Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hòa trong dòng chảy âm thanh

Khó có một địa danh nào lưu dấu ấn trong dòng chảy âm nhạc cách mạng bằng Đường 9 - Khe Sanh (Hướng Hóa). Đó là thời kỳ phát triển tột bậc của âm nhạc hoành tráng, ngùn ngụt hào khí “tiếng hát át tiếng bom”, những âm thanh chiến đấu, những tiếng reo vui mừng thắng lợi vang vọng cả núi rừng Trường Sơn cổ vũ quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng.

Năm 1966, nhạc sĩ Huy Thục xung phong đi vào chiến trường với bút danh Lê Anh Chiến (tên người con trai của ông). Hòa vào đoàn quân trên đường ra trận với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cảm nhận trực tiếp cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trên mảnh đất Quảng Trị ông đã cho ra đời các ca khúc “Tiếng hát trên đường quê hương”, “Chào Đường 9 anh hùng”, “Ơi dòng suối La La”, “Chiến thắng trên đồi Động Tri”, đặc biệt là “Tiếng đàn Ta lư” và “Cô gái Pakô”.

Không ai có thể ngờ rằng, cái giai điệu rộn ràng, trẻ trung của “Tiếng đàn Ta lư” lại được Huy Thục viết ra trong nỗi đau đồng đội hy sinh. Nhưng trước hết, hình ảnh đẹp của những thiếu nữ Vân Kiều hồn nhiên, yêu đời ôm đàn Ta lư trên đường ra trận đã gây ấn tượng trong ông, hình thành trong ông những nét nhạc trong sáng, rộn ràng. Bằng chất liệu dân ca Vân Kiều, người nhạc sĩ đã mượn tâm trạng vui tươi của thiếu nữ Vân Kiều đi tải đạn, tiếp lương ra trận để tạo nên dòng giai điệu lạc quan, tươi trẻ. Huy Thục ca ngợi các thiếu nữ Vân Kiều, tuy vất vả, gian nan, gùi gạo nặng trĩu trên vai, đói thì uống nước suối, ăn rau rừng, chứ không tơ hào đến một hạt gạo của Cách mạng. Trong hoàn cảnh ấy, còn có thể hiểu “Ta lư” là dân công, là bộ đội, là sợi dây gắn bó tiền tuyến với hậu phương, là sự dũng cảm tuyệt vời, niềm lạc quan tuyệt vời. Sự thật ấy, tâm sự ấy, Huy Thục gói ghém vào cả một tiếng đàn, một khí phách quật cường, quyết thắng.

Khi Huy Thục đang viết dở dang bài hát thì bom Mỹ dội xuống, Đại đội I công bình nơi đội văn công xung kích của Huy Thục phục vụ biểu diễn hy sinh gần hết. Từ trong đau thương ấy, “Tiếng đàn Ta lư” bay vút những âm thanh lạc quan của tuổi trẻ. Ở điệu Si thứ, 9 nhịp đầu, Huy Thục đã phá tan cái nỗi đau thương đang bao trùm lên Đại đội I nơi ông đang thâm nhập. Và ngày 6/9/1967, “Tiếng đàn Ta lư” được hoàn thành ngay tại Đại đội I công binh khi họ vừa mở đường xong. Huy Thục tập ngay cho ca sĩ Vân Anh và đi biểu diễn. Không ngờ bài hát ra đời trong bom đạn ấy, lại “thánh thót nhịp nhàng”, nẩy mầm xanh tươi giữa chiến trường Đường 9 - Khe Sanh đến vậy. Và từ hôm ấy, cả chiến trường gọi Tiểu đội xung kích văn công của Huy Thục là “Tiểu đội Ta lư”. Cuối năm 1968, bài “Tiếng đàn Ta lư” được biểu diễn báo cáo với Bác Hồ do nghệ sĩ Tường Vi trình bày đã thành công ngoài mong đợi. Nhạc sĩ Huy Thục được Bác Hồ tặng Huân chương chiến công hạng hai cho tác phẩm này vào tháng 6 năm 1969.

Đến với dân tộc Pakô, nhạc sĩ Huy Thục gặp chị Hồ Thị Hồng quê ở Đakrông đang tải đạn ra mặt trận. Khi chia tay, chị Hồng nói với Huy Thục: “Bao giờ đất nước độc lập, thống nhất như Bác Hồ nói, miềng nhớ về thăm dân bản em nhé!”. Ấn tượng ấy đã được Huy Thục gửi vào bài “Cô gái Pakô” mà người ta thường gọi “Cô gái Pakô con cháu Bác Hồ” với những lời ca thắm thiết.

Mùa xuân đến rồi bản làng ơi!

Thơ Bác gọi dậy vang non sông

Kèn tiến công vang dội khắp hai miền

Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến

Và câu kết ông viết:

“Ngày chiến thắng anh về

Cùng bản làng em hát

Người con gái Pakô

Nhạc sĩ Huy Thục hoàn thành bài hát “Cô gái Pakô” vào ngày 19/5/1969. Bài hát không chỉ phong phú về giá trị biểu cảm, kỹ thuật sáng tạo, hình tượng âm nhạc tươi sáng, khỏe khoắn, mà còn giàu cả nữ tính, khi ông đặt bút viết từng lời ca mộc mạc, dung dị nhưng hết sức gợi cảm:

Ê! Người con gái Pakô con cháu Bác Hồ

Dù gian khổ, vượt núi, băng rừng

Dù mưa bom em vẫn không ngại chi

Đi đánh Mỹ giữ lấy núi rừng

Gùi trên vai súng đạn ra tiền tuyến

Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường

Để bộ đội Bác Hồ ăn no (mà) đánh thắng

Mùa thu năm 1967, nhạc sĩ Huy Du vào chiến trường phục vụ chiến đấu. Tại đây, có một hình ảnh gây ấn tượng mạnh trong lòng nhạc sĩ Huy Du đó là người nữ chiến sĩ làm công việc nuôi quân tại Bộ chỉ huy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Cô gái đã đem đến cho cán bộ, chiến sĩ ở Bộ chỉ huy những niềm vui qua những bữa cơm đạm bạc. Để kiếm nắm rau có khi cô phải đi sâu vào rừng, băng qua những bãi bom tọa độ. Nhưng số phận thật trớ trêu, khi Huy Du trở ra Bắc thì nghe tin người nữ chiến sĩ nuôi quân ấy đã hi sinh. Với tình cảm yêu thương, quý trọng, Huy Du đã làm cho hình ảnh người chiến sĩ nuôi quân sống mãi với bài ca “Nổi lửa lên em” :

Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé

Lá nếp rau rừng thêm ấm tình anh nuôi

Nổi lửa lên em…

Không chỉ vậy, Khe Sanh - Hướng Hóa của 50 năm trước từng vang lên dòng giai điệu sử thi, ngùn ngụt hào khí chiến thắng:

Khe Sanh rực cháy bốt đồn giặc tan

Đồn Làng Vây hôm nao nơi đây quân giặc phơi thây

Trời Tà Cơn reo vui khắp nơi bóng cờ sao bay

(Tiến về Khe Sanh - Văn Dung)

Văn Dung nổi tiếng là một nhạc sĩ hào hoa, có những dấu vết chắc nịch trong sáng tác âm nhạc, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ. Ông đã đi thực tế sáng tác trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh và đã cho ra đời những tác phẩm không thể nào quên. Tháng 5 - 1968, quân ta chuẩn bị đánh lớn ở Khe Sanh. Tin lan truyền như một Điện Biên Phủ của thời chống Mỹ, nhạc sĩ trong và ngoài quân đội cùng hướng về Khe Sanh với những suy nghĩ sáng tạo. Ở thời điểm này, Văn Dung đã viết bài hát “Tiến về Khe Sanh” với một nhịp điệu hào sảng, giai điệu lạc quan, phơi phới:

Núi chắn trùng trùng, chim bay mỏi cánh (hơ)

Quân băng ngàn núi, đêm vượt rừng sâu (hơ)

Rừng Trường Sơn đêm đêm xôn xao nghe đoàn quân đi

Về Khe Sanh quê hương bấy lâu mong chờ hôm nay.

Với tiết nhịp ¼ , Văn Dung đã tạo cho “Tiến về Khe Sanh” một không khí khẩn trương nhưng cũng không kém phần hồ hởi, phóng khoáng. Văn Dung có biệt tài cảm tác nhanh. Ông đi nhiều và sáng tác kịp thời nhưng luôn giữ được chất tài hoa trong những âm hưởng giàu sức biểu cảm. Âm hưởng hùng ca trữ tình trong những sáng tác của Văn Dung đã đem lại cho người nghe một cảm giác lạc quan trong cuộc sống cam go, gian khổ ở chiến trường.

Giai điệu của “Tiến về Khe Sanh” ngay trong đoạn mở đầu đã là một lời hoan ca chiến thắng. Cứ thế, giai điệu cuồn cuộn trào dâng, người nghe như đang tắm mình trong ngày chiến thắng năm ấy, như đang say trong một chiến thắng được cho là Điện Biên Phủ thứ hai:

Vững bước ta đi lên, biển Đông đã sáng

Tiếng súng ta vang vang, rền trời Khe Sanh.

Hình ảnh pháo binh trong chiến thắng Khe Sanh đã được rất nhiều nhạc sĩ ghi lại trong các nhạc phẩm của mình. Trong liên khúc “Ngọn cờ giải phóng Khe Sanh”, nhạc sĩ Nguyên Nhung viết tràn đầy khí thế:

Nghe Khe Sanh rung chuyển, mưa đạn pháo binh ta thét gầm

Dũng sĩ Khe Sanh đạp đầu thù, nào ta xốc tới.

Và với nhạc sĩ Thanh Phúc, trong “Pháo ta nổ rền trời Khe Sanh” (thơ Nguyễn Khắc Tơ), ông đã dùng chất nhạc dồn dập, nói lên khí thế khẩn trương của giờ phút quyết định:

Pháo ơi, pháo ơi/ đi nhanh lên nhé

Ta làm sét nổ/ dội trên đầu thù

Ta làm thác đổ/ cuốn đi bao bốt đồn.

Đúng như lịch sử đã ghi nhận, ngày 9/7/1968, sau 170 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí và kiên cường, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân Giải phóng miền Nam kiêu hãnh tung bay trên sân bay Tà Cơn. Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Và những thanh âm reo vui thắng lợi còn lưu dấu trong âm nhạc của Nguyên Nhung (Ca ngợi Khe Sanh chiến thắng), Đức Nhuận (Nghe tiếng pháo Khe Sanh), Lê Lan (Đường về Khe Sanh), Huy Thục (Chiến thắng đồi Động Tri)... Thực tế Trường Sơn ngày ấy đã cho các nhạc sĩ hiểu hơn về con người, về tuổi trẻ Việt Nam, về cuộc chiến đấu được bắt nguồn từ những con người bình dị, từ tình yêu quê hương đất nước, Hướng Hóa - Khe Sanh và niềm tự hào dân tộc.

Đã 50 năm Khe Sanh - Hướng Hóa được giải phóng, nghe lại những giai điệu của Khe Sanh chiến thắng, không những để giở lại những trang sử oai hùng xưa mà còn được nghe thấy giai điệu lạc quan về những đổi thay trên vùng đất lửa. Hai mươi năm chiến tranh hủy diệt, thế mà giờ đây, một màu xanh bạt ngàn, ngọt ngào hương hoa cà phê, những mảnh vườn sum suê trái quả:

Ê Tà Cơn, Làng Vây bát ngát cà phê, bát ngát hồ tiêu

Hướng Hóa - Khe Sanh mùa xuân quê ta

(Hướng Hóa mùa xuân về - Văn Báo)

Đúng như Quang Tạo và Hữu Dũng trong “Tình đất Khe Sanh” đã viết:

Đường 9 - Khe Sanh đâu chỉ đạn bom lửa cháy

Đất nước sinh sôi hóa thân từ muôn trái tim

Người Pa Kô, người Vân Kiều

Người miền xuôi, miền ngược

Cùng về đây thắp ngời lên một vùng quê Hướng Hóa

Chúng ta còn nghe thấy những âm thanh ngày mới của Khe Sanh - Hướng Hóa trong các ca khúc: “Lang lư Khe Sanh” (Trần Hoàn), “Trăng rằm Khe Sanh”, “Khe Sanh tình yêu” (Võ Thế Hùng), “Phố núi của tôi”, “Khe Sanh vang mãi bản hùng ca” (Hoàng Anh), “Tình em gió hát” (Xuân Vũ, thơ Nguyễn Văn Dùng), “Bài ca Hướng Hóa” (Lê Anh), “Anh sẽ về Khe Sanh ơi” (Đỗ Thăng Long), “Mưa chiều Khe Sanh” (Trần Tích), “Bồng bềnh Khe Sanh” (Thanh Ngọc), “Khe Sanh niềm tự hào” (Nguyễn Bình Luận)…

Từ cứ điểm Làng Vây cho đến sân bay Tà Cơn, từ thung lũng Khe Sanh cho đến vùng Lìa xa ngái, màu xanh cây trái nói lên sự hồi sinh mãnh liệt trên vùng đất từng là đất chết. Tất cả những điều đó đã được các nhạc sĩ cảm hứng viết nên các ca khúc: “Nồng nàn nắng mới Khe Sanh” (Lê Đình Trí), “Bừng sáng Khe Sanh” (Văn Lượng), “Khe Sanh ngày mới” (Phan Thảng), “Bình minh ở phía hoàng hôn” (Hoàng Hữu Lộc), “Lời phố núi” (Lê Thanh Ngọc), “Khe Sanh phố núi của tôi” (Trần Kiềm), “Khe Sanh chiều phố núi” (Phan Thạch Hùng), “Khe Sanh ngày mới” (Lê Phương Bắc), “Tháng 7 Khe Sanh” (Phan Anh Tiến), “Chuyện tình A mam” (Văn Sỹ)...

Đất trời Hướng Hóa - Khe Sanh đang nồng nàn dậy men cuộc sống. Dòng chảy âm thanh khởi nguồn từ những bản hùng ca chiến đấu năm xưa vẫn cuộn chảy như dòng sông quê hương ôm ấp núi đồi, nương rẫy, buổi nắng lên cất tiếng hát gọi mặt trời.

V.T.H

Võ Thế Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 286 tháng 07/2018

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground