Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mưa rào

 

C

ơn mưa mùa hạ kịp tắm mát đến từng góc khuất trong làng. Cái chòi trên cây bạch đàn đầu làng cũng bị dính mưa. Em và Ly ngồi tâm sự ở trên chòi đó rất lâu trước khi Ly lên phố. Em tự hào vì cái chòi là sáng kiến của anh. Nhờ có nó mà chúng mình vừa chăn trâu vừa học bài và tốt nghiệp cấp ba. Ly thu ánh mắt đang nhìn xa xăm về phía em: “Tại số phận nặng nợ với ruộng đồng nên tụi mình không đứa mô leo lên được đại học.” “Không phải là không leo lên được đại học mà suy nghĩ của tụi mình lúc nớ tự dưng ngắn lại.” “Rứa tuổi hai mươi của mi, tau, Duy và lũ trẻ trong làng chỉ để núp sau lũy tre làng ư?”

Em nín lặng trước câu hỏi của Ly. Em đưa mắt nhìn những hạt mưa đang vắt kiệt mình trút như điên dại mà lòng chợt nao nao. Ly muốn thoát khỏi cái nghèo nên phải ra đi. Nếu một ngày anh không còn yêu em nữa, Ly hứa sẽ về đón em theo, tìm cách lột xác cuộc đời em. Nhưng khi em hỏi, Ly sẽ làm gì khi lên phố? Ly không trả lời. Mắt em cay xè. Mắt ly cũng không ngừng dẫy nước, như bị mưa găm. Sau một lúc im lặng, Ly bảo: “Ở phố thiếu gì việc để làm.” Bỗng em thốt lên trong sự ngỡ ngàng: “Ơn trên ơi, mi nói chi lạ rứa Ly hè.” Ly gom hết nước mắt nuốt chững rồi tụt xuống đất, dáng hình nhỏ thó của Ly khuất dần hệt dấu chấm than đang lê lết cuối đường làng.

Trước hôm anh lên đường đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan trời cũng mưa. Thời khắc ấy là xế chiều chớm đông. Em tựa vai anh ngồi bên hiên nhà. Mưa nặng hạt đến nỗi có thể nghe tiếng reo vui của chúng. Ba năm sinh sống nơi xứ người, lúc anh về chúng mình bước vào tuổi hai ba. Ở cái tuổi đó, mấy đứa trong làng đã con bồng con bế cả rồi. Anh bảo, em gắng đợi anh, chúng ta sẽ có một đám cưới rình rang nhất trong làng. Sau đám cưới, em sẽ là bà chủ của một cửa hàng tạp hóa. Em bật cười. Bà chủ cửa hàng tạp hóa là công việc của em trong tương lai sao? Thử hỏi còn gì vui bằng cho một cô gái đang làm những công việc nhặt nhạnh không cất nổi một cái tên cho có với đời.

 

Minh họa: HỒ THANH THỌ

 

Những hạt mưa vẫn thả đều trên nền gạch, mỗi cái búng mình là một chiếc vương miện hoa hậu hiện ra. Em ước mình là cô dâu, cài lên đầu chiếc vương miện ấy. Anh cũng đồng ý với em chúng ta sẽ chụp ảnh cưới trong mưa dưới bầu trời bình yên. Nhưng khi em nghĩ về những điều an lành nhất thì tự dưng có tiếng sấm, rồi thì một tia chớp xuất hiện xé toạc bầu trời. Những áng mây bắt đầu chuyển dịch và số phận những giọt mưa cũng thay đổi theo. Bất giác em ngồi thẳng người thở hắt. Đôi môi anh đã không cho phép em buồn lòng thêm dù chỉ là một giây khi ở cạnh anh. Anh đã đưa em bay lên quỹ đạo thời gian và quay ngược về với tuổi thơ. Ngày bé em rất thích tắm mưa. Chúng mình trần trụi chẳng khác nào những con nhộng, thỏa chí chạy loăng quăng từ đầu làng đến cuối xóm. Mặc mưa táp vào da thịt nhồn nhột, cả tụi con gái con trai đứng trong mưa săm soi vùng kín của nhau, nhe răng cười rằng rặc mà không biết xấu hổ là gì. Những giọt mưa ngày ấy sao mà trong trẻo không chút tì vết, nó hệt như pha lê.

Rồi đôi môi ấm áp của anh rời khỏi môi em, em mới bừng tỉnh. Nhìn sâu vào hai hòn bi to đen láy được chở che bởi đôi lông mày sâu róm trên khuôn mặt nghệt ra như đứa trẻ của anh, tự dưng em bột phát hỏi: “Anh còn thương Ly không?” Em hỏi ở thì khẳng định như vậy là do có lần em bắt gặp ánh mắt anh nhìn Ly đầy trìu mến. Ánh mắt ấy chỉ có thể dành cho người mình yêu. Cũng như lúc này, khi đối diện với câu hỏi của em, anh không dám nhìn thẳng. Anh bảo: “Bàn tay của anh thì quá bé nhỏ để có thể nâng niu nhiều hạt mưa nên chỉ giữ lại cho mình một hạt mưa mà thôi.” Anh nói xong nhướn đôi lông mày sâu róm, cong môi thả nỗi băn khoăn trôi theo cơn mưa chiều. Giây phút đó trở thành ký ức khó nguôi ngoai trong em.

“Lông mày sâu róm cả xóm chửa hoang.” Mẹ em nói nhiều đến nỗi nó trở thành câu cửa miệng của bà. Em đã cố không quan tâm đến lời cảnh báo của mẹ nhưng không thể. Mặc dù em yêu đôi lông mày của anh vô cùng. Những sợi lông xếp không ngay ngắn kia sinh ra là để điểm tô cho khuôn mặt chữ điền với cái mũi to cao và đôi môi căng mọng thêm phần ưu tú. Không nhớ lần thứ bao nhiêu môi em được lướt nhẹ đến từng milimet trên đôi lông mày ấy, khuôn mặt ấy. Để rồi một ngày, ngày mà nắng hạn gặp mưa rào, hai điện cực trái dấu lao vào nhau như thiêu thân. Và ta khát nhau. Em vẫn nhớ từng câu từng chữ mẹ dạy khi em thành thiếu nữ, con gái là phải giữ mình nhưng lí trí đã không điều khiển được bản năng đang trỗi dậy của thể xác, nên dù cái chòi trên cây bạch đàn đêm đó có cháy chắc em cũng mặc kệ. Chỉ có điều sau khi thỏa mãn những khao khát bản thể, cơn mưa hôm ấy đã làm mắt em húp lên dư âm liên hồi mấy ngày liền.

Xóm của tụi mình bé như bàn tay, ngay cái kim trong bọc cũng phải tòi ra nên chuyện em thành đàn bà là một sự kiện nóng hổi, một miếng mồi thị phi cho cả xóm nhâm nhi. Mẹ nói, em đã mất cơ hội lấy chồng trong làng khi quyết định trao cái ngàn vàng cho anh. Mỗi lần nhìn khuôn mặt buồn thiu của mẹ, lòng em lại thấp thỏm lo âu và nơm nớp sợ sệt. Những giọt mưa lại nức nở dồn ứ tuôn trào lạnh lùng chẳng thiết nể nang người con gái yếu ớt đang cố gắng vươn mình vượt lên những đàm tiếu người đời để sống.

Ôi! Sao em lại để cho suy nghĩ của mình đi lạc như thế. Thương nhau rồi thì phải tin nhau chứ. Đã có lần em ấm ức đến nỗi, không kìm nén được nên bao nhiêu tâm sự trong lòng em nức nở trút ra đến hết. Và anh đã chứng minh trong trái tim anh chỉ có mình em bằng cách khắc lên ngực dòng chữ “Mãi yêu Xoan” còn gì. Em không dám khẳng định ở tương lai một sự đảm bảo chắc chắn em sẽ làm vợ của anh. Nhưng đến bây giờ anh vẫn thuộc về em, không ai có thể tách chia, kể cả những người nông dân nhàn rỗi nhất trong cái xóm nghèo của chúng ta.

Em nhớ như in giây phút em và anh đứng bất động trước tình hình căng như dây đàn của hai gia đình thì cha anh đã lên tiếng: “Chúng ta kết tình thông gia chẳng khác nào cái kiềng ba chân. Anh chị xui đừng buồn lòng mà sinh tâm bệnh, rồi đến lúc bà con họ cũng phải mỏi miệng. Quan trọng là cả ba chúng ta đã chấp nhận mối quan hệ ăn cơm trước kẻng của hai đứa.” Cha anh đã bênh vực cho anh và em nên gia đình em cũng vì thế mà xuôi theo. Giờ thì ai bảo cha anh là người đàn ông lạnh lùng nhất trong làng chứ.

Tuy chưa mời bà con ăn một bữa tiệc mừng nhưng chuyện nhà anh cũng là chuyện nhà em. Em xem cha anh như là cha đẻ của em và hai gia đình ta qua lại thân thiết. Trong bữa tiệc tiễn chân anh, cha em nói đã xuất đôi gà, con lợn nái và hai cặp vịt lấy tiền tiễn con rể tương lai lên đường. Cha em đã thừa nhận anh là con rể nhưng câu nói của cha làm tim em đau. Cha không thèm la mắng em lấy một câu kể từ khi biết con gái mình hư hỏng, có thể lòng bảo dạ thôi thì âu cũng là cái số của em, nó giống như những giọt mưa may nhờ rủi chịu. Cha anh ko để ý đến những lời chua chát đó của cha em. Có lẽ cha anh đang bị cuốn theo sự ồn ào náo nhiệt của cuộc vui. Dù sao anh cũng là người may mắn. Có phải ai muốn đi xuất khẩu lao động cũng đi được đâu. Em biết anh buồn câu nói của cha em, bởi khi chạm phải mắt em, ánh mắt của anh chợt sụp xuống rũ rượi. Em không muốn trách cứ cha em một câu nào. Mà xét đến cùng thì cha em nói sai ở đâu? Nhưng nếu cha anh cũng để tâm thì điều gì sẽ xảy ra. Một cuộc chiến tranh lạnh mà anh và em sẽ là nạn nhân. Em chắc chắn điều đó nên không dám phàn nàn thêm gì nữa.

Ly gợi ý, em nên có tài khoản facebook cá nhân. Từ đó, Ly và em nói chuyện qua face. Chỉ trong tích tắc là nhận được hồi đáp của nó. Em từng đề cập đến chuyện chúng ta liên lạc qua face nhưng anh không chịu, anh bảo thời gian ở nước ngoài là vàng là bạc anh phải tiết kiệm đến từng phút. Em thấy hơi buồn lòng, có chút gì đó chật chội trong thâm tâm. Có lúc em rủa thầm, “Con ông không giống lông cũng giống cánh.” Nhưng anh lại bảo, nét chữ là nét người anh muốn đọc cảm xúc của em qua từng con chữ, cái câu này nghe thấy lọt tai hơn, con gái yêu bằng tai mà.

Ly bây chừ đẹp đến mê hồn. Nó thay đổi từ quần áo cho đến kiểu tóc. Nó diện những bộ cánh mà dân quê mình gọi là thiếu vải lồi cả rốn, cả đùi trắng phau, nhìn đã con mắt lắm. Chả là nó đã tìm được người thương. Anh ta tên Jonh, là Việt kiều, nó bảo thế. Anh ta mua Iphone đời mới nhất cho nó, dẫn nó đi du lịch khắp nơi. Nó khoe lên face những tấm hình chụp ở Hàn Quốc, Mỹ và cả Trung Quốc nữa. Sinh nhật, nó được tặng cả chiếc xe hơi màu mận chín. Được người yêu mua cho đồng hồ, áo quần, giày dép xịn. Có một điều làm em nghi ngại khi nó bảo Jonh không thích xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Nhưng theo nó tả thì Jonh rất đẹp trai, mắt to, lông mi dài, râu quai nón và cao phải trên mét tám. Ghen tị với nó quá. Nó còn gửi tiền và quà về cho cha mẹ nó đến nỗi mọi người trong xóm phát thèm, cha mẹ em cũng nhìn em mà buông lời so sánh.

Thế nhưng, đã mấy tháng nay em không thấy nó xuất hiện trên face, thư từ cũng không thấy liên lạc với gia đình. Cha mẹ nó lo sốt vó và đã nhờ công an can thiệp. Em càng lo lắng hơn cho Ly khi đọc được một trạng thái trên face của một người bạn có kèm hình ảnh về vụ mổ nội tạng thiếu nữ đem bán. Sao giống câu chuyện tình lãng mạn của Ly quá anh à. Câu chuyện cũng bắt đầu từ những trang mạng xã hội, rồi làm quen, săn đón, đưa đi du lịch, tặng quà xa xỉ. Các cô gái không biết rằng những gã đàn ông mặt mày nhẵn nhụi áo quần bảnh bao kia đang là kẻ lừa tình. Một bộ nội tạng khỏe mạnh không rượu không hút thuốc sẽ bán với giá một đến hai tỉ đồng. Chợt em nghĩ dại, có khi nào Ly cũng giống người con gái nằm lõa thể bất động và bị rạch bụng moi nội tạng như người ta mổ lợn kia không. Nhưng bất ngờ đã diễn ra. Em không dám tin vào mắt mình khi face Ly sáng, rồi Ly nhắn tin hỏi em có ở trên face không. Em mừng vô cùng, Em nói chuyện với nó liền tức khắc:

“Mi đang ở mô rứa Ly, mọi người lo cho mi nhiều lắm?”

“Tau đang ở Đồn cảnh sát của một tỉnh biên giới Trung Quốc Xoan à?”

“Ơn trên phù hộ, mi vẫn bình an. Răng mi lại ở đó?”

“Tau bị một bọn buôn người bắt may trốn thoát được, nhờ mi nói với cha mẹ tau theo địa chỉ… số điện thoại… cảnh sát nơi đây họ bắt cha mẹ ruột sang bảo lãnh. Nhưng tau không nói được tiếng Trung chỉ bập bẹ vài câu tiếng Anh nên xin ông cảnh sát cho lên face nhắn tin cho mi đó.”

Em ghi lại tất cả thông tin và báo ngay cho cha mẹ Ly biết. Nghe xong, cha Ly bước lom khom đưa bàn tay xương xẩu run run lần đến chiếc ghế ngồi bất động ngó qua cửa sổ ra xa. Còn mẹ Ly đứng tựa cột nhà mà khóc than con gái. Cuối cùng cha mẹ Ly quyết định bán hết tủ lạnh, ti vi, thậm chí cả nồi cơm điện, quạt máy và ra ngân hàng rút hết toàn bộ số tiền Ly gửi cho. Nhưng gom toàn bộ số tiền có được cũng chỉ đủ tiền vé máy bay cho hai người đi và về. Cha mẹ Ly vốn là người chân đất quanh năm chăm chỉ với ruộng vườn, ngay cả lên phố cũng bị lạc đường nữa huống chi là ra nước ngoài. Tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, tiếng Trung thì mù tịt. Nghe theo lời khuyên của bà con chòm xóm, cha Ly quyết định bán luôn con trâu cày duy nhất của gia đình, rồi bà con hàng xóm gom góp tiền bạc lại cho mượn thuê một người giỏi tiếng Trung ở trên phố phiên dịch giúp. Giờ này họ đã đến Trung Quốc và đang làm thủ tục bảo lãnh cho Ly về nước. Như thế là mừng lắm rồi, ai cũng bảo mạng người vẫn quan trọng nhất. Người còn ắt của sẽ còn.

Em chợt nhớ, nhiều lần chúng ta đã tranh luận về câu chuyện quả trứng nở ra con gà và chưa khi nào câu chuyện đó được kết thúc trong hòa bình. Thường thì sau đó không thèm nhìn mặt nhau đến vài ngày. Anh vẫn kiên định với lập trường của mình, quả trứng nở thành con gà, con gà thành một đàn gà, rồi bán gà mua lợn, bán lợn mua bò, bán bò mua xe, mua nhà, mở cửa hàng tạp hóa,... Vì thế anh quyết định đi ra ngoài làm để kiếm quả trứng vàng, đồng nghĩa với việc anh trở thành người lậu và bản hợp đồng ký kết lúc anh đi bị vô hiệu hóa. Đọc xong thư anh, tim em như muốn rụng và tay chân bủn rủn. Nếu có chuyện gì với anh em biết sống sao? Nếu anh không bảo em giữ bí mật giùm anh thì lòng em giờ đã yên ổn đôi chút. Nước mắt cũng không phải rơi khi nghĩ rằng, một ngày không xa nữa em không nhận được thư của anh gửi về từ bên kia đại dương.

Làm sao em hứa giữ kín mọi chuyện giùm anh được khi ngoài kia mưa vẫn rơi, vẫn biểu diễn những vũ điệu rát bỏng đôi mắt. Khi nào thì mưa dừng? Thực sự đó là câu hỏi khó, anh em và cả những người ở xóm quê nhà chả ai trả lời được đâu.

Đài tỉnh phát lại bài hát “Ở hai đầu nỗi nhớ” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Năm ngoái anh đã lên tận đài để yêu cầu chương trình quà tặng âm nhạc phát tặng bài hát này cho em. “Đêm nghe tiếng mưa rơi đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ, ở hai đầu nỗi nhớ yêu và thương nhau hơn.” Những ca từ da diết của bài hát như lột tả hết cảm xúc của em lúc này.

Duy à!

Vì tương lai của chúng mình chiều nay em đã quyết định sang gặp cha anh và nói hết mọi chuyện. Nghe xong cha anh buồn lắm nhưng ông chẳng nói gì, ông ngồi lặng như hòn đất. Cái tính cách đó thuộc về bản chất của cha anh, một khi đã cố hữu trong đầu rồi thì không gì có thể lay chuyển. Cũng như cái ngày mẹ anh trót lên giường với ông chủ cửa hàng tạp hóa. Thà cha anh đánh đập chửi bới rồi thôi. Đằng này ông giấu tất cả vào đôi mắt khốn khổ của mình và chỉ lấy từ ông chủ cửa hàng tạp hóa năm nghìn đồng mà bỏ về. Điều ấy khiến mọi người rất ngạc nhiên. Thế nhưng mỗi bữa cơm cha anh lại đem năm nghìn đồng đó ra đặt ngay ngắn trên bàn. Chỉ động tác đơn giản vậy mà khiến người đối diện đau đớn khôn cùng. Mẹ anh không chịu đựng nỗi, hai tuần sống trong đau đớn giày vò, bà quyết định bỏ nhà đi biệt xứ. Lúc ấy anh chỉ mới mười lăm tuổi.

Em cũng như những người trong xóm cảm thấy xem thường mẹ anh. Những khóe môi xệu xuống hay nhếch mép, đa phần là khinh bỉ. Em không nghĩ mẹ anh là một người phụ nữ như thế. Em đã tự đi tìm sự thật thích đáng. Mãi đến năm em mười tám tuổi mẹ mới kể cho em nghe. Và ngọn ngành câu chuyện không như những gì đã diễn ra. Nhìn theo nhiều khía cạnh mẹ anh có quyền nhận được sự chia sẻ cảm thông của mọi người.

Câu chuyện bắt nguồn từ hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, làm lụng vất vả nhưng lại không có tiền. Nghề nông là vậy, đến mùa thì cây trái vườn nhà rẻ như bèo, bán chẳng ai mua, cho không ai lấy, nhưng trái mùa phải bỏ tiền túi ra mua với giá cắt cổ. Nghe đâu ông chủ cửa hàng tạp hóa đã thầm yêu mẹ anh từ thời con gái, đến giờ vẫn còn tình cảm. Biết gia cảnh bên chồng khó khăn, nên ông ta ra sức giúp đỡ bằng cách cho nợ gia vị, đồ ăn, thức uống,.... Nhưng không hề đòi hỏi tiền bạc. Ông ta muốn làm vậy là để tích phúc, có nhiều nhặn gì đâu, lá rách ít đùm lá rách nhiều thôi mà. Dù gì mẹ anh cũng là đàn bà, từ thuở sơ khai đàn bà vốn dĩ là mong manh yếu đuối. Mẹ anh không ngờ rằng, những người đàn ông ra sức cung phụng đàn bà mục đích cuối cùng là đưa người đàn bà họ muốn đến nơi gọi là giường chiếu và chính sự nhẹ dạ của bà đã làm nên câu chuyện kinh thiên động địa. Nhưng em nghĩ mẹ anh thì khác, mẹ anh chấp nhận ngủ với ông ta là bởi món nợ ân nghĩa. Cái việc mà buộc bản thân phải làm thì không thể nhân danh là tình yêu. Vậy là người mẹ anh yêu là cha anh chứ không phải ông chủ cửa hàng tạp hóa. Tất cả mọi sự diễn ra đều do hoàn cảnh xô đẩy. Giá như ngày ấy cha anh nghĩ thoáng hơn một chút thì bây giờ cái tâm bệnh đã không dày vò trái tim ông mãi.

Chập choạng tối nay em lại ghé nhà anh. Dù thiếu vắng bàn tay đàn bà nhưng mọi thứ trong nhà vẫn ngăn nắp sạch sẽ. Em không hiểu sao cha anh vẫn để tờ tiền năm nghìn ngay ngắn ở bàn ăn. Tờ tiền còn được ép nhựa nữa. Có thể đó là lý do mà tất cả những phụ nữ góa chồng hay quá lứa lỡ thì trong làng ngó lơ để mặc cha anh sống cảnh gà trống nuôi con. Cha anh bây giờ già hơn rất nhiều so với cái tuổi năm lăm của ông. Mái tóc đã điểm bạc gần hết và khuôn mặt hằn những nếp nhăn thấy rõ. Cha anh ngồi lặng, dường như trên khuôn mặt mang vẻ hiu quạnh ấy có những giọt mưa nối tiếp nhau đang chảy ngược dòng. Cha anh giờ như chiếc lá chuyển vàng ở cuống, nếu cơn mưa rào hôm qua trở lại thì có kìm hãm được phần vàng để phần xanh xanh lâu hơn không? Mà ai chả biết, mưa mùa hạn, hiếm hoi như vàng. Nhìn thấy em cha anh bảo: “Bên chỗ tuyển việc làm họ không chịu can thiệp. Duy phải quay về thôi cháu à.” Em chợt điếng người, chết lặng vài giây. Cha anh nói tiếp, câu chữ bò ra khỏi miệng đứt mất đuôi:

“Nguyên tiền vay đã là trăm triệu rồi. Giờ về lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất. Bác thương cháu nhiều chừng mô thì lại tức giận thằng con của bác chừng đó.”

Em như bị mắc nghẹn, giọng lạc cả đi:

“Anh Duy bảo ra làm ngoài kiếm tiền nhanh hơn, rất nhiều người họ đã làm như rứa và bảo cháu hãy yên tâm, nhưng nếu bị bắt thì chuyện chi sẽ xảy ra hả bác?”

“Người ta bảo nhẹ thì được tha và đuổi về nước, nặng thì...”

Cha anh buông lửng câu nói khiến em chơi vơi giữa một đống nghĩ suy đến điên loạn. Mưa mùa hè trút nhanh và ráo cũng nhanh nhưng dư âm của nó thâu vào đôi mắt em thì cứ sụt sùi ẩm ướt suốt. Em sẽ cố gắng giữ lòng mình không bị chênh chao, dù quả trứng đang nắm trên tay bị ung hoặc lỡ tay rơi xuống vỡ nát nằm bẹp dí trên mặt đất. Nếu tình hình bất ổn, xin anh hãy quay về. Chúng ta sẽ làm lại từ đầu trên chính mảnh đất của quê hương mình. Em sẽ đi buôn chuối nối nghề của mẹ. Anh sẽ cùng cha anh khai hoang đất để trồng rừng, trồng cao su, hồ tiêu. Chúng ta sẽ mua trâu, bò, dê,… làm trang trại như cha em. Sẽ dựng một ngôi nhà trên núi để đêm đêm nằm nghe gió hát. Còn khoản tiền vay ngân hàng, lần xuất đàn bò sắp tới em sẽ xin cha em giúp đỡ cho chúng ta mượn không lãi. Cha rất thương em, em nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi. Và em tuyệt đối không nhắc đến câu chuyện về quả trứng con gà thêm một lần nào nữa khi đứng trước mặt anh. Em đã nguyện suốt đời làm vợ hiền của anh và dâu thảo của cha anh rồi. Hãy tin em, tin vào tình yêu đang ngày một lớn lên để vượt qua tất cả khó khăn anh nhé!

Thực sự bây giờ có nằm xuống em cũng không thiếp liền được. Em nghĩ về những hạt mưa đang lơ lững giữa không trung và có thể đang náu mình đâu đó trên lá cây bụi cỏ. Em lo cho số phận của những hạt mưa quá chừng. Mà không lo sao được hả anh? Con người ta, mấy ai biết trước được khúc kết đời mình. Cũng như mặt trời ngày mai, không biết nó tròn hay méo, có bị áng mây đen nào án ngữ không. Ngay lúc này thì cảm thấy nhớ anh rất nhiều. Một nỗi nhớ chẳng lúc nào thôi rên xiết và trái tim nhỏ bé đang mở cửa đón cơn mưa đang rong ruổi nơi xứ xa. Rồi thì em biết, giấc ngủ cũng hờ hững đến khi toàn thân em đã mệt lả. Chỉ mong sao ngày mai, khi em mở mắt ra, hiện dần trong đôi mắt ngái ngủ là chiếc cầu vồng bắc qua con sông, bắc qua cái chòi trước nhà. Và anh và Ly đang ngồi vắt vẻo cười thật tươi trên chiếc cầu vồng ấy.

Đ.N.S

 

 

 

ĐẶNG NGUYÊN SƠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

15 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

21 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground