Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khẩu trang truyện

 

1. Nàng nói lời chia tay với hắn. Phải. Chia tay. Chia tay với một lý do nghe rất lãng xẹt, nói ra chắc thượng đế cũng phải cười, ấy là do cái… khẩu trang.

Thà rằng nàng cứ im lặng đi khỏi cuộc sống của hắn như một ngôi sao băng xuất hiện rồi vụt biến có lẽ hắn sẽ thấy dễ chịu hơn. Hay ít ra thì nàng hoàn toàn có thể nói một lý do khác, đời này thiếu gì trăm nghìn lý do, nếu như người ta muốn. Nàng đâu phải là người kém trong việc tưởng tượng. Thậm chí hắn biết chắc bán cầu não phải của nàng hoạt động tốt hơn khối người. Vậy chẳng khó gì để bịa ra một lý do thuyết phục. Dẫu lý do không đúng, nhưng sẽ là lý do hắn dễ dàng chấp nhận hơn cái khẩu trang kia.

Nàng chuyển công tác ra Hà Nội sau khi nói lời chia tay đúng một ngày. Đúng hơn là nàng bốc hơi khỏi thành phố này mà không để lại chút dấu vết. Cứ như nàng là nước. Và chuyện xung quanh những chiếc khẩu trang khiến cả hai nóng lên, nàng bốc hơi, lặn vào mênh mông, ngút ngàn xa. Điện thoại không liên lạc được. Ngoài mấy lời ngọt ngào nhưng không chút xúc cảm của chị tổng đài nói năm này qua năm khác. Email. Blog. Facebook. Tất cả đều treo lủng lẳng, sực nức mùi ẩm mốc, thư rác bám đầy.

Những tưởng mọi thứ đã được vùi lấp, quăng vào chiếc rương quá khứ, và khóa lại. Nào ngờ hôm lôi ba lô ra tính giặt thì mọi thứ đã xộc về. Hắn bất ngờ khi ngăn be bé ngoài cùng của ba lô nhét đầy những chiếc khẩu trang với đủ màu sắc, chủng loại. Không dưng hắn thấy đầu óc quay cuồng.

Đầu hắn ong ong lời nói của nàng. “Sống thế khác gì chó. Vậy anh còn thích con chó cái này nữa không”. Vừa nói nàng vừa chỉ tay vào ngực mình. Giọng cao vút. Hơn bốn mươi cơ mặt đồng loạt co lại, nổi lên, cứ như nó chầu chực sự kiện này hơn hai chục năm để tới lúc thăng hoa đồng loạt biểu tình. Nói xong nàng quay bước. Buổi chiều vằn lên quằn quại trong tiếng gió và lá vàng rơi, vằn lên trong mắt hắn.

2. Chúng ta khác gì chó. Sống kiểu này tuổi thọ cũng chẳng hơn gì chó. Hai ba chục tuổi là đại thọ. Bố hắn từng nói thế. Hắn từng nghe thế từ thuở mười lăm.

Hắn cất tiếng oe oe chào đời ở một mảnh đất trung du nửa miền xuôi nửa miền núi. Miền đất ấy núi có sông có. Nói như cách nhìn của các nhà kinh tế là khá thuận lợi cho thông thương buôn bán. Không biết người ngày xưa có nhìn ra vậy không mà quê hắn luôn được tiếng là nơi sầm uất hơn những vùng lân cận.

Mảnh đất quê chủ yếu là dân tứ chiếng tụ về tự dựng nhà mày mò kiếm miếng ăn bỏ miệng. Bố mẹ hắn cũng là một trong những người như vậy.

Sau vụ sập hầm suýt chết, bố hắn ngán những chuyến phiêu liêu lang bạt thời trai trẻ. Dấu hiệu chùn chân mỏi gối bắt đầu xuất hiện. Đúng đêm sập hầm bố hắn thấy một cô gái đi bán hàng dạo. Hôm ấy mặt trời xuống mà cô gái chưa kịp ra khỏi bãi vàng nên bị mấy thằng oắt con thiếu hơi gái quây vào chọc ghẹo. Bố hắn ra tay. Có lẽ đấy là chút nghĩa hiệp còn sót lại trong máu của con trai một ông giáo sau rất nhiều năm lăn lộn bầm giập với đời. Người con gái được bố hắn cứu lần ấy ra khỏi bãi vàng nằng nặc đòi lên bè nứa xuôi sông theo cùng. Sau một ngày bố hắn quyết định cắm sào, tháo bè nứa dựng nhà trên mảnh đất hắn được sinh ra. Người con gái ấy chính là mẹ hắn.

Năm tuổi bố đã cõng hắn ra sông tắm. Một, hai, ba, bùm. Người hắn tung lên, rời khỏi bàn tay chai sần và mạnh mẽ của bố. Sau ba lần như thế, với một bụng nước đầy óc ách, hắn bắt đầu bơi như rái cá. Mười tuổi bố dắt hắn qua làng bên nhờ một người bạn võ sư có tiếng đã quy ẩn giang hồ, xin cho hắn vái làm sư phụ. Mười lăm tuổi bố hắn lôi cây guitar mốc meo, bám đầy mạng nhện và cứt ruồi cứt muỗi ở trên vách nhà xuống chỉ cho hắn những nốt đô, rê, mi… đầu tiên. Cứ thế hắn lừng lững lớn lên theo cách giáo dục riêng của bố hắn. Một chút ngang tàng. Một chút ngạo mạn. Một chút phớt đời.

Hắn ngang tàng lớn lên như bất kỳ một đứa trẻ quê nào. Khác chăng là một đứa trẻ có sức đề kháng với đời lớn hơn những đứa khác. Hắn sẵn sàng tả xung hữu đột trong những vụ giải nguy cho đồng bọn cùng làng khi bị bọn trẻ làng khác vây đánh. Không gốc rạ, không gậy gộc, chỉ chân tay hắn cũng dẹp yên. Rồi hắn tham gia ghẹo con gái làng này làng khác vào cuối cấp hai. Quậy là vậy nhưng hắn học không đến nỗi nào. Ít nhất gien chữ nghĩa trong bố mẹ hắn vẫn có, và tới hắn chưa thể mất đi. Bố hắn là con một ông giáo từng có tiếng dưới xuôi. Mẹ hắn xưa càng không đến nỗi. Vang bóng một thời. Cả học và yêu. Yêu người bạn cùng lớp theo kiểu mẫu mực đôi bạn cùng tiến. Mẹ hắn vào sư phạm, người kia tiến hẳn sang Liên Xô, thiên đường thế giới. Một lần về nghỉ hè, lúc ấy mẹ hắn đang học năm ba sư phạm, yêu nhau quá chọc nhau đau. Cú chọc sâu đánh hiểm của người kia làm mẹ hắn nhanh chóng tăng trưởng vòng hai. Cứ như người kia về chỉ làm mỗi việc khởi công động thổ cái ao có ba bờ hình tam giác cỡ chiếc lá sung là xong. Khi nhận ra thì người kia đã ở tít trời Âu xa lắc, thư về nói em lấy chồng đi, chờ anh biết đến bao giờ. Anh trót dại với con gái thầy hướng dẫn bên này rồi. Xin lỗi em ngàn lần xin lỗi em. Thời này mới có lời bài hát như thế, nhưng người kia đã biết dùng cụm từ ấy từ lâu. Mẹ hắn hóa điên hóa dại và bỏ học đi hoang. Trong lần nhảy xe lên miền ngược, sẩy chân kiểu gì ngã lăn quay. Và người anh hay chị cùng mẹ khác cha với hắn vĩnh viễn không thấy ánh dương trời. Vòng vo vậy để thấy hắn học sáng ý là không có gì bất thường, không có gì là đột biến gien hay sang chấn não bộ gì.

3. Đùng cái, làng hắn rộ lên chiến dịch xẻ đá nấu vôi. Người người xẻ đá. Nhà nhà dựng lò. Làng sôi sùng sục trong bụi của đá của lò. Khoảng một năm thì bộ mặt làng thay đổi hẳn. Cứ y như gái quê bỏ bộ tứ thân khoác lên mình quần jeans cạp trễ, áo thun hở lưng hở nách hở rốn, giữ lại mỗi hai cái chỏm mặt tiền.

Làng quanh năm chìm trong màu bàng bạc của khói và bụi. Từ trên đỉnh đồi nhìn về làng cứ ngỡ chốn bồng lai tiên cảnh, sương Sa Pa hay Đà Lạt, Tam Đảo. Chỉ khác đấy là thứ sương giết người. Rồi một buổi sáng đầu đông, một bà mẹ thức dậy sớm mở cửa xuống bếp đun nước, quét sân, khi quay lên kêu chồng và con dậy đi làm thì lay mãi chẳng thấy nhúc nhích. Người vợ không hiểu rằng đêm ấy đi ngủ cả nhà đóng kín mọi cửa lớn cửa bé, khi mở cửa chính thì bụi vôi khói lò ập vào nhà, vào luôn hơi thở của chồng con trên giường. Một cái chết không kịp ngáp, miên viễn ngàn thu.

Đến nước này thì quá đáng lắm, bố hắn chịu không nổi nữa. “Sống thế này khác quái gì chó”. Hắn nghe câu nói ấy trước khi ra phố huyện trọ học. Mỗi tuần về nhà vào chủ nhật hắn đều thấy khó thở. Người làng đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang. Bố hắn nói “Chẳng khác gì chó dại đeo rọ mõm. Người chứ đâu phải chó. Bịt miệng bịt mũi thì còn gì cái giống người”.

Cầm cự được vài năm, thấy không thể trụ nổi. Mấy lần tính phá hết lò, không chơi với đá nữa. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Số người chết vì ngạt khói vì nổ mìn đánh đá ngày càng nhiều. Đã thử bỏ hết. Nhưng bỏ hết cũng chết. Tiền rỗng túi. Con người ấy mà, từ khổ đi lên sướng thì dễ lắm, nhưng từ chỗ sướng về lại khổ thì không chịu được. Thế là lại làm. Làm lại mới có đồng vào đồng ra, đồng vung đồng vít. Có đó nhưng vẫn phải thoi thóp thở với bụi khói. Bố hắn quyết bán xới. Thấy được cái chết nhãn tiền mà vẫn sống thì có nữa là người trời. Dẫu sắp hết đời bố hắn vẫn cõng cả nhà vào vùng kinh tế mới Tây Nguyên.

Đúng năm ấy hắn vào đại học.

4. Hắn về phố, mang theo câu nói ám ảnh của bố lúc rời quê. Sau những ngày đầu rụt rè, hay giả vờ rụt rè, hắn trở về với chính hắn. Dẫu phố thị chẳng phải đất lành như quê hắn đã lớn hay đất hiền như Tây Nguyên màu mỡ. Hắn là hắn, bởi đơn giản hắn không thể là một hắn phẩy nào được.

Giữa rừng người phố thị hắn chẳng bao giờ lẫn lộn. Trong mớ con trai thành phố èo uột, hoocmôn ơstrogen và progesteron át cả testosteron thì hắn chính là tâm điểm của lũ con gái. Cái vẻ bất cần đời, lầm lì thêm ngón đàn hát chính là một thứ vũ khí làm rối loạn nhịp tim của đám đàn bà con gái.

- Lúc đầu nhìn thấy ghét. Người gì mà như xem trời bằng vung. Nhưng nói thật, đếch có mấy thằng như anh.

- Con trai giờ toàn phường chim teo bằng hạt đậu, chỉ ngực và mông phát triển. Kiếm người như anh khó như tìm ma giữa ban ngày.

- Em về với chị đi. Căn biệt thự ở ngã tư đấy. Cơm no bò cưỡi, tháng hai trăm đô, chưa kể đi du lịch hàng tháng.

Có lời nói sau lưng hắn. Có lời đề nghị thẳng trước mặt như muốn ký tạm ước với hắn. Con gái lao vào hắn như thiêu thân đâm đầu vào đèn. Hắn chẳng phải đèn. Nhưng trong mắt con gái phố thị hắn luôn tỏa ra thứ hào quang không thể gọi được thành tên. Bốn năm sinh viên hắn quay trong tít mù thứ từ trường ảo, không buồn xác định lực từ hay phương hướng.

Mỗi lần hắn vác xác về xứ bazan lộng gió mẹ hắn lại hỏi thăm dưới ấy ra sao? Bố hắn thì chỉ cười hậc lên, nhìn ra rẫy cà phê xanh ngút ngắt hoa nở trắng mịt mờ, kéo một hơi thuốc mà rằng: “Mẹ mày lo gì. Có gì ta đã nói hết rồi. Hết mười lăm tuổi ta đã dạy xong. Sau mười lăm tuổi, đời sẽ dạy hắn. Nhưng mày phải nhớ rằng, đời cũng chó lắm, mày chơi nó được một cái thì hắn cũng cắn lại một nhát chẳng kém đâu, không khéo thành nhát của chó dại, thành người điên. Vậy nên đừng có xỏ với đời, không ăn không gì của đời được đâu. Cứ nhìn tao và mẹ mày là thấy. Rồi yêu đương cũng thế. Đàn bà là thứ không biết đâu mà lần. Thành cũng ở đấy mà bại cũng ở đấy. Cái móng nhà là nó mà cái nóc nhà cũng là nó. Thằng đàn ông là cây cột. Chỉ cây cột trưng ra đấy thì không mối mọt cũng có ngày bị sét đánh”.

5. Hắn ra trường. Bám lại phố như một quy luật tất yếu hợp thời của giới trẻ, xem đấy là con đường độc đạo để thỏa chí làm trai và tiến lên theo kịp hành trình tiến hóa không ngừng của loài người, của tự nhiên.

Hắn vẫn ca bài ca cuộc sống mến thương cho tới ngày hắn gặp nàng. Chồn chân mỏi gối rồi. Yêu và cưới. Hắn nghĩ thế.

Chỉ môi trường không đồng ý thế.

Ơ, sao lại có môi trường ở đây? Công việc hay hoàn cảnh gia đình gì chứ? Không! Môi trường là môi trường, theo đúng nghĩa đen thùi lùi của nó. Không biết từ bao giờ thành phố hình thành một cuộc cách mạng ngầm và giờ là tổng tiến công khởi nghĩa. Xe cộ tăng lên hàng ngày hàng giờ như tốc độ nhân lên của virus. Khói mù đường. Bụi mù đường. Thế là sinh ra cái anh khẩu trang. Nàng dùng khẩu trang như một thứ thời trang cuộc sống.

- Anh biết không, ô nhiễm khói bụi trên toàn thành phố tiếp tục tăng, đã vượt tiêu chuẩn hơn hai lần. Một số khí độc như benzen, tuluen, xylen cũng tăng theo bụi nhỏ. Benzen có nguy cơ gây ung thư, vô sinh. Tất cả đã vượt tiêu chuẩn quốc tế bốn đến tám lần.

- Mức độ ô nhiễm như hiện nay tốt nhất nên sử dụng khẩu trang than hoạt tính hoặc các loại khẩu trang đặc hiệu diệt khuẩn.

- Dùng khẩu trang với hai lớp vải chỉ che được bụi theo cảm nghĩ của người dùng, tác dụng lớn nhất của chúng là… làm cho mặt mũi đỡ bẩn. Loại khẩu trang này chỉ ví được với đồ thời trang, mua để đeo cho an tâm.

Thế là nàng lại bỏ đấy một mớ khẩu trang hai lớp vải. Khoảng hai chục cái với đủ hình dáng, mẫu mã để chuyển sang khẩu trang hoạt tính. Này thì khẩu trang y tế ba lớp có khả năng ngăn chặn tối thiểu 95% vi khuẩn, bụi bẩn khuếch tán trong không khí này thì khẩu trang y tế bốn lớp có màng lọc khuẩn, có thêm lớp Nano - bạc hoặc lớp than hoạt tính với dây móc hoặc dây buộc qua đầu cùng thanh nẹp mũi; này thì khẩu trang mõm loại N96 thông thường diệt 96% vi khuẩn và bụi trong không khí, loại N96 Nano - bạc còn thêm chức năng diệt ngay trên bề mặt khẩu trang, loại N96 có thêm hoạt tính còn giúp khử các hóa chất độc hại như xăng, dầu, thuốc trừ sâu…

Nàng đã loay hoay một buổi sáng trên mạng và chạy đi mua một lô một lốc, và bắt cả hắn dùng. Nhưng hắn đâu có quen. Hắn không muốn khoác bất cứ thứ gì lên mặt. Chỉ tổ vướng víu. Không dưng hình ảnh quê nhà với những lò nấu vôi nấu gạch hiện về. Không lẽ sống khó thế. Chạy ô nhiễm chỗ này lại hứng ô nhiễm chỗ khác. Hắn biết nàng yêu và quan tâm mới bắt hắn mang khẩu trang. Nhưng hắn không chịu được. “Sống thế khác gì chó”. Điên lên hắn đã văng ra thế. Hay là lời bố hắn từ trong tiềm thức bật về.

Thế là nàng đi. Đi mất tăm mất dạng.

6. Buổi sáng sau hôm nàng đi. Trong lúc buồn buồn hắn vớ được tờ báo thấy một bài viết bàn về hôn nhân tình yêu gia đình. Đại khái bài ấy nói, tình yêu có thể lớn lao vững chắc như một quả núi nhưng cũng có thể mỏng manh dễ vỡ như bong bóng xà phòng. Một cái dằm bé tí cũng có thể làm vỡ. Quan điểm giữa hai người sẽ làm phát sinh những cái dằm ấy. Nếu dung hòa được, những cái dằm sẽ được mài nhẵn đi, thành vô hại. Bằng không cái dằm càng ngày càng nhọn sẽ chọc vỡ bong bóng. Bùm. Vậy là hết.

Khẩu trang chính là cái dằm.

Hắn hít một hơi thật sâu và thở ra từ từ. Ngước lên. Hình như trời bắt đầu sang mùa. Giờ cà phê đã ra hoa. Hắn bỗng nhớ dáng bố mẹ ngồi bên bục cửa.

Lời bố quyện trong khói thuốc vẫn còn đó.

Hắn quyết định rồi. Phải tìm cách nhể cái dằm ra thôi!

V.T.L

 

 

 

 

VĂN THÀNH LÊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 307

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

14 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

20 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground