Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bàn tròn cuộc thi

C

uộc thi Truyện ngắn và Bút ký năm 2018 - 2019 đã khép lại, những tác phẩm chất lượng cao đã được đăng tải trên các số tạp chí Cửa Việt và trang thông tin điện tử tổng hợp. Mỗi tác giả tham dự có một giọng văn riêng, một phong cách sáng tác khác lạ, song tựu trung họ đều dành cho Cửa Việt sự quan tâm và đầu tư tác phẩm dự thi nghiêm túc. Trước thềm lễ trao giải, Ban tổ chức thực hiện một cuộc trò chuyện online giữa nhà báo Hoàng Công Danh (HCD) - Thư ký tòa soạn tạp chí Cửa Việt với các tác giả: Lê Bá Dương, Lê Vũ Trường Giang, Bùi Việt Phương, Lê Phong - những người có tác phẩm vào chung khảo trong cuộc thi lần này.

 

HCDChào các anh. Trước hết xin cám ơn các anh đã nhận lời tham dự cuộc trò chuyện này, cũng xin thay mặt Ban tổ chức cám ơn các anh đã tham gia cuộc thi với những tác phẩm được đánh giá cao. Các anh có thể nói thêm đôi điều về nguồn cảm hứng sáng tác và những đề tài nào ở Quảng Trị cần quan tâm hiện nay.

Lê Bá Dương: Tôi có lý do riêng để khi viết cho tạp chí Cửa Việt lại luôn chọn đề tài liên quan đến ký ức chiến tranh - những ký ức tôi mang nặng nó từ khi trở thành người lính cầm súng chiến đấu gần 5 năm trên mảnh đất Quảng Trị, và sau đó là những kỷ niệm chồng lớp của hơn 40 năm đằng đẵng từ lúc kết thúc chiến tranh đến khi trở về dâng hương hoa, và lần tìm dấu vết những đồng đội đã hy sinh. Cũng từ những hành trình hương hoa đó, cho tôi đầy thêm những kỷ niệm với vùng đất Quảng Trị, nơi các đồng đội tôi nằm lại.

Bút ký “Gio An - linh địa diệu kỳ” tác phẩm duy nhất tôi tham gia lần này. Thoạt đầu, tôi cũng đã chọn viết về mảnh đất Gio An, phác thảo nội dung và có hẳn một cái tên bài “Ký ức màu Gio An”, thì tôi tình cờ nhận được thông tin về 38 hài cốt đồng đội tôi vừa được tìm thấy ở Gio An. Nhận được thông tin, tôi níu ngay đến cơ hội ngàn vàng để lao vào khai thác danh sách, hồ sơ các liệt sĩ của đơn vị rồi chắp nối với các thân nhân để cùng các gia đình đồng đội và cơ quan chức năng, trong khả năng có thể hoàn nguyên danh tính các hài cốt vừa được tìm thấy. Hơn một tháng mày mò, tôi gần như quên mất việc viết cho xong bài ký dự thi, cái cảm hứng của “Ký ức màu Gio An” đã không thể gỡ tôi ra khỏi mạch ký ức trận mạc và những ân tình Gio An, ân tình Quảng Trị trong cuộc kiếm tìm, chở che những di cốt đồng đội tôi. Và thế là chỉ trong một đêm ngay tại Đông Hà, tôi gần như tốc ký ghép lại từng mạch ký ức, sự kiện mà mình tham gia thành “Gio An - linh địa diệu kỳ”.

Lê Vũ Trường Giang: Mỗi cuộc thi đều tạo ra động lực riêng cho các tác giả tham dự. Cửa Việt đã khơi nguồn cho những cảm hứng từ lâu được hoài thai, ấp ủ và nay có cơ hội để được khai sinh bằng văn bản. Đó là hiệu ứng sáng tạo và mỗi tác giả đều cảm nhận được sự thôi thúc trên hành trình chữ nghĩa đó. Riêng vùng đất Quảng Trị để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, nhiều trang ký ức lung linh với nhiều người bạn chân tình, sự quyến rũ của các địa chỉ văn hóa, những làng quê rất mực yên bình. Bút ký “Dặm trường một đóa hồng phai” và các truyện ngắn dự thi của tôi ra đời chính là sự tri ân những ngày tháng rong ruổi trên vùng đất này, nghe những câu chuyện kể đầy mê hoặc và gặp gỡ những con người đích thực là nhân vật trong tác phẩm.

Quảng Trị là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, có bề dày lịch sử. Trên quê hương ấy, bao thế hệ người Quảng Trị đã bồi đắp nên những thành giá trị trường tồn của tinh thần, điểm riêng của một tính cách văn hóa và vô vàn những câu chuyện, những địa danh mà chúng ta chưa khai thác hết. Có thể ví dụ như việc khắc họa hệ thống các làng xã Quảng Trị là một mảng đề tài phong phú, một công việc tìm tòi, va chạm hiện thực, lịch sử đầy cuốn hút. Con người Quảng Trị cũng là một chủ đề cần xây dựng, để tôn vinh, lưu giữ những người con ưu tú, những ký ức tươi nguyên của xứ sở…

Lê Phong: Tôi rất bất ngờ và vui mừng khi truyện ngắn “Nắng qua cửa sổ” của mình được chọn vào vòng chung khảo của cuộc thi. Với tôi là một động lực, vì đây là lần đầu tiên tôi thử sức ở thể loại truyện ngắn, kỹ năng và kinh nghiệm viết chưa nhiều. 

Thực ra trước đó, bố cục câu chuyện “Nắng qua cửa sổ” đã dần dần hình thành trong đầu, bản thân lại có quá trình công tác nhiều năm liên quan đến đề tài này nên tôi cũng không khó khăn lắm trong quá trình hoàn thành tác phẩm. Tôi viết truyện trong khoảng hai tiếng vào một buổi chiều tháng 4/2019. Sau đó một tuần, tôi đọc lại và chỉnh sửa những chi tiết chưa vừa ý.

Câu chuyện của tôi phản ánh tệ nạn ma túy, đây là vấn đề đã và đang nhức nhối trong xã hội. Bên cạnh những câu chuyện về cuộc chiến chống ma túy đã được nhiều tác giả khai thác lâu nay, tôi muốn tiếp cận chủ đề này ở một góc nhìn khác. Ngoài việc đưa ra lời cảnh báo về tác hại của ma túy, tôi muốn mọi người có một cái nhìn sát hơn về tâm sinh lí của những người nghiện.

 

HCD: Có thể nói càng ngày, thể loại truyện ngắn và bút ký văn học càng “xích lại” gần nhau hơn, chồng lấn và giao thoa nhau. Suy cho cùng vì cả hai thể loại trên đều đòi hỏi các yếu tố nghệ thuật: chất liệu hiện thực, sự hư cấu, tính tự sự. Với các anh, điều gì là cốt yếu khi chọn thể loại viết?

Lê Vũ Trường Giang: Như lời Maiakovsky nói: “Tôi biết sức mạnh của ngôn từ… ngôn từ là tướng của đạo quân sức mạnh con người”. Và việc lựa chọn truyện ngắn hay bút ký tùy vào cách tiếp cận hiện thực, hoàn cảnh và cảm thức sáng tạo của mỗi người sao cho chuyển tải thành công các chất liệu người viết thu nhặt được. Tôi lựa chọn bút ký văn học vì yêu thích thể văn phóng khoáng, mạnh mẽ, sâu sắc, lối viết linh hoạt, lúc khoan lúc nhặt, có thể nhẹ như lông hồng mà cũng nặng tựa ngàn cân. Bút ký cần thiết tính hàn lâm và bay bổng của ngôn ngữ, là thứ ngôn ngữ thi ca được trộn lẫn trong điều chân thật của cuộc sống. Đến với thể loại bút ký văn học với tôi là sự thôi thúc, vì rằng sự viết suy cho cùng là cái duyên phú, là sự phân công xã hội để giữ lại hồn cốt, tâm lý, thể tính của thời đại chúng ta đang sống cũng như gửi gắm niềm riêng vào vùng đất nhiều thăng trầm dâu bể như Quảng Trị.

Và chúng ta cần nhìn nhận rằng những tác phẩm bút ký có giá trị văn học ngoài việc đáp ứng các giá trị hiện thực được dung nạp, phải khai thác triệt để sức mạnh của ngôn ngữ, giá trị mỹ học, đặc tính nhân văn và hòa trộn nhiều thể loại được trích xuất như một bản hợp xướng ngôn ngữ, tạo nên lối viết liên văn bản đầy sức cuốn hút. Bút ký văn học chứa đựng lượng thông tin lớn, đa hàm nghĩa, uyên áo. Bạn đọc có thể tìm thấy triết học, dân tộc học, lịch sử, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết… ở những thể phách được lưu dẫn vừa vặn trong bút ký.

Bùi Việt Phương: Thú thật tôi cũng rất thích tản văn và bút ký nhưng lần này lại bị cuốn hút bởi truyện ngắn. Tôi không bận tâm nhiều đến các yếu tố khác, không nghĩ đến kết quả cuộc thi mà chỉ tập trung vào mạch ý tưởng. Phải viết hết tầm suy nghĩ, thể hiện khát khao, gửi gắm của mình vào những giá trị nhân văn.

 

HCDNhững chuyển động của văn học gần đây cho thấy truyện ngắn đã vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống. Hiện thực cuộc sống được kể không theo một lối tuyến tính, không có cốt truyện rõ ràng nữa mà thiên về lối trừu tượng. Các anh nghĩ gì về điều này?

Bùi Việt Phương: Theo tôi, cách viết nào cũng xuất phát từ tư duy và ý tưởng. Ý tưởng phải thực sự là điều mình “ngộ” ra trong cuộc sống chứ không phải chỉ bày đặt ra cho có chữ, cho truyện. Như khi viết truyện ngắn “Năm tôi bốn mươi chín tuổi” gửi dự thi, tôi nghĩ rằng phải gắng viết hay trong khả năng của mình thì mới gửi gắm được hết ý tưởng của tôi đến với người đọc. Mà như thế, đòi hỏi phải có một cách viết (cách kể) riêng. Có lẽ khi mỗi người viết tìm ra được cách kể cho mình thì họ sẽ thành công.

Ở truyện ngắn này tôi muốn gửi gắm một thông điệp: Trong nội tâm của con người cũng đủ cả một thế giới, đủ rộng để chính mình lạc, đủ sâu sắc để chính mình “ngộ” ra, đủ bí mật để mình khám phá, đủ hồ nghi, bất ngờ để mình còn phải sống, còn phải thấp thỏm… Tôi quan niệm viết là không vay mượn, chịu ảnh hưởng từ bóng của ai nhưng cũng không tự mình trở nên dị mọ, ám thị để rồi lạc điệu.

Lê Phong: Tôi nghĩ rằng, độc giả ngày càng có nhu cầu đọc cao, càng khó tính trong việc tiếp cận các tác phẩm văn học nói chung, bút ký và truyện ngắn nói riêng. Do đó, người viết càng phải sáng tạo hơn nữa, vượt qua những khuôn khổ truyền thống. Bản thân tôi luôn muốn làm sao thể hiện tác phẩm của mình một cách mới lạ, mặc dù đối với những người viết không chuyên như tôi, đó là điều khó và cần phải học hỏi nhiều. 

 

HCD: Ở mỗi cuộc thi văn chương, tính địa phương, tính đề tài thường bị khuôn phép hoặc ưu tiên. Từ chủ đề cuộc thi của Cửa Việt lần này, và thực tế các tác phẩm đã đăng tải, các anh đánh giá thế nào về biên độ mở của cuộc thi?

Bùi Việt Phương: Với đề tài “Văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập”, theo tôi đây là cuộc thi có biên độ mở, tạo cho người thi có nhiều “đất diễn”, phù hợp với các đối tượng dự thi khác nhau.

Lê Bá Dương: Văn chương tự nó đã không có biên giới về cảm xúc và góc nhìn. Việc tạo nên khuôn phép chủ đề sẽ làm giảm, thậm chí làm mất đi cảm xúc và sự tinh tế trong góc nhìn của mỗi người.

Cuộc sống, chính sự chuyển động của cuộc sống sẽ quyết định cho cách lựa chọn đề tài của người viết. Trong cuộc thi này là một ví dụ: Những người lính như tôi, có cách chọn đề tài từ ký ức trực tiếp trong quá khứ và những kỷ niệm trực cận trong dòng chảy hiện tại. Với các tác giả trẻ, thì lại từ những cách nhìn trực cận hiện tại, để ngưỡng về quá khứ mà hướng về tương lai. Vấn đề còn lại là văn phong, và văn phong trên thực tế đã tạo nên một vườn tác phẩm dự thi đa màu sắc và đẹp.

Lê Vũ Trường Giang: Cuộc thi đã chứng minh rằng mọi đề tài đều được chấp nhận, nhiều tác phẩm vượt qua rào cản của địa phương tính và giá trị cao nhất là tác phẩm hay, giàu tính nhân văn, có hàm lượng nghệ thuật cao đã được đăng tải. Nhiều tác giả khắp các vùng miền trong cả nước đã tham gia cuộc thi cho thấy tính đa diện, cởi mở của một cuộc so tài. Tính mở này cho thấy rằng, văn chương thực sự không cần các “barie” vùng miền văn hóa hay ranh giới hành chính, văn chương chỉ phục vụ cái đẹp, phục vụ con người. Nếu chúng ta đi vào biển lớn, các giá trị mang tính phổ quát sẽ được dung nạp, được đón nhận như biên độ mở của cuộc thi này.

 

HCD: Chúng tôi biết không phải tác giả dự thi nào cũng có thời gian và điều kiện theo dõi hết cuộc thi. Các anh đã đọc được bao nhiêu tác phẩm dự thi đăng trên tạp chí Cửa Việt báo in và trang điện tử. Các anh ấn tượng nhất với tác phẩm nào?

Lê Phong: Do điều kiện công tác nên tôi ít có thời gian theo dõi và đọc hết những tác phẩm dự thi, chỉ thỉnh thoảng theo dõi trên tạp chí in. Riêng bản thân tôi, tôi thích đề tài chiến tranh. Những truyện ngắn như “Đồng đội tôi ở Khe Sanh” của tác giả Lê Vũ Trường Giang hay “Cuộn giây dép” của tác giả Nguyễn Trọng Luân mang đến cho những người trẻ như tôi có thêm nhiều góc nhìn toàn diện về một quãng thời gian gian khổ, đau thương nhưng không kém phần hào hùng, lãng mạn của lớp cha anh đi trước. 

Bùi Việt Phương: Tôi có được đọc một số tác phẩm dự thi như: “Kính thiên văn” của Lại Văn Long; “Nơi ấy ta bắt đầu” của Ngô Diệu Hằng... và nhiều tác phẩm có chất lượng khác. Với cảm nhận chủ quan của tôi mỗi truyện ngắn dự thi có một vẻ đẹp riêng và có lẽ là thành công lớn nhất của cuộc thi này.

 

HCD: Với tình yêu dành cho Cửa Việt, anh có thể góp ý để tạp chí ngày càng đáng đọc hơn không?

Lê Phong: Hiện tại, tôi có đọc định kỳ bản in của tạp chí, và thỉnh thoảng truy cập website của tạp chí. Tôi có hai ý kiến nhỏ. Thứ nhất, mong sao tạp chí ngày càng quan tâm, khuyến khích những tác giả trẻ có điều kiện thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo của mình; có thể thông qua nhiều hình thức, như cuộc thi lần này chẳng hạn. Thứ hai, cần tăng cường việc quảng bá rộng rãi, tiếp cận nhiều hơn với độc giả, tận dụng môi trường internet, ví dụ như xây dựng fanpage trên mạng xã hội Facebook,.... Có như vậy, với uy tín và nội dung của tạp chí, tôi tin rằng Cửa Việt ngày càng chiếm được cảm tình của đông đảo độc giả. 

Lê Vũ Trường Giang: Cửa Việt là một tạp chí có bề dày và thành tựu đáng kể trên diễn đàn tạp chí văn học cả nước. Trong những năm vừa qua tạp chí có sự đổi mới đáng kể về hình thức và nội dung, góp phần tạo nên bộ mặt văn chương đương đại trên khía cạnh đổi mới và đăng tải các tác phẩm có chất lượng. Cửa Việt đã hoàn thành tốt các chuyên đề về quê hương Quảng Trị, tiếp nối ngọn lửa sáng tạo nghệ thuật và dòng chảy văn hóa vùng đất.

Để tạp chí phát triển hơn nữa, cần có những hướng đi mới nhất là đầu tư vào nội dung, mở rộng cộng tác viên trong nước và nước ngoài, hòa nhập vào tiến trình văn chương của Việt Nam và thế giới để có sự đa dạng về tác phẩm, tác giả. Hy vọng Cửa Việt sẽ thành một sân chơi, một diễn đàn văn chương đúng nghĩa cho những tác giả trẻ hiện nay.

 

HCD: Một lần nữa cám ơn các anh. Hy vọng các anh sẽ tiếp tục cộng tác với Cửa Việt lâu dài, dành những tác phẩm mới và tốt nhất cho chúng tôi trong thời gian tới.

 

P.V
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

10 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

10 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

11 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

11 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground