Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chóc mao

Tôi về Bắc Ninh dự lễ kỉ niệm ngày thành lập học viện. Tôi về còn có một mục đích riêng tư là tìm thăm Hiên, người con gái một thời tôi đã yêu, một đời còn lưu luyến.

Tôi đi dọc con đường từ học viện lên Thị Cầu. Bắc Ninh bây giờ là một thành phố tráng lệ, thật khó mà nhận ra dấu tích xưa, thị xã của những ngôi nhà cấp bốn. Biệt thự, nhà lầu mọc lên san sát, nhiều màu sơn khoe sắc với trời thu. Cây xanh, cây cảnh, vườn hoa… thể hiện một cuộc sống cộng đồng tràn đầy.

Đến khoảng giữa con đường Thị Cầu - Bắc Ninh, nơi ngày xưa em đã ở, tôi hỏi thăm về em, cô gái làm công nhân xưởng may quân đội X20 và anh Sập làm nghề sửa xe đạp. Nhiều người lắc đầu:

- Ở đây làm gì có ai làm nghề sửa xe đạp, sửa xe máy còn không có nữa là.

Một người cao tuổi đứng bên sân nhà cạnh hình như lãng tai, nghiêng đầu, him con mắt lắng nghe. Ông dựng cái đầu thẳng dậy hỏi với qua:

- Này chú. Chú đi xa nơi này lâu rồi mới trở lại phải không? Chú hỏi người xưa phải không?

- Dạ đúng, mấy chục năm nay rồi em mới có dịp trở lại.

Ông già nói chuyện thân thiện:

- Chị vợ tên là Hiên, hồi ấy đẹp nhất vùng này. Anh chồng tên là Sập. Hai anh chị đó bán cho tôi mảnh đất tôi đang đứng đây. Họ chuyển lên Thị Cầu rồi, giàu có lắm. Anh cứ đi thẳng, nhìn bên trái thấy cái biệt thự sơn màu xanh, sân rộng, nhiều hoa lá xung quanh, phía trước nhà có một hàng cau vua là đúng.

Nghe ông già cho biết vậy tôi tin là đúng người tôi muốn tìm. Tôi mừng cho vợ chồng em đã trở nên giàu có và muốn biết họ đã làm gì để trở nên giàu. Ừ, mà đã nhiều thập niên rồi còn gì. Khi quen em tôi là một chàng trai, bây giờ khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn. Một khoảng thời gian như vậy đủ để biến đổi bao nhiêu nhân tình thế sự, một nhà tỷ phú có thể trở thành một kẻ ăn mày và ngược lại, một người với hai bàn tay trắng có thể trở thành một đại gia.

*

Tốt nghiệp chương trình trên đại học, loanh quanh với một số công việc, đi bộ đội, ra trận, cuối cùng tôi được điều về giảng dạy ở một học viện đóng tại Bắc Ninh. Ngoài những giờ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tôi chơi cờ tướng giải trí. Cũng nhờ chơi cờ tôi được làm quen với ông già Sân, một cao thủ của thành Bắc. Ấn tượng sâu đậm của tôi lần đầu đến nhà ông không phải là giàn hoa nhiều màu sắc rực rỡ quanh sân, cũng không phải là những nước cờ siêu phàm của ông, mà là cô con gái út. Tôi đang nói mấy câu xã giao làm quen, hỏi thăm về gia cảnh, sức khỏe, em từ dưới bếp đi lên, đặt lên bàn một khay trà:

- Con mời bố xơi nước. Em mời anh xơi nước.

Tôi choáng ngợp về em. Em như cô Tấm bước ra từ quả thị. Em xinh tới mức như những nàng tiên trên tiên giới tôi được xem trong phim thần thoại. Những hoa hậu thời nay cũng không xinh bằng em thuở ấy. Tôi không có tài miêu tả hoặc vẽ chân dung của em, chỉ có thể nói với các bạn là em rất xinh, cực kì xinh, từ nước da, đến khuôn mặt, dáng người, tưởng rằng không thể có ai hơn thế. Từ đó tôi bị ám ảnh về người con gái này. Hình ảnh em luôn hiển hiện trong tâm trí tôi.

Lần nào tôi đến đánh cờ em cũng bưng lên một khay trà mời nước rồi đi đâu đó và không trở lại. Tôi ao ước có một lần nào đó em ngồi gần bên tôi xem tôi và bố em đánh cờ nhưng không. Gái đoan trang lại được giáo dục theo đức hạnh ngày xưa, sống kín kẽ, không dễ làm quen. Rồi một hôm có cơ hội vàng, ông Sân hẹn tôi đến chơi cờ nhưng bận việc đột xuất phải đi. Ông bảo con gái tiếp khách hộ ông.

Ngồi đối diện với em, tôi giấu đôi tay xuống dưới gầm bàn vì hơi run. Thế đấy, một chiến sĩ đã từng ra trận, đội bom, tắm đạn, mà lại run khi ngồi gần một cô gái đẹp, vô lí không? Vì run tôi không biết nói gì với em, cứ ngồi lặng thinh như đã chết lâm sàng. Rất may, em hỏi tôi về gia cảnh. Và tôi trình bày lí lịch của tôi theo cái cách của một kẻ phạm tội đầu thú với công an. Nào là gia cảnh khó khăn, mẹ già, cha chết sớm. Nào là cả nhà đều yêu nước, có bốn chị em, tất cả đều ra chiến trường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, không ai vi phạm pháp luật, tất cả đều sống đúng hiến pháp và pháp luật…

Cơ hội vàng đã đi qua như thế. Tại sao mình nói như một thằng ngố. Đó đâu phải là cách tỏ tình. Là một sinh viên khoa văn, bây giờ là một giảng viên ngày ngày giảng bài cho hàng trăm học viên, nhận được rất nhiều tràng vỗ tay lại không nói được đôi câu ra hồn trước một người mình yêu. Đàn bà con gái là phái yếu, phái đẹp, họ có đập đánh, ăn thịt mình đâu mà run. Nhưng mà muốn người ta yêu cũng phải cho người ta hiểu mình, hiểu gia đình mình. Không hiểu nhau làm sao mà yêu. Tôi tự an ủi mình, như thế cũng có chút lợi để lần sau tiến thêm bước nữa. Có ngố một chút nhưng nếu họ yêu mình thì họ sẽ cho là chân thật, dễ thương. Thương nhau củ ấu cũng tròn.

Tôi ngồi đực ra vì những ý nghĩ bấn loạn. Rất may, em nói:

- Anh mới hai sáu tuổi mà đã là giảng viên của một học viện danh giá. Người Quảng Trị của các anh hiếu học, giỏi thật.

Tôi đã có đề tài để nói với em. Rằng, nhiều người học vì lí tưởng lớn lao lắm là để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Anh học tốt trước hết để có lương mà sống, có tiền cho mẹ khỏi đi làm đày tớ người ta. Tôi nói về những năm tháng cả gia đình tôi áo không đủ mặc, sắn khoai không đủ no lòng. Lại nói về những năm tháng học trò, những năm tháng sinh viên…

Hai năm kể từ ngày quen em, không ít cơ hội sau này tôi mới biết ông già Sân đã tạo cho tôi. Có khi đang chơi cờ đột nhiên ông nói: “Tôi có việc phải đi đây chút”, rồi gọi con lên tiếp khách thay bố. Tôi lại nói những điều vô bổ, có khi rất ngố: Lãnh đạo học viện khuyên thanh niên lấy vợ có thành phần cơ bản bần cố nông, là đoàn viên, đảng viên càng tốt… Cái vòng lẩn quẩn giữa khát vọng yêu và cách thể hiện của tôi, có lẽ vì em quá xinh đẹp, vì tôi tự ti. Em là con công, con phượng. Tôi chỉ là con chim cu gáy.

Rồi em trao cho tôi một thiệp mời. Giọng em không biết buồn hay vui:

- Em phải lấy chồng, chủ nhật tuần này, mười một giờ ba mươi, tại nhà em. Anh bớt chút thời gian đến dự chúc mừng cho chúng em.

Tôi hẫng hụt, chết điếng người, hỏi như cảnh sát hỏi cung:

- Sao lại lấy chồng? Cô lấy ai?

Em vẫn nhỏ nhẹ:

- Đến duyên thì em phải lấy chồng. Em đợi, biết đợi ai, đợi đến bao giờ. Ở quê em, con gái hai hai tuổi chưa lấy được chồng coi như ế. Với lại em cũng tìm được người thương mình.

- Cô lấy người Hà Nội phải không? Trong số những người đi xe bốn bánh về đây chứ gì. Anh ta đẹp trai, giàu có lắm à?

- Không, người yêu em thị xã này. Những chàng trai ở Hà Nội nhờ mai mối tìm về với em chắc là giàu có. Nhưng em không biết gì về họ. Em không thể lấy người mà em không yêu. Họ yêu em vì em đẹp. Đến khi em có con, tuổi tác cao, cái đẹp mất đi liệu họ còn yêu em nữa không? Người yêu của em chắc anh cũng biết, anh ấy làm nghề sửa xe đạp.

Tôi há hốc mồm:

- Em nói cái gì? Cái anh chàng sửa xe đạp gần bà bán nước mắm giữa phố ấy à.

- Dạ, anh ấy… Anh ấy rất yêu em. Anh ấy thường sửa xe đạp của em mỗi lần xe bị hỏng. Chúng em quen nhau trong những dịp như thế.

Hèn nào có lần xe đạp của tôi bị hỏng, tôi đưa đến nhờ anh ta sửa. Tôi dặn: “Anh sửa cẩn thận hộ cho”. Anh ta nói: “Sửa xe cho giảng viên học viện không cẩn thận sao được”. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao anh biết tôi là giảng viên học viện?”. “Biết chứ, tôi còn biết cả tên anh. Anh tên là Lê Văn. Anh có bạn gái là cô Hiên con ông già Sân, kì thủ cờ tướng của tỉnh này. Anh thường đánh cờ với ông ấy. Ngày mười hai vừa rồi, anh đến đánh cờ, ông ấy bận việc đi khỏi, anh nói chuyện với Hiên hơn hai tiếng đồng hồ. Ngày hai ba, anh mời Hiên đi xem phim nhưng ông già bị đau đột ngột nên cuộc đi xem bị nhỡ”.

Tôi gào lên với Hiên:

- Sao lại yêu cái anh sửa xe đạp, suốt ngày ngồi một xó, lấm lem dầu mỡ? Tại sao cô không yêu tôi mà yêu hắn ta?

Hiên ngạc nhiên. Cô ta không thể ngờ một người như tôi có thể ăn nói thô thiển như thế. Nhưng tôi đang thô thiển vì tôi bị đau nhức ở tim, rối loạn tâm trí.

- Sửa xe đạp thì sao à, cũng là một cái nghề có ích mà anh. Anh ấy sửa xe, em là công nhân một xưởng may, anh dạy học, mỗi người mỗi nghề như trăm ngàn nghề khác, có ích cả thôi. Xin anh đừng coi thường anh ấy. Anh yêu em, em cũng yêu anh sao anh không nói. Em là con gái, em không thể nói lời cầu hôn. Lời cầu hôn phải là của anh. Em đã chờ anh hai năm rồi còn gì. Bây giờ thì muộn rồi.

Lời của em nói với tôi tắc nghẹn. Tôi như đứng trước một bến sông hụt hẫng. Em đã lên đò rời bến.

*

Bây giờ tôi ngồi đối diện với vợ chồng Hiên trên một bộ xa lông quý phái.

Chồng Hiên rót mời tôi một ly rượu Chivas 21. Đây chưa phải là loại rượu đắt nhất thế giới nhưng phải một nửa tháng lương của tôi mới mua nổi một chai.

Tôi không thể nhận ra một nét nào cái anh chàng lấm lem dầu mỡ ngày xưa ấy. Trước mặt tôi là một người lịch lãm, là một giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn lớn. Anh tâm sự:

- Tôi được như bây giờ là nhờ có nhau. Tôi yêu vợ nên có nhiều động lực. Vợ tôi lại hiến được nhiều kế hay. Khi xe máy tràn về Việt Nam, đa phần là xe đã qua sử dụng. Cô ấy bảo tôi nên học nghề sửa xe máy, rồi lại khuyên tôi làm đại lý buôn bán xe máy. Khi đã có vốn lớn, cô ấy bảo tôi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, tuyển dụng công nhân, mở rộng ngành nghề qua xây dựng cơ bản, đồ mộc mĩ nghệ… Bây giờ chúng tôi có một tập đoàn kinh doanh với hàng ngàn công nhân và kĩ sư các ngành nghề khác nhau. Điều lạ là cô ấy vẫn làm công nhân xưởng may, không chịu làm một nghề gì khác. Đến tuổi về hưu, cô ấy ký hợp đồng tiếp tục làm việc. Suốt đời chỉ mặc mấy bộ đồ lính. Cô ấy bảo làm việc ở xưởng may quân đội, mặc đồ lính quen rồi, thấy đẹp. Cô ấy yêu nghề may đến mức đam mê. Tôi tôn trọng sở thích của cô ấy. Bao nhiêu năm qua vợ tôi vẫn không quên anh đâu. Cô ấy vẫn thường kể chuyện về anh cho tôi nghe.

Hiên về. Nhìn thấy tôi, em reo lên:

- Ôi trời đất ơi, anh đi đâu biệt tăm bây giờ mới trở về đây. Vậy là anh không quên chúng em.

Hiên ngồi cạnh chồng nghe hai chúng tôi nói chuyện, thi thoảng xen vào đôi lời thân mật, hỏi thăm gia cảnh, vợ con và công việc của tôi. Chồng Hiên tâm sự:

- Vợ tôi yêu anh lắm nhưng không hiểu sao anh không ngỏ lời. Hồi đó tôi yêu Hiên nhưng tự biết không phải là đối thủ của anh. Đứng trước một cô gái đẹp, nhiều người hâm mộ, có người học vấn cao như anh, có người giàu sang choáng ngợp. Đôi lúc tôi tự ti về nghề nghiệp chân tay lấm lem dầu mỡ, tự ti về phận nghèo, gia cảnh khó khăn. Tôi tự thấy không phải là đối thủ cạnh tranh tình yêu với anh và với nhiều người khác. Nhưng tôi yêu. Tôi có thể thua ai bất cứ cái gì nhưng tình yêu với Hiên thì nhất định không thua bất cứ người nào. Tình cảm của mình như thế nào cứ mạnh dạn nói ra, thế rồi nên vợ nên chồng, nên cả cơ đồ sự nghiệp bây giờ nữa.

Sập gợi lại kỉ niệm xưa. Ừ, thuở ấy, tôi đã ví Hiên như con chim công xinh đẹp. Tôi tự đánh giá tôi là con chim cu gáy. Và đánh giá Sập là con chóc mao, chỉ có chút thịt không nặng đầu đũa.

Vợ chồng Hiên tiễn tôi ra về.

Tôi vừa bước ra sân, nghe vọng lại từ hiên nhà bên cạnh tiếng hót thanh tao của con chim chóc mao. Chim chóc mao là tiếng địa phương quê tôi gọi con chim chào mào. Bây giờ con chim chào mào được đánh giá là vua của các loài chim cảnh. Thế mà một thời nhiều người trong đó có cả tôi, đặt nó lên bàn nhậu, tưởng nó không bằng con chim cu gáy.

 

L.V.T

 

LÊ VĂN THÊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 303 tháng 12/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground