Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng dân gian qua các ngôi chùa làng Quảng Trị

Phối trí thờ tự ở các ngôi chùa làng Quảng Trị

Có thể khẳng định, đa số các làng quê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, từ trước năm 1945 ngoài các công trình kiến trúc tín ngưỡng để thờ cúng các vị thần, các vị khai canh, khai khẩn, thủy tổ các dòng họ và những người có công với làng, với nước như: đình, đền, miếu, nhà thờ các họ tộc… còn có các công trình kiến trúc tôn giáo như: Chùa là nơi thờ Phật, Nhà thờ Thiên chúa giáo nơi thờ Đức Chúa Giêsu… Tuy vậy, còn có một công trình kiến trúc - nơi thờ cúng đặc biệt, ở đó có sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đó là các ngôi chùa làng.

Nguyên xưa, tất cả các ngôi chùa làng ở Quảng Trị thường được phối trí thờ tự theo cách “tiền Phật, hậu Thần”. Theo quan niệm Phật giáo truyền thống thì chư Phật ngự trị cả mười phương và ba cõi: quá khứ, hiện tại và tương lai nên hầu hết đều tôn trí 3 pho tượng Phật Tam thế: Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Di Lặc ở án cao nhất tại gian chính điện. Phía trước có thể có thêm một tiền án thấp hơn để tôn trí các tượng Bồ tát Quan Âm, Phổ Hiền, Thế Chí hoặc Địa Tạng. Nhưng trong tâm thức dân gian, chư Phật, chư Bồ tát vốn từ bi, hỷ xả cho nên không can thiệp vào việc trừ tà ma, yêu quái, vì thế chùa làng còn thờ thêm Quan Thánh Đế Quân để mong ngài hàng phục tà ma, yêu quái, hộ trì cuộc sống bình yên cho dân làng. Hậu điện, đều có án thờ thủy tổ các dòng họ đã có công khai canh, khai khẩn, hình thành và phát triển làng xã. Phía dưới thấp hơn hoặc hai đầu hồi là án thờ các vong linh “ký tự”. Cách thờ tự này hiện nay vẫn được rất nhiều chùa bảo lưu như: Chùa Nhan Biều, chùa Linh Quang/Trung Kiên (xã Triệu Thượng); chùa Cổ Thành, chùa An Tiêm, chùa Hồng Ân/Bích Khê, chùa An Mô, chùa Vệ Nghĩa, chùa Thiên Tôn/ Đâu Kênh (xã Triệu Long); chùa Dương Lệ, chùa Linh Bửu/Võ Thuận (xã Triệu Thuận); chùa Gia Độ, chùa An Dạ, chùa An Lợi, chùa Khánh Liêm/Giáo Liêm, chùa Thanh Quang/Thanh Liêm (xã Triệu Độ); chùa Lưỡng Kim, chùa Cao Sơn/Cao Hy, chùa Vĩnh Quang/Vĩnh Lại (xã Triệu Phước); chùa Hà Tây, chùa Phú Hội, chùa Tường Vân (xã Triệu An); chùa Duân Kinh (xã Hải Xuân); chùa Câu Nhi/Quan Khố (xã Hải Tân), chùa Xuân Lâm (Hải Lâm); chùa Lan Đình (xã Gio Phong), chùa An Thái (xã Cam Tuyền)… Điều đáng chú ý tại chùa Thanh Liêm (làng Thanh Liêm - xã Triệu Độ) cách bố trí thờ tự khá đặc biệt: gian giữa thờ Phật, 2 gian kế bên thờ 2 vị thủy tổ họ Nguyễn và họ Hoàng. Chùa Thiên Tôn (làng Đâu Kênh - xã Triệu Long), gian giữa thờ Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu; hai gian kế bên thờ 5 vị thủy tổ họ Võ, Đoạn, Đỗ, Lê, Nguyễn là các họ đồng khai khẩn của làng…

Cho đến nay, chúng tôi chưa có một tư liệu chính xác nào đề cập đến việc xây dựng các ngôi chùa làng trên vùng đất Quảng Trị, chỉ biết rằng các yếu tố Phật giáo dân gian đã chiếm lĩnh trong đời sống tinh thần của người dân và luôn tồn tại song hành cùng với việc hình thành và thiết lập các làng xã trên vùng đất mới, đa số các làng đều có chùa. Trước khi bị chiến tranh tàn phá, cũng như nhiều nơi khác, trên vùng đất Quảng Trị có nhiều ngôi chùa cổ được xây dựng từ khá sớm (từ những thế kỷ XV - XVI) với quy mô tương đối lớn. Các ngôi chùa này cơ bản là những ngôi chùa làng, thuộc dòng Phật giáo dân gian Đại Việt, với cách thờ “tiền Phật, hậu Thần”. Các ngôi chùa cổ nhất của Quảng Trị hiện được biết qua tài liệu là những ngôi chùa làng được xây dựng từ thế kỷ XV như chùa làng Câu Nhi/Quan Khố (Hải Tân - Hải Lăng), chùa làng Lan Đình (Gio Phong - Gio Linh); chùa làng Gia Độ (Triệu Độ - Triệu Phong) đã được tác giả Dương Văn An kể đến trong tác phẩm Ô châu cận lục (năm 1555). Các chùa làng khác như chùa An Thái (Cam Tuyền - Cam Lộ); chùa Đâu Kênh (Triệu Long - Triệu Phong); chùa Xuân Lâm (Hải Lâm - Hải Lăng) cũng được tạo lập vào khoảng thế kỷ XV - XVI… Chùa Diên An (Hải Thọ - Hải Lăng) được tạo lập dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (năm 1759); chùa Bình Trung (Gio Châu - Gio Linh) do vị Tham chánh chính đoán sự Đông triều Hầu là Trần Đình Ân cho dựng sau khi từ chức về làng (năm 1704); chùa làng Trung Kiên ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong do Hòa thượng Nhất Định lập vào những năm cuối thế kỷ XVII. Ngoài ra, dưới thời các chúa Nguyễn, nhiều ngôi chùa làng ở khắp mọi nơi trên đất Quảng Trị đã được xây dựng từ sự đóng góp của các Phật tử trong các khuông hội Phật giáo.

Trong khuôn viên của nhiều chùa làng còn có các miếu thờ các vị thần của làng, các vị khoa bảng: Miếu Thành hoàng ở chùa Khánh Liêm, miếu Tiến sĩ họ Lê ở chùa Dương Lệ Văn…

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian

Phật giáo là một tôn giáo lớn ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, và là một học thuyết có tính triết học sâu sắc và giá trị nhân văn cao cả. Trước khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, người Việt Nam đã có tín ngưỡng dân gian truyền thống của riêng mình, khi đạo Phật vào Việt Nam thì người Việt đã tiếp nhận đạo Phật trong sự hòa quyện với văn hóa dân gian bản địa tạo nên một bản sắc văn hoá tôn giáo độc đáo của riêng mình.

Khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo chính thống đã hòa nhập phần triết lý cao siêu với cuộc sống trần thế hàng ngày và kết hợp với các tín ngưỡng dân gian bản địa, nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên để làm thỏa mãn niềm tin, ước vọng, mong muốn của mọi người dân; để rồi Phật giáo đã thấm sâu vào tiềm thức của nhân dân, tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ và được mọi người tiếp nhận, hưởng ứng. Càng ngày, Phật giáo càng được Việt hóa và có sức sống mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của người dân, tạo nên sự dung hợp với truyền thống văn hóa dân tộc trên mọi khía cạnh: phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội.

Lúc này, chùa không chỉ là cơ sở thờ tự của đạo Phật, mà còn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng dân gian mà đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Các ngôi chùa hiện giữ một vị trí đáng kể trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh, điều này được lý giải từ bản chất của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo ngay buổi đầu vào nước ta đã được bản địa hoá và trong tiến trình lịch sử của mình, Phật giáo ngày càng thấm đẫm tính chất dân dã để phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Các nhóm cư dân Việt đến định cư ở vùng đất Quảng Trị theo thời gian sớm muộn khác nhau, quá trình làm chủ vùng đất mới của người Việt được ngày càng khẳng định khi các thiết chế đình, chùa, đền, miếu được thành lập. Trong một làng hễ có đình, miếu để thờ cúng các vị thần thì tất phải có chùa; tuy xây dựng kiên cố hay đơn sơ nhưng tất cả đều trở thành một cơ sở tinh thần kiên cố, vững chắc che chở tâm hồn cho lớp thường dân lưu tán, là chốn dung thân của những kẻ thất thời, lỡ thế; ở đó họ gửi gắm số phận mình trước những mối đe dọa vô hình trên vùng đất mới lập nghiệp, với đạo lý từ bi, cứu khổ, vô ngã, vị tha của Phật giáo làm tín ngưỡng căn bản của mình. Chính từ những lý do trên mà người Việt một mặt chấp nhận quy thuận, dung hợp các tôn giáo ngoại lai, nhưng đáng kể nhất là Phật giáo, mặt khác lại bảo lưu nguyện vọng quan niệm thờ cúng tổ tiên. Đây có thể coi là lý do chính để các ngôi chùa làng ra đời, là hệ quả tất yếu của quá trình sáng tạo, tiếp biến trong mối quan hệ cung-cầu tâm linh.

Chùa làng chính là nét đẹp của sự gắn kết Phật giáo và dân tộc, ở đó biểu hiện đầy đủ sự dung hợp, hòa quyện giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, trong đó nỗi bật là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Bởi vì, trước khi có Phật giáo, thì thờ cúng tổ tiên vừa là một đạo lý, vừa là tín ngưỡng quan trọng bậc nhất của người Việt. Bởi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là niềm tin vào sự linh thiêng của các bậc tiền nhân, của ông bà, cha mẹ dù họ đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng vẫn ở bên cạnh con cháu, phù hộ, độ trì cho con cháu khi gặp tai ương, rủi ro. Họ vẫn theo sát con cháu khi có chuyện vui, buồn. Trong tâm thức người Việt dù đi đến đâu họ vẫn đau đáu một nỗi niềm hướng về quê cha đất tổ, nơi có bàn thờ tổ tiên, mồ mả ông bà, cha mẹ.

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện qua đối tượng thờ cúng trong các ngôi chùa làng, chùa không chỉ thờ Phật. Mô hình “tiền Phật, hậu Thần” được phối trí thờ tự khá phổ biến ở chùa làng Quảng Trị. Các vị thánh, thần được thờ ở chùa có thể là nhiên thần, thiên thần hoặc nhân thần. Ngoài ra, chùa nào cũng có ban thờ Tổ. Thờ cúng tưởng nhớ các vị sư tiền bối ở chùa, là một biểu hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của người Việt. Đặc biệt thờ Hậu, đưa vong lên chùa khiến một số lượng lớn người bình dân được thờ cúng trong chùa đưa ngôi chùa xích lại gần hơn đời sống thường nhật của cộng đồng dân làng.

Tính dung hợp của Phật giáo còn bộc lộ trong nghi lễ thờ cúng, thực hành trong các ngôi chùa, có sự dung hợp giữa giáo lý Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - một loại hình trong tín ngưỡng dân gian qua ngày lễ Vu lan. Lễ Vu lan là một nghi lễ Phật giáo nhằm phổ độ chúng sinh, cứu vớt các linh hồn lầm lỗi, lấy từ bi để phá ngục tù. Trong tín ngưỡng dân gian, lễ Vu lan được dân gian lưu truyền đây là ngày duy nhất trong năm âm phủ mở ngục xá tội vong nhân, là ngày nhà nhà cúng tổ tiên, đồng thời làm phúc cúng các vong hồn cô quả. Cách hiểu mộc mạc của tín ngưỡng dân gian về ngày lễ Vu lan đã góp phần đưa nghi lễ của Phật giáo ăn sâu trong đời sống tâm linh của người dân trên mọi vùng đất Quảng Trị.

Chùa làng là một trong những cơ sở thờ tự chung của cộng đồng làng do một người thủ từ lo việc hương khói. Một số chùa làng lại có thể mời một vị cư sĩ tại gia có am hiểu kinh kệ, khoa nghi cầu cúng giữ cương vị “thầy chùa” của làng. Thầy chùa có thể ở ngay tại nhà tăng hay hậu liêu của chùa, giúp dân làng xem ngày chọn giờ hoặc giúp cho việc hộ niệm trong tang lễ, cúng giỗ… Trong các dịp lễ tết lớn thì chùa làng cũng tổ chức các lễ hội như tết Nguyên Đán, lễ Phật Đản, lễ Vu lan… Hàng tháng, vào mỗi kỳ sóc vọng chùa làng lại rộng mở cho các tín đồ đến tụng kinh niệm phật. Ngoài các lễ trên thì cứ 3 hoặc 5 - 6 năm (tùy điều kiện từng làng) hoặc cũng có thể đột xuất vào các dịp trùng tu chùa, đình, am miếu, tô tượng hay đúc chuông, chùa làng lại tổ chức những lần đại lễ trai tiếu bạt độ giải oan hay trai đàn chẩn tế để cầu giải thoát cho vong linh tiên tổ, con em dân làng và các vong hồn phiêu dạt không nơi thờ cúng.

Ngoài ra, chùa làng cũng đảm nhận việc cúng tế của các gia đình trong làng như các nghi thức cầu cúng trong tang lễ. Trong quan niệm của người Quảng Trị thì việc tang ma là một việc đại sự vì thế dù giàu hay nghèo khi trong gia đình có người khuất núi thì gia đình cũng phải cố gắng tổ chức cho tươm tất. Có thể trong cuộc sống thường nhật họ chỉ là người dân lương, không quy y cửa Phật, ít có tín niệm về đức Phật nhưng khi trong gia đình có tang ma ông bà, cha mẹ họ vẫn nhiệt thành cầu thỉnh thầy chùa đến hộ niệm cho tang lễ. Họ nhờ thầy chùa trị quan nhập liệm cho người đã chết, sau đó là các lễ thành phục, cúng sáng, cúng ngọ, cúng chiều và tụng kinh siêu độ, cho đến ngày trước hôm an táng là những lễ: triêu điện, tịch điện, cúng thí thực và lễ cầu siêu. Ngày đưa đám là lễ khiển điện, triệt linh sàng, di quan, lễ tế đồ trung và trị huyệt, an thố và hoàn tất với lễ an linh, phản khốc, tạ Phật hoàn kinh. Sau chôn cất là các lễ cúng tuần, thất tuần, cúng 100 ngày, lễ cúng tiểu tường (giỗ đầu/nửa khó) và đại tường (giỗ thứ 2/hết khó) mới chấm dứt chu kỳ cầu cúng theo nghi thức Phật giáo để vong hồn siêu thoát.

Trong các làng xã cổ truyền của người Việt Quảng Trị, ngôi chùa vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh nhưng cũng là trung tâm văn hoá của các thành viên trong làng. Một mặt, ngôi chùa là chốn thờ Phật và các vị Bồ tát, nơi các thiện nam, tín nữ tới đó để tìm sự cân bằng cho cuộc sống trong lĩnh vực tư tưởng, tâm hồn nhằm hướng đến cái thiện, tránh cái ác... nhưng cũng là nơi thờ cúng tiên hiền, hậu thánh, tiền, hậu khai khẩn, khai canh, chư vị thuỷ tổ các họ tộc, các vong linh không có người phụng thờ... của cả làng, cả vùng. Sự dung hợp giữa tín ngưỡng bản địa mà đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với Phật giáo trong quá khứ, hiện tại và tương lai chính là chất keo gắn kết, tạo sự giao lưu, hòa hợp dân tộc góp phần cơ bản làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng vẫn không hề mất đi những giáo lý cơ bản của tôn giáo.

Như vậy, trong lịch sử cũng như hiện tại, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc. Các nghi lễ của tín ngưỡng dân gian đó hòa quyện quanh ngôi chùa Phật giáo, để ngôi chùa - cơ sở thờ tự của Phật giáo có vị trí đặc biệt trong đời sống của mọi người dân, là nơi bộc lộ đời sống tâm linh, lối sống cộng đồng, nơi giữ gìn, bảo lưu các giá trị văn hóa, đạo đức, đạo lý làm người… để làm phong phú bản sắc văn hóa của người Việt Quảng Trị.

C.T.V

Cái Thị Vượng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

8 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

8 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

8 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

8 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground