Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đêm thu trên rừng Trường Sơn


TRUYỆN NGẮN dự thi

 

 

C

hị Quỳnh ứa nước mắt, cổ họng nghẹn đắng, đôi mắt chị nhòe đi dưới ánh sáng lập lờ. Mưa vừa tạnh, ngoài lán bảng lảng một màu trắng đục như khói trong đêm sâu. Bốn bề tĩnh lặng. Máy bay địch không hoành hành như những đêm hôm trước, chị Quỳnh ngồi trong góc tối, bất giác đôi vai chị run lên, hai bàn tay chị áp vào chiếc bi đông màu ghi sẫm pha lẫn màu xám xịt ở những chỗ tróc sơn, móp méo. Trong lán yên ắng, rừng Trường Sơn thanh vắng, chị ngồi bó gối tai nghe rõ tiếng thở đều đặn của những đồng chí đang tranh thủ chợp mắt lấy sức. Ngoài bìa rừng, con cú đêm thắt thẻo kêu khiến chị Quỳnh buồn man mác, một chút chạnh lòng khi nghĩ về Yên Bái xa xôi.

Anh Sáu báo tin Tuệ vừa hy sinh ngoài ngầm Ta Lê1. Cái chết của Tuệ khiến chị bàng hoàng quá đỗi. Trong bóng tối, chị thấy ngực mình đau rã rời như vừa mất đi điều gì thiêng liêng lắm. Chị nhớ Tuệ, cô thanh niên xung phong dũng cảm có đôi mắt đen lóng lánh như trời đêm, mái tóc dài Tuệ yêu quý và chăm chút lúc nào tết thành hai bím buông thỏng hai bên vai. Lần cuối cùng chị gặp Tuệ là khi chị lái xe ngang qua ngầm Ta Lê, lúc đội nữ công nhân đang cặm cụi vá lại cung đường vừa bị máy bay địch ném đêm hôm trước. Chị dừng xe, qua khung cửa vỡ, chị gọi vống:

- Tuệ… Tuệ ơi, chị Quỳnh này, nhớ chứ?

Nghe chị gọi, Tuệ bỏ cái xẻng xuống đất, tay quệt mồ hôi rồi chạy đến, mừng rỡ:

- Chị Quỳnh đấy à? Em có quên đâu mà nhớ? Lúc sáng cái Cúc còn nhắc chị nữa đấy, bọn em cứ trông chị miết.

Chị đưa tay qua ô cửa vờ cốc lên trán Tuệ, nói trổng:

- Cô nói thiệt hay nói điêu đấy? Lái xe từ đêm qua đến giờ đói rã ruột, tuyến trên đường hỏng dữ quá!

Tuệ cười cười, hai chân Tuệ khép vào nhau cổ ngóng lên buồng xe để nhìn cho rõ:

- Bọn em sửa đường có ngơi tay đâu, đoạn này vừa sửa xong là đoạn khác lại hỏng.

- Thôi cố mà chung thủy với đường, biết đâu phải lòng anh chiến sĩ lái xe đẹp trai nào đấy để hòa bình bọn chị đi dự đám cưới nữa chứ.

Biết chị trêu hai má Tuệ đỏ ửng lên, mặt hơi cúi, hai chân víu vào nhau. Im lặng khoảnh khắc, Tuệ khe khẽ:

- Mà biết bao giờ mới hòa bình chị Quỳnh nhỉ?

- Sớm thôi - Bỗng dưng mắt chị thoáng buồn, Tuệ cũng buồn, gió Trường Sơn thổi mạnh vào trong buồng lái - Chết chửa, nói chuyện với cô khéo lại quá trưa, chị đi đây.

- Ơ chị đừng vội, đợi em tí - Tuệ vụt chạy về phía mỏm đá bên đường cúi lom khom tìm vật gì trong ba lô, vài giây sau Tuệ trở ra, cười tít - Khoai này, bọn em dỡ được trên rừng đấy, béo đáo để.

Đang đói bụng gặp khoai rừng, chị Quỳnh không chối từ. Chị đưa tay lấy mấy củ khoai được gói trong lá chuối khô rồi bẻ một miếng đưa lên miệng, mắt chị sáng rỡ. Chị từ giã Tuệ rồi nổ máy. Trước khi chiếc xe lao đi khỏi ngầm Ta Lê, chị Quỳnh vẫn còn nghe giọng Tuệ theo gió bạt vào trong buồng lái: “Bao giờ chị em mình lại gặp nhau?”. Chị chưa kịp trả lời Tuệ. Mà chính chị cũng không biết bao giờ gặp được nhau. Trong bom đạn chiến trường, hôm nay sống hôm nay nói cười, ngày mai không biết ra sao. Nghĩ đến đó, lòng chị se lại. Xe vượt khỏi đoạn đường đá vỡ lạo xạo dưới bánh, đến quãng đường bùn, lại một thử thách quen thuộc dàn ra trước mặt chị mỗi ngày, mỗi giờ, khi chị ngồi trong buồng lái mà phía sau là đạn dược, súng ống tiếp tế cho quân dân miền Nam chiến đấu.

Minh họa: TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

Đó là lần cuối cùng chị gặp Tuệ. Đêm định mệnh, máy bay Mỹ thả pháo, bắn khẩu pháo 20 mm xuống ngầm Ta Lê. Trận ấy khiến đội nữ công nhân bị thương quá nửa, Tuệ hy sinh.

- Quỳnh ạ, số cái Tuệ ngắn ngủi quá!

Giọng chị buồn buồn:

- Đâu ai đoán được số mệnh của mình bao giờ. Chính chúng mình cũng sống nay chết mai, rồi trong số chúng ta cũng sẽ có đồng chí đoản mệnh như đồng chí Tuệ…

Chị Quỳnh không nói nữa, nghẹn ngào, chị gọi Tuệ là “đồng chí” - người đồng chí anh dũng hy sinh khi tuổi xuân còn đang phập phồng như cánh hoa giữa núi rừng Trường Sơn bí hiểm. Đêm dần trôi, tiếng nhạc lạc bầy kêu táo tác. Chị rón rén mở nắp lọ múc muỗng đường cho vào trong bi đông nước ấm rồi thiu thiu ngủ cho đến khi chị nghe bên tai tiếng máy xe khìn khịt. Xe dừng hẳn bên gốc cây ven đường, một đồng chí lái xe bước xuống ngả mũ ra chào. Sương mai lửng lơ giăng mắc và mấy bông hoa rừng lấp ló trên dốc núi bên kia.

*

“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây... Trường Sơn Tây anh đi…”2

Chị Quỳnh thích nhất bài hát đó. Bài hát luôn theo chị trên những nẻo đường ra trận. Ngồi trong buồng lái, tay bẻ vô lăng, chiếc xe nhịp nhàng lên dốc rồi lại đổ dốc, rồi vượt con đường đá lổn nhổn, con đường bùn lầy… vậy mà tâm hồn chị lúc nào cũng phơi phới như mùa xuân, rực rỡ như đóa sim rừng chị trông thấy mỗi khi đất trời quang đãng. Chị vừa lái xe vừa hát. Ngày bình yên hay những hôm Mỹ khủng bố dữ dội bằng máy bay cường kích AC - 47, AC - 119, AC – 1303… chuyên dùng để tiêu diệt những chuyến xe từ miền Bắc vận chuyển đạn dược, lương thực, bộ đội viện trợ cho miền Nam thân yêu. Giọng hát của chị vẫn văng vẳng như gió hú giữa núi đồi. Cái sự nữ tính, dịu dàng đến ủy mị của cô gái phương Bắc đôi khi ngủ quên trong chị. Một mình lái xe vượt bao cây số đường Trường Sơn - “xương sống” của Tổ quốc, dưới mưa bom bão đạn, chị vẫn tươi cười, vẫn mạnh mẽ chống chọi với tất cả như những anh thanh niên lái xe khác. Rồi cũng có khi chị Quỳnh nữ tính, dịu dàng. Đó là khi núi rừng bình yên trong buổi sớm mai đầy nắng, chị đỗ xe lại dưới chân dốc mắt đăm đăm ngắm nhìn đôi bướm trắng rập rờn trên cỏ hoa, bản làng xa xa, bóng trăng ngà khuất đi nhường chỗ cho ánh mắt trời rọi qua kẽ lá, thứ ánh sáng ngũ sắc, đẹp lạ kì. Quãng này không có “tọa độ chết”, không có những khúc cua chữ A hay địa hình cheo leo như lúc chị cảm tưởng trái tim mình đang ngừng đập trong lồng ngực khi đi ngang qua đèo Phu La Nhích, Măng Vu, những cái dốc hiểm trở đang chực chờ chiếc xe vận tải lao thẳng xuống vực rồi nổ tung.

Chị quyết định đỗ chiếc Gát4 ở bìa rừng, cố lùi xe vào khuất trong bóng cây để tránh tầm nhìn của máy bay Mỹ. Chỗ này yên, không gian vắng vẻ như chưa hề có bom rơi đạn lạc. Song, đoạn đường không hề êm. Mà chị cũng ít khi đỗ xe trên đường êm vì thằng Mỹ luôn nhắm vào đường bằng phẳng mà dội bom, bắn phá, ngăn bước đường viện trợ của nhân dân miền Bắc. Chiều nắng đỏ. Cánh rừng Trường Sơn mùa thu dịu dàng như một người thiếu nữ nằm dọc theo chiều dài của đất nước mến thương. Chị đẩy cửa, phóng xuống khỏi buồng lái. Ở một mình trong rừng chị không sợ ma, không sợ địch truy lùng, chỉ sợ buồn bã, tẻ nhạt. Chị ngồi tựa lưng vào gốc cây cổ thụ, tay vân vê lọn tóc, mắt đau đáu ngóng về phía con đường chạy ngang qua đầu bảng xuống dốc tiếp nối hành trình xuôi về miền Nam. “Mùa thu đẹp quá!”, chị thốt lên. Không phải hình ảnh những đồi trọc không cây, những xóm mạc không đèn, những miền đất mênh mông đỏ hừng hực trong lửa cháy mà là cánh rừng bạt ngàn, màu xanh lóng lánh trong nắng chiều rực rỡ.

Trăng lên, cả núi rừng tắm mình trong sắc vàng óng ả. Ánh trăng thanh bình, ánh trăng yêu thương. Chị thường ngắm trăng, hoặc trăng tự soi mình vào buồng lái làm bạn với chị. Trăng đẹp như tuổi thanh xuân của chị, mà cũng thật xót xa. Chị tranh thủ rọi đèn kiểm tra lại động cơ của chiếc Gát vận tải. Chính chị cũng không nhớ nó đã bao lần ra Bắc, vào Nam, bao lần bị hỏng hóc do bom đạn của Mỹ, nhưng mỗi chuyến đi bao giờ cũng mang một ý nghĩa, triệu triệu con tim miền Bắc đang hướng về miền Nam máu lửa, miền Nam anh dũng kiên cường.

Một chiếc Gát đi ngược chiều với chị, ngang qua khúc cua hiểm trở, xe bóp còi inh ỏi. Tiếng còi xe vang lại thắt chặt lòng chị, chị đứng dậy, đợi. Chiếc Gát lao tới, đèn pha rọi thẳng vào chỗ chị đang đứng. Chị vẫy tay, chiếc xe dừng lại, đồng chí lái xe ló đầu ra khỏi cửa nhìn xuống, hỏi to:

- Đồng chí nào lái chiếc Gát này thế? Còn cô, cô đi nhờ xe hay vào hẳn trong Nam?

Lúc bấy giờ chị Quỳnh mới trông thấy rõ khuôn mặt đồng chí lái xe. Đó là một anh thanh niên điển trai, vẻ phong trần hiện ra trên sắc mặt, mái tóc hơi xoăn kiểu tự nhiên và hai đầu chân mày hơi chau. Chị cười to:

- Tôi lái xe chở vũ khí vào Nam đấy, đồng chí ạ! Tôi đi một mình chứ có ai nữa đâu?

Anh há hốc mồm, vẻ bất ngờ. Anh lắp bắp:

- Đồng chí… đồng chí nằm trong đội nữ lái xe Trường Sơn à?

- Vâng, anh có nghe ư? - Chị hỏi.

- Bọn tôi hay kể nhau nghe về câu chuyện của đội nữ lái xe đường Trường Sơn, nhưng đến giờ tôi mới gặp mặt, các đồng chí thật anh dũng…

Đồng chí lái xe tấp chiếc Gát vào một bên, bước xuống. Trăng rọi sáng chỗ họ đang đứng đối diện với nhau. Rừng đêm xào xạc, gió như trăm ngàn sợi tơ nhện trôi tuột trong không gian. Đêm mùa thu mát rượi và tĩnh vắng. Làng bản xa xa vọng lại tiếng chày đêm chậm rãi nhịp nhàng. Một dòng suối chảy róc rách qua những lèn đá núi hoang vu, làm thành bản nhạc núi rừng dịu dàng và say đắm lòng người.

Chị Quỳnh đưa tay gỡ chiếc mũ tai bèo ngược về phía sau, đôi mắt chị long lanh, đôi môi cong đầy mê hoặc như một nhánh lan rừng. Lái xe dọc tuyến đường Trường Sơn đã mấy năm, vẻ hoang dại của núi rừng dường như đã ngấm sâu vào khuôn trăng của chị.

Anh ngửa cổ trút phần nước còn lại trong bi đông vào, nước suối rừng ngọt ngào và thanh mát. Trông anh vẫn còn khan khát, chị với tay vào trong buồng lái lấy bi đông nước pha đường đưa cho anh, nhoẻn miệng cười. Anh không từ chối. Im lặng một lúc, anh ôn tồn hỏi:

- Em làm lái xe lâu chưa?

Anh chuyển sang gọi bằng “em”. Điều đó không làm chị bất ngờ.

- Ba mùa thu - Chị ngẩng mặt về phía anh, môi mím lại, mắt hơi nhướng lên long lanh dưới ánh sáng trăng rừng - Còn anh?

- Cũng khá lâu. Tôi thường chở hàng vào trong Nam, đường sá ở đây tôi thuộc nằm lòng.

- Làm lái xe tuyến này thì phải thuộc đường chứ? Bọn em cũng thế. Mỗi đồng chí rong ruổi trên nẻo đường khác nhau, hiếm lắm mới có dịp gặp nhau, mà cũng chẳng tề tựu đủ đâu anh ạ, nhớ nhau lắm.

Nói đến đó, chị hơi cúi mặt, mặt thoáng buồn. Anh hỏi tiếp, giọng trìu mến:

- Quê em ở đâu?

Mỗi lần ai đó nhắc đến quê hương là chị lại buồn, lại nhớ mảnh đất nghèo nàn mà đậm đà tình nghĩa. Chị đáp lí nhí:

- Em ở Yên Bái.

Quê chị ở Yên Bái, chị được sinh ra trong bản làng nhỏ giữa rừng núi phía Bắc hoang vu. Mười tám tuổi, chị gia nhập lực lượng thanh niên xung phong làm đường ở Yên Bái. Mỹ trở lại ném bom phá hoại miền Bắc, đơn vị của chị được điều động vào Quảng Bình làm đường, vá đường vận chuyển binh lực và lương thực vào miền Nam. Một đêm trăng sáng, thủ trưởng đơn vị báo tin chị cùng những cô gái khác đồng trang lứa được chọn thành lập trung đội nữ lái xe Trường Sơn. Chị khóc mếu máo:

- Thủ trưởng ơi, thủ trưởng… em không lái xe được đâu. Em yếu lắm, lại hay say xe. Em sợ lắm! Thủ trưởng cho em làm thông tin thôi!

Thủ trưởng cười vang, vỗ vai chị:

- Được… được cả thôi! Tôi thấy đồng chí nhanh nhẹn, tháo vát, đồng chí mà lái xe là hợp. Lái vài chuyến là quen.

Dạo ấy, chị có vóc dáng cao ráo nhất nhì trong đội công nhân làm đường. Đêm đầu tiên được chọn vào trung đội nữ lái xe, chị đâm lo. Chị chưa từng nghĩ mình sẽ cầm vô lăng điều khiển chiếc Gát dọc tuyến đường máu lửa. Chị không sợ chết, chỉ sợ mình không hoàn thành được nhiệm vụ giao phó, như vậy thì có lỗi lắm. Các đồng chí khác động viên chị, trong phút chốc chị nhận ra niềm tin mà mọi người dành cho chị nhiều quá đỗi. Chị bình lòng tập quen với buồng lái, với vô lăng, với những chuyến đi hiểm nguy kề cận. Thà Khống5, Ta Lê, đèo Phu La Nhích6… chị đều đi qua. Duy chỉ có sốt rét là chị chưa từng trải, có lẽ cơ địa của chị khá tốt, người lại khỏe không thua gì đàn ông thanh niên nên chị đủ sức chống chọi với cái lạnh giá, khắc nghiệt của núi rừng…

Anh thả mắt nhìn vào trong buồng lái, đột nhiên anh phì cười.

- Ơ cái anh này, cười gì thế?

- Ai đời lái xe đường Trường Sơn mà buồng lái cũng có hoa, đúng là con gái…

Biết anh trêu, chị đỏ mặt. Chùm hoa sim chị hái được trên đường đi, chị treo lủng lẳng trong buồng lái, để trước măt, ánh trăng rọi qua cửa làm rực lên sắc tím hoa sim. Đó là thói quen của chị, cũng chính là chút nữ tính trỗi dậy khi xẻ dọc Trường Sơn.

Đêm rừng sâu và yên. Chị Quỳnh và anh thanh niên lái xe đứng cạnh bên nhau dưới ánh trăng rừng. Một luồng cảm xúc chạy dọc từ gáy đến tận gót chân của anh và tuổi thanh xuân phập phồng trong khuôn ngực của chị. Họ chưa yêu và cũng chưa từng biết tình yêu là gì. Lứa tuổi thanh niên Việt Nam thuở chiến chinh là thế. Họ ngập ngừng e ấp, họ hòa tình yêu lứa đôi với tình yêu đất nước máu xương để rồi khi anh dũng ngã xuống vùi thây vào lòng đất mẹ, có những người môi chưa từng chạm môi, chỉ có hai bàn tay khẽ chạm nhau trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Qua ánh sáng mờ mờ, trông chị Quỳnh lộng lẫy như bông hoa rừng, nhẹ nhàng, thanh thoát…

Anh hỏi:

- Em lái xe vào Nam có đi ngang qua ngầm Ta Lê chứ?

- Vâng, các chị các em ở ngầm đấy sôi nổi, nhiệt huyết và yêu đời lắm. Lần nào em đi qua đấy họ cũng hát cho em nghe bài: “Gặp em trên cao lộng gió - Rừng Trường Sơn ào ào lá đổ…”7

Chị nói rồi hát nốt bài hát một thuở gắn liền với bộ đội Trường Sơn. Giọng chị Quỳnh trong trẻo, cao vút như tiếng suối giữa núi rừng…

- Đời bộ đội là vậy đó em ạ! Đánh Mỹ xong rồi lại yêu đời, ca hát vui vẻ. Tôi có người em gái cũng làm ở ngầm Ta Lê, lâu rồi tôi không gặp lại nó, mà nó cũng chẳng biên thư gì cho tôi. Con bé thật là…

- Bọn mình lo chuyện đất nước, chuyện đánh Mỹ mãi quên mất mình cũng có một gia đình, nhiều lúc nhớ lại… tủi không thể tả.

- Thế hệ chúng mình được cầm súng đánh giặc là niềm tự hào, em ạ! Hy sinh cũng cam…

Chị cười mỉm. Mùi hoa sim treo đầy trên buồng lái thoang thoảng đưa hương, quấn chặt lấy hai con người đang đứng cạnh bên nhau. Họ là đồng chí, đồng đội của nhau. Họ là những người anh em ruột thịt, sống anh dũng, nghĩa tình, chết can đảm, bình tâm… Họ, cũng như vô vàn những người trẻ khác trong cuộc chiến tranh một mất một còn, luôn cuồng nhiệt suốt một thời tuổi trẻ…

Đêm quá ngắn ngủi. Họ đứng chuyện trò bên nhau cho đến khi con gà rừng gáy vang, sương mù mờ đục phủ giăng trên tán lá cây rừng, bên kia đồi hừng hửng sáng. Đêm thu thanh tịnh. Đêm thu rạo rực và yên bình. Chưa bao giờ chị thấy mùa thu ngọt ngào đến thế. Gần sáng, họ bỗng nghe tiếng bom Mỹ dội phía xa xa. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm hoặc chiều chiều là máy bay Mỹ bay rợp trên bầu trời Trường Sơn, dội bom, đêm họ thả pháo sáng quyết chí tiêu diệt đoàn xe vận tải tiến vào miền Nam yêu thương, phá đường, làm tan nát dãy Trường Sơn máu thịt. Thế hệ trẻ làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn hào hùng không bao giờ lung lay ý chí, trái tim vẫn đỏ rực trong lồng ngực và bầu máu nóng vẫn sôi sục truyền thống yêu nước. Một cuộc đời thật đáng sống biết bao!

Đêm rừng quá ngắn ngủi để họ nồng cháy trong những cảm xúc lạ lẫm lần đầu tiên họ cảm nhận được trong cuộc đời. Nhưng nó đủ để họ nhớ về nhau như nhớ về những con người anh dũng và nghĩa tình trong những năm tháng thăng trầm mà rất đỗi vẻ vang của lịch sử.

Họ chia tay nhau. Rừng thu không nhuốm màu héo úa.

Họ lên xe. Hai chiếc Gát nổ máy, chị vẫy tay chào anh, anh cũng đưa tay ra khỏi cửa vẫy vẫy về phía chị.

- Tạm biệt!

- Sẽ gặp nhau sớm thôi! - Anh nói chắc chắn.

- Nhất định thế!

Hai chiếc xe nổ máy đi ngược chiều nhau. Xe chị đi dọc Trường Sơn vào miền Nam. Rừng rực lửa.

*

Đôi lần, hình ảnh người thanh niên lái xe đêm thu trên rừng Trường Sơn xuất hiện trong đầu chị, lơ lửng. Ngang qua rừng cũ bao giờ chị cũng dừng lại vài giây. Không biết để làm gì. Đợi chờ. Hy vọng. Chị luôn luôn hy vọng, khát khao. Và lý tưởng như ngọn đèn không bao giờ vụt tắt trong chị, dẫu gió giông.

Chị thường hỏi những anh thanh niên lái xe khác về anh. Chị không biết tên, chị cũng không nhìn rõ khuôn mặt của anh chỉ ấn tượng vài nét trên gương mặt người thanh niên điển trai ấy.

Mưa chập hai vừa dứt. Nước mưa trên lá rơi lỏm bỏm xuống vũng nước đọng lại trong rừng. Chợt nghĩ về sự hy sinh của Tuệ, chị tủi lòng bật khóc. Đã lâu rồi chị không khóc, từ cái lúc chị rưng rức năn nỉ thủ trưởng để được làm công tác thông tin thay vì lái xe. Kháng chiến đã tôi luyện chị trở thành một nữ lái xe dũng cảm xông pha chiến trường, tôi luyện tấm lòng sắt son và ý chí bền bỉ như sắt đá của chị.

Chị nghẹn ngào:

- Anh Sáu ơi, không biết chừng nào đến em, rồi đến anh, hoặc đồng chí nào đó trong đơn vị hy sinh. Không biết chừng nào… em… em… thương cái Tuệ quá!

- Thôi em, không sao đâu, chúng ta sẽ bình an về lại quê hương sau khi miền Nam giải phóng.

Chị ngã đầu vào vai anh. Đôi vai người đồng chí luôn là điểm tựa vững chãi cho chị mỗi lúc yếu lòng.

*

- Vào đây! Nhanh lên! Quý hóa quá chị Quỳnh ạ!

“Người đẹp ngầm Ta Lê” vừa kéo tay chị Quỳnh vào trong lán, vừa xuýt xoa. Từ khi Tuệ hy sinh, danh hiệu “người đẹp ngầm Ta Lê” thuộc về Thủy, người con gái xuân thì mang trên mình vẻ đẹp hoang dại của núi rừng, nồng nàn và ngất ngây như những bông hoa dại.

Chị chép miệng bảo:

- Nhớ cái Tuệ lắm, chị nằm mơ cứ thấy em nó đưa cho chị khi khoai luộc, khi ngô nướng nóng hổi, giật mình tỉnh dậy không thấy cái Tuệ, nước mắt chị cứ tuôn…

- Tội nghiệp anh cái Tuệ lắm chị ạ! - Thủy dịu giọng, mắt nhìn lãng đãng trên con đường dẫn vào trong lán - Cái Tuệ hy sinh được mấy tháng thì anh ấy có ghé ngầm thăm em, nghe tin em gái hy sinh, anh ấy khóc hết nước mắt. Trông thương đứt ruột!

- Cái Tuệ có anh nữa à? - Chỉ hỏi, khuôn mặt đầy bất ngờ.

- Vâng, anh của nhỏ cũng lái xe đường Trường Sơn đấy! Chị Quỳnh đến đúng lúc quá, anh nhỏ đang ở trong lán nói chuyện phiếm cùng các chị em kia kìa.

Tự dưng chân chị ríu lại, tim đập nhanh. Đó là cảm giác xảy đến với chị khi có một bất ngờ nào đó đang chờ đón. Mắt chị long lên. Thủy đi trước vạch lá, chị đi sau, theo con đường mòn. Lán nằm sâu trong rừng ào ào lá đổ. Nắng chiều bảng lảng lưng đồi.

Phía trước là lán. Từ đây chị có thể nghe được tiếng nói cười rộn rã của các chị em. Ở đây không ngớt tiếng cười. Sau mưa bom bão đạn họ lại lạc quan, trẻ trung và cũng đầy mơ mộng.

- Các chị, các em ơi, ra xem ai đến thăm bọn mình đây này! - Thủy gọi to.

- Trời ơi, chị Quỳnh… Ôi, chị Quỳnh đến thăm này các chị em ơi!

Những cô công nhân làm đường túa ra như ong vỡ tổ. Người nắm tay chị Quỳnh, người xuýt xoa vuốt mái tóc dài của chị, tấm tắc khen: “Chị Quỳnh đi lái xe mà vẫn đẹp ra phết! Tóc vẫn mượt, da vẫn mịn màng…”. Chị ngại đến đỏ mặt.

Khi mọi người đang quấn quít lấy chị thì bỗng dưng từ trong lán, một thanh niên cao ráo bước ra. Bóng dáng đó, khuôn mặt đó và nụ cười có phần bí hiểm đó khiến chị sững người. Anh cũng sững người. Bắt gặp thái độ kì lạ của chị và của người thanh niên lái xe, đám chị em không ồn ã nữa, họ dạt về một bên, trong cái thanh tịnh của lán chiều dường như chỉ còn có anh và chị đứng đối mặt với nhau, hai ánh mắt chạm nhau. Tim chị run khe khẽ. Mắt chị bỗng dưng nhòe đi.

Anh lắp bắp:

- Hóa ra, em… chính là Quỳnh đấy ư?

- Vâng, là em đấy. Còn anh… là anh của cái Tuệ… Trời ơi, trái đất này thật tròn…

Cảm giác ấm áp và dịu ngọt cái đêm đứng yên trong rừng thu năm cũ bỗng dưng trỗi dậy trong chị, khiến người chị run lên và gáy chị hơi điếng đi. Chị im lặng, anh nhìn vào đôi mắt trong ngần của chị, ở đó có điều gì lạ thường và nồng cháy lắm mà chỉ anh là người hiểu rõ cũng như chị hiểu rõ cái ngập ngừng trong sâu thẳm lòng anh.

Ngoài kia, con chim rừng bình thản gáy.

Hoàng hôn rơi trên núi đồi lộng gió, họ đưa nhau ra bờ suối. Con suối nhỏ chảy róc rách qua lèn đá, cuốn theo vô số những bông hoa xanh đỏ dập dờn. Chị kể anh nghe về cái lần cuối cùng chị gặp lại cái Tuệ, cả những lần đi qua khu rừng cũ chị nấn ná đợi anh, đợi tiếng còi xe chạy từ Nam ra Bắc hay từ Bắc tiến vào miền Nam thân yêu, nhưng không thấy, và chị đợi… Hương hoa rừng thoảng đưa. Anh trờ người hái bông hoa đưa cho chị, chị đón nhận, bất giác bàn tay anh khẽ chạm vào bàn tay của chị. Hai bàn tay cầm vô lăng xoay mãi đưa lương thực, vũ khí, bộ đội, và cả niềm yêu thương từ Bắc vào Nam bây giờ mềm mại và thon thả vô cùng.

… Đêm buông lơi nhẹ nhàng như cổ tích. Khoảnh khắc ấy khiến họ nhận ra sự bình yên và ngọt ngào giống như đêm thu năm nào.

 

H.K.D

 

_________________________

Chú thích:

1 Ngầm Ta Lê: Một địa danh trên đường Trường Sơn.

2 Lời bài hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ từ thơ của Phạm Tiến Duật.

3 Máy bay cường kích AC – 47, AC – 119, AC – 130: (hay còn gọi là máy bay tấn công mặt đất) là máy bay quân sự được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên mặt đất và thường được triển khai hoạt động như một phương tiện hỗ trợ từ trên không, và yểm trợ trong cự ly gần mặt đất trong lực lượng của mình.

4 Gát: tên một loại xe ô tô vận tải thường được sử dụng trong thời kì chống Mỹ.

5 Thà Khống: nơi vừa trắc trở về địa hình, vừa bị địch khủng bố ác liệt, có câu: “Ai qua Thà Khống đêm nay/ Hãy nhớ lấy ngày để mẹ cúng cơm”.

6 Đèo Phu La Nhích: nằm trên tuyến đường 20 Quyết Thắng thuộc địa phận tỉnh Khăm Muộn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ngọn đèo chênh vênh, bên vực sâu, bên vách núi dựng đứng.

7 Lời bài hát “Lá đỏ”, nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ từ thơ Nguyễn Đình Thi.

 

HOÀNG KHÁNH DUY
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground