Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Từ thành phố này Người đã ra đi…

T

rong bài thơ Ta đi tới (sáng tác 8-1954) nhà thơ Tố Hữu đã hân hoan và hào sảng viết: “Ai đi Nam Bộ / Tiền Giang, Hậu Giang / Ai về thành phố / Hồ Chí Minh / Rực rỡ tên vàng”. Đó là một tiên cảm tài tình của nhà thơ để hơn hai mươi năm sau khi đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, giang sơn thu về một mối, thành phố Sài Gòn vốn được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông” vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu (Ngày 2-7-1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên Sài Gòn thành “Thành phố Hồ Chí Minh”, theo tên vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Chiến dịch lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn non sông, tháng Tư năm 1975, vinh dự mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh (đúng như ca từ của bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người - sáng tác của nhạc sỹ Cao Việt Bách: “Từ thành phố này Người đã ra đi / Bao năm ước mơ đón Bác trở về / Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân”). Bài thơ Ta đi tới, như chính nhan đề, đã tái hiện khí thế sục sôi đi tới của cả một dân tộc sau cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm (1945 - 1954), kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ: “Ta đi tới không thể gì chia cắt / Mục Nam quan đến bãi Cà Mau / Trời ta chỉ một trên đầu / Bắc Nam liền một biển / Lòng ta không giới tuyến / Lòng ta chung một Cụ Hồ / Lòng ta chung một Thủ đô / Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”. Trong sách Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010, tập 1, trang 20) có ghi lại cuộc trò chuyện thú vị của nhà thơ Tố Hữu với phóng viên báo Văn nghệ:

- Bế Kiến Quốc: Anh cũng là người đầu tiên trong thơ nhắc đến Sài Gòn với tên là “Thành phố Hồ Chí Minh” trong bài Ta đi tới?

- Tố Hữu: Ấy, nhân tiện kể cho vui. Lúc mình viết như vậy, Bác đọc, Bác tủm tỉm cười: “Ai cho phép chú đặt tên như thế?”. Mình hoảng: “Dạ, thưa Bác, có ai cho phép đâu. Nhưng nguyện vọng của đồng bào ưng rứa, xin Bác cho phép gọi rứa, trong thơ mà, để đồng bào thỏa mãn”.

Người ta nói đến năng lực tiên cảm, dự báo như là phẩm tính hàng đầu của những nghệ sỹ lớn. Tố Hữu là một trong những nhà thơ lớn trong nền văn chương Việt Nam thời kì hiện đại. Ở đây không có cái gọi là “chiêm tinh”, mà là sự trải nghiệm đời sống ở cả tầng cao và bề sâu của nó, và quan trọng hơn cả là trải nghiệm văn hóa. Là tấm lòng của nghệ sỹ. Một nghệ sỹ lớn có đủ tâm và tầm nhìn thấu thời gian khiến tác phẩm có phẩm tính dự báo, có tầm đón đợi. Đó là cái nhìn thấu thị sự vật, nắm được quy luật phát triển của sự vật. Trong sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Tố Hữu, bài thơ Ta đi tới được đánh giá như một mốc son. Cái mốc son ấy khẳng định tầm nhìn xa và tinh anh của một cánh chim đại bàng. Không phải ngẫu nhiên người ta ví von Tố Hữu là cánh chim đầu đàn trên bầu trời thi ca hiện đại Việt Nam thế kỷ hai mươi. Trở lại câu hỏi mà nhiều người vẫn còn chưa thật thỏa mãn: Vì sao vào thời điểm tháng 8-1954, ngay sau khi miền Bắc vừa được giải phóng, miền Nam tạm thời thuộc vùng kiểm soát của đối phương (từ Vĩ tuyến 17 trở vào) theo hiệp định Giơnevơ về hòa bình Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu đã tiên cảm được sự kiện Sài Gòn sẽ mang tên “Thành phố Hồ Chí Minh” trong tương lai không xa? Trong hồi ký Nhớ lại một thời (Nxb Hội Nhà văn, 2000), nhà thơ Tố Hữu có nói về tâm trạng “ngày Bắc đêm Nam” không chỉ của riêng mình - một người con của xứ Huế mộng mơ đang nằm bên kia Vĩ tuyến 17 - mà là của cả hàng triệu người dân sống trên miền Bắc hòa bình ngày đêm hướng về miền Nam ruột thịt. Đặc biệt với Lãnh tụ Hồ Chí Minh, tình cảm của Người với miền Nam còn sâu nặng hơn vì “Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi”. Trong bài thơ Chúc mừng năm mới (Xuân năm 1964), nhà thơ Hồ Chí Minh đã viết những vần thơ giản dị và xúc động: “Nam Bắc như cội với cành / Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng / Rồi đây thống nhất thành công / Bắc Nam ta lại vui chung một nhà / Mấy lời thân ái nôm na / Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Đúng như câu thơ Tố Hữu đã viết: “Bác nhớ Miền Nam, nỗi nhớ nhà / Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha” (Bác ơi!). Sinh thời, Bác Hồ vẫn mong có được ngày vào thăm đồng bào, chiến sỹ miền Nam đã đi trước về sau trong cuộc trường chinh kháng chiến mười nghìn ngày (1945 - 1975) đánh bại hai đế quốc lớn của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ.

Thật độc đáo khi trong bài Đám cưới giữa mùa xuân (1965) của nhà thơ Viễn Phương có những câu thơ lay động lòng người: “Quyết đến giữa Sài Gòn hát bài ca giải phóng / Cắm ngọn cờ trên đô thị vinh quang / Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ ánh sao vàng”. Như vậy cái ý tứ được khơi mở bởi nhà thơ Tố Hữu từ bài thơ Ta đi tới (8-1954) - Sài Gòn sẽ mang tên thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai - được kiến trúc lại qua những câu thơ của Viễn Phương. Nếu với nhà thơ Tố Hữu “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” thì với nhà thơ Viễn Phương đó là “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ ánh sao vàng”. Ánh sao vàng trên cờ Tổ quốc. Cờ Tổ quốc được giương cao, tung bay ngày chiến thắng. Tâm hồn rộng mở của nhà thơ dường như đang ùa vào niềm vui chiến thắng khi bước vào trận đối đầu lịch sử của quân dân ta giành thắng lợi cuối cùng - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đoàn quân giải phóng miền Nam trên chặng đường thiên lý đã đi được 11 năm (từ 1954 đến 1965). Và còn phải hành quân tiếp mười năm nữa cho đến trưa ngày 30-4-1975 lịch sử khi lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc nhà Dinh Độc Lập. Cảm hứng đó trào dâng trong bài thơ Toàn thắng về ta (1975) của nhà thơ Tố Hữu: “Ôi, buổi trưa nay đẹp tuyệt trần / Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta / Chúng con đến, xanh ngời ánh thép / Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”. Và ca khúc Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của nhạc sỹ Phạm Tuyên đã cất lên hùng tráng, thiết tha, chen lẫn trong những giọt nước mắt hạnh phúc, trong một tâm trạng thăng hoa.

Mùa khô năm 1974, nhà thơ Nguyễn Đình Thi có mặt trong một đoàn công tác vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên. Dường như nhà thơ muốn được thử thách nhiều hơn trong lửa đỏ và nước lạnh như câu thơ của Tố Hữu trong bài thơ dài Nước non ngàn dặm (1973): “Trường Sơn, đông nắng, tây mưa / Ai chưa đến đó, như chưa hiểu mình”. Mùa khô Tây Nguyên đất bazan cuốn bụi đỏ mù mịt. Mùa khô Tây Nguyên lá đỏ bầm vì thiếu nước. Mùa khô Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Trong khung cảnh thiên nhiên vừa khắc nghiệt vừa hùng tráng ấy, nhà thơ đã gặp những cô gái (hoặc là thanh niên xung phong, hoặc là bộ đội, hoặc là du kích). Họ có nét giống nhau tượng trưng cho phẩm tính của người phụ nữ Việt Nam thời đại cách mạng và chiến tranh “Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang”. Họ tạo nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Bài thơ Lá đỏ được viết liền sau đó, ngay sau dấu vết nóng hổi của sự kiện, ngắn nhưng cô đặc nỗi niềm xúc động của nhà thơ trước vẻ đẹp giản dị nhưng vĩ đại của con người kháng chiến: “Gặp em trên cao lộng gió / Rừng lạ ào ào lá đỏ / Em đứng bên đường / Như quê hương / Vai áo bạc quàng súng trường / Đoàn quân vẫn đi vội vã / Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa / Chào em em gái tiền phương / Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…”. Bài thơ Lá đỏ vẻn vẹn chỉ có 9 dòng với 49 chữ nhưng được nén chặt cảm xúc và nặng trĩu tình cảm đồng bào, đồng chí, đồng đội. Câu thơ cuối để lại dư ba “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…”. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết bài thơ này vào mùa khô năm 1974. Vào thời điểm đó, một người bình thường không thể hình dung được ngày 30-4-1975 chiến tranh kết thúc, toàn thắng về ta. Và chưa một ai dám hẹn hò người thân quen của mình là “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…” vào cái thời điểm cuối năm 1974. Hẹn hò như thế là tin tưởng tuyệt đối vào ngày chiến thắng đã cận kề. Hẹn hò như thế phải từ một chủ nghĩa lạc quan triệt để, một cảm hứng lãng mạn phi thường. Nhưng không hề là bốc đồng, hay lạc quan tếu. Người ta gọi đó là tầm đón đợi của tác phẩm nghệ thuật. Bài thơ Lá đỏ đã đi vào âm nhạc. Lá đỏ (Thơ - Nguyễn Đình Thi; Nhạc - Hoàng Hiệp) là một nhạc phẩm đẹp của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Nó trở thành biểu tượng của niềm tin yêu cuộc sống, con người. Nó tượng trưng cho niềm tin chính nghĩa chiến thắng. Nó tượng trưng cho quy luật của tự nhiên “hết mưa là nắng hửng lên thôi”. Nó tượng trưng cho sức sống của con người Việt Nam trong giông bão cách mạng và chiến tranh. Nó tượng trưng cho một “Việt Nam máu và hoa” như ý thơ của Tố Hữu “Việt Nam ơi máu và hoa ấy / Có đủ mai sau thắm những ngày”.

“Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam” (Tố Hữu - Ta đi tới), “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…” (Nguyễn Đình Thi - Lá đỏ) là những câu thơ đẹp vượt thời gian và không gian. Đó không còn là chữ mà là nghĩa. Nghĩa nặng tình sâu của hơn 90 triệu người Việt Nam đều là con Lạc cháu Hồng, dù ở đâu trên thế giới này thì nghĩa “đồng bào”, tình “cố hương” vẫn là sức mạnh níu kéo con người trở về/tìm về cội nguồn. Tất cả con dân nước Việt đều chung cội cành.

Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh nước nhà từ sau 1975, công chúng nghệ thuật đã ghi nhận thành công của bộ phim truyện Hẹn gặp lại Sài Gòn (1990) ra mắt khán giả cả nước đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kịch bản phim - nhà văn Sơn Tùng; Đạo diễn - Long Vân). Xin được chép lại đoạn đối thoại cuối bộ phim giữa nhân vật anh Nguyễn với cô thiếu nữ Út Vân: “Anh đi bao giờ về?”. Câu trả lời thật dài rộng suy tư: “Con đường phía trước còn rất dài và phải đi. Hẹn gặp lại em ở Sài Gòn”.

B.V.T

 

BÙI VIỆT THẮNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground