Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Duyên Quảng Trị


TRUYỆN NGẮN dự thi

 

 

N

ghỉ hưu, tôi có điều kiện đi đó đây. Tỉ phú thời gian, chẳng phải bức bách gì về ngày đi, ngày ở nữa. Nhanh chậm, lâu chóng đều do mình. Nói theo bọn trẻ bây giờ là “thích thì nhích”. Thế thôi. Bởi vậy, lần này vô Nam thăm nhà cửa, xem mặt bạn gái của thằng con trai tôi, xúc tiến để lo vợ cho nó, tôi tranh thủ du ngoạn luôn một thể. Hơn ba chục tuổi, giục mãi rồi, đến giờ con trai tôi mới chịu để tôi làm việc này. Tức với nó lắm cơ. Ở gần chẳng bén duyên cho lại đi yêu người mãi tận Quảng Trị. Từ Phú Thọ vào đó có gần đâu? Sáu bảy trăm cây số chứ ít gì? Nhưng mà… kể cũng hay. Vùng này lại đúng vùng bố tôi hoạt động hồi đánh Mỹ.

Tôi đi trước cả tuần, vào Tây Ninh thăm bạn cũ cùng công tác ngày trước. Từ lâu tôi đã ước được một lần đến đây để thăm núi Bà Đen, thăm tòa thánh Tây Ninh, thăm Trung ương Cục miền Nam cùng nhiều địa danh nổi tiếng khác của tỉnh này. Hồi công tác, tôi cũng đã đi khá nhiều nơi. Riêng Tây Ninh, tôi mới chỉ ghé qua, chưa lưu lại được lâu. Bạn tôi thì tha thiết mời vào. Thế nên, nhân thể công việc gia đình tôi quyết quá bộ vào thăm luôn.

Lượt về tôi quyết định đi tàu hỏa. Đúng 5 giờ chiều, tôi lên tàu. Đoàn tàu khoảng hơn chục toa. Toa nào cũng sạch sẽ, thoáng mát, lịch sự. Chẳng như thời bao cấp, chiến tranh năm xưa. Sau ít phút, một hồi còi kéo dài. Tàu chuyển bánh. Tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray nghe ken két. Tôi mua vé giường nằm. Loại toa 4 giường, có điều hòa. Do chưa có kinh nghiệm nên khi cô bán vé hỏi bác mua tầng 1 hay tầng 2, tôi lại mua tầng 2. Thì cứ nghĩ nằm ở trên cho bình an. Nào ngờ, vào toa rồi tôi mới biết. Phải leo lên giường. Phải cúi lom khom sửa soạn chỗ. Trên đó rất dễ bị cộc đầu, khó cựa quậy. Chỉ có thể ngồi được thôi. Muốn quan sát bên ngoài thì chịu. Tường toa tàu đập ngay vào mắt. Cái loa lại ngay đầu giường. Nó ọ ẹ nghe lúc được, lúc mất. Tôi tặc lưỡi. Thôi, rút kinh nghiệm lần sau, lần này chấp nhận vậy. Khoang giường mà. Người ta thiết kế thế để nằm chứ có phải để ngồi ngắm cảnh đâu?

Tôi vừa rọ roạy dọn chỗ ngả lưng xong thì cửa toa bật mở. Ngó xuống, một người đàn ông chạc tuổi tôi đeo ba lô bước vào. Ông ta quân phục gọn gàng. Dáng người đậm. Da hơi đen. Cởi cái ba lô ra khỏi lưng, ông ta vứt đánh uỵch vào góc giường. Tôi quen mồm như ở nhà, từ giường trên chào với xuống, hỏi một câu hơi bị vô duyên:

- Bác đi toa này à?

Ông ta thoáng giật mình, ngẩng lên. Thấy tôi, ông đáp:

- Vâng. Chào ông.

- Bác về ga nào thế?

- Quảng Trị - Ông ta đáp nhát gừng.

- Vậy hả? - Tôi reo lên - Em cũng về Quảng Trị. Chắc bác quê ở đó hả?

- Sao ông biết?

- Thì em nghe giọng bác nói mà.

- Ông tài thật đấy. Thế còn ông? Ông về đâu?

- Em quê Phú Thọ. Đi chơi trong này. Trên đường về em cũng ghé thăm Quảng Trị đấy. Lúc nào đến, bác ới em câu nha?

Tôi tuồn tuột nói. Ông khách gật đầu:

- Yên tâm đi. Ông cứ làm giấc đẫy, tối mai khắc đến.

Vừa nói, ông ta vừa cởi giày, sắp xếp ba lô, hành lý, dọn dẹp chỗ nằm. Thấy vậy, tôi không hỏi thêm gì nữa, nằm nghiêng co ro quan sát phía dưới. Nhân viên tàu đi qua nhắc nhở chúng tôi khép cửa vì tàu đang mở điều hòa. Qua ga nữa, phòng tôi vẫn chỉ có hai người. Tôi giường trên. Ông ba lô giường dưới. Ông này đốt thuốc lá liên tục. Cứ hết điếu này, ông ta lại đốt tiếp điếu khác. Mặc phòng điều hòa, ông cứ hé cửa ra để hút. Tôi dị ứng với khói thuốc lá nhưng ngại không dám nói, đành quay mặt vào trong.

- Sao tận bây giờ anh mới vào đây?

Bất chợt giọng ông ba lô cất lên. Tôi ngoảnh đầu ra và trả lời:

- Tại em bận quá bác ạ.

- Anh không nhớ kỷ niệm những ngày đó à? Chấm hỏi. Thời chiến tranh, mọi người thương nhau lắm phải không anh?

- Vâng - Tôi lau tau đáp - Đúng thế bác ạ!

- Cánh anh Hảo, anh Hưng cứ nhắc anh mãi. Chấm. Cô trò chúng em dưới này cũng gặp các anh ấy rồi đấy. Chấm. Thi thoảng, chúng em vẫn nhìn thấy anh mà không làm sao gọi được. Chấm. Thế là sao hả anh? Chấm hỏi.

Ngạc nhiên quá, tôi thò hẳn đầu ra ngó xuống. Ông ba lô đang ngồi dán mắt vào cái điện thoại. Ống nghe cắm vào hai tai, dây dợ loằng ngoằng. Miệng ông phì phèo điếu thuốc lá. Đầu điếu thuốc đỏ lừ. Màn hình chiếc điện thoại sáng trưng. Những con chữ hiện lên nhấp nháy. Giời ạ! Thì ra ông ấy đang nói với ai đó trên điện thoại. Thế mà mình bắt chuyện từ nãy đến giờ. Đúng là vô duyên quá thể. Thảo nào, ông nói gà bà nói vịt là phải.

Bực mình, tôi lại quay mặt vào trong. Hai tay bo đầu vừa tránh khói thuốc lá vừa khỏi phải nghe cái lão hâm này lảm nhảm. Tàu vẫn xình xịch chạy đều đều. Bồng bềnh, lắc lư như đưa nôi ru ngủ. Vậy mà tôi không sao chợp mắt được. Thì mới hơn bảy giờ tối. Ngủ sao được? Những hình ảnh chuyến thăm bạn vừa qua như những thước phim sống động cứ hiện lên trong đầu. Tuy nhiên, chèn vào đó là những câu nói của ông bạn đường kỳ lạ bên dưới. Ông ta là ai, làm gì mà mê mải với chiếc điện thoại vô hồn ấy nhỉ? Cứ nghe ông ấy nói thì cũng lỗ mỗ hình dung ra được câu chuyện rồi. Nhưng mà sao lại thế? Thi thoảng, tôi lại ngoái xuống xem. Ông ba lô vẫn say sưa ở tư thế đó. Chẳng lẽ cứ nằm co ro mãi ở đây mà nghe ông ta tra tấn mình? Đúng là thằng hâm. Thôi, tụt xuống, ra đứng ngoài hành lang ngắm cảnh đêm phương nam vậy. Mất tiền vào đây mà lại nằm co trên trần tàu thế này à?

Thấy tôi thò chân xuống, ông ba lô lặng lẽ nhìn tôi nói:

- Ông xuống tầng dưới nằm cạnh giường tôi cho vui.

- Vé em tầng trên cơ bác ạ - Tôi nhỏ nhẹ đáp.

- Vẽ. Có quái ai đâu mà lo.

Ông ta chủng chẳng rồi lại chúi mặt ngay vào chiếc điện thoại.

Đẩy cửa, tôi bước ra ngoài. Trăng sáng vằng vặc. Đêm tĩnh mịch mênh mông. Tàu chạy băng băng. Gió hạ thổi tới mát rượi. Tôi vươn vai dang hai tay đứng vịn vào thành tàu thả tầm mắt ra xa. Đẹp. Đẹp thật. Không khí trong lành quá. Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác lâng lâng trên chuyến tàu đêm như đêm nay. Cây cối bỏ lại phía sau. Cánh đồng xoay quanh trước mặt. Sao, trăng đuổi nhau trên trời. Nhịp tàu xình xịch. Gió nội, hương đồng mơn man. Những đoạn cua sát biển mới tuyệt chứ. Bên biển, bên núi cứ rờ rỡ dưới trăng. Đến lúc này tôi mới thấy mình chọn đi tàu hỏa là đúng. Lãng mạn và nên thơ quá.

- Ôi trời! Trăng đẹp quá! Ông cũng không ngủ được à?

Có tiếng người hít hà phía sau. Quay lại, tôi đã thấy ông ba lô đứng lù lù sau lưng. Miệng ông phì phèo điếu thuốc lá.

- Xin lỗi ông nhé - Ông ta nói tiếp - Tôi đã làm ông mất ngủ.

- Không sao - Tôi đáp - Em cũng muốn ra đây ngắm cảnh tí bác ạ. Bác vừa nói chuyện về nhà hả bác?

- Ồ không! Tôi… tôi viết văn ấy mà!

Ông ba lô có vẻ hơi ngượng ngập. Sau đó thì ông bộc bạch:

- Chả giấu gì ông, xin tự giới thiệu, tôi là Nguyễn Ngọc Chí, mới theo nghiệp viết văn. Trước đây, tôi là lính chiến đánh nhau với bọn Pôn Pốt năm 1977 tại biên giới tây nam. Ở An Giang đó ông ạ. Tôi vừa trở lại thăm chiến trường xưa. Mấy chục năm rồi. Nhiều câu chuyện xúc động quá giờ mới đủ độ lùi cảm nhận hết để viết. Thế nên, tôi tranh thủ ghi lại kẻo về lại quên mất. May mà thời đại bốn chấm không, có cái điện thoại thông minh. Tiện quá ông ạ. Nó chuyển lời thành chữ ngay cho mình. Tha hồ mà tốc ký sáng tác.

Tôi tròn mắt nhìn ông ba lô. Thì ra đây là nhà văn Nguyễn Ngọc Chí. Tôi đã đọc ông này nhiều trên tạp chí Văn nghệ Quảng Trị và các báo đài trung ương rồi. Thảo nào, ông ta say mê thế. Hai tay tôi nắm chặt tay ông Chí:

- Bác là nhà văn Nguyễn Ngọc Chí? Em đọc bác nhiều rồi. Không ngờ đêm nay em lại được gặp bác. Hân hạnh cho em quá.

- Có gì đâu ông. Vậy là ông đã đọc tôi. Cảm ơn ông nhé. Ta vào phòng ngồi uống nước trò chuyện đi. Tôi có mang cà phê pha sẵn đây. Vừa nhâm nhi vừa nói chuyện cho hết đêm luôn.

Nói đoạn, ông Chí kéo tôi vào phòng. Hai chúng tôi ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn con bên cửa sổ. Vừa ngắm được cảnh bên ngoài, vừa tha hồ tâm sự. Ông Chí lấy cái nắp phích nước du lịch của Hàn Quốc và cái cốc nhựa nữa, ấn nút phích rồi chắt cà phê ra. Mùi cà phê nóng tỏa ra thơm phức. Theo phản xạ, tôi hít hà. Công nhận lão này có kinh nghiệm đường trường.

- Đi xa, tôi cứ chuẩn bị sẵn thế này, thích lúc nào thì uống. Pha một thể, nóng hôi hổi, nhâm nhi hay lắm. Nghiệp viết của tôi cứ phải vậy ông ạ. Nào. Mời ông?

Vừa nói, ông Chí mở gói kẹo bibica ra.

- Thức đêm, uống cà phê, hút thuốc lá, nhấm nháp cái kẹo này hợp lắm. Không gì bằng đâu. Tỉnh táo phải biết.

Bóc bao thuốc mới, ông mời tôi. Tôi giơ tay gạt đi.

- Em không hút thuốc lá bác ạ. Cảm ơn bác.

- Vậy hả? Thế thì thông cảm cho tôi nhé. Tôi cứ phải có điếu thuốc thì chữ nó mới ra được. Ngày phải hai bao đấy. Nhưng không nghiện đâu.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông thanh minh tiếp:

- Đúng thế đó. Tôi không hút như người ta đâu. Họ rít lấy rít để, cho khói vào sâu trong phổi. Thậm chí nuốt hết chẳng còn tí khói nào thở ra nữa. Hút kiểu ý là chết. Còn tôi, hút theo thói quen. Rít khói đầy mồm lại phả ra. Cấm có sợi nào qua nổi cuống họng của tôi. Nhưng mà vẫn cứ phải hút. Không hút nhạt mồm lắm. Người bần thần ra ấy. Gọi mãi chữ nó chẳng về. Thế nên, cùng phòng, ông cố chịu đựng đêm nay giúp tôi nhé.

Ông Chí bộc bạch như hối lỗi. Ông cởi mở, hoạt ngôn, khác hẳn lúc mới gặp chiều tối. Thấy ôngvậy, tôi cũng mạnh dạn gợi chuyện:

- Sở thích của mỗi người mà bác. Cho em hỏi khí không phải, vừa rồi bác có nói là đi thăm chiến trường xưa, gặp lại câu chuyện cũ có nhiều chi tiết hay, bác có thể tiết lộ cho em biết được không?

Như khơi đúng mạch cảm xúc, ông Chí lặng đi giây lát rồi bắt đầu kể.

- Tôi nhập ngũ cuối năm 76. Huấn luyện xong, đầu 77 thì hành quân vô An Giang, ra luôn biên giới. Dạo đó, bọn Pôn-pốt ngày đêm lấn chiếm. Chúng pháo kích sang, rồi xua quân tràn qua càn quét đốt phá, cướp giết dân mình. Đơn vị tôi chốt chặn một đoạn đường biên khoảng năm cây số. Phương châm vẫn là bảo vệ, giữ gìn, tránh đụng độ để cấp trên giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình. Thế nhưng, bọn chúng thì trở mặt, chủ động lấn chiếm. Một hôm, trung đội tôi đang tuần tra phía bắc thì bọn chúng tràn qua phía nam. Chúng đốt phá toàn bộ nhà cửa của dân. Ba chiến sĩ trực của chúng tôi là Hưng, Hảo, Long đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi hy sinh. Đau thương nhất là chúng tàn sát cả một lớp học. Tất cả là hai mươi lăm cô trò. Cô giáo Thủy năm đó mới hai mươi tuổi, đẹp người đẹp nết, hát hay lắm ông ạ. Tôi phải lòng cô ấy đấy. Khi trung đội quay về thì toàn cảnh cuộc thảm sát hiện ra trước mặt. Chúng tôi lặng đi. Căm thù lên tột độ. Ai nấy đều hứa sẽ trả nợ mối thù này. Lần này vào, tôi lấy thêm tư liệu để viết. Mạch cảm xúc trào dâng, tôi đắm chìm vào câu chuyện là thế. Ông thông cảm cho tôi nhé.

Nhấp ngụm cà phê, ông Chí có vẻ rất xúc động. Tôi chia sẻ:

- Ác liệt quá! Dã man quá! Mới đó mà đã mấy chục năm rồi. Bác vào vẫn nhận ra chốn cũ chứ.

Ông Chí lắc đầu:

- Khác. Khác xưa nhiều lắm. Chẳng nhận ra đâu nữa ông ạ. Nông thôn mới rồi. Tôi đến thắp hương ở bia tưởng niệm các liệt sĩ và đến bia căm thù để thêm một lần khắc sâu tội ác của bọn Pôn-pốt. Cô giáo Thủy nếu còn thì biết đâu quê hương thứ hai của tôi sẽ chẳng ở trong này? Tiếc thương quá ông ạ.

- Chiến tranh mà bác - Tôi an ủi - Đành chịu vậy. Cũng là duyên số đấy.

- Thế còn ông? Mải chuyện của tôi mà chưa hỏi chuyện ông? Ông có đi bộ đội không? Trông ông trắng trẻo nhàn hạ thế này thì chắc gì?

- Ấy, ấy… - Tôi xua tay - Bác đừng có đùa em. Năm năm đấy. Lính 78 đến 82 đây. Bác đánh phía nam thì em chiến phía bắc. Cũng ra trò nha. Nhưng mà may, em không hề hấn gì. Còn bác, chắc là thương binh?

Ông Chí gật đầu:

- Hạng ba. Bị vào chân. Vẫn còn gáo và đôi tay lành lặn. Ra quân về ở nhà vẫn cày bừa làm nông tốt. Chục năm nay mới đốc chứng ra viết lách. Viết để trả nợ cuộc đời ông ạ.

- Vậy là bác hơn em ở cái đoạn viết lách. Em thì bộ đội xong, chuyển ngành ra ngoài. Công tác mãi tới năm rồi thì nghỉ hưu.

- Này, tôi hỏi thật ông nhé? Ông bao tuổi mà cứ bác bác em em mãi với tôi thế? Mấy cháu nội ngoại rồi?

- Em hả? Tuổi con gà, 57. Ba con. Gái đầu, hai trai sau. Hai ngoại. Một nội. Thằng út ba mươi rồi chưa chịu lấy vợ.

- Vậy là ông hơn tôi hai tuổi. Thế mà cứ bác bác em em mãi.

- Quê em cứ xưng hô với nhau vậy bác ạ - Tôi nhỏ nhẹ.

- Ông sướng hơn tôi, nếp tẻ, nội ngoại đủ cả - Ông Chí tiếp tục - Thế thì còn gì bằng. Tôi có hai gái thôi. Biểu quyết, tôi toàn bị thiểu số. Nhưng được cái luôn là đẹp trai nhất nhà. Mới xây dựng được một đứa. Hai ngoại rồi. Đứa thứ hai dạy học, chưa đứng số, chưa lấy được chồng. Năm nay cũng 26 rồi. Thế con trai bác làm gì, ở đâu, bảo nó vào tôi gả con gái cho. Bộ đội hả? Lính tráng với nhau cả. Câu nệ gì. Mà nói để ông biết nhé, không phải con hát mẹ khen hay đâu. Đứa thứ hai nhà tôi là được lắm đấy. Xinh đẹp giỏi giang phết. Thế mà bao trai làng đến nó chẳng đồng ý đưa nào mới tức chứ.

Ông Chí xởi lởi dốc bầu tâm sự chẳng ý tứ gì cả. Tôi cũng vui lây.

Tôi kể sơ qua cho ông ấy biết về thằng con trai út của mình. Ba mươi tuổi. Thượng úy hải quân. Lính đảo Cồn Cỏ. Chuyến này tôi vào thăm đơn vị nó và giục nó lấy vợ. Nghe tới đó, ông Chí vồ vập luôn:

- Cồn Cỏ hả? Con gái tôi dạy mẫu giáo ngoài đảo đó đó.

- Vậy hả? Biết đâu mình có duyên với nhau bác nhỉ?

Tôi còn kể thêm bố tôi có thời ở mãi khu giới tuyến Vĩnh Linh, “cơm bắc, giặc nam” đánh Mỹ. Từ anh lính Điện Biên, cụ trưởng thành là sĩ quan chỉ huy một đơn vị. Địa bàn này, bờ bắc sông Hiền Lương, bố tôi thuộc như lòng bàn tay. Mùa hè đỏ lửa năm 1972, cụ dẫn quân tiến sâu vào mặt trận Quảng Trị. Ác liệt vậy mà cụ vẫn sống được trở về thì đúng là một kỳ tích.

- Thế hả? Cụ vẫn khỏe chứ? - Ông Chí sốt sắng hỏi.

- Bố tôi mất hai năm nay rồi! Cụ thọ 85 tuổi bác ạ.

Nghe vậy, ông Chí ngồi thừ ra. Đoạn, ông nói:

- Chia buồn với ông nhé. Còn tôi các cụ cũng đi cả rồi. Mẹ tôi mất do bị bom Mỹ thả. Làng tôi trận ấy mất cả chục người. Bố tôi thì dân quân đi biển cũng bị pháo Mỹ câu trúng tàu. Thời chiến tranh, tôi mới 9, 10 tuổi nhưng cũng đủ cảm nhận độ ác liệt của nó ông ạ.

- Quảng Trị mà. Tọa độ lửa của cả hai phía. Tỉnh này nhiều nghĩa trang nhất cả nước có phải không bác nhỉ?

- Chính xác. Ông nên ở lại đi thăm tỉnh tôi để thấy sự ác liệt của cuộc chiến và sức mạnh quật cường dũng cảm của quân dân quê tôi. Thành Cổ Quảng Trị, nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, nhà tù Lao Bảo, địa đạo Vĩnh Mốc, cầu Hiền Lương, rồi Khe Sanh, Gio Linh, Ái Tử… chỗ nào cũng dày đặc dấu tích chiến tranh.

- Vâng. Em cũng hiểu. Để em bàn với cháu sắp xếp bác ạ. Cũng muốn lắm. Tuổi chúng mình còn được mấy đâu. Khỏe lúc nào thì tranh thủ đi lúc đó bác nhỉ?

Vừa lúc đó thì tàu đến ga Nha Trang. Đêm khuya, tiếng rao hàng, tiếng khách gọi nhau vẫn í ới. Cửa toa bật mở. Hai vị khách nữa bước vào. Họ chìa vé hỏi chỗ. Tôi đành chia tay ông Chí leo lên vị trí của mình, trả lại giường cho vị khách vừa tới.

- Thôi, chúc ông ngủ ngon nhé. Hẹn gặp nhau ở Quảng Trị.

Tôi rọ roạy lựa thế nằm. Con tàu lại lắc lư xình xịch trong đêm. Chiều hôm sau, tàu tới ga Quảng Trị. Từ giường dưới, ông Chí gọi vọng lên:

- Tới nơi rồi đó. Xuống thôi ông bạn ơi!

Hai chúng tôi rời tàu chia tay nhau. Ông Chí cho tôi biết ông ở Vĩnh Linh, nếu có điều kiện mời tôi ghé thăm. Tôi nhận lời và lên xe buýt về cảng Cửa Việt. Thằng Độ, con trai tôi đang chờ ở đó. Hơn chín giờ thì tôi về tới quân cảng. Bố con tôi vui mừng gặp nhau. Đêm đó, tôi ngủ tại nhà khách đơn vị. Sớm sau, tôi theo Độ ra đảo Cồn Cỏ. Tôi thắc mắc hỏi Độ:

- Sao bảo đi thăm mặt bạn gái con mà lại đưa bố ra đảo?

Nó cười cười nói:

- Nhân tiện, con mời bố thăm đơn vị con để bổ biết cảnh sinh hoạt của bộ đội trên đảo chứ. Với lại, ra đó, bố còn xin phép chỉ huy cho con nghỉ ít ngày. Nhà bạn gái con ở trong đất liền cơ. Tiếng nói của bố trọng lượng hơn con. Sau đó thì bố con mình trở vào đất liền lo việc chính cho con.

Tôi thấy cũng có lý. Với lại, tôi cũng muốn một lần ra đảo xem sao.

Hai ngày ở đảo Cồn Cỏ tôi thấy mình như trẻ lại. Cứ nghe hát mãi, nói mãi về hòn đảo này, bây giờ, nhờ có con trai đóng quân ở đây mình mới tới được. Đúng là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Sóng gió, nắng nôi, biển trời bao la bát ngát. Mọi người trên đảo vui phơi phới. Cũng đủ các thiết chế văn hóa, xã hội. Khang trang, lịch sự, văn minh lắm. Độ dẫn tôi đến thăm lớp học của người yêu nó. Cô bạn gái của nó đã về đất liền từ mấy hôm nay rồi. Về trước để thông báo cho bố mẹ cô ấy biết còn đón tôi.

Hai cha con tôi hăm hở trên chiếc taxi về Vĩnh Linh. Dọc đường, điện thoại của Độ reo liên tục. Bạn gái Độ hỏi xem chúng tôi về đến đâu rồi. Tôi sợ Độ không biết đường nhưng nó bảo tôi cứ yên chí. Nó về đây nhẵn cổng, thuộc đường rồi. Tháng nào hai đứa cũng đưa nhau về quê. Thì ra thế. Tôi lại cứ ngỡ chúng chỉ biết và yêu nhau trên đảo thôi. Vậy mà khăng khít thế này rồi. Tôi chỉ còn việc đi làm thủ tục cho nó thôi là xong. Càng hay. Hai thằng trai, một thằng vợ quê, thằng này cho nó bay vào đây cũng được. Bố mình ngày trước nếu tốt duyên cũng chả đã là rể Quảng Trị. Tiếc là bà bạn của bố bị hy sinh mất. Cụ chả nhắc mãi tới vùng đất này là gì? Thôi, ông đã vậy, cháu nó có duyên thay ông là được rồi.

Nhà Trang, bạn gái Độ ở xã Nam Giang. Xã này đẹp thật. Cũng nông thôn mới rồi. Ở quê mà đường làng ngõ xóm cứ vuông như ô bàn cờ. Cây cối um tùm, xanh mát. Hồ tiêu nhiều thế cơ chứ. Hỏi ra mới biết, hồi chiến tranh, vùng đất này bị bom cày, pháo bắn tan nát. Dân sơ tán hết. Những xã bên còn làm địa đạo chui sâu xuống đất để bám trụ. Giải phóng, dân quay lại chia lô lập làng. Thế nên, dân cư bây giờ ở mới vuông vắn như ô cờ là vậy.

Ngôi nhà cấp bốn ẩn hiện trong khuôn viên hồ tiêu. Đúng là ngôi biệt thự xinh xắn. Mấy cái xe máy dựng ở sân. Nghe tiếng ô-tô đỗ ở cổng, mấy người trong nhà chạy ra. Cha con tôi chui ra khỏi xe. Tôi quan sát vội ngôi nhà. Chợt giật mình. Trước mắt tôi, đứng giữa sân kia hình như là ông Chí? Đúng rồi! Ông Chí thật! Bạn đường của tôi sao lại ở đây? Ông Chí cũng nhận ra tôi ngay. Chúng tôi chạy tới ôm nhau. Mọi người ngơ ngác. Thằng Độ, cái Trang ngây ra.

- Sao…Sao… các… các cụ lại biết nhau?

Độ ngạc nhiên ú ớ hỏi Trang. Trang lắc đầu nguây nguẩy.

- Vậy ra ông là…? Tôi nhạc nhiên hỏi ông Chí.

- Là bố cháu Trang, bạn gái của cháu Độ. Còn ông thì… tôi biết rồi.

Ông Chí kéo dài giọng ra ở phía sau. Rồi ông quay sang nói với vợ con và mọi người rằng chúng tôi đã đi cùng nhau trên chuyến tàu từ Sài Gòn ra. Mọi điều đều đã tâm sự cả với nhau rồi. Chỉ không ngờ chúng tôi lại là bố của Trang và Độ. Từ đó trở đi, mọi nghi lễ khách sáo đều được bỏ qua. Câu chuyện cởi mở hẳn. Thì ý định của nhau, gia cảnh của nhau tôi và ông Chí đều đã rõ. Hơn nữa, chúng tôi đều là lính cựu. Người phía bắc, kẻ phía nam, cùng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Bây giờ, con tôi lại tiếp tục nối nghiệp chúng tôi, cầm súng giữ vững biển đảo quê hương. Và ngẫu nhiên nó lại thực hiện ước nguyện của bố tôi với Quảng Trị anh dũng, kiên cường này.

- Thôi, mọi việc coi như xong - Ông Chí phấn khởi nói - Hai đứa chúng yêu nhau, vợ chồng tôi biết và đồng ý cả rồi. Chắc ông bà cũng vậy? Khỏi bàn nữa. Xong đây, tôi sẽ đưa ông thăm một vòng Quảng Trị. Biết đâu, ông sẽ tìm thấy kỷ niệm xưa của ông cụ nhà ông cũng nên ấy chứ? Được không?

Ông Chí vỗ vai tôi cười khà khà. Đúng là nhà văn. Vô tư, chân thành quá. Vợ ông Chí thấy vậy cũng cười vui theo chồng. Độ và Trang ngây ra nhìn bố mẹ, nhìn tôi và say đắm nhìn nhau.

Trời Quảng Trị sớm hạ cao xanh lồng lộng gió.

 

Đ.X.T

 

 

ĐỖ XUÂN THU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 299 tháng 08/2019

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground