Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Con đường của những tác phẩm lớn

T

ác phẩm lớn là gì? Một tác phẩm văn học cần phải đạt tới tầm vóc cấu trúc như thế nào, mang giá trị tư tưởng ra sao, nói lên được những vấn đề căn cốt gì trong đời sống lâm thời cũng như đời sống muôn thuở của con người... thì mới được gọi là tác phẩm lớn? Xét cho cùng, một tác phẩm cần phải “lớn” đến đâu thì mới đích thực là tác phẩm lớn? Những câu hỏi kiểu như vậy không bao giờ là dễ trả lời. Vì dường như, mỗi tác phẩm lớn lại... lớn theo một cách khác nhau, ít khi chúng chịu khuôn vào một công thức nhất định nào đó để cho người quan sát dễ bề nắm bắt và đưa ra một định nghĩa xác quyết.

Nhưng, nói thế không có nghĩa là không có một diện mạo chung. Tác phẩm lớn - đó là tác phẩm đã khắc tên mình vào sự bất tử, đó là một giá trị bắt buộc bạn phải nghiêng mình công nhận, bất chấp bạn có thật sự yêu thích nó hay không (nhiều người mệt mỏi với cách miêu tả “đại cà sa” của L. Tolstoy trong Chiến tranh và hòa bình, cũng chẳng ít người dị ứng với lối viết “tối mò” của W. Faulkner trong Âm thanh và cuồng nộ, nhưng đã mấy ai bảo hai tác phẩm nói trên không phải tác phẩm lớn?) Và, từ cái diện mạo chung này, lại tiếp tục có một câu hỏi nảy sinh: phải chăng là cũng có một con đường chung cho sự hình thành của các tác phẩm lớn?

Trước hết, cần phải xem những ông bố bà mẹ của các tác phẩm lớn đã cho ra đời đứa con tinh thần của mình trong những hoàn cảnh nào, với những động cơ nào. Một nhận xét đầy tính chủ quan song hẳn sẽ được nhiều người chia sẻ: ít, rất ít tác phẩm lớn được hình thành trong bối cảnh mà tác giả của nó là người có đời sống phong lưu, dư dật về tiền bạc, ông ta không mảy may lo nghĩ chút nào về chuyện cơm áo lặt vặt hàng ngày, ông ta không bị lọt vào tai những tiếng eo xèo của chủ nợ cũng như những tiếng réo hỗn xược của cái dạ dày, ông ta viết chỉ bởi một niềm vui sáng tạo thuần túy. Sự thực lịch sử là thế: có một vài nhà văn đã làm nên những tác phẩm lớn khi ông ta là bá tước Lev Tolstoy - một đại quý tộc Nga với tài sản là cơ man vecxta đất và hàng trăm hàng nghìn nông nô, khi ông ta là J. W. Goethe - một vị cố vấn cơ mật, bộ trưởng của chính quyền công quốc Weimar, hay khi ông ta là Merimee - giám đốc của tất cả các bảo tàng trên toàn lãnh thổ nước Pháp. Một cách khách quan (và dè dặt) người ta có thể suy luận rằng, biết đâu đấy, chính cái cuộc sống sung túc đó đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất định để các vị ấy có thể ấp ủ và hoàn thiện Chiến tranh và hòa bình, Phục sinh, Faust, Carmen - những tác phẩm thực sự lớn, những tác phẩm đã trở thành tượng đài sừng sững trong lịch sử văn chương nhân loại.

Nhưng, nếu tác phẩm lớn ra đời chỉ trong bối cảnh trưởng giả như vậy thì văn chương quả là thứ... khó mà với tới. Còn gấp nhiều lần hơn thế là những tác phẩm lớn đã được hoài thai và xuất hiện khi mà tác giả của chúng lâm vào những bước cùng khốn nhất của nhân sinh, những bước cùng khốn nhất mà trí tưởng tượng của con người có thể nghĩ ra. Trên phương diện này, F. Dostoyevsky - một người Nga cùng thời với L. Tolstoy - chính là phản đề tuyệt vời của ông già vĩ đại ở Iasnaya Polyana. Nghèo đói, nợ nần triền miên, vợ con nheo nhóc, bị chứng động kinh hành hạ, đã vậy lại “nghiện” đến suốt đời cái cảm giác thót tim xây xẩm mặt mày mà trò đỏ đen mang lại - Dostoyevsky là thế. Với ông, viết, trước hết là để có tiền mà sống. Stefan Zweig từng bình luận về nhà văn này: “Những đêm sáng (Đêm trắng?) là cuốn cuối cùng mà với tư cách con người tự do, ông miệt mài duy nhất vì niềm vui sáng tạo. Từ đó trở đi, viết đối với ông là: kiếm tiền, trả nợ, hoàn trả từng phần... Mọi tác phẩm mới ngay từ dòng đầu tiên đã được dùng làm vật bảo lãnh cho một khoản ứng trước mà ông đã nhận; đứa con đang thai nghén đã bị bán đi, chịu sự nô lệ của nghề nghiệp. Dostoyevsky bị nhồi mãi mãi trong nhà ngục văn chương, suốt đời ông cầu xin tự do bằng những tiếng kêu tuyệt vọng, chỉ có cái chết mới phá vỡ xiềng xích của ông” (Stefan Zweig. Ba bậc thầy. Nguyễn Dương Khư dịch. Phần viết về Dostoyevsky). Dĩ nhiên, những tác phẩm lớn đích thực của Dostoyevsky cũng đã ra đời trong chính hoàn cảnh cùng khốn ấy: “Suốt đêm ông làm việc trong khi ở phòng bên vợ ông rên rỉ trong những cơn đau đẻ. Cơn động kinh chộp họng ông, chủ nhà không được trả tiền đe dọa gọi cảnh sát, bà đỡ đòi tiền nợ. Và ông viết Tội ác và trừng phạt, Gã khờ, Lũ người quỷ ám, Con bạc, những tác phẩm đồ sộ nhất của thế kỷ XIX, đã tạo hình cho tất cả thế giới tinh thần của chúng ta” (Stefan Zweig. Sđd). Gần gần với trường hợp Dostoyevsky là một nhà văn thiên tài của nước Pháp: Balzac. Stefan Zweig từng chỉ ra động lực để viết lớn nhất của Balzac: “...không như những người khác để kiếm tiền, để cho vui, để bổ sung một thư viện, để vạch đường đến những cuộc đối thoại của Đại lộ: cái mà ông ham mê trong văn chương, đó không phải là một cây gậy chỉ huy của thống chế, mà là vương miện của hoàng đế” (Stefan Zweig. Phần viết về Balzac. Sđd). Nhưng dẫu sao chăng nữa thì cũng chẳng thể phủ nhận một thực tế: Balzac là người nợ nần ngập đầu vì cung cách sinh hoạt xa hoa theo kiểu ông hoàng bà chúa của chính mình. Ông luôn bị các chủ nợ quấy rầy. Và vì thế, không phải không có lý khi cho rằng ông đã làm việc liên tục với một cường độ khủng khiếp - 15 đến 18 tiếng mỗi ngày - để hoàn thành bộ tiểu thuyết vĩ đại Tấn trò đời cũng một phần là bởi sự thúc ép ngạt thở về tiền bạc.

Trước Dostoyevsky và Balzac hơn hai thế kỷ, trên đất Tây Ban Nha, M. Cervantes cũng đã viết Don Quijotte, nhà quý tộc tài ba xứ Mantra - cuốn tiểu thuyết được Milan Kundera coi là tác phẩm mở đầu cho thời Hiện đại - trong hoàn cảnh của một kẻ khó. Bị mất một cánh tay trong trận thủy chiến Lepalto giữa liên minh Tây Ban Nha - Italy với quân Thổ Nhĩ Kỳ, bị triều đình phớt lờ công trạng, thậm chí đôi ba lần bị ra tòa và bị ngồi tù oan ức khi làm công việc tiếp lương hoặc thu thuế cho nhà nước, rồi lại phải còng lưng vì gánh nặng vợ con... sự túng quẫn ấy đã khiến Cervantes tìm đến việc viết sách như giải pháp cuối cùng nhằm kiếm thêm tiền nuôi sống ra đình. Năm 1615, một năm trước khi Cervantes qua đời, có người trong đoàn sứ giả Pháp sang Tây Ban Nha đã thốt lên lúc tới thăm nhà ông: “Nếu sự nghèo túng buộc ông ta phải viết sách, thì cầu Chúa cho ông ta không bao giờ sung túc để những tác phẩm của một người nghèo như ông ta sẽ làm giàu cho thiên hạ” (dẫn theo Lời giới thiệu bản tiếng Việt cuốn Đôn Kihôtê - nhà quý tộc tài ba xứ Mantra của dịch giả Trương Đắc Vị). Câu cảm thán ấy khẳng định hai điều: một, Don Quijotte thực sự là tác phẩm lớn; Và hai, dẫu thế thì Cervantes vẫn cứ là một người nghèo trong suốt cuộc đời cầm bút viết văn của mình!

Và đây là ký ức của Vũ Bằng về sự ra đời của Giông tố - một tác phẩm đã có thể khẳng định là tác phẩm lớn trong văn học Việt Nam hiện đại: “Cứ đến gần ngày phải nộp bài cho Hà Nội báo - tiểu thuyết Giông tố bắt đầu viết từng kỳ trên báo này - Vũ Trọng Phụng lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết kỳ trước Giông tố đã viết đến đoạn nào rồi không. Chẳng ai trả lời cả, bởi vì chẳng có ai đọc Giông tố hết. Vũ Trọng Phụng chán đời hết sức, đành phải đi tìm Hà Nội báo để đọc xem mình đã viết đến câu gì, bấy giờ mới phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sinh sống” (Vũ Bằng. Bốn mươi năm nói láo). Rõ ràng, chi tiết trên là một bằng chứng sinh động cho thấy có những tác phẩm lớn đã ra đời để thực hiện chức năng sinh kế ra sao trong cảnh sống bấn bách của nhà văn. Nhưng chưa hết, chi tiết đó còn cho thấy một trong những cái cách mà tác phẩm lớn đã hình thành. Không giống như nhiều người vẫn hình dung, tác phẩm lớn có thể không xuất hiện như kết quả của một dự đồ sáng tác hoàn chỉnh, nó cũng có thể không được viết liền mạch, mà bị ngắt vụn ra, nó hình thành một cách chậm rãi và liên tục bị bẻ hướng, liên tục bị chi phối bởi những yêu cầu mang tính “sự vụ”, bên ngoài (chứ không phải những yêu cầu nội tại của bản thân quá trình sáng tạo) - con đường hình thành kiểu này rất thường thấy ở những tác phẩm đăng báo nhiều kỳ như Giông tố. 

Tuy nhiên, nếu chiếm kỷ lục về sự hình thành chậm rãi thì có lẽ phải kể đến Lá cỏ của Walter Whitman - tập thơ đã mang lại niềm kiêu hãnh to lớn cho thi ca Mỹ thế kỷ XIX. Lá cỏ xuất bản lần đầu tiên năm 1855, gồm vẻn vẹn 12 bài. Trong ba mươi bảy năm tiếp theo, đã có tới mười lần tái bản, lần nào tác giả cũng sửa chữa và bổ sung thêm, và kết quả là ở lần tái bản cuối cùng năm 1892, năm Whitman qua đời, số bài của Lá cỏ đã lên đến... 411! (Điều mà có lẽ chẳng ai chắc được, ấy là kiểu sửa chữa bổ sung nhẩn nha như thế này liệu có nằm trong dự tính ban đầu của tác giả hay không, hay thực ra thì ông cứ... tiện đâu làm đấy?).

Nguyên cớ trực tiếp dẫn đến việc các tác giả cho ra đời tác phẩm lớn thì xem ra cũng mỗi người mỗi khác. Dostoyevsky thường bắt đầu nghĩ tới kiệt tác của mình từ một vụ án mạng nào đó được đăng tải trên báo chí đương thời. Đỏ và đen của Stendhal cũng được hình thành theo chính con đường ấy: vụ án mạng có nguyên nhân từ một cuộc tình tay ba có thật tại Paris giữa một ông chồng già - bà vợ - người tình trai trẻ đã được báo chí loan tin ầm ĩ, và may mắn thay, nó đã trở thành một trong những “chất liệu thô” ban đầu để ông tạo nên tác phẩm để đời của mình. Shakespeare viết Hamlet trước hết là bởi kịch tác gia vĩ đại người Anh đã chịu sức hấp dẫn của câu chuyện dân gian Đan Mạch về một chàng hoàng tử phải giả điên để trả thù cho cha: nghe câu chuyện này, ông đã thấy điều gì đó mà chỉ mình ông thấy, điều gì đó mà ông cần để làm nên một tượng đài văn chương. Tương tự như vậy là trường hợp của Nguyễn Du với tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà ông đọc được khi đi sứ Trung Quốc. Goethe viết Bản bi ca Marienbad năm ông bảy mươi tư tuổi. Bài thơ tuôn trào một tình cảm mãnh liệt vô song, “áng thơ sâu thẳm và chín mọng nhất” (chữ của Stefan Zweig) này được bắt nguồn từ sự “hồi xuân” của Goethe: ông gặp và yêu say đắm thiếu nữ Unricke Von Levetzoff mười chín tuổi (oái oăm thay, mẹ của cô gái lại là người tình của ông 15 năm trước!). Tình yêu không được đáp trả, Goethe đau đớn như một chàng trai mới lớn. Nhưng, như để bù lại, Thượng đế ban cho ông thần hứng viết lên một thi phẩm đã đi vào cõi bất tử kể từ ngày 12 tháng 9 năm 1823, ngày bài thơ hoàn thành.

Nói đến cụm từ “Thượng đế ban tặng”, lại chợt nhớ đến thi sĩ Hoàng Cầm của Việt Nam với tập thơ Về Kinh Bắc - tập thơ có lẽ thuộc một trong số ít các tác phẩm mà rồi đây người ta sẽ buộc phải nhắc đến mỗi khi “tính sổ” thơ ca Việt Nam thế kỷ XX. Như chính Hoàng Cầm cho biết ở đoạn Vĩ thanh của Về Kinh Bắc, hầu hết các bài thơ được bạn đọc yêu thích trong tập này “thì bao giờ cũng ra đời trong đêm và vài ba câu đầu bao giờ cũng không phải của tôi nghĩ ra, mà đúng thật là những lời văng vẳng bên tai như có một giọng nữ đang hát, hay đang đọc có nhịp điệu, có tiết tấu, mà tôi cứ xin gọi là lời của thần linh đọc cho mình chép lại được”. Khoảng gần mười bài trong tập đã ra đời theo cách ấy. Kể ra, với một người làm thơ mà được mặc khải đến gần chục lần như Hoàng Cầm, có lẽ cũng... hơi nhiều!

Rõ ràng, thật khó mà có thể nói đến một con đường chung cho sự hình thành các tác phẩm lớn. Viết trong cảnh giàu sang thảnh thơi hay viết trong cảnh đói nghèo thúc bách không hề là điều kiện mang tính quyết định (vì vậy, các tỷ phú viết văn chớ vội mừng, mà những người viết đang bị cái nghèo đeo đuổi cũng chớ có ảo tưởng vào triết lý duy tâm “người cùng thì văn mới hay”). Viết bằng sự nắm bắt những điều có thật xảy ra trong đời sống hay viết bởi sự ám ảnh của một tư tưởng trừu tượng, viết có tính toán chặt chẽ hay viết bởi một nguồn cảm xúc mãnh liệt hoặc bởi một sự dẫn dắt thần bí, tất cả các hướng ấy đều mở ra con đường đi đến tác phẩm lớn. Vấn đề chính nằm ở bản thân người viết: anh phải tiềm tàng khả năng của một tác giả lớn thì mới có thể làm nên tác phẩm lớn. Anh phải sẵn là một khối thuốc súng thì những dây dẫn - những điều kiện bên ngoài - mới có thể giúp anh tạo ra những vụ nổ long trời lở đất. Cái mà nền văn học của chúng ta hiện nay đang thiếu có lẽ là ở chỗ này: chúng ta không thiếu dây dẫn, mà chúng ta thiếu những khối thuốc súng đích thực là thuốc súng! Nhưng làm sao để có được những khối thuốc súng đích thực ấy, đó lại chưa phải vấn đề đặt ra đối với bài viết này.

H.N

 

 

 

 

 

HOÀI NAM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 301 tháng 10/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground