Truyện ngắn Thơ Bút ký
Tìm kiếm nâng cao Hình ảnh hoạt động Xem tất cả Tạp chí
Đăng nhập
Đọc “Nhớ và quên” của Nguyễn Hữu Thắng
15/1/2019
• 
Heo trong tranh dân gian
× Heo trong tranh dân gian
30/1/2019
• Nguyễn Tấn Tuấn

 

T

rong các bức tranh vẽ heo (lợn) ngày Tết cổ truyền Việt Nam, họa sĩ xưa không vẽ tranh heo theo thể tự nhiên như lối vẽ của hội họa phương Tây thế kỷ XVI, XVII mà con heo trong tranh Việt được nhân cách hóa, cách điệu hóa nên béo khỏe, đẹp hơn loài heo trong thực tế.

Tranh dân gian Việt Nam vẽ về loài heo ta thường nghĩ đến các bức tranh Đông Hồ, điều đó thực dễ hiểu vì tranh Đông Hồ là dòng tranh nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay. Con heo trong tranh Đông Hồ là một trong những con heo tạo hình đẹp nhất, có lẽ vì Đông Hồ là làng tranh giữa một vùng quê nông thôn nên đã có cái nhìn đẹp về con vật nuôi tượng trưng cho sự ấm no, sung túc.

Trong bức tranh “Lợn đàn”, họa sĩ đã vẽ một con heo nái màu tím cùng ăn với năm chú heo con gồm đủ màu sắc tươi tắn của đồng quê: xanh, trắng, vàng, da cam, hồng bên chiếc máng gỗ màu gụ tươi. Còn bức tranh “Lợn ăn cây ráy” vẽ đã đặc tả một con heo màu trắng, nổi rõ trên nền giấy màu da cam. Mấy nếp nhăn ở sống mũi và mõm heo rất hoạt cách, heo ăn hau háu, mắt xếch mở to, đuôi và tai đều như cùng nhau ve vẩy.

Làng Đông Hồ có hai bức tranh nổi tiếng là “Lợn ăn cây ráy” và “Lợn nái”, hai bức tranh đều có cái nhìn mang tính trang trí cao, hình tượng được chắt lọc và điển hình hóa. Hình tượng các con vật được viền bởi những nét khắc chắc khoẻ mà mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng về đặc điểm hình thể. Con heo nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình, thể hiện sự sinh sôi, phát triển.

Tranh vẽ heo dân gian xưa được in bằng nhiều bản ván, mỗi ván một màu. Tranh “Lợn ăn cây ráy” in ba bản màu một bản nét, tranh “Lợn nái” bốn bản màu. Màu của tranh Đông Hồ là màu truyền thống làm từ các chất liệu có sẵn trong tự nhiên và được gọi là thuốc cái. Màu trắng là màu đặc trưng nhất của tranh Đông Hồ được làm từ vỏ điệp, sắc trắng có ánh lấp lánh rất quý. Màu vàng từ hoa hoè hay hạt dành dành, màu đỏ vang từ gỗ cây vang, màu đỏ son từ đất son, màu xanh lá cây từ gỉ đồng, màu xanh chàm từ lá chàm và màu đen là than rơm nếp. Những bức tranh vẽ con heo in trên giấy điệp óng ánh và tô phẩm rực rỡ làm cho tác phẩm hài hòa với màu sơn son thếp vàng của bài vị, ngai thờ thếp vàng, bánh chưng xanh, câu đối đỏ, pháo hồng tươi mà gia đình Việt Nam nào cũng bày biện trang trọng trong ba ngày Tết cổ truyền xưa.

Nghệ sĩ khi vẽ tranh về heo đã gửi gắm niềm ước muốn chăn nuôi phồn thịnh và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Con heo trong tranh dân gian Việt Nam sống động, hồn hậu, bình dị như cảnh chân quê. Không có bức tranh nào vẽ cảnh con heo gầy đói, hoặc những chú heo nhem nhuốc.

Ngoài tranh Đông Hồ, dòng tranh Kim Hoàng ngày xưa cũng có nhiều bức tranh vẽ về heo rất phong phú, sinh động, tranh Kim Hoàng vẽ về hình tượng loài heo chẳng kém tranh Đông Hồ. Trên nền đỏ của giấy điều là một chú heo được in bằng mảng đen với các nét vẽ thêm vào bằng màu trắng, cái đẹp của sự tương phản giữa đỏ - đen - trắng làm cho bức tranh khá khúc chiết, cô đọng, mang tính tượng trưng cao.

Nếu như tranh vẽ heo Đông Hồ được ca ngợi bởi nhịp điệu của hình, các đường lượn của nét khắc, dáng chắc khỏe, chắt lọc của con vật trong một cái thế vững chãi, thì heo trong tranh Kim Hoàng lại khác hẳn, nó được tạo hình phóng túng hơn và ít chiều theo sự mô phỏng tự nhiên. Hình tượng heo được cách điệu với nét vẽ tay phóng khoáng; mũi heo với hai lỗ mũi đã biến mất, thay vào đó là một hình dáng như một họa tiết mây. Tai heo chỉ là một họa tiết hình xoắn ốc với các nét phẩy bút song song hướng về phía sau, khác hẳn với các chi tiết về cấu tạo như trong tranh Đông Hồ. Không thấy xoáy âm dương, thay vào đó là các nét vẽ dọc thân để làm nhịp của hình tượng con heo thêm vui.

Tranh Kim Hoàng được in và vẽ làm ba bước. Bước một họ in nét đen lên giấy hồng điều bằng một màu đen nhạt nhằm mục đích đánh dấu hình để tô màu. Bước hai, theo bản hình đã in trên giấy, tranh Kim Hoàng được dậm màu đặc lên trên mặt tranh mà người ta gọi là “chấm màu” vì thế mặt tranh Kim Hoàng có độ màu đậm đặc như tranh Đông Hồ nhưng vì chấm bằng tay nên màu sắc lại có độ chuyển như tranh Hàng Trống.

Màu tranh Kim Hoàng là các loại màu khá phổ biến trên thị trường. Màu trắng làm từ bột phấn thạch cao, màu đen làm từ mực tàu, màu xanh lục, xanh dương, tím, vàng đều là những màu có sẵn… được trộn với chất kết dính là keo da trâu, khác với tranh Đông Hồ là hồ nếp. Bước thứ ba, sau khi đã tô màu xong phải in lại bản nét nhằm cho bản nét sắc sảo, màu đen tuyền không bị lộ màu như tranh Đông Hồ.

Tranh Kim Hoàng (còn gọi là tranh đỏ vì tranh chỉ in trên giấy hồng điều hay giấy vàng tàu), là tranh của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dòng tranh này khác với các dòng tranh khác ở chỗ các nghệ nhân đã kết hợp giữa in, tô màu và vẽ, khác với kỹ thuật làm tranh Đông Hồ là thuần in, tranh Hàng Trống là in và tô màu bằng phẩm. Đặc tính này giúp cho tranh Kim Hoàng có tính uyển chuyển về nét và phong phú về tạo chất. Nét vẽ của loại tranh này là nét vẽ hàng loạt theo kiểu hàng chợ, vì thế người nghệ nhân phải chọn lối vẽ nhanh, bút pháp linh hoạt kiểu quen tay như vẽ trên đồ gốm, sứ.

Cùng với Đông Hồ, Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng xưa đã góp phần tạo nên diện mạo tranh dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong ba dòng tranh, ta có tranh Hàng Trống là tranh phố thị (tranh kẻ chợ) mang tính thị thành rõ rệt, có lẽ vì vậy nên chẳng thấy tranh Hàng Trống vẽ về loài heo, một con vật có nhiều ở vùng nông thôn, nông nghiệp. Tuy dòng tranh Đông Hồ và Kim Hoàng là tranh miêu tả các sinh hoạt của làng quê ngày xưa, nhưng nó rất khác nhau, tranh Đông Hồ là nét khắc chắc, khoẻ, bản in nhiều màu trên nền điệp, tranh được in theo lối sấp bản (in như kiểu đóng dấu). Tranh Kim Hoàng chỉ in nét đen như tranh Hàng Trống, nét chắc khoẻ giống tranh Đông Hồ. Tranh được in theo cách ngửa bản in cộng với vẽ và tô màu.

Sự biến đổi của thời gian và đời sống xã hội hiện đại đã làm mai một nghề tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh vẽ heo nói riêng. Ngày nay, di sản còn lại chỉ có vài bức tranh dân gian cổ xưa, thế nhưng cũng giúp cho chúng ta thấy cái đẹp và độc đáo của một dòng tranh cổ của người Việt.

N.T.T

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  




• 
Mùa xuân và câu chuyện sinh thái trong văn học Việt Nam
× Mùa xuân và câu chuyện sinh thái trong văn học Việt Nam
30/1/2019
• Nguyễn Văn Hùng

 

T

ừ văn học dân gian đến văn học thành văn, từ văn học cổ điển đến văn học hiện đại, mùa xuân trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong những sáng tạo nghệ thuật. Mùa xuân của đất trời, mùa xuân của lòng người cùng hòa nhịp trong niềm hân hoan bất tuyệt, mê say để người nghệ sĩ thăng hoa thành những trang tuyệt bút. Mùa xuân mang biểu tượng của tình yêu, tuổi trẻ, khát vọng; của sự khởi đầu, đổi mới, tương lai. Song, những năm gần đây, với nhiều vấn đề mới nảy sinh trong đời sống đương đại, mùa xuân trong văn học được kết nối, mở rộng, không chỉ dừng lại ở cảm quan thiên nhiên gắn với cảm xúc về vũ trụ, nhân sinh, thế sự, mà còn chạm đến nhiều vấn đề có tầm phổ quát của nhân loại về sinh thái, môi trường, nhân tính.

Mùa xuân và cảm quan thiên nhiên

Mùa xuân trong văn học cổ vừa mang vẻ đẹp tươi vui, nồng ấm của đất trời, vừa gắn với cảm xúc, suy tư của con người trước thiên nhiên, nhân sinh, thế sự. Không khó để hái trong vườn văn Việt những áng thơ tuyệt vời về mùa xuân: “Chim hót véo von liễu nở đầy / Thềm hoa chiều ảnh bóng mây bay” (Cảnh mùa xuân - Trần Nhân Tông), “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi / Lại có mưa xuân nước vỗ trời” (Cuối xuân tức sự - Nguyễn Trãi), “Cỏ non xanh rợn chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Không chỉ miêu tả thời khắc đất trời vào xuân, người nghệ sĩ còn gửi gắm vào mùa xuân nhiều tâm sự làm thành cảm thức “tỏ lòng” rất đặc trưng của thơ văn cổ. Mùa xuân lúc này gắn với những ưu tư về thời gian, sinh mệnh trong vòng tuần hoàn của vũ trụ; những trăn trở về thời thế, nhân sinh giữa cái bộn bề, chuyển dời của cuộc sống. Nhắc đến mùa xuân, không ai không nhớ đến cành mai của Mãn Giác Thiền sư trong Cáo tật thị chúng. Sự sống là một vòng luân hồi của tự nhiên (xuân qua, xuân tới), của con người (sinh, lão, bệnh, tử). Khi con người giác ngộ đạo, nghĩa là thấu hiểu quy luật vận động của vạn vật, không sinh, không diệt, thì sẽ có sức mạnh nội tại lớn lao, vượt lên trên lẽ hóa sinh thông thường, như cành mai bất chấp xuân tàn, giữa tuyết sương giá lạnh, vẫn nở hoa: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua, sân trước, một cành mai”. Còn với Nguyễn Khuyến và Tú Xương, mùa xuân và ngày Tết bên cạnh niềm hân hoan, rạo rực là nỗi ưu tư, khắc khoải của kẻ sĩ trước sự thay đổi mau lẹ của thời cuộc và lòng người.

Với Thơ Mới (1932 - 1945), mùa xuân trở thành một trong những thi đề được quan tâm nhiều nhất. Bên cạnh những bức tranh tuyệt đẹp về cảnh xuân, sắc xuân, ý xuân trong thơ Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Nguyễn Bính, là nỗi ám ảnh về thời gian - khoảnh khắc trôi đi và không bao giờ trở lại. Những bức tranh xuân nhuốm vào nỗi niềm bâng khuâng khó tả, thoát biến thành tâm cảnh: sự ngắn ngủi kiếp người trong Vội vàng của Xuân Diệu, về sự mong manh tình yêu trong Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử, về sự mai một các giá trị xưa cũ trong Ông đồ của Vũ Đình Liên.

Không còn nỗi buồn man mác, sầu tư của thi ca lãng mạn, mùa xuân trong văn học cách mạng mang biểu tượng cho tương lai tươi sáng, khởi đầu cho vận hội mới của dân tộc. Trong thơ Tố Hữu, Mùa xuân không chỉ là sự đợi chờ, khát khao những điều tốt đẹp: “Lâu rồi, khao khát lắm, xuân ơi” (Xuân nhân loại); lời hứa hẹn, khẳng định về một cuộc sống mới cho những mảnh đời bất hạnh: “Ngày mai gió mới ngàn phương / Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân” (Tiếng hát sông Hương), mà còn là niềm tin, ý chí mãnh liệt của con người trong thời đại mới: “Thêm một ngày xuân đến. Bình minh” (Bài ca mùa xuân 61), “Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất!” (Bài ca xuân 68).

Có thể nói, dù cảnh sắc, cảm xúc là khác biệt, song trong văn học giai đoạn trước, mùa xuân gắn với lòng người, tình đời. Con người chọn mùa xuân làm điểm tựa để trình hiện tâm hồn, khát vọng và ưu tư của mình về vũ trụ, nhân sinh.

Mùa xuân và tinh thần sinh thái

Không phải ngẫu nhiên, nhà động vật học, nhà nghiên cứu sinh vật biển người Mỹ Rachel Carson lại dùng mùa xuân làm biểu tượng cho nhan đề tác phẩm khởi xướng cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Mùa xuân vắng lặng (Silent Spring, 1962) lấy cảm hứng từ bài thơ của John Keats - Người đẹp tàn nhẫn (La Belle Dame sans Merci), trong đó có hai câu được dùng làm đề từ: “Để cây bên hồ chỉ còn lá rụng / Và chẳng còn nghe tiếng hót của chim”. Slient Spring là một ẩn dụ cho thấy đằng sau sự vắng lặng của tiếng chim hót là viễn cảnh ảm đạm của sự sống và thiên nhiên trên trái đất.1

Trong tác phẩm của mình, R. Carson đã phân tích, chứng minh sức tác động ghê gớm của việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu lên môi trường sống muôn loài. Không chỉ ảnh hưởng đến thế giới sinh vật tự nhiên và vật nuôi - những mắt xích quan trọng cho sự tồn tại, vận hành lành mạnh của toàn bộ hệ sinh thái, qua những kết quả nghiên cứu, bà còn cho thấy sức tàn phá đáng sợ của các loại hóa chất lên cơ thể con người. Tác phẩm của bà buộc con người phải đối mặt với những hệ quả do chính mình gây ra, kêu gọi thay đổi cách đối xử của con người với môi trường tự nhiên để duy trì sự sống cho muôn loài, trong đó có chính mình. Mùa xuân sẽ thiếu tiếng chim hót, cây cối sẽ trơ trụi lá, không đâm chồi nảy lộc, và sự sống có nguy cơ bị hủy diệt nếu như con người không hành động.

Việt Nam là một trong những đất nước đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của sự mất cân bằng sinh thái. Chiến tranh đã qua đi, nó không chỉ để lại những nỗi đau về thể xác, tinh thần cho con người, mà còn gây ra những tổn thương nghiêm trọng về môi trường. Những cánh rừng bị tàn phá, những dòng sông bị nhiễm độc, những vùng đất đầy nguy cơ chết chóc, và còn đó di chứng da cam đang bào mòn giống nòi nhiều thế hệ. Không chỉ vấn đề sinh thái hậu chiến tranh, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc tăng trưởng “nóng” bằng mọi cách thức, mọi phương tiện đã tác động khủng khiếp đến môi trường sinh thái. Cái giá của sự phát triển là tiếng kêu cứu của muôn loài, sự biến mất của nhiều cánh rừng, cùng những hệ lụy mà chúng ta đang và sẽ phải đương đầu, gánh chịu. Toàn cầu hóa, khủng hoảng môi trường, nguy cơ sinh thái, biến đổi khí hậu... sẽ trở thành chủ đề của văn chương nhân loại, trong đó có Việt Nam tập trung trong nhiều năm tiếp theo.

Đứng trước thực trạng như vậy, với tư cách là tiếng nói của lương tri, đạo đức, các nhà văn Việt Nam cũng cần thể hiện bổn phận, trách nhiệm trên những trang viết của mình. Vẫn là hình tượng mùa xuân, nhưng không còn tươi đẹp, rạng ngời được con người thưởng ngoạn, giao cảm, tỏ lòng như trong các tác phẩm giai đoạn trước, mà lúc này mùa xuân đang phải chịu nhiều tổn thương trước những hành động tàn phá, hủy diệt của con người. Trong Miền hoang tưởng (Nguyễn Xuân Khánh) và Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp), mùa xuân là nơi chứng kiến cách con người ứng xử tàn bạo với thế giới xung quanh. Vùng núi Tây Bắc với khung cảnh hoa ban nở trắng trời đã không còn đẹp đẽ, yên ả sau khi đội trưởng Mai bắn chết gia đình nhà vượn (Miền hoang tưởng). Hành động diễn ra trong thời khắc mùa xuân, khi muôn loài sinh sôi nảy nở; và thời điểm buổi sáng, lúc loài vật bừng tỉnh sau đêm dài âm u, nhiều cạm bẫy của rừng đêm. Tội ác càng tăng thêm khi đối tượng mà Mai nhắm bắn đầu tiên là chú vượn con, vi phạm nguyên tắc của người đi săn - không bao giờ giết những con thú non. Hình ảnh “Con vượn nhỏ rơi từ cây hoa ban sau nhà xuống đất... Trông như đứa trẻ con nằm chết” sau phát súng lạnh lùng của Mai trở thành biểu tượng ám ảnh cho sự xâm hại của con người với thế giới tự nhiên. Để rồi, sau nhiều đêm mất ngủ, trằn trọc, sợ hãi bởi tiếng kêu gào, than khóc của bầy khỉ, Mai mắc chứng bệnh cười và trở nên điên dại. Phải chăng đó là sự trả thù của thiên nhiên, chính Mai phải gánh lấy hậu quả do mình gây ra.

Mai đã phải trả giá cho cách hành xử tàn nhẫn của mình, còn với ông Diễu (Muối của rừng), vào rừng và ra khỏi rừng thật sự là hành trình thức nhận về sức mạnh của thiên nhiên, và tìm về bản thể tự nhiên của con người. Vẫn khung cảnh mùa xuân, ông Diễu xách súng vào rừng đi săn, mục tiêu của ông là sơn dương hoặc con khỉ đầu đàn để thị uy sức mạnh của con người và văn minh hiện đại. Ông giương súng bắn con khỉ đực, và sau đó là cuộc đấu của ông với khỉ cái và khỉ con để giành được chiến lợi phẩm của mình. Tưởng chừng đơn giản, song ông vấp phải sự kháng cự quyết liệt của khỉ cái và khỉ con. Cũng từ đây ông “ngộ” ra nhiều điều. Té ra loài vật sống có tình thương, trách nhiệm hơn vạn lần con người trong thế giới văn minh của ông. Và cũng ngạc nhiên thay, những điều mà trong xã hội hiện đại quá khan hiếm như thủy chung, niềm tin, trách nhiệm, ở nơi đây, trong thế giới ông luôn cho là mông muội, dã man, phi nhân lại luôn dư thừa, như là bản tính cố hữu của muôn loài, ắt hẳn con người với tư cách là một phần của nó đã từng có, nhưng lại đánh mất trong chính lối sống thực dụng, lòng tham, ích kỉ... Ông đã thất bại trong cuộc săn, nhưng bài học ông nhận được lại vô giá. Khi chứng kiến những khóm hoa tử huyền ba chục năm mới nở một lần, cũng là lúc ông nhận ra giá trị của thiên nhiên như một điềm báo cho sự bình yên, sung túc nếu như con người biết trân trọng, nâng niu nó.

Câu chuyện sinh thái trong văn chương Việt đương đại

Có thể nói, tinh thần sinh thái đã xuất hiện trong văn học Việt Nam từ những năm đầu của thế kỉ XX, thậm chí đã manh nha trước đó trong những vần thơ của Tú Xương. Hình ảnh “Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai” (Sông lấp) hay “Phố phường chật hẹp người đông đúc / Bồng bế nhau lên nó ở non” (Năm mới chúc nhau) không chỉ gợi nỗi niềm da diết về những kí ức xa xưa, sự ngỡ ngàng về những đổi thay của cảnh vật mà còn cho thấy sức tác động mạnh mẽ của đời sống đô thị với cuộc sống con người. Cảm thức này trở nên đậm nét hơn khi quá trình đô thị hóa và sự xâm lấn của văn mình ngày càng rõ nét trong đời sống văn học những năm đầu thế kỉ XX, đặc biệt là Thơ Mới (1932 - 1945). Thơ của Nguyễn Bính, Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Hàn Mặc Tử... mang những cảm quan mới mẻ gắn con người với thiên nhiên và cuộc sống đô thị: cảm quan sầu đô thị, cảm quan hoài cổ, cảm quan trốn chạy, nương náu vào thiên nhiên...

Cảm quan sinh thái đã khởi sinh từ lâu trong đời sống văn học Việt Nam, song bản chất và tinh thần sinh thái hiện đại chỉ thật sự định hình trong văn học sau 1975 gắn với những điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa. Với những yêu cầu cấp thiết của thời đại, đời sống văn học đương đại đã xuất hiện dòng chảy sinh thái với sự thay đổi về tư duy, quan niệm của người viết cùng hệ đề tài, chủ đề sinh thái đa dạng. Trước hết, có thể thấy ở các nhà văn sự chuyển biến trong quan niệm về tự nhiên, và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Tự nhiên trong tác phẩm không hoàn toàn mang tính biểu tượng, ẩn dụ cho cảm xúc, tâm hồn con người, mà bản thân nó được tạo tác bằng ý thức sinh thái đậm nét. Ý thức này buộc con người phải nhận diện tự nhiên như một sinh mệnh độc lập, với thế giới riêng, vượt thoát những quy gán có tính bất biến, cố hữu của con người về tự nhiên. Đặc biệt, văn học sinh thái khước từ thuyết “con người là trung tâm”, “chúa tể muôn loài” tồn tại trong tư tưởng và diễn ngôn của nhân loại, từ đó xác lập tư tưởng “sinh thái là trung tâm”, soi rọi mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên dưới quan điểm sinh thái. Cũng từ đây, sinh thái không chỉ là câu chuyện của riêng văn chương, mà mở rộng, tích hợp với các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội: giới tính, chủng tộc, giai cấp, xã hội, bản địa, tồn sinh... 2

Từ việc thay đổi tư duy, ý thức về sinh thái đã dẫn đến sự đa dạng về đề tài, sự phức hợp của các chủ đề về sinh thái. Về đề tài, văn chương đương đại xuất hiện sinh thái hậu chiến tranh phản ánh những di chứng trên những cánh rừng, vùng đất, con sông và cơ thể con người (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, Mười ba bến nước - Sương Nguyệt Minh, Người sót lại của Rừng cười - Võ Thị Hảo, Ngọa sinh - Võ Thị Xuân Hà, Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt - Trần Tố Nga, Con chim Joong bay từ A đến Z - Đỗ Tiến Thụy...), sinh thái nông thôn, sông nước, biển cả (Gia phả của đất - Hoàng Minh Tường, Thương nhớ đồng quê - Nguyễn Huy Thiệp, Làng quê biến mất - Tạ Duy Anh, Biển và chim bói cá - Bùi Ngọc Tấn, Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư, Gia tộc ăn đất - Lê Minh Nhựt, Ngày mai sương muối - Trương Tư Tần Quỳnh); sinh thái miền núi (Miền hoang tưởng - Nguyễn Xuân Khánh, Trăm năm còn lại, Mối và người - Trần Duy Phiên, Những người thợ xẻ, Sói trả thù, Muối của rừng - Nguyễn Huy Thiệp, Thập giá giữa rừng sâu - Nguyễn Khắc Phê, Màu rừng ruộng, Con chim Joong bay từ A đến Z - Đỗ Tiến Thụy, Đá cuội đỏ, Sau những mùa trăng - Đỗ Bích Thúy, Đàn trời - Cao Duy Sơn, Bãi vàng, đá quý, trầm hương - Nguyễn Trí); sinh thái đô thị (Sâm cầm Hồ Tây - Sương Nguyệt Minh, Kí sự làng, Phố làng - Đỗ Nhật Minh, Con trắm đen - Trần Trung Chính, Chim phóng sinh - Nguyễn Hồ, Cội mai lưu lạc - Quế Hương)... Về chủ đề, những tác phẩm này hướng vào việc truy tìm nguồn gốc của nguy cơ sinh thái, phê phán những mặt trái của đô thị, văn minh, đặc biệt lên án những hành động tàn phá, gây tổn thương tự nhiên của con người; nhận diện những hệ lụy khủng khiếp mà con người phái gánh chịu khi tác động làm mất cân bằng hệ sinh thái; thức tỉnh lương tri, lấy trách nhiệm, đạo đức làm điểm tựa trong cách ứng xử của con người với môi trường xung quanh. Và cũng từ đây, văn chương góp phần định hình mẫu nhân cách mới, tự xem mình như là một thành phần cộng sinh của thiên nhiên, biết tôn trọng thế giới tự nhiên, lắng nghe, chia sẻ cảm xúc, tiếng nói của vạn vật.

Nếu coi câu chuyện muôn đời của văn chương là câu chuyện về số phận con người, thì những vấn đề về môi trường, sinh thái gắn liền với số phận con người là điều mà bất kì người cầm bút nào cũng cần ý thức trên hành trình sáng tạo của mình. Mùa xuân hay nói rộng hơn là thiên nhiên, sinh thái trong diễn ngôn văn học vừa là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, văn hóa, vừa là vấn đề thuộc phương diện thẩm mĩ, nghệ thuật đòi hỏi ở người cầm bút ý thức trách nhiệm, lương tri để mùa xuân không còn vắng lặng những tiếng chim, và cuộc sống con người trở nên bình an, hài hòa, bền vững.

N.V.H

 

_____________________

1 Rachel Carson (2018, Nhóm dịch: Khánh An), Mùa xuân vắng lặng, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

2 Xem thêm Trần Thị Ánh Nguyệt (2015), Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.31-39.

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• 
Trần Hoàn - từ tình ca sơn nữ
× Trần Hoàn - từ tình ca sơn nữ
28/1/2019
• Nguyễn Thuỵ Kha

 

N

gày thơ ấu, ở Hải Phòng tạm chiến, tôi đã thuộc nhiều ca khúc lãng mạn, trong đó có “Sơn nữ ca” của tác giả Trần Hoàn. Thuộc là do các anh chị tôi tập hát bè bài này và đệm guitare theo nhịp Tango rất công phu để mừng Xuân mới. Thỉnh thoảng tôi ngẫu hứng nghêu ngao: “Một đêm trong rừng vắng - Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ mỉm cười xinh xinh…”. Tôi đâu ngờ khi Hải Phòng giải phóng 13.5.1955, tác giả “Sơn nữ ca” lại là Giám đốc Sở Văn hóa thành phố cảng của tôi. Vợ ông lại là giáo viên dạy cùng trường với mẹ tôi. Bà đã chép vào sổ tay mẹ tôi một lời ca mới theo điệu “Trèo lên quán Dốc” của dân ca quan họ. Chữ bà rất đẹp nên khiến tôi nhớ ngay lời ca: “Hồ Gươm xanh ngắt sự tích ối à vua Lê…”. Còn ông, dịp biểu diễn văn nghệ của học sinh cấp 3 trường Ngô Quyền, nơi hai chị tôi học tập và tham gia dàn hợp xướng, ông đã đến dự. Tôi đi theo các chị nên được nhìn thấy ông tươi cười đi vào hàng ghế đầu để nghe biểu diễn. Các chị tôi coi ông như thần tượng vì quá mê “Sơn nữ ca”. Hết các chị mê, lại đến lượt tôi khi được tham gia dàn hợp xướng Hải Âu do ông chỉ đạo thành lập và hát chính tác phẩm “Kể chuyện người cộng sản” của ông được chuyên gia Liên Xô chuyển soạn cho 6 bè. Quá hoành tráng. Ngày kỷ niệm 10 năm Hải Phòng, ông không chỉ là tác giả kịch bản phim tài liệu “Hải Phòng sáng mãi” mà còn là người xây dựng Dàn nhạc giao hưởng Hải Phòng tuy một quản nhưng trình diễn rất ấn tượng. Ông cũng là tác giả một “du lịch ca” đầu tiên cho Hải Phòng. Đó là ca khúc “Mời anh chị về thăm Hải Phòng”: ”Tôi xin mời anh chị về chơi xong - Ta đi thăm đất Cảng rực sáng…”. Nhưng tôi không thể ngờ chính tác giả “Sơn nữ ca” với giai điệu lãng mạn như thế, lại có một tiếng thét âm nhạc đầy căm giận khi máy bay Mỹ ném bom đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng: “Quân giặc cùng đường bắn phá trên đảo chúng ta - Quân dân Bạch Long quyết liệt lập công đầu - Diệt thù bảo vệ bầu trời - Bàn tay người chiến sĩ ngoài khơi - Ta không cho chúng - Tìm đường lui…” Khi chúng tôi mang ca khúc này đi hát ở những ụ pháo phòng không quanh bến Bính thì chính ông - tác giả của tiếng thét này - cũng lặng lẽ rời khỏi Hải Phòng đi vào chiến trường Trị Thiên với bút danh mới là Hồ Thuận An.

Trần Hoàn quê ở Hải Lăng - Quảng Trị. Nhưng ông lại sinh ngày 27/12/1928 tại Quảng Nam, nơi cha ông làm việc và gia đình sinh sống. Thời đi học, ông lại được giáo dưỡng ở Huế cùng các chị. Cũng thời ấy, âm nhạc cải cách bắt đầu một bình minh của nó tại các thành phố lớn, trong đó có Huế. Mò mẫm tập chơi cây mandolin do chị gái mua về, Trần Hoàn đã mau chóng biểu hiện tư chất âm nhạc của mình bằng việc chinh phục rất nhanh cây đàn bé nhỏ này. Đến khi vào học trường Khải Định, được học nhạc của giáo sư Vidal, Trần Hoàn nhanh chóng trưởng thành cả giọng hát lẫn tiếng đàn. Không chỉ là mandolin mà còn thêm guitare Tây Ban Nha và Ha Viên (Hawaiene). Ông tham gia dàn nhạc nhà trường với Phạm Khuê, Phạm Tuyên, Võ Sum…

Cách mạng tháng Tám ở Huế đã lùa vào tâm hồn chàng trai 17 tuổi này một luồng gió mạnh. Ông bắt đầu sáng tác ca khúc tham gia cuộc thi do Đoàn học sinh cứu quốc. Chính nhờ sự kiện này, cậu học sinh Nguyễn Tăng Hích (tên khai sinh của Trần Hoàn) đã chọn cho mình một bút danh đặc biệt: Trần Hoàn. Vốn quá yêu “Thiên thai” của Văn Cao nên cậu đã lấy bút danh Trần Hoàn từ câu hát: “Đào nguyên trước - Lưu Nguyễn quên trần hoàn - Cùng bầy tiên đàn ca bao năm…” Trong hai ca khúc dự thi là “Học sinh vui tươi” và “Hồn nước”, “Hồn nước” đã được ấn hành bởi Nhà xuất bản Nguyễn Phan Hoàng. Ca khúc đã được ông kính gửi lên Bác Hồ trước khi Bác sang Pháp theo dõi hội nghị Fontenerblou.

Trong trường kỳ kháng chiến, Trần Hoàn tham gia Đoàn nghệ thuật tuyên truyền. Chính “Sơn nữ ca” được ông viết vào thời kỳ này. Đấy là lúc Đoàn công tác ở U Bò - Ba Rền vùng núi Quảng Bình. Gặp những nữ sinh Huế trẻ trung cũng tham gia kháng chiến, Trần Hoàn gọi họ là “sơn nữ” và viết “Sơn nữ ca”. Ca khúc nhanh chóng được lan rộng, nổi tiếng và Nhà xuất bản Tinh hoa đã ấn hành để phổ biến trong vùng tạm chiến. Tuy nhiên, để phổ biến được, họ đã đổi “du kích” thành “lữ khách”, câu “thời cơ đến rồi” thì đổi thành “hoàng hôn xuống rồi”. Sau “Sơn nữ ca”, Trần Hoàn ra thủ phủ Liên khu IV ở Vinh và được bồi dưỡng thêm âm nhạc bởi các thày Nguyễn Văn Thương, Lê Yên… Cũng ở xứ Nghệ, ông đã yêu một thiếu nữ Nghệ An học Sư phạm. Nhờ tình yêu này, ông vừa có một người bạn đời chung thủy: bà Thanh Hồng, vừa có một ca khúc khiến các đàn anh như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Tô Vũ phải vị nể. Đó là “Lời người ra đi” (tên đầu tiên là “Rằng kháng chiến còn trường kỳ”): “Một chiều anh bước đi - Em tiễn đưa ra tận cuối đồi…”. Ca khúc được viết từ cảm xúc khi Trần Hoàn chia tay người vợ để vào công tác tại Liên khu III lúc ấy đang đầy gian khổ và khó khăn. Ca khúc hay, nhiều người hát, đàn anh thì vị nể, nhưng lãnh đạo thì không ưa cho rằng ủy mị. Nhận định này đã vô tình đẩy Trần Hoàn vào thế phải tự điều chỉnh mình không được tự do triệt để trong sáng tạo nữa. Sự tự điều chỉnh ấy không những làm hữu hạn lại sự nghiệp âm nhạc của Trần Hoàn, mà còn ở nhiều văn nghệ sĩ khác nữa. Đấy là cái giá phải trả khi chủ nghĩa Mao bắt đầu ngấm độc vào cơ thể cách mạng Việt Nam đang đầy sinh lực và hồn nhiên. Do vào Liên khu III nên Trần Hoàn mới về làm Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng (thành phố thuộc Liên khu III) sau ngày giải phóng 13/5/1955. Và cũng vì thế nên mới có duyên nghiệp giữa tôi và ông.

Vào chiến trường Trị - Thiên với bút danh Hồ Thuận An, Trần Hoàn vừa làm phó ban tuyên huấn vừa sáng tác ca khúc. Nhưng cuộc lật cánh về quê hương này còn quan trọng với riêng Trần Hoàn chính là cuộc thay đổi bút pháp sáng tạo khi ông đã nhận ra sâu sắc tác phẩm phải có nguồn dân ca dinh dưỡng thì mới là của dân tộc mình, mới sống lâu bền trong cuộc đời.

Sự cộng hưởng với bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, Trần Hoàn đã vụt sáng trở lại thời “Sơn nữ ca” để rồi thăng hoa thành “Lời ru trên nương”. Ở “Lời ru trên nương”, Trần Hoàn đã lấy cấu trúc đoạn “rao” của dân ca đồng bằng ghép vào đầu ca khúc của mình khi viết về lời ru ở miền núi. Sáng tạo ấy mang đến cho người thưởng thức một tình cảm da diết và cuốn hút. Lấy lại được sinh khí sáng tạo rồi, Trần Hoàn tiếp tục thăng hoa trong “Em thương người trong Huế đấu tranh” rất nhuần nhuyễn hơi thở Nhã nhạc cung đình Huế.

Cũng như duyên nghiệp, tôi gia nhập quân ngũ và vào chiến trường Quảng Trị mùa hè 1972. Sau hiệp định Paris đầu 1973 một thời gian, mới nghe réo rắt những giai điệu lạ của Trần Hoàn như “Tiếng đàn trên đường Chín” và đặc biệt là “Chiều trên Gio Cam giải phóng”: “Nắng chiều về qua Đông Hà rồi Cam Lộ - thắp sáng bừng núi rừng của miền Tây”. Đến ngày Huế giải phóng, trong tình cảnh cùng quẫn “Tháng Ba gãy súng” của quân đội Việt Nam Cộng hòa thì Trần Hoàn lại reo vui lên ca khúc hân hoan “Nắng tháng Ba”.

Từ ngày thống nhất cho đến ngày ra đi khỏi dương thế, dù ở cương vị công tác nào, Trần Hoàn cũng luôn tuôn chảy âm nhạc. Ông muốn chứng minh người cộng sản cũng là người rất tình cảm chứ đâu có khô khan máy móc. Những ca khúc của ông vẫn làm nức lòng người mến mộ. Từ “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” đến “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, từ “Tình ca mùa xuân” đến “Tiếng hát người Hà Nội”… nhưng lắng đọng nhất trong tôi là “Một mùa xuân nho nhỏ” (thơ Thanh Hải). Đây có lẽ là bài thơ hay nhất của Thanh Hải và cũng là một ca khúc hay nhất của Trần Hoàn. Có lẽ nó cao sang vì tư tưởng dâng hiến của cả nhà thơ và nhạc sĩ. Sự khiêm nhường thực sự đã dựng lên tầm vóc của ca khúc phổ thơ này. Câu thơ Thanh Hải: “Mùa xuân người cầm súng - Lộc giắt đầy trên lưng” đã hằn lên một dâng hiến không toan tính, dâng cả mùa xuân cho đời ngay khi ngã xuống. Dâng hiến ấy đã được Trần Hoàn hát lên trong trẻo đến tận cùng thương cảm. Nó có thể sánh cùng “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao trở thành cặp bài trùng mang âm hưởng của khúc khải huyền.

N.T.K

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• Mai Văn Hoan

Tập thơ “Nhớ và quên” của Nguyễn Hữu Thắng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018) với gần 100 bài thơ được tuyển chọn, trong suốt mấy chục năm làm thơ, mới biết Nguyễn Hữu Thắng thận trọng và khiêm tốn biết chừng nào. Nguyễn Hữu Thắng còn có bút danh khác là Nguyễn Hoài Chung. Thời sáp nhập Bình Trị Thiên, tôi đã đọc thơ anh đăng rải rác trên báo Dân, tập san Văn hóa Bình Trị Thiên và tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên. Thơ anh hiền lành, dung dị, sâu lắng. Nguyễn Hữu Thắng sử dụng nhiều thể thơ: tự do, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… nhưng lục bát có thể xem là sở trường của anh. Ở bài viết này, tôi chỉ ghi lại vài cảm nhận ban đầu khi đọc một số bài thơ lục bát trong “Nhớ và quên”.

Ai cũng thừa nhận lục bát là một thể thơ dễ làm nhưng khó hay. Có người còn cả quyết: Anh hãy đọc cho tôi nghe một bài lục bát của anh, tôi sẽ nói chính xác anh có làm được thơ hay không. Kể từ khi ra đời đến nay, ở xứ ta thời nào cũng xuất hiện những tay lục bát cự phách. Có thể kể đến Nguyễn Du, Tản Đà, Tố Hữu, Nguyễn Bính… Sau này nổi lên một vài tên tuổi như Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Đồng Đức Bốn… Trong đời làm thơ có được một vài câu lục bát được người đời truyền tụng là hạnh phúc lắm rồi. Lục bát Nguyễn Hữu Thắng tuy không gây ấn tượng mạnh như thơ lục bát của những nhà thơ tên tuổi nhưng có những bài, những đoạn, những câu để lại dấu ấn khó quên trong lòng người đọc. Có lẽ Nguyễn Hữu Thắng được nuôi dưỡng thơ lục bát từ những lời ru ngọt ngào của mẹ thuở đang nằm nôi: Lời ru có tự bao giờ/ Mà như dòng nước vỗ bờ sông êm/ Mà như là cánh tay mềm/ Mẹ làm chiếc gối những đêm con nằm/ Dịu êm như ánh trăng rằm/ Đi qua bao tháng, bao năm… mãi còn (Lời ru). Lục bát với Nguyễn Hữu Thắng là cái cầu nối bắc qua dòng sông tình cảm. Trong “Nhớ và quên”, tác giả dành phần lớn thể lục bát để viết về tình yêu nam nữ. Người đời khi yêu thường giấu trong lòng, còn nhà thơ thì thật thà khai báo:

Người xa sao cứ hững hờ

Để tôi thao thức đôi bờ nhớ mong

Sông xưa nay vẫn là sông

Bến xưa vẫn bến mà không thấy người

Bập bềnh những cánh bèo trôi

Tiếng chim tu hú xa xôi vọng về...

(Ngày xưa)

Cái hay nằm trong hình ảnh “Bến xưa vẫn bến mà không thấy người”. Có thể hiểu: anh đã chờ, đã đợi em bao năm nay mà em vẫn bặt vô âm tín. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi như những cánh bèo kia. Lòng anh khắc khoải như tiếng chim tu hú nọ. Lời trách rất đỗi nhẹ nhàng nhưng trái tim thì đang quặn nhói. Cả đoạn thơ nặng trĩu ưu tư, chẳng khác nào cảnh chàng Kim trở về vườn Thúy. Phải yêu đến mức nào, Nguyễn Hữu Thắng mới viết được những câu thơ chứa đầy tâm trạng như thế. Và cũng phải yêu đến mức nào thì anh mới không quên được những kỷ niệm của tuổi mộng mơ:

Cái thời con mắt liếc ngang

Rơm che hai đứa... vội vàng nụ hôn

Tóc em thoang thoảng mùi rơm

Bờ vai run rẩy cũng thơm lúa vàng

(Rơm vàng)

“Bờ vai run rẩy cũng thơm lúa vàng” là một câu thơ hay. Ở câu thơ này, tác giả đã sử dụng mối tương giao giữa thị giác (cái nhìn thấy) và khứu giác (ngửi thấy). Mùi rơm vàng đã giúp cho tình yêu của đôi trai gái thêm phần ý vị, chẳng kém gì mùi hương hoa bưởi trong bài “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn. Nhưng tình yêu và hôn nhân không phải bao giờ cũng trùng khít. Biết bao nhiêu lứa đôi yêu nhau mà không lấy được nhau. Nguyễn Hữu Thắng có lẽ cũng từng rơi vào trường hợp tương tự, hoặc đã từng chứng kiến những trường hợp tương tư. Trong bài “Bất chợt”, anh than thở:

Câu thơ bất chợt xuống dòng

Và em bất chợt lặng không nói gì

Thế rồi bất chợt vu quy

Cuộc chơi bỏ dở em đi lấy chồng

Trong ba lần “bất chợt” lần bất chợt thứ ba bất ngờ hơn cả. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến cho người con trai sững sờ. Lẽ ra, phải thêm một lần “bất chợt” của “tôi” ở câu thứ tư mới đúng. “Bất chợt vu quy” nghĩa là em đi lấy chồng rồi, lặp lại là hơi thừa. Nhưng đâu chỉ có những người con trai thất tình, các cô gái cũng có người lâm vào hoàn cảnh đó. Hồ Xuân Hương đã bao đêm “trơ cái hồng nhan với nước non” chờ đợi. Đây là hình ảnh người con gái trong bài “Hiếu Giang ngày ấy” của Nguyễn Hữu Thắng:

Cồn Soi bóng nước lặng in

Dáng em đêm vắng một mình đợi tôi

Chuyến tàu qua đã lâu rồi

Con thuyền khuya đã về nơi cuối dòng…

Khoảng lặng cuối đoạn thơ gợi cho “tôi” bao điều suy nghĩ về cái đêm anh trót lỡ hẹn với nàng. Thi sĩ xưa nay vốn thế. Họ thường vụng về, khờ dại, ngu ngơ trong cuộc sống thường nhật:

Đa tình đổi lấy ngu ngơ

Khôn ngoan đổi lấy dại khờ vì yêu

(Bạn thơ)

Xuân Diệu trước đây cũng từng thú nhận: “Tôi khờ khạo quá, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”.

Những câu thơ lục bát của Nguyễn Hữu Thắng viết về tình yêu thấm đẫm chất ca dao, chân thành và đằm thắm. Tình yêu của anh thường gắn với quê hương Quảng Trị, với Cồn Soi, với Hiếu Giang, với Hiền Lương:

Một thời quặn thắt nỗi đau

Một thời đằng đẵng hai đầu nhớ mong

Một thời máu đỏ dòng sông

Một thời bến đợi mà không có thuyền

(Hiền Lương)

Trong “Nhớ và quên” không chỉ có thơ lục bát, những bài thơ làm theo thể ngũ ngôn, lục ngôn, tự do đều có bài hay, đoạn hay, câu hay. Chẳng hạn như đoạn thơ anh viết về làng quê của mình:

Tôi xa quê đã năm chục năm rồi

Xuôi ngược khắp trong Nam ngoài Bắc

Đêm tỉnh giấc trái tim mình thầm nhắc

Một mảnh làng - nơi tôi đã sinh ra…

(Làng tôi)

Hoặc những câu thơ anh viết tặng vợ:

Thơ cho em anh nghĩ đã từ lâu

Nhưng chẳng nên một bài nào cả

Câu thơ ngắn, ngôn từ chật chội quá

Bao ân tình biết gửi vào đâu

 

Anh sẽ mang theo đến tuổi bạc đầu

Một ý thơ suốt đời sâu nặng

Lấy rộng dài của tình yêu năm tháng

Làm bài thơ bé nhỏ tặng riêng em.

(Thơ tặng vợ yêu)

Thơ viết “nịnh vợ” như thế nào có thua gì Trần Tế Xương. Vợ anh đọc chắc cũng hả lòng, hả dạ mà bỏ qua cho thi sĩ “những phút xao lòng”.

Tuy nhiên, “Nhớ và quên” vẫn còn đôi câu, đôi đoạn hơi thật thà. Điều đó cũng là chuyện bình thường. Cái mà tôi quý nhất ở Nguyễn Hữu Thắng chính là niềm say mê và chung thủy với thi ca. Nếu giữ được niềm đam mê ấy, tôi tin là anh vẫn còn tiếp tục có thêm những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ hay.

M.V.H


_________________________________________________
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290, tháng 11 năm 2018
Ngày cập nhật: 15/1/2019
Bài cùng chuyên mục
Xây dựng và bảo vệ đất nước theo Di chúc của Chủ tịch ...
Phác họa tiến trình tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ giai ...
Nghệ thuật trào phúng độc đáo, đặc sắc trong Vi hành của ...
Phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội...
Trên giá sách Cửa Việt
Tranh & Ảnh Nghệ thuật
Thống kê
Bài đăng : 10643
Người online: 21
Truy cập trong ngày: 63
Lượt truy cập
Quảng cáo
Giới thiệu Tạp chí số mới
Số 293 (02 - 2019)
Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TẠP CHÍ CỬA VIỆT
Giấy phép số 183/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 12 tháng 7 năm 2018
Tổng biên tập: HỒ THỊ LIÊN
Tòa soạn và Trị sự: Số 128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị • E-mail: tapchicuaviet@gmail.com • Điện thoại: 0233.3852458
Copyright © 2008 http://www.tapchicuaviet.com.vn - Thiết kế: Hồ Thanh Thọ • wWw.htt383.com