Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cửa Việt - Nơi tôi nhìn ra con đường của mình

LTS: Suốt chiều dài 250 số, Cửa Việt thật vui khi được đón nhận và công bố những sáng tác đầu tay của các cây bút trẻ, mới. Nhiều tác giả về sau đã trở thành những cây bút ấn tượng, góp thêm tín hiệu mới cho văn học tỉnh nhà. Một số tác giả vươn mình ra bên ngoài và được bạn đọc cả nước chú ý. Trong khi thực hiện số báo này, tòa soạn nhận được nhiều chia sẻ về những cảm xúc chân thực của các bạn về tác phẩm đầu tay được in trên Cửa Việt. Xin gửi đến bạn đọc đôi điều tâm sự của các bạn Hoàng Hải Lâm, Trần Thị Tuyết Thanh, Diệu Ái, Đặng Nguyên Sơn, Hoàng Công Danh.

§ Hoàng Hải Lâm: Cửa Việt đã “khai sinh” cho tôi thành người viết

Nếu không có Tạp chí Cửa Việt, rất có thể tôi không phải là người viết văn. Cơ duyên này không biết phải “bắt quẻ” như thế nào. Thôi cứ để đấy, giờ đây tôi xem đó là một kỷ niệm đẹp trong mình, lâu lâu ngó qua rồi cười tủm tỉm. Tháng ngày tôi làm người “sắp chữ”. Công việc ấy vẻ ngoài không ít người mơ ước nhưng người trong cuộc coi như cái “nghiệp” của mình. Cũng nhọc nhằn lắm! Cái nhọc của tôi là những trang viết buồn. Hầu hết nhân vật của tôi đều “chịu đau” dưới ngòi bút của mình. Đôi lúc tôi thấy mình tàn nhẫn. Nếu nói rằng viết là để giải phóng những uẩn khúc trong mình thì chưa hẳn. Đôi lúc tôi bỏ bút ngồi xuống chân tường, ở đó nghe có chút hơi lạnh của vôi vữa, của đá, của nước... đã hy sinh tên gọi riêng của mình để kết nối lại với nhau thành bức tường.

Lần đầu tiên tôi được in truyện ngắn cũng trên tạp chí Cửa Việt. Đó là năm 2007. Hồi đó có biết chi là truyện ngắn, bút ký rồi ghi chép, tản văn... tôi viết bài rồi gởi bằng bản in giấy hẳn hoi. Biên tập viên kêu nó thể loại chi thì hắn là cái đó. Và bản thảo tôi gởi đầu tiên được kêu là truyện ngắn. Tôi còn nhớ như in cảm giác rất vui lúc đó. Nhà văn Cao Hạnh, nguyên Tổng biên tập đã điện thoại tôi đến tạp chí để nhận báo biếu và chia vui cùng tôi. Tôi đã phóng xe lên đó, tôi đã cầm cuốn tạp chí có in truyện mình trên tay và tôi được giới thiệu là nhà văn! Tôi không thích cách gọi này, từ trước và giờ vẫn thế. Tôi nói chuyện với mọi người một lúc sau đó tôi nhắn tin cho Trưởng phòng của tôi rằng truyện ngắn của em đã được in, anh ấy chúc mừng tôi. Tôi trở về lại cơ quan và tiếp tục công việc của mình. Có chừng đó thôi, tôi không phải là tuýp người biết duy trì niềm hân hoan, nó đến rồi đi rất chóng vánh. Vậy mà truyện ngắn đầu tay ấy lại có tên “Hương ngọc lan” - một loài hoa có hương thơm nồng nàn, bền lâu, thanh khiết! Thì cuộc sống nó vẫn tồn tại những thứ thường ngược nhau. Nhưng tôi đã nói thật lòng, viết thật lòng, phản ánh thật lòng cuộc sống còn nhiều thứ đau đớn này. Trong đó có cả những câu chuyện của chính tôi.

Tôi thấy cuộc sống ngày càng khó khăn, làm văn chương lại rất khó. Người có tâm huyết thực sự với văn chương, với tạp chí ngày càng vơi đi, người có tố chất với nghề ngày càng ít, có nơi lại rất hiếm hoi. Từ đó người viết văn cũng có chung tình cảnh. Đôi lúc đấy là sự bức bối. Tôi đã từng nghĩ, có lúc trang văn mình sẽ chết, tôi trở thành người vô hồn, vô chủ.

Tôi mang nặng trong mình hai từ “Cửa Việt”. Tôi không được công tác ở đấy, nhưng tôi coi đó là cái nôi sinh ra mình, một người viết truyện ngắn được người đọc biết đến và đón nhận. Tôi vẫn theo dõi từng số báo ra, rồi nội dung của từng chuyên mục. Tôi thấy vui vì Cửa Việt ngày càng khẳng định lại được vị thế của mình trên diễn đàn văn chương cả nước. Tôi hay đến Cửa Việt cũng vì lẽ ấy, tôi muốn sẻ chia, cảm thông, tâm sự với người bạn tâm giao của mình. Và Cửa Việt là một người bạn lớn, tôi mong bạn ấy khỏe, có nhiều cái hay để chúng tôi đón chờ...

 

§ Trần Thị Tuyết Thanh: Tôi lớn dần qua mỗi trang thơ

Với thơ, tôi không phải là kẻ qua đường ngẫu nhiên gặp được hay một lúc tình cờ mà nên mối lương duyên. Từ hồi đi học, tôi đã viết rất nhiều nhưng ngại không dám sẻ chia, chỉ mỗi mình viết và đọc, thành ra cũng chỉ là một dạng nhật ký có vần cho riêng mình. Mãi đến năm 2012, tôi mới mạnh dạn đưa thơ mình nhờ anh em bạn bè đọc giúp, thực sự rất muốn nhận được lời góp ý chân tình từ những người đi trước để biết mà sửa, cố gắng là chính, cho thỏa nỗi đam mê viết lách của mình chứ không phải để được xướng danh trên báo chí hay thành nhà này nhà nọ. Mọi người đọc rồi động viên gửi báo. Tôi mạnh dạn gửi bài sang Tạp chí Cửa Việt, xem như một bước thử sức với bản thân sau hơn hai mươi năm cần mẫn một mình. Lần đầu tiên thấy tên mình trên một tạp chí văn học nghệ thuật hẳn hoi, tôi mừng quá đã hét lên, ôm lấy đứa bạn thân đang đứng bên cạnh, nhấc hẳn người nó lên khỏi mặt đất quay vòng vòng. Giờ nghĩ lại tôi bật cười, không biết lúc đó tại sao tôi lại có sức mạnh đến thế, bởi nó nặng hơn tôi gần cả chục kí lô. Cả buổi chiều, người cứ lâng lâng một cảm xúc lạ kì, mãi cho đến tối, sau khi vội vàng xong mọi công việc gia đình, tôi nâng niu mê mẩn cuốn Cửa Việt trên tay, lật từng trang, xoa nhẹ tay trên từng con chữ, chộn rộn như lần đầu tiên nhận được bức thư tỏ tình từ người mình mong đợi.

Ở Cửa Việt, tôi nhận được rất nhiều lời động viên khích lệ của  các anh chị trong Ban biên tập. Đó thực sự là nguồn động lực lớn giúp tôi vững tin vào bản thân hơn khi đặt chân vào mảnh vườn thiêng. Những con chữ trước đây chỉ bần thần một mình trong mỗi khoảng trời riêng, giờ nhờ ngọn gió từ “Cửa biển quê hương”, chắc chắn đã trưởng thành hơn... Thơ tôi viết chưa nhiều, đề tài không rộng lớn, chỉ là những góc nhỏ của tâm hồn, những cái giật mình bất chợt trên muôn vạn nẻo đường đời. Bởi thế mỗi bài thơ được đăng trên Cửa Việt, hình dung tôi được lớn lên thêm một góc nhìn. Mỗi buổi sáng hay buổi chiều đi ngang số 128, Trần Hưng Đạo - thành phố Đông Hà, trên con đường rợp bóng cây xà cừ mát rượi, nếu không bận bịu quá tôi ghé ngay vào đó, xem như là một sự trở về ngôi nhà thân yêu của mình. Cảm giác thân quen gần gũi vô cùng bên các anh chị luôn thôi thúc tôi cố gắng hơn nữa trong mỗi bài thơ và muốn gắn bó mãi với địa chỉ ấy.

250 số tạp chí đã đến tay bạn đọc quả là một cuộc hành trình dài để khẳng định sức sống của Cửa Việt hôm nay. Như một mầm cây được ươm lên từ hạt, sự chăm chút nâng niu trau chuốt của Ban biên tập trên từng trang tạp chí khiến tôi thấy mình cũng có phần trách nhiệm hơn khi gửi bài đến tòa soạn, mong mỗi ngày người bạn ấy lớn hơn, uy tín hơn cả về số lượng lẫn chất lượng, là tiếng nói của những người lao động nghệ thuật không chỉ trong tỉnh mà của cả bạn bè trong cả nước....

 

§ Diệu Ái: Cửa Việt cho tôi nói tiếng quê mình

Với tôi, được góp danh trong tạp chí văn nghệ của tỉnh nhà là một duyên may mà bản thân vô cùng trân trọng.

Lần đầu tiên được Ban biên tập nhắn tin bảo gửi vài truyện ngắn, thú thực tôi rất bất ngờ và vui. Dù đã viết lách trước đó nhưng tôi chỉ viết tới lui những bài tản văn vu vơ dành cho giới trẻ trên một trang báo điện tử. Thế nên, bằng sự háo hức, tôi bắt tay viết ngay truyện ngắn đầu tiên gửi tới Cửa Việt. Khi nhận được thông báo truyện được chọn in, thật sự tôi vui mừng như muốn nhảy cẫng lên.

Đến số tiếp theo viết về Vĩnh Linh, tôi đã tìm hiểu vùng đất và con người ở đó để có những vốn tư liệu cần thiết. Đây cũng là truyện ngắn mà tôi nhận được lời khen mặc dù biên tập viên truyện ngắn phải sửa tới sửa lui tít truyện cho phù hợp. Cũng qua tác phẩm này, tôi có dịp ra thăm tòa soạn. Dẫu mới gặp lần đầu nhưng ai nấy đều thân tình, vui vẻ, từ các anh chị biên tập viên đến các cô chú lãnh đạo, mọi người cho tôi cảm giác thân thuộc và gần gũi, đáng mến vô cùng.

Từ lâu, tôi luôn mong ước được cộng tác với tạp chí văn học nghệ thuật của địa phương để có thể tự do nói lên tiếng nói của quê hương mình, có thể mô, tê, răng, rứa mà không phải lo người ta không hiểu. Không phải lăn tăn trong việc sử dụng những ngôn ngữ và chữ dùng quen thuộc. Tôi mong muốn viết về con người và những mảnh đời đâu đó tôi từng nghe, từng gặp trên dải đất nắng gió cơ cực của quê mình.

Bén duyên với Cửa Việt chỉ mới vài số, tôi luôn nhận được những lời góp ý chân tình từ Ban biên tập. Bởi tôi là người khá kém cỏi trong việc đặt tên nên đặc biệt có truyện chúng tôi phải bàn luận thông qua gần chục email để chốt tên cho tác phẩm. Hơn hết, Cửa Việt cho tôi niềm tin rằng mình có thể viết truyện ngắn. Những lời góp ý, sửa chữa và những lời khen của các anh chị trong Ban biên tập là món quà may mắn quý giá của tôi.

Là một người viết trẻ, tôi biết mình cần cố gắng và học hỏi nhiều hơn nữa. Vài số tạp chí có tác phẩm của mình, đó không chỉ niềm vui mà còn là kỷ niệm đẹp. Mong rằng cơ duyên của tôi và Cửa Việt được bền lâu. Chúc Cửa Việt luôn giữ được tinh thần đáng quý của Diễn đàn văn hóa - văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

 

§ Đặng Nguyên Sơn: Nơi thắp lửa cho con đường sáng tác của tôi

Tôi thực sự cảm ơn Tạp chí Cửa Việt đã chắp thêm niềm tin cho tôi vào con đường viết lách, giúp tôi có cơ hội gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ những nhà văn “gạo cội” đến những nhà văn trẻ của tỉnh nhà và tỉnh bạn.

Tôi gặp nhà văn Cao Hạnh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt, tại trại sáng tác nhiếp ảnh về mảnh đất và con người Cam Lộ năm 2007. Sau khi nghe những lời tâm sự của tôi, nhà văn Cao Hạnh khuyên tôi nên viết văn và chuyên vào truyện ngắn. Tôi viết theo bản năng nên không biết nó là truyện ngắn, tản văn hay bút ký...

Năm 2008, tình cờ tôi bắt gặp ý tưởng từ hoàn cảnh của một người bạn và truyện ngắn Số phận ra đời. Tôi viết Số phận trong một đêm, sáng chỉnh sửa, đánh máy và in bản thảo. Cảm thấy mừng hơn bao giờ hết, tôi leo lên xe gắn máy chạy một mạch về Tạp chí Cửa Việt và giao tận tay cho nhà văn Cao Hạnh. Nhà văn Cao Hạnh đọc xong gọi điện ngay cho tôi bảo sẽ in vào số tới, số180. Đấy là truyện ngắn đầu tiên của tôi được in trên Cửa Việt. Cảm xúc lúc đó lẫn lộn khó tả. Ngày ấy, Cửa Việt chưa có trang web riêng nên tôi phải photo ra nhiều bản và gửi cho những người tôi yêu mến. Đọc xong ai cũng khen văn tôi đọc cuốn hút. Nhưng có điều sau đó, truyện ngắn Số phận đã gây không ít rắc rối cho ban biên tập. Dù vậy, các anh chị trong ban biên tập vẫn gọi điện động viên khuyên tôi tiếp tục viết, khiến tôi thấy ấm lòng.

Cũng nhờ truyện ngắn đầu tiên được in lên tạp chí Cửa Việt, tôi đã được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà quan tâm. Lúc đó tôi lấy bút danh Phương Lan, là tên thật của tôi. Còn bây giờ, tôi dùng bút danh Đặng Nguyên Sơn. Cũng có rất nhiều bạn văn khuyên tôi nên thay đổi bởi nó hơi nam tính nhưng tôi thấy mình có duyên với bút danh Đặng Nguyên Sơn nên quyết định để vậy. Và tôi nghĩ sẽ phát huy hết mình khả năng viết lách để bút danh Đặng Nguyên Sơn sống được ở đời ngay cả khi tôi đã không còn.

  Là hội viên của Hội VHNT tỉnh nên tháng nào tôi cũng được Tạp chí Cửa Việt tặng cho một số tạp chí. Lần nào tôi cũng đọc bằng hết nội dung bên trong, thường bắt đầu là truyện ngắn. Tôi không dám so sánh tạp chí này với tạp chí khác bởi lẽ văn chương mỗi người một ý, mỗi tác giả là một giá trị, mỗi tờ báo có một “gu” riêng… Chỉ có điều bây giờ đọc xong cuốn Tạp chí Cửa Việt số mới còn nóng hổi trên tay lòng tôi khấp khởi mừng. Đơn giản vì bản thân cảm nhận được nó hay.

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet, nhưng tôi vẫn thích đọc báo giấy hơn, và tôi tin rất nhiều người khác cùng chung sở thích như tôi. Tôi tin Cửa Việt ngày một xinh tươi tràn trề sức sống, là nơi chắp cánh cho những cây bút đam mê viết lách của tỉnh nhà và khắp mọi miền đất nước.

 

§ Hoàng Công Danh: Ném một cái neo vào bờ

Mười lăm năm trước, tôi đã gửi hàng chục bài thơ chép tay đến tòa soạn chỉ để mong… một dòng hồi âm. Rồi một ngày bỗng nhận được hồi âm thật. Thư đề ngày 10/3/2004 của Tạp chí Cửa Việt. Lá thư viết tay mực đen của biên tập viên thơ gửi cho tôi - lúc ấy đang là học sinh trường THPT thị xã Quảng Trị. Thư viết rằng thơ tôi gởi đến chưa đạt, chỉ có một bài Phiên chợ đầu năm là khá hơn cả, rất tiếc gửi muộn quá nên các số báo mùa xuân đã qua đi rồi. Tôi đọc thư vừa mừng vừa tiếc ngẩn ngơ.

Sau đó một tháng, tôi lên thư viện trường thì được cô thủ thư chìa quyển báo ra, mới biết bài thơ Phiên chợ đầu năm được in trên tạp chí Cửa Việt số 115 (4.2004). Nhiều cảm xúc lộn xộn cùng ập đến một lúc. Cả một đám đông học trò ập đến cầm cuốn báo lên xem và ầm ờ chỉ trỏ về phía tôi. Mặt tôi đỏ lên ngại ngùng vì học sinh lớp chọn toán lại đi “mần” thơ. Cô thủ thư bảo được in thơ lên báo là nhà thơ rồi đấy. 

Cả buổi học hôm đó tôi lâng lâng, bềnh bồng. Chỉ ngồi trên ghế không dám đi ra sân trường vì một cử chỉ của mình đều gây chú ý và dễ bị đánh giá. Nhà thơ mà. Mắt phải lim dim. Đầu cúi xuống trầm tư. Tan học, tôi mừng vì khỏi phải diễn vai nhà thơ. Đạp xe từ trường về nhà mười cây số, tôi cứ nhẩm thầm bài thơ vừa được in. Lại nghĩ đến ngày được nhà trường mời lên đọc thơ cho toàn thể nghe. Lại nghĩ đến ngày có một tập thơ được xuất bản…

Đó là tác phẩm đầu tay của tôi được in trên báo, năm tôi mười bảy tuổi và đang là học sinh. Nhuận bút bài thơ năm mươi nghìn đồng cũng là số tiền tôi làm ra đầu tiên. Nó hình thành trong tôi một suy nghĩ rằng làm chữ cũng là một thứ lao động chân chính. Lá thư của tòa soạn, cuốn báo biếu đến bây giờ tôi vẫn còn giữ. Mỗi lần mở ra lại bắt gặp cảm giác hồi hộp và sung sướng của lần đầu tiên được người khác xem mình như một người viết thực sự.

Đến cuộc thi truyện ngắn 2004 - 2005 trên Cửa Việt, tôi hồ hởi gửi tham gia năm truyện. Không được in truyện nào, không được mời đi dự tổng kết dù là tác giả trẻ nhất cuộc thi. Tôi đã gửi cho Cửa Việt một lá thư với lời lẽ khá bức xúc. Có lẽ là vì yêu Cửa Việt quá. Thương cho roi cho vọt, dân ta nói vậy. Lá thư này được nhiều người về sau nhắc lại, trong đó có câu: “Các anh chị Cửa Việt hãy đợi đấy!” Câu nói bồng bột như một công án, một lời hứa hẹn, một cái neo đánh dấu.

Bây giờ thì tôi trở thành biên tập viên của Cửa Việt. Công án đã hoàn thành, hứa hẹn đã được gặp gỡ. Tôi như một kẻ chèo thuyền quẳng lại cái neo trên bờ Cửa Việt và nay đã tìm về.

 

H.H.L - T.T.T.T - D.A -

Đ.N.S - H.C.D

 

H.L - T.T - D.A - N.S - C.D
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 250

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground