Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bác Hồ tuyên truyền, vận động cách mạng bằng… tập Kiều và lẩy Kiều

TCCV Online - Hồ Chí Minh có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam khi Người đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Để công cuộc này đạt hiệu quả, Bác đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền và vận động cách mạng. Điều này được biểu hiện không chỉ ở những công trình lý luận khoa học như Bản yêu sách 8 điểm, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường cách mệnh, Sửa đổi lề lối làm việc, Tuyên ngôn độc lập, Di chúc... mà còn được thể hiện ở những bài nói chuyện, những bức thư, diễn văn đọc nhân các dịp lễ kỷ niệm, Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội,… hay bất cứ khi nào Bác có cơ hội tiếp xúc với nhân dân.

Cuộc đời của Bác tất cả vì nhân dân, cho nhân dân và dựa vào nhân dân nên trong phương thức tuyên truyền và vận động cách mạng, Bác luôn lấy nhân dân làm đối tượng chính.

Chính vì vậy, trong công việc tuyên truyền và vận động cách mạng, Bác đã sử dụng Truyện Kiều một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo, với nhiều nghệ thuật, trong đó có tập Kiều và lẩy Kiều. Bởi Bác biết, Truyện Kiềulà tác phẩm văn học tinh hoa của dân tộc, người Việt Nam dù ở thành phần xã hội nào cũng biết Truyện Kiều. Kiệt tác này gần gũi, thấm nhuần văn hóa Việt Nam, qua đó, những vấn đề Bác muốn tuyên truyền, vận động cách mạng sẽ trở thành những điều dễ dàng được nhân dân tiếp nhận, chứ không phải những lý luận cao siêu.

Có thể coi năm 1941 là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Từ năm 1911 đến lúc này, phần lớn thời gian Bác hoạt động ở nước ngoài, Bác không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhân dân Việt Nam. Trong 30 năm này Bác cũng đã nhiều lần lẩy Kiều và tập Kiều để tuyên truyền và vận động cách mạng.

Ví dụ, ngay từ năm 1914, khi ở Pháp, trong một bức thư gửi nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, Bác đã ca ngợi khí phách của cụ bằng hai câu thơ dù viết theo thể Đường luật nhưng đọc lên ai cũng biết là Bác đã lẩy Kiều:

Chọc trời, khuấy nước tiếng đùng đùng

Phải có kiên cường mới gọi hùng.

Bác đã lẩy từ hai câu của Truyện Kiều khi Nguyễn Du miêu tả khí phách anh hùng của Từ Hải, đã vùng lên chống lại cường quyền, áp bức trước một xã hội bất công:

Chọc trời khuấy nước mặc dầu

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.

Và từ năm 1941, khi Bác về nước thì việc tuyên truyền, vận động cách mạng bằng phương pháp lẩy Kiều và tập Kiều được Bác sử dụng nhiều lần.

Chỉ riêng năm 1942, ở hang Pác Bó, Bác đã viết Bài ca sợi chỉ  Lịch sử nước ta.

Với Bài ca sợi chỉ, Bác khích lệ nhân dân - mà trước hết là đông đảo quần chúng - tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết, cùng nhau làm cách mạng:

Mạnh gì sợi chỉ con con

Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng?

Bác đã lẩy từ câu 1633 - 1634 trong Truyện Kiều:

Sắn bìm chút phận con con

Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?

Sau khi chỉ rõ mỗi người đơn lẻ chỉ là “sợi chỉ con con” không có sức mạnh, cần phải đoàn kết lại mới có sức mạnh, ấy là phải có tổ chức:

Yêu nhau xin nhớ lời nhau

Việt Minh hội ấy mau mau phải vào.

Ấy là Bác đã lẩy Kiều, câu 1515 - 1516:

Thương nhau xin nhớ lời nhau

Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.

Khi khuyên Thúc Sinh về nhà thu xếp chuyện gia đình cho ổn thỏa, “trong ấm ngoài êm”, nhưng chàng bịn rịn không muốn xa, Thúy Kiều động viên Thúc Sinh bằng hai câu thơ này.

Cái tài và thú vị là qua nghệ thuật lẩy Kiều, Bác đã chuyển tải vào câu thơ của mình một nội dung hoàn toàn mới. Ấy là tinh thần đoàn kết và tham gia Việt Minh để chống Pháp. Cụ Hồ Học Lãm - người nêu ý tưởng và thành lập Việt Minh (Việt Nam yêu nước đồng minh hội), cũng là một chí sĩ cách mạng từng cưu mang và ủng hộ cách mạng Việt Nam, ủng hộ Nguyễn Ái Quốc suốt thời gian Người hoạt động ở Quảng Châu, chắc không nghĩ đến việc Nguyễn Ái Quốc có thể tuyên truyền, vận động cho Việt Minh bằng cách lẩy Kiều tài tình như vậy.

Còn Lịch sử nước ta là một tác phẩm thực hiện mục đích tuyên truyền và vận động cách mạng đặc biệt. Nội dung nói về lịch sử Việt Nam, từ thời “Hồng Bàng là tổ nước ta” đến năm 1941 “dân ta xin nhớ chữ đồng - đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, ấy là mặt trận Việt Minh, với mục đích rõ ràng:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Và:

Chúng ta có hội Việt Minh

Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh.

Chúng ta đã có rất nhiều bộ lịch sử với những nhà sử học có uy tín như Lê Tắc, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Trần Trọng Kim, Đặng Xuân Bảng… nhưng vì sao Bác lại phải viết Lịch sử nước ta? Đó là để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân và vận động cho Việt Minh bằng một cách dễ nhớ cho đông đảo quần chúng nhân dân lúc đó đa số là mù chữ. Với thể thơ lục bát dễ nhớ, tất cả những sự kiện, thời đại, nhân vật trong lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến năm 1941 được Bác viết đầy đủ, chi tiết và đọc lên phảng phất hơi thở của Truyện Kiều, trong đó có rất nhiều câu Bác lẩy Kiều khi viết về Lê Lợi:

Mấy phen núi Nhị sông Lam

Thanh gươm yên ngựa Bắc, Nam ngang tàng.

để liên hệ với Từ Hải (câu 2216):

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng rong.

Khi viết những ông vua nhà Nguyễn hèn nhát và độc ác, Bác có câu thơ:

Tội kia càng đắp càng dày

Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng.

là từ câu 247 của Truyện Kiều:

Sầu đong càng lắc càng đầy

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.

và câu thứ 4 trong Truyện Kiều:

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Về thực trạng những cuộc khởi nghĩa chống lại quân xâm lược Pháp bị đàn áp thất bại, Bác viết:

Để người đè nén, xem khinh

Để người bóc lột ra tình tôi ngươi.

“Xem khinh” Bác lẩy Kiều từ câu 886 Khi thầy, khi tớ, xem thường xem khinh. “Ra tình tôi ngươi” Bác lẩy Kiều từ câu 898 Rớp nhà đến nỗi giấn vào tôi ngươi.

Và Bác đã tập Kiều, lấy nguyên câu 2483 để kêu gọi mọi người góp công sức của mình cho cách mạng, kể cả những người Việt Nam đang đứng ở phía bên kia. Đó là quyền lợi cho cá nhân mỗi người và cũng là vì đất nước. Trên vì nước dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu hai là đắc trung được viết thành:

Trên vì nước dưới vì nhà

Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.

Trong Lịch sử nước ta có một câu, sau này, năm 2014 đã làm dư luận xôn xao:

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường

Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm giặc Tàu.

Hai câu này được tạc vào bia để ở đền thờ Quang Trung trên núi Quyết, thành phố Vinh, Nghệ An. Có người cho rằng Cụ Hồ dùng chữ “kẻ” là không tôn trọng Nguyễn Huệ. Có người còn đẩy vấn đề đi xa hơn khi cho rằng Cụ Hồ coi thường Quang Trung xuất thân nghèo hèn và lãnh đạo một đạo quân nông dân ô hợp, đào mồ mả chúa Nguyễn, đốt kinh thành Thăng Long. Người ta không hiểu là Bác Hồ không chỉ viết “Nguyễn Huệ là kẻ phi thường” mà trước đó, khi viết về Lý Thái Tổ, Bác cũng đã viết: “Công Uẩn là kẻ phi thường”.

Viết về hai người anh hùng bằng chữ “kẻ” chứng tỏ Bác thấm nhuần Truyện Kiều đến mức nào. TrongTruyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã dùng 27 lần chữ “kẻ” không có ý nghĩa hạ thấp, coi thường ai cả:

Người lên ngựa kẻ chia bào (câu 1519)

Người yểu điệu kẻ văn chương (câu 2841)

Bây giờ kẻ ngược người xuôi (câu 1973)

Quan quân kẻ lại người qua (câu 2537)

v.v…     

Chưa nói đến việc Bác Hồ là người thấm nhuần tục ngữ ca dao: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hay thơ Hồ Xuân Hương: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”...

Trong những ngày kháng chiến gian lao, bao đêm phải thức trắng tìm mọi phương sách để giành thắng lợi, Bác đã giãi bày tâm sự:

Lòng riêng, riêng những bàn hoàn

Lo sao khôi phục giang sơn Tiên Rồng.

làm ta nhớ ngay đến lời Hoạn Thư ở phiên tòa Thúy Kiều báo ân báo oán, câu 2369:

Lòng riêng, riêng những kính yêu,

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.

Hay khi Bác Hồ nói trong thư Bác gửi các cháu thiếu nhi, Tết Trung thu năm 1954:

Đến ngày Nam Bắc một nhà

Các cháu xúm xít thì ta vui lòng.

Cũng như năm 1969 khi tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm, Bác xúc động nói lên tình cảm thắm thiết đối với đồng bào miền Nam, và Bác cũng không quên tuyên truyền và động viên mọi người cố gắng để hoàn thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ:

Bước đầu muôn dặm một nhà

Bắc Nam sum họp là ta vui mừng.

Cả 4 câu thơ trên được Bác lẩy từ câu 2435, khi Từ Hải đã có “triều đình riêng một góc trời/ gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà”, đã đưa Thúy Kiều từ cô gái lầu xanh trở thành mệnh phụ phu nhân, đã báo ân báo oán, Từ Hải còn muốn giúp nàng đoàn tụ cùng cha mẹ và trở về quê hương:

Sao cho muôn dặm một nhà

Cho người thấy mặt là ta cam lòng.

Hơn thế nữa, ngay trong các dịp lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ đã tổng kết quá trình lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam bằng cách lẩy Kiều:

Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao

Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.

Cũng tại Đại hội Đảng lần thứ III, một lần nữa Bác lại tập Kiều, nói lại những dự cảm của Người từ trước đến nay đã thành sự thực, một sự thực hiển hách vinh quang giống như sự nghiệp oai hùng của Từ Hải (câu 2281 -2282):

Đến bây giờ mới thấy đây

Mà lòng đã chắc những ngày một hai.

Tuyên truyền và vận động cách mạng nhưng bao giờ Bác cũng linh hoạt, tùy từng hoàn cảnh và sự việc cụ thể mà Bác lẩy Kiều, tập Kiều. Cùng là những câu thơ tương tự nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, Người áp dụng rất thuần thục, hợp lý, hợp cảnh, hợp tình. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa II (1960), trong tình hình thế giới và nước ta có nhiều biến động, Bác tuyên truyền một cách hết sức khéo léo:

Phe địch xuống dốc, phe ta lên cao

Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.

(Hai câu “Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình” và “Mà lòng đã chắc những ngày một hai” đã được Bác lẩy và tập nhiều lần, trong các dịp Đại hội Đảng và tiếp các vị khách nước ngoài.)

Với nghệ thuật tập Kiều và lẩy Kiều, Bác khai thác triệt để sự gắn bó mật thiết, thấu hiểu giữa Truyện Kiều - tinh hoa văn hóa dân tộc với tâm hồn, tình cảm của nhân dân Việt Nam. Vì dễ gần, dễ nhớ, dễ cảm nên đến cuối đời, khi chuẩn bị về với thế giới người hiền, khi Bác “đi gặp các cụ Các-mác, Lê-nin”, Bác đã để lại một tài sản vô giá cho dân tộc ta là bản Di chúc. Ở tài sản vô giá này, Bác lại lẩy Kiều. Sự động viên, khuyến khích và hy vọng về ngày mai tươi sáng của đất nước ngay trong những ngày khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ (1965-1969) thật vô cùng quý báu. Không chỉ là dự cảm, tiên đoán mà còn là sự khẳng định tất thắng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước:

Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Bác đã lẩy từ câu 557:

Còn non, còn nước, còn dài

Còn về còn nhớ đến người hôm nay.

Cũng nhờ những câu thơ do Bác tập Kiều, lẩy Kiều để tuyên truyền, vận động cách mạng ấy mà nhân dân ta đã vượt qua mọi gian khổ, tang tóc đau thương của chiến tranh và mọi khó khăn của thời hòa bình để có những thành tựu như hôm nay như mong muốn cuối cùng mà Bác đã viết trong Di chúc: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh…”

                                                                                                                        L.Đ.C

Nguồn Văn nghệ Thái Nguyên

Lê Đình Cúc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 279 tháng 12/2017

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

3 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

3 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

3 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

3 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground