Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cái nôi của nền văn nghệ kháng chiến

TCCV Online - Thời đầu kháng chiến chống Pháp, các xã Gia Điền, Ấm Thượng, Ấm Hạ, Chu Hưng, Đại Phạm, Yên Kỳ, Xuân Áng... từng là trụ sở của các cơ quan Trung ương, Liên khu 10 và tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt ở xóm Gốc Gạo xã Gia Điền có trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Tại đây từng chứng kiến sự có mặt của nhiều tên tuổi lớn, các nhà văn: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Tố Hữu từ Thái Nguyên lên Gia Điền; nhà văn Nguyên Hồng hành quân đến đây theo những đoàn người tản cư từ Hà Nội lên; nhà văn Kim Lân lại đi theo một lối khác.

Khi giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, bắn phá Thái Nguyên thì các cơ quan Trung ương được rút từ đấy sang Tân Trào và vùng phụ cận như huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng thuộc Phú Thọ.

Tối ấy một số nhà văn sang nghỉ ở nhà ông Ngô Tất Tố. Họ gọi ông Kim Lân đến thông báo việc ông sẽ theo cán bộ giao liên dẫn đến Gia Điền để chuẩn bị cho việc ra số báo Văn nghệ đầu tiên và chuẩn bị cho việc mở Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông Ngô Tất Tố khoe: Kim Lân viết bản thảo Làng khá lắm. Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi giục Kim Lân đọc bản thảo đó. Nhà văn Kim Lân đọc xong, mọi người khen tấm tắc. Tố Hữu nói:

- Chi tiết phần cuối không hợp lý, mình đi tản cư ở nhờ nhà người ta lại chê bai người ta như thế có nên không?

Kim Lân ngẫm nghĩ rồi gật đầu, nhưng tiếng đại bác ì ùm làm ông không có thời gian ngồi chữa bản thảo ấy ở quê nhà. Hôm sau mọi người đều phân tán để lên đường theo kế hoạch.

Mấy ngày sau, nhà văn Kim Lân được một người giao liên dẫn sang Vĩnh Phúc. Họ đi sát vùng địch. Đêm đi, ngày nghỉ, có hôm họ phải nằm giữa đồng ngô, đồng lúa. Hành trang mang theo của nhà văn quan trọng nhất có tập bản thảo truyện Làng mà ông luôn lẩm bẩm tính đến các cách chữa theo góp ý của Tố Hữu. Ông được tổ chức phát cho một khẩu súng lục cũ, gỉ và không có đạn, tuy thế lúc nào ông cũng lăm lăm cầm trong tay để tự vệ. Dù không hề biết bắn súng nhưng ông bảo có nó mà mình vững tin hơn, nên nó là thứ quan trọng thứ hai sau tập bản thảo đút dưới đáy túi rết bên người. Đến Gia Điền, ông được dẫn đến ở tại nhà bà bủ Gái cùng với các ông Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyên Hồng. Đến đây cùng với công tác được phân công, ông tranh thủ thời gian đem bản thảo truyện Làng ra để sửa chữa.

Bà chủ nhà gọi là “bủ Gái” có người con trai cả đi tòng quân đã lâu không có thư từ gửi về, bủ Gái nhớ con hằng đêm khóc thút thít ở trong buồng. Trước tình cảnh này các nhà văn bảo Tố Hữu làm bài thơ Bầm ơi để động viên bủ Gái. “Bầm” là mẹ, đó là tiếng gọi tha thiết của đứa con xa. Bài thơ viết xong, trước khi nhà thơ đọc cho bủ Gái nghe, các nhà văn nói dối đây là thơ của con trai gửi về cho “bầm” đấy. Bà bủ Gái tin thật nên nghe xong Bầm ơi bà nói với các nhà văn: “Đấy, thằng con trai tôi nó quyến luyến với tôi thế đấy các anh ạ”. Thi thoảng bủ Gái lại bảo ông Tố Hữu đọc bài thơ Bầm ơi ngỡ của con mình cho bủ nghe.

Hòa bình lập lại, anh đại tá con của bủ Gái có dịp đến thăm nhà thơ Tố Hữu ở Hà Nội. Anh cảm ơn tác giả bài Bầm ơi mà ngày ấy bộ đội các anh toàn chép và học thuộc lòng. Càng cảm ơn khi biết nhờ có bài thơ ấy mà mẹ anh đỡ khóc vì nhớ anh. Nhà thơ hỏi thăm sức khỏe bủ Gái. Nhân trong nhà còn mảnh lụa do Bác Hồ tặng nhân dịp ông cưới bà Thanh, ông liền gửi về tặng bủ Gái. Bủ Gái giữ gìn nâng niu bộ quần áo lụa, cho đến khi hấp hối sắp chết các con mới tắm rửa, mặc vào cho bủ để bủ thanh thản bay về trời.

Thời gian này nhạc sĩ Văn Cao đang tản cư cùng gia đình ở Liễn Sơn, Lập Thạch. Ông nhận được lệnh lên Gia Điền để chuẩn bị vẽ bìa minh họa cho tạp chí văn nghệ đầu tiên xuất bản. Ông vào đoàn người được giao liên xếp đi theo đoàn buôn muối để sang sông. Do có kinh nghiệm hoạt động trong lòng địch, trước khi đến bến sông ông gọi người giao liên dẫn đường, không thấy hắn đâu, linh cảm có điềm chẳng lành ông càng thúc giục gia đình đi nhanh nhập vào đoàn người buôn vải đi trước. Quả nhiên đoàn đi thuyền của ông cặp bãi cát bên này thì ở bốt giặc bên kia có tiếng thét: “Buôn vải hay buôn muối?”. Có tiếng đáp: “Buôn muối”, tức thì có tiếng súng trên đồn địch nổ ran, rồi tiếng kêu thảm thiết của đoàn người tắt dần. Ông cùng vợ con chạy thốc tháo lên bờ. Sau đấy là chuỗi ngày ông đưa vợ con ngược bờ sông Lô mà khói lửa đang ngút trời. Các trận đánh lớn của chiến dịch sông Lô thu đông năm 1947 đang diễn ra, trên sông xác giặc còn trôi đầy. Khi ấy toàn mặt trận đã loan tin nhạc sĩ Văn Cao và gia đình bị Tây bắn chết ở gần bến Then. Nên khi Văn Cao vào đến Gia Điền, mọi người ôm lấy ông tung hô: “Ngỡ bị Tây bắn chết rồi!”. Không khí chiến trận trên dòng sông Lô vẫn đang ngùn ngụt cảm xúc ở trong lòng, Văn Cao đã hoàn thành ngay bản nhạc Trường ca Sông Lô nổi tiếng. Bài hát được nhạc sĩ Lương Ngọc Trác dàn dựng cho đoàn quân nhạc và công diễn trong lễ mừng công chiến thắng sông Lô rất hoành tráng diễn ra ở trong rừng Vĩnh Chân - Hạ Hòa.

Cùng khi ấy ở bên bờ sông Thao từ đất Thanh Cù huyện Hạ Hòa, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đi xuôi theo bờ đê về với đội nữ du kích Minh Nông và đội du kích Minh Hà, đã viết nên bài hát Du kích Sông Thao rất thành công.

Ở làng Xuân Áng bên kia sông khi ấy có đoàn văn nghệ kháng chiến do họa sĩ Tô Ngọc Vân dẫn đầu. Ông Tô Ngọc Vân, người có thiên tài hội họa mà ai cũng biết, còn có tài tổ chức các sinh hoạt đời thường khác. Gia đình ông luôn biết chăm lo đến bạn bè, nhiều khi họa sĩ còn bảo vợ lo món thuốc phiện cho mọi người hút. Khi ấy Hà Nội có chủ trương tản cư lên Phú Thọ. Mọi người chỉ chờ ông Tô Ngọc Vân thông báo lên đường là dắt díu vợ con đi theo ngay, trong đó có gia đình các ông: Thế Lữ, Tô Hoài, Hoài Thanh, Đỗ Phồn, Thanh Tịnh, kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật và nhiều người khác.

Ở đây họ cùng với dân địa phương tổ chức sinh hoạt để phục vụ kháng chiến chống Pháp. Họ tổ chức dạy bình dân học vụ. Tập biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Họ vẽ tranh tuyên truyền chống Pháp. Lúc đầu họ là văn nghệ sĩ tự do làm việc tự do để phục vụ kháng chiến. Biết cơ quan văn nghệ Trung ương đóng ở bên Gia Điền, ông Tô Ngọc Vân cùng vài văn nghệ sĩ lặn lội sang bên Hạ Hòa để bắt liên lạc với các văn nghệ sĩ của Chính phủ. Từ sau đó họ chính thức được công nhận là người của Nhà nước, được lĩnh “lương” là một bồ muối mỗi tháng. Vợ chồng ông Thế Lữ - bà Song Kim thành lập đoàn kịch kháng chiến. Lúc đầu họ còn dựng những vở kịch ngắn. Với kịch bản còn dễ dãi, lời lẽ chưa chau chuốt, họ diễn ở Xuân Áng rồi sang Hạ Hòa diễn ở các xã Vĩnh Chân, Hanh Cù, Vũ Ẻn, Ấm Thượng... Ông Thanh Tịnh từ đây đã sáng tác ra loại hình tấu. Từ tấu đơn, tấu đôi gần giống với hề gậy của sân khấu chèo. Tấu được diễn xen kẽ với vở kịch dài để chờ cho các diễn viên thay đổi phục trang, đó là tiền thân của một đoàn văn công trung ương sau này. Ngày ấy nhân dân Xuân Sáng có phong trào khai hoang trồng ngô, khoai, sắn để có lương thực cho đồng bào Hà Nội tản cư lên có cái ăn. Một buổi chiều đứng ở ven làng Xuân Áng, nhìn đàn trâu thả trên nương về làng và trên núi lúc ấy gió thổi lật lá khoai trắng cả sườn non, một nhạc sĩ đã viết ra những ca từ: “Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, ơi chiều...”. Còn các họa sĩ được họa sĩ Tô Ngọc Vân mở cho xưởng họa để vẽ tranh phục vụ kháng chiến. Từ khi thành người nhà nước, họ còn vẽ mẫu bằng khen, huân chương, huy chương, vẽ tiền cho Chính phủ.

Từ đây ông Tô Ngọc Vân được phân công phụ trách lớp Mỹ thuật kháng chiến mà học sinh sau này có nhiều người nổi tiếng như Lưu Công Nhân, Lê Lam...

Ở Hạ Hòa còn có trụ sở của cơ quan thông tin tuyên truyền Khu 10 mà Tổng giám đốc là giáo sư Vũ Khiêu bây giờ. Ty Thông tin truyền thông Phú Thọ ngày ấy được sơ tán lên xã Ấm Hạ, gần Chu Hưng, có ngôi đình Chu Hưng nổi tiếng từng in dấu chân của ông Cayxỏn Phômvihản - Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong lễ ra mắt đội vũ trang Lào đầu tiên được thành lập. Ở đây từng diễn ra cuộc triển lãm mỹ thuật đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp của các họa sĩ Việt Nam.

Vì Phú Thọ tập trung nhiều văn nghệ sĩ trí thức của cả nước và của liên khu nên Trung ương điều về đây những trí thức có ảnh hưởng với cả nước để lãnh đạo công tác văn hóa thông tin: ông Trần Ngọc Liu, luật sư, làm Trưởng ty và ông Đặng Văn Đăng (Bút Tre) phụ trách thông tin tuyên truyền. Vì lãnh đạo đều là những trí thức có cặp mắt xanh nên những thanh niên có năng khiếu văn - thơ - nhạc - họa đều được ty trưng dụng vào đội thanh niên nghệ thuật để vừa học vừa phục vụ kháng chiến. Trong đó có Lưu Công Nhân, nhạc sĩ Cao Khắc Thùy và nhiều tên tuổi khác.

Họa sĩ Bùi Trang Chước, cán bộ chuyên leo trèo kẻ vẽ của ty, là người thiết kết mẫu Quốc huy Việt Nam. Khi ông Tô Ngọc Vân mở trường mỹ thuật kháng chiến thì họa sĩ Bùi Trang Chước được mời dạy về luật viễn cận của hội họa.

Ty Thông tin tuyên truyền ngày ấy còn có nhạc sĩ Bùi Công Kỳ được biên chế vào bộ phận sáng tác văn nghệ cùng với các ông Văn Bằng, Kính Mời. Lãnh đạo ty mở một trại sáng tác nhạc cho riêng nhạc sĩ Bùi Công Kỳ làm trại viên. Bùi Công Kỳ được ưu tiên nghỉ làm chuyên môn, ngày ấy Hạ Hòa có không khí kháng chiến hừng hực giúp cho nhạc sĩ có cảm hứng để viết thành công bài Ba Đình nắng.

Kết thúc một tháng của trại sáng tác, lãnh đạo ty mở lễ tổng kết trại cho nhạc sĩ hát báo cáo kết quả. Bài Ba Đình nắng sau đó được dựng, hát trên đài và được phổ biến rộng rãi toàn quốc trở thành một ca khúc bất hủ như ngày nay ta biết.

Rồi hòa bình lập lại, nhất là sau cải cách ruộng đất ở Phú Thọ đặc biệt là các địa phương lan tràn câu “trí thức không quý bằng cục phân”. Vì thế, các trí thức ở Phú Thọ đua nhau xin về xuôi như ông Trần Ngọc Liu - Trưởng ty Thông tin tuyên truyền chuyển về làm Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam. Ông Đặng Nghiêm Vạn về làm Phó viện trưởng Viện Dân tộc học. Ông Nguyễn Ngọc Iêng về phụ trách Đoàn xiếc trung ương. Ông Đặng Hữu Phát làm Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam... Riêng ông Đặng Văn Đăng (Bút Tre) được Trung ương điều về Phú Thọ muộn hơn, không có cớ xin đi nơi khác đành ở lại. Không ai dám “đánh” ông Bút Tre vì ông được Bác Hồ, Trung ương và giới khoa học xã hội cả nước tin tưởng. Tuy thế tấm bằng tú tài toàn phần của ông với cuốn tiểu thuyết Lục y lang mà ông làm tác giả (do tờ Tiểu thuyết thứ bảy in) còn sờ sờ ra đó. Ông cũng bị coi là phần tử trí thức tiểu tư sản, mà tiểu tư sản thì bị coi là người có lập trường tư tưởng bấp bênh. Ngày ấy họ nghĩ về chủ nghĩa cộng sản còn máy móc khô cứng, họ quan niệm chỉ có công nông mới có lập trường cách mạng. Trong Tỉnh ủy đều là người học lớp 3, lớp 4. Bằng cấp trở thành cái gai trước mắt nhiều người. Vì thế hại ông Bút Tre không nổi, họ đua nhau làm nhảm ông, nhưng cũng vì thế mà ông mới để lại được tiếng cười cho thời đại mình. Dòng thơ dân gian Bút Tre không những nổi tiếng trong nước mà còn ra cả nước ngoài. Rất may ngày nay lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã nhìn ra công lao đóng góp của ông cho địa phương và cả nước, đã đầu tư 20 tỉ đồng xây dựng khu tưởng niệm Bút Tre ngay trên quê hương Đồng Lương của ông để đồng bào cả nước có thêm một địa chỉ tham quan du lịch trong tua du lịch Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.

N.H.N

Nguồn Tạp chí Hồn Việt

Nguyễn Hữu Nhàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 288 tháng 09/2018

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground