Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn nhân trong mắt văn nhân

Gần đây, văn đàn Việt Nam chứng kiến một xu hướng thú vị, đó là sự “lấn sân chơi” đến từ nhiều phía. Một số nhà lí luận phê bình “lỡ bước sang ngang” (từ mượn của Nguyễn Bính) đến địa hạt của sáng tác thơ, truyện, tản văn như Trương Đăng Dung, Huỳnh Như Phương, Hà Minh Đức, Mã Giang Lân, Hồ Thế Hà, Văn Giá, Phan Tuấn Anh… Và rất đáng ngạc nhiên là trong số những tác phẩm do những nhà lí luận phê bình viết nên, những người tưởng chừng như tâm hồn và bút pháp rất khô khan, lí tính, tầm chương trích cú, hóa ra lại rất thành công trên phương diện nghệ thuật, nhận được nhiều giải thưởng cao quý. Trường hợp tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng của nhà lí luận văn học Trương Đăng Dung (Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội năm 2011) là một ví dụ tiêu biểu. Đọc những tác phẩm văn học do các nhà lí luận phê bình viết nên, ta dễ nhận ra chiều sâu triết lý, những nền tảng triết - mỹ học ẩn giấu dưới hệ thống hình tượng đa nghĩa, các thủ pháp nghệ thuật tân kỳ, mang tính khai phóng. Nhiều nhà lí luận phê bình hiện nay trớ trêu “nghề tay trái” (sáng tác) còn nổi tiếng hơn cả “nghề tay phải” (nghiên cứu), và thậm chí họ trở nên hứng khởi, đam mê hơn đối với sáng tạo văn học so với viết lí luận phê bình. Quá trình “lại giống” này trong văn chương có lẽ cần nhiều hơn những nghiên cứu chuyên sâu, bài bản. Về phía ngược lại, nhiều nhà văn cũng vào độ tuổi “xưa nay hiếm” bỗng nhiên tức chữ “vỡ bờ” (từ mượn của Nguyễn Đình Thi) tràn sang địa hạt của lí luận phê bình. Con số nhà văn lấn sân này e còn nhiều hơn từ phía các nhà lí luận phê bình đi làm sáng tác. Ta có thể dễ dàng đưa ra hàng loạt ví dụ như Dương Tường (Chỉ tại con chích chòe), Nguyễn Huy Thiệp (Giăng lưới bắt chim), Trần Đăng Khoa (Chân dung và đối thoại), Mai Văn Hoan (Cảm nhận thi ca), Nguyễn Khắc Phê (Nhà văn và thời cuộc), Nguyễn Quang Lập (Bạn văn), Di Li (Chuyện làng văn)… và gần đây nhất là tuyển tập chân dung văn họcNhư cánh chim trong mắt của chân trời  của nhà văn trẻ Văn Thành Lê.

Văn Thành Lê là một gương mặt trẻ đáng chú ý trên văn đàn hiện nay, anh từng tham dự hai lần liên tiếp Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc (lần VIII và IX) do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Với hành trang chữ nghĩa gồm 10 tác phẩm (truyện ngắn, truyện dài và tản văn, thơ) đã xuất bản, trong đó, theo chủ quan của tôi đáng chú ý nhất là tiểu thuyết ngắn Không biết đâu mà lần , Văn Thành Lê xứng đáng là cây bút trẻ đáng đọc bậc nhất hiện nay, một cái tên mà các nhà xuất bản có thể hoàn toàn yên tâm cho đầu ra của tác phẩm. Dù chỉ mới ngoài 30 tuổi (anh sinh năm 1986), nhưng khác với xu thế của các nhà văn “lão thành” khác, Văn Thành Lê đã sớm dấn thân vào thử bút ở địa hạt phê bình, mà lại là phê bình chân dung nhà văn vốn đòi hỏi sự lịch duyệt trong ngôn từ và kinh lịch đọc. Như cánh chim trong mắt của chân trời <NCCTMCCT> ra đời theo tôi là một ví dụ đầy sinh động để chứng tỏ rằng khoảng cách mâu thuẫn, kì thị giữa nhà phê bình và nhà văn chỉ là một “huyền thoại” hư cấu không có cơ sở. Mối hiềm khích, bất hòa giữa nhà văn với nhà phê bình lâu nay trong giới văn chương vẫn thường được thêu dệt qua vô số những “huyền thoại”, như có nhà văn trước khi chết dặn dò gia đình nhất định không được chôn cạnh nhà phê bình. Lời qua tiếng lại giữa hai giới này cũng để lại nhiều câu chuyện “tiếu lâm” đầy thị phi như nhà phê bình thì tự nhận mình là “bà đỡ của tác phẩm”, nhưng nhà văn lại chỉ xem nhà phê bình chỉ như những “kẻ ăn theo”, “những tên đồ tể chuyên nghề phê bình đao búa”… Thực ra, từ góc độ vừa là người sáng tạo, lại vừa là người chủ yếu hoạt động trên địa hạt lí luận phê bình như một nghề nghiệp chính thức, tôi nghĩ mâu thuẫn nói trên chỉ là hư cấu có tính chất phóng tưởng, nghịch dị, bị cố tình thổi phồng quá mức. Giữa sáng tạo văn học với lí luận phê bình văn học chỉ như là mí trên và mí dưới của đôi mắt văn chương. Người mở được mí mắt trên tất cũng sẽ mở được mí dưới, để có thể nhìn sâu vào bản thể văn chương và thực tại cuộc đời. Nhiều năm qua, tôi vẫn nghĩ mình có một lợi thế cơ bản trong hoạt động lí luận phê bình, đó là vừa là người sáng tạo, vừa là người làm phê bình và lí thuyết. Chính cái thế lưỡng phân “vừa là, vừa là…” này hẳn cũng đã giúp cho Văn Thành Lê có nhiều thuận lợi khi lấn sân sang làm phê bình, kiểu như huấn luyện viên bóng đá sẽ có nhiều ưu điểm nếu đã từng là danh thủ bóng đá lừng danh như Zidane, Guardiola hay Conte hoặc Ancelotti vậy. Bởi vì, anh có thực tiễn phong phú và trải nghiệm từ bên trong trước khi đề ra lí thuyết hay mổ xẻ tác phẩm văn học. Phê bình văn học ở những trường hợp này, đó là nghiên cứu đồng nghiệp như viết về chính mình, viết về những cái tôi sáng tạo khác.

Cầm bản thảo chưa xuất bản của cuốn phê bình chân dung NCCTMCCT, quả thật tôi không hề bất ngờ chút nào, chỉ hơi ngạc nhiên vì sự ra đời của nó sớm hơn tôi tưởng. Không ngạc nhiên là bởi Văn Thành Lê vốn đã sớm thể hiện trong những sáng tác của mình tư duy lí thuyết văn học rất bài bản, đọc văn chương của anh, nhất là tiểu thuyết, ta hoàn toàn có thể thấy nhà văn trẻ ngày nay không còn viết theo cảm tính với vốn tự có của cảm xúc nữa, mà họ là những người có ý thức rất chuyên nghiệp về nghề viết. Ý thức chuyên nghiệp ấy thể hiện ở chỗ trước khi đặt bút xuống viết họ đã là những người nghiên cứu lí thuyết văn học, do đó sự áp dụng lí thuyết văn học vào sáng tạo văn chương là rất nhuần nhuyễn. Họ cũng là những người đọc nhiều, đọc rộng, đặc biệt là đọc lí thuyết văn học mới (hiện đại và hậu hiện đại). Chúng ta đang sống và viết trong một “thời đại mà sự ngây thơ đã bị đánh mất” như cách nói bóng bẩy của Umberto Eco, bởi người đọc ngày nay đều là những người thông minh, tinh anh, có nhiều hiểu biết về lí thuyết văn học. Những nhà văn thế hệ trước, thường cổ xúy viết theo bản năng, “vô chiêu thắng hữu chiêu” nay đã trở nên lạc lõng trong sinh quyển văn học mới, bởi công chúng đọc “bình dân học vụ” đã không còn tồn tại, môi trường tiếp nhận thụ động cũng đã đánh mất. Ngày nay, bạn đọc đến với văn chương không đơn giản để được giáo dục, để giải trí, mà họ đến với văn chương như một suy tư nghệ thuật, một cách để chiêm nghiệm triết - mỹ học, hoặc tri âm với người nghệ sĩ mình yêu mến. Nhà văn do đó phải đồng thời là nhà lí luận phê bình. Tuy vậy, tôi vẫn hơi ngạc nhiên khi Văn Thành Lê sớm công bố công trình phê bình của mình, nhất là trong hoàn cảnh anh vẫn năng sản trong sáng tạo văn chương, gần như năm nào sách nấy. Mười tác phẩm ở độ tuổi 30 là kinh khủng. Có lẽ, với đặc thù nghề nghiệp có nhiều thuận lợi để phê bình, bởi Văn Thành Lê trước làm biên tập tạp chí văn nghệ ở Bà Rịa, sau làm biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng ở Sài Gòn, có nhiều điều kiện đi lại, quen biết trong văn giới, nên anh viết phê bình chân dung văn nhân cũng thật tự nhiên, như một ghi chép giản dị trong công việc thường nhật của mình.

Về công trình phê bình chân dung NCCTMCCT, trước tiên ta phải thấy rằng cách viết phê bình của Văn Thành Lê khá cổ điển, anh vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp tiểu sử học và ấn tượng. Những phương pháp mà Hoài Thanh cùng Trương Tửu đã đẩy lên đến đỉnh cao. Tuy nhiên, trong phê bình văn học cũng như trong võ học, vấn đề không nằm ở phương pháp hay chiêu thức mới hay cũ, mà là tính hiệu quả của nó khi thi triển. Điều này phụ thuộc vào công phu, nội lực của người viết/võ. Với tiểu sử học, mặc dù Văn Thành Lê vẫn chủ yếu phác thảo nên chân dung văn nhân từ đời tư và hoàn cảnh sáng tạo của họ, bởi gần như trong 24 gương mặt văn nhân anh chọn ra để đưa vào sách, thì có hơn 20 gương mặt anh có quen biết, thậm chí thân thiết ở ngoài đời, nhưng không thể nói phương pháp phê bình này đã làm cho công trình của anh trở nên nhàm chám, cũ mòn. Ngược lại, thông qua một phương pháp phê bình tưởng chừng như đã trở nên cổ/kinh điển là tiểu sử học, Văn Thành Lê lại tạo ra nhiều nét mới mẻ, thú vị trong phê bình, khi anh giúp người đọc tiến sát hơn tâm hồn, thân phận cá nhân của nhà văn. Từ đó, khuôn mặt và nhân cách của họ hiện ra thật rõ ràng, độc giả nhờ đó hiểu hơn về nhà văn và cũng yêu quí, cảm thông với họ nhiều hơn. Nhiều đặc điểm nghệ thuật trên văn bản văn học của nhà văn cũng có thể được giải thích phần nào thông qua phương pháp tiểu sử học này. Hẳn rằng, nhờ đọc NCCTMCCT, với phương pháp tiểu sử học được sử dụng một cách hiệu quả, mà người tiếp nhận mới có nhiều thông tin về đời sống văn học Việt Nam đương đại và đời tư nhà văn Việt Nam đến như thế. Nhiều tư liệu quí đã được Văn Thành Lê chia sẻ thông qua phương pháp này. Ví dụ, ở góc độ vĩ mô, cuốn NCCTMCCT đã giúp cho chúng ta thông tin đầy đủ về sự ra đời, hình thành, phát triển của những trào lưu, hội nhóm văn học trẻ Việt Nam tiêu biểu nửa cuối thế kỉ XX như Hương đầu mùaVòm me xanh mà đặc biệt là Gia đình Áo trắng. Ở góc độ đời tư thế sự của văn nhân, chúng ta hiểu vì sao văn Trần Thùy Mai thường cô đơn, nhẹ nhàng nhưng trầm buồn đến thế, bởi ở chị có một cuộc sống gia đình không trọn vẹn, người chồng bôn ba tận Liên Xô rồi không trở về trong suốt thời gian chị tuổi thanh xuân. Chúng ta càng yêu quí hơn thi sĩ Nguyễn Lãm Thắng bởi tính “hiếu bạn” của anh, nhưng càng nể phục người vợ của anh hơn, bởi anh sẽ không làm được gì nếu thiếu bàn tay tần tảo và tâm hồn cảm thông của vợ sau mỗi trang thơ, mỗi bàn nhậu với khách thơ. Cũng nhờ đọc thông tin tiểu sử của Trịnh Sơn, ta có thể hiểu sự ngang tàng, gai góc trong trang viết và diện mạo, tính cách con người của anh. Vốn sinh ra trong một gia đình mà bố chuyên nghề… đưa người đi vượt biên sau 1975, cả gia đình thi nhân sau đó gần như định cư ở Mỹ, nên tính cách của Trịnh Sơn là lãng du, dang dở. Hàng loạt bài thơ của Trịnh Sơn mà tiêu biểu nhất có lẽ là Đứa bé đã kể lại thân phận, sóng gió và bi kịch của những người lênh đênh trên biển và cả ở nơi đất khách quê người. Chúng ta cũng biết thêm về một Hồ Anh Thái bên cạnh là nhà văn nổi tiếng còn là người tuyển văn, đãi cát tìm tài năng văn chương cho cả thế hệ cầm bút mới như Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Ngọc Thuần… Ngoài ra, là vô số chuyện thú vị về cuộc đời văn nhân như nhà thơ Lê Huy Mậu bắn gà chỉ cách 3m cũng trượt. Bộ phim truyền hình nổi tiếng một thuở là 12A và 4H vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết Vĩnh biệt mùa hè của Nguyễn Đông Thức. Nhà thơ Nguyễn Liên Châu thơ hay đến mức lâu lâu lại thấy trên mạng internet có người đạo thơ ông để tán gái, thậm chí là dự thi thơ và… đoạt giải. Nhà thơ Hoàng Quý tám năm lăn lộn ở vùng cao, lâu lâu lại mang quả đầu chí rận về cho… vợ tẩy trần. Nhà văn Trần Nhã Thụy (dẫn lại lời nhà văn Di Li) kiệm lời đến mức gặp ai cũng gần như nói mỗi hai câu: “Xin chào! Rất vui được gặp bạn” rồi đến khi chia tay là “Tạm biệt! Hẹn gặp lại”. Những chuyện hậu trường của làng văn như hàng loạt nhà văn từ vùng cao chuyển về vùng trung tâm, thủ đô đều hầu như không sáng tác được nữa, hoặc không sáng tác hay như cũ… Những tư liệu đời tư nhà văn, làng văn như thế này có đầy rẫy trong NCCTMCCT, bạn đọc có thể bắt gặp kho tư liệu sinh động đầy ắp kỉ niệm này trong mỗi trang viết. Có thể nói qua phương pháp tiểu sử học, Văn Thành Lê không chỉ nới rộng văn bản ra cuộc đời nhà văn, mà còn chứng minh rằng bản thân cuộc đời, nhân cách, số phận của nhà văn cũng là một văn bản đầy thú vị, mang tính nghệ thuật. Do đó, Văn Thành Lê thực sự là người đọc tri âm lí tưởng cho đồng nghiệp của anh. Những trải nghiệm sống cùng này, thường chỉ văn nhân viết về văn nhân mới đạt đến mức cảm thông và thấu hiểu như vậy. Nhà lí luận phê bình chuyên nghiệp thông thường không có nhiều điều kiện để tiếp xúc, cách sống và cách nghĩ của họ cũng có thể hàn lâm hơn, do đó đọc văn bản phê bình của văn nhân viết về văn nhân bao giờ cũng mang điểm nhìn từ bên trong, đầy tính phát hiện mà cũng rất bao dung, độ lượng ngay với cả những hạn chế, tật xấu, khiếm khuyết của đồng nghiệp.

Phương pháp thứ hai mà Văn Thành Lê sử dụng khá phổ biến, và cũng khá thành công trong NCCTMCCT đó là ấn tượngPhê bình ấn tượng ở Việt Nam có lẽ đã được đẩy lên đến đỉnh cao với Hoài Thanh (Thi nhân Việt Nam), đây cũng là phương pháp phê bình cổ điển nhất, đặc biệt là đối với văn chương phương Đông. Với mệnh đề nổi tiếng của Hoài Thanh “tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, phê bình ấn tượng là cảnh giới mà có lẽ bất cứ nhà phê bình nào, dù khách quan, lí tính nhất có thể vẫn phải vận đến trong quá trình đọc văn bản. Có thể phê bình văn học đương đại ngày nay, thường được nhấn mạnh ở tính khoa học của nó, không còn là cuộc phiêu lưu tinh thần của chính nhà phê bình qua các tác phẩm văn học như cách nói của Anatole France, nhưng dẫu ý thức cố gắng nỗ lực đến chừng nào, nhà phê bình đương đại vẫn không thể loại bỏ toàn triệt cái tôi chủ quan của mình trong văn bản, bởi phê bình trong tận căn cốt bản chất của nó, vẫn chỉ là một cách đọc chủ quan của chủ thể. Hơn nữa, phê bình văn học vốn là bộ môn vừa là khoa học, lại vừa là nghệ thuật. Sức mạnh và sức sống của phê bình nằm ở đặc trưng nghệ thuật, chủ quan ấn tượng của nó. Do đó, dễ dàng thấy rất nhiều nhà văn có xu hướng lấn sân đi làm phê bình, chứ rất ít người đi làm lịch sử văn học, lí luận văn học hay dịch văn học. Nhà văn không lựa chọn các bộ môn còn lại chẳng phải do họ kém cỏi, mà chỉ bởi rằng tư duy sáng tạo và tư duy phê bình có đến ½ phần tương thích. Một bên là sáng tạo mới, trực tiếp thổ lộ tâm sự cá nhân, một bên là sáng tạo lại, thông qua tác phẩm của đồng nghiệp để nói lên tâm sự cá nhân. Văn Thành Lê với lợi thế là nhà văn có duyên trong sáng tác, nên anh đã mang cái duyên ấy vào trong phê bình.

Có thể nhận ra hàng loạt những nhận định mang tính ấn tượng chủ quan trong NCCTMCCT. Khi nhìn ngoại hình nhà văn Vũ Hùng ngày nay, tác giả viết: “Hình dung rồi lại tếu táo nghĩ, ánh mắt ấy, nụ cười ấy… chắc hẳn thời trẻ ông bị nhiều “nàng” xoay lắm”. Nhìn về nhà thơ Nguyễn Liên Châu, anh viết: “Cứ như thể chữ nghĩa đã ăn mòn con người ông. Nguyễn Liên Châu nhỏ bé như không thể nhỏ bé hơn được nữa… tôi lại liên tưởng đến chú ve, chú ve trưởng lão… áo quần mặc ông chứ không phải ông mặc áo quần”. Về tác phẩm Nháp của Nguyễn Đình Tú, anh lại có lối ví von hình tượng: “Nhiều nhà xuất bản lắc đầu. Lý do: sex quá. Cuối cùng Nháp vẫn ra đời, sinh mổ, vì phải cắt đôi ba chỗ để tiết chế hơn” (YT nhấn mạnh). Rõ nhất vẫn là đoạn anh viết về nhà văn nữ Đỗ Bích Thúy, Văn Thành Lê công nhiên nhiều lần khen đối tượng phê bình là nhà văn trẻ đẹp và ngày càng đẹp. Cái thiên tư nghệ sĩ đa tình, có phần trăng hoa của nhà văn lúc này hiện ra rõ nhất, cứ như vẻ đẹp là một “đặc trưng thẩm mỹ” và là “hình thức thi pháp” của đối tượng phê bình (!). “Thêm một điều Đỗ Bích Thúy đi ngoài qui luật nữa, là chị… đẹp. Hình như người đẹp và văn chương trước giờ chẳng dây mơ rễ má gì với nhau. Không hiểu sao, người đẹp thường ít viết văn. Người đẹp thường bận bịu với việc làm sao để… đẹp hơn nữa hoặc cho mọi người thấy cái đẹp của mình, chứ thời gian đâu nghĩ suy…”. Thực ra, đây là những nhận định có phần “nịnh đầm”, đầy chủ quan và galant của nhà phê bình, chứ nhà văn nữ xinh đẹp và tài năng vốn không hiếm, ở thời điểm đương đại có thể thấy Di Li, Huệ Thi, Trần Quỳnh Nga, Chu Thùy Anh, Tiểu Quyên, Lê Thùy Vân, Tờ Pi, Phan Ý Yên, Vũ Thiên Kiều,… đều là những hotgirls cả.

Từ phương pháp ấn tượng nói trên, đưa đến một đặc trưng khác trong diễn ngôn phê bình của Văn Thành Lê, đó là chất lãng mạn trữ tình trong tự sự, nhiều đoạn (nhất là những đoạn mở đầu) có chất tản văn, bút kí. Đây cũng là lợi thế khi nhà văn viết phê bình, họ xem phê bình như một dạng thức sáng tạo khác. “Mùa Giáng sinh đang sầm sập sau lưng. Lạ là Sài Gòn vẫn dùng dằng chưa tiễn hết những cơn mưa. Hơi nước còn quấn quýt phủ phục trong thành phố”. Hoặc “Tháng Ba. Nắng bắt đầu cục cựa dìu mùa vào hạ”… Bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy những đoạn “trữ tình ngoại đề” này trong diễn ngôn phê bình của Văn Thành Lê. Những đoạn tản văn trữ tình này hoàn toàn có thể tách rời văn bản phê bình mà không gây tổn hại cho ý nghĩa của văn bản, cũng như cho chính nó, đây chính thế mạnh trong phê bình của Văn Thành Lê.

Cũng do đặc tính ấn tượng trong phê bình, nên đối với nhà văn vốn hài hước, thường xuyên sử dụng thủ pháp giễu nhại, carnaval trong sáng tạo văn xuôi như Văn Thành Lê, thì tất yếu trong diễn ngôn phê bình của anh tiếng cười không thể vắng bóng. Về Lê Huy Mậu anh viết: “Ngắn” thất bại. Còn “dài”? Dài là (trồng cây – Y.T) tiêu và điều thì thành… tiêu điều”. Về Phan Hồn Nhiên, “Sao mình cũng Phan như người ta mà càng viết càng thụt lùi”. “Nhưng Phan người ta đi với Hồn Nhiên”. “Không lẽ phải đổi bút danh thành Phan Đơn Sơ mới nổi được?”. Về Nguyễn Xuân Thủy là kỉ niệm say xe và vẫn tếu táo: “Chuẩn bị rồi… sắp nôn rồi… Miệng mở ba phân rồi”… Những ai từng đọc văn xuôi Văn Thành Lê, nhất là tiểu thuyết Không biết đâu mà lần sẽ thấy rất quen thuộc lối nghĩ và hành văn đầy ắp tiếng cười carnaval này của tác giả. Những bạn đọc của nhà văn Văn Thành Lê vốn từng yêu quí tác phẩm văn học của anh bởi sự dí dỏm, hài hước, một lần nữa sẽ hứng khởi với nhà phê bình Văn Thành Lê cũng với những phẩm chất ấy.

Tuy vậy, nếu phê bình của Văn Thành Lê chỉ dừng lại ở các phương pháp tiểu sử học và ấn tượng cùng diễn ngôn đầy hình tượng, hài hước thì NCCTMCCT sẽ dễ dàng lẫn vào lối mòn của hàng trăm cuốn phê bình đầy chủ quan cảm tính khác mà các nhà văn ít tên tuổi hiện nay tự bỏ tiền túi xuất bản chơi. Phê bình văn học dẫu nghệ thuật đến chừng nào vẫn cần giữ lại cái gốc khoa học của nó. Người viết phê bình, nhất là trong thời điểm toàn cầu hóa tri thức hậu hiện đại, khi bạn đọc đã có tầm đón nhận tiệm cận chuyên nghiệp, luôn đòi hỏi sự trang bị các lí thuyết nghiên cứu văn học mới. Đọc diễn ngôn NCCTMCCT của Văn Thành Lê, ta có thể thấy người viết được “vũ trang” khá nhiều các “vũ khí” lí luận phê bình mới. Mỹ học tiếp nhận là lí thuyết được sử dụng nhiều nhất. “Cảm giác như Hồ Anh Thái muốn giữ khoảng cách nhất định giữa mình với người đọc. Đấy là khoảng cần thiết để chính tác phẩm của ông “điền vào chỗ trống” ấy. Hay nói cách khác, ông muốn để tác phẩm tự cất lời chia sẻ”. Nhà văn (tiền hiện đại) thường có nhược điểm viết theo cảm tính, xem tác phẩm là sự minh giải chủ thể, “thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo”. Nhà văn hậu hiện đại hiểu sâu sắc tác phẩm văn học được tạo nghĩa thông qua quá trình đọc, bởi người đọc. Như mệnh đề nổi tiếng của Roman Ingarden, tác phẩm văn học là “vật hai lần có ý thức”. Hay như Hans Robert Jauss, “lịch sử văn học là lịch sử của tiếp nhận văn học”. Do đó, nhà văn ngày nay buộc phải quan tâm đến người đọc như một chủ thể “đồng sáng tạo”, nó thể hiện cho quá trình dân chủ hóa văn học, dựa trên nguyên tắc đa nguyên và đối thoại của văn bản. Người đọc như thế không phải là động vật “nhai lại”, con chiên đi tìm ý nghĩa phán truyền từ thượng đế tác giả, mà anh ta chính là chủ thể cấp nghĩa cho tác phẩm văn học. Mỹ học tiếp nhận do đó là lí thuyết được Văn Thành Lê quan tâm, ứng dụng nhiều nhất trong phê bình. Mọi chân dung văn học trongNCCTMCCT đều được soi chiếu giá trị, tầm vóc trong mối quan hệ với người đọc, thông qua người đọc để định vị vị trí văn chương của họ. Ngoài ra, lí thuyết về nghịch dị (grotesque), thi pháp, tự sự… cũng được nhà phê bình sử dụng nhiều trong việc phân tích các trường hợp như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Lãm Thắng, Phan Hồn Nhiên…

Phê bình của Văn Thành Lê còn có điểm đáng ghi nhận khác, đó là sự nỗ lực giãn nới không gian, phạm vi của đối tượng phê bình, từ văn học ra văn hóa, từ văn chương để nói về thời cuộc. Có cảm giác như chân dung nhà văn chỉ là ga đi trong NCCTMCCT còn ga đến của cuốn sách này rộng hơn thế, muốn phê bình thời đại văn chương. Qua chân dung Đoàn Giỏi, Văn Thành Lê muốn đưa ra nhận định không phải bao giờ thời gian, bạn đọc cũng công bằng với văn nhân. Tầm vóc của một nhà văn đôi khi ngay trên chính quê hương của mình vẫn vấp phải cảnh “bụt chùa nhà không thiêng”. Ở Tiền Giang không hề có con đường nào mang tên Đoàn Giỏi, cho dù ông đã quảng bá văn hóa phương Nam ra khắp thế giới. “Đoàn Giỏi thuộc số ít nhà văn đi nhiều, viết nhiều nhưng cuối đời lại không thuộc về nơi đâu. Kiểu miền Bắc thì được xem là người miền Nam, về Nam thì lại được xem là người từ miền Bắc”. Nhà văn Vũ Hùng từng lăn lộn trên chiến trường, nhưng cuối đời vì sang Pháp định cư mà: “tên tuổi ông trên văn đàn bị mờ nhòe, bị bao phủ bởi những chuyện tam sao thất bản”. Thân phận nhà văn, mà rộng ra là thân phận trí thức ở Việt Nam nói như Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng bé mọn, chịu nhiều bão tố qua các biến động của lịch sử. Dùng văn học để bàn rộng ra về văn hóa cũng là cách để nhà phê bình chứng minh câu chuyện của văn chương thực chất không gói gọn trong văn bản văn học, mà là câu chuyện của thời đại, câu chuyện nền tảng tri thức nói chung. Qua chân dung Trần Thùy Mai, Văn Thành Lê đưa đến nhận định chất Huế nghiêng về nữ tính hơn nam tính, “phụ nữ làm nên gương mặt của Huế”. Hoặc qua Phan Hồn Nhiên, anh muốn phủ định một tín niệm: “Trước giờ, người Việt vẫn bị xem là hạn chế trong tưởng tượng, nhất là tưởng tượng ra khỏi khung hiện thực”.

Người làm phê bình văn học thực sự khác người đọc phổ thông với những cảm nghĩ thông thường ở chỗ, họ là người đọc chủ động, có kinh nghiệm thẩm mỹ, có tầm đón đợi cao, được trang bị lí thuyết văn học và như vậy, hẳn nhiên họ không phải là người đọc thụ động, ngây thơ mà là những người có quan niệm nghệ thuật rõ ràng. Đọc NCCTMCCT, ta có thể thấy Văn Thành Lê mặc dù là nhà văn trẻ, nhưng anh đã sớm xác lập cho mình những quan niệm (về) văn chương hết sức rõ ràng, mới mẻ. Qua từng chân dung, nhà phê bình đã đưa ra quan niệm văn chương mà thiết nghĩ có thể tách riêng ra để đưa vào trong những công trình lí luận văn học mà không làm tổn hại đến ý nghĩa. Ví dụ, “Người ta chỉ trở thành nhà văn từ tác phẩm thứ hai, bởi tác phẩm đầu tiên giống như nhật kí, thường viết về chính mình, còn tác phẩm thứ hai phải cần đến óc tưởng tượng, là thứ mà nhà văn rất cần” - đây chính là quan niệm về bản chất của sáng tạo văn học của nhà văn. “Với nhà văn, chẳng có gì là bất khả. Mọi đề tài đều có thể chạm đến, bởi nhà văn có một thứ quyền năng, là tưởng tượng” – đây chính là quan niệm về tự do sáng tạo. “Văn chương Việt trước giờ vẫn bị cho là dè sẻn tiếng cười. Thừa bi kịch u uẩn mà thiếu hài hước trào lộng, nhất là dám giễu nhại chính mình” - đây là quan niệm về văn học dân tộc. “Nhắc lại, để thấy, hóa ra, rất vô hình, vẫn có những cái vòng kim cô giăng mắc đâu đó quanh người viết và quanh tác phẩm” “Có thực tế là, “cái tên” của một số tác giả “lớn hơn” tác phẩm và đóng góp của học” - đây là quan niệm về những giới hạn trong văn học nước nhà đương đại. “Văn học thiếu nhi, trước đến giờ, dù không ai nói ra thành lời, nhưng vẫn ngấm ngầm bị xem là chiếu dưới, là mua vui cho con trẻ “một vài trống canh” - đây là quan niệm về những khu vực văn học ngoại biên… Tóm lại, đằng sau mỗi chân dung, mỗi câu chữ, mỗi hình tượng và nhận định, Văn Thành Lê luôn khéo léo cài cắm, kèm cặp các quan niệm về văn chương của mình. Tuyển tập phê bình chân dung của anh, do đó cũng có thể xem là tuyển tập quan niệm văn học của nhà phê bình. Chính điều này làm nên sức nặng tư tưởng cho tác phẩm, và tôi nghĩ, đó cũng là điều kiện để tác giả sẽ còn đi xa hơn trong nghệ thuật, khác với một số ngôi sao thị trường sớm nở chóng tàn bởi chỉ biết sáng tạo dựa vào năng khiếu, cảm thụ cá nhân.

Tuyển tập chân dung văn học NCCTMCCT như vậy là công trình thú vị và đáng đọc trong đời sống phê bình vốn trầm lắng và ít chứng kiến phát hiện mới mẻ như hiện nay. Tôi nhấn mạnh, đối với công trình phê bình đầu tay của một nhà văn trẻ mới chỉ tròn 30 tuổi thì ấn tượng này càng trở nên đậm nét. Tuy nhiên, cũng cần phải góp ý với tác giả về một vài giới hạn, trong giới hạn chủ quan của người viết “phê bình về phê bình”, đó là cần dựa vào văn bản nghệ thuật nhiều hơn nữa khi đánh giá một nhà văn. Nói như Lê Đạt, cần phải để con chữ bầu lên nhà văn, khi nhận định về một nhà văn chi tiết tiểu sử, hoàn cảnh sáng tạo dẫu sao cũng chỉ nên để tham khảo, dù vẫn biết đây là thế mạnh đặc thù của Văn Thành Lê - đi nhiều biết rộng. Có một số chân dung gần như nhà phê bình không trích dẫn một đoạn nào trong tác phẩm của họ, dẫn đến nhận định đôi khi thiếu thuyết phục, nặng về chủ quan bởi người đọc phổ thông không phải ai cũng mặc định đã đọc tác phẩm của các nhà văn ấy. Một số nhận định có thể còn quá đà, cũng như nếu cuốn sách này có thêm phần ảnh chân dung của các nhà văn được xét đến thì sẽ hoàn thiện hơn. Dẫu sao không thể đòi hỏi sự hoàn thiện tuyệt đối, bởi chúng ta tất yếu phải tồn tại trong những giới hạn của cuộc đời chính mình.

Khép lại cuốn sách của Văn Thành Lê, tôi nghĩ về một hình tượng cặp đôi thú vị, đầy lưỡng phân trong con người của tác giả, đó chính là cầu thủ và trọng tài. Văn Thành Lê vừa viết văn lại lấn sân sang phê bình, vốn là những địa hạt đầy định kiến với nhau, dù gắn bó một cách mật thiết, không thể tách rời. Nhà văn như cầu thủ, tự do sáng tạo, chơi bóng, thậm chí có thể “chơi xấu” khi cần thiết, còn nhà phê bình phải như trọng tài, phán xét, phân định tác phẩm của nhà văn, dĩ nhiên là có thể nhận định sai lầm. Điều đó làm nên vẻ đẹp của bóng đá và cả phê bình. Một người từng là “cầu thủ”, tiến lên làm “trọng tài”, dĩ nhiên anh ta có nhiều kinh nghiệm hơn, cũng nhận được nhiều sự tôn trọng từ phía cầu thủ và khán giả. Ta sẽ xem những trận chung kết trong tương lai, anh sẽ “bắt” thế nào, chấp nhận sẽ bẽ bàng, tai nạn của nghề nghiệp ra sao. Xin chúc anh vững tay trong những lần “hòa giải”, “thổi còi” và “rút thẻ”.

Y.T

Yến Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 291 tháng 12/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

11 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

11 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

11 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

11 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground