Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hiện tượng lạm dụng ngôn ngữ ngoại lai trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay

Là ngôn ngữ thống nhất quốc gia của dân tộc Việt Nam, tiếng Việt đã có hàng ngàn năm lịch sử. Trải qua bao chặng đường phát triển, tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của dân tộc ta đã vượt qua mọi trở lực: chính sách đồng hóa của các tập đoàn phong kiến Trung Hoa, chính sách phản dân tộc của một số triều đại phong kiến Việt Nam, chính sách ngu dân của thực dân Pháp... để trở thành một ngôn ngữ giàu và đẹp, có bản sắc, đầy tiềm năng. Đặc biệt từ sau cách mạng tháng Tám 1945, tiếng Việt đã xứng đáng là công cụ giao tiếp và công cụ tư duy quan trọng nhất và đắc lực nhất của mọi người dân Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật. Trên trường quốc tế, trong mọi lĩnh vực hoạt động, tiếng Việt có địa vị bình đẳng với tất cả các ngôn ngữ khác. Chúng ta tự hào chính đáng về điều này, để từ đó có ý thức cao hơn trong việc giữ gìn sự trong sáng và vẻ đẹp, sự giàu có của tiếng mẹ đẻ “thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý giá của nhân dân ta” (Hồ Chí Minh).

Quá trình hội nhập và phát triển tất yếu sẽ kéo theo sự tiếp xúc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, trong đó có ngôn ngữ. Đây cũng là hiện tượng mang tính phổ biến mà Việt Nam chúng ta cũng không phải và không thể là trường hợp ngoại lệ. Mặt tích cực là đã góp phần làm phong phú thêm cho kho từ vựng của ngôn ngữ dân tộc, đặc biệt là những thuật ngữ mới trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật; làm đa dạng hơn các hình thức giao tiếp, và về phương diện nào đó, nó giúp chúng ta có điều kiện tiếp cận nhanh với những nền văn hóa và văn minh phát triển hơn. Bên cạnh đó, về văn hóa nói chung, nó cũng có thể gây nên những tác động tiêu cực, đó là sự xô bồ, lai căng, thậm chí chủ nhân văn hóa còn quay lưng lại với văn hóa truyền thống nếu chủ thể tiếp nhận chưa có được sự chuẩn bị đầy đủ khả năng lựa chọn; về ngôn ngữ nói riêng, những biểu hiện trong cách nói, cách viết “khác lạ” đã làm mất đi bản sắc vốn có của tiếng Việt. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những giá trị của văn hóa truyền thống, mà cụ thể là văn hóa ngôn ngữ không bị phủ định bởi sự phát triển của văn minh và ngược lại, nó không trở thành lực cản cho sự phát triển ấy; chúng phải trở thành điểm tựa và thúc đẩy lẫn nhau trên con đường phát triển của xã hội.

Ngôn ngữ ngoại lai

Thực tế cho thấy, bất kì ngôn ngữ nào, trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng thu hút nhiều yếu tố của các ngôn ngữ khác, do đó có nhiều từ ngữ giống hoặc tương tự với các từ ngữ của các ngôn ngữ khác. Tiếng Việt của chúng ta ngày nay chứa đựng nhiều từ ngữ tương tự với các từ ngữ trong nhiều thứ tiếng. Tiếng Việt hiện đại còn ảnh hưởng và tiếp nhận nhiều yếu tố của các ngôn ngữ các châu lục cũng như các dòng ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Nhật... Nếu không nhìn nhận vấn đề một cách biện chứng trên cơ sở thực tiễn lịch sử, văn hóa... thì rất khó xác định đâu là từ bản ngữ, đâu là từ ngoại lai. Có người cho rằng chỉ có thể gọi một cách hợp lí từ ngoại lai trong một ngôn ngữ nhất định là những yếu tố đã thâm nhập sau cái thời kì đánh dấu một cách quy ước giai đoạn đầu của ngôn ngữ ấy. Thực tế, vấn đề xác định thời gian hình thành của một ngôn ngữ dân tộc nào đó là rất phức tạp và không phải bao giờ cũng cho một câu trả lời thỏa đáng. Vì vậy, chúng ta vẫn gặp phải khó khăn trong phân biệt từ bản ngữ và từ ngoại lai. Nội dung của hai khái niệm này chỉ có thể xác định một cách tương đối khi xét chúng trong những giai đoạn lịch sử cụ thể nhất định. Các ngôn ngữ thường có các giai đoạn phát triển kế tiếp nhau, và mỗi giai đoạn thường bao gồm những kiểu loại các yếu tố: (1) Những yếu tố cũ từ giai đoạn trước để lại; (2) Những yếu tố mới được tạo ra trên cơ sở yếu tố cũ và yếu tố mới du nhập vào; (3) Những yếu tố mới du nhập vào từ các ngôn ngữ khác trong giai đoạn ấy. Xét trong mỗi giai đoạn, những từ thuộc loại (1) và (2) có thể được coi là từ bản ngữ; những từ thuộc loại (3) là những từ ngoại lai. Tuy nhiên, khái niệm từ ngoại lai và từ bản ngữ cần được nhìn nhận một cách linh hoạt, bởi chúng có mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Những từ ngoại lai trong giai đoạn này có thể trở thành từ bản ngữ trong giai đoạn tiếp theo. Cách xác định từ bản ngữ và từ ngoại lai căn cứ vào nguồn gốc đòi hỏi phải biết từ nguyên của chúng. Công việc này không phải bao giờ cũng thực hiện được dễ dàng. Trong sử dụng ngôn ngữ, những khác biệt trong phản ánh tình trạng hiện thời của ngôn ngữ cũng là căn cứ quan trọng. Vì vậy, từ bản ngữ và từ ngoại lai còn được xác định về phương diện đồng đại thuần tuý. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm “từ bản ngữ đồng đại” và “từ ngoại lai đồng đại”. Có thể hiểu một cách đại thể, từ bản ngữ đồng đại trong tiếng Việt là những từ mà xét về cấu trúc ngữ âm cũng như hình thái học hoàn toàn nằm trong cấu trúc hiện thời của tiếng Việt mặc dù xét về phương diện lịch đại, có thể đó là những từ có nguồn gốc ngoại lai. Từ ngoại lai đồng đại là từ có những nét không nhập hệ vào cấu trúc đương thời của tiếng Việt. Chúng là những từ ngoại lai còn giữ những đặc trưng của ngoại ngữ khiến cho chúng khác với các từ bản ngữ đồng đại.

Thực trạng sử dụng ngôn ngữ ngoại lai trong giới trẻ hiện nay

Sự giao thoa văn hóa, xã hội đòi hỏi ngôn ngữ có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Cùng với sự giao lưu, hội nhập, ngôn ngữ nước ta cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Những từ ngữ mới, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm, thậm chí cả cấu trúc và phong cách mà trong vốn tiếng Việt trước đây còn thiếu vắng, chẳng hạn trong lĩnh vực tin học, kỹ thuật số, sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thị trường.v.v… Đồng hành với mặt tích cực ấy, không ít hiện tượng tiêu cực cũng thâm nhập với những cách nói, cách viết khác lạ. Có thể dẫn ra một số trường hợp sau:

a) Sử dụng ngôn ngữ ngoại lai có nguồn gốc châu Âu

Không ít thanh thiếu niên chúng ta đang có tình trạng sử dụng tùy hứng các ngôn ngữ có nguồn gốc châu Âu trong giao tiếp bằng tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Pháp. Giới trẻ thường sử dụng tiếng lóng lai căng, pha giữa tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) và tiếng Việt. Họ không ngần ngại nói với tất cả các đối tượng tham gia hội thoại bằng các dạng cấu trúc như:“ok thầy”,“thank-kiu ”,“sorry bạn”. Trường hợp cấu trúc phức hợp hoặc nhiều yếu tố tham gia như câu chẳng hạn, họ thường chọn một yếu tố nước ngoài được cho là trọng điểm thông báo xen vào cấu trúc Việt ngữ. Chẳng hạn, “Trông con bé kute quá” “Anh ấy handsome thật!”, “mình là fan của anh ấy”, “nhóm ấy toàn bọn chuẩnmen” “Các superstar thích xài mobile loại xịn”, “Idol của tao kìa”, rồi nào là hotboy, hotgirl, hay có người còn lên facebook đăng dòng tin nhắn: “cô ấy là Idol của tao đấy”, kèm với hình chụp. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, họ còn kết hợp giữa ngoại ngữ và biệt ngữ nhóm (tiếng lóng) trong cấu trúc lời thoại. Chẳng hạn, “Con nghiện (điện thoại) lại viêm dạ dày (sắp hết tiền) rồi làm sao gọi cho honey đây”… Hiện tượng này không còn ở phạm vi giới trẻ mà đã trở thành “hội chứng” của xã hội. Việc sử dụng từ ngữ ngoại lai theo kiểu vô thức cũng làm cho nhiều đối tượng “quen” đến mức quên mất cả từ tiếng Việt tương ứng. Chẳng hạn, thay vì nói “tạm biệt” sẽ là “bye” hoặc “bye bye” lời xin lỗi đơn giản là “sorry nha!” cảm ơn cũng ngắn gọn “thanks”… Ngoài ra, còn xuất hiện một số “biến chứng” như là hậu phát minh của song ngữ Anh - Việt. Chẳng hạn việc biến đổi cách phát âm như đe-le-te (delete), ai-lái-kịt (I like it),cơm-pờ-le-te (complete), thăng-sờ-kiều (thank you),… hay cách ghép từ có một không hai know just die (biết chết liền), like is afternoon (thích thì chiều), no four go (vô tư đi) hay độc đáo hơn là sugar sugar ajinomoto ajinomoto(đường đường chính chính)…

Hơn 80 năm bị người Pháp đô hộ, tiếng Việt đã vay mượn nhiều từ gốc Pháp, đại bộ phận lớp từ này là tên gọi các đối tượng từ Pháp thâm nhập vào mà thường thì trong tiếng Việt chưa có. Phần lớn các từ đó đã bị thay đổi cả về cách đọc lẫn chữ viết để phù hợp với đặc trưng của tiếng Việt (ngôn ngữ đơn lập; không biến hình). Các từ mượn tiếng Pháp được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như: ăn uống  cacao (ca cao), café (cà phê), crème (kem), carotte (cà rốt), gâteau (ga tô), salade (xa lát), cerise (sơ ri), fromage (pho mát), jambon (giăm bông), moutarde (mù tạc), saussisse (xúc xích), vin (vang);... trang phục  maillot (may ô), chemise (sơ mi), veston (vét tông), gilet (gi lê), blouse (bờ lu),manchette (măng sét);... y dược  acide (axít), lipide (lipit), péniciline (pênixilin), vaccin (vắc xin), vitamine (vitamin),... và nhiều lĩnh vực khác. Các lớp từ này đã dần đi vào kho từ vựng tiếng Việt, và cơ bản được người Việt sử dụng một cách phù hợp trong các hoàn cảnh giao tiếp. Mặc dù không có tính chất phổ biến như sử dụng tiếng Anh do giới trẻ ít tiếp cận ngôn ngữ này, vả lại, nhiều từ ngữ của tiếng Pháp đã được người Việt đặt trám vào chỗ tiếng Việt còn thiếu và lâu ngày được người Việt sử dụng như chính của ngôn ngữ mình (như một số ví dụ kể trên).

b) Sử dụng ngôn ngữ ngoại lai có nguồn gốc tiếng Hán   

Trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, nước ta chịu ảnh hưởng sâu văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa là điều dễ nhận thấy. Theo thống kê của H. Maspero, 1972 thì có 60% từ Việt có gốc Hán. Lớp từ gốc Hán có mặt ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực, trong mọi hoạt động của đời sống ngôn ngữ tiếng Việt. Cho đến nay, vẫn chưa có một điều tra ngôn ngữ nào để có một số liệu chính xác về tỷ lệ các yếu tố gốc Hán trong kho từ vựng của chúng ta. Trong thực tế, do cùng một loại hình ngôn ngữ, cùng với đó là có khá nhiều từ Hán được thâm nhập vào nước ta ở thời kỳ đầu, đã chịu sự chi phối bởi ngữ âm tương đồng giữa hai ngôn ngữ thời kỳ ấy nên dễ dàng được coi như những từ thuần Việt (xe, ngựa, cá, cởi, cả, nẹn, chén, chém, thuyền, buồm, buồng…). Bởi vậy, một bộ phận không nhỏ, ranh giới giữa chúng là không thật sự rõ ràng. Và cũng chính vì thế, việc đánh giá về cách sử dụng phối hợp các yếu tố giữa hai ngôn ngữ này là không mấy giản đơn. Chẳng hạn, chúng ta thường chấp nhận một số không ít các trường hợp không thực sự hợp lí, kiểu: sông Hồng Hà, cánh chim đại bàng, thuở thiếu thời, nhà đại gia, ngày sinh nhật,… Tuy nhiên, không vì vậy mà có thể sử dụng một cách tùy tiện khi tiếp nhận một số lượng không nhỏ loại nguyên liệu ngôn ngữ này. Mặc dù trong nhiều lĩnh vực hoạt động như hành chính, kinh tế, pháp luật,… thì đại bộ phận từ ngữ được sử dụng đều là từ gốc Hán, nhưng vẫn dễ dàng nhận thấy ở tiếng Việt có những quy tắc và quy luật riêng, đặc biệt là cấu tạo từ và cấu trúc cú pháp. Việc sử dụng các yếu tố vay mượn phải chịu sự chi phối của các quy tắc và quy luật hoạt động của tiếng Việt. Với phạm vi bài viết này, chúng tôi không tham vọng có thể bàn đến những vấn đề quá lớn về mối quan hệ giữa tiếng Việt và tiếng Hán trong suốt tiến trình lịch sử của nó, mà chỉ sơ bộ đề cập đến vấn đề sử dụng tùy tiện ngôn ngữ gốc Hán trong giao tiếp tiếng Việt do hạn chế về sự hiểu biết hoặc lạm dụng chúng trong nhiều hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Khá nhiều trường hợp do không phân biệt được nguồn gốc ngôn ngữ đã dẫn tới việc sử dụng không phù hợp với cấu trúc. Chẳng hạn, không phân biệt được chủ nghĩa xã hội và xã hội chủ nghĩa, đa phần  phần đa, khuyến mãi và khuyến mại, kiểm sát  kiểm soát, luật pháp  pháp luật, quản lí và quản trị, tiền  tiền tệ, quyền  quyền lợi, quyết nghị và nghị quyết;… hoặc không hiểu nghĩa của từ ngữ mình đang dùng nên ngay cả một số người làm du lịch, làm truyền thông cũng không hiểu được thế nào là danh lam, thế nào là thắng cảnh, cứ thấy cảnh đẹp thì đều nói là danh lam thắng cảnh… Cũng vì lí do trên nên nhiều trường hợp sử dụng thừa các yếu tố trong tổ hợp từ, như: lúc sinh thời, tái lập lại, tái khẳng định lại, tận mắt mục sở thị, tên địa danh, tên danh nhân… Ví dụ: “Cơn bão Linde sẽ được tái hiện lại…”(Chương trình thời sự của VTV, 19h ngày 28/10/2017). Lại có trường hợp kết hợp một yếu tố đơn tiết gốc Hán với một yếu tố đơn tiết gốc Việt, như cát tặc. Họ dựa vào hệ thống các từ như lâm tặc, thủy tặc… Tuy nhiên đây là một sự nhầm lẫn các từ đồng âm. Từ có âm cát trong tiếng Hán không mang nghĩa thuật ngữ là một loại sa khoáng được sử dụng trong xây dựng như trong tiếng Việt, mà từ này thường mang nghĩa của một động từ. Vì vậy, về cơ bản, các yếu tố đơn tiết của Hán ngữ thường khó kết hợp với một yếu tố đơn tiết tiếng Việt mà phải kết hợp các yếu tố Hán ngữ với nhau. Chẳng hạn, không nói tân nhà mà phải là tân gia; không nói nhà đìnhmà phải nói là gia đình; không nói thủy cuối mà phải nói thủy chung; không nói sau phương mà phải nói hậu phương… Ngay cả những trường hợp từ gốc Hán nhưng đã được Việt hóa đến mức khó phân biệt được nguồn gốc của chúng thì khi kết hợp khó có thể chấp nhận đi cùng với một yếu tố Hán - Việt. Chẳng hạn, không thể nói là thuyền phàm mà phải nói là thuyền buồm; không thể nói là ngựa đáo mà phải nói là mã đáo… Việc không hiểu một cách thấu đáo về bản chất của hai ngôn ngữ này và mối quan hệ giữa chúng trong bối cảnh số từ ngữ gốc Hán chiếm tỷ lệ lớn hơn từ ngữ bản địa sẽ rất dễ dẫn tới những nhầm lẫn và sai lệch đáng tiếc, thậm chí có lúc biết không hợp lí nhưng không biết sai như thế nào và điều chỉnh ra sao nữa. Nhiều người cho rằng, tiếng Hán trang trọng và súc tích về nghĩa nên thường lạm dụng chúng trong giao tiếp. Điều đó dẫn tới việc trong nhiều trường hợp người tham gia hội thoại cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm. Những từ như soái ca, đại ca, tỷ muội, huynh đệ, sư phụ… được nhiều người trong giới trẻ xưng hô với mọi người, với mọi lứa tuổi và các vai giao tiếp khác nhau.

Nguyên nhân của hiện tượng trên

a) Nguyên nhân khách quan

Giới trẻ chúng ta, đặc biệt là học sinh, sinh viên là những người tiếp xúc với khoa học, công nghệ nhiều và có điều kiện tiếp nhận nhanh, nhất là trong thời kì công nghệ thông tin; Internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần vài phút, thông tin về một vụ việc nào đó có thể phát tán tràn lan trên các trang mạng, trong lúc giới trẻ ngày nay, đại bộ phận đều có điện thoại đời mới. Mỗi lúc rảnh rỗi lại lôi ra lướt facebook, xem phim... và thứ “ngôn ngữ mạng” ấy rất dễ thâm nhập vào các đối tượng này. Mở cửa hội nhập cũng đồng nghĩa với việc những phong cách sống và văn hóa của các nước khác sẽ thâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, mà giới trẻ lại là lứa tuổi thích cái mới, cái lạ, thích học hỏi và tiếp thu những thứ đó và tạo ra cái của riêng mình, dần dần nó xuất hiện trong lời nói, câu chữ. Khách quan mà nói, ngôn ngữ của giới trẻ giống như mốt thời trang. Nó được sử dụng nhằm thể hiện cá tính, tâm lý thích đổi mới, ưa cái lạ, chuộng cái hay của giới trẻ. Điều này thấy rõ ở ngôn ngữ mạng, một kiểu ngôn ngữ cá nhân nhưng lại nằm trên mạng xã hội, có sức lan tỏa rất lớn. Ngôn ngữ trên mạng đôi lúc không câu nệ một sự chuẩn mực nào mà nó đã trở thành một phong cách. Tuy nhiên, nếu dùng mãi sẽ trở thành quen, có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản. Xa hơn nữa, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy.

b) Nguyên nhân chủ quan

Giới trẻ là những người thích khẳng định mình và muốn thể hiện mình. Họ muốn cho người khác biết mình là một con người rất hiện đại, rất lạ và khác biệt trong cách sống, cách ăn mặc và nói năng; có tri thức và vốn ngôn ngữ phong phú. Bởi vậy, có người đã chạy theo một thứ thị hiếu mang tính cực đoan, cho rằng tiếng Việt không đủ sức diễn đạt ngữ cảnh của lời nói. Thậm chí có người tỏ ra đề cao quá mức các ngôn ngữ ngoại. Họ cho rằng phải dùng tiếng nước ngoài thì lời nói mới “sang”, mới “hiện đại”, mới “đẳng cấp”, mới “hợp mốt”. Quan niệm này đã khiến không ít các bạn trẻ tìm đến và sử dụng kiểu ngôn ngữ “lai tạp” nửa tây nửa ta một cách thản nhiên như vậy.

Nhận thức và trách nhiệm của gia đình cũng chưa theo kịp với những xu hướng của lớp trẻ. Nhiều bậc phụ huynh còn cổ súy cho lối đua đòi vô lối của con cái. Một đứa trẻ tiểu học cũng được sử dụng điện thoại, thậm chí dùng được cả facebook. Một bộ phận không nhỏ tỏ ra thời thượng, chiều con không đúng cách đã vô tình đẩy lớp trẻ vào thế giới ảo không thể kiểm soát.

Nhà trường và các tổ chức xã hội thường không để ý đến những khía cạnh mang tính cực đoan của xu hướng này. Các nội dung giáo dục hầu như chưa hề đả động đến một giải pháp cụ thể mà chỉ mới dừng lại ở “khẩu hiệu” hô hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà thôi. Thậm chí một số cá nhân hoặc cơ quan báo chí, truyền thông cũng vô tình “vạch đường cho hươu chạy”. Nhiều từ ngữ (có thể là từ vay mượn) đã được dân ta sử dụng từ bao đời, đã hiểu rất rõ về nghĩa và cả chức năng ngữ pháp, cách biểu hiện trong các tình huống giao tiếp khác nhau… lại được những người làm truyền thông đưa ra những thuật ngữ mới. Có thể những người lao động thành thị cũng như nông thôn chúng ta nghe khái niệm khởi nghiệp sẽ dễ hiểu hơn là startup hoặc start-up. Thay vì nói “Báo Lao động hôm nay chạy hàng tít…” có thể nói “Báo Lao động hôm nay có bài viết…”, hoặc “Báo Lao động hôm nay có bài viết, với tiêu đề...”. Thay vì nói “Báo Thanh niên chạy hàng tít ấn tượng “sổ hộ khẩu sắp hết thời” (Báo chí toàn cảnh 29/10/17) có thể nói “Báo Thanh niên có bài viết…”. Hay, thay vì nói “… sắp tới đội ngũ dresser sẽ có nhiều việc phải làm”(chương trình Chuyển động 24h), ta có thể nói “… sắp tới đội ngũ phục trang sẽ có nhiều việc phải làm”.v.v… Thậm chí có người làm truyền thông còn dùng kết hợp từ ngoại lai với từ tiếng Việt một cách khá lạ (vừa tây, vừa Tàu, vừa ta), ví dụ: “Giải quần vợt Việt Nam open” (Thời sự trưa 28/10/2017 - mục thể thao). Có thể thanh niên bây giờ rất thích những “tác phẩm bom tấn” như nhiều chương trình truyền hình giới thiệu. Thậm chí có biên tập viên truyền hình Việt Nam còn quả quyết rằng trong tháng này chúng ta sẽ được thưởng thức hai bom tấn… trong lúc vừa đưa tin lực lượng đồng minh của Mỹ đã ném một quả bom siêu trọng (2,7 tấn) xuống một khu vực ở Apganistan. Có lẽ những ai từng đi qua cuộc chiến tranh của dân tộc những thập niên 60, 70 thế kỷ trước hay người dân đang ở Trung Đông hôm nay sẽ cảm thấy không mấy dễ chịu khi nghe lối diễn đạt và dùng từ như vậy.

Thay cho lời kết

Từ thực trạng trên có thể thấy, nếu không có giải pháp chọn lọc, điều chỉnh và phần nào là ngăn ngừa kịp thời thì sẽ dễ dẫn đến những hậu quả xấu. Những nét đẹp truyền thống được hun đúc, tích tụ hàng ngàn năm của tiếng Việt có thể bị phá vỡ, thay vào đó là một sự pha tạp, lai căng, chắp vá. Vì vậy, thiết nghĩ, từ các cơ quan chức năng của nhà nước đến mỗi người dân đều phải có sự nhận thức đầy đủ, chung tay góp sức giải quyết vấn đề.

Nhà nước cần có các văn bản quy định cụ thể về cách sử dụng tiếng nước ngoài trong các loại hình văn bản, trên các hình thức truyền thông, quảng cáo. Các cơ quan báo chí, truyền thông, bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến cáo thì phải làm gương; phải trở thành mẫu mực trong việc sử dụng ngôn từ. Theo tôi, mục tiêu quan trọng nhất của báo chí là hiệu quả của các thông tin đến người tiếp nhận. Vì vậy, phương tiện truyền thông là hướng tới sự đơn giản, dễ hiểu, chứ không phải là nơi thể hiện các “nghệ thuật” ngôn từ.

Ở nhà trường, bên cạnh việc giáo dục cho học sinh thấy rõ được cái đẹp, cái tinh tế, bản sắc và tiềm năng của tiếng Việt chúng ta, với phương châm: có hiểu mới yêu, có yêu mới trân trọng, mới làm tốt việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, các thầy cô giáo phải là tấm gương trong việc thực hiện nhiệm vụ đó. Ngôn ngữ của các thầy cô giáo phải trong sáng, chuẩn mực, phù hợp với quy tắc và phong cách tiếng Việt. Giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ là hiện tượng xã hội.

Để hạn chế những tiêu cực trong tiếp nhận, sử dụng cần có sự tham gia của toàn xã hội, trong đó gia đình và các tổ chức đoàn thể xã hội đóng vai trò quan trọng. Gia đình cần thường xuyên nhắc nhở và giáo dục con em mình trong việc sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn mực; cần thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp với nhau giữa các thành viên gia đình, tập thể; không để những hiện tượng xấu trong giao tiếp ngôn ngữ ảnh hưởng tiêu cực đến con em mình. Các tổ chức đoàn thể mà hạt nhân là Đoàn thanh niên, tổ chức các diễn đàn, bên cạnh tìm hiểu kiến thức về tiếng Việt còn hướng tới việc tạo môi trường thực hành ngôn ngữ, kịp thời điều chỉnh những sai lạc trong tiếp nhận, sử dụng các ngôn ngữ ngoại lai.

Trước đây, trong bối cảnh nước ta còn bị người Pháp đô hộ, học giả Phạm Quỳnh đã từng nói: “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Có thể chúng ta cũng chưa hiểu hết hàm ý của tác giả trong bối cảnh ra đời của câu nói, nhưng qua hình thức lập luận có thể thấy, sự cần thiết của việc giữ gìn những tinh hoa của tiếng Việt trước nguy cơ nền văn hóa của ta bị “Tây hóa”. Nay nước ta đã hoàn toàn độc lập, không còn phải chịu áp lực gì từ các thế lực ngoại bang, nhưng nếu chúng ta không có những chính sách và giải pháp hiệu quả cho vấn đề thì không ai dám chắc rằng sẽ không có nguy cơ tiếng Việt sẽ biến mất bởi chính những người Việt trẻ.

T.V.D

_____________________

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Tài Cẩn (1995), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Hoàng Thị Châu (1964), Tiếng Việt trên các miền đất nước, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Phạm Văn Đồng (1999), “Trở lại vấn đề về sự trong sáng và sự phát triển của tiếng Việt”, Báo Giáo dục và Thời đại (số 72) ngày 07/9.

4. Phan Ngọc & Phạm Đức Dương (1983), Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội.

5. Lý Toàn Thắng (1996), “Vai trò của Alexandre de Rhodes đối với sự chế tác và hoàn thiện chữ quốc ngữ”, Tạp chí Ngôn ngữ (số 1).

Trần Văn Dũng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 280 tháng 01/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground