Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chính sách dùng người của Vua Lê Thánh Tông

LTS: Từ Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 về đường lối xây dựng đội ngũ cán bộ, chúng tôi xin giới thiệu chính sách dùng người của Vua Lê Thánh Tông*. Ôn cố tri tân, nhìn người xưa tuyển dụng người tài cùng những hình luật răn đe để chúng ta cùng suy ngẫm.

 Tuyển chọn

Tuyển chọn quan lại (cán bộ) chủ yếu qua thi tuyển.

Việc tổ chức thi cử vẫn theo truyền thống đã có: thi Hương (qua 4 trường), rồi thi Hội và thi Đình. Điều khác biệt với các triều trước là tổ chức rất đều đặn. Trong 38 năm Vua Lê Thánh Tông trị vì, đã mở được 12 khoa thi, chọn lựa được 501 tiến sĩ. Số người đỗ đại khoa bằng một nửa số tiến sĩ của các triều đại Lý, Trần, Hồ đào tạo trong 397 năm. Như thế, số quan lại (số cán bộ được đào tạo và sử dụng) khá đông, đội ngũ cán bộ luôn được trẻ hóa, thay thế những người già yếu và không theo kịp thời đại, bổ sung nhiều người tài đức.

Ngoài việc chọn cán bộ qua thi tuyển, để không bỏ sót những người có khả năng nhưng vì một lý do nào đó không thể đi thi đúng kỳ, có chế độ bảo cử, tức là người đương chức có thể giới thiệu một người (không tham gia thi tuyển) có đủ đức tài ra làm việc. Người giới thiệu phải lấy tước vị, phẩm hàm của mình để đảm bảo lời giới thiệu của mình. Tức là: “có quy trình”, nhưng vẫn cho phép có những xử lý ngoài quy trình. Và quy định trách nhiệm rõ ràng chặt chẽ của cá nhân thủ trưởng (người giới thiệu).

Có lệ tập ấm, dành cho những con em gia đình quý tộc, quan chức được ưu tiên nhận vào các trường học ở một số trường gọi là Chiêu văn quán, giúp họ có trình độ để đi thi. Nhưng phải thi đỗ mới được bổ nhiệm, về mặt này, không có ngoại lệ.

Sử dụng

- Biên chế bộ máy: Biên chế của các cơ quan trung ương và địa phương đều được quy định dứt khoát, không được thêm bớt dù chỉ một chức nhỏ. Triều đình kiểm tra, “nếu thừa một viên, phạt 60 trượng, biếm hai tư (hạ chức hai bậc) hoặc bãi chức, thừa hai viên thì xử tội đồ và người đặt vào chức ấy phải phạt năm mươi roi”. Cho nên không thể có hiện tượng bộ này, tỉnh kia sáng suốt giảm bớt số cục, số phòng của mình, và tự nguyện giảm bớt số cán bộ nhân viên.

- Ngạch thí chức: Người được bổ nhiệm, 3 năm đầu ở ngạch thí chức, tức là tập sự, hưởng 1/3 lương. Sau 3 năm, nếu thấy không đạt thì đuổi về.

3 tiêu chí để xét có xứng chức hay không: 1/ Làm cho dân số ngày càng tăng (sau 20 năm đô hộ của quân Minh, dân số nước ta từ 6 triệu người xuống còn 4 triệu, nên rất khuyến khích việc tăng dân số); 2/ Làm cho dân giàu, khuyến khích sản xuất...; 3/ Làm cho dân biết lễ nghĩa.

- Khảo thí: Mọi quan lại, từ nhất phẩm đến cửu phẩm, 3 năm một lần phải qua khảo thí, văn thi văn, võ thi võ. Hỏng thi, nhẹ thì bị phạt, nặng thì bãi chức. Kể cả những người đỗ đại khoa, những người được vua sủng ái... không ai được miễn.

- Khảo khóa: Kiểm tra đánh giá về năng lực thực hành, tức là kết quả thực công việc của người có chức vụ, đánh giá lòng dân trong địa phương, đánh giá kết quả kinh tế, đời sống trong địa phương. Khảo khóa chia hai bước: sơ khảo và thông khảo. 3 năm một lần, quan trên khảo sát quan dưới, quan trưởng khảo sát quan lại thuộc quyền.

Cứ 12 năm thì xét thăng thưởng 1 lần, nhưng có tội thì xử lý ngay, bãi chức ngay, người có công to cũng được thăng thưởng ngay (không nhất thiết phải theo “quy trình”).

- Các Khoa và Ngự sử đài. Song song với cơ chế Khảo thí và Khảo khóa, còn tổ chức các Khoa và Ngự sử đài. Có 6 Khoa để giám sát 6 Bộ, thường xuyên theo giỏi công việc của các Bộ và có ý kiến về các chủ trương của Bộ. Còn Ngự sử đài tổ chức có hệ thống từ trung ương đến các địa phương, theo dõi đạo đức năng lực phẩm hạnh của các quan lại, có quyền đàn hặc (chất vấn), khi cần thì luận tội và kiên nghị cách xử lý. Các Khoa và Ngự sử đài là những tổ chức độc lập, không nằm trong hệ thống tổ chức của các Bộ (chắc là do vua trực tiếp nắm).

Việc đánh giá quan lại như vậy đã thành nền nếp, tiến hành hằng năm, việc thăng thưởng hay trách phạt tiến hành bình thường hằng năm, không phải lập các đoàn kiểm tra đặc biệt đi kiểm tra cấp dưới.

- Đãi ngộ: Chế độ lương bổng không có gì đặc biệt. Đáng chú ý là chế độ tản quan và chế độ dưỡng liêm.

Tản quan: có nghĩa là quan nhàn tản. Họ là những người có tước vị, có phẩm hàm, được trọng vọng, được ăn lộc vua, nhưng không được giao quyền cai trị dân. Đó là các vị trong hoàng tộc, những người có võ công đã có chiến tích, hoặc con cháu của các vị khai quốc công thần, nhưng không có học vị (tức là không có kiến thức, không có khả năng cai trị dân) nên được hưởng lộc vua nhưng không có quyền hành gì.

Dưỡng liêm: Ngoài phẩm hàm chức tước và lương tháng, những quan có công được cấp lộc điền và tế điền. Tế điền là để con cháu sử dụng vào việc cúng giỗ người đã khuất. Nếu phạm tội, bị bãi chức, thì tất cả quyền lợi trên đều bị thu hồi hết. Cho nên mọi người đều phải giữ gìn phẩm chất, liêm chính.

- 6 điều nghiêm cấm đối với mọi quan lại:

1. Cấm lấy vợ là người địa phương nơi trị nhậm.

2. Cấm kết thông gia với người địa phương nơi trị nhậm.

3. Cấm tậu ruộng vườn tại địa phương nơi trị nhậm.

4. Cấm lấy người địa phương làm cấp phó cho mình.

5. Cấm cha con, chú cháu, anh em và những người thân thuộc cùng làm quan ở xã hay cùng làm việc trong một cơ quan.

6. Cấm đưa quan về trị nhậm ở nơi quê hương bản quán.

*

Chính sách cán bộ của Lê Thánh Tông như thế cho nên nước Đại Việt hồi đó thịnh trị nhất trong lịch sử đất nước. Nguyên nhân là: MINH QUÂN - HIỀN THẦN (VUA SÁNG - TÔI HIỀN).

Trước hết là do vua sáng, tức là vua có lòng yêu nước thương dân, nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với quốc gia dân tộc, có trí tuệ, có tài quản lý. Vua sáng mà làm biến chuyển được đất nước là vì có được tôi hiền. Lê Thánh Tông đã nói:“Trăm quan là gốc của Trị và Loạn”; vua sáng nên tìm được tôi hiền, biết người nào là hiền mà giao việc. Bề tôi thì những người có đạo đức nhân nghĩa hết lòng phục vụ vua, trở thành những vị quan đức độ và tài năng; người chưa tốt thì không dám làm sai, dần dần sẽ trở nên quan tốt. Có vua sáng thì không thể có những bề tôi kém cỏi, tham nhũng, kém tài năng và phẩm chất. Một triều đình đầy quan tham nhũng thì nước loạn, chủ yếu là vì vua không sáng. Vua có thể trị tội nặng một số quan tệ hại, nhưng nếu vua không sáng, thì những tệ hại khác sẽ nảy sinh.

Vua sáng nên có tài xây dựng cơ chế quản lý quan lại rất có hiệu lực. Bộ máy tự nó vận hành thông suốt và đều đặn, không để xảy ra sự cố lớn (hình như lịch sử chính thống không ghi có vụ nào lộn xộn lớn trong thời đại Lê Thánh Tông). Quan có tội thì xử lý ngay, kịp thời, không để đến lúc nghỉ hưu rồi mới bị lôi ra tòa án. Vua không cần lập những vụ xét xử tội phạm ầm ĩ, cũng không cần trực tiếp chỉ đạo vụ nào.

Nhưng, dù có tôi hiền, đủ tài thao lược mà vua không sáng thì cũng không được việc gì. Tôi hiền xuất chúng như Nguyễn Trãi, đã biết lui về Côn Sơn ở ẩn mà không thoát được nạn tru di. Tôi hiền như Chu Văn An, như Nguyễn Bỉnh Khiêm, cuối cùng phải về nhà dạy học; vua trẻ hết lòng kính trọng cố vời ra giúp nước, nhưng vì vua không đủ độ sáng để có thể chuyển biến được tình hình, nên các cụ không ra.

Tôi hiền, chỉ có thể phát huy năng lực nếu vua biết nghe lời nói phải, biết đặt lợi ích của toàn dân, của quốc gia lên trên hết, mà hạn chế nỗi kiêu ngạo cá nhân của mình, biết lắng nghe cả những lời góp ý trái tai, biết trọng thị và mạnh dạn sử dụng những bề tôi có thực tài, dù có lúc nói ngang khác ý với nhà vua.

 

P.H.M

 

_________________

* Tư liệu chủ yếu dựa vào tài liệu “Sử dụng quan lại dưới triều Lê Thánh Tông” của luật sư Lê Đức Tiết, đăng trên tập Kỷ yếu Nghiên cứu khoa học và Lý luận phát triển, số 4, tháng 4-2017 của Viện Những vấn đề phát triển (VIDS).

Phan Hoàng Mạnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 287

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/03

25° - 27°

Mưa

22/03

24° - 26°

Mưa

23/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground