Truyện ngắn Thơ Bút ký
Tìm kiếm nâng cao Hình ảnh hoạt động Xem tất cả Tạp chí
Yêu thơ ông suốt cả một đời…
10/7/2019
• 
Đồ tích trữ
× Đồ tích trữ
3/12/2019
• Olga Tokarczuk

(Nhà văn người Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học 2018)                      

Mẹ mất! Gã tổ chức tang lễ chu đáo. Tất cả bạn bè của mẹ gã đều tới dự. Đó là những bà lão đau khổ ẩn mình dưới chiếc mũ bê-rê và những chiếc áo khoác đại hàn có cổ làm bằng lông thú còn vương mùi băng phiến. Dưới lớp trang phục đó, khuôn mặt của họ hiện ra như những khối u lớn và xanh xao. Họ lặng lẽ sụt sịt khi chiếc quan tài bắt đầu được hạ xuống bằng những sợi dây thừng đẫm nước mưa, rồi túm tụm lại với nhau thành từng nhóm nhỏ dưới những chiếc ô gập có hoa văn chẳng mấy phù hợp.

Ngay trong tối hôm đó, gã mở ngăn tủ mẹ vẫn để tài liệu ra và lục tìm trong đó một cách vô thức, không biết sẽ tìm kiếm thứ gì. Tiền ư! Cổ phiếu bí mật! Hay trái phiếu an hưởng tuổi già vẫn thường được quảng cáo trên ti-vi với khung cảnh mùa thu tràn ngập lá vàng rơi!

Tất cả những gì gã tìm thấy là vài cuốn sổ bảo hiểm cũ kỹ từ những năm 1950, 1960, một chiếc thẻ đảng viên của ông ngoại. Ông đã mất năm 1980 với một niềm tin trong sáng rằng chủ nghĩa cộng sản là một trật tự bất diệt và siêu thực. Gã cũng tìm thấy những bức tranh mình vẽ từ thời còn đi học mẫu giáo. Những bức tranh này được gói bọc cẩn thận trong một chiếc hộp các-tông buộc dây chun. Thật xúc động khi thấy mẹ gã còn giữ lại những bức tranh đó. Đó là điều gã chưa bao giờ nghĩ tới. Trong ngăn tủ còn có mấy cuốn sổ ghi chép các công thức ngâm, muối củ quả, làm tương ớt và mứt. Công thức mỗi món đều được bắt đầu ghi chép trên một trang khác nhau, với những cái tên gọi tinh tế được viết bằng nét chữ nhẹ nhàng, vẻ như rụt rè, diễn tả rằng ẩm thực cũng cần phải đẹp; những cái tên kiểu như “Rau củ muối mù tạt”, “Bí ngô ướp kiểu nữ thần Diana”, “Salad theo công thức Avignon”, hay “Phong cách Boletus Creole”. Đôi khi cũng có những thứ kì quặc nho nhỏ như “Thạch vỏ táo” hay “Diên vĩ ngâm đường”.

Phát hiện này khiến gã tò mò, muốn xuống xem cái tầng hầm mà đã nhiều năm nay gã không đặt chân tới. Mẹ gã thì khác, rất thích giết thời gian ở dưới đó trong khi gã chưa từng băn khoăn về điều đó trước đây. Bất cứ khi nào mẹ gã cho rằng các trận bóng gã xem quá ồn ào, hay thấy rằng những lời cằn nhằn yếu ớt của bà chẳng mấy tác dụng, bà lại xuống dưới tầng hầm và vui vẻ ở lại đó khá lâu. Trong khi đó, gã sẽ cho phép mình thực thi nốt cái công việc yêu thích của mình: Nốc hết lon bia này đến lon bia khác trong khi theo dõi hai nhóm đàn ông trong trang phục khác màu, chạy qua chạy lại giữa hai phần sân bóng.

Bên dưới tầng hầm hết sức gọn gàng và ngăn nắp. Chỗ này là tấm thảm nhỏ đã cũ mòn gã nhớ đã nhìn thấy từ khi còn bé. Chỗ kia làm chiếc ghế bành bọc vải nhung với chiếc chăn len gấp lại gọn gàng đặt phía trên. Ngoài ra, dưới hầm còn một chiếc đèn ngủ và vài cuốn sách đọc nhiều tới độ đã rách nhiều chỗ. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh với gã là những chiếc giá đựng hàng loạt chai, lọ rau củ ngâm, muối được lau chùi sạch sẽ. Trên mỗi chiếc lọ dán một chiếc nhãn ghi tên và năm các loại rau củ được ngâm theo công thức trong mấy cuốn sổ ghi chép gã tìm thấy trên nhà; những cái tên đại loại như “Dưa chuột bao tử ngâm nước thịt Stasia, 1999”, “Món khai vị ngâm ớt đỏ, 2003”, “Món nhúng của bà Z”. Một vài cái tên lại có vẻ bí ẩn như “Đậu que tiệt trùng”. Cả đời gã cũng chẳng bao giờ nghĩ được “tiệt trùng” có nghĩa là gì, nhưng hình ảnh những cây nấm đã nhợt màu cùng mấy quả ớt đỏ như màu máu nén trong chiếc lọ to gợi cho gã khát khao cuộc sống. Gã lướt qua bộ sưu tập những món ăn ngâm, muối; chẳng thấy bất cứ thứ gì kiểu như cặp tài liệu hay tiền giấy được cuộn lại phía sau đống chai lọ. Có vẻ như mẹ chẳng lại để cho gã thứ gì.

Gã mở rộng không gian của mình bằng cách sử dụng phòng ngủ của mẹ để chứa quần áo bẩn và bia. Thỉnh thoảng gã lại xuống tầng hầm mang một hộp đựng mấy lọ rau củ muối lên, với tay mở một lọ và dùng dĩa lấy củ quả bên trong ra. Phải nói là bia nhắm cùng mấy thứ hạt khô kết hợp với ớt hay dưa chuột bao tử ngâm mềm ngon tuyệt vời. Gã ngồi trước ti-vi mà suy ngẫm về cái hoàn cảnh mới đó trong cuộc đời mình, về sự tự do mới có mà có cảm giác như vừa mới trải qua kì thi tốt nghiệp ở trường học và cả thế giới dường như đang mở ra trước mắt. Cứ như thể một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn đang bắt đầu vậy. Gã cũng đã có tuổi. Năm ngoái gã đã bắt đầu bước qua cái mốc bốn mươi, thế nhưng gã vẫn thấy mình còn trẻ, chẳng khác nào một học sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Và mặc dù số tiền hưu cuối cùng từ người mẹ quá cố đang cạn dần, gã vẫn còn có đủ thời gian để đưa ra quyết định đúng đắn. Trong khi đó, gã sẽ từ từ ăn hết những gì mẹ để lại như một gia tài thừa kế. Gã sẽ chỉ phải mua một ít bánh mì và bơ là cùng. Và bia nữa! Sau đó, có lẽ gã sẽ kiếm một công việc thực sự, thứ mà mẹ đã cằn nhằn với gã trong suốt hai mươi năm qua. Gã có thể lên sàn giao dịch lao động. Chắc hẳn ở đó người ta sẽ tìm thấy thứ gì đó phù hợp cho một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đã bốn mươi tuổi như gã. Gã thậm chí có thể mặc bộ véc sáng màu mà mẹ đã ủi cẩn thận và treo cùng một chiếc áo sơ mi màu xanh trong tủ quần áo, sau đó đi vào thị trấn. Tất nhiên là chuyện đó chỉ xảy ra khi trên ti-vi không diễn ra trận bóng nào!

Vậy mà lại gã thấy nhớ tiếng dép lê của mẹ lẹt xẹt quanh nhà. Gã đã quá quen với cái âm thanh lẹt xẹt đó, thường là đi kèm với cái giọng nhỏ nhẹ của bà, bảo rằng: “Mày không cho cái ti-vi nó nghỉ ngơi được một chút à. Sao không chịu ra ngoài gặp gỡ mọi người hay đi tìm đứa con gái nào đó đi? Mày định sống cả phần đời còn lại thế này hay sao? Phải tìm một căn hộ cho riêng mình đi chứ; căn nhà này không đủ chỗ cho hai người. Mọi người ai cũng kết hôn, sinh con đẻ cái, đi cắm trại và gặp gỡ nhau ở những bữa tiệc nướng. Còn mày thì sao? Có thấy xấu hổ không khi bám váy một bà già ốm yếu? Đầu tiên là bố mày, còn bây giờ thì là mày. Tao phải giặt giũ và ủi đồ cho mày, rồi thì lại tha lôi mua sắm một mình. Cái ti-vi đó luôn biết cách quấy nhiễu tao, làm tao không sao ngủ được. Vậy mà mày thì ngồi trước ti-vi đến sáng được. Có cái gì mà mày xem suốt cả đêm được thế? Sao mày không thấy nhàm chán về nó thế nhỉ?” Mẹ gã cứ càm ràm như thế tới hàng giờ liền. Thế là gã đi mua một chiếc tai nghe. Cũng là một giải pháp. Mẹ gã không phải nghe tiếng ti-vi nữa, còn gã thì không phải nghe tiếng cằn nhằn của mẹ.

Nhưng như bây giờ thì lại yên tĩnh quá! Căn phòng gọn sạch của mẹ gã đầy khăn lót bàn và những ngăn tủ kính thu mình dưới đống hộp các-tông. Căn phòng bắt đầu bị xâm chiếm của một thứ mùi lạ tỏa ra từ những tờ giấy đang mủn ra, của thạch cao đang bị tấn công bởi nấm mốc. Một không gian kín, nơi gió không thể chạm tới, bắt đầu bốc mùi và lên men. Một ngày nọ, khi đang đi tìm mấy chiếc khăn sạch, gã lại phát hiện thêm một số chai lọ khác ở khoang dưới cùng của tủ quần áo. Chúng bị che đi bởi đống khăn trải giường, hoặc nép mình giữa những sợi len, như một đội quân du kích. Đây là mẻ rau củ muối thứ năm trong cái thế giới chai lọ của mẹ gã. Gã kiểm tra kĩ lưỡng và thấy chúng khác với những chiếc chai, lọ dưới tầng hầm về độ tuổi. Chữ viết trên nhãn dán đã hơi mờ, thường thấy là năm 1991 và 1992. Cũng có một số chai lọ được để riêng ra một chỗ. Chúng cũ hơn, quãng năm 1983 và có cả một chai từ năm 1978. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến mùi hôi. Nắp vặn bằng kim loại đã gỉ sét và không khí đã lọt vào bên trong. Dẫu trước đây thứ gì đã từng ở trong lọ thì giờ đã biến thành một tảng bám màu nâu. Gã ghê sợ ném chiếc lọ vào thùng rác. Những dòng chữ tương tự xuất hiện trên nhãn một chiếc lọ có nội dung “Bí ngô trộn sốt nho Hy Lạp”. Cũng có một số dưa chuột bao tử đã chuyển sang màu trắng. Ngoài ra, còn có rất nhiều chai, lọ khác với các rau củ ngâm bên trong mà gã sẽ không thể nhận ra nếu không có cái nhãn được dán đầy đủ và rõ ràng bên ngoài. Nấm ngâm đã biến thành một thứ gì đó giống như thạch, đùng đục và u ám, hay một kiểu mứt màu đen đã đông lại. Mấy thứ pa-tê thì đã cứng đanh và quắt lại thành từng nắm nhỏ. Gã còn tìm thấy nhiều lọ như vậy trong tủ giày và một cái hộc nhỏ phía sau bồn tắm. Quả là một bộ sưu tập đáng nể! Không biết có phải mẹ đã tích trữ đồ ăn cho gã hay không? Hay mẹ làm những thứ đồ ăn này cho bà vì nghĩ rằng một ngày nào đó gã sẽ dọn ra khỏi nhà? Hoặc cũng có thể là mẹ thực sự chuẩn bị những thứ đồ ăn này cho gã bởi bà nghĩ rằng bà sẽ ra đi trước... Mà sau tất cả thì các bà mẹ đều chết trước con trai của mình. Vì vậy, có lẽ bà muốn dự phòng mấy chiếc lọ này cho tương lai của gã. Gã kiểm tra mấy lọ rau củ ngâm với một thứ phức cảm kết hợp giữa yêu thương và kinh sợ. Đến khi bắt gặp một chiếc lọ dưới bồn rửa bát có ghi “Dây giày ngâm giấm, 2004” thì gã mới thấy giật mình. Nhưng tất cả những gì gã cảm thấy chỉ là hơi chút bối rối khi nhìn thấy những sợi dây màu nâu cuộn tròn như một quả bóng nổi lềnh bềnh trong nước ngâm cùng những viên tiêu Jamaica màu đen. Tất cả chỉ có thế.

Cứ khi nào gã bỏ tai nghe ra và đi vào nhà vệ sinh là mẹ lại đã chờ sẵn ở đó. Bà lẹt xẹt bước ra khỏi gian bếp, chặn đường gã mà rền rĩ: “Gà con đều đến lúc rời tổ. Đó là điều đương nhiên, bởi bố mẹ nào cũng xứng đáng đến lúc được nghỉ ngơi. Đó là quy luật của tự nhiên. Vậy thì sao mày vẫn cứ ở đây mà làm phiền tao mãi vậy? Lẽ ra mày phải dọn ra khỏi nhà và đi tìm cuộc sống cho riêng mình từ lâu rồi mới phải”. Sau đó, khi gã cố lách qua, bà sẽ nắm lấy tay áo gã mà rít to lên, đôi lúc đến độ chói tai: “Tao xứng đáng được hưởng một tuổi già yên bình. Hãy để tao yên! Tao muốn được nghỉ ngơi”. Nhưng gã đã biến vào trong nhà vệ sinh, chốt cửa lại và chìm vào những suy nghĩ riêng mà quên đi chính mình. Mẹ gã sẽ lại cố gắng chặn gã lại khi gã quay ra, nhưng ít quyết liệt lên án hơn. Sau đó, mẹ gã sẽ chậm chạp đi ra, chui vào phòng ngủ của mình, và gã sẽ không còn thấy bất cứ dấu vết nào của mẹ cho đến tận sáng hôm sau, khi tiếng kim loại va đập vào nhau vang lên khi bà thong thả cọ nồi, cọ chảo, khiến gã không ngủ thêm được nữa.

Nhưng các bà mẹ bao giờ cũng yêu thương con mình. Thiên chức của mẹ là yêu thương và tha thứ. Vì vậy, gã chẳng chút lo lắng khi thấy mấy sợ dây giày hay miếng bọt biển sốt cà chua dưới hầm. Dù sao thì nó cũng được chú thích một cách chính xác là “Bọt biển sốt cà chua, 2001”. Gã mở ra, kiểm tra xem có đúng như trên nhãn đã ghi hay không rồi ném chiếc lọ vào thùng rác. Tuy vậy, gã cũng tìm thấy vài món thực sự ngon. Một trong những chiếc lọ cuối cùng gã tìm được là ở trên chiếc giá dưới hầm. Chiếc lọ ngâm móng giò lợn khá ngon. Gã lại tìm thấy cái lọ ngâm củ cải bao tử chua cay sau tấm rèm trong phòng mẹ. Chỉ trong hai ngày, gã đã ăn hết vài lọ. Còn khi cần đồ tráng miệng thì gã sẽ quẹt ngón tay lấy một ít mứt mộc qua mà chén.

Hôm diễn ra trận đấu giữa Ba Lan và Anh, gã kéo cả một hộp rau củ ngâm muối lên khỏi hầm và bày cả đống bia ra xung quanh. Gã cứ thò tay vào hộp một cách ngẫu nhiên và ngấu nghiến những thứ rau củ được ngâm muối đó mà không cần biết thứ mình đang ăn là gì. Gã cũng để ý thấy có một cái lọ nhỏ, vì mẹ gã nhầm lẫn một cách rất buồn cười. Trên nhãn ghi: “Nấm ngâm giấm, 2005”. Gã dùng dĩa lấy ra những chiếc mũ nấm màu trắng mềm mại. Thứ đồ ngâm đó trôi tuột xuống cổ họng gã như thể những sinh vật sống. Trận đấu đã có tỉ số. Vì vậy, gã thậm chí còn không nhận ra là mình đã ăn hết cả chỗ nấm đó. Đêm đó, khi đi vào vệ sinh, gã thấy như mẹ mình đang chặn trước cửa, rít lên bằng cái giọng chói lói không chịu nổi. Nhưng rồi gã sực nhớ ra rằng mẹ mình đã mất. Cứ thế, gã nôn thốc tháo từ đêm đến sáng, nhưng chẳng ích gì. Bệnh viện tìm cách ghép gan cho gã, nhưng không tìm được người hiến. Và thế là gã cứ thế hôn mê và chết vài ngày sau đó.

Chuyện chưa dừng ở đó, bởi mãi chẳng có ai tới nhận xác gã và cũng chẳng có ai sắp xếp tổ chức tang lễ cho gã. Cuối cùng thì những người bạn của mẹ gã cũng đến nhà xác bệnh viện. Những bà lão đau khổ ẩn mình dưới những chiếc mũ bê-rê, cầm những chiếc ô có hoa văn chẳng mấy phù hợp lại đứng trước ngôi mộ gã. Họ là những người thực hiện nghi thức lễ tang đầy trắc ẩn cho gã.

HỮU DƯƠNG chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh của Antonia Lloyd-Jines (nguồn: granta)

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

http://vannghequandoi.com.vn/van-hoc-nuoc-ngoai/do-tich-tru_10040.html

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  




• 
Giáo viên giỏi
× Giáo viên giỏi
5/11/2019
• Aung Thin

 

 

 

Aung Thin là một nhà văn ở Miến Điện đã dành rất nhiều tâm huyết vào việc giáo dục và khuyến khích thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt.

Ông sinh ngày 17 tháng 4 năm 1927 ở thị trấn Taungdwingyi, vùng Magway và qua đời ngày 25 tháng 10 năm 2014 tại San Chaung, Yangon. Bài báo đầu tiên của ông được in trên tạp chí Myawaddy vào năm 1959.  Năm 1960 ông trở thành trợ giảng tại Đại học Yangon. Ông đã viết hơn 50 cuốn sách về các thể loại đạo đức, kiến thức văn hóa và giáo dục thanh niên. Ông được trao giải thưởng Văn học Quốc gia năm 2012.

 

Tôi làm giảng viên tại Đại học Yangon từ đầu thập niên 1960. Trước đó, tôi dạy ở một trường phổ thông tại thị xã Taungdwin-gyi, quê nhà của tôi. Có thể bị cho là khoác lác khi nói rằng tôi là một giáo viên giỏi ở cả hai nơi. Tôi nghĩ thực ra thì một giáo viên giỏi không có gì ghê gớm lắm, chẳng cần nỗ lực hay tài năng gì nhiều.

Tuy nhiên, những gì tôi chứng kiến được trong chuyến về thăm quê năm 1963 đã khiến tôi cảm thấy chột dạ.

Khi tôi về đến quê nhà thì các trường học vừa bắt đầu học kỳ mới và tôi tự cho điểm kém vì còn lâu tôi mới được giáo viên giỏi.

Để tôi giải thích chuyện này.        

Trong chuyến về thăm Taungdwin-gy, tôi thích ở chùa Shwe In Taung vì gần đó có một viện bảo tàng nhỏ do tôi và một vài người bạn thân trong ban giám đốc điều hành. Chúng tôi thường gặp nhau ở đó vào buổi tối. Trên đường đến bảo tàng, tôi thường ghé trường học gần chùa để báo cho U Nyan Sein,  bạn tôi đang dạy ở đó biết rằng tôi sẽ đợi anh. Anh là một giáo viên mỹ thuật nhưng anh dạy đọc và viết cho trẻ mới vào trường mẫu giáo.

Một hôm tôi đến cửa lớp để bảo anh ấy đến bảo tàng sau khi hết giờ dạy. Tôi thấy anh đang vẽ trên bảng và tôi nán lại để xem thử cái gì. Những cháu bé lên năm đang yên lặng ngồi chờ. Chỉ vài nét khéo léo, chúng đã nhận ra một nhân vật hoạt hình và đồng thanh kêu lên:

“Ninja Rùa!”

U Nyan Sein vẽ thêm một cây gậy.

Bọn trẻ lại đồng thanh:

“Nó đang cầm gậy”.

Rồi sau đó:

“Nó đang hút ống điếu”.

U Nyan Sein quay xuống lớp:

“Một hôm Ninja Rùa đi dạo chơi, đố các cháu biết nó sẽ gặp ai, nào?”

Anh quay lại bảng và vẽ một hình khác cách xa hình cũ về phía phải của bảng.

“Ninja Thỏ,” bọn trẻ ré lên.

“Thế rồi, Ninja Thỏ nói với Ninja Rùa...”

Anh ấy bắt đầu kể chuyện. Tôi không nhớ gì thêm vì phải vẫy tay chào để đi.

Anh ấy cười, nói: “Mời thầy nghe nữa chứ!”

Tôi hẹn anh chiều tối gặp nhau.

Hai, ba ngày sau đó, tôi thấy anh chỉ vẽ hình và kể chuyện nên tôi hỏi anh sao không dạy gì cả.

“Dạy đọc và viết thì lúc nào cũng được,” anh trả lời. “Bạn nhận xét đúng, mình cố ý làm như vậy. Vì thời gian này cần làm cho trẻ thích học, thích đến trường, không sợ. Đây là bước quan trọng”.

Tôi nghĩ có lẽ anh nói đúng và hôm sau quyết định ở lại xem anh dạy.

Có một cháu ngồi hàng đầu khóc đến sưng mắt.

Nó chẳng thèm nhìn tranh vẽ hay nghe chuyện. Nó khóc liên miên, không dứt. Nó luôn nhìn ra cửa sổ và tôi thấy một cụ già, có lẽ là bà của nó, đang ngồi dưới gốc cây me.

Một lát sau, U Nyan Sein gọi bà cụ:

“Về nhà đi bà ơi. Đừng lo cho nó. Nếu bà còn ngồi đó thì cháu không dỗ cho nó nín được đâu”.

Nghe vậy, thằng bé khóc ré lên. Bà cụ có vẻ tần ngần không muốn đi.

“Vụ này khó đây. Mấy bà già này còn khó giải quyết hơn mấy đứa trẻ.” Anh nói với tôi.

Rồi anh ấy gọi bà: “Làm ơn bà đi khuất qua cái góc kia để thằng bé không nhìn thấy”.

Bà cụ chậm chạp rời đi. Đám trẻ hú lên, làm rung cả phòng.

U Nyan Sein tiếp tục kể chuyện trong khi thằng bé vẫn khóc. Nó khóc vài phút cho đến khi U Nyan Sein ngừng kể và mỉm cười nhìn thằng bé.

“Nào, các cháu, hình như bạn nhỏ này dùng không hết nước mắt, tại sao các cháu không khóc để giúp bạn dùng hết cho nhanh?”.

Ngay lập tức, bọn trẻ bắt đầu giả khóc. Chúng khóc rất hăng, tay quệt nước mắt và rên hu hu. Phòng học ồn ào như cái đám.

Thằng bé ngừng khóc, ngạc nhiên nhìn quanh, vẻ bối rối.

Bọn trẻ ngừng khóc. Trông thấy cảnh này, tôi không nén được cười.

 U Nyan Sein tiếp tục kể chuyện. Một lúc sau, thằng bé  lại khóc, cả lớp lại cùng khóc với nó, khóc cho hết nước mắt. Sau đó, không còn nước mắt nữa, cả thật lẫn giả.

Hôm sau tôi đến lớp anh ấy sớm hơn. Thằng bé ấy có vẻ đã khóc trước đó nhưng đã nín rồi. Thầy nó có vẻ phấn khởi. Anh nói với lớp: “Này, các cháu. Hôm nay thầy sẽ cho các cháu mấy trái mận, các cháu có thích không?”

“Vâââng aaaạ!” bọn trẻ trả lời.

“Ai thích thì đưa tay lên!”

Những ngón tay nhỏ bé đưa lên. Thằng bé hay khóc không đưa tay lên nhưng há hốc miệng nhìn thầy nó: thật có mận hay không, thằng bé hình như đang tự hỏi. Tôi cũng vậy.

U Nyan Sein quay lại bảng. Anh vẽ một vòng tròn và thêm một cái cuống ở phía trên.

“Trái mận đây... ai trước? Cháu, cháu là người nhỏ nhất... lên đây!”

Anh giả vờ hái trái mận từ bảng, ném cho một cháu. Cháu này cũng giả vờ chụp và ăn, miệng nhai bỏm bẻm. Cả lớp ồ lên thích thú.

“Đây, một trái nữa này!” Anh vẽ một trái khác, hái và ném. Anh nói: “Trái này không ngọt, không tròn lắm, hơi dài. Cũng tạm được, thử xem nó chua thế nào”.

Thằng bé được ném mận chu miệng lên, nói: “Chua quá!”. Bọn trẻ cười ré lên. Có mấy đứa kêu to: “Cho con với! Trái tiếp cho con!”

“Trái này thúi rồi. Có mùi ghê lắm”.

Anh vẽ một vòng tròn lồi lỏm không đều.

Thằng bé được ném nhăn nhó mặt mày, ra vẻ hôi lắm.

Các cháu bé năm tuổi được một buổi vui vẻ. Màn nhặt mận rất thành công.

 Hôm sau, một bước mới được áp dụng.

“Hôm nay, thầy mua mận của các cháu, mỗi lần năm quả”, anh ấy cho học sinh biết. “Nhưng chỉ trái ngọt mới được điểm. Thầy không mua quả chua hay thối, nên các cháu không có điểm. Nào, hãy xem thầy vẽ trái mận ngọt thế nào nhé... nhìn đây”.

Anh vẽ lên bảng một vòng thật tròn theo chiều kim đồng hồ.

“Còn trái mận thối thì thế này”. Anh vừa nói vừa vẽ một vòng ngược kim đồng hồ.

Học trò đưa tay lên và làm động tác theo anh.

“Thế này! Không phải thế này!” chúng đồng thanh nói theo anh.

Tôi tự hỏi làm sao anh có thể kiểm tra ai vẽ ngược kim đồng hồ vì anh không thể quan sát hết tất cả bọn trẻ cùng một lúc.

Một cánh tay nhỏ bé giơ lên: “Thưa thầy, bạn này vẽ mận thối, thế này”. Cánh tay ấy vẽ  một vòng ngược kim đồng hồ.

Bạn bên cạnh vừa nói vừa vẽ vào khoảng không, “Không, không. Cháu vẽ thế này này”, dùng tay vẽ một vòng theo chiều kim đồng hồ. À ha, tôi nghĩ, bọn trẻ kiểm tra lẫn nhau.

Hóa ra việc hái mận này có chủ đích: Bảng chữ cái Myanmar dựa trên những đường tròn.

Bọn trẻ chăm chú vẽ những “trái mận” trên bảng con.

Sau khi mỗi cháu vẽ xong  năm “trái mận”, chúng mang lên để thầy kiểm tra.

“Ồ, trái này chua, lần sau thầy không mua đấy nhé. Nhưng lần này thì thầy mua,” anh nói và cho điểm. Bọn trẻ vui vẻ xuống lớp.

Thằng bé hay khóc  mang bảng con lên với vẻ e thẹn.

“Cháu khóc nhiều nhưng mận cháu ngọt lắm!” U Nyan Sein nói với nó. Thằng bé chạy nhanh về chỗ, có vẻ rất sung sướng, và tôi để ý thấy nó mang bảng con lên nhiều lần nữa, lần nào cũng có vẻ sướng lắm.

Hôm sau bắt đầu một bài mới. Anh yêu cầu mỗi cháu đứng dậy và  nói tên của mình. Sau đó anh viết một mẫu tự “Ka” (Mẫu tự đầu tiên trong bảng chữ cái)* lên bảng.

Nào, tất cả các cháu đều có tên... lần lượt cho thầy biết tên của cháu... Ồ, tên đẹp lắm!... Tên hay lắm!... Tên dễ thương lắm!.. Các cháu nghe đây. Anh bạn trên bảng này cũng có một tên. Tên bạn là 'Ka'. Đừng quên nhé. Các cháu thích người ta gọi đúng tên mình, đúng không? Thì bạn này cũng vậy.

Và anh tiếp tục với tất cả chữ cái theo cách ấy.

Sau khi xem bạn tôi dạy, tôi thật sự cảm thấy chột dạ. Tôi có phải là một giáo viên giỏi hay không? Tôi có dạy học sinh của tôi tốt như anh ấy hay không?

A.T

Nguồn: Tạp chí Non Nước

http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/chitiet.php?id=3082&so=125

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• 
Hai người mẹ
× Hai người mẹ
8/10/2019
• Vasili Sukhomlinski

Tại một bệnh viện nhỏ ở ngoại ô thành phố có hai người mẹ đang nằm chữa bệnh. Đó là người mẹ Tóc Vàng và người mẹ Tóc Đen. Họ đều có con trai, hai cậu bé được sinh ra cùng một ngày. Cả hai người mẹ đều cảm thấy hạnh phúc. Họ mơ ước về tương lai của con trai mình.

Tôi muốn con tôi sẽ trở thành một người xuất chúng – Người mẹ Tóc Vàng nói – là một nhạc sỹ hoặc một nhà văn nổi tiếng khắp thế giới. Hoặc sẽ là một nhà điêu khắc làm nên những tác phẩm nghệ thuật sống mãi cùng thế kỷ. Hoặc là một kỹ sư tạo nên một con tàu vũ trụ bay đến ngôi sao xa xôi… Tôi muốn sống vì điều đó.

Còn tôi thì muốn con trai tôi trở thành một người tốt – Người mẹ Tóc Đen nói – Để nó không bao giờ quên mẹ và ngôi nhà thân thuộc, biết yêu Tổ quốc và căm ghét kẻ thù.

Hai người cha hàng ngày đều đến thăm hai người mẹ trẻ. Họ nhìn hồi lâu vào khuôn mặt bé nhỏ của con trai mình, trong mắt họ ánh lên niềm hạnh phúc, sự ngạc nhiên, trìu mến. Sau đó hai người ngồi bên giường vợ mình một lúc lâu và nói thì thầm điều gì đó với họ. Bên chiếc nôi của đứa con mới sinh họ đã mơ ước về tương lai, tất nhiên là về một tương lai hạnh phúc. Một tuần lễ sau, hai người chồng hạnh phúc, bây giờ là những người cha, đưa vợ con mình về nhà.

*

30 năm đã trôi qua. Hai người phụ nữ Tóc Vàng và Tóc Đen lại đến bệnh viện nhỏ năm xưa ở ngoại ô thành phố. Trên mái tóc của họ đã có lốm đốm những sợi bạc, khuôn mặt họ cũng hằn những vết nhăn nhưng hai người phụ nữ trông vẫn đẹp như 30 năm về trước. Họ nhận ra nhau. Cả hai đều được xếp nằm điều trị ở cùng một phòng, nơi mà 30 năm trước họ đã sinh ra những đứa con trai. Họ kể chuyện về cuộc đời mình. Cả hai đều có nhiều niềm vui và cả những nỗi đau khổ lớn lao. Hai người chồng của họ đã hy sinh ngoài mặt trận để bảo vệ Tổ quốc. Nhưng vì một lý do nào đó mà khi kể về cuộc đời của mình họ lại im lặng không nhắc đến những đứa con trai…

Cuối cùng thì người mẹ Tóc Đen đã hỏi:

- Con trai chị trở thành người thế nào?

- Là một nhạc sỹ xuất chúng – Người mẹ Tóc Vàng tự hào trả lời – Bây giờ nó điều khiển một dàn nhạc và biểu diễn tại nhà hát lớn nhất của thành phố chúng tôi. Nó đã rất thành công. Không lẽ chị không biết con trai tôi sao? – Và người mẹ Tóc Vàng nói tên của người nhạc sỹ.

Phải, tất nhiên là người mẹ Tóc Đen biết rõ cái tên đó và nó cũng được nhiều người biết đến. Mới đây bà đã đọc về thành công tuyệt vời của người nhạc sỹ này ở nước ngoài.

- Thế con trai chị là người thế nào? – Người mẹ Tóc Vàng hỏi.

- Nó là người thợ làm bánh mỳ. Vâng, để tôi nói rõ hơn với chị, nó là thợ cơ khí tại nông trang tập thể, rồi sau đó là thợ lái máy gặt đập liên hợp làm việc tại một trang trại chăn nuôi. Ngay từ đầu mùa xuân cho đến cuối thu khi mà tuyết phủ trên mặt đất thì con trai tôi cày xới đất, gieo hạt, thu hoạch và lại cày, gieo hạt một lần nữa rồi lại gặt hái… Chúng tôi sống ở làng quê cách nơi đây 100 cây số. Con trai tôi có hai đứa con, một bé trai 3 tuổi và một bé gái mới sinh gần đây…

- Dẫu sao thì hạnh phúc đã bỏ rơi chị – Người mẹ Tóc Vàng nói – Con trai chị trở thành một người đơn giản chẳng được ai biết đến.

Người mẹ Tóc Đen không nói gì.

Mấy ngày sau, con trai người mẹ Tóc Đen từ làng quê đến thăm mẹ. Anh mặc chiếc áo choàng trắng, ngồi trên chiếc ghế băng trắng, nói thì thầm điều gì đó với mẹ suốt một lúc lâu. Trong đôi mắt của người mẹ Tóc Đen ánh lên niềm vui. Có lẽ, trong những khoảnh khắc đó bà đã quên đi mọi thứ trên thế gian. Bà nắm lấy bàn tay mạnh mẽ rám nắng của con trai trong tay mình và mỉm cười. Khi chia tay mẹ, người con trai, như thể có lỗi, lấy từ trong chiếc túi xách ra những chùm nho, mật ong, bơ đặt lên chiếc bàn nhỏ. “Mẹ hãy khỏe lại nhé” – Anh nói khi tạm biệt và hôn mẹ.

Còn người mẹ Tóc Vàng thì chẳng có ai đến thăm cả. Vào buổi tối sự tĩnh lặng bao trùm căn phòng và người mẹ Tóc Đen lên giường nằm, lặng lẽ mỉm cười với những ý nghĩ của mình, người mẹ Tóc Vàng nói:

- Con trai tôi hiện đang có buổi hòa nhạc… Nếu không phải biểu diễn thì chắc chắn là nó đã đến rồi…

Mấy ngày sau nữa, trước khi trời tối cậu con trai là thợ làm bánh mỳ từ làng quê xa xôi lại đến thăm người mẹ Tóc Đen. Anh vẫn ngồi một lúc lâu trên chiếc ghế băng màu trắng và người mẹ Tóc Vàng nghe thấy họ nói rằng hiện giờ đang là thời vụ, người ta làm việc cả ngày lẫn đêm… Khi chia tay mẹ, người con trai đặt lên chiếc bàn nhỏ chiếc lược hình tổ ong, món thịt hầm và những trái táo. Khuôn mặt của người mẹ Tóc Đen sáng lên vì hạnh phúc và những nếp nhăn dãn ra.

Chẳng có ai đến thăm người mẹ Tóc Vàng cả.

Buổi tối, hai người phụ nữ nằm im lặng. Người mẹ Tóc Đen mỉm cười, còn người mẹ Tóc Vàng thì thở dài khe khẽ vì sợ rằng người bên cạnh nghe thấy tiếng thở dài của mình.

Lại mấy ngày sau nữa, trước khi trời tối người con trai lại đến thăm người mẹ Tóc Đen. Đi cùng với anh là đứa con trai 3 tuổi mắt đen. Anh con trai và đứa cháu nội của người mẹ Tóc Đen ngồi bên giường của bà, trong đôi mắt bà ánh lên niềm hạnh phúc, bà như trẻ hẳn ra. Người mẹ Tóc Vàng với nỗi đau trong tim nghe thấy đứa cháu kể chuyện cho bà nội rằng hôm qua nó cùng với cha mình ngồi trên “chiếc cầu gặt đập” của máy liên hợp chạy suốt nửa ngày.

- Cháu cũng sẽ trở thành công nhân lái máy kéo!

Cậu bé nói và bà nội hôn bé…

Hai người mẹ nằm viện một tháng. Vài ngày con trai của người mẹ Tóc Đen – người nông dân từ làng quê xa xôi đều đến thăm mẹ, mang theo nụ cười của đứa con hiếu thảo và dường như người mẹ đã bình phục vì điều này. Người mẹ Tóc Vàng vẫn chẳng có ai đến thăm cả.

Một tháng sau, người mẹ Tóc Đen đã bình phục và bà được nhận giấy xuất viện. Còn người mẹ Tóc Vàng thì bác sỹ bảo bà vẫn cần phải nằm viện.

Con trai của người mẹ Tóc Đen đã đến đón mẹ. Anh mang đến vài bó hoa hồng nhung. Anh tặng hoa cho các bác sỹ và các cô y tá. Tất cả mọi người trong bệnh viện đều mỉm cười.

Vasili Sukhomlinski (Nga)
Bích Nguyễn (dịch)

Nguồn: Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh

http://tuanbaovannghetphcm.vn/hai-nguoi-me-so-560/

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• Châu La Việt

C

hế Lan Viên là một nhà thơ lớn, một thần tượng thi ca của tôi. Đến giờ đây nhà thơ Y Phương, tức người bạn từ thuở lính Hứa Vĩnh Sước của tôi vẫn khẳng định rằng: Cái tên ký Châu La Việt của tôi, là bắt đầu từ ba chữ cái CLV của tên ông Chế Lan Viên!

Tôi yêu thơ Chế Lan Viên từ những ngày thơ trẻ, nhất là yêu những câu thơ cuồn cuộn một tình yêu lớn với đất nước, quê hương: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt / Như mẹ cha ta, như vợ như chồng / Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết / Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”, hoặc “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm / Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”. Những câu thơ ấy vừa như chính khúc hát của tâm hồn trai trẻ của mình, lại vừa như thắp thêm một ngọn lửa diệu kỳ về tình yêu quê hương Tổ quốc trong trái tim mình. Nhất lại vào những ngày kháng chiến, những ngày mà vì tiếng gọi non sông, vì tình yêu Tổ quốc, ai cũng thiết tha cầm súng lên đường, sẵn sàng hy sinh tất cả.

May mắn cho tôi là vào cái thuở mình yêu thơ Chế Lan Viên nồng nhiệt, tôi lại có may mắn được gặp ông. Là bởi mẹ tôi thân với ông từ thời chống Pháp ở Khu Tư, Bình Trị Thiên. Thấy tôi thích thơ ông quá, một hôm mẹ dẫn tôi đến thăm ông, trong một căn nhà nhỏ trong khu nhà 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ông mải mê nói chuyện quê hương Quảng Trị với mẹ tôi (mẹ tôi và ông là đồng hương). Được ngồi yên bên Mẹ, được chiêm ngưỡng ông, được nghe chuyện của ông, tôi như bị hớp hồn. Nhưng tôi chợt nhận ra một điều rất buồn cười là trên bàn làm việc của ông có một tấm biển nhỏ ghi hàng chữ: “Tôi rất bận, xin các bạn không ngồi lâu quá 5 phút”. “Răng rứa anh?”, mẹ cười hỏi ông. Ông cũng nở một nụ cười: “Anh nhiều khách quá. Cho nên phải đặt ra nguyên tắc ấy. Bất cứ vị khách nào đến, dù công việc gì anh cũng xin phép tiếp đúng 5 phút thôi”. Mẹ tôi hỏi đùa ông: “Nhưng họ cứ ngồi lỳ ra thì mần răng?”. “Thì đây” - thần tượng của tôi nở một nụ cười hóm hỉnh, tay bấm một công tắc điện, lập tức một chiếc đèn con màu đỏ nhấp nháy liên hồi ở cái biển “xin không ngồi quá 5 phút”. Ông cười, mẹ tôi cũng cười, rồi đứng lên: “Em cũng quá 5 phút rồi”. Vui chuyện thế, mà ông cũng liền đứng dậy tiễn mẹ tôi ra cửa, và xoa xoa lên tóc tôi: “Cháu về nhé, có gì muốn hỏi về thơ thì cháu cứ đến đây…”

Sau này, tôi có đến thăm ông một đôi lần, nhưng lần nào từ cửa nhìn vào cũng thấy căn phòng ông có khách. Thế là lặng lẽ ra về. Chỉ có một lần tôi đánh bạo vào, lí nhí nói với ông là cháu có làm được ít bài thơ, nhờ bác đọc và chỉ bảo cho cháu. Tôi run run đưa ông cuốn vở nhỏ chép thơ - những bài thơ đầu đời vụng dại. Ông đón nhận trìu mến: “Cháu cứ để bác xem, rồi bác sẽ ghi ý kiến nhận xét”. Nói rồi ông quay sang nói với mấy vị khách trong phòng như giới thiệu về tôi: “Con trai Tân Nhân đấy”. Tôi nghe những tiếng thì thầm: “Con Hoàng Thi Thơ à?” “Có lẽ thế. Nhìn nó giống lắm!” Lại tiếng thì thào: “Sao nó không đi viết nhạc mà đi làm thơ hè?” Một vị khách cười cười: “Chắc vì nó cũng như chúng ta mê thơ anh Hoan” (tên thân mật của nhà thơ Chế Lan Viên).

 Một thời gian ngắn sau tôi có quyết định nhập ngũ. Tôi đến chào ông để lên đường. Ông có vẻ bất ngờ: “Cháu sẽ vào chiến đấu ở đâu? Ở binh chủng gì?” Tôi nói với ông có lẽ miền Nam bác ạ. Ông bảo ông cũng có một người con trai mới lên đường. Rồi ông đưa ra tập thơ của tôi, được cất trong một phong bì bằng giấy báo hình như do ông tự cắt dán: “Thơ của cháu đây, bác đã đọc kỹ rồi, và có ghi kỹ những nhận xét. Cháu có tâm hồn thơ, nay lại có thêm thực tế chiến đấu ở mặt trận, sẽ rất tốt cho thơ cháu tương lai. Nếu cháu làm được bài thơ nào, cháu gửi về cho bác xem nhé”. Chưa hết, ông còn lấy một tấm ảnh nhỏ đặt trên bàn, ảnh chụp ông với một người chiến sỹ trẻ, rồi ghi vào sau đó dòng chữ: “Tặng cháu Châu La Việt tấm ảnh bác chụp với Phan Lai Triều ngày anh Triều nhập ngũ”. Tay tôi run lên đón nhận tấm ảnh ông trao, có cả bút tích của ông, như một kỷ niệm thiêng liêng ông dành cho tôi đi vào mặt trận.

Tấm ảnh ấy đã theo tôi qua nhiều sông, nhiều suối, nhiều chặng đường bom đạn, khi bên Đông lại khi bên Tây Trường Sơn. Theo tấm ảnh ấy, gặp cánh quân nào tôi cũng xem có gương mặt nào tương tự như anh Triều con ông hay không, để hy vọng anh em gặp nhau, tâm sự với nhau về ông, về một người cha mà cả hai đều rất yêu quý. Nhưng bao cánh quân giao nhau mà vẫn không một lần được gặp. (Sau này tôi biết anh Phạm Tiến Duật nhiều năm tháng trên đường Trường Sơn cũng tìm anh Triều, gặp đoàn quân nào cũng hỏi: “Thằng Triều con anh Hoan / Có trong đoàn quân ấy?” (Trường ca Những vùng rừng không dân).

Đã không gặp được anh Triều, mà rồi tôi cũng không giữ được tấm ảnh! Có lẽ đó là một trong những tiếc nuối nhất của tôi về kỷ vật trong chiến tranh. Nhưng mất đi không phải do tôi. Trong một trận chiến đấu, máy bay Mỹ phóng bom trúng vào trận địa, chúng tôi người còn kẻ mất, ba lô quần áo cháy hết thành khói đen. Tấm ảnh cũng cháy đen. Từ đấy tôi chỉ còn hình ảnh ông và người con trai ông trong trái tim mình.

Nhiều năm tháng sau khi ông đã mất, vật kỷ niệm ông trao tôi ngày lên đường có hình ảnh, có bút tích thương yêu của ông luôn là một tiếc nuối lớn trong tôi. Có một lần ra nhà sách Fahasa, thoáng thấy một cuốn sách của tác giả Phan Lai Triều (Nắng gió Trường Sơn), tôi liền mua ngay. Thật bất ngờ trong tập sách ấy có tấm hình nhà thơ Chế Lan Viên và anh Phan Lai Triều chụp ngày anh Triều năm xưa nhập ngũ. Hệt như chính tấm ảnh ông đã tặng tôi mà bom đạn đã thiêu cháy. Giờ như vừa mọc dậy, vừa sống lại trong cuốn sách này! Trái tim tôi như bóp lại. Tôi đã tìm lại được kỷ niệm xưa đầy thiêng liêng của mình, đã tìm lại được trái tim nhân ái và đầy yêu thương của Chế Lan Viên ngày ấy đã dành cho một người lính trẻ là tôi.

Rồi một lần tôi đến thăm mẹ tôi, tôi lại bất ngờ gặp anh Phan Lai Triều. Anh đang ôm đàn và hát cho mẹ tôi nghe một bài hát anh mới viết về đồng đội ở Trường Sơn. Cũng buồn cười, tôi là con ca sỹ nhưng lại mê bố anh nhà thơ, còn anh là con nhà thơ lại mê mẹ tôi ca sỹ.

Có một điều liên quan đến tấm ảnh mà anh Triều đã kể lại cho tôi nghe rằng: Ngày anh lên đường, bố anh mới nhờ một người bạn nhiếp ảnh chụp cho hai cha con một tấm làm kỷ niệm, rồi in ra hai tấm (ngày ấy in ảnh tiết kiệm lắm, thường mỗi pô chụp chỉ in một tấm mà thôi). Anh Triều mang theo một tấm lên đường, còn người cha giữ một tấm, trang trọng để ngay trên bàn làm việc để nguôi nhớ đưa con đi xa. Nhưng ngày tiễn tôi, ông đã gỡ tấm ảnh ấy ra trao tặng nốt. Anh Triều bảo: “Có lẽ ngày ấy bố anh cũng đã coi tôi như con…”

*

Năm 2010 tôi xây một nhà mới ở quận 9. Bên những hàng tre hàng trúc, tôi trồng một cây khế. Con tôi hỏi vì sao ba trồng cây khế, tôi bảo là vì ba yêu thơ ông Chế Lan Viên. Tôi đọc cho cháu nghe bài thơ: “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế / Khế trong vườn thêm một tý rau thơm / Ừ, thế đó mà một đời xa mẹ / Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm”.

Thế nhưng rồi đến mùa khế ra hoa, rồi khế đậu thành quả, cầm trái khế trên tay tôi không chỉ nhớ Chế Lan Viên, mà cả vô cùng nhớ mẹ. “Ừ, thế đó mà một đời xa mẹ…” Cứ đọc đến câu này là tôi lại khóc, dù đọc một mình hay đọc cho vợ con nghe. Nhớ thương mẹ vô vàn.

Ôi Chế Lan Viên! Yêu thơ ông suốt cả một đời…

C.L.V

 


_________________________________________________
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 298, tháng 7 năm 2019
Ngày cập nhật: 10/7/2019
Bài cùng chuyên mục
Làm sao để chuyển một tình huống thành một câu chuyện?...
Công dân mẫu mực...
Vòng tròn khép kín...
Người bay trên trời...
Trên giá sách Cửa Việt
Tranh & Ảnh Nghệ thuật
Thống kê
Bài đăng : 11036
Người online: 18
Truy cập trong ngày: 93
Lượt truy cập
Quảng cáo
Giới thiệu Tạp chí số mới
Số 302 (11 - 2019)
Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Thông tin nội bộ | Hộp thư Tòa soạn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TẠP CHÍ CỬA VIỆT
Giấy phép số 183/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 12 tháng 7 năm 2018
Tổng biên tập: HỒ THỊ LIÊN
Tòa soạn và Trị sự: Số 128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị • E-mail: tapchicuaviet@gmail.com • Điện thoại: 0233.3852458
Copyright © 2008 http://www.tapchicuaviet.com.vn - Thiết kế: Hồ Thanh Thọ • wWw.htt383.com