Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nơi ấy ta bắt đầu

TRUYỆN NGẮN dự thi

 

 

T

ôi nhớ ai đó từng nhắc đến một câu ngạn ngữ: “Những thứ đã không thể làm bạn chùn bước thì nhất định sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn”. Điều đó thật đúng với chúng tôi, những đứa trò làng dưới mái trường cấp hai và cấp ba Vĩnh Linh năm nào.

Mỗi buổi sáng, tôi lại cùng đám bạn sáu đứa từ vùng quê nghèo đất đỏ đi bộ sáu ki-lô-mét đến trường. Để đến kịp giờ, chúng tôi phải di chuyển từ sáng sớm tinh mơ. Trên vai mỗi đứa đeo một cái túi vải đựng sách vở, bút, phấn, ngoài ra còn có cả nắm cơm bọc trong lá chuối. Hai anh em tôi thỉnh thoảng được mẹ trộn thêm thìa muối vừng trong cơm. Lam và Thắm còn có dép mặc. Xuân và Huấn thì không những đi chân trần mà túi đựng sách vở còn dùng chung. Chúng tôi vừa đi vừa nhẩm bài cũ, ấy thế mà đến nơi cũng vừa thuộc bài. Nhờ vậy, quãng đường chẳng thấy xa.

Trường cấp hai của chúng tôi ngày đó được lợp mái tranh với những vách tường trét bằng đất và rơm. Chúng tôi đón ánh sáng để học từ những cánh cửa sổ bằng tre. Những ngày mưa nền nhà nhớp nháp và trơn trượt. Có lần Huấn té ngã và phải mặc quần áo bẩn suốt buổi học. Vậy mà mỗi ngày đã trôi qua thật nhanh và chúng tôi đã quyết tâm vượt qua bao gian khó để cùng nhau lên lớp tám. Cổng trường cấp ba là mơ ước của tất cả chúng tôi ngày đó.

Lên cấp ba, sáu đứa không cùng học chung lớp nhưng vẫn đi học cùng nhau. Mỗi ngày chúng tôi đi học sớm để làm trực nhật. Tôi thích nhất là cùng bọn con gái hái những bông hoa dại ven đường mang đến cắm lên lọ hoa trên bàn thầy giáo. Mấy đứa con trai thì cắt cùi chuối từ thân cây chuối chắm vào nhọ nồi thi nhau lau cho tấm bảng đen nhánh để thầy in những nét phấn đều đặn, thẳng tắp. Thầy Huỳnh – thầy chủ nhiệm lớp chúng tôi năm ấy là giáo viên dạy môn Văn. Chiếc áo sơ mi thầy hay mặc trước đây hẳn là màu xanh nước biển nhưng giờ đã bạc thếch, vẫn còn vương vệt màu mờ mờ, có lẽ đã được giặt quá nhiều lần. Từ đầu năm học, thầy xuất hiện với vẻ mặt nghiêm nghị và tất cả đều nguyên tắc. Nghe bảo thầy trước kia là bộ đội nên tính thầy rất kỷ luật. Chưa một đứa nào dám đi học muộn từ khi học với thầy. Thầy không lớn tiếng nhưng khuôn mặt thô ráp đầy vết rỗ và giọng nói, ánh mắt dứt khoát của thầy đầy uy lực. Có lẽ sẽ chẳng bao giờ chúng tôi dám thân mật với thầy nếu như không có buổi nói chuyện ngày hôm ấy. Đó là một tiết sinh hoạt cuối tuần và trông thầy đầy tâm trạng. Cuộc nói chuyện của thầy không khác gì một bài diễn văn đầy tính nhân văn mà không kém phần hào hùng, trí tuệ mà gần gũi và còn đậm chất thơ. Thầy kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của những người lính quật cường trong kháng chiến chống Pháp, những tình cảm trong sáng, cũng như những hy sinh thầm lặng và ý chí bền bỉ trong ranh giới mong manh giữa mất và còn. Thầy còn kể về những kỷ niệm chiến đấu, nhờ sự dũng cảm và thông minh mà thầy cùng đồng đội đã bao lần thoát chết trong gang tấc. Thầy còn đọc những bài thơ về tình yêu đời lính, về tình yêu quê hương đất nước và cả những câu ca bông đùa trong những ngày chiến đấu gian khổ. Chúng tôi vừa thương vừa khâm phục hình ảnh những anh bộ đội ăn bo bo, sắn lùi hay mặc bụng đang đói meo vẫn xông lên bắn rơi máy bay giặc. Rồi giọng thầy chùng xuống, đứt nghẹn và trước mắt chúng tôi, hình ảnh một nữ du kích kiên cường trước những đòn tra tấn dã man của địch. Chúng không tiếc những gì tàn nhẫn nhất để hành hình với một người phụ nữ chỉ để chị khai ra căn cứ của quân ta. Chúng tôi đứa nào đứa nấy bặm môi, tay bóp chặt cảm nhận những cơn đau của chị khi quân địch dùng nẹp kẹp lấy những ngón tay, đóng đinh vào chúng và dùng dao cắt đứt những đầu vú… Xác chị bị chúng treo trên một thân tre đầu cổng làng, mái tóc dài xõa xuống hai bầu ngực bê bết máu. Và chiếc quần rách toe tua để lộ những vết roi nát thịt. Rồi giọng thầy ngưng lại, một dòng nước mắt trào ra từ khóe mi tràn xuống những vết nám, rỗ dày đặc trên gò má. Lần đầu tiên chúng tôi trông thấy thầy mềm mại, thả lỏng cảm xúc như thế. Bạn của thầy - Lê Thị Thỏn đã hy sinh như vậy, thầy tiếp, nhưng nụ cười kiên cường, kiêu hãnh ấy là bất tử.

Chúng tôi như bị bỏ bùa mê bởi những câu chuyện và cử chỉ, giọng nói, khí chất toát ra bên trong con người thầy. Một nét đẹp hiền hậu và vốn hiểu biết sâu rộng. Có lẽ thầy đã trải qua rất nhiều thăng trầm của cuộc sống và chiến tranh là những vết thương không bao giờ lành mà thầy luôn cố nén lại bên trong một vỏ bọc nghiêm nghị.

Chúng tôi càng thân thiết thầy hơn từ buổi đi thực tế lên miền núi phía tây khi được học bài thơ Lên miền Tây của tác giả Lưu Trùng Dương. Tôi còn nhớ những câu thơ căng tràn khát vọng tự do và sức sống mới của những con người lao động mới: Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng / Ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng / Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy/…/ Đây miền Tây núi rừng dang tay đón / Những con người sung sướng nhất trần gian / Là được lên đây đem sức lực căng tràn / Với sứ mệnh vinh quang vỡ đất…

Nam, đứa ngồi trước bàn tôi – thằng con trai chừng tuổi anh trai tôi. Mỗi ngày đi học, chúng tôi thường bắt gặp nó ở ngã ba cách trường khoảng hai ki-lô-mét với đôi chân trần, một cuốn vở trong tay và bút dắt sau tai. Có lẽ trong lớp nhà Nam là xa nhất, cách trường mười ba ki-lô-mét. Thế nhưng chưa bao giờ nó đi học muộn. Nó là đứa khá kỳ quặc, không phải bởi thân hình khô đét và mái tóc xoăn hay là đôi chân trần dính đầy bụi đất mà bởi tôi không hề thấy nó bắt chuyện với ai hay tham gia bất kỳ trò chơi nào cùng tụi con trai. Hơn một tháng sau, trong giờ Toán của thầy Bình, nó đã khiến cả lớp kinh ngạc khi đưa tay biện luận với thầy về cách giải một bài toán sao. Chính thầy đã phải gật đầu lia lịa công nhận khả năng toán học của nó khi chứng minh cách giải của nó là nhanh và gọn hơn. Chúng tôi tròn xoe mắt nhìn nó. Còn nó thì cặm cụi làm bài và chẳng bận tâm người khác nghĩ gì. Cái dáng loắt thoắt, cô độc của nó với đôi chân trần băng băng trên con đường đá sỏi thật khiến người khác mủi lòng.

Sau tiết sinh hoạt hôm ấy, thầy Huỳnh gọi Nam ở lại và đưa cho nó hai cuốn vở bọc bìa xi măng giống của chúng tôi. Tụi chúng tôi lấp ló ngoài cửa sổ và nghe giọng thầy rất ân cần: các môn học tự nhiên và các môn học xã hội em nên ghi vào hai cuốn vở khác nhau. Nam cảm ơn thầy rồi đưa tay từ chối: Em có làm được gì đâu mà thầy tặng quà cho em? Thầy Huỳnh thực sự bối rối, nếu nói vì gia đình Nam nghèo không có tiền mua sách vở thì dễ làm tổn thương nó quá, mà quả thực như Nam nói nó chưa có một thành tích nổi bật gì để được thưởng như vậy. Thầy đành cất hai cuốn vở vào cặp, một nét buồn loang ra trong đôi mắt thầy: Vậy khi nào em đổi ý thì bảo thầy nhé! Nam vội nói với theo khi thầy quay lưng ra cửa: Trong thời gian đợi đến cơ hội được nhận món quà ấy, thầy có thể xin cho em làm vệ sinh phòng thầy hiệu trưởng từ đây đến cuối năm luôn không ạ? Thầy nhíu mày thắc mắc cái lý do vì sao Nam lại xin được nhận hết phiên trực phòng thầy hiệu trưởng trong khi đó là một cực hình đối với những đứa khác, bởi thầy hiệu trưởng nổi tiếng quá nghiêm nghị, sạch sẽ và ngăn nắp. Vì những cuốn sách dày cộm trong tủ kính quá ư hấp dẫn thưa thầy, giọng Nam tha thiết đi thẳng vào trái tim người thầy tội nghiệp của chúng tôi. Thầy nở một nụ cười hiền hậu rồi liếc mắt về phía những đứa đang rình mò bên ngoài cửa sổ như nhắc nhở chúng tôi hãy học tập cậu bạn này. Thầy Huỳnh đã giúp chúng tôi hiểu hơn về hoàn cảnh của Nam. Bố mất sớm. Mẹ lại hay ốm đau. Vì thế, để đến trường, một buổi Nam đi học, một buổi đi làm thuê ở xưởng làm nhang trong vùng. Tối về lại phụ mẹ chăm mấy con lợn nái. Đó là lý do tại sao bàn tay nó cứ bị bong ra và khô sần, bởi thường xuyên phải nhồi bột cưa cùng với keo và bột thơm. Thứ bột bời lời ấy ăn vào các móng tay của nó khiến chúng cụt lủn, dơ dáy. Sáng nào đến trường, nó cũng dắt bút trên tai để đôi tay rảnh rang gỡ những miếng da dính đầy bột và vết chai sần bong rốp mỗi ngày. Có nhiều hôm chúng tôi trông thấy nó vừa đi vừa xâu những chiếc vỏ ốc be bé vào sợi chỉ mà đến sau này tôi mới biết đó là những công đoạn cho chiếc chuông gió sắc màu, vui tai mà nó treo trước mái hiên của ngôi nhà xập xệ.

Lần ấy Nam bị ốm dài ngày không đến lớp. Thầy Huỳnh mua rất nhiều bánh kẹo, đường và sữa cùng chúng tôi đi bộ mười ba ki-lô-mét về thăm nó. Trong căn lều ọp ẹp mái tranh đang bốc lên làn khói nghi ngút, một bà mẹ hom hem đang hì hục thổi lửa. Nam nằm trên chiếc chõng tre ở nhà trên, cũng không to hơn căn bếp là mấy. Mắt nó nhắm chặt, trán nóng rực và môi cũng đỏ lên vì sốt. Chúng tôi, chẳng ai bảo, mỗi đứa một tay chạy ra quét vườn, cắt chuối nấu cho lợn, canh nồi cháo cho mẹ Nam lên nhà tiếp chuyện thầy. Lát sau chúng tôi đỡ Nam dậy ăn cháo và uống thuốc do thầy Huỳnh mang đến. Lần đầu tiên tôi thấy Nam ngượng ngùng trước bạn bè, mồ hôi nó vã ra và mắt nó có thần sắc hơn. Tôi nhìn qua bàn học của nó, đúng hơn là một tấm gỗ gác trên hai viên đá vuông vắn. Những cuốn sách cũ kỹ được xếp gọn gàng trên đó. Mẹ Nam nói nó rất thích đọc sách. Vốn dĩ nhà không đủ điều kiện cho Nam đi học nhưng nhìn thằng bé quá ham sách và mơ ước sau này sẽ làm một thầy giáo để đem cái chữ về cho bà con xóm làng, không ai còn cầm ngược lá thư hay treo ngược tấm khẩu hiệu nữa, cho nên, tôi phải cố gắng chăm mấy con lợn và để thằng bé vừa đi làm thêm vừa đi học - người mẹ vừa dứt lời thì nước mắt cũng tuôn theo, giàn giụa trên đôi má gầy guộc. Tôi có thể tưởng tượng được mỗi buổi tối sau khi trở về từ chỗ làm thuê Nam đã học hành trong căn nhà tranh xập xệ ấy như thế nào. Nhà chỉ có mỗi một cây đèn dầu đủ cho hai mẹ con chen chúc một chỗ, người khâu vá, kẻ đọc sách. Nhưng tôi dám chắc rằng không gian chật hẹp và thiếu ánh sáng ấy không là vấn đề khi tâm trí nó thoát ra khỏi đó, bay ra khỏi bốn vách tường trét đất xiêu vẹo. Và nếu nó thực sự muốn trở thành một thợ làm nhang hay một người nông dân chân tay lấm bùn thì chặng đường mười ba ki-lô-mét đi bộ ấy đã đập tan quyết định đi học của nó từ lâu. Sách thực sự đã giúp nó quên đi những vất vả khó khăn của cuộc sống thường nhật.

Hôm sau Nam trở lại lớp. Tôi và Lam đã chép bài giúp nó cả tuần qua. Trong vở của Nam chỉ là những cái gạch đầu dòng, những công thức, định lý và những ý chính tinh gọn nhất. Dường như tất cả những kiến thức thầy cô giảng đã bị bộ não của nó nhanh chóng nuốt chửng. Nam cũng nói chuyện và tham gia những trò chơi cùng với bạn bè nhiều hơn từ hôm ấy. Thực ra Nam dễ gần hơn chúng tôi tưởng. Nó kiên nhẫn giảng cho chúng tôi những bài toán khó mà không hề tỏ vẻ khó chịu. Có lẽ giảng bài cho thằng Huấn là công việc vất vả nhất của nó, khi mà nó giảng đến đâu thằng Huấn gật đầu đến đó ra vẻ thông suốt ngọn ngành nhưng khi hỏi lại thì đôi mắt nó ngơ ngác. Buồn cười quá đỗi khi nó cố trố mắt nhìn Nam nhưng mắt nó lại đậu lên mặt tôi hoặc Lam. Nếu là tôi thì tôi đã gào lên và bỏ đi, nhưng Nam không như thế. Nó quá nhiệt tình với bạn bè.

Buổi sáng hôm đó, giờ Toán, thầy Bình cho chúng tôi ra sân tập đo đạc. Dưới tán bàng rợp mát, Nam ghé nói nhỏ vào tai tôi: Chữ bạn thật đẹp! Không hiểu sao câu nói đó của Nam cứ luẩn quẩn trong đầu tôi suốt mấy ngày liền. Bạn bè, thầy cô vẫn thường khen như thế nhưng lần này nó phát ra từ miệng Nam, một đứa ít nói và ít thể hiện cảm xúc ra bên ngoài.

Tôi bỗng thích làm thơ. Tôi ngắm nhìn những con chim chích bông màu xám tro rón rén sà xuống mấy nhành cây trứng cá ngoài cửa sổ lớp học. Từ tốn và xinh xắn, chúng bắt những con sâu đang bò trên cây. Không vội vã, không ồn ào, rồi chúng bay đi, cũng lặng lẽ như khi chúng đến. Tôi làm bốn câu thơ vào cuốn lưu bút nhỏ: Hỡi chú chim chích bông / Sao lặng lẽ không nói? / Nhón đôi chân bay vội / Để nhành cây tương tư… Thầy Huỳnh quắp ngón tay gõ nhẹ vào đầu tôi làm tôi giật mình như vừa ngái ngủ bị một cú đòn. Cả lớp cười. Đôi má tôi càng chín đỏ khi cái đầu tóc xoăn quay lại nhìn tôi cười tủm tỉm.

Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện sắp đến. Tuyến - soái ca của lớp chắc chắn vào đội tuyển chính thức của trường thi đấu môn bóng chuyền. Thảo và Bình muốn vào đội tuyển Toán. “Còn Nam?”, thầy Huỳnh nhìn nó với đôi mắt đầy mong đợi và lôi kéo. Cả lớp chúng tôi đều nghĩ Nam sẽ thi Toán nhưng không ngờ chính miệng nó bật ra: Em sẽ thi Văn, thưa thầy! Lúc này tôi thấy các dây thần kinh trên khuôn mặt thầy như được giãn ra, đôi mắt thầy cười hoan hỉ. Không hẳn vì không có ai trong lớp vào đội tuyển văn của thầy mà vì thầy nhìn thấy được tài năng văn học của Nam. Chỉ là đứa tóc xoăn này không thích thầy đọc mẫu những bài văn của nó trước lớp.

Giải nhất văn cấp huyện năm ấy đã chứng minh với chúng tôi rằng những đứa đọc nhiều sách ắt hẳn học giỏi. Tôi nghĩ nếu Nam thi Toán, nó cũng sẽ đạt giải. Và tất nhiên, vì lý do đem thành tích cao về cho lớp, Nam xứng đáng nhận món quà là hai cuốn vở từ thầy giáo chủ nhiệm. Thầy còn tặng nó rất nhiều sách. Đón những cuốn sách dày cộm, ố màu từ tay thầy, Nam không giấu nổi sự sung sướng. Dường như sách là món ăn tinh thần duy nhất của nó. Sách làm dịu đi những cơn khát chữ của nó. Có lần nó nói: “Tớ thèm sách!” và cả chúng tôi đều cười.

Buổi lao động chiều hôm ấy đã giúp tôi biết thêm về một loài hoa đặc biệt. Chúng tôi gánh phân từ nhà đi bộ đến trường để trồng cây tràm hoa vàng và bồn hoa trước cửa lớp. Tụi con trai ra sức đào đất, trổ luống cho con gái chúng tôi bón phân trồng những luống hoa loa kèn. Để kích thích sự tò mò và năng suất lao động của chúng tôi, thầy Huỳnh kể về loài hoa mà nghe tên cứ ngỡ một đội quân đi diễu hành, ồn ào và phô trương. Nhưng không phải thế, thầy giải thích, loài hoa này không rực rỡ, không ngạt ngào nhưng nó là loài hoa đẹp, đẹp theo lối giản dị, khiêm nhường, hương thơm nhẹ tỏa ra từ cánh hoa trắng muốt như mùi hương cô gái tuổi mới lớn trong tấm lụa nõn nà, dịu mát báo hiệu một mùa hè nữa đang đến. Sau buổi lao động, thầy lại mua kẹo cho chúng tôi ăn bằng tiền túi của thầy. Đám bạn chạy đến chỗ Lam giành kẹo, còn tôi cứ bần thần ngồi nhìn những thân cây thẳng đứng vừa mới được tưới một làn nước mỏng: quá trình chăm sóc để được nhìn thấy những đóa hoa xinh đẹp ấy hẵng còn dài… Một chiếc bóng trùm lên đầu tôi từ phía sau. Tôi ngẩng lên thấy Nam đang bẻ đôi thanh kẹo lạc còn lại và chìa một nửa về phía tôi. Tôi ngượng nghịu đưa tay cầm miếng kẹo. Nam thả miếng kẹo kia vào miệng tủm tỉm cười: Ăn đi! Đó chắc là miếng kẹo lạc ngọt nhất tôi từng ăn. Tất cả những kỷ niệm ấy đều được tôi ghi vào cuốn sổ lưu bút - đúng hơn là xấp giấy nhỏ được tôi tận dụng khâu lại, bọc bìa xi măng và trang trí bằng những bông hoa tự gấp từ vỏ pháo. Tháng hai chúng tôi bắt đầu trao nhau những cuốn sổ nhỏ tự tay làm để ghi lại những dấu ấn về nhau trong năm học qua, hoặc có thể là những câu thơ và câu nói nổi tiếng mà chúng tôi tâm đắc. Tôi dùng cơm dính chặt những tờ đã viết để không đứa nào đọc được những tâm sự thầm kín của mình. Lam đã viết cho tôi như thế này: “Bạn không phải là Hoa, bạn đích thực là một con bướm, một con bướm xinh xắn, sắc màu nhưng chính bạn cũng không nhận ra vẻ đẹp mà bạn đã mang đến cho thế giới này. Mỗi ngày đôi cánh bạn nhẹ nhàng vỗ cánh và miệng đầy mật ngọt…”. Tuyến đẹp trai đã vẽ một quả bóng và chú thích: “Bạn tròn trĩnh, đáng yêu như một quả bóng.” Cậu ấy thật khéo tả. Tôi không rõ Nam viết vào cuốn sổ của tôi từ khi nào: “Bạn tươi rói như đóa huệ tây trên đỉnh Himalaya, rướn thẳng người hệt như thân cây của loài hoa xinh đẹp ấy.” Tối về mở cuốn sổ ra dưới ánh đèn dầu vàng vọt, những lưu bút của Nam hiện ra thật bất ngờ. Sau này hỏi ra tôi mới biết huệ tây là tên gọi khác của hoa loa kèn. Tôi càng mong chờ đến hè để được trông thấy vẻ đẹp mượt mà, tươi tắn của loài hoa mà cả thầy Huỳnh và Nam đều ca ngợi.

Nhưng cái mùa hoa loa kèn chưa kịp đến thì tin dữ ập tới với ngôi trường của chúng tôi. Buổi chiều hôm ấy lớp chúng tôi không có tiết học. Đó là một buổi chiều định mệnh năm 1965 khi 82 lượt máy bay Mỹ rải bom xuống trường và làm chết tám học sinh cùng một thầy giáo. Trường học bị tàn phá không còn gì ngoài xác bom và máu. Sự mất mát ấy càng làm cho nỗi gian truân của những con người sáng lập và giữ gìn ngôi trường tăng thêm gấp bội. Nhưng rồi chiến tranh tàn khốc không thể làm cho thầy và trò chùn bước, họ vẫn tiếp tục dũng khí theo đuổi ước mơ lớn lao dành cho giáo dục. Một thời gian sau, trường được chia làm ba phân hiệu đưa về ba khu vực. Tôi không biết khi ấy ai còn, ai mất và ai tiếp tục cuộc hành trình chinh phục tri thức. Ngày ngày máy bay giặc nhả khói hú ran cả vùng trời. Lam và gia đình nó đã phải chết tức tưởi ngay trước cửa hầm, chưa kịp đến chỗ ẩn nấp. Vậy là tôi và bốn đứa còn lại đành nghỉ học ngang đó vì khó khăn thời cuộc.

Nghỉ học, tôi tham gia dân quân và ba năm sau được thầy Lê Anh nhận vào lớp nhạc. Thầy đã cho tôi tham gia cùng đoàn văn công lưu diễn khắp đặc khu Vĩnh Linh. Chúng tôi mang những lời ca trong trẻo, đầy nhiệt huyết tuổi trẻ đến phục vụ bà con để cổ vũ tinh thần chiến đấu và sản xuất của quân và dân nơi mãnh đất lũy thép anh hùng trước cuộc chiến một mất một còn.

Một lần đi lưu diễn tôi được gặp lại thầy Huỳnh. Nắm tay thầy bịn rịn tôi không nói nên lời. Thật mừng khi thầy vẫn còn sống khỏe mạnh và giữ vững tâm thế lái đò đầy gian khổ. Khi thầy ngậm ngùi nhắc đến Tuyến, đứa học trò gia đình khá giả nhất lớp đã vào bộ đội và hy sinh anh dũng trên mảnh đất quê hương, tim tôi như thắt lại, một cảm giác đau nhói xót thương cho người bạn cũ. Hình ảnh chàng cầu thủ bóng chuyền cao lớn, bảnh trai, niềm tự hào của lớp tôi ngày nào bỗng nhòa đi mờ nhạt không phải vì tôi đã quên mặt cậu ấy mà vì đôi mắt tôi nhòa lệ. Thầy còn kể có nhiều bạn đã nghỉ học, nhiều bạn vẫn theo đuổi và giờ đã ra Bắc tiếp tục con đường chinh phục ước mơ, trong số đó có Nam. Nam lúc ấy đã là sinh viên trường đại học tổng hợp văn Hà Nội. Tôi mỉm cười: “Mừng cho bạn ấy!” Cuốn lưu bút cũ kỹ lâu lâu tôi vẫn mở ra xem và tự nhủ: những ký ức này chỉ mãi là những hoài niệm đẹp đẽ của một thời học sinh khờ dại, trong sáng. Những khóm hoa huệ tây trước lớp đã không bao giờ có thể trổ bông để tôi được một lần nhìn thấy vẻ đẹp tinh khiết, dịu dàng của loài hoa ấy.

Có một lần tôi xin thầy Lê Anh được hát bài “Dòng sông tuổi nhỏ”, một nhạc phẩm Pháp, lời của của Vũ Xuân Hùng. Trong đó có câu: “Những thân yêu trong mười năm bé lại / Bỏ tôi đi tựa mùa xuân cũ / Búp bê xinh ngày xưa nát rồi / Riêng còn sót một giọng hát thôi / Ngày mới lớn…” Và còn nhớ buổi chiều lớp tôi về thăm Nam hôm ấy: “Những con chim bên bờ sông êm đềm / Hát cho nghe bài ca phiêu lãng / Rất thơ ngây nào tôi biết gì / Khi chợt thấy người ngồi lắng nghe…” Đó là một nhánh sông nhỏ ngay bên nhà Nam. Sau khi ăn cháo và uống thuốc, Nam cảm thấy tốt hơn và ra sông nhìn chúng tôi vớt bèo cho lợn. Những con cá nhảy nhót bơi lội tung tăng làm cho mặt nước gợn những làn sóng nhỏ mềm mại. Vài chú chim sâu gấp đôi cánh nhỏ xíu đậu xuống bờ ruộng thỏa thích bắt mồi. Lúc ấy, tôi đã ngẫu hứng hát một đoạn trong bài hát “Con sông quê” mà thầy dạy nhạc đã dạy chúng tôi trước khi môn học này bị ngừng. Tụi bạn đã vỗ tay theo tán thưởng trong khi Nam vẫn ngồi ngắt mấy cọng cỏ khô, miệng cười chúm chím.

Mỹ tuyên bố ngừng ném bom và rút quân. Quân dân Vĩnh Linh vỡ òa trong sung sướng bởi lẽ những ngày tháng ăn, ở, học hành dưới lòng đất sẽ chấm dứt. Từ nay, ánh sáng mặt trời sẽ luôn tươi sáng trên nền trời xanh quê hương tôi. Đoàn chúng tôi được cử về làm mương thanh niên ở một xã vùng đông, ấy là quê của Nam. Bao giờ cũng thế, dù cuộc sống có vất vả cỡ nào, những buổi lao động không bao giờ thiếu tiếng hát và nói cười. Tôi mường tượng về một thảm ruộng xanh rờn thẳng cánh cò bay và nụ cười của các bác nông dân rạng rỡ, yên bình.

Từ trên đường cái, một chiếc xe đạp dừng lại, có anh chàng dáng vẻ phóng viên đang cầm máy ảnh và sổ tay bước về phía chúng tôi. Những đứa con gái trong đoàn cười reo chạy đến vây lấy anh phóng viên đội mũ cối màu rêu. Thắm chạy đến túm tay tôi kéo đi: “Anh này muốn thu âm tiếng hát trên công trường đấy. Mày hát hay, hát đi!” Cả đám giãn ra cho tôi bước vào. “Ơ, Nam!”, tôi tròn xoe mắt nhìn vào đôi má đang ửng lên của chàng phóng viên trẻ trước mặt. Nam cũng nhìn tôi không chớp mắt. Rồi sau những phút bùi ngùi không biết nói gì, đám bạn giục tôi hát cho Nam thu âm. Tôi đã hát bài hát “Xa khơi”, sáng tác của Nguyễn Tài Tuệ. Những câu hát mộc không nhạc đệm ấy bỗng cao vút giữa cánh đồng mênh mông bến nước:

Ôi mênh mông sóng xô ru thuyền ta xa bờ

Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ

Thuyền ra khơi xa đưa nhịp chèo nối liền

Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền

Ơi phong ba lướt xô mái chèo ta xa bờ

Phong ba sóng cồn lòng ta luôn vững bền

Kề vai bên nhau nắng biển cùng mưa nguồn

Kề vai bên nhau em kề bên anh thương…

Hai hôm sau, đang gánh nước về đến ngõ, chàng phóng viên trẻ ấy đã giữ quang gánh tôi lại và xòe ra một bó hoa huệ tây. Những đóa hoa trắng muốt đẹp hồn hậu trước mắt tôi như chính khoảnh khắc gặp lại ấy. Nam đưa tay bụm một ngụm nước đưa lên miệng uống. Nước giếng quê mình mới ngọt lành làm sao!

N.D.H

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGÔ DIỆU HẰNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 299 tháng 08/2019

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/03

25° - 27°

Mưa

22/03

24° - 26°

Mưa

23/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground