nha. Thành mời.

- Chị An có về xuôi đâu mà lên, anh Duy hè?

Vẫn là Kim, cô nàng nháy mắt với Duy.

- Đúng rồi, anh Duy bảo cất nhà xong ảnh đón chị lên ở mà. Ngọc góp chuyện. Ảnh trồng đám cẩm tú cầu ngoài cổng cho chị đó. Chiều nào xách nước đi tưới cũng nói chuyện cả buổi với mấy cái bông. Tụi em rình nghe hoài à.

- Ảnh đâu có nhắc ai ngoài chị, chị là người nữ đầu tiên ngủ ở đây đó, còn tình nguyện viên ảnh đưa ra thị trấn hết, không cho ở đây đâu. Tuấn bồi thêm.

Duy không nói gì, anh đưa tay gãi đầu, mặt căng thẳng. Duy kể về Thiên An thế nào giờ các cô các cậu ấy được dịp trêu anh. Mỗi người góp một câu làm anh ngượng ngùng.

- Chị đâu phải tình nguyện viên, chị là bạn anh Duy mà. Với lại tụi em hiểu sai ý ảnh, ảnh đón chị lên chơi thôi, anh Duy hen? Vậy còn Ngọc, sao em lại lên đây?

Thiên An cứu nguy cho Duy, anh à ừ không giải thích. Mọi người thôi chọc anh. Ngọc đương lúc thất nghiệp đi phượt với đám bạn, tình cờ ghé qua trang trại của Duy, biết Duy đang cần kế toán nên cô nàng xin nhận việc. Đơn giản như chính bản thân cô nàng, nhanh nhảu, nói là làm. Ngày trước cô đi làm xa nhà nên gia đình đã quen, xa thì ở đâu cũng vậy, hơn tất cả cô yêu công việc mình đang làm và yêu thiên nhiên ở đây. Kim học về truyền thông đa phương tiện, sắp trở thành em dâu của Duy, việc cô giúp đỡ Duy cũng không có gì làm lạ. Ở những con người đó có một điểm chung là yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ an lành và yêu Măng Đen bằng trái tim nồng nhiệt của tuổi trẻ. Có khi, mảnh đất này, ai gặp một lần rồi cũng sẽ yêu. Thiên An thật sự ngất ngây với cánh mai anh đào bên bờ hồ, ngôi nhà thờ uy nghiêm cổ kính, những buổi chiều tản bộ dưới rừng thông. Trong cuộc sống bận rộn, cô từng ước mơ lúc tuổi về già, có một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô, giữa cây cỏ tươi đẹp. Lòng cô thản nhiên vô chừng, như kiểu chạm vào được giấc mơ, lẽ nào cô đang xao động?

Thác Pa Sỹ đẹp như bức tranh, dòng nước trắng xóa thẳng từ trên cao đổ xuống giữa khu rừng nguyên sinh. Mọi thứ tốt đẹp trong cuộc đời này đều chẳng dễ dàng có được. Để ngắm được dòng thác, phải băng qua con suối nhỏ rồi con đường gai góc, ngoằn ngoèo, đất sình ẩm ướt. Trong khi các chàng trai tắm suối bắt cá, các cô gái dẫn Thiên An đi hái kiwi rừng. Mùa kiwi đã qua nên chỉ còn một ít quả. Chúng giống quả kiwi nhập nhưng nhỏ hơn, vị cũng ngon như thế. Ngay mùa, mọi người thường hái về làm mứt ăn dần. “Lên đây rồi cái gì cũng biết, không thì phí của giời lắm chị”, Kim bảo vậy khi Thiên An bày tỏ sự ngưỡng mộ với món mứt kiwi của Kim. Sau bữa ăn linh đình với gà nướng, nấm nướng, cá nướng và cơm lam, Thiên An mon men xuống gần thác ngâm chân, cô không biết bơi nên không dám lội nước. Vùng núi cao của Việt Nam luôn được thiên nhiên ưu đãi, không biết sẽ giữ được bao lâu nét hoang sơ thanh bình này khi cơn lốc du lịch hóa làm mất đi nét tự nhiên vốn có ở nhiều nơi. Duy ngồi cạnh cô, anh nói về dự định làm du lịch cộng đồng kết hợp nông nghiệp bền vững, giấc mơ của anh mỗi ngày một lớn hơn như sự trưởng thành của chính anh.

Đêm trước ngày Thiên An về xuôi, cả Tuấn và Thành đều vào thị trấn, nhà còn mỗi Duy và cô, à, thêm con Gỗ vẫn đang nằm gần lò sưởi. Con chó nhỏ mến Thiên An, có khi nó biết sắp chia tay cô nên dụi đầu vào chân cô lưu luyến. Duy đưa nhánh thông khô vào lò, lửa tỏa ra mùi hương dễ chịu. Ở miền Tây, quanh năm suốt tháng đâu có rét lạnh, về rồi chắc cô nhớ khoảnh khắc ngồi hơ tay bên lò sưởi, nhớ mùi trầm ấm của gỗ thông và màn sương giăng giăng phủ lên khắp nẻo.

- Xin lỗi em nha, đang mùa rau nên anh không đưa em đi nhiều nơi được.

- Em đi vậy là đủ lắm rồi, còn chỗ nào chưa đi thì để lần sau.

Duy hỏi cô lần sau là bao giờ, khi mà lần đón cô lên chơi này anh đã lần lựa thời cơ suốt hai năm, còn cô chẳng báo trước một tiếng, lên xe mới cho anh biết. Điều bất ngờ hay mang đến những cảm xúc đặc biệt. Hôm ngồi bên thác, Duy đã ngỏ lời với cô, lẽ ra từ hai năm trước, song do anh đột ngột rẽ hướng nên đành giữ lại trong lòng mình, anh sợ cô bất an, anh sợ nhỡ mình thất bại cô sẽ hoài phí thời gian chờ đợi. Anh không sợ điều gì cho mình, anh chỉ nghĩ cho cô. Hai năm, cô đã tiếp cho anh sức mạnh bằng lời động viên, khuyến khích. Ngôi nhà và đám cẩm tú cầu trên ngọn đồi xanh có lần anh đã nghe cô mơ ước, anh mang giấc mơ cô vào giấc mơ của mình. Sự xuất hiện của Thiên An ở trang trại làm cho trái tim Duy như được lấp đầy, nhìn cô và con Gỗ chơi ngoài sân, anh cảm thấy lâng lâng khó tả, anh muốn cùng cô vun đắp thêm ngày tháng như vậy, bởi anh tin bây giờ mình có thể mang cho cô hạnh phúc. Cô có đồng ý cho anh một chuyến về xuôi để mang cô trở lại?

- Mùa hoa tam giác mạch nở, đám cưới Thành, em sẽ mang theo câu trả lời cho anh, anh có chờ đến đó được không?

Thiên An liên tưởng đến vòng hoa tam giác mạch trên tóc cô dâu, một cái lễ đường đầy hoa tam giác mạch bên ngôi nhà gạch nâu đỏ ấm áp giữa mênh mông rau lủi xanh rờn. Giấc mơ đến sớm, một chuyến từ núi về đồng bằng và đồng bằng lên núi…

T.N

 

THUỲ NHƯ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 295 tháng 04/2019

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

8 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

14 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground