Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghệ thuật chiêu hiền đãi sĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn

 

Chưa có thời đại nào chúng ta lại cần có nhiều nhân tài và phải trọng dụng nhân tài như ở thời đại ngày nay. Bởi chính họ, những nhân tài, là những cỗ máy cái quan trọng nhất sản xuất ra tri thức và biến tri thức thành của cải vật chất và tinh thần cho toàn xã hội. Nhân tài trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội cũng phải được bồi dưỡng, sử dụng và tôn vinh. Người tài trí là một vốn quý, quý nhất trong mọi nguồn vốn mà xã hội có thể có. Và cũng như đối với mọi nguồn vốn khác, biết tìm kiếm người tài trí, biết tôn trọng họ, biết đánh giá và sử dụng tài năng của họ... là một trong những dấu hiệu quan trọng bậc nhất để xem xét những người lãnh đạo một đất nước có thể mang lại những gì cho đất nước đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn đều có nét tương đồng trong thuật dùng người: “Dùng người như dùng gỗ”(1) - nghĩa là chọn thanh gỗ đầu tiên, tức người đứng đầu là tối quan trọng, cần chọn bậc quân tử chính trực hiền năng, như thanh gỗ thẳng. Còn các việc tiếp theo sẽ trở nên dễ dàng, vì lúc đó người đứng đầu này sẽ tự biết thu xếp, anh ta sẽ tự tìm những người thích hợp lắp ghép cho bộ máy của mình.

Nghệ thuật dùng người nằm ở chỗ biết dùng sở trường của người ta đúng việc, đúng chỗ. Con người không ai không có tài năng riêng, tài năng không cái nào là không có chỗ sử dụng. Sử dụng sở trường của người ta, đúng việc đúng chỗ, chính là nghệ thuật dùng người.

Bác Hồ dùng người cực kì sáng suốt, sắc sảo. Nhờ vậy mà nhân sĩ trí thức đã từng chịu ảnh hưởng của phong kiến nhà Nguyễn đều quy tụ dưới ngọn cờ cách mạng Việt Nam. Với tư tưởng và đạo đức trong sáng, Người kêu gọi, động viên và khuyến khích những nhân tài, trí thức, những nhà khoa học, Việt kiều yêu nước tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Trong số đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng, như viện sĩ Trần Đại Nghĩa, giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Lương Định Của, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch… Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lần lắm đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy những cái mọi người không nhìn thấy: hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to”.

Với Tổng Bí thư Lê Duẩn “trí thức giữ vai trò ngày càng quan trọng”. Không có nhân tài thì không thể phát triển được quê hương, đất nước. Nhưng có nhân tài rồi mà không trọng dụng thì sẽ càng khiến đất nước suy yếu. Do đó, đặt câu hỏi sử dụng trí thức như thế nào và trí thức làm gì cho đất nước, là những vấn đề lớn. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội IV của Đảng (tháng 12/1976), Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Trí thức giữ vai trò ngày càng quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa và khoa học và kỹ thuật. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chẳng những phải củng cố khối liên minh công nông mà còn phải đoàn kết công nông với trí thức, trong đó tuyệt đại bộ phận xuất thân từ công nông, là con em công nông được chế độ mới đào tạo thành trí thức”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Xứ ủy Nam Bộ và Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Lê Duẩn đã có nhiều thành công trong lãnh đạo kháng chiến toàn dân, toàn diện, thực hiện đại đoàn kết toàn dân phát huy vai trò của giai cấp công nhân, nông dân và lực lượng trí thức. Trí thức Nam Bộ đã có vai trò rất quan trọng trong kháng chiến cứu nước. Năm 1947 thành lập Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, trong Ủy ban có nhiều trí thức tham gia các cương vị lãnh đạo: Kha Vạn, Nguyễn Thành Vĩnh, Diệp Ba, Nguyễn Văn Chì, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Ngọc Nhựt, Ngô Tấn Nhơn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Thiện Lộc,…

Trong đề cương Đường lối cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn (người lãnh đạo cao nhất của Xứ ủy Nam Bộ) nhấn mạnh đoàn kết dân tộc, xây dựng Mặt trận, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân: “Phải đẩy mạnh lòng yêu nước chân chính trong các tầng lớp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, trí thức”, “tranh thủ những nhân vật có tên tuổi, những thân sĩ yêu nước vào mặt trận”. Đó là quan điểm rất cơ bản để sau đó, Nghị quyết Trung ương 15 (1959) và Nghị quyết Đại hội III của Đảng (9/1960) quyết định đường lối cách mạng miền Nam, thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960) với vai trò rất quan trọng của những trí thức tiêu biểu đứng đầu là luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Nhiều nhân sĩ, trí thức đã rời thành phố vào khu căn cứ cách mạng như bác sĩ Phùng Văn Cung, giáo sư Nguyễn Ngọc Thương, nhà soạn kịch Trần Hữu Trang,…

Về sau lực lượng trí thức tới vùng giải phóng miền Nam tham gia kháng chiến, lãnh đạo Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng đông đảo, như: Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hiếu, Lê Văn Huấn, Lưu Hữu Phước, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Dương Quỳnh Hoa (con gái giáo sư Dương Minh Thới), nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) và nhiều người khác. Nhiều người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những chính sách đúng đắn trọng dụng trí thức, những người trí thức yêu nước đã tham gia cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến, tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Cống hiến to lớn của các nhà trí thức trong bộ máy nhà nước và phát triển khoa học, kỹ thuật được khẳng định như Phan Kế Toại, Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Vũ Đình Tụng, Lê Đình Thám, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Đặng Văn Chung, Tạ Quang Bửu,…

Những trí thức từ nước ngoài trở về tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước: Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm,…

Những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ lớn đóng góp cho sự phát triển văn hóa: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân, Cao Xuân Huy, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Hoài Thanh,…

Tại Đại hội V của Đảng (3/1982), Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu rõ: “Đảng phải tăng cường hơn nữa công tác vận động trí thức, ra sức phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức nước ta nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho đất nước, cho chủ nghĩa xã hội”. Nhiều trí thức ở miền Nam sau giải phóng đã ở lại tham gia xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, tiêu biểu như Ngô Viết Thụ, Ngô Bá Thành, Lương Lê Đồng, Phạm Trọng Cầu…

Trọng dụng nhân tài là một dòng chảy liên tục, luôn được duy trì và phát triển trong mọi nền văn minh nhân loại. Bởi trong từng bước đi lịch sử, nhân tài đóng vai trò tiên phong thúc đẩy xã hội tiến lên những bước tiến mới cao hơn, văn minh hơn. Bác Hồ từng nhấn mạnh “kiến thiết cần có nhân tài”, “để xây dựng nước nhà, chúng ta cần ngày càng nhiều trí thức tốt. Đảng và Chính phủ vừa phải giúp cho thế hệ trí thức ngày càng tiến bộ, vừa phải đào tạo thêm trí thức mới”. Ngay từ những năm đầu đổi mới, trong Văn kiện Đại hội VI, Đại hội VII, Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của giáo dục là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” tại Đại hội IX, Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”, “lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu… có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài” .

Kế tục bài học dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn, sau 34 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tham gia vào quá trình đổi mới của đất nước có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước nói chung và trí thức trẻ nói riêng. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn trân trọng những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngày 21/3/2019, tại cuộc họp Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Sang năm là đại hội các cấp, bây giờ bắt đầu bàn nhân sự rồi, phải hết sức cảnh giác, phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa ý nghĩa, vị trí quan trọng của công tác xây dựng con người, tổ chức, phương thức lề lối làm việc...”(2). Những lưu ý của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất quan trọng lúc này. Bởi, việc sử dụng nhân tài là công việc rất hệ trọng, phải hết sức công tâm, khách quan, chặt chẽ, kỹ lưỡng, tuân thủ nguyên tắc giao đúng người, đúng việc. Nếu sử dụng không đúng, không hết tài năng thì dễ nảy sinh tâm lý chán nản giao cho công việc, trọng trách không phù hợp, không ngang sức, ngang tài, khiến cán bộ không yên tâm công tác, làm việc cầm chừng, thiếu động cơ, thiếu ý chí tiến thủ. Kết quả của giao đúng người, đúng việc là làm cho công việc được thực hiện trôi chảy; khi gặp trở ngại thì chính người được giao đúng việc sẽ tìm tòi các biện pháp để xử lý với những sáng kiến không ngờ. Nếu sử dụng quá tài năng, sức lực sẽ dẫn đến hỏng việc, mất cán bộ, mất nhân tài. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển hợp lý để tạo điều kiện cho nhân tài phấn đấu, rèn luyện, trên cơ sở đó thực hiện việc bổ nhiệm, đề bạt kịp thời, chuẩn xác. Chú trọng xây dựng và sử dụng đội ngũ nhân tài ở các ngành nghề, các lĩnh vực, trình độ, lứa tuổi hợp lý. Cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp cần kịp thời rà soát, bổ sung các quy chế về công tác cán bộ. Quy định cụ thể việc thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, cần có quy định về việc liên đới chịu trách nhiệm khi cán bộ giới thiệu nhân sự vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước và xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút, không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày nay, trước xu thế chủ đạo của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ và các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... gia tăng. Khoa học công nghệ phát triển nhanh và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng xuất hiện những thách thức mới trên mọi mặt của đời sống xã hội; cơ hội và thách thức, đối tượng và đối tác đan xen; trong khi đó các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta thông qua “diễn biến hòa bình” và nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc... Để chiến thắng những kẻ thù đó và giữ gìn toàn vẹn giang sơn gấm vóc hôm nay đòi hỏi người lãnh đạo phải là những “đại trí, đại nhân, đại dũng”. Mỗi thành viên trong xã hội phải là những người biết tự chủ, biết tự chiến thắng những kẻ thù từ nội tâm - ấy là những dục vọng thấp hèn, những thói hư tật xấu để tự mình làm chủ bản thân mình và trở thành người có bản lĩnh, kìm hãm ích kỷ, xử thế đẹp lòng người.

Nhớ lời Bác dặn: Cần làm cho cả dân tộc thông thái, cả một xã hội chiêu hiền đãi sĩ. Đó là một phương sách giúp chúng ta vượt qua mọi thách thức của thời đại, đưa quê hương, đất nước tiến lên.

N.V.T

 

______________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, trang 243.

(2) Lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp Bộ Chính trị ngày 21/3/2019 về báo cáo kết quả 5 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đối với 15 cấp ủy và tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

NGUYỄN VĂN THANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 307

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

5 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

5 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

5 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

5 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground