Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng Việt: bao giờ có luật?

TCCV Online - Ai cũng dễ nhận thấy tiếng Việt của ta đang phát triển khá mạnh, phù hợp với dòng chảy của tiến trình đổi mới và hội nhập – cái mới đang len lỏi vào từng người, từng nhà, nhất là lớp trẻ. Những từ ngoại lai đôi khi tưởng như khó hiểu đang dần trở nên bình thường.

Hơn 2.000 từ bổ sung cho từ điển Việt ngữ của ta trong vòng một thập kỷ là một con số không nhỏ. Loại hình ngôn ngữ mới trên mạng mà dư luận gọi là ngôn ngữ tuổi teen, tuy còn không ít khuyết tật đáng bàn nhưng ai cũng hiểu rằng đây là sự bùng nổ của lớp trẻ trong thời đại công nghệ thông tin, một sự phát triển logic, hầu như nước nào cũng có, góp phần làm phong phú thêm tiếng Việt hiện hữu.

Đổi mới tiếng Việt được phản ánh nhiều trong nội dung báo chí nhất là phát thanh, truyền hình – lời nói, cách đọc, cách viết… qua các trang báo và làn sóng điện đã giúp cho tiếng Việt chính thống lan tỏa khắp nước, rút ngắn dần khoảng cách về việc sử dụng ngôn ngữ giữa các địa phương với trung ương, làm cho tính thống nhất lấn dần tính bản địa. Ngôn ngữ trên chính trường theo đà tiến của cuộc sống cũng có những nét đổi thay đáng khích lệ, có những cụm từ, tổ hợp từ mới xuất hiện ngay trên diễn đàn Quốc hội, trong nghị quyết của Trung ương như “nhóm lợi ích”, “tư duy nhiệm kỳ”, “hạ cánh an toàn”… được sử dụng ngày càng nhiều, phản ánh sinh động một nét mới trong đời sống cộng đồng.

Tính ưu việt của tiếng Việt ta còn nhiều nhưng song song đó, những hạn chế, khuyết điểm cũng không ít. Dễ nhận ra nhất là cung cách nói tục bừa bãi trong cộng đồng, nói một cách phổ biến, công khai, không một chút e dè, ngượng ngập, ngay cả giữa lòng thủ đô văn hiến.

Có ý kiến cho đây cũng là một dòng chảy của ngôn ngữ dân tộc, có điểm dở nhưng cũng có điểm hay riêng, không thể xóa bỏ được. Từ đó mà ném ra một đề xuất: Có thể nói tục ở nhà, còn ở mọi nơi thì cấm. Nhưng ở nhà mà văng tục được thì rồi con cái sẽ ra sao? Ngôn ngữ của lớp trẻ trên mạng thì dùng tràn lan những cách nói riêng, ký tự riêng, khó ai hiểu được trừ bạn “chat” với mình, đáng chê trách nhất là các em luôn dùng cách nói nôm na nhưng khiếm nhã, thiếu lịch sự, nói cho thỏa ý thích riêng, bất cần ai đó phê phán thế nào! Trong thương trường, ngôn ngữ thường dễ “đổi mới” theo hướng “thụt lùi”. Chỉ ở một con phố nhỏ ở Hà Nội có thể thấy hàng loạt biển hiệu Anh ngữ, không chú thích tiếng Việt. Một quán bán bánh cuốn thì viết to thành “quấn” trên biển quảng cáo.

- Thưa bác, em biết viết như thế là sai nhưng ở thời buổi này cứ ngang ngay sổ thẳng, ai người ta chú ý?

Như thế đấy, nhiều, còn rất nhiều kiểu sử dụng ngôn ngữ loạn xạ ngầu như thế sống phây phây không kể xiết. Chẳng lẽ đây cũng được xem là một dòng chảy mới trong ngôn ngữ hiện đại, không cần uốn nắn sao? Có người cho đó chỉ là chuyện “muỗi” trong dân, họ có những “sáng tạo” riêng miễn là không sai luật pháp.

Nghe cũng có lý nhưng chân lý chỉ có một. Chân lý trong ngôn ngữ cũng phải có chuẩn mực, dùng từ phải chính xác, dùng câu phải theo ngữ pháp chứ không thể viết gì, nói sao cũng được. 

Giữa hai khái niệm sai hay đúng, phải chọn một, chứ không thể nhập nhằng đúng cũng được mà sai cũng chẳng sao. Nếu dân sử dụng ngôn ngữ lung tung, có lẽ một phần do lỗi trong ngôn ngữ chính thống của nhà nước ta cũng chưa chặt chẽ, một câu có khi hiểu thành hai ý.

Ngôn ngữ dùng trong luật khá rối rắm, khó hiểu. Nghị định, thông tư hướng dẫn cũng vậy, chỉ có mấy từ “thuế, lệ phí, phạt” mà nội hàm không rõ, sử dụng không thống nhất, gây rắc rối cho dân nên khi đề ra rồi phải xóa bỏ, làm cái mới.

Phần lớn các nghị quyết của Trung ương thì cách diễn đạt cũ từ mấy chục năm rồi, không thay đổi. Những từ đã mòn vạt đi như “đẩy mạnh, tăng cường, bổ sung, phát triển, nỗ lực, phấn đấu...” được dùng với một tần số khá cao, năm nào cũng vậy, dễ thấy tính định hướng, định tính chung chung, còn định lượng thì mờ mịt.

Ngôn ngữ mà nói chung chung thì đánh giá kết quả thế nào? Cho nên có lúc ở trên đưa ra một số chỉ tiêu, định lượng, trong dân có người chưa tin cho đó chỉ là con số thổi phồng, cốt để an dân! Có thể đó là một nhận thức phiến diện nhưng có điều rất rõ là dân đòi hỏi cấp trên nói cho chính xác. Không thể để trong dân chúng hiểu tham nhũng là có tội còn lãng phí thì không!

Báo chí, phát thanh, truyền hình và các nhà xuất bản, nơi được xem là đỉnh cao của ngôn ngữ đại chúng, vẫn còn không ít hạt sạn trong cách dùng từ, phiên âm, dịch nghĩa. Chỉ việc thông báo một cơn bão lớn mới đây thôi mà trong một chương trình truyền hình lúc dùng từ ngoại “Haiyan” lúc lại được phiên âm thành “Hải Yến”! Kiểu dùng từ trùng ngữ như “cập nhật trong ngày”, “trường tồn mãi mãi”… được dùng đến mức phổ biến như chuyện thường ngày ở huyện, nghe riết thành quen đến mức không ít người cho đó cũng được, dùng sai nhưng lại “tăng thêm màu sắc, ý nghĩa của ý cần diễn đạt”.

Một tờ báo tiếng Việt nhưng lại lấy tên tiếng Tây! Một quyển sách từ tiếng nước ngoài dịch sang Việt ngữ có hàng đống chỗ sai. Địa danh của nước ngoài được phiên âm ra thành ba bốn kiểu, không rõ kiểu nào là chính thức? Những sai sót như thế rất nhiều, cứ cho là sai sót nhỏ đi nhưng cũng không nên xem thường vì lớp trẻ hiện nay đều lấy lời nói, cách viết của các cơ quan thông tin nhà nước như là mẫu mực cần học tập.

Tình hình ngôn ngữ của ta đại loại như thế nên những nhà tâm huyết với văn hóa nước nhà đều mong muốn có một luật riêng cho ngôn ngữ. Nghe nói vài năm trước đây, một số đại biểu Quốc hội có đề cập việc nên luật hóa ngôn ngữ và cũng được nhiều ý kiến tán đồng. Nhưng có lẽ vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay, ý tưởng này vẫn còn bỏ ngỏ. Cái khó là các nhà lập pháp đang phải lo cái “ăn” trước. Kinh tế, tài chính, ngân hàng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, môi trường, đầu tư… hàng đống vấn đề chất cao như núi còn chưa giải quyết xong, nói gì đến ngôn ngữ? Còn có ý khác cho là muốn đưa ra một dự thảo luật về ngôn ngữ hiện nay cho Quốc hội quyết định cũng không hề đơn giản.

Ngôn ngữ chính thống hiện nay nếu thành luật phải bao quát được cả ngôn ngữ mạng dùng trong công nghệ thông tin, nơi mà các nhà lập trình còn đang loay hoay với hàng chục mẫu ký tự khác nhau. Luật nếu có, còn phải hài hòa giữa việc sử dụng tiếng Việt và tiếng nói của 53 dân tộc anh em.

Đó là chưa nói đến trong nghiên cứu, trao đổi giữa các nhà ngữ học mới thấy còn không ít nhận thức khác nhau về những vấn đề tưởng như đã cũ, đã có hàng bao nhiêu năm rồi. Đại loại như: Thế nào là sự trong sáng của tiếng Việt? Thế nào là chuẩn mực của ngữ pháp Việt? Ai cũng đồng ý là thời kỳ hội nhập này cần phải vay mượn từ nước ngoài nhưng vay mượn thế nào mà không làm vẩn đục tiếng mẹ đẻ? Vay từ ngữ hay dùng luôn cả ngữ pháp của họ cũng được? Rồi phiên âm, dịch thuật, phát âm… nhất là cách đối xử với chữ Hán Việt, chữ Nôm, một gia tài trí tuệ cả ngàn năm của ông cha để lại như thế nào để làm giàu thêm trí tuệ của thời nay đều là những vấn đề không dễ.

Nhưng tựu trung đó đều là cái khó trong đi lên, trong phát triển. Nếu có tình yêu ngôn ngữ, có tấm lòng lo cho tương lai tiếng nói của ngôn ngữ nước nhà thì đều có thể vượt qua được. Cũng không thể đổ cho bận nhiều việc lớn hơn nên chưa để tâm đến ngôn ngữ. Thời kháng chiến cũng trăm công ngàn việc mà Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng có biết bao “lời hay ý đẹp” cho việc sử dụng ngôn ngữ của ta. Trước đây, ta có bao nhiêu nhà Việt Nam học nổi tiếng, uyên bác một thời như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Đinh Gia Khánh… để lại bao tác phẩm nghiên cứu cả tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Nga đến nay vẫn còn giá trị, còn nay thì sao? Cũng có không ít nhà nghiên cứu có tâm có tài nhưng còn chưa xuất đầu lộ diện trên văn đàn, xem ra còn hiếm như lá mùa thu.

Ngôn ngữ không đứng im, nó luôn cựa quậy, tự sản sinh ra những cái mới. Trên thế giới hiện có hàng nghìn ngôn ngữ khác nhau, có ngôn ngữ không được công nhận, cũng có nhiều ngôn ngữ tự diệt.

Nhưng những nước lớn đông dân lại đang tìm cách phát triển ngôn ngữ của chính họ. Trước đây, Liên Hiệp Quốc có Esperanto được xem như là một ngôn ngữ dùng cho toàn cầu. Nhưng Esperanto không sống được, tiếng Anh đang dần thay thế, xem như đó là một thứ ngữ có nhiều quốc gia sử dụng. Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản… cũng đều đang mở rộng cho ngôn ngữ của mình chiếm lĩnh trận địa ở nhiều nơi.

Việt Nam là một nước nhỏ nhưng với số dân ngót 100 triệu, xếp hàng thứ 14 trên thế giới, không thể xem nhẹ vấn đề ngôn ngữ.

Có nhà nghiên cứu cho ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc. Trong văn hóa, nó là một thành tố bất tử. Ngôn ngữ không chỉ phản ánh đời sống mà còn tác động đến đời sống một cách sâu sắc. Nhiều nước trên thế giới đều đã có luật riêng về ngôn ngữ.

Đối xử như thế nào với ngôn ngữ cũng là thước đo trình độ văn minh của một dân tộc. Ngôn ngữ mà còn chưa chuẩn, lệch lạc phù phiếm không chỉ ảnh hưởng không tốt đến nhân cách, phẩm giá con người mà còn ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển xã hội nói chung, cả giao lưu quốc tế.

Vì vậy có một đạo luật riêng về ngôn ngữ trong tình hình hiện nay là cần thiết, là một đòi hỏi khách quan, tất yếu, không thể xem thường. Vấn đề ngôn ngữ của ta hiện nay còn đặt trong phạm trù văn hóa nói chung và xử lý nó cũng mới chỉ bằng các nghị định, thông tư của chính phủ và một số bộ ngành. 

Như thế, e rằng chưa đủ mạnh. Hy vọng là trong thời gian không xa nữa, Việt Nam sẽ có một luật riêng về ngôn ngữ, đáp ứng với mong đợi của nhiều người và chắc chắn đó sẽ là động lực làm cho ngôn ngữ của ta trong sáng và phong phú hơn.

 M.T.L

(Nguồn Tạp chí Hồn Việt)

Mai Thúc Long
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 280 tháng 01/2018

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

19 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground