Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hồ Chủ Tịch với văn hoá văn nghệ

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc) đã vinh danh Người là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất. Đây là niềm vinh dự lớn lao của Người và cũng là của nhân dân Việt Nam. Nhà thơ Huy Cận, người hoạt động nhiều năm ở UNESCO, nhận xét: “Một danh hiệu được tôn vinh đã rất khó, rất vẻ vang, danh hiệu kép này là điều vô cùng hiếm có trong lịch sử hiện đại của UNESCO”. Trong nghị quyết của UNESCO, phần nói về đóng góp văn hóa lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã viết: “Xét thấy sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Đó là những nhận xét bao quát về những đóng góp về văn hóa cho dân tộc và cho đồng loại. Đi vào cụ thể, đằng sau danh hiệu anh hùng giải phóng dân tộc là ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài đóng góp trực tiếp vào phong trào cách mạng ở trong nước, là gần ba mươi năm lãnh đạo tổng khởi nghĩa thành công, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Đằng sau danh hiệu nhà văn hóa kiệt xuất là sự kết tinh, quy tụ, sáng tạo của nhiều giá trị về văn hóa văn nghệ. Người là tác giả của nhiều tác phẩm chính trị, xã hội, văn nghệ: Bản án kết tội thực dân PhápĐường kách mệnhNhật ký trong tùĐời sống mớiSửa đổi lối làm việc. Người đã viết hàng ngàn bài báo từ năm 1919 đến 1969 và trí tuệ của Người thể hiện trên nhiều bình diện sắc thái và màu sắc nghệ thuật. Nhật ký trong tù là “báu vật của quốc gia” và về nghệ thuật nói như Quách Mạt Nhược là “để lẫn với thơ Đường, Tống cũng khó phân biệt”. Các áng văn chính luận như Tuyên ngôn độc lậpLời kêu gọi toàn quốc kháng chiếnKhông có gì quý hơn độc lậptự do là những tác phẩm để đời. Người thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc. Người viết báo ở nước ngoài bằng ngôn ngữ bản địa hoặc thứ tiếng thích hợp. Am hiểu sâu sắc giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây nhưng không lệ thuộc, vẫn là bản sắc Việt truyền thống và hiện đại. Nói như nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam, ở Người toát lên văn hóa của tương lai.

Văn hóa là vấn đề lớn của mỗi quốc gia cũng như của mỗi con người. Con người tạo nên văn hóa và chính văn hóa đem lại cho con người những giá trị, phẩm chất nhân văn cao đẹp. Ngay từ thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, trong hoàn cảnh bị tù đày trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch, người đã nghĩ đến văn hóa ở ngay nơi cuộc sống mất tính người. Trong tác phẩm Nhật ký trong tù, bên cạnh những dòng thơ còn ghi lại những dòng chữ về một định nghĩa khá chuẩn mực về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngay sau ngày 2-9 lễ Quốc khánh, sáng 3-9 Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp do Hồ Chủ tịch làm chủ tọa. Người đề ra sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết:

Một là giải quyết nạn đói.

Hai là thanh toán nạn dốt.

Ba là tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử.

Bốn là giáo dục nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, đạo đức mới, đạo đức cách mạng.

Năm là xóa bỏ ngay những hình thức bóc lột vô nhân đạo.

Sáu là thực hiện tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết.

Trong sáu nhiệm vụ trên có hai nhiệm vụ trực tiếp đến văn hóa là: thanh toán nạn dốt và giáo dục nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng văn hóa mới, đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Công việc thật to lớn và không dễ dàng nhưng bước đầu đã có hiệu quả, đã thành hiện thực. Các lớp học xóa nạn mù chữ mọc lên khắp nơi, từ trẻ già trai gái đều theo học, các hủ tục ở làng quê cũng bớt dần. Văn hóa mới đã thâm nhập vào nếp sống, vào trong tình cảm của nhân dân. Người càng đặc biệt quan tâm đến công việc của các nhà văn hóa, văn nghệ. Đất nước độc lập, nhân dân được giải phóng, làm chủ vận mệnh mình. Các nhà văn hóa văn nghệ phải đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, phải đoàn kết phục vụ cho nhiệm vụ mới, lý tưởng mới tươi đẹp. Cũng vì thế mà chỉ vài ngày sau lễ Quốc khánh, Người đã dành thì giờ gặp gỡ các nhà văn hóa trong Ban Quản trị lâm thời Đoàn Văn hóa Bắc Bộ. Các ông Trương Tửu, Thượng Sĩ, Nguyễn Đức Quỳnh đang họp và được mời lên gặp Cụ Hồ vào lúc 19 giờ ngày 7-9-1945. Các nhà văn hóa Bắc Bộ xiết bao mừng rỡ và vinh dự được gặp Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ mà họ hằng tôn kính. Các nhà văn hóa nói trên đều là những người yêu nước vui mừng với nước nhà được độc lập, văn nghệ sĩ được hồi sinh trong cảm hứng sáng tạo mới tốt đẹp. Tuy nhiên quan điểm của họ cũng không thuần nhất trong các vấn đề vị trí văn hóa văn nghệ trong chế độ mới, về sự lãnh đạo chính trị với văn hóa văn nghệ. Ông Trương Tửu viết tác phẩm Tương lai văn nghệ Việt Nam và giáo sư Đặng Thai Mai với bút danh Thanh Bình góp ý nhận xét qua hai số đăng trên báo Tiên phong. Nguyễn Đức Quỳnh cũng có những băn khoăn và mong muốn sự lãnh đạo tốt đẹp văn hóa văn nghệ trong chế độ mới.

Được gặp Cụ Hồ, các nhà văn hóa bày tỏ lòng kính trọng và tin cậy vào tài năng lãnh đạo đất nước của Chủ tịch. Chào hỏi mọi người, Chủ tịch thong thả nói:

“Theo ý riêng tôi, trong sự giải phóng dân tộc và kiến thiết một nước Việt Nam mới, nhiệm vụ của các ngài trong giới văn hóa cũng rất nặng nề quan trọng. Dân tộc chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới tất nhiên phải có một chính thể mới và một nền văn hóa mới. Khi chúng ta còn bị nô lệ thì văn hóa của chúng ta cũng mang nặng dấu tích nô lệ. Bây giờ độc lập, văn hóa chúng ta cũng phải có những dấu tích độc lập. Phải độc lập trước đã rồi văn hóa mới phát triển được. Dân tộc còn bị áp chế, hàng triệu đồng bào chúng ta vẫn còn chết đói đầy đường, các ngài văn sĩ thi sĩ nghệ sĩ, các ngài có thể ngồi trong tháp ngà mà sáng tác được không? Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một văn hóa mới. Ta phải làm thế nào cho văn hóa Việt Nam sẽ chiếm được một địa vị trong nền văn hóa thế giới”.

Mọi người chăm chú lắng nghe và nêu lên một số câu hỏi. Người giải đáp thuyết phục. Cuối cùng ông Trương Tửu trình bày chương trình hoạt động của Đoàn Văn hóa Bắc Bộ, trong đó có mục “Vận động đại hội nghị toàn quốc Việt Nam”. Cụ Hồ gật đầu: “Đại hội toàn quốc văn hóa... Phải. Phải làm thế mới được. Từ trước đến giờ chính sách của thực dân Pháp đã chia rẽ chúng ta nhiều lắm rồi. Tôi mong rằng các ngài cố gắng làm được như thế, tổ chức mau chóng đại hội nghị văn hóa toàn quốc gây được mối liên lạc mật thiết giữa quốc dân và văn hóa. Chính phủ sẽ giúp đỡ các ngài những phương tiện để thực hiện công việc đó”.

Sau khi bắt tay Cụ Hồ, trong lòng mọi người chan chứa cảm tình thành thật và tín nhiệm đối với vị Chủ tịch Chính phủ Lâm thời.

Và vào năm 1946, Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã họp giữa lúc tình hình chiến sự căng thẳng. Tại đại hội, Hồ Chủ tịch tham dự đã phát biểu, đã nêu lên một chân lý ngời sáng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Một dân tộc phải có trình độ văn hóa cao, năng lượng tinh thần để phát triển. Văn hóa là sức mạnh để bảo tồn những giá trị tinh thần và vật chất của một quốc gia. Hàng ngàn năm bị kẻ thù phương Bắc xâm chiếm nhưng bản sắc Việt vẫn tồn tại. Văn hóa Việt vẫn giữ vững trước âm mưu đồng hóa của kẻ thù.

Về công tác văn hóa trong những năm đầu cách mạng, Người cũng đã có dịp chỉ rõ văn hóa không phải chỉ là cái đẹp phù hoa tô điểm mà thực chất trong tình hình đất nước đối đầu với nhiều kẻ thù, văn hóa phải là vũ khí đấu tranh. Không có văn hóa trung lập ngoài vòng chính trị.

Tiếp tục vấn đề văn hóa, năm 1947 trong lúc cuộc kháng chiến đang gặp nhiều khó khăn phải vượt lên, Người viết cuốn Đời sống mới ký tên Tân Sinh. Thật mới mẻ bất ngờ. Phải có văn hóa mới tiến hành cuộc kháng chiến thắng lợi.

Cũng năm 1947 Người viết cuốn Sửa đổi lối làm việc, ký tên là XYZ. Tiêu đề cuốn sách giản dị nhưng thực chất đây là một tác phẩm quan trọng về tư tưởng, về chính trị, có tầm bao quát nhiều lĩnh vực văn hóa, triết lý, đạo đức. Đã đến lúc phải phê phán và loại bỏ tư duy cũ với những căn bệnh của xã hội cũ trong cán bộ để đảm nhiệm tốt trách nhiệm công tác trong thời đại mới. Vấn đề đặt ra không chỉ là sửa đổi lối làm việc mà thực chất là loại bỏ tư duy cũ, phương pháp cũ, tiếp nhận cái mới, những tri thức và giá trị mới của cách mạng về văn hóa và tư tưởng. Trong cuộc họp của trường Đại học Harvard (Mỹ) năm 1982 với đề tài Văn chương Việt Nam giữa hai thế chiến 1914 - 1945, một nhà văn nước ngoài có đề cập và ca ngợi tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Hồ Chủ tịch. Trong cuộc họp này, giáo sư Phan Cự Đệ và tôi có tham dự. Giáo sư Phan Cự Đệ trình bày một chuyên đề về Ngô Tất Tố và về một cuộc tranh luận văn học. Tôi trình bày hai chuyên đề về Thơ mới và Nam Cao. Cuộc họp có nhiều nhà văn Việt Nam học nổi tiếng như W.J. Duiker, John Balaban, David Marr, Trần Văn Khê, Nguyễn Phú Phong, Pierre Brocheux. Nhà Việt Nam học G. Boudarel, giáo sư trường Đại học Paris 7, đã liên hệ giữa tác phẩm Sửa đổi lối làm việc với các cuốn tiểu thuyết và phóng sự của Ngô Tất Tố. Ông cho rằng “Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của XYZ lần đầu tiên đã chỉ ra những nhược điểm, những hạn chế của cán bộ Việt Nam với tinh thần thẳng thắn góp phần vào sự xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tinh thần phê phán này trước cách mạng được nêu lên trong hai cuốn sách của Ngô Tất Tố như Việc làng và Lều chõng nhưng chủ yếu là phê phán và chưa chỉ ra được phương hướng khắc phục”.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã đề ra khẩu hiệu vô cùng quan trọng về văn hóa: “Kháng chiến hóa văn hóa và Văn hóa hóa kháng chiến”.

Theo mệnh lệnh của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, văn nghệ sĩ đã “nhận đường” trực tiếp ra tiền tuyến ghi chép phản ánh cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân ta, viết bài, chụp ảnh, quay phim về cuộc chiến đấu. Trong chiến dịch Biên giới có Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân. Trong chiến dịch Tây Bắc có Tô Hoài, chiến dịch Điện Biên Phủ có Nguyễn Đình Thi, Hoàng Vân, Đỗ Nhuận, Hữu Mai. Truyền thống ấy vẫn tiếp tục trong kháng chiến chống Mỹ.

Danh hiệu “nhà văn chiến sĩ” được Người khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Xác định văn hóa nghệ thuật là một mặt trận là đề cao trách nhiệm và vị trí quan trọng của hoạt động này. Mặt trận văn hóa cũng như nhiều mặt trận kinh tế, quân sự, chính trị đều là nơi thử thách, đối đầu với kẻ thù. Trong tác phẩm thơ Nhật ký trong tù, Người đã yêu cầu thơ hiện đại:

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Mặt trận văn hóa trong thời bình cũng như trong những năm chiến tranh đều có những đóng góp quan trọng và có hiệu quả. Trong tác phẩm Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua Đôi dòng suy ngẫm tác giả đã kể lại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara và chỉ ra sự thất bại của Mỹ trên chiến trường quân sự vì không hiểu đất nước con người Việt Nam, đặc biệt là về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán.

“Chúng tôi có một nền văn hóa vững bền, một học thuyết quân sự độc đáo đã được thử thách trong lịch sử. Vì vậy chúng tôi thắng”.

Ông McNamara đáp “Vâng, đúng như vậy”(*). Ông ta nhận ra khi sự việc đã kết thúc.

Bước vào những năm hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ của hoạt động văn hóa tập trung vào việc xây dựng con người mới. Người tiếp tục nhấn mạnh đến cần, kiệm, liêm, chính, và đặc biệt chống chủ nghĩa cá nhân. Các bài viết về chống chủ nghĩa cá nhân và xây dựng đạo đức cách mạng có hiệu quả trong công tác rèn luyện và giáo dục cán bộ trong hoàn cảnh lịch sử mới.

Văn hóa văn nghệ - một mặt trận quan trọng mà Người đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao trong từng giai đoạn cách mạng. Đây là một trong những trọng điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong cuốn Tài liệu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã nêu lên 10 chuyên đề của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh - khái niệm, nguồn gốc, quá trình hình thành. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về sức mạnh của toàn dân, về quyền làm chủ của nhân dân, về quốc phòng toàn dân, về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, về bồi dưỡng thế hệ trẻ cho đời sau, về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. 10 chuyên đề nêu trên đều quan trọng nhưng đáng tiếc là thiếu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đã để lại cho dân tộc ta một di sản văn hóa phong phú và những bài học quý giá về xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước cũng như việc rèn luyện nâng cao văn hóa và đạo đức của mỗi cá nhân.

H.M.Đ

Nguồn: Tạp chí Hồn Việt

http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/6083-hv140-h-ch-tch-vi-vn-ha-vn-ngh.aspx

 

GS HÀ MINH ĐỨC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground