Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ra đảo

TRUYỆN NGẮN dự thi

 

Ngư dân làng này “ăn sóng nói gió” cả đời quen rồi. Ăn thì bảo “tợp ba méng”, đe người nhiều chuyện thì bảo “đừng có ngá mồm”, không miếng xái gì thì bảo “có cục trấn” nói không biết nghe thì chửi “đồ troi tai”, to thì “to bệ sệ”, xấu thì “xấu như đui”, “đứng lồng ngồng”, “ngồi bị rị”,... Đến lớp trẻ hiện đại lại sáng tạo ra cách phá ngôn từ độc đáo hơn: Đẹp nức nở, xấu tưng bừng, vui tơi bời, buồn hớn hở, ... Được cái hay: Ra khơi vào lộng chài lưới nặng nề, ăn to nói lớn nhưng không như lớp trẻ nhiều nơi cứ mở mồm là “đ....mạ”.

Mấy năm về trước gái làng khá đông nhưng chỉ có Thơm con gái ông Thuấn là đẹp nhất. Trai làng chen vai thích cánh mơ tưởng ước ao. Thế nhưng rút cục Thơm lại lọt vào tay Thể mà lũ bạn vẫn gọi là Thể đù, con trai bà Đởm góa bụa nghèo nhất làng, thời cả nước còn khó khăn cả hai mẹ con quanh năm không có tấm áo lành mà mặc. Khi Thơm và Thể làm đám cưới, cả làng đến dự. Trai làng tưng hửng rồi quay ra kháo nhau: Trời đất, cái số thằng Thể đù hên, lù đù lù đù thế mà lấy được con vợ “đẹp nức nở”.

Thơm, tên cha mẹ đặt cho là Thởm. Đi học thầy giáo thấy xinh xắn, ngoan ngoãn nết na, lại học hành sáng dạ liền bỏ vứt dấu hỏi mà gọi là Thơm. Bố thấy ưng, nhưng mẹ không chịu cứ Thởm mà gọi.

Từ ngàn xưa, dân đi biển thường không may gặp sóng gió bất kỳ, đi một lần là đi biệt. Sống làm ăn mà cứ nơm nớp lo sợ thần biển nên sinh con ra bố mẹ phải tìm những cái tên xấu xí, hoặc khó kêu nhất mà đặt. Con gái thì những: Hĩm, Hưởm, Hến, Hàu; con trai thì Sêu, Kều, Vễu, Vẫu,..... Thể có 2 người bạn thường chơi với nhau, một người là Chu Tậc rất khó gọi, thầy giáo liền thay chữ â thành chữ a mà thành Chu Tạc. Thể chính tên là Thẻo, thầy cũng sửa Thẻo thành Thể. Còn Trần Quải thì thầy chịu, cứ phải Quải mà kêu. Đám trẻ này phần lớn chỉ học hết trung học cơ sở, bởi trường trung học ở xa vả lại nhà nghèo không có tiền trọ học. Chỉ có Chu Tạc leo lên được nửa chừng trung học rồi cũng bỏ ở nhà theo cha đi biển. Tạc là chàng trai láu lỉnh, thông minh. Mọi trò nghịch ngợm, chữ nghĩa bày biện đều từ Tạc mà ra. Tạc hay bông đùa, thích trêu chọc bạn bè nên bị kêu chệch Tạc thành Tặc. Trong đám có Trần Quải bị Tạc gọi là Trần Quái. Quải đánh đòn trả đũa: May cho mày không sinh vào nhà họ Cao. Nếu không thì khi kêu cả họ tên mày lên nghe như pháo nổ vui tai lắm. Cả lũ ngớ ra một lúc rồi ngầm hiểu ý phá lên cười đổ trời đổ đất.

Tạc chơi thân với Thể từ thuở nhỏ, trưởng thành mỗi người một nết, Tạc thì linh lợi vui vẻ, cởi mở. Thể lại chậm chạp, thầm lặng, cả ngày không tiếng nói, ai bảo gì cũng ừ, không bao giờ làm mất lòng ai. Giữa họ có chung một đức tính lao động rất chăm chỉ. Trai mới lớn mà đi biển rất rành nghề. Thuyền cá của họ bao giờ cũng đầy ắp. Chiều chiều thuyền về, các cô gái những Hỉm, những Hưởm lại chen nhau đổ xô tới giành giật nhau. Giành cá hay giành gì cũng chẳng ai biết nữa... Họ biết đâu trong đáy sâu xa hai chàng thanh niên vạm vỡ, chắc nịch như hai cây sồi ấy chẳng còn chỗ cho họ. Với Thơm, Tạc là ứng cử viên sáng giá số một. Thể như biết thân phận, yêu thầm, nhớ trộm mà cứ phải mỗi ngày mỗi kìm nén. Ngọn lửa lòng âm ỉ cứ như đang muốn phát bùng lên.

Còn Thơm, Thơm đang hướng về đâu đây? Con gái nhà lành, cô hướng về cha mẹ. Bà Thuấn là một người mẹ tuyệt vời, niềm tin vững chắc nhất của cô. Một hôm tự nhiên bà nói như hỏi Thơm, sao cái lũ bạn cứ gọi thằng Thể con bà Đởm là Thể Đù hẹ? Rồi bà độc thoại cho con nghe: Thấy người ta mẹ quá con côi, nghèo cực hơn mình thì nhạo báng. Nghèo mà hiếu thảo, biết thờ cha kính mẹ, biết phận nghèo để lo làm ăn... Nghèo mà sạch sẽ, không chơi bời phá phách, nghèo thì “áo rách khéo vá hơn lành vụng may” giàu có mà ăn mặc hớ hênh vấn quanh mình nhung lụa, những thứ áo không ra áo, mấn không ra mấn... Ối dào !... Còn ông Thuấn thì bảo thằng Thể mà đù đấy, thử bán cài đù nó mà ăn.

Ông Thuấn và bố Thể cùng tuổi, cùng nhập ngũ một lần. Năm đó biên giới phía Bắc Tổ quốc có giặc. Bố Thể là con một, gia đình liệt sỹ. Nhưng ông đã trốn mẹ. Vào mặt trận Tây Nam bố Thể bị thương, trở ra chuyển ngành công tác nông trường được chục năm thì ốm nặng qua đời khi Thể mới lên ba. Ông Thuấn vẫn tại ngũ cho đến tuổi ra quân, lấy vợ muộn và chỉ sinh được một mình Thơm. Hồi không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, ông nội Thơm và ông nội Thể là hai dân quân lái thuyền chi viện đảo Cồn Cỏ. Một lần thuyền ông nội Thể rời bến đi chưa được nửa đường thì gặp tàu giặc. Súng trường, súng máy chọi nhau với đại pháo tàu địch. Chừng 30 phút thì thuyền vỡ, dân quân lăn xuống biển chìm dần. Thuyền ông nội Thơm đi sau tiếp ứng, cầm cự được chừng 15 phút cũng chòng chành rồi lật úp. Dân quân người chìm, người bơi tan tác. Sau một đêm, ông nội Thơm bơi được vào bờ thì kiệt sức. Còn nội của Thể cùng một số dân quân ở lại mãi với biển mặc hai mẹ con kêu gào thảm thiết vẫn không về. Bố Thể lúc bấy giờ mới lên 9. Ông Thuấn và bố Thể cắp nhau theo K.8 ra Bắc. Họ được học hành nuôi dưỡng mãi đến năm 1972 Quảng Trị giải phóng mới quay về.

Nghĩa tình với gia đình bà Đởm như thế, nên ông bà Thuấn biết con gái mình đang chàng ràng giữa ngã ba đường đã cố tìm cách thuyết phục để con đồng thuận chọn Thể làm chồng, chẳng đoái hoài nỗi niềm sâu kín của con gái. Bởi, nếu tình yêu cân đo đong đếm được thì cái đòn cân một bên Chu Tạc, một bên Thể của Thơm mấy cũng cứ thấy nghiêng về phía Chu Tạc.

Thơm đi lấy chồng khiến Chu Tạc buồn lòng vô hạn. Không thể oán trách Thơm bởi Tạc biết Thơm yêu mình; cũng không hờn giận Thể, bởi Thể là bạn thân, sống thật thà xưa nay. Thể không bao giờ tỏ ý tranh giành gì với mình. Thế nhưng Chu Tạc cũng không biết bám víu vào đâu để tự an ủi, tự nguôi lòng mình. Tâm thế ỉu xìu rõ rệt, Chu Tạc buông thả rời rạc từng bước đi. Lũ bạn nghêu ngao trêu chọc ý muốn kích hoạt trở lại tinh thần một anh chàng sống lạc quan nhất trong đám: “Ôi ta buồn ta đi lang thang làm quái chi...!” Nhưng lại càng làm trái tim Chu Tạc trở nên héo sầu hơn.

Rồi, một bữa Chu Tạc rủ thêm Trần Quải, Vễu, Vẩu làm mặt “vui tơi bời” đến mừng chơi với Thơm Thể. Chờ lúc sơ hở nhất, Chu Tạc trao được cho Thơm mảnh giấy. Bạn bè ra về, Thơm lẩy bẩy mở giấy ra đọc “Thơm ơi, tôi là kẻ bất hạnh. Thơm và Thể là người hạnh phúc. Cố mà giữ lấy hạnh phúc cho trọn vẹn đứng để về sau không tránh được bạn bè cười nhạo nghe em. Tạm biệt”. Và mấy hôm sau Thơm nghe Thể bảo Chu Tạc ra Hà Nội nhờ chị gái xoay cho đi lao động xuất khẩu Hàn Quốc.

Thể và Thơm cưới nhau được một năm thì sinh con trai đầu lòng. Chưa được hai năm sau anh chị lại cho lọt tiếp cu cậu thứ hai đặt tên cu lớn, cu bé. Khổ thân ông bà Thuấn phải chăm bẵm cháu ngoại.

Bà Đởm mẹ Thể là người phụ nữ suốt đời lam lũ, về già bà rất yếu ốm. Bà đang đổ bệnh. Vợ bận con thơ, mẹ lâm trọng bệnh, một mình Thể vừa lo chạy thuốc cho mẹ hết viện này sang viện khác, vừa lo đi biển đỡ đần giúp vợ nuôi con. Họa vô đơn chí: Nghề biển ai nấy đang kêu trời, tự nhiên một dãy dài từ  Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị cá chết hàng loạt. Nghe đâu có một nhà máy ở Hà Tĩnh đã xả nước thải độc ra biển, biển không còn cái để đánh bắt, thuyền nằm buồn kê mõm trên bãi cát dài. Gia đình Thể lâm vào túng quẫn.

Cho đến một ngày dù đã vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi giữa mùa đông rét mướt mẹ Thể đã ra đi. Còn nỗi cám cảnh thê lương nào hơn bước trần ai mà vợ chồng Thể đang gặp phải. May thay, vẫn còn một nơi khả dĩ để bấu víu: bố mẹ vợ.

Trong làng lớp trẻ đang độ làm ăn sung sức như Thể hè nhau xoay xở đi xuất khẩu lao động. Trần Quải cũng đã vợ con, cũng đang lâm cảnh nghèo túng nói với Thể: đi thôi mày. Cứ như ri cực vợ con tội lắm. Thể đã suy tính, tỉ tê thuyết phục vợ ba đêm liền. Thơm vẫn không nghe. Thể ngồi buồn. Thấy tội, thương chồng, Thơm làm vui an ủi: Bố cu lớn cũng biết “buồn hớn hở” à? Thôi, thì cứ thử sang nói ông bà ngoại. Thuận được hẵng hay. Thể tốc ngay qua nhà bố mẹ vợ. Ông bà Thuấn ngồi nghe con rể kể lể trình bày chỉ im lặng. Thấy hai ông bà ra chiều do dự Thể đem những thông tin lượm lặt được tô vẽ thêm: Bố mẹ à miễn có tiền đem nộp là đi học tiếng rồi lên máy bay thôi. Lao động ở nước ngoài lương cao lắm, năm sáu chục triệu một tháng chứ không vài ba triệu như bên mình. Ông Thuấn chừng nghe không lọt tai, bật lên: “Có cục trấn”. Chỉ đồn thổi cho to lên. Dễ hốt của họ lắm đấy. Ngừng một lát ông tiếp, đi xuất khẩu lao động cũng là một cách. Tốt thôi. Nhưng bố nghĩ nhiều rủi ro lắm con rể à. Ở nhà cha con đi biển mà làm ăn với nhau. Biển đang gặp sự cố nhưng rồi biển sẽ yên. Nhà nước mình không bao giờ để mặc cho ai muốn phá biển răng cũng được. Chợt nhớ ra điều gì ông hăm hở nói với con rể: À này, anh có nghe người ta kháo nhau Cồn Cỏ đang có chủ trương mở mang cho dân đất liền ra đảo ở không? Nghe bảo họ đã xây dựng xong một số căn hộ rất đẹp để lập làng mới. Ra đó bước đầu được chu cấp đầy đủ mọi thứ, sau 18 tháng mới phải tự lập lấy. Lai lịch phải tử tế, hộ nghèo, phải là dân đi biển... tôi thấy anh chị có đủ điều kiện đấy. Thử tìm hiểu kỹ coi. Thể vâng dạ rồi lui cui ra về.

Thơm như đã dự đoán kết quả câu chuyện giữa Thể và bố mẹ. Thấy chồng mang bộ mặt đưa đám bước vào nhà cô tìm cách an ủi: Thôi bố cu lớn đừng buồn; đợi cu bé lớn thêm vài tháng tôi sẽ chợ búa kiếm đồng ra đồng vào. Không chết đói đâu mà sợ. Ông trưởng thôn mới ở đây về đấy. Thể quay ngoắt lại nhìn vợ. Thơm đưa câu chuyện ông trưởng thôn nói với chị mách lại với chồng, nội dung gần giống ông Thuấn đã cho anh biết. Thể hỏi vợ: Vậy mẹ cu lớn nói sao rồi? Tôi chẳng nói sao, chờ bố cu lớn về coi đã. Thể ngồi tần ngần một lúc rồi nói: Tôi cũng đã nghe bố nói chuyện này. Nhưng thấy không dễ đâu mẹ cu lớn ạ. Đã ra đó là ở luôn. Bỏ quê bỏ quán mà đi à, ra đảo lạ nước lạ cái, hết thời gian được chu cấp có làm ăn nên nổi gì không, vả lại ở đảo còn khó khăn lắm. Mấy lần tấp thuyền vào đảo tôi thấy đảo đang xây dựng bề thế đấy nhưng sinh hoạt vẫn rất thiếu thốn. Thiếu nhất là nước ngọt, đất đảo không đào được giếng, không có nguồn. Nghe chồng nói thế nhưng Thơm thì đang nghĩ theo chiều ngược lại. Trên đã chủ trương gì thì đều có suy tính cả rồi. Khó cũng chỉ khó trước mắt, ở đâu thì cũng lo làm ăn. “Còn da thì lông mọc”, người ta đã tạo cơ sở cho mà làm ăn cứ loanh quanh như gà mắc tóc thế này bao giờ mới ngóc đầu lên được ! Bạn bè cùng lứa cùng tác kẻ đông người tây... Hỉm, Hưởm, Hến, Hàu đứa nào cũng giàu có, con cái đề huề. Sêu, Kều, Vễu, Vẫu sang Nhật sang Hàn đã bắt đầu gửi được tiền về cho vợ con. Và Chu Tạc, nào ai biết trong tận đáy sâu ra cõi lòng vắng lặng của Thơm thỉnh thoảng lại vẳng lên câu nói trong mảnh giấy vừa như chân thật, vừa như cay đắng mỉa mai của Chu Tặc trước lúc phẫn chí ra đi: “Thơm ơi, tôi là kẻ bất hạnh. Thơm và Thể là người hạnh phúc cố mà giữ lấy...”. Nếu không tìm mọi cách bứt ra cho thoát cuộc sống luẩn quẩn hiện nay thì có phải đã đến lúc mình để cho bạn bè cười nhạo như Chu Tạc đã từng nói. Thơm biết hẳn Thể cũng ý thức được nỗi niềm mình đang lo nghĩ, cũng đang quyết tìm con đường thoát để giữ lấy hạnh phúc gia đình. Và con đường ấy trong hoàn cảnh hiện nay theo anh chỉ là đi xuất khẩu lao động. Theo Thơm đó là một con đường mau làm cho người ta no đủ, nhưng cũng đầy tai họa rủi ro như bố đã từng nói, con đường mà Thơm mường tượng rất chông chênh giữa cái may với cái rủi, giữa cái thuận với cái nghịch, giữa cái được với cái mất. Nếu xoay được mà xuất khẩu trót lọt làm có ăn thì cũng cải thiện đi lên được cho đời sống vợ con. Nếu đen đủi gặp phải cảnh tiền mất tật mang thì vô tình dìm vợ con lún sâu thêm vào nơi khốn khổ. Không, Thơm nhất quyết không ủng hộ chồng cố chạy chọt để đi xuất khẩu lao động. Nhưng để bàn với chồng viết đơn xin ra đảo thì sao đây? Thể nói cũng có cái phải. Đi ra đảo thì lấy đảo làm quê hương. Còn mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn của mình ? ông bà, cha mẹ bên chồng đã đành chỉ còn là nấm mồ để hương khói, nhưng ông bà ngoại cu lớn tuổi tác ngày càng cao lấy ai hôm sớm chăm lo. Lại nữa tiêu chuẩn được cấp cho trong thời gian ngắn có kịp để tạo ra công việc mới thu nhập đủ sinh sống không? Thể thì đã quen sóng nước, nhưng ba mẹ con thì sao, khi hơi gió trở trời thig thế nào?...

Rồi cái vụ nước thải độc làm cá chết trên biển bị khui ra. Chủ nhà máy phải xuất tiền đền. Gia đình Thể cũng được một khoản kha khá. Nghe theo Trần Quải, Thể nẩy ý định dùng tiền ấy làm chi phí đi xuất khẩu lao động. Thơm biết được ý đồ chồng quyết liệt ngăn lại: Ai xúi bố cu lớn làm thế, bỏ ý định đó đi ngay. Thể chống chế: Tôi là thằng Thể đù như chúng nó vẫn trêu chọc ấy à? Tôi không đủ đầu óc để tính toán làm cho mẹ con được no ấm à? Thơm phản kích: Ba mẹ con này không mong được no ấm theo kiểu “thả mồi bắt bóng” ấy. “Thả mồi bắt bóng” ồ, hóa ra vợ cho mình là kẻ phất phơ, khờ dại. Thể tức đầy ruột nhưng vẫn cố nén dùng giọng thuyết phục: Tôi sẽ đi xuất khẩu lao động. Vài tháng sau tôi gửi đủ số tiền mấy chục triệu về trả lại cho ba mẹ con. Thơm mỉa mai rồi đanh lên như thép: Sau đó dành lại tiền về nước làm ông đại gia chứ gì. Tôi bảo cho bố cu lớn liệu chừng, bố cu lớn cứ đi Hàn, đi Nhật. Ba mẹ con tôi viết đơn xin đăng ký di dân ra đảo.

Ông Thuấn hay tin vợ chồng Thể có cuộc đôi co căng thẳng liền qua nhà bảo các con ngồi trình bày cho ông nghe. Nghe xong ông nói với con gái: Bố đã dò hỏi biết được nếu các con có nguyện vọng ra ở đảo thì cầm chắc nằm trong diện sẽ được xét duyệt. Bố hỏi con: Một cách thực lòng con nói cho chắc chắn có ưng thuận ra đảo ở làm ăn thật không. Bố mẹ già rồi nhưng chưa yếu. Con khỏi phải ngần ngại khoản này. Rồi ông quay sang bảo Thể: Còn anh bố biết anh là người hiếu thảo. Anh rất thương vợ con. Anh muốn đi xuất khẩu lao động cũng là để cho vợ con no đủ, nhưng vợ anh lại không muốn anh phải lăn lộn ăn nhờ ở đậu làm thuê cho người ta. Di dân ra đảo là mình ở nhà mình, mình làm việc mình. Trời đất đó, biển đảo đó là của mình. Mình là ông chủ. Thuận vợ thuận chồng biết cách làm ăn giỏi cũng thừa no đủ. Anh nghĩ kỹ lại mà coi. Thể cúi đầu ra ý chăm chú lắng nghe. Ngừng giây lát rồi thấp giọng xuống, một cách trọng đại như thổ lộ tâm tình, ông Thuấn nói tiếp: Con rể, bố lại nghĩ: Cồn Cỏ đâu chỉ thuần túy là hòn đảo tự nhiên trời đất tạo nên ! Trong đất đá, cát sỏi của Cồn Cỏ trộn lẫn máu xương cha ông mình đấy con ạ. Rồi như nén cơn xúc động, một lúc sau ông mới nói tiếp. Bố nhắc thêm với anh, ông cố nội hai thằng cháu của bố cùng một số chiến sỹ dân quân khác đang nằm dưới đáy biển sâu của đảo Cồn Cỏ đấy. Lại im lặng một lát. Nhưng giọng ông Thuấn rắn chắc hơn: Thôi. Vợ chồng bàn bạc lại với nhau. “Thuận vợ thuận chồng bể đông tát cạn” con ạ. Rứa nghe... Rồi ông đi bế cu lớn, cu bé vuốt ve hôn hít hai thằng cháu một lát và ra về.

Thơm cầm một tờ giấy trắng trải ra trước mặt Thể nói: Đấy, bố bảo thế rồi đấy. Bố cu lớn viết đơn đi. Thể hấp háy đôi mắt rồi ra điều “ấm ớ hội tề” hỏi lại: Đơn ly dị à? Hiếng ánh mắt dịu hiền sang chồng, Thơm nói: Tùy!Bụng muốn sao cứ viết vậy…

N.T.H

 

 

NGUYỄN TRUNG HỮU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 297 tháng 06/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

13 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

14 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground