Truyện ngắn Thơ Bút ký
Tìm kiếm nâng cao Hình ảnh hoạt động Xem tất cả Tạp chí
Những tâm hồn bên kia
17/7/2019
• 
Long lanh sương mai
× Long lanh sương mai
3/12/2019
• Nguyễn Thu Hằng

 

Đêm qua trời tuôn một trận mưa bất ngờ sau những ngày oi dai dẳng nên sớm nay phóng xe đạp qua chỗ cống Am, gã đã thấy một sự khác lạ. Vệ đường trước kia chỉ lúp xúp cây giậu, cỏ dại bỗng lấm chấm nở những bông hoa xanh biếc nhỏ như cúc áo, trông cứ mướt cả mắt.

Hoa xanh long lanh sương mai, trời cao mênh mang mây trắng, vài cánh bướm vàng bướm nâu chấp chới, khiến tâm trạng gã cứ lâng lâng. Gã chợt thấy việc hè này gã từ chối mấy ông bạn rủ vào phòng gym, hay ra sân vận động đánh bóng quả thật hợp lý. Gã chọn đạp xe mỗi sáng trên con đường nhựa mới rải chạy giữa những cánh đồng đang mùa đổ nước, hai hàng phi lao cao vút bên đường gió đàn lồng lộng, vệ cỏ rối xanh, dưới kênh, mương hoa sen đua chen với lau súng. Vừa đi vừa về gần hai chục cây số, đủ sảng khoái cho tinh thần và khởi động cơ bắp toát mồ hôi tạo năng lượng cho một ngày làm việc mới. Miên man mắt ngắm đầu nghĩ nên gã không nhìn thấy viên gạch phồng nằm chình ình trên đường, khực, bánh xoáy, xe khật lại, gã vội bóp phanh, chống chân, vẫn không kịp, ghi đông rời tay, xe đổ quay ra đường. Có tiếng cười khinh khích bị kìm nén vang lên phía sau lưng gã. Gã quay lại, nụ cười lạ dè chừng đi chút nữa, mắt lá răm, đuôi mắt vài nếp nhăn vân vi, mặt tròn, răng khểnh, tóc cột cao, đôi chân dài chống thẳng xuống đất, con xe cũng Favorit nhưng sơn xanh, lại còn lắp giỏ, trông tươi mới như chủ nhân của nó. Gã cười đáp lại làm quen, bình thản nhấc xe lên hay đang cố tình bình thản, gã không rõ. Qua lại con đường này một tháng nay, đã thi thoảng nhập guồng với hai nhóm khác nhau, đa số chơi xe thể thao, có hai ông lão đi xe cổ như gã, nhưng cô Favorit chân dài này gã chưa gặp, nên chuyện làm ngã xe trước người lạ cũng chẳng khác gì việc say rượu trước lũ bạn thân.

- Vừa nãy có con tải ngược đường chở đầy gạch chắc làm rơi đấy ạ. Anh xem xe có sao không?

Gã cười, kiểm tra con Favorit. Đây là con xe gã mới săn được từ hồi đầu năm, nửa tháng lương còi viên chức của gã chứ chẳng ít, cậu em họ dắt mối. Gạ mãi, ông lão vá xe ở gốc đa đầu làng An mới để cho, tất cả đều lành tuýp, cổ xịn xò.

- Chỉ trượt bánh thôi em.

- May rồi, có sao thì kiếm đồ thay thế cũng nhọc.

Răng khểnh lại lộ ra, đến duyên, câu trả lời vẻ sành xe cổ.

- Nay em mới đi à?

- Chỉ là nay em mới biết con đường này rất hợp với đạp xe buổi sáng thôi.

Favorit chân dài cầm viên gạch phồng ném vào vệ đường, viên gạch lăn bịch vào rìa vạt hoa xanh.

- A, hoa thanh tú ai trồng đẹp thế anh nhỉ?

Gã gật đầu, thế là đã biết tên loài hoa này. Favorit chân dài vẻ như cũng thư thái từ con mắt đến tâm hồn khi bắt gặp sắc hoa xanh. Họ lên xe, sóng đôi đạp tiếp, vẫn vèo vèo nhưng đủ để cuộc trò chuyện mở rộng biên độ.

- Sao em không rủ ai đi cùng cho vui?

- Biết ai thích đâu mà rủ hả anh.

- Giống anh. Qua có cậu em đi cùng, nay mưa mát, chắc còn ngủ.

Gã định tếu táo sâu chút nữa cái chuyện mát giời dậy muộn nhưng chợt nhớ ra là nhân vật mới quen, không nên suồng sã.

- Xe cũng chất đấy nhỉ?

- Chủ cũ sơn đấy. Nhà em lắp giỏ cho tiện đi chợ đựng đồ.

Cùng sở thích nên người ta dễ nhích gần nhau hơn, câu chuyện râm ran dọc đường đi dần khiến hai người như thân quen từ bao giờ. Qua rặng phi lao thì gã biết thêm về Favorit chân dài. Hoa, tên nàng, dân văn phòng, đã có hai con, thích hoa và xe đạp cổ, chồng theo tàu đi tháng về một đôi lần. Gã nghe thấy tim mình phập phồng, máu đẩy nhanh lên não, gã mạnh dạn:

- Giống anh, anh cũng thích hoa và xe đạp.

Hoa bảo:

- Đàn ông mà cũng thích hoa cơ ạ, em hiếm thấy.

- Hoa đẹp, ai chẳng thích.

Tiếng Hoa cười khúc khích, má ửng hồng cánh sen.

…Gió thổi mát rượi, hơi nước bay lên phảng phất mùi sen. Bên trái là con sông nhỏ sen mọc đầy, nụ hoa chúm chím, bên phải là cánh đồng mùa đổ nước dập dềnh trắng, một đầm sen ngay bên đường, sen đang trỗi lên ngần ngật, khoảng đất trống, chiếc xe ô-tô cũ đậu ngay mép đầm, cửa mở thông thống.

- Đầm sen mà để cái xe kia thì sao hợp.

- Chắc họ chỉ để ra thư giãn câu cá.

- Lãng phí, nếu dựng mái lều rạ, làm cây cầu tre, ối người muốn ra đây chụp ảnh.

- Ừ, thế thì đẹp nhỉ.

Nói đến đấy, gã tơ tưởng tới cảnh Hoa mặc áo yếm, váy đụp ôm sen ngồi trên cầu tre như mấy cô nàng khoe ảnh trên mạng. Mắt Hoa lại đánh sang bên trái, con sông nhỏ chạy dọc đường đi lác đác sen nở.

- Ôi! Bông sen trắng sát bờ đẹp quá anh kìa, giá mà hái được nó anh nhỉ?

Mắt Hoa long lanh, tay Hoa chỉ cho gã, vô tình mấy búp măng chạm vào tay gã, mắt Hoa chạm sâu vào mắt gã, sâu thăm thẳm khiến gã chợt thấy lòng mình râm ran lây lan khó tả. Hóa ra cái cảm giác rung động này vẫn còn trong gã, gã cứ tưởng nó đã bị hủy diệt từ lâu. Vợ thì quen cũ mất hết cảm giác, còn luôn cấm cảu mỗi khi không thích, con thì quấy khóc, rồi lo toan cơm áo gạo tiền, chẳng bao giờ vợ còn nhìn gã âu yếm, sâu thẳm như cái nhìn bất chợt của Hoa lúc nãy, chẳng bao giờ vợ còn nhớ mà nói với gã một câu làm nũng kiểu như Hoa lúc nãy. Sinh nhật vợ, gã cắn răng mua một bó hồng nhung hớn hở ôm về, chưa kịp nói tặng thì vợ đã mặt nặng mày nhẹ bảo gã lãng phí khi bỏ đống tiền đi mua một bó hoa to đùng thế kia, lần sau chỉ cần mua một bông và chuyển thành “hoa đồng tiền” cho vợ đi chợ. Hôm sau, hai đứa con trêu chọc đuổi nhau, quờ vào lọ hoa, choang, nát cả hoa lẫn lọ, vợ thõng một câu, thế là mất toi mấy trăm bạc.

Dưới sông, bông sen trắng muốt chợt rung rinh.

- Để anh xuống hái cho em nhé!

Gã nói êm như ru. Tiếng phanh xe kít lại, tay gã cầm sang ghi đông xe Hoa, mắt gã nhìn vào mắt Hoa, cười. Răng khểnh lại khoe ra, Hoa nhìn xuống sông.

- Anh hái được không, nước sâu lắm đấy!

- Em muốn anh sẽ hái cả bó cho em cũng được. Ngày xưa, anh còn bơi cả ra con sông Cái hái sen cơ.

- Ui, chắc hái cho cô thôn nữ xinh đẹp là người yêu chứ gì?

Cô thôn nữ thích hoa ấy đúng là người yêu của gã, nhưng từ khi về làm vợ gã thì đã bị tê liệt đi cảm giác thích hoa. Tự dưng gã lại thấy bóng dáng cô thôn nữ ấy đang hiện hữu trước mặt mình, tự dưng tay gã chạm lên tay Hoa, bàn tay mềm, mát như nước sông buổi sáng mùa hè.

- Em đứng trông xe, anh xuống hái.

- Nhỡ có ai trông thấy thì chết.

- Chả sợ, hoa bên sông này tự nhiên.

Đó là câu gã trấn an tinh thần cho Hoa và cũng để trấn an tinh thần của gã. Gã men theo vệ cỏ, vòng qua lùm hoa bìm bìm, qua gốc cây si, tìm chỗ thoai thoải, gã với hái bông hoa sen trắng muốt, lại dấn bước, bông sen hồng, có một nụ hơi xa, gã bỏ giày lội xuống, bông nào bông ấy cuống dài, tươi hơn hớn, thơm nhuần nhị. Gã chạm nhẹ môi mình lên cánh sen trắng, mơ màng đến lúc nào đó được đặt môi mình lên má người gã sắp tặng hoa và được cắn lên nụ cười răng khểnh kia, dịu dàng và nôn nao…

…Hoa đang nghe điện thoại, gã cố ý đi chậm đợi lúc Hoa tắt máy thì bước tới trước cô.

- Sen của em đây.

- Đẹp quá đi, em cảm ơn anh nhá!

Gã tưởng cách thức nhận hoa sẽ gần gũi ấm áp hơn nhưng tay chưa kịp chạm tay, mắt chẳng thèm nhìn mắt, Hoa đã vội vã đặt bó sen vào lồng xe.

- Nhà em vừa gọi điện bảo đang trên đường về, em phải rẽ vào chợ Giang mua đồ ăn đây.

Chưa dứt câu, Hoa đã lên xe đạp ngoặt ngay vào con đường gạch nghiêng lồi lõm, chợ Giang lúp xúp dưới mấy tán bàng đằng ấy, gã hẫng như xe lao vào ổ gà.

…Quay đầu xe, gã uể oải đạp về. Tới cửa nhà, gã rứt phanh áo ra, ngồi phịch xuống bậc thềm, chân tay bưỡi bã. Lơ đãng nhìn con Favorit, gã bỗng trợn mắt, không thấy cái bơm và biển số xe đâu, mồ hôi toát ra hai bên thái dương. Mất lúc nào? Chiều tối qua hắn lau chùi vẫn còn nguyên. Chẳng lẽ Hoa? Lúc gã xuống hái sen? Rồi nàng tách ngay ra chợ Giang? Trông vậy mà đi thuổng của gã hai món đồ quý nhất con xe ư? Hóa ra cũng dạng mèo mả… Ruột gã bỗng quặn lại. Đau. Hai món đó giờ bạc triệu cũng không kiếm được, gã phải mất nửa tháng lương để mua con Favorit này chỉ bởi bơm, biển còn nguyên bản, mỗi khi gã thư thái cưỡi con xe ngoài đường, những tay sành xe đều phải ngoái lại khen đẹp và đòi để lại. Giờ bơm, biển bị cuỗm, con xe chẳng còn giá trị gì mấy nữa. Gã dựa vào tường thở dốc như tiếng xe phì hơi. Tại tin người hay dại gái? Hoa bên đường cứ tưởng là dễ hái, ai ngờ bị vố gai quạc cho đau tứa máu.

…Ngoài cổng, tiếng vợ gã cau cảu mắng con chua loét như nước gạo ngâm lâu ngày, gã rùng mình bịt tai lại định lỉnh ra vườn để được yên với đớn đau đang tấy lên nhưng vợ gã đang lôi thằng con lớn xềnh xệch đi vào, vừa trông thấy gã lập tức đay đả:

- Cứ nhởn đi là nhanh! Chắc bị con nào nó hớp hồn. Không về mà dạy con.

Thằng bé rúm ró dưới cánh tay mẹ nó, xống áo xộc xệch, mặt mũi nhòe nhoẹt nước mắt, ngang má đỏ tấy vết ngón tay. Gã hỏi có chuyện gì mà phải ầm ĩ đến thế thì thằng bé òa khóc tức tưởi, vợ gã lại dúi mạnh ngón tay trỏ vào trán nó chì chiết.

- Đấy, anh đi mà hỏi nó. Xem nó tháo trộm cái bơm với biển xe lúc nào, sáng nay đem bán cho quán sửa xe lấy tiền vào quán nét, may mà cô Thơm hàng xóm đi chợ qua nhìn thấy.

Tay vợ lại chuyển xuống ngực thằng bé ấn dúi, mấy cái cúc áo tuột chỉ bật ra, mắt gã hoa đi tưởng như những bông hoa thanh tú đang rơi lả tả.

N.T.H

Nguồn: Báo Nhân Dân

https://nhandan.com.vn/cuoituan/van-nghe/truyen-ngan/item/42241702-long-lanh-suong-mai.html

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  




• 
Sẫm tím màu violet
× Sẫm tím màu violet
3/12/2019
• Nguyễn Văn Thọ

 

Hoa tím ta yêu góc đường xơ xác

Có còn ai thương rét lộc rét đài?

(thơ Thụy Anh)

Chỉ còn hai ngày nữa là Tết.

Trời mưa suốt. Mưa không sầm sập, ào ạt, nặng hạt như mưa hạ. Mưa bấc đông li ti, đêm, ngày, dầm dề hết đợt này tới đợt khác, làm toàn bộ trời đất rộng lớn quanh Hà Nội sũng nước. Mưa mùa đông Hà Nội vốn lạnh, năm nay lại càng lạnh hơn.

Vợ chồng Anh Thụy vừa từ Nga trở về. Trong hơn chục năm xa nhà, cô tiến sĩ ngôn ngữ đã bao lần chờ đợi, mong mỏi cái Tết trở về đầu tiên sum họp với mẹ.

Sớm nay nhìn trời, thấy hai con lụt sụt áo mưa ra khỏi nhà. Con gái đã lớn, chồng con rồi mà mẹ vẫn coi Anh Thụy còn bé như ngày nào, gọi con gái quay lại, bắt quàng thêm cái khăn ấm, dặn: “Cái thời tiết ở ta ghê lắm đấy. Đừng chủ quan lại ốm!”. Bà còn nói với theo bóng con rể vừa phóng xe đi trong mưa: “Rõ khổ! Chưa năm nào mưa rét dai dẳng như năm nay. Chặp này, năm ngoái, rét cũng chỉ rét lộc rét đài, có lạnh, có mưa chút ít, chứ không mưa thối đất”. “Thảo nào, chợ hoa năm nay ít hoa đẹp thế - Anh Thụy nói với mẹ - Mưa thế này mẹ ở nhà thôi. Còn vài thứ lặt vặt, chiều nay chúng con sẽ rẽ qua chợ Hôm mua nốt”.

***

Sẩm tối 28 Tết. Thụy cùng mẹ lau dọn bàn thờ. Cô nói với mẹ: “Hoa đào cả mấy điểm chợ hoa phần lớn xơ xác. Loe xoe nụ. Búp lá nhiều hơn hoa. Hồng thì đầy chợ, song rặt thứ bọc quấn giấy”. “Ừ, cắm thứ ấy, chưa tàn ngày đã tàn hoa” - mẹ cô đế vào. “Chỉ có quất là được mùa. Cây nào cây ấy vàng chóe quả. Bồng to bồng nhỏ tròn vo nom rất thích mắt” - Thụy dừng nói. Chút nữa cô nói ra điều bí mật dành cho mẹ đêm 30.

Thôi, chiều mai rủ anh ấy ra chợ hoa lần nữa. Hàng Lược không có thì tới chợ hoa Nhật Tân. Thế nào chả tìm thấy vài nhánh hoa violet! Cô cầm tấm ảnh thờ của cha lên, thoa nhẹ giấy ướt trên lên tấm kính, rồi cẩn trọng đặt khung ảnh nhẹ nhàng sau bát hương của bố. Người trong tấm ảnh có khuôn mặt còn trẻ, đội mũ kê-pi, mặc bộ quần áo sĩ quan, ngực đeo dăm chiếc huân chương, như hơi mỉm cười với cô. Thụy thắp ba nén hương. Thứ hương Hà Nội thơm đặc biệt, nhẹ nhàng, không gắt, ấm và đằm, ngan ngát. Cô nhìn đăm đăm vào mắt bố. Năm bố mất, mẹ cô trẻ hơn cô bây giờ, thế mà mẹ vẫn ở vậy. Người Nga đa số đâu xử sự như mẹ cô. Chỉ phụ nữ Việt, lớp người như cha mẹ cô, hết lòng vì con, hy sinh tất cả.

“Bố ơi, năm nay chúng con về ăn tết với mẹ đây. Bố về ăn tết với mẹ nhé. Con chưa bao giờ quên cái Tết cuối cùng của bố với mẹ năm nào”. Thụy nghĩ tới đấy, thì nước mắt cứ muốn túa ra. Cô quay mặt đi, sợ mẹ nhìn thấy. Phải rồi, bao nhiêu năm ở nước Nga ăn học, Thụy chưa bao giờ nguôi nhớ bố, thương mẹ. Nhất là khi Tết về. Cô nhớ cái thời bao cấp khổ cực. Nhớ cái nết ăn tết của cha mẹ cô, nhất là mẹ, dù ở Hà Nội hay ở tận đâu, hoa là điều chưa khi nào thiếu trong dịp Tết của bà giáo dạy ngoại ngữ… Cô đã mơ bao lần về cái Tết này rồi. Cô sẽ cùng mẹ gói bánh. Cô sẽ trang trí thật đẹp ngôi nhà. Cả cái phòng theo phong cách Nga của vợ chồng cô và bé Xim. Bánh thì hôm nọ cả nhà cô tập trung với nhà bác ruột gói rồi, luộc rồi. Nhà cũng sửa mới sau hai tháng xong rồi. Đào mẹ cũng mua cả rồi. Chỉ còn cái phòng khách là không có bình hoa tím ngăn ngắt mà khi bố còn sống, bao giờ cũng có một bình thực lớn bố mua tặng mẹ. Cô muốn sự bất ngờ ở Tết đầu tiên trở về này. Bao nhiêu năm nay, từ ngày bố mất, mẹ ăn tết vò võ một mình. Mẹ đẹp. Những tấm ảnh bố mẹ chụp bên nhau còn kia. Cô gái Hà Nội có mái tóc bồng, thả xuống bờ vai là những búp to hơi sóng. Và, tấm khăn san-le choàng ngang vai áo dài với nụ cười tươi làm mẹ mới đẹp làm sao. Vậy mà mẹ chẳng chịu đi thêm bước nữa, mẹ đã hy sinh cả đời người đàn bà đang độ chín nhất, đẹp nhất để tập trung nuôi, dạy dỗ cô khôn lớn. Như lời người chồng hằng tâm niệm: “Chẳng ai trong anh và em muốn xa cách. Chúng ta phải chiến đấu triền miên, hy sinh bao nhiêu cũng là cho con cái được sống hòa bình, được ăn học nên người”.

Mỗi khi Tết về, Thụy thấy mẹ vẫn theo nếp cũ của gia đình nhà ngoại, một dòng họ sống lâu đời ở Hà Nội, chuẩn bị Tết lễ thực công phu. Mẹ nấu chè đãi đỗ trên mâm cúng tết, không thể thứ chè nào thơm ngon bằng. Cả trà mẹ dành cho bố cũng được mẹ chế biến kỳ khu. Mẹ mua hoa sen từ tháng hè, tẻ từng hạt gạo sen, cẩn thận rắc chúng ướp từng lượt trà đã sao ấm, ủ kỹ trong cái thẩu sành nhỏ rồi gửi cho bố… Từ ngày Anh Thụy sang Nga biền biệt, bà ăn tết đạm bạc hơn, song vẫn giữ thói quen, có thể thiếu thịt cá, song không thể thiếu hoa cho ngày Tết, như thư nào mẹ viết: “Năm nay ngoài cành đào cho phòng khách, huệ cho ông bà tổ tiên, mẹ chỉ mua một bình hoa cúc đại đóa vàng rực suốt cả gần chục ngày sau Tết. Mẹ không tự mua hoa violet. Đi qua chợ, nhìn nhành hoa nào màu tím cũng nhớ bố con…”. Phải rồi, violet thường là hoa bố mua dành tặng mẹ. Tuổi thơ của cô chỉ có sáu năm có bố. Dù như vậy, ký ức chưa bao giờ tàn phai trong Anh Thụy về cái Tết cuối cùng ấy, về loài hoa cứ Tết về bố tặng mẹ. Mỗi lần nhớ tới bố là Anh Thụy chỉ muốn khóc.

Chiếc U-oát đỗ trước cửa nhà, bố bước xuống, áo khoác bộ đội ướt đẫm mưa. Bó hoa trên tay bố cũng đầy những hạt nước trong suốt như pha lê trên những nụ hoa violet tím sẫm. Thế mà gần ba mươi năm rồi. Ai có ngờ được sau ngày mùng 1 Tết năm ấy, bố phải đi gấp lên biên giới và vĩnh viễn không bao giờ trở về. Bình violet năm ấy lâu tàn. Những cành hoa cứ tím sẫm đứng mãi trong phòng. Mẹ cũng không thay đổi vị trí đồ đạc bày biện trước Tết trong phòng khách như thể muốn bố còn đó, cho tận khi những cánh hoa cuối cùng rụng xuống trải một vùng tím sàn nhà…

Sao cô quên được?

***

Đêm. Đã gần 12 giờ.

Vẫn mưa suốt. Gió mang theo hơi nước, độ ẩm tăng lên nên càng lạnh hơn. Một cái lạnh thấu xương chứ không như cái lạnh khô bên Nga. Trong căn phòng nhỏ của hai vợ chồng Anh Thụy đèn đã tắt. Không thấy người, chỉ nghe thấy tiếng đối thoại.

- Chiều mai lại ghé qua chợ một lần nữa?

- Chịu khó chút đi! Hay thôi, để em đi Nhật Tân, anh nhớ qua Hàng Lược. Còn bao nhiêu việc cho Tết, chia nhau ra mà đi.

- Mà sao cứ phải là violet nhỉ? Anh thấy hồng Đà Lạt cũng đẹp lắm. Bông to và đều chằn chặn như hoa bên châu Âu.

- Anh chả hiểu gì cả. Đây là cái Tết sau bao nhiêu năm xa nhà. Muốn làm cho mẹ vui. Em muốn mẹ có được bó hoa violet như năm nào…

Căn phòng im tới tuyệt đối. Nghe rõ tiếng rí rách của nước chảy từ mái tôn nhựa gõ xuống sân nhỏ mới nới.

Lát sau căn phòng lại sáng lên chút ít. Đấy là Anh Thụy bật máy tính. Cô viết lên tường blog: Ai có biết hoa violet mua ở đâu không?

Chỉ chưa đầy hai giây sau có một loạt dòng chữ:

- Trời ạ, Em cũng thích hoa này cho Tết mà hôm kia ra Hàng Lược chỉ có hơn chục cành họ tranh mua hết. Dững 27 ngàn một cành. Không còn để mua.

- Thử lên chợ hoa Nghi Tàm xem.

Tiếng bàn phím nhè nhẹ: Mình lên cả rồi. Mai định qua lần nữa.

- Năm nay mưa các cánh đồng hoa quanh Hà Nội hỏng hết.

- Thoi, cha mua hoa ay nua AT a, mua hoa thap cam ve cam vay. Ben nay tuyet trang xoa. Anh Thuy ve VN cha con ai kheo tay mà cat giay lam hoa dao, hoa hong cho ca hoi o Mat nua. Hu hu…

Sớm mai dậy sẽ lại bao nhiêu tin nhắn khác quanh cái vụ hoa này đây. Cô mỉm cười. Người ta có quyền hy vọng chứ! Vừa định tắt máy thì có người gọi ở cửa sổ chat. Cái nickname nhà văn, bạn vong niên của cô.

- Ciao AT! Đã dạo khắp phố phường rồi hả? A đọc những dòng ở tường nhà em.

- Vâng. Em đi mấy lần rồi. Người ta nói hoa violet đắt mà ko có bán!

- Năm nay úng mà. Ngày xưa còn cậu anh, ông cũng thích hoa ấy. Nên Tết nào về anh cũng mua dăm cành đặt trên bàn thờ cho ông.

- Ngày mai anh sẽ đi tìm nó. Nếu có, anh sẽ mua về chia cho em!

- Ôi, thế thì tốt quá. Em cám ơn anh trước…

Anh Thụy tắt máy.

Chiếc laptop trong căn phòng của người bạn vong niên tại một căn nhà bên sông Hồng cũng tắt. Nhà văn lớn tuổi bước ra cửa sổ. Mưa bụi vẫn không ngừng rơi. Từ đây nhìn xuống, sông Hồng vẫn cuồn cuộn chảy. Ông là con người của xê dịch. Hơn 10 năm ở chiến trường, lại gần 20 năm ở Đức, ông hoàn toàn thấu hiểu tâm lý của cô gái, một bạn đọc mà ông quý mến. Những người đi xa tổ quốc, có bao nhiêu điều nhớ, song cái Tết Việt thường cũng nhớ nhất và mong chờ nhất. Như cô gái trẻ này, chắc chắn sẽ mường tượng ra cái cảnh sẽ ăn tết với mẹ cô thế nào ở cái Tết đầu sau bao năm xa cách. Thực ra, việc có hoa violet hay không với ông không quan trọng lắm. Nhưng ông rất mến cô tiến sĩ có nụ cười đôn hậu. Tình bạn của họ cũng chỉ là thời gian qua mạng khi hai người còn ở nước ngoài. Cô tỏ ra rất thích những truyện ngắn của ông viết về chiến tranh. Có lần từ Nga, cô com-men trên báo mạng Nguoibanduong: “Cám ơn nhà văn đã giúp chúng em hiểu thêm về chiến tranh!”. “Đấy là một thời của thế hệ tụi anh!”. Ông nhắn vào hộp thư cô và bất ngờ biết thêm một điều về cô bạn vong niên ở e-mail trả lời: “Bố em cũng là một người lính và ông hy sinh khi em còn rất nhỏ!”. À ra vậy. Thảo nào cô đã đọc tất cả những tác phẩm của ông một cách hệ thống.

Mai sẽ đi xa hơn kiếm hoa cho cả mình và Anh Thụy ấy. Có gì khó khăn nhỉ, nếu làm vui một người bạn mình yêu mến. Chả nhẽ khắp các vùng hoa ngoại thành không có nổi một đám hoa violet sống được ư?

***

30 Tết.

Con đường đi vào bốn cửa ô Hà Nội, người xe như mắc cửi. Tất cả đều chuyển động với tốc độ hối hả đến chóng mặt để hoàn tất các công việc cuối cùng trong năm, cho cuộc sum họp đón giao thừa thiêng liêng.

Mưa vẫn không ngừng rơi. Suốt hai tiếng đồng hồ, trong mưa, ông quần nát cả hai trung tâm bán hoa tại Hà Nội vẫn không nhìn thấy một cành violet. Ông đi lại nhiều tới mức mấy cô bán hoa nhẵn mặt. Một cô bán hoa trẻ trung nói: “Bố già ơi! Thôi mua cành đào mà cắm đi, con bán rẻ cho. Mưa như thế thì sao có violet cho bố chứ”.

Mọi vùng đất quanh Hà Nội đều trũng, hay là ta đi ra miền trồng hoa ở Đông Anh, Sóc Sơn xem sao? Ông nghĩ vậy và quyết định rời thành phố. Tới gần Thanh Tước, ông mừng rỡ thấy một chợ hoa khổng lồ kéo dài tới 3-4 cây số, dọc con đường mà hai bên là những thửa hoa mênh mông. Len lỏi giữa chợ, không mệt mỏi, dắt xe đi hết đám này tới đám khác, ông thất vọng bởi không có một nhành hoa violet nào.

Mưa vẫn rơi, càng về chiều càng dày hạt.

Nhà văn, người lính già vẫn kiên nhẫn đi thêm đoạn nữa ven cánh đồng hoa. Bất chợt trước ngã ba, ông sáng mắt lên khi thấy một cô gái đèo sau xe Honda một bó hoa tím với những nụ hoa cực lớn. Cô gái đang hì hụi dắt xe qua con đường lầy cố lên đường lát đá.

- Để chú giúp - Nhà văn hạ chân chống xe bên lề đường, bước tới kéo, đẩy chiếc xe của cô gái từ con đường lầy ngang bánh xe lên tới đường lát đá sỏi.

- Cháu bán hoa à? Chú muốn mua - Gạt cái chân chống cho cô gái, ông nói.

- Không. Hoa của nhà cậu cháu trồng. Cháu từ Hà Nội về lấy.

- Cậu cháu còn ít nào không? - ông thở dài.

- Còn hơn chục cành nữa, nhưng chắc cậu cháu không bán đâu.

Nhà văn lại thở dài. Chiếc xe máy của cô gái cứ ì ra sau cú đề dài liên tiếp.

- Để chú - nhà văn nói và nhanh nhẹn giúp cô gái nổ máy - Xe cháu đề nhiều sặc xăng. Phải đạp cho xăng thừa hết đi cháu ạ.

Sau câu nói của ông, chiếc xe Honda nổ máy giòn giã. Cô gái cám ơn ông, ái ngại nhìn người lạ:

- Chắc chú không ở quanh đây!

- Vâng, chú ở Hà Nội. Chú chỉ muốn vài cành violet cho bạn.

- Chú tốt thật, ba mươi rồi. Thôi thế này nhá. Chú đi vòng lên cây số nữa. Rẽ trái rồi chạy thẳng, khi nào thấy con đường ven cái mương xi măng nổi cấp nước, chú rẽ phải cứ men theo mương là tới nhà cậu cháu. Đi đường này nhanh hơn nhưng lầy lắm, xe chú lại chết máy thôi. Chú thử vào hỏi cậu cháu xem sao. Cháu tên là Thương. Chú hỏi nhà ông Kỳ, có gì chú cứ nói là quen cháu. Giá cháu không vội…

Mười lăm phút sau, nhà văn của chúng ta cũng tìm đúng ngôi nhà của cô gái chỉ. Hàng dậu thưa bên ngoài trồng đỗ, ba bốn cây cau trước nhà. Dãy dưa chuột có giàn trúc đỡ, xanh mướt lúc lỉu quả. Đường vào nhà khô ráo, có lẽ gia chủ tốn khá nhiều công sức lấy đất từ cái ao bên trái mà tôn vườn lên.

Cổng không đóng. Ông tắt mắt, dắt xe vào nhà. Đây rồi! Trước mắt ông, bên trái hiện ra hơn chục cây hoa violet mập mạp. Những ngọn hoa rất mập như muốn ngoi mãi lên trời, khoe những búp hoa mỡ màng sẫm tím, làm ông khấp khởi mừng thầm. Chủ nhân đã chọn nơi cao thoáng và che chắn cẩn thận, nên có thể đây là số hoa violet duy nhất trong khu trồng hoa rộng mênh mông này.

Ông nhìn thấy một người rõ già, râu và tóc đều rất dài, trắng xóa, đang ngồi trên ghế trước hiên cửa nhà.

- Anh hỏi ai đấy? - chủ nhà cất tiếng.

- Thưa ông, tôi quen cháu tên Thương ở đường cái. Cháu chỉ cho tôi vào đây bởi tôi đang tìm ít hoa violet.

- Hoa của đứa con tôi. Nó trồng một luống cho bè bạn, không bán đâu! Còn ít cây này, tối có người đến cắt rồi - ông chủ nhà lụ khụ ho.

- Tiếc quá, ông nói với cậu nhà giùm cho, tôi cần vài cành thôi.

- Hoa năm nay đều kém. Violet thì cả cánh đồng chết hết. Nghe nói trên chợ, hôm nay bán 30 ngàn 1 cành.

- Vâng! 30 ngàn tôi cũng xin mua!

- Ấy là nói vậy chứ con tôi nó không bán đâu. Mà ông cần thế kia à. Làm gì? Không mua violet thì mua quất, mua đào, thược dược sau nhà còn khối.

- Thưa ông, chả giấu gì ông cả. Tôi và cô bạn nhỏ xa nhà đã lâu, chúng tôi muốn đón cái Tết như ngày nào còn ở trong nước. Bạn trẻ của tôi muốn một bình cho bố cô ấy đã hy sinh trên biên giới! - nhà văn nói chậm rãi.

Người chủ nhà già quay lại. Bấy giờ nhà văn mới nhìn kỹ khuôn mặt của chủ nhà thực ra cũng tuổi trạc như ông thôi, song bộ râu tóc trắng làm ông già đi nhiều.

- Bác ơi! - giọng nhà văn thực sự xúc động - Tôi không có hoa ấy cũng được. Song cô bạn tôi thì cần. Tôi đã hứa tìm hoa cho cô ấy, con một người lính như tôi.

Chủ nhà nhổm lên:

- Bác cũng đi bộ đội hả. Bao năm? Chiến trường nào?

- Mười một năm! Tôi chiến đấu cả ba mặt trận A, B, C, tới năm 75 vào Sài Gòn…

- Có đánh ở Quảng Trị không?

- Có chứ! Khi ấy tôi ở đơn vị 12.7 bảo vệ bên kia Thạch Hãn.

- Ối trời ơi, đồng bọn cả rồi - Chủ nhà như muốn nhao lên khỏi ghế. Cái chăn chiên cũ đắp nửa người ông ta tụt xuống. Nhà văn nhìn rõ đôi chân cụt đến tận bẹn của chủ nhà. Ông đi tới, nắm bàn tay âm ấm của gia chủ…

***

Mãi tới 6 giờ chiều nhà văn mới về tới nhà. Ông chia 17 cành violet làm hai bó. Bó có 8 cành ông mang tới bàn thờ cha mình. Xong việc, ông lại chả kịp ăn cơm mang 9 nhành hoa tới nhà Anh Thụy.

Đêm 30 đất trời đen như mực. Cầu Long Biên nhịp lành, nhịp bị thương vẫn còn đó trong cuộc chiến mà ông từng là người lính 12.7 trên ô vuông thép ở đỉnh cầu, vẫn hằn rõ chớp ẩn chớp hiện loa lóa qua ánh đèn la de chiếu lên nền trời. Mưa dưới ánh đèn thành phố hắt lên vẫn lây rây bay trắng xóa và đọng trên những nụ hoa mật mạp của bó hoa violet, tựa như những viên kim cương li ti. Chắc Anh Thụy sẽ vui lắm. Chưa đầy 15 phút sau, ông đã tới ngôi nhà tập thể của người bạn.

- Vào đây, vào đây. Sao anh chịu khó thế lại chả gọi điện gì cho em cả -Người chồng của Anh Thụy mau mắn dắt chiếc xe và mời ông vào nhà.

Phòng khách trước đêm giao thừa tươm tất. Cây đào nhỏ thắm hoa ở ngay đầu bàn. Nhà văn trao cho Anh Thụy bó hoa violet. Anh Thụy sững người khi người bạn vong niên bỏ những tấm báo quấn quanh bó hoa để lộ ra những nhành hoa tươi mập mạp, chi chít hoa, nụ violet rực tím trong ánh điện. Mãi vài giây sau cô mới cất nên lời:

- Ôi! Cám ơn anh. Cám ơn anh! Sao có thể tìm được những nhành violet đẹp như thế kia vào ngày ba mươi này! - Anh Thụy thốt lên. Cô quỳ xuống sàn đá hoa, như muốn ngắm thật gần những đọt hoa đang đụng cựa muốn vươn mãi lên. Cô đứng dậy, quay lại, rồi vụt ôm chầm lấy nhà văn già, mặc kệ chiếc áo mưa của ông còn sũng nước.

- Chồng ơi, xuống bếp lấy cho em cái bình pha lê hôm nọ anh mua đi. Mời mẹ lên nhà! Em sẽ cắm bó hoa này như ngày nào bố đã cắm. Anh Thụy nói khi giúp người bạn vong niên của cô cởi áo mưa còn đẫm những giọt mưa lạnh Hà Nội.

***

Giao thừa.

Mười hai giờ không sai một tích tắc, khi trời đất gặp nhau, âm dương giao hòa, để mùa xuân sinh thêm vạn vật, sau biết bao thay đổi, lụi tàn của một năm cũ. Trong khoảnh khắc thiêng liêng giao thừa ấy, bao gia đình Việt Nam đều tràn ngập niềm vui, sở cầu, hy vọng và cả những mong ước thầm kín.

Mẹ Anh Thụy trước khi giao thừa hai giờ, vẫn như hằng năm, bà mặc chiếc áo dài gấm Hàng Châu rủ con gái tới lễ chùa Quán Sứ. Trở về nhà, bà vẫn không thay áo dài. Bà pha thêm tuần trà mới bảo con gái bưng lên bàn thờ. Tự tay bà trước giao thừa dăm phút, thắp thêm những nén nhang thơm tinh khiết. Mùi trầm dâng lên tràn ngập quanh bàn thờ của những người đã khuất. Không gian bỗng thanh bạch và ấm cúng lạ thường. Người đàn bà, mái tóc nhuốm bạc, im lặng đứng trước bàn thờ, trước di ảnh của chồng. Bà hơi cúi đầu xuống, hai bàn tay chắp lại. Bà muốn nói rất nhiều với chồng trong thời khắc thiêng liêng này, mà không sao cất lên lời.

- “Anh có linh thiêng, về đây ăn tết cùng mẹ con em. Con đã nhờ bạn tìm cho được những đóa hoa violet như cho chúng mình... Con đã lớn khôn rồi...”. Bà thầm nghĩ vậy, nghĩ vậy trong tâm khảm sâu thẳm như muốn thoát ra khỏi thân xác bay lên trời cao để gửi tới tổ tiên và người chồng thương yêu của bà.

Cuộc sống bao năm chiến tranh trôi qua, đã bao nhiêu hy sinh, mất mát, khó khăn và đau đớn sau những cuộc chiến. Con người ta, nhiều người đã và còn phải trải qua nhiều điều như vậy hay tương tự như vậy trên cõi đời nay. Song đêm nay, cái Tết, lâu lắm rồi, bà có một niềm vui khôn tả. Nghĩ tới đấy, trên cặp mắt tưởng như đã khô hạn của bà ứa ra những hạt lệ. Nước mắt đàn bà mặn mòi.

Hà Nội vẫn hoàn toàn im lặng tới vô cùng.

Rồi bất chợt, ba bốn phía bầu trời Hà Nội, đúng 0 giờ, bỗng chớp sáng, bùng ra từng chùm pháo hoa rực rỡ, muôn ngàn sắc. Năm mới bắt đầu!

Mưa vẫn im lặng như cái lạnh vẫn im lặng luồn lách chạy dọc trên các đường phố. Và, trong phòng khách nhà Anh Thụy đêm nay có bó hoa violet im lặng đứng. Bó hoa còn vẹn nguyên cả mùi hương của đất đồng, vẹn nguyên những hạt mưa đọng trên những đọt hoa tím sẫm cắm trong bình ấm áp giữa ngôi nhà người đàn bà Hà Nội, đồng loạt cựa mình nở tung ra, tạo thành một vùng sẫm tím không gian phòng.

Màu violet. Sẫm tím màu violet, đối với riêng mẹ Anh Thụy, chẳng thể loài hoa nào tím hơn nó đêm nay!...

N.V.T

Nguồn: Tạp chí Hồn Việt

http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5666-hv122-sm-tm-mu-violet.aspx

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• 
Mưa rào
× Mưa rào
3/12/2019
• Đặng Nguyên Sơn

 

C

ơn mưa mùa hạ kịp tắm mát đến từng góc khuất trong làng. Cái chòi trên cây bạch đàn đầu làng cũng bị dính mưa. Em và Ly ngồi tâm sự ở trên chòi đó rất lâu trước khi Ly lên phố. Em tự hào vì cái chòi là sáng kiến của anh. Nhờ có nó mà chúng mình vừa chăn trâu vừa học bài và tốt nghiệp cấp ba. Ly thu ánh mắt đang nhìn xa xăm về phía em: “Tại số phận nặng nợ với ruộng đồng nên tụi mình không đứa mô leo lên được đại học.” “Không phải là không leo lên được đại học mà suy nghĩ của tụi mình lúc nớ tự dưng ngắn lại.” “Rứa tuổi hai mươi của mi, tau, Duy và lũ trẻ trong làng chỉ để núp sau lũy tre làng ư?”

Em nín lặng trước câu hỏi của Ly. Em đưa mắt nhìn những hạt mưa đang vắt kiệt mình trút như điên dại mà lòng chợt nao nao. Ly muốn thoát khỏi cái nghèo nên phải ra đi. Nếu một ngày anh không còn yêu em nữa, Ly hứa sẽ về đón em theo, tìm cách lột xác cuộc đời em. Nhưng khi em hỏi, Ly sẽ làm gì khi lên phố? Ly không trả lời. Mắt em cay xè. Mắt ly cũng không ngừng dẫy nước, như bị mưa găm. Sau một lúc im lặng, Ly bảo: “Ở phố thiếu gì việc để làm.” Bỗng em thốt lên trong sự ngỡ ngàng: “Ơn trên ơi, mi nói chi lạ rứa Ly hè.” Ly gom hết nước mắt nuốt chững rồi tụt xuống đất, dáng hình nhỏ thó của Ly khuất dần hệt dấu chấm than đang lê lết cuối đường làng.

Trước hôm anh lên đường đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan trời cũng mưa. Thời khắc ấy là xế chiều chớm đông. Em tựa vai anh ngồi bên hiên nhà. Mưa nặng hạt đến nỗi có thể nghe tiếng reo vui của chúng. Ba năm sinh sống nơi xứ người, lúc anh về chúng mình bước vào tuổi hai ba. Ở cái tuổi đó, mấy đứa trong làng đã con bồng con bế cả rồi. Anh bảo, em gắng đợi anh, chúng ta sẽ có một đám cưới rình rang nhất trong làng. Sau đám cưới, em sẽ là bà chủ của một cửa hàng tạp hóa. Em bật cười. Bà chủ cửa hàng tạp hóa là công việc của em trong tương lai sao? Thử hỏi còn gì vui bằng cho một cô gái đang làm những công việc nhặt nhạnh không cất nổi một cái tên cho có với đời.

 

Minh họa: HỒ THANH THỌ

 

Những hạt mưa vẫn thả đều trên nền gạch, mỗi cái búng mình là một chiếc vương miện hoa hậu hiện ra. Em ước mình là cô dâu, cài lên đầu chiếc vương miện ấy. Anh cũng đồng ý với em chúng ta sẽ chụp ảnh cưới trong mưa dưới bầu trời bình yên. Nhưng khi em nghĩ về những điều an lành nhất thì tự dưng có tiếng sấm, rồi thì một tia chớp xuất hiện xé toạc bầu trời. Những áng mây bắt đầu chuyển dịch và số phận những giọt mưa cũng thay đổi theo. Bất giác em ngồi thẳng người thở hắt. Đôi môi anh đã không cho phép em buồn lòng thêm dù chỉ là một giây khi ở cạnh anh. Anh đã đưa em bay lên quỹ đạo thời gian và quay ngược về với tuổi thơ. Ngày bé em rất thích tắm mưa. Chúng mình trần trụi chẳng khác nào những con nhộng, thỏa chí chạy loăng quăng từ đầu làng đến cuối xóm. Mặc mưa táp vào da thịt nhồn nhột, cả tụi con gái con trai đứng trong mưa săm soi vùng kín của nhau, nhe răng cười rằng rặc mà không biết xấu hổ là gì. Những giọt mưa ngày ấy sao mà trong trẻo không chút tì vết, nó hệt như pha lê.

Rồi đôi môi ấm áp của anh rời khỏi môi em, em mới bừng tỉnh. Nhìn sâu vào hai hòn bi to đen láy được chở che bởi đôi lông mày sâu róm trên khuôn mặt nghệt ra như đứa trẻ của anh, tự dưng em bột phát hỏi: “Anh còn thương Ly không?” Em hỏi ở thì khẳng định như vậy là do có lần em bắt gặp ánh mắt anh nhìn Ly đầy trìu mến. Ánh mắt ấy chỉ có thể dành cho người mình yêu. Cũng như lúc này, khi đối diện với câu hỏi của em, anh không dám nhìn thẳng. Anh bảo: “Bàn tay của anh thì quá bé nhỏ để có thể nâng niu nhiều hạt mưa nên chỉ giữ lại cho mình một hạt mưa mà thôi.” Anh nói xong nhướn đôi lông mày sâu róm, cong môi thả nỗi băn khoăn trôi theo cơn mưa chiều. Giây phút đó trở thành ký ức khó nguôi ngoai trong em.

“Lông mày sâu róm cả xóm chửa hoang.” Mẹ em nói nhiều đến nỗi nó trở thành câu cửa miệng của bà. Em đã cố không quan tâm đến lời cảnh báo của mẹ nhưng không thể. Mặc dù em yêu đôi lông mày của anh vô cùng. Những sợi lông xếp không ngay ngắn kia sinh ra là để điểm tô cho khuôn mặt chữ điền với cái mũi to cao và đôi môi căng mọng thêm phần ưu tú. Không nhớ lần thứ bao nhiêu môi em được lướt nhẹ đến từng milimet trên đôi lông mày ấy, khuôn mặt ấy. Để rồi một ngày, ngày mà nắng hạn gặp mưa rào, hai điện cực trái dấu lao vào nhau như thiêu thân. Và ta khát nhau. Em vẫn nhớ từng câu từng chữ mẹ dạy khi em thành thiếu nữ, con gái là phải giữ mình nhưng lí trí đã không điều khiển được bản năng đang trỗi dậy của thể xác, nên dù cái chòi trên cây bạch đàn đêm đó có cháy chắc em cũng mặc kệ. Chỉ có điều sau khi thỏa mãn những khao khát bản thể, cơn mưa hôm ấy đã làm mắt em húp lên dư âm liên hồi mấy ngày liền.

Xóm của tụi mình bé như bàn tay, ngay cái kim trong bọc cũng phải tòi ra nên chuyện em thành đàn bà là một sự kiện nóng hổi, một miếng mồi thị phi cho cả xóm nhâm nhi. Mẹ nói, em đã mất cơ hội lấy chồng trong làng khi quyết định trao cái ngàn vàng cho anh. Mỗi lần nhìn khuôn mặt buồn thiu của mẹ, lòng em lại thấp thỏm lo âu và nơm nớp sợ sệt. Những giọt mưa lại nức nở dồn ứ tuôn trào lạnh lùng chẳng thiết nể nang người con gái yếu ớt đang cố gắng vươn mình vượt lên những đàm tiếu người đời để sống.

Ôi! Sao em lại để cho suy nghĩ của mình đi lạc như thế. Thương nhau rồi thì phải tin nhau chứ. Đã có lần em ấm ức đến nỗi, không kìm nén được nên bao nhiêu tâm sự trong lòng em nức nở trút ra đến hết. Và anh đã chứng minh trong trái tim anh chỉ có mình em bằng cách khắc lên ngực dòng chữ “Mãi yêu Xoan” còn gì. Em không dám khẳng định ở tương lai một sự đảm bảo chắc chắn em sẽ làm vợ của anh. Nhưng đến bây giờ anh vẫn thuộc về em, không ai có thể tách chia, kể cả những người nông dân nhàn rỗi nhất trong cái xóm nghèo của chúng ta.

Em nhớ như in giây phút em và anh đứng bất động trước tình hình căng như dây đàn của hai gia đình thì cha anh đã lên tiếng: “Chúng ta kết tình thông gia chẳng khác nào cái kiềng ba chân. Anh chị xui đừng buồn lòng mà sinh tâm bệnh, rồi đến lúc bà con họ cũng phải mỏi miệng. Quan trọng là cả ba chúng ta đã chấp nhận mối quan hệ ăn cơm trước kẻng của hai đứa.” Cha anh đã bênh vực cho anh và em nên gia đình em cũng vì thế mà xuôi theo. Giờ thì ai bảo cha anh là người đàn ông lạnh lùng nhất trong làng chứ.

Tuy chưa mời bà con ăn một bữa tiệc mừng nhưng chuyện nhà anh cũng là chuyện nhà em. Em xem cha anh như là cha đẻ của em và hai gia đình ta qua lại thân thiết. Trong bữa tiệc tiễn chân anh, cha em nói đã xuất đôi gà, con lợn nái và hai cặp vịt lấy tiền tiễn con rể tương lai lên đường. Cha em đã thừa nhận anh là con rể nhưng câu nói của cha làm tim em đau. Cha không thèm la mắng em lấy một câu kể từ khi biết con gái mình hư hỏng, có thể lòng bảo dạ thôi thì âu cũng là cái số của em, nó giống như những giọt mưa may nhờ rủi chịu. Cha anh ko để ý đến những lời chua chát đó của cha em. Có lẽ cha anh đang bị cuốn theo sự ồn ào náo nhiệt của cuộc vui. Dù sao anh cũng là người may mắn. Có phải ai muốn đi xuất khẩu lao động cũng đi được đâu. Em biết anh buồn câu nói của cha em, bởi khi chạm phải mắt em, ánh mắt của anh chợt sụp xuống rũ rượi. Em không muốn trách cứ cha em một câu nào. Mà xét đến cùng thì cha em nói sai ở đâu? Nhưng nếu cha anh cũng để tâm thì điều gì sẽ xảy ra. Một cuộc chiến tranh lạnh mà anh và em sẽ là nạn nhân. Em chắc chắn điều đó nên không dám phàn nàn thêm gì nữa.

Ly gợi ý, em nên có tài khoản facebook cá nhân. Từ đó, Ly và em nói chuyện qua face. Chỉ trong tích tắc là nhận được hồi đáp của nó. Em từng đề cập đến chuyện chúng ta liên lạc qua face nhưng anh không chịu, anh bảo thời gian ở nước ngoài là vàng là bạc anh phải tiết kiệm đến từng phút. Em thấy hơi buồn lòng, có chút gì đó chật chội trong thâm tâm. Có lúc em rủa thầm, “Con ông không giống lông cũng giống cánh.” Nhưng anh lại bảo, nét chữ là nét người anh muốn đọc cảm xúc của em qua từng con chữ, cái câu này nghe thấy lọt tai hơn, con gái yêu bằng tai mà.

Ly bây chừ đẹp đến mê hồn. Nó thay đổi từ quần áo cho đến kiểu tóc. Nó diện những bộ cánh mà dân quê mình gọi là thiếu vải lồi cả rốn, cả đùi trắng phau, nhìn đã con mắt lắm. Chả là nó đã tìm được người thương. Anh ta tên Jonh, là Việt kiều, nó bảo thế. Anh ta mua Iphone đời mới nhất cho nó, dẫn nó đi du lịch khắp nơi. Nó khoe lên face những tấm hình chụp ở Hàn Quốc, Mỹ và cả Trung Quốc nữa. Sinh nhật, nó được tặng cả chiếc xe hơi màu mận chín. Được người yêu mua cho đồng hồ, áo quần, giày dép xịn. Có một điều làm em nghi ngại khi nó bảo Jonh không thích xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Nhưng theo nó tả thì Jonh rất đẹp trai, mắt to, lông mi dài, râu quai nón và cao phải trên mét tám. Ghen tị với nó quá. Nó còn gửi tiền và quà về cho cha mẹ nó đến nỗi mọi người trong xóm phát thèm, cha mẹ em cũng nhìn em mà buông lời so sánh.

Thế nhưng, đã mấy tháng nay em không thấy nó xuất hiện trên face, thư từ cũng không thấy liên lạc với gia đình. Cha mẹ nó lo sốt vó và đã nhờ công an can thiệp. Em càng lo lắng hơn cho Ly khi đọc được một trạng thái trên face của một người bạn có kèm hình ảnh về vụ mổ nội tạng thiếu nữ đem bán. Sao giống câu chuyện tình lãng mạn của Ly quá anh à. Câu chuyện cũng bắt đầu từ những trang mạng xã hội, rồi làm quen, săn đón, đưa đi du lịch, tặng quà xa xỉ. Các cô gái không biết rằng những gã đàn ông mặt mày nhẵn nhụi áo quần bảnh bao kia đang là kẻ lừa tình. Một bộ nội tạng khỏe mạnh không rượu không hút thuốc sẽ bán với giá một đến hai tỉ đồng. Chợt em nghĩ dại, có khi nào Ly cũng giống người con gái nằm lõa thể bất động và bị rạch bụng moi nội tạng như người ta mổ lợn kia không. Nhưng bất ngờ đã diễn ra. Em không dám tin vào mắt mình khi face Ly sáng, rồi Ly nhắn tin hỏi em có ở trên face không. Em mừng vô cùng, Em nói chuyện với nó liền tức khắc:

“Mi đang ở mô rứa Ly, mọi người lo cho mi nhiều lắm?”

“Tau đang ở Đồn cảnh sát của một tỉnh biên giới Trung Quốc Xoan à?”

“Ơn trên phù hộ, mi vẫn bình an. Răng mi lại ở đó?”

“Tau bị một bọn buôn người bắt may trốn thoát được, nhờ mi nói với cha mẹ tau theo địa chỉ… số điện thoại… cảnh sát nơi đây họ bắt cha mẹ ruột sang bảo lãnh. Nhưng tau không nói được tiếng Trung chỉ bập bẹ vài câu tiếng Anh nên xin ông cảnh sát cho lên face nhắn tin cho mi đó.”

Em ghi lại tất cả thông tin và báo ngay cho cha mẹ Ly biết. Nghe xong, cha Ly bước lom khom đưa bàn tay xương xẩu run run lần đến chiếc ghế ngồi bất động ngó qua cửa sổ ra xa. Còn mẹ Ly đứng tựa cột nhà mà khóc than con gái. Cuối cùng cha mẹ Ly quyết định bán hết tủ lạnh, ti vi, thậm chí cả nồi cơm điện, quạt máy và ra ngân hàng rút hết toàn bộ số tiền Ly gửi cho. Nhưng gom toàn bộ số tiền có được cũng chỉ đủ tiền vé máy bay cho hai người đi và về. Cha mẹ Ly vốn là người chân đất quanh năm chăm chỉ với ruộng vườn, ngay cả lên phố cũng bị lạc đường nữa huống chi là ra nước ngoài. Tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, tiếng Trung thì mù tịt. Nghe theo lời khuyên của bà con chòm xóm, cha Ly quyết định bán luôn con trâu cày duy nhất của gia đình, rồi bà con hàng xóm gom góp tiền bạc lại cho mượn thuê một người giỏi tiếng Trung ở trên phố phiên dịch giúp. Giờ này họ đã đến Trung Quốc và đang làm thủ tục bảo lãnh cho Ly về nước. Như thế là mừng lắm rồi, ai cũng bảo mạng người vẫn quan trọng nhất. Người còn ắt của sẽ còn.

Em chợt nhớ, nhiều lần chúng ta đã tranh luận về câu chuyện quả trứng nở ra con gà và chưa khi nào câu chuyện đó được kết thúc trong hòa bình. Thường thì sau đó không thèm nhìn mặt nhau đến vài ngày. Anh vẫn kiên định với lập trường của mình, quả trứng nở thành con gà, con gà thành một đàn gà, rồi bán gà mua lợn, bán lợn mua bò, bán bò mua xe, mua nhà, mở cửa hàng tạp hóa,... Vì thế anh quyết định đi ra ngoài làm để kiếm quả trứng vàng, đồng nghĩa với việc anh trở thành người lậu và bản hợp đồng ký kết lúc anh đi bị vô hiệu hóa. Đọc xong thư anh, tim em như muốn rụng và tay chân bủn rủn. Nếu có chuyện gì với anh em biết sống sao? Nếu anh không bảo em giữ bí mật giùm anh thì lòng em giờ đã yên ổn đôi chút. Nước mắt cũng không phải rơi khi nghĩ rằng, một ngày không xa nữa em không nhận được thư của anh gửi về từ bên kia đại dương.

Làm sao em hứa giữ kín mọi chuyện giùm anh được khi ngoài kia mưa vẫn rơi, vẫn biểu diễn những vũ điệu rát bỏng đôi mắt. Khi nào thì mưa dừng? Thực sự đó là câu hỏi khó, anh em và cả những người ở xóm quê nhà chả ai trả lời được đâu.

Đài tỉnh phát lại bài hát “Ở hai đầu nỗi nhớ” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Năm ngoái anh đã lên tận đài để yêu cầu chương trình quà tặng âm nhạc phát tặng bài hát này cho em. “Đêm nghe tiếng mưa rơi đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ, ở hai đầu nỗi nhớ yêu và thương nhau hơn.” Những ca từ da diết của bài hát như lột tả hết cảm xúc của em lúc này.

Duy à!

Vì tương lai của chúng mình chiều nay em đã quyết định sang gặp cha anh và nói hết mọi chuyện. Nghe xong cha anh buồn lắm nhưng ông chẳng nói gì, ông ngồi lặng như hòn đất. Cái tính cách đó thuộc về bản chất của cha anh, một khi đã cố hữu trong đầu rồi thì không gì có thể lay chuyển. Cũng như cái ngày mẹ anh trót lên giường với ông chủ cửa hàng tạp hóa. Thà cha anh đánh đập chửi bới rồi thôi. Đằng này ông giấu tất cả vào đôi mắt khốn khổ của mình và chỉ lấy từ ông chủ cửa hàng tạp hóa năm nghìn đồng mà bỏ về. Điều ấy khiến mọi người rất ngạc nhiên. Thế nhưng mỗi bữa cơm cha anh lại đem năm nghìn đồng đó ra đặt ngay ngắn trên bàn. Chỉ động tác đơn giản vậy mà khiến người đối diện đau đớn khôn cùng. Mẹ anh không chịu đựng nỗi, hai tuần sống trong đau đớn giày vò, bà quyết định bỏ nhà đi biệt xứ. Lúc ấy anh chỉ mới mười lăm tuổi.

Em cũng như những người trong xóm cảm thấy xem thường mẹ anh. Những khóe môi xệu xuống hay nhếch mép, đa phần là khinh bỉ. Em không nghĩ mẹ anh là một người phụ nữ như thế. Em đã tự đi tìm sự thật thích đáng. Mãi đến năm em mười tám tuổi mẹ mới kể cho em nghe. Và ngọn ngành câu chuyện không như những gì đã diễn ra. Nhìn theo nhiều khía cạnh mẹ anh có quyền nhận được sự chia sẻ cảm thông của mọi người.

Câu chuyện bắt nguồn từ hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, làm lụng vất vả nhưng lại không có tiền. Nghề nông là vậy, đến mùa thì cây trái vườn nhà rẻ như bèo, bán chẳng ai mua, cho không ai lấy, nhưng trái mùa phải bỏ tiền túi ra mua với giá cắt cổ. Nghe đâu ông chủ cửa hàng tạp hóa đã thầm yêu mẹ anh từ thời con gái, đến giờ vẫn còn tình cảm. Biết gia cảnh bên chồng khó khăn, nên ông ta ra sức giúp đỡ bằng cách cho nợ gia vị, đồ ăn, thức uống,.... Nhưng không hề đòi hỏi tiền bạc. Ông ta muốn làm vậy là để tích phúc, có nhiều nhặn gì đâu, lá rách ít đùm lá rách nhiều thôi mà. Dù gì mẹ anh cũng là đàn bà, từ thuở sơ khai đàn bà vốn dĩ là mong manh yếu đuối. Mẹ anh không ngờ rằng, những người đàn ông ra sức cung phụng đàn bà mục đích cuối cùng là đưa người đàn bà họ muốn đến nơi gọi là giường chiếu và chính sự nhẹ dạ của bà đã làm nên câu chuyện kinh thiên động địa. Nhưng em nghĩ mẹ anh thì khác, mẹ anh chấp nhận ngủ với ông ta là bởi món nợ ân nghĩa. Cái việc mà buộc bản thân phải làm thì không thể nhân danh là tình yêu. Vậy là người mẹ anh yêu là cha anh chứ không phải ông chủ cửa hàng tạp hóa. Tất cả mọi sự diễn ra đều do hoàn cảnh xô đẩy. Giá như ngày ấy cha anh nghĩ thoáng hơn một chút thì bây giờ cái tâm bệnh đã không dày vò trái tim ông mãi.

Chập choạng tối nay em lại ghé nhà anh. Dù thiếu vắng bàn tay đàn bà nhưng mọi thứ trong nhà vẫn ngăn nắp sạch sẽ. Em không hiểu sao cha anh vẫn để tờ tiền năm nghìn ngay ngắn ở bàn ăn. Tờ tiền còn được ép nhựa nữa. Có thể đó là lý do mà tất cả những phụ nữ góa chồng hay quá lứa lỡ thì trong làng ngó lơ để mặc cha anh sống cảnh gà trống nuôi con. Cha anh bây giờ già hơn rất nhiều so với cái tuổi năm lăm của ông. Mái tóc đã điểm bạc gần hết và khuôn mặt hằn những nếp nhăn thấy rõ. Cha anh ngồi lặng, dường như trên khuôn mặt mang vẻ hiu quạnh ấy có những giọt mưa nối tiếp nhau đang chảy ngược dòng. Cha anh giờ như chiếc lá chuyển vàng ở cuống, nếu cơn mưa rào hôm qua trở lại thì có kìm hãm được phần vàng để phần xanh xanh lâu hơn không? Mà ai chả biết, mưa mùa hạn, hiếm hoi như vàng. Nhìn thấy em cha anh bảo: “Bên chỗ tuyển việc làm họ không chịu can thiệp. Duy phải quay về thôi cháu à.” Em chợt điếng người, chết lặng vài giây. Cha anh nói tiếp, câu chữ bò ra khỏi miệng đứt mất đuôi:

“Nguyên tiền vay đã là trăm triệu rồi. Giờ về lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất. Bác thương cháu nhiều chừng mô thì lại tức giận thằng con của bác chừng đó.”

Em như bị mắc nghẹn, giọng lạc cả đi:

“Anh Duy bảo ra làm ngoài kiếm tiền nhanh hơn, rất nhiều người họ đã làm như rứa và bảo cháu hãy yên tâm, nhưng nếu bị bắt thì chuyện chi sẽ xảy ra hả bác?”

“Người ta bảo nhẹ thì được tha và đuổi về nước, nặng thì...”

Cha anh buông lửng câu nói khiến em chơi vơi giữa một đống nghĩ suy đến điên loạn. Mưa mùa hè trút nhanh và ráo cũng nhanh nhưng dư âm của nó thâu vào đôi mắt em thì cứ sụt sùi ẩm ướt suốt. Em sẽ cố gắng giữ lòng mình không bị chênh chao, dù quả trứng đang nắm trên tay bị ung hoặc lỡ tay rơi xuống vỡ nát nằm bẹp dí trên mặt đất. Nếu tình hình bất ổn, xin anh hãy quay về. Chúng ta sẽ làm lại từ đầu trên chính mảnh đất của quê hương mình. Em sẽ đi buôn chuối nối nghề của mẹ. Anh sẽ cùng cha anh khai hoang đất để trồng rừng, trồng cao su, hồ tiêu. Chúng ta sẽ mua trâu, bò, dê,… làm trang trại như cha em. Sẽ dựng một ngôi nhà trên núi để đêm đêm nằm nghe gió hát. Còn khoản tiền vay ngân hàng, lần xuất đàn bò sắp tới em sẽ xin cha em giúp đỡ cho chúng ta mượn không lãi. Cha rất thương em, em nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi. Và em tuyệt đối không nhắc đến câu chuyện về quả trứng con gà thêm một lần nào nữa khi đứng trước mặt anh. Em đã nguyện suốt đời làm vợ hiền của anh và dâu thảo của cha anh rồi. Hãy tin em, tin vào tình yêu đang ngày một lớn lên để vượt qua tất cả khó khăn anh nhé!

Thực sự bây giờ có nằm xuống em cũng không thiếp liền được. Em nghĩ về những hạt mưa đang lơ lững giữa không trung và có thể đang náu mình đâu đó trên lá cây bụi cỏ. Em lo cho số phận của những hạt mưa quá chừng. Mà không lo sao được hả anh? Con người ta, mấy ai biết trước được khúc kết đời mình. Cũng như mặt trời ngày mai, không biết nó tròn hay méo, có bị áng mây đen nào án ngữ không. Ngay lúc này thì cảm thấy nhớ anh rất nhiều. Một nỗi nhớ chẳng lúc nào thôi rên xiết và trái tim nhỏ bé đang mở cửa đón cơn mưa đang rong ruổi nơi xứ xa. Rồi thì em biết, giấc ngủ cũng hờ hững đến khi toàn thân em đã mệt lả. Chỉ mong sao ngày mai, khi em mở mắt ra, hiện dần trong đôi mắt ngái ngủ là chiếc cầu vồng bắc qua con sông, bắc qua cái chòi trước nhà. Và anh và Ly đang ngồi vắt vẻo cười thật tươi trên chiếc cầu vồng ấy.

Đ.N.S

 

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• Hoàng Công Danh

B

ác tôi gọi điện từ Mỹ về bảo cháu cố gắng làm cho thằng Ben có một chút tâm hồn làng quê. Trời, gắn tâm hồn cho người ta tưởng dễ lắm sao. Nhưng đúng là các ông bà Việt kiều cho con về nước bao giờ cũng mong muốn con mình thấm được một chút hồn quê, hoặc chí ít là có một hình ảnh quê nhà sâu đậm. Xa thương, gần thường. Tôi thì lại mơ được đi Mỹ một lần chứ cái làng quê này có gì hay ho đâu. Ben nghe tôi nói, gật đầu bảo đúng là chẳng có gì hay ho, thế mà ba tao cứ đòi về Việt Nam.

Tôi chưa được gặp bác, chỉ thấy qua ảnh. Bác nói tình hình của bác giờ chưa về được, chỉ cho anh Ben về để biết quê cha đất tổ.

Ba mẹ tôi lo suốt mấy tháng chuyện sửa nhà cửa, chuyện giường chiếu chăn ga gối nệm. Ba tôi bảo thằng Ben nó ở Mỹ quen rồi, giờ về quê mình ngủ giường tre không tiện. Mẹ tôi mua sắm bếp ga nồi lẩu điện thay cho bếp rơm bếp củi. Nghe nói có anh chàng người Mỹ sang ta thấy nấu ăn bằng bếp củi khói xông nghi ngút thì hét toáng lên vì tưởng cháy nhà.

Sau bảy lăm bác tôi vượt biên vì biết ở lại thể nào cũng bị đưa đi học tập cải tạo. Mười năm qua Mỹ bác lấy vợ và sinh Ben. Tôi và Ben cùng tuổi, nhưng Ben là con bác nên tôi gọi bằng anh. Ben thì chỉ xưng ngang lứa. Mày với tao. You and I. Tiếng Anh nó như thế. Tao gọi mày như thế, cho tiện.

Chỉ ngày đầu gặp Ben, nghe cách xưng hô, tôi nghĩ ngay tới lời bác nhờ cậy. Có khi chỉ cần thay đổi cách xưng hô của Ben là đã giúp ông anh có một chút Việt Nam rồi.

Như Ben có được gọi là Việt kiều không. Ba mẹ Ben đều là người Việt nhập cư. Ben sinh ở Mỹ đăng ký quốc tịch Mỹ nói ngôn ngữ của Mỹ. Tiếng Việt của Ben có được là nhờ ba mẹ dạy cho. Hai bác muốn Ben nói giỏi cả hai thứ tiếng. Nhưng chịu, chỉ tiếng Anh là Ben nói như người Mỹ. Còn tiếng Việt anh nói được viết được, chừng đó, không hiểu cặn kẽ ngữ nghĩa.

Buổi chiều tôi dẫn Ben ra đồng làng chơi. Gió mát. Hương cỏ thơm thơm. Đang mùa gặt. Lúa chín vàng đồng. Đúng lúc đó bác tôi gọi điện về cho Ben, hỏi con đang làm gì ở đâu. Ben đáp con đang ở giữa đồng.

Ô hay quá, tả cho ba coi.

Đây, nó là thế này. Gió lạnh. Mùi gì hôi hôi như cỏ bị xe cán nhàu. Giữa đồng lúa có rất nhiều đường nhỏ ngập cỏ. Mấy người đàn ông không mặc áo gánh hai cái đống lúa to đùng.

Lặng một chút, bác tôi nói ờ hay quá, chụp cho ba vài kiểu ảnh phong cảnh ở đó đi. Ben bĩu môi, có gì đâu mà hay, nhếch nhác quá.

Nhưng nó là kỷ niệm với ba, cả tuổi thơ của ba như thế đó con.

Ben tắt điện thoại rồi quay qua tôi, bảo, ông già hoài cổ. Mày thấy không, sống ở Mỹ rồi mà con tư duy cũ rích kiểu đó.

Tôi dẫn Ben lên một cái gò cao, chỉ tay vào khối bê tông màu xám, bảo đó là cái lô cốt. Ben hỏi lại lô cốt là gì, mày nói cái đó bằng tiếng Anh đi. Tôi nói em không biết tiếng Anh gọi nó là gì nhưng chỗ đó hồi chiến tranh, lính chui vào bên trong chỉa súng ra bắn. Ben rùng mình, co rúm hai vai. Kinh thế. Kia. Kia nữa. Sao lắm cái lô cốt thế. Tôi cười bảo đã ăn nhằm gì, dấu tích chiến tranh rải khắp đất nước này.

Tôi kể cho Ben nghe thêm những câu chuyện chiến tranh. Nghe xong Ben nói mày có vẻ giỏi chuyện bắn nhau nhỉ. Tao thì chẳng biết gì về chuyện súng đạn. Tôi đáp em sinh ra khi chiến tranh kết thúc đã mười năm, đâu có cầm súng ngày nào, đó chỉ đơn giản là những câu chuyện trong sách giáo khoa lịch sử thôi. Ben lắc đầu, tao thì chẳng biết gì về chiến tranh ở Việt Nam. Tôi bất ngờ hỏi lại thế bác trai không kể cho anh nghe sao. Ben lại lắc đầu. Tôi hơi thất vọng. Ờ mà cũng đúng thôi, một người lính thất trận thì có công trạng gì mà kể.

Ben cãi ngay. Không phải đâu, bố tao không kể vì sợ tao nhiễm hận thù.

Tôi hỏi thế ba anh còn hận thù không.

Ben cười, làm sao tao biết ông già nghĩ gì được.

Em nghĩ là còn đấy anh Ben, vì nếu hết hận thù thì chắc bác đã về Việt Nam rồi chứ.

Ben lắc đầu, mày tò mò chuyện người khác làm gì. Kệ ông.

Ngừng ở chỗ này tôi kể cho Ben nghe một chuyện khác. Chuyện của hai ông già sáu chục tuổi hàng xóm nhà tôi. Hồi nhỏ hai ông là bạn bè cởi truồng tắm sông chăn trâu chọi dế cùng nhau. Lớn lên thì đi lính. Một ông lính miền Bắc, ông kia lính miền Nam. Vào chiến trường không gặp nhau không đối đầu nhau. Chiến tranh kết thúc họ lại trở về quê làm ăn lấy vợ sinh con. Lại sống bên nhau vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Thì đúng là không có chuyện gì xảy ra mà. Mãi đến đầu năm nay mới có xích mích đáng kể. Ông lính miền Bắc bị mất con gà, nghi cho ông lính miền Nam bắt trộm. Thế là to tiếng với nhau, bới tung lịch sử lính chiến ra. Ông này chửi ông kia là đồ phản động, quân cướp nước, nước còn cướp được huống chi là con gà.

Ben hỏi giờ hai ông đó sao rồi.

À, chỉ ngay hôm sau, hết giận lại làm lành, xin lỗi nhau uống rượu cùng nhau.

Ben bảo, vui nhỉ.

Ben kể ở bên đó thỉnh thoảng cuối tuần các ông bà Việt vẫn gặp nhau. Tiếng Việt của Ben khá ổn là nhờ những cuộc gặp gỡ của các ông bà ấy đấy. Họ rôm rả lắm, đủ chuyện ngày xửa ngày xưa. Chuyện trò chơi trẻ con chuyện hẹn hò hôn hít. Riêng chuyện bắn nhau thì không. Cũng có thể họ kể chuyện đó khi vắng mặt tao, Ben nói, như tao đã bảo đấy, họ sợ tao nhiễm hận thù.

Ba tôi dẫn Ben ra nghĩa địa làng thắp hương cho tiên tổ. Ba lẩm nhẩm khấn rằng thằng cháu đích tôn của ông bà đã về đây. Xong ba tôi nhủ Ben cúi đầu vái lạy. Ben chần chừ một lúc. Tôi phải cúi đầu làm mẫu để Ben lạy theo. Ben nói với ba tôi là ở bên đó cháu chưa bao giờ làm thế này. Ba tôi ậm ờ. Ừ, cũng đúng thôi, tổ tiên họ hàng ở đây cả, bên đó có phụng thờ cúng bái ai đâu.

Đi về qua một căn nhà hoang, ba tôi nói với Ben đó là căn nhà của cô Cúc. Trước đây, tức là trước bảy lăm, cô Cúc là người yêu của ba Ben. Hai nhà đã có cau trầu bỏ lễ, chưa kịp cưới thì bác tôi vượt biên. Ben phớt lờ mọi thứ, nhưng riêng chuyện này có vẻ anh để tâm nghe kể.

Ben hỏi thế cô Cúc ấy bây giờ ở đâu. Ba tôi bảo cô ấy chuyển đi khỏi làng lâu rồi, chả thấy tin tức gì, không biết còn sống hay đã mất nữa. Kể ra, nếu có chút thông tin thì vẫn hay hơn. Ben gật gật đầu nhẹ như hiểu ra được điều gì đó.

*

Ở được nửa tháng thì Ben phải quay về Mỹ, vé khứ hồi không thể nán thêm được nữa. Tôi tiễn Ben ra sân bay. Ben đã có chút buồn buồn như luyến tiếc, khác hẳn với kiểu lạnh lùng bữa mới về. Phải chăng nửa tháng hồi hương đã giúp anh nhiễm được chút mùi mẫn đồng quê. Hay đó chỉ là cảm xúc của con người ta trước khi phải rời xa nhau. Chia tay phải bịn rịn, chứ cười tươi rổn rảng quá coi chi được.

Tôi và Ben im lặng ngồi đợi làm thủ tục. Nửa tháng nay, thời gian không nhiều nhưng những gì cần làm, cần nói với Ben tôi đã gắng hết sức. Nhưng công lao của tôi xem ra như muối bỏ bể. Có cảm giác những câu chuyện của tôi về làng quê đều bị Ben bỏ ngoài tai. Những trò chơi dân dã tôi bày ra đều không thu hút được Ben. Ba tôi nói chắc là vì anh Ben sinh ra lớn lên ở bên đó, cuộc sống mỗi nơi một khác, như chim làm sao hiểu được đời sống của cá.

Trước khi chia tay, Ben ôm lấy tôi một cái thật chặt. Ben nói rỗng không, tạm biệt nhé. Được ba bước Ben quay lại bảo, à, mày với tao là anh em chứ nhỉ, thế thì, anh đi nhé. Lần đầu tiên ben xưng anh và gọi tôi bằng em. Dù đã tới lúc phải chia tay và không biết khi nào gặp lại. Nhưng chừng đó cũng khiến tôi cảm động.

*

Năm tháng sau, Ben gửi qua thư điện tử cho tôi những bức ảnh tiểu cảnh sân vườn do anh làm. Chỉ một góc vườn thôi nhưng Ben tạo ra được một quang cảnh đồng quê Việt Nam rất có hồn. Đồng cỏ xanh, con trâu cặp sừng dài, hai đứa trẻ con học bài dưới gốc cây bồ đề. Tôi nói với Ben là cảnh rất nên thơ, chính em đang ở Việt Nam đây mà cũng bất ngờ.

Ben kể bữa quay về Mỹ ba anh cứ bảo kể chuyện làng quê, mà Ben thì tiếng Việt không giỏi, không kể hay được, thế là anh bày ra làm mô hình. Ba anh rất thích, rủ thêm mấy ông bạn nữa đến xem, ai cũng trầm trồ khen và bảo xúc động khi nhìn thấy một mảnh quê Việt ở xứ này. Rồi các ông bà người Việt gọi Ben đến làm cho họ một cái trong nhà. Ben đã làm đến cái thứ chín và còn năm đơn đặt hàng nữa.

Bác tôi mừng lắm, gọi điện về cảm ơn tôi rối rít. Bác nói không ngờ thằng Ben lại thay đổi nhanh như vậy. Trước nó có nghề ngỗng gì ra trò đâu, làm chỗ này ba bữa chuyển sang chỗ kia dăm bữa lại bỏ. Giờ xem ra nó yêu nghề tạo cảnh này.

Một năm sau nữa thì Ben khoe đã có người yêu. Một cô gái Việt trăm phần trăm. Ba mẹ cô gái cũng thuộc diện được bảo lãnh di cư sang Mỹ.

Bác tôi nói không hiểu vì sao thằng Ben lại thay đổi nhanh như vậy. Trước đây nó chẳng hứng thú gì đến chuyện yêu đương, suốt ngày cặm cụi vào mấy cái đồ điện tử, máy tính. Thế mà giờ nó ra làm bạn với thiên nhiên cây cỏ, yêu đắm đuối một cô gái Việt, lại đòi phải cưới ngay. Bác cười khà khà sung sướng. Đấy, cái tư duy yêu rồi thì cưới là đích thị người Việt mình.

*

Ben nói chuyến này cưới xong anh sẽ về Việt Nam chơi lâu. Rồi Ben hỏi lại tôi một chuyện mà tôi từng kể cho anh nghe bữa về quê. Rằng hai cái ông lính miền Nam và lính miền Bắc tức nhau chuyện con gà ấy bữa nay còn sống vui vẻ với nhau không.

Tôi nói có chứ, chiều nào cũng thấy kê chõng tre uống rượu với nhau, xem ra rượu hàn gắn được tất cả.

Ben cười bảo không phải đâu, anh nghĩ là người Việt ta có thể bỏ qua cho nhau mọi thứ. Đấy, như ba anh và ba của cô người yêu anh, trước đây cũng ghét nhau tới mức xúc đất đổ đi, thế mà giờ thành thông gia.

Thế tại sao ba anh sợ gì mà bốn chục năm rồi không về quê, có phải là còn sợ hận thù? Tôi hỏi lại một câu xem ra hơi vô duyên và không hợp lúc này.

Nhưng Ben cười khoái chí. Ồ, mày cứ tò mò mãi chuyện này thì anh nói luôn. Ba anh không về là vì mẹ anh còn ghen mà thôi. Ghen. Với cái cô Cúc ấy đấy.

H.C.D

 


_________________________________________________
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 298, tháng 7 năm 2019
Ngày cập nhật: 17/7/2019
Bài cùng chuyên mục
Little Saigon...
Cô giáo hợp đồng...
Viện dưỡng lão...
Hương đàn bà...
Trên giá sách Cửa Việt
Tranh & Ảnh Nghệ thuật
Thống kê
Bài đăng : 11036
Người online: 23
Truy cập trong ngày: 23
Lượt truy cập
Quảng cáo
Giới thiệu Tạp chí số mới
Số 302 (11 - 2019)
Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Thông tin nội bộ | Hộp thư Tòa soạn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TẠP CHÍ CỬA VIỆT
Giấy phép số 183/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 12 tháng 7 năm 2018
Tổng biên tập: HỒ THỊ LIÊN
Tòa soạn và Trị sự: Số 128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị • E-mail: tapchicuaviet@gmail.com • Điện thoại: 0233.3852458
Copyright © 2008 http://www.tapchicuaviet.com.vn - Thiết kế: Hồ Thanh Thọ • wWw.htt383.com