Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Số phận chợ quê - số phận văn hóa

1.Chợ quê - tấm gương phản chiếu trung thực của văn hóa làng

Có không ít người thắc mắc, vì sao trong từ điển tiếng Pháp, culture vừa có nghĩa văn hóa, lại cũng có nghĩa là gieo trồng, mùa màng? Chẳng lẽ văn hóa, gieo trồng, mùa màng đồng nhất với nhau? Xin được giải thích một cách đơn giản dễ hiểu thế này: culture là từ đối nghĩa với nature - tự nhiên. Nghĩa là những gì không còn của tự nhiên mà đã phát triển theo sự điều khiển và ý thích của con người thì là văn hóa. Ví dụ, một cây mọc và phát triển thẳng đứng trong rừng, hoặc tuy không còn thẳng đứng nhưng cong queo vì sự cản trở nào đó, nó chẳng cho ra một hình thù gì hết, đấy là tự nhiên (nature). Nhưng khi con người biết đưa cây vào chậu, uốn nó thành những dáng, những thế đẹp theo ý thức và sở thích của người chơi cây cảnh thì đấy là văn hóa (culture). Cũng tương tự, một loài cây dại trong rừng, mọc rải rác mỗi nơi một ít, nó ra hoa, kết trái, trái chín rồi rụng xuống, hạt nó lại mọc lên cây con - đấy là một chu kì tự nhiên. Nhưng khi con người phát hiện ra quy luật sinh tồn đó của cây, lại biết quả hoặc hạt của cây đó có thể làm thức ăn được, người ta đã đưa hạt về gieo trồng vào đúng mùa vụ thích hợp, lại biết cách chăm sóc để nó phát triển nhanh và tốt hơn môi trường tự nhiên, không để nó mọc lang thang rải rác mỗi nơi một cây mà biết tập trung gieo trồng thành một vùng, không cho nó kết hạt, ra quả lê thê tháng này qua tháng khác mà biết tính toán lịch gieo trồng sao cho hoa trái đồng loạt nở rộ vào một khoảng thời gian nhất định để có thể thu hoạch tập trung và dễ dàng - sự tác động đó của con người chính là văn hóa. Và khái niệm gieo trồng và mùa màng cũng ra đời từ quá trình lao động sản xuất đó. Đến đây nghĩ rằng đã có thể lí giải được vì sao văn hóa cùng đồng nghĩa với gieo trồng và mùa màng.

Khi mùa màng cho thu hoạch, các sản phẩm thu được từ gieo trồng tập trung, con người sử dụng để ăn, số dư thừa người ta mang đi trao đổi để lấy những sản phẩm mình không có mà nơi khác lại có. Chợ quê đã ra đời như thế. Như vậy, có thể thấy, chợ quê là hình ảnh sinh động nhất, rõ nét nhất của đặc sản từng làng quê, là tấm gương phản chiếu trung thực nhất thành quả của gieo trồng và mùa màng của những vùng miền khác nhau. Nghĩa là, chợ chính là tấm gương phản chiếu chính xác bản sắc văn hóa làng của những vùng miền khác nhau. Mỗi chợ ở một vùng quê thường có một loại đặc sản (sản phẩm đặc trưng) nổi bật. Câu ca dao “Mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ Mua cau Đơn Duệ, mua trầu chợ Do”, đấy là nét riêng của từng chợ, cũng là nét đặc trưng của gieo trồng, mùa màng từng vùng, tức là bản sắc văn hóa một làng hoặc một miền quê.

2. Chợ là nơi để lựa chọn, văn hóa cũng là quá trình lựa chọn của con người

Chợ khác với các hình thức mua bán khác là sự lựa chọn. Sản phẩm nào cần thì mua, không thì thôi, tươi sống thì mua, ôi thiu thì bỏ; lại còn được tự do trả giá, phải giá thì bằng lòng, thấy đắt thì không.

Văn hóa cũng là sự lựa chọn. Không phải tất cả những gì hiện nay chúng ta coi là di sản, đã được sáng tạo ra một cách dễ dàng và tùy hứng. Nói cách khác, không phải tất cả mọi sự lao động sáng tạo của con người từ ngàn xưa tới nay đều có giá trị văn hóa, đều trở thành di sản văn hóa. Thậm chí, nhiều sự sáng tạo từng tạo thành di sản qua nhiều thời gian, nhưng hiện tại khi cộng đồng dân cư nhận ra những di sản ấy không còn phù hợp nữa thì họ sẵn sàng chối bỏ. Thế mới có chuyện, nhiều lễ hội dân gian có truyền thống khá lâu đời, tuy nhiên, trong không gian sống ngày nay, chúng ta nhận thấy nó có tính bạo lực, có chất dã man không phù hợp với thông điệp nhân văn của nhân loại, chúng ta phải vận động từ bỏ. Văn hóa là lựa chọn chính là như thế.

3. Chợ quê là không gian giao lưu, văn hóa cũng là hoạt động giao hòa giữa con người với con người

Chợ quê, ngoài chức năng trao đổi sản phẩm, còn là nơi con người tìm gặp nhau, giao lưu thù tạc, tìm bạn tri âm…

Làng quê Việt vốn khép kín, điều kiện đi lại khó khăn, người nông dân chủ yếu đi bộ, miền núi cao đôi khi có ngựa nhưng khoảng cách giữa các bản làng lại quá xa xôi cách trở, đường sá hiểm trở. Cuộc sống lạc hậu, lao động cực nhọc, có thể nói là quanh năm đầu tắt mặt tối. Bởi thế họ luôn có nhu cầu gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của nhau, tìm bạn chén tạc chén thù. Và nhiều khi chính từ những cuộc gặp gỡ này mà nên duyên chồng vợ. Chợ quê, dù họp thường nhật hay họp phiên chính là địa chỉ thuận lợi nhất để người dân quê thực hiện ước muốn đấy.

Văn hóa, trong muôn màu muôn vẻ của nó cũng cho ta nhận ra khát khao được giao hòa, đồng cảm, được kết bạn tri kỉ, tri âm của con người. Ông cha ta định nghĩa: Văn là tiếng chim gọi đàn! Hoạt động văn hóa, nhất là hoạt động nghệ thuật chính là môi trường và điều kiện để con người tìm đến với nhau, chia sẻ mọi nỗi niềm riêng tây, kết bạn hữu, thành tri âm. Trong di sản văn hóa phi vât thể, chúng ta có rất nhiều hình thức giao lưu như thế: tiếng hò giã gạo của bạn chày ở Bình Trị Thiên, hát phường vải của vùng Nghệ Tĩnh, hội Lim của vùng quê quan họ... Và cũng như không gian chợ quê, nhiều nam thanh nữ tú đã nên duyên chồng vợ, hạnh phúc trọn đời với nhau từ những đêm trăng bên cối gạo, từ phường dệt vải trong câu đò đưa hay khúc ví giặm ân tình, hay từ những liền anh, liền chị trong ngày hội Lim với bài quan họ tha thiết nhớ nhung…

4. Sự thăng trầm của chợ quê và văn hóa

Hẳn có người đặt câu hỏi, đã gọi là cuộc trao đổi sản phẩm lao động (mua bán) đương nhiên người ta có quyền lựa chọn (tốt xấu, đắt rẻ, cần hay không cần), có gì mới đâu. Xin thưa, mọi sự đã không đơn giản như thế. Nói chính xác hơn, bản chất mua bán trao đổi sản phẩm vốn như thế, nhưng lịch sử của đất nước chúng ta không phải lúc nào cũng như thế.

Có một thời gian khá dài, người dân miền Bắc không còn biết đến chợ, hay rất hiếm hoi mới thấy chợ. Thay vào đó, mọi sản phẩm của người dân, muốn bán đi hay mua vào đều được điều hành của cơ quan nhà nước (ngành thương nghiệp) bằng cơ chế thu mua và phân phối. Trong cơ chế này, sản phẩm làm ra người lao động không được quyền tự bán ra thị trường, không tự quyết giá cả. Sản phẩm cần mua vào cũng không được trả giá, giá cả do nhà nước ấn định, chất lượng cũng không được lựa chọn, mà thực ra có dôi thừa đâu để lựa chọn. Thậm chí nhiều trường hợp, người ta được phân phối thứ sản phẩm mà họ không hề có nhu cầu. Có ba lí do đẻ ra cái cơ chế oái oăm này. Một là vì chiến tranh khốc liệt, nhà nước cần tập trung cao nhất nguồn lực phục vụ cho cuộc chiến đấu. Hai là, cũng do tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu nên sản phẩm do nhân dân ta sản xuất ra rất ít hoặc không có, hàng hóa hầu hết là do viện trợ nước ngoài. Sự khan hiếm khủng khiếp đấy bắt buộc phải tận thu sản phẩm xã hội (thu mua vào các cửa hàng quốc doanh hoặc Hợp tác xã mua bán), không để dân tự do bán ra ngoài. Mặt khác phải thực hiện phân phối để có thể đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho mọi người tồn tại. Hai nguyên do này là sự bắt buộc vì điều kiện khách quan. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng phải thực hiện cơ chế đó khi có ban bố tình trạng chiến tranh hay thảm họa thiên tai. Điều đáng nói ở đây là ở lí do thứ ba, một lí do đã kìm hãm sự phát triển xã hội chúng ta không chỉ trong giai đoạn đặc thù lịch sử là chiến tranh, mà còn kéo lê thê ra nhiều thời gian sau đó, thậm chí còn lảng vảng trong nhiều chính sách, nhiều sự điều hành xã hội tới tận bây giờ. Đấy là nhận thức sai lệch về quy luật phát triển kinh tế xã hội, quy luật cung cầu, chưa giải mã được bản chất thế nào là định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường. Vì sự sai lệch đó mà chúng ta đã kéo lê cái cơ chế bao cấp vốn đã hết vai trò lịch sử ra một thời gian quá dài. Thậm chí tận hôm nay, tuy hầu hết đều hô to khẩu hiệu xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, nhưng nhìn vào ngóc ngách xã hội, nhìn thấu vào nhiều chính sách, chúng ta vẫn bắt gặp cái hồn ma của cơ chế bao cấp lảng vảng khắp nơi. Nói ví dụ, từ quan điểm nhà doanh nghiệp được đầu tư vào những lĩnh vực mà pháp luật cho phép, đến quan điểm doanh nghiệp được đầu tư vào những lĩnh vực mà pháp luật không cấm, những người làm luật phải trăn trở vật lộn gần hai mươi năm?

Quay về vấn đề văn hóa. Tương ứng với giai đoạn chợ quê bị hạn chế, sự trao đổi sản phẩm lao động được dịch chuyển từ chợ vào các cửa hàng mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán, thì văn hóa cũng lập tức có sự thay đổi quyết liệt. Các hoạt động văn hóa từ đua nở tự phát, tự do lựa chọn sáng tạo và hưởng thụ, lập tức được gom lại, huy động tổng lực sự sáng tạo của mọi thành phần trong xã hội tập trung vào chỉ một chủ đề sáng tác, hướng vào nhiệm vụ chính trị cấp bách là chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Những nét văn hóa, những bản sắc độc đáo nào đó, thậm chí cả những di sản văn hóa quý giá của nhiều vùng miền, nếu thấy chưa thật sự có ích, thậm chí còn có thể gây trở ngại cho nhiệm vụ chính trị hiện tại đều bị hạn chế, nhiều lúc, nhiều nơi còn bị cấm đoán. Đấy chính là giai đoạn mà người dân không được tùy tiện lựa chọn văn hóa giống như không được tự do lựa chọn sản phẩm hàng hóa nơi chợ quê. Những người lớn tuổi hẳn chưa quên, ca khúc Xa khơi, một sáng tác tuyệt vời của Nguyễn Tài Tuệ, từng bị cấm phổ biến. Bài hát Lời người ra đi của Trần Hoàn cũng có chung số phận như thế. Lí do rất dễ hiểu, những sản phẩm âm nhạc ấy nó không khí thế, nó yếu đuối ủy mị, không có tác dụng động viên chiến sĩ xông pha chiến trường! Thậm chí, thời đó, trong giàn nhạc của các đoàn văn công, người ta cấm sử dụng kèn saxophone vì âm thanh nó lả lướt, yếu đuối, ngược lại rất đề cao kèn trumpet vì tiếng nó hùng dũng, vang rền...

Với một đòi hỏi tập trung cao nhất về tư tưởng và ý chí cho công cuộc chiến đấu sinh tử, thay vì để văn hóa phát triển trong sự lựa chọn muôn màu muôn vẻ của cộng đồng, nhà nước phải đứng ra không chỉ định hướng mà còn trực tiếp tổ chức các hoạt động, tạo dựng các mô hình, thành lập ra các loại lực lượng, trực tiếp đầu tư ra các sản phẩm mang đúng định hướng chính trị. Từ mô hình xây dựng các thiết chế văn hóa, các không gian văn hóa đến các sản phẩm văn hóa, nhà nước đều trực tiếp đầu tư và tổ chức sản xuất. Thậm chí các hội đoàn nghề nghiệp cũng do nhà nước tổ chức ra và tài trợ hoạt động. Bởi thế sau này, trong giới văn nghệ sĩ hay dùng đến những khái niệm mang tính hài hước và có phần giễu cợt, đấy là “văn chương mậu dịch”, “văn hóa quốc doanh”.

Cũng như câu chuyện phân phối thực phẩm nói ở trên, nguyên nhân khách quan của thời cuộc buộc chúng ta phải cùng chung sự lựa chọn văn hóa kiểu như thế. Tuy nhiên, cũng như chuyện chợ quê, văn hóa của hôm nay đã thật sự cởi trói để cộng đồng thoải mái lựa chọn hay chưa? Và sự tự do lựa chọn giữa một chợ trời văn hóa có hoàn toàn phù hợp với sự phát triển xã hội ở ta hiện nay.

5. Chợ quê và chợ trời, văn hóa với phản văn hóa

Nói đến đây, có thể có người kết luận ngay, đã biết sự thăng trầm của chợ quê và văn hóa một thời do lịch sử đặc biệt của đất nước tạo nên, thì đơn giản thôi, hãy trả lại cho chợ quê và văn hóa bản chất cội nguồn và chức năng vốn có của nó. Xin thưa, thật không dễ gì. Và cái giá của sự trả lại đó vô vàn cay đắng.

Từ khi đất nước bước vào thời kì đổi mới, nhất là khi chúng ta nhận thức được phát triển kinh tế nhất quyết phải vận hành theo cơ chế thị trường, chúng ta đã cố trả lại cho chợ quê và văn hóa những gì được coi là thuộc tính cơ bản của nó. Đấy là không gian của quyền tự do quảng bá và mua bán sản phẩm, quyền tự do công bố và hưởng thụ văn hóa. Là không gian của sự tự do lựa chọn, lựa chọn sản phẩm vật chất và tự lựa chọn sản phẩm tinh thần - tức là lựa chọn văn hóa. Không gian của giao lưu và giao hòa không giới hạn giữa con người với con người, giữa các vùng miền trong nước và xa hơn là giữa các nền văn hóa của mọi quốc gia…

Không thể phủ nhận những thành quả tích cực từ chủ trương trả lại đấy. Chợ quê ngày càng phong phú, nhộn nhịp, là tấm gương phản chiếu sự phát triển kinh tế vượt bậc từ các làng quê. Cũng như thế, văn hóa đang thời kì phát triển hết sức đa dạng, hết sức tự do, và ít nhiều cũng tạo ra được những thành tựu đỉnh cao.

Tuy nhiên có thực trạng đáng lo lắng, thậm chí là hoảng sợ khi ra chợ mua sản phẩm như hiện nay, và sự hỗn loạn đến hoang mang khi phải chịu đựng sự tạp nham rác rưởi của quá nhiều sản phẩm văn hóa như bây giờ. Chợ đang là nơi đầu độc dễ dàng nhất, nhanh nhất sự sống của con người. Còn văn hóa lại đang thành thứ hủy hoại đạo đức, nhân phẩm con người ghê rợn nhất. Chưa bao giờ tế bào ung thư lại có cơ hội sinh sôi nảy nở rầm rộ trong cơ thể và trong tâm hồn chúng ta nhanh, nhiều và thuận lợi như hiện nay? Chưa bao giờ cái ác lại lên ngôi, lại nghênh ngang trong cuộc sống như hiện nay. Và trong sự sợ hãi hoang mang đó, đôi khi ta bỗng ước rằng, giá như trở lại thời bao cấp lạc hậu, cái thời mà mọi sản phẩm (cả sản phẩm vật chất lẫn sản phẩm tinh thần) được nhà nước phân phối, nhà nước đảm bảo chất lượng thì dù ít ỏi, dù thiếu thốn nhưng cuộc sống lại thanh thản, an tâm hơn?

Không đâu! Hoàn toàn không thể. Bởi ngay nhãn tiền chúng ta đã thấy, hiện giờ ngay cả mặt hàng trong các siêu thị cao cấp nhất cũng thật khó mà nói là không có hàng giả, hàng độc.

Đến đây, ta có thể nhận ra sự thật rằng, mọi sự hỗn loạn hiện nay hoàn toàn không vì sự trả lại bản chất cội nguồn của chợ quê và văn hóa mà nguyên nhân của thực trạng vừa nói là do chính chúng ta, những người có trách nhiệm quản lí xã hội và của tất cả mọi người trong cộng đồng đã không tự kiểm soát được chính mình, chưa kiểm soát tốt xã hội. Đã có quá nhiều sự cảnh báo về cái gọi là mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng hình như chúng ta chưa thật sự hiểu hết cái khủng khiếp của mặt trái đó.

Cuối cùng là, trong mỗi một con người Việt Nam, tự lúc nào chúng ta đã đánh rơi mất những phẩm giá cao quý nhất - cũng chính là di sản văn hóa quý giá nhất mà ngàn đời trước ông cha ta đã xây nên, đã sàng lọc, lựa chọn để cho từng cá nhân mỗi người và cả cộng đồng dùng làm phương châm sống. Đấy là: “Miếng ăn là miếng nhục”, là “Thương người như thể thương thân”, là “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”… Tự lúc nào, người Việt chúng ta lại quyết chí hạ độc nhau trong những sản phẩm hàng hóa, chặt chém không thương tiếc nhau ở bất cứ bữa ăn nào cho dù người mua bát cơm đang giữa lúc thất cơ lỡ vận.

Cho nên, theo tôi, để trả lại những thuộc tính căn bản cho chợ quê, và trả lại sự phát triển đúng theo những thuộc tính cội nguồn của văn hóa, điều cốt tử hiện nay là phải có cuộc vận động cách mạng khốc liệt, cùng với những chế tài xã hội hết sức mạnh mẽ nhằm trả lại bằng được những tinh hoa nhân phẩm quý như ngọc vốn có trong mỗi một tâm hồn, trí não của con người Việt Nam.

Cửa Việt - Quảng Trị tháng 9/2017

X.Đ

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 277 tháng 10/2017

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground