Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hình tượng con chó trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao

Chó là một trong những loài động vật đầu tiên được con người thuần dưỡng ngay từ khi họ biết trồng trọt, chăn nuôi để dần thay thế cho phương thức săn bắn và hái lượm. Từ đó, chó nhanh chóng trở thành loài vật gần gũi, thân thiết và có vai trò quan trọng trong đời sống con người. Có thể nói chó là loài động vật đặc biệt nhất vì chúng không chỉ là một vật nuôi đơn thuần như các loài động vật khác. Do sự thông minh hơn hẳn, cùng với những đặc điểm riêng biệt của loài mà chó nhanh chóng trở thành người bạn đồng hành thân thiết của loài người. Với vai trò đó, chó trở thành một biểu tượng đặc sắc trong nền văn hóa, một con vật quan trọng xuất hiện trong tất cả các loại hình nghệ thuật của người Việt, đặc biệt là trong văn chương. Trong các truyện ngắn của nhà văn Nam Cao hình tượng chó xuất hiện ấn tượng với nhiều vai trò khác nhau.

Chó giữ nhà, tài sản và bảo vệ gia chủ

Hình ảnh chó trong truyện ngắn của Nam Cao có khả năng tạo ấn tượng và khoái cảm thẩm mỹ trực tiếp, mạnh mẽ đối với người đọc. Điều này được tạo nên bởi nguyên tắc khắc họa chó theo kiểu mô phỏng thân phận, hoàn cảnh gia chủ. Phương thức này đã có từ xa xưa và được thể hiện rõ rệt trong văn hóa, văn học dân gian. Tục ngữ có mấy câu: “Chó gầy xấu mặt chủ”, “Đánh chó nể mặt chủ”, “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo” thể hiện nguyên tắc miêu tả này. Nam Cao không sáng tạo ra phương thức này mà kế thừa và phát triển nó, tạo ra nhiều đặc sắc trong cách miêu tả chó.

Theo nguyên tắc sáng tạo trên, chó được chia thành hai dạng. Chó nhỏ, gầy và hiền lành của người nông dân nghèo. “Con chó đã nhận ra chủ cũ. Nó đứng lặng vẫy đuôi, đầu cúi xuống, hai mắt nhèm ươn ướt như tủi phận” (Cái chết của con chó mực). Ấn tượng đầu tiên đập mạnh vào các giác quan của người đọc là hình ảnh chó cũng bị chi phối mạnh mẽ bởi số phận thấp hèn đến mức tự bản thân chúng cũng nhận thức về mình một cách cùng cực. Chủ của chúng là những người nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên chúng phải chịu đói khát triền miên từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác. Sống trong hoàn cảnh đó bất luận là giống chó nào cũng có chung một ngoại hình và bản chất như nhau.

Người nông dân trong truyện ngắn của Nam Cao hầu như không có tài sản gì đáng kể, ngay cả bản thân họ cũng “không đáng giá một đồng xu nhỏ” nên vai trò giữ nhà, tài sản và gia chủ của những con chó cũng không được phát huy. Thậm chí cả chủ và chó đều quên mất cả vai trò này. “Hắn đang đi bỗng giật mình. Một con chó đang thiu thiu trong một bụi dong ở gần sân nhảy choàng ra. Một tí nữa thì nó đớp vào chân hắn. Hắn nhảy cẩng lên một cái. Hắn sực nhớ ra rằng: nhà hắn có một con chó vện, con chó vện ấy hay trông gà hóa cuốc nên lắm khi chực đớp cả chân người nhà. Đó là một cái tật không thể tha thứ được vì không ai nuôi chó để cắn què chân bao giờ. Ờ mà lại còn điều này nữa: nuôi mèo hay nuôi chó thì cũng phải tùy gia cảnh. Nhà giàu nuôi là phải vì nhà giàu lắm của sợ trộm mà lại nhiều cơm hớt, còn nghèo rớt mồng tơi như hắn nuôi làm gì” (Trẻ con không được ăn thịt chó).

Đối lập với hình ảnh những con chó của người nông dân nghèo là những con chó to cao, béo tốt, khỏe mạnh và cực kỳ hung dữ của địa chủ và phú nông. “Vả lại chó nhà giàu dữ lắm. Nhà bà phó Thụ có những ba con chó đẫy đà, lực lưỡng”... “Những con chó nhà bà phó Thụ chúng dữ ghê gớm lắm. Bà lão nghĩ đến chúng còn chết khiếp. Cái lần bà đưa cái Đĩ vào, một người nhà phải cầm cái gậy to tướng ra đe. Ấy thế mà cả ba con cùng hồng hộc chạy ra. Chúng vây lấy bà già rách rưới. Con nào cũng uốn cong cái lưng xuống, hếch cái mõm đen thui lên, nhe ra những cái răng trắng nhơn nhớn và nhọn sắc” (Một bữa no). Những con chó này thường có hình dáng bên ngoài to cao và đặc biệt hung dữ hơn hẳn so với đặc điểm chung của loài. Xuất phát từ dụng ý nghệ thuật là làm rõ vai trò giữ nhà, tài sản và bảo vệ gia chủ, đồng thời khẳng định khối tài sản lớn của chủ nhân chúng, Nam Cao đã cố tình phóng đại các đặc điểm trên.

Những con chó to cao, béo tốt, khỏe mạnh và cực kỳ hung dữ này đã làm tốt vai trò của mình. “Mời cô cứ vào, tôi đánh chó... Mời cô đi trước kẻo chó cắn” (Một chuyện Xúvơnia). Chúng như những hung thần giữ cửa không một kẻ lạ mặt nào có thể qua mắt được. Chúng có thể xé xác, lôi xương bất kỳ kẻ nào dám lân la đến gần nhà cửa, tài sản và gia chủ nó. “Chúng ngoạm những cái cột giậu, kêu sồn sột. Chúng lay thật mạnh, hục hặc như muốn bẻ gãy cái cột để lao vào đầu người ta... Bà lão với đứa cháu cứ rúm cả tay chân lại. Cháu nép vào bà, bà nép vào người nhà bà phó Thụ. Chị người nhà thì luôn tay vụt cái gậy bên này, bên nọ, đằng sau, đằng trước và quát mắng. Ấy thế mà một con chó xông vào được, chỉ một tí nữa nó xơi chân bà một miếng” (Một bữa no).

Thêm một điều đặc biệt nữa là chó của địa chủ và phú nông thường được nuôi theo bộ ba con. “Nhà bà phó Thụ có những ba con chó đẫy đà, lực lưỡng” (Một bữa no). “Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chặt, rồi mặc thây cha nó, nó có chửi thì tai liền miệng đấy, chửi rồi lại nghe. Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu” (Chí Phèo). Điều này càng làm cho sức mạnh và sự hung dữ của chúng tăng lên gấp bội, vai trò giữ nhà, giữ tài sản và bảo vệ gia chủ được phát huy cao độ. Đây cũng chính là dấu ấn của phương thức nghệ thuật miêu tả chó theo kiểu “mô phỏng thân phận, hoàn cảnh gia chủ”.

Chó là tài sản lớn và quan trọng

Đối với địa chủ và phú nông thì vai trò chủ yếu của chó là giữ nhà, giữ tài sản. Ngược lại chó thực sự là một tài sản lớn và quan trọng của người nông dân nghèo. Họ gìn giữ tài sản này một cách cẩn thận và xem như một báu vật để phòng thân, họ chỉ sử dụng nó khi thực sự cần thiết hoặc không còn lựa chọn nào khác. “Tôi vừa bán con chó mực với hai buồng chuối non được bốn hào” (Nghèo). Người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám hầu như không có tài sản gì đáng kể ngoài chính sức lao động của mình và phần nông sản ít ỏi mà họ sản xuất được. Sức lao động thì rẻ mạt và chỉ có người thuê mướn vào mùa vụ, nông sản làm ra thì không đủ bỏ vào cái bụng lúc nào cũng sôi lên ùng ục vì đói, vì thế những con chó mà người nông dân nghèo chắt chiu nuôi được quả thực là một tài sản lớn và quan trọng.

Đây là tài sản gắn liền với tính mạng, với sự sống của những người nông dân nghèo. “Con chó to bằng ấy, lúc này bán đâu không nổi ba đồng bạc? Cả nhà ăn gạo hàng nửa tháng. Ấy thế mà cái môi nó vừa máy lên một cái, nó đã phải đè ra mà giết ngay. Ăn hoang, phá hoại. Ăn uống thế, có khác gì ăn thịt con không, hở trời? Thị nghẹn ngào cả cổ. Thị muốn gào thật lớn” (Trẻ con không được ăn thịt chó). Chó là sự sống, là tính mạng của vợ, của chồng, của các con người nông dân. Tiêu dùng tài sản này khi chưa thực sự cần thiết có khác nào ăn thịt chính vợ, chính chồng, chính con cái của mình. Trong truyện ngắn của Nam Cao, đa phần tài sản này chỉ được sử dụng khi cuộc sống thực sự bế tắc, tính mạng của người nông dân bị đe dọa nghiêm trọng.

Chó không chỉ là tài sản lớn và quan trọng trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao mà còn được biểu hiện một cách rõ rệt trong tác phẩm của các nhà văn hiện thực và hiện thực phê phán cùng thời khác. Tiêu biểu trong số đó là nhà văn Ngô Tất Tố. Chị Dậu trong tác phẩm Tắt Đèn bị đẩy đến bước đường cùng sau khi đã bán những củ khoai cuối cùng; chị buộc phải bán con, bán chó hi vọng bảo toàn tính mạng cho người chồng ốm yếu của mình. Mặc dù bắt buộc phải sử dụng nhưng họ vẫn đau đớn, tiếc nuối đến đứt từng khúc ruột vì tài sản phòng thân cuối cùng cũng không còn nữa. Nỗi ám ảnh về những khó khăn, hoạn nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở phía trước càng trở nên nặng nề hơn vì sau khi đã phải sử dụng đến tài sản cuối cùng này thì họ hoàn toàn trở nên tay trắng.

Chó là người bạn gắn bó, thân thiết của con người

Không chỉ đóng vai trò giữ nhà, giữ tài sản; là tài sản lớn và quan trọng; chó còn có một vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần của con người đó là người bạn gắn bó, thân thiết (đối với người nông dân nghèo). Bằng thủ pháp nhân hóa và nghệ thuật lột tả nội tâm của con người, Nam Cao đã biến những con chó trong tác phẩm của mình thành những con vật sống động, làm đòn bẩy thể hiện vai trò quan trọng của chúng. “Cái sân vắng như sân một nhà hoang. Không có thằng em út Ngạn vừa cười khanh khách vừa quần nhau với con chó mực” (Nhìn người ta sung sướng). Chó là người bạn gắn bó thân thiết với mỗi con người ngay từ tuổi ấu thơ. Những đứa trẻ, con của nông dân nghèo chập chững bước những bước đầu đời dưới cái nền đất ẩm ướt, hôi hám của ngôi nhà tranh tối om cùng với những cái vẫy đuôi quấn quýt, nhảy lăng xăng của những con chó mực. Chúng ê a tập nói cùng với tiếng sủa ăng ẳng, người bạn đầu tiên chúng nghịch ngợm, chơi đùa cũng chính là con chó mực ấy.

Con người chịu sự chi phối của địa vị, sang hèn, giàu nghèo... nên đôi khi vô tình, vô nghĩa nhưng những con chó trong truyện ngắn của Nam Cao thì không như vậy. Dẫu có phải trải qua một thời gian dài cắt trở với bao thay đổi thì những con chó ân tình này vẫn không bao giờ quên được người chủ cũ. Dù thời gian trôi qua, họ không còn thơ dại mà đã trưởng thành, đã thay đổi hoàn toàn cả phong cách, hình dáng và cách ăn mặc nhưng chỉ một thoáng bâng khuâng là chúng lại nhận ra ngay vì chúng lưu giữ được gần như nguyên vẹn những ký ức xa xưa của người chủ cũ khi còn ấu thơ. “Du thương hại, đó là người bạn lặng lẽ thui thủi bên chàng những năm xưa khi đêm vắng, chàng ngồi nhìn trăng mà mơ mộng” (Cái chết của con mực).

Từ những ngày ấu thơ, đến khi trưởng thành rồi cho đến khi tuổi già bóng xế, chó càng trở nên thân thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. “Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao lão không muốn bán con chó Vàng của lão. Lão chỉ có một mình nó để làm khuây. Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả buồn? Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút. Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn. Những buổi tối khi lão uống rượu thì nó ngồi ở dưới chân. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu yêu về bố nó” (Lão Hạc). Chó không chỉ là người bạn mà lúc này nó trở thành những thành viên trong gia đình đáng để cho con người yêu thương, nâng niu, đùm bọc hết mức có thể.

Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên cho đến lúc chết vẫn dằn vặt, đau đớn, ân hận, nhắm mắt không yên vì buộc phải lừa gạt con chó Vàng - người bạn, người con, người cháu yêu của mình. “Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó, dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm y như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?” Thì ra tôi già bằng này tuổi rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó” (Lão Hạc). Trước khi đưa ra quyết định bán con chó Vàng, lão Hạc đã phải đấu tranh tư tưởng một cách khổ sở. Sau khi bán con chó rồi lão còn đau đớn, hối lỗi gấp bội phần vì đã đối xử tệ với người bạn thân thiết, gắn bó và duy nhất của mình.

Với nguyên tắc khắc họa chó theo kiểu “mô phỏng thân phận, hoàn cảnh gia chủ”, kết hợp với thủ pháp nhân hóa và nghệ thuật lột tả nội tâm của thân chủ, Nam Cao đã khắc họa hình tượng loài chó một cách đặc sắc với nhiều đặc điểm thú vị làm nổi bật vai trò giữ nhà, giữ tài sản, bảo vệ gia chủ; là tài sản lớn, quan trọng của người nông dân; là người bạn gần gũi và thân thiết của con người. Các vai trò này có mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời, trong đó chúng luôn xuyên thấm và chuyển hóa lẫn nhau.

N.T.T

________________

Các trích dẫn truyện trong bài rút từ Tuyển tập Nam Cao, 2015, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.

Nguyễn Thanh Tuấn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 282 tháng 03/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

11 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

12 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground