Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những giá trị văn hóa dân tộc bền vững

Giá trị là phạm trù triết học, xã hội học quy định tính có ích, có ý nghĩa của những hiện tượng lịch sử tư tưởng, những hiện tượng tự nhiên có khả năng làm thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, lợi ích của con người. Lịch sử loài người cho ta biết rằng, bất kỳ nước lớn hay nước nhỏ, dân tộc đông dân hay dân tộc ít người đều có những kho báu giá trị được nhân dân sáng tạo, bồi đắp qua nhiều thế kỷ. Có nhiều loại giá trị khác nhau: Giá trị thiên nhiên như môi trường sống, tài nguyên, phong cảnh; Giá trị tinh thần như lý tưởng, quan niệm, niềm tin, truyền thống dân chủ; Giá trị nhận thức như chân lý, đạo đức, thẩm mỹ, v.v… Bài viết này chỉ bàn đến hai loại giá trị sau trong tiến trình lịch sử dân tộc: dựng nước và giữ nước.

1. Tư duy minh triết - chấm son chói lọi của văn hóa thời trung- cận đại

Minh là sáng suốt trong nhận định, khôn ngoan trong ứng xử, biết vượt qua những thách thức để đi đến thắng lợi. Triết là trí và tri, có trí tuệ thông thái và biết vận dụng tri thức để giải quyết trăm sự, kể cả khivận nước như dây cuốn1. Trong bối cảnh lịch sử đất nước chứa đầy hiểm họa, rối loạn như dây cuốn, nhưng sau chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) quân ta đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi tuyên bố nền tự chủ, sau đó là Lê Hoàn chống quân Tống thắng lợi vào đầu thế kỷ XI, xây dựng nước Đại Việt lớn mạnh, có cương vực rạch ròi, có thể chế chính trị nghiêm cẩn, đối nội thì giữ gìn kỷ cương phép nước, đối ngoại thì chủ trương giao hòa với các nước liên bang. Sau khi Ngô Quyền qua đời (năm 944), ở một số địa phương, lực lượng ly tâm mưu đồ cát cứ, khoanh vùng, chiếm đất. Ở Trung ương, các hoàng tử tham quyền cố vị, tranh giành nhau ngôi báu dẫn đến thế nước rối ren, lòng dân oán giận. Nhưng sau đó, lịch sử trả lại công bằng, mỗi lần thế nước lâm nguy, lòng dân trăm người như một, non sông đã sinh ra những anh tài tuấn kiệt: Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng lớn, một nhân cách lớn, người đã thừa lệnh vua Lê Lợi viết bản hùng văn Bình ngô đại cáo với tư tưởng khai mở mọi đại sự: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Khái niệm nhân nghĩa của đại thi hào Nguyễn Trãi không chỉ là khái niệm luân lý đơn thuần, mà trở thành một giá trị siêu đạo đức, một phương châm chỉ đạo chiến lược quán xuyến trong mọi hành động khi kháng chiến chống Ngô cũng như xây dựng đất nước. Trong Hạ quy Lam Sơn có câu: Nhân nghĩa duy trì quốc thể an (Nhân nghĩa giữ gìn thế nước yên).

Minh triết của anh hùng dân tộc Quang Trung - nhà đại cải cách vào thế kỷ XVIII được thể hiện ở hai tư tưởng chiến lược: Một là, đường lối quân sự của Nguyễn Huệ là đường lối chiến tranh tự vệ, lên án kẻ xâm lược phương Bắc, còn nhân dân hai nước muốn hòa hiếu để ở bên cạnh nước lớn mà vẫn yên ổn. Tư tưởng đánh đuổi quân xâm lược gói gọn trong mấy câu: “Phàm quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông. Binh lính quý ở chỗ tinh nhuệ, không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng là ở chỗ vô cùng mềm dẻo, chứ không phải ỷ mạnh, lấn yếu, lấy đông, hiếp ít”. Hai là, đường lối cải cách kinh tế với tuyên ngôn hào sảng: Sinh dân phải nuôi dân làm trước (Hịch Tây Sơn). Tầm nhìn kinh tế, những cuộc cải cách trong nông nghiệp, công thương, lưu thông hàng hóa, cải cách tiền tệ được phục hồi và phát triển với nhiều chính sách mở như Chiếu khuyến nông, Chiếu khoan thư sức dân, Cầu hiền tài, v.v… là phù hợp với thời đại. Với tầm nhìn biệt nhãn của vị anh hùng kinh bang tế thế, Quang Trung đã tiếp cận với nền kinh tế hàng hóa: Mở cửa biên giới với nhà Thanh, tăng cường quan hệ buôn bán với thương thuyền các nước phương Tây, v.v… là yêu cầu khách quan của thời đại và hợp lòng dân.

2. Hiền tài và trước tác là nội dung của văn hiến dân tộc

Văn hiến Việt Nam là một giá trị bền vững được phổ biến trong thư tịch nước ta từ xưa cho đến nay. Văn là khuôn phép, trước tác, lễ nghĩa, điển chương, sách vở; hiến là người hiền tài, bậc chí sĩ. Người dùng khái niệm đầu tiên có thể là Nguyễn Trãi (1380 - 1442) trong Bình ngô đại cáo: Xem như nước Đại Việt, thật là một nước văn hiến… Trước Nguyễn Trãi 400 năm, Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) đã khẳng định nền văn hiến qua áng thơ nổi tiếng: Nam quốc sơn hà nam đế cư. Cũng ngần ấy năm sau Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) lấy làm tự hào được sinh ra ở đất phương Nam, có nền văn hiến phương Nam. Các bậc danh nho, sĩ phu ở các thời đại khác nhau đều coi Việt Nam là nước văn hiến, có nền văn minh đứng “hàng đầu Trung Châu”, không nhường Hán - Ngụy, v.v… Ngô Thì Nhậm coi văn hiến giữ nước trong thơ ca khi viết bài Tựacho tập thơ Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích ở đoạn nói đến bộ Toàn Việt thi lục để so sánh thơ ca nước ta từ thời Lý cho đến Hậu Lê là không nhường thi ca các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh về nội dung và thi pháp.

Văn hóa nước ta là đặc điểm vượt trội xuyên suốt trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước mà gốc là Dân. Giá trị của văn hóa truyền thống mà hạt nhân là chân, thiện, mỹ mang đậm tâm hồn, hình dáng, cốt cách dân tộc, một nền văn hiến xuất hiện. Việc giữ gìn nét đẹp văn hiến của dân tộc thì có nhiều. Bài này chỉ nêu hai ý tưởng: cái đức và cái tài của văn nhân, văn phẩm phải có ích cho đời. Tác phẩm có hấp dẫn hay không là ở chỗ văn nhân có học vấn nhiều hay ít. Trường quy, bằng cấp là cần thiết, nhưng cái cần thiết hơn là tính nhân văn, sự từng trải “muôn dặm trường”, thậm chí tài kinh bang tế thế. Lê Quý Đôn (1726 - 1784) nêu lên 4 điểm dạy của nhà hiền triết Khổng Tử đối với nho sĩ: đức hạnh, ngôn ngữ, chính sự, văn chương và đồng tình: Văn chương là gốc lớn để lập thân; văn chưa bao giờ bị coi là ngọn, “đừng nhầm lẫn đức vớivăn là hai”. Lại nói: “Bản chất của văn chương vốn từ học vấn mà ra, học vấn uyên bác thì văn mới hay”2. Trước Lê Quý Đôn khoảng hai trăm năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) nhân bàn về tập thơ Bạch vân amđã nói đến mối quan hệ giữa cái tâm và cái chí. Đối với ông, chí là lý tưởng, là ngọn nguồn của tài năng, của “bệnh yêu thơ”, của thú “dậy hứng để ngâm vịnh” để ca tụng vẻ đẹp của núi sông. Truyền thống lấy cái thiện, cái đẹp làm đối tượng văn chương được nhiều bậc hiền nho kế thừa. Ngô Thì Nhậm nói đến “văn chương giúp đời” đã phân biệt với “văn chương thù tạc”. Bùi Huy Bích (1744 - 1818) đòi hỏi văn chương phải ăn nhập vào thế nước tục dân và phản bác thứ “văn chương chỉ chú ý văn chương”. Đó là loại văn chương hạng bét. Phan Huy Vịnh (1800 - 1871) bàn đến ngọn nguồn sáng tác là non sông, đất nước nhờ đi du lịch mà về sau thơ văn đi tới “cái thần diệu”. Nguyễn Văn Siêu (1796 - 1872) chia văn chương làm hai loại: loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại sau chỉ chuyên chú văn chương trần trụi. Đến đời Nguyễn, trong Nam Sơn tùng thoại, Nguyễn Đức Đạt (1823 - 1887) bàn về mối quan hệ giữa đức và văn: Lý thấu suốt thì văn kỳ lạ, tu dưỡng sâu thì văn mênh mông. Cây không vun gốc, suối không khơi nguồn, còn văn thì sao? Văn cũng như con người. “Văn thuần hậu thì con người trầm mà tĩnh”. Tất cả điều đó nói lên rằng, các nhà trước thuật ngày xưa rất coi trọng thực tiễn đời sống, tri thức, học vấn, vừa đặt lên hàng đầu tài năng nghệ thuật, cái thần, cái hứng của văn nhân.

Khi nói đến văn hiến dân tộc, lịch sử đã chép lại ba câu châm ngôn về hiền tài có nội hàm gần giống nhau: câu Hiền tài là nguyên khí của quốc gia do đại khoa Thân Nhân Trung viết trên bia Tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442), về sau Nguyễn Kiều tác giả bài ký bia Chính Hòa 4 (1683) viết: Hiền tài là khí dụng của quốc gia, còn câu Hiền tài là nền tảng của quốc gia do tác giả Nguyễn Quý Đức viết trên bia Vĩnh Thịnh (1715), v.v… đủ biết cách diễn đạt ở ba thời đại khác nhau, nhưng nội dung, ba thuyết ngôn: nguyên khí, khí dụng, nền tảng có ý nghĩa tương đồng phản ánh tư duy của cha ông ta có hệ thống. Tuy nhiên, hơn một nghìn năm Hán hóa, văn hóa nước ta bị kẹt vào cái vỏ bọc phong kiến Trung Hoa, rập khuôn, mô phỏng, chỉ biết theo khuôn mẫu của người, sức sáng tạo của nho sĩ bị hạn chế. Một khối lượng tư liệu, văn bản học của Bắc sử và sử nước Nam, của chính sử và huyền thoại, của văn học bác học và văn học bình dân, v.v… nói lên tính phức tạp, tính đa nghĩa của một nền văn hóa từ Đại Việt cho đến Việt Nam. Thực trạng đó đòi hỏi ngày nay chúng ta phải có một công cụ khảo cứu dựa trên ý niệm duy lý và “dấu chân thực tiễn”. Đó là các phương pháp khảo sát cái khả biến và cái biến thái, phương pháp nghiên cứu quan sát trực quan và duy lý, có cái nhìn chủ toàn (diện) và chủ biệt (điểm), nghiên cứu lý thuyết song song với ứng dụng, v.v… để tránh lối tư duy trực giác đơn thuần - vốn là sản phẩm của một nền nông nghiệp cá thể kéo dài nhiều thập kỷ, muốn làm nhanh, ăn nhanh, tâm lý thu hoạch tức thì.

3. Ngôn ngữ Hán Nôm là chìa khóa để mở cánh cửa vào kho báu văn chương dân tộc

Văn hóa Việt Nam tiếp xúc với văn hóa phương Bắc từ rất sớm vào đầu những năm trước Công nguyên. Mạnh mẽ nhất là vào đầu thế kỷ I đến thế kỷ X qua con đường các quan lại sang đô hộ và qua việc tiếp xúc với sĩ phu ngoại bang. Từ đó, tiếng Việt đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tiếng Hán. Nhưng ngay từ thời kỳ Ngô Quyền vào năm 939 - một quá trình xây dựng và bảo vệ nền độc lập đã được xác lập, trong đó có tiếng dân tộc. Suốt hàng nghìn năm đô hộ, nhân dân ta, một mặt tiếp thu những cái hay, cái đẹp của văn hóa Hán, nhưng mặt khác kiên trì bảo vệ văn hóa dân tộc, chống chính sách đồng hóa của kẻ thù phương Bắc. Trong các lĩnh vực văn học và các loại hình nghệ thuật, người đời sau thấy rõ sức sống tự cường mãnh liệt của dân tộc. Mặc dầu chữ Hán được coi là văn tự chính thức về mặt hành chính, giáo dục, học thuật, v.v… nhưng việc sử dụng ngôn ngữ bản địa vẫn âm thầm phát triển trong ca dao, dân ca, các hình thức nghệ thuật do nhân dân sáng tạo, tự biên, tự diễn, v.v… Như một quy luật nhu cầu nội tâm của đời sống tinh thần, nhân dân đã biến, cải biên cái không thể thành cái có thể với ý thức độc lập dân tộc, tạo nên bản lĩnh văn hóa trong quá trình giao tiếp với văn hóa ngoại bang. Thế là chữ Nôm ra đời, được cải tiến và hoàn thiện vào đời Tùy - Đường. Nhiều thế hệ học giả, nho sĩ các đời sau hoàn chỉnh tự hình của chữ Nôm cho đến tận đầu thế kỷ XX. Có chữ viết là cơ sở để hình thành một nền văn chương quốc âm phản ánh đời sống sinh hoạt đồng thời tiếp nhận những điển tích trong kho tàng thư tịch cổ của Trung Hoa. Tuy vậy các tác phẩm bằng văn Nôm còn lại rất ít. Phải đến đầu thế kỷ XV với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của nhiều tác giả đời Lê Thánh Tông, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn3, v.v… Qua bao nhiêu biến động của thời cuộc, phải đến đầu thế kỷ XVIII, XIX mới được coi là giai đoạn rực rỡ của văn thơ quốc âm. Ngoài những truyện Nôm khuyết danh ẩn chứa nhiều giá trị đạo đức, luân lý gia phong, phong tục dân tộc là sự xuất hiện những tác giả lớn với những áng văn lớn phản ánh trí tuệ, sức sống, vẻ đẹp của tiếng Việt. Các thể thơ lục bát, song thất lục bát, trường thiên lục bát, diễn ca lịch sử ra đời vào cuối thế kỷ XVIII mở đầu cho truyện Nôm xuất hiện của thế kỷ sau.

Những năm gần đây, từ Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (tháng 6 năm 2008) về phát triển văn học nghệ thuật cho đến Nghị quyết TW 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, rồi sau đó là Đề án của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TW đòi hỏi xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ từ truyền thống đến hiện tại. Đó là công việc bề bộn và không dễ dàng. Cần có khối lượng tư liệu chuẩn xác về văn học, nghệ thuật học từ cổ đại, trung đại cho đến hiện đại, cũng cần có phương pháp luận tổng kết lý luận và ứng dụng thực tiễn. Mà về phương diện này trước đây ông cha ta, nhất là các văn nho vốn chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, tư duy trực giác hạn chế tư duy khái niệm, chưa tạo dựng được một nền mỹ học có tính truyền thống, được coi là cơ sở triết học văn hóa, v.v… Vì vậy việc lần tìm lại những giá trị bền vững và các giá trị còn chứa đầy mâu thuẫn do lịch sử để lại là việc làm cần thiết cho giới khoa học xã hội và văn hóa học hôm nay.

H.S.V

__________________

Bài Vận nước (Quốc Tộ): Vận nước như dây cuốn/ Trời Nam muốn thái bình/ Vô vi nơi cung điện/ Sẽ tắt lửa chiến tranh.

Xem Từ trong di sản…, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội 1988, tr. 100 - 189.

Xem thêm Nguyễn Thạch Giang: Lời quê chắp nhặt, tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr. 350.

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

13 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

14 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground