Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Toàn cầu hóa và sự đa dạng văn hóa, văn học

1. Toàn cầu hóa được xem là một quá trình xác lập, phổ biến, quốc tế hóa các giá trị, các chuẩn mực trên phạm vi toàn cầu. C.Mác và Ăngghen đã dự báo vấn đề này từ thế kỷ XIX: “Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy sẽ phát triển những quan hệ phổ biến, những sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc (...) Những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc sẽ trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất hẹp hòi và phiến diện của các dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa, và từ những nền văn học dân tộc và địa phương muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở một nền văn học toàn thế giới...”(1).

Trong lịch sử nhân loại, quá trình toàn cầu hóa được ghi nhận như những làn sóng mãnh liệt chi phối toàn diện đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, văn học của các dân tộc trên thế giới. Toàn cầu hóa lần thứ nhất được khuấy động bởi những thành tựu trong giao thông vận tải và việc giảm những hàng rào thương mại, kéo dài từ năm 1870 đến đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Thu nhập từ hoạt động xuất khẩu của thế giới đã lên đến 8% khi hoạt động thương mại toàn cầu bùng nổ. Hiện tượng di dân hàng loạt đã diễn ra trên phạm vi rộng lớn (do nhu cầu tìm kiếm những công việc tốt hơn) và đã có khoảng 10% dân số thế giới di cư sang các nước khác, và đương nhiên họ mang theo cả các giá trị văn hóa, văn học của dân tộc mình đến những miền đất mới. Trên thực tế, đã có hàng chục triệu người di cư từ Châu Âu sang Bắc Mỹ. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều triệu người ở các nước này cũng đã di cư đến những nước ít dân cư hơn như Sri Lanka, Burma, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, toàn cầu hóa lần thứ hai nổi lên, kéo dài trong khoảng từ năm 1950 tới năm 1980 bởi sự hội nhập giữa các nước phát triển ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Những quốc gia nói trên đã lập lại các mối quan hệ thương mại qua một loạt hành động nới lỏng thương mại đa phương. Giai đoạn này cũng đã chứng kiến sự trỗi dậy của các nền kinh tế của các nước trong quá trình hợp tác và phát triển, góp phần làm bùng nổ thương mại.

Từ sau năm 1980, đặc biệt là sau 1998, làn sóng toàn cầu hóa lần thứ ba đã bùng nổ trong điều kiện chưa từng có của những tiến bộ như vũ bão về giao thông vận tải (nhất là hàng không) và khoa học công nghệ truyền thông hiện đại, mạng thông tin toàn cầu (internet), khiến cho toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế khách quan tác động vào hầu hết các quốc gia trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học...

Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, con người của các dân tộc, các quốc gia và các vùng lãnh thổ có những tương tác với nhau sâu sắc hơn và cũng triệt để hơn. Toàn cầu hóa, với những sắc thái đa dạng của nó, là logic của quá trình đi tới một thế giới phát triển đa dạng về văn hóa, văn học, đòi hỏi các quốc gia cần phải chủ động nắm bắt cơ hội để phát huy thế mạnh riêng và tăng cường nội lực.

2. Giới học thuật nghiên cứu về toàn cầu hóa đã thống nhất cho rằng những yếu tố sau đây giống như là điều kiện để cho toàn cầu hóa văn hóa được diễn ra:

- Thứ nhất, toàn cầu hóa kinh tế là điều kiện quan trọng nhất của toàn cầu hóa văn hóa.

- Thứ hai, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ là điều kiện cơ bản của toàn cầu hóa văn hóa (sự bùng nổ công nghệ thông tin - xã hội thông tin)

- Thứ ba, giao lưu văn hóa là một điều kiện đặc thù không thể thiếu của toàn cầu hóa văn hóa.

Năm 1921, lãnh tụ Mahatma Gandhi của Ấn Độ tuyên bố: “Tôi không muốn ngôi nhà của tôi bị ngăn cách bốn bề, và tôi không muốn cửa sổ nhà tôi bị bịt kín. Tôi muốn các nền văn hóa trên mọi miền đất của thế giới được thoải mái thổi qua căn nhà tôi. Nhưng tôi từ chối không để cho bất cứ cái gì thổi bay tôi đi”.(2)

Toàn cầu hóa văn hóa được xem như là quá trình mở rộng không gian tiếp nhận, ảnh hưởng và tiếp biến các yếu tố văn hóa (như ngôn ngữ, hệ thống giá trị, chuẩn mực thẩm mỹ, lối sống, phong tục tập quán, văn học, nghệ thuật...) ra phạm vi toàn thế giới nhằm xác lập, phổ biến những giá trị và chuẩn mực chung, đồng thời khẳng định giá trị của các nền văn hóa, văn học dân tộc và sự đa dạng của văn hóa nhân loại. Người ta gọi đó là “thế giới phẳng”. Thomas L.Friedman - phóng viên báo New York Time cũng đã đưa ra con số 10 nhân tố “làm phẳng” thế giới:

- Sự sụp đổ của Bức tường Berlin ngày 11 tháng 9 năm 1989 đã dẫn đến sự kết thúc của chiến tranh lạnh ngay sau đó, và sự ra đời cùng thời điểm của phần mềm Windows.

- Sự xuất hiện của các Website lần đầu tiên trên mạng ngày 9 tháng 5 năm 1995.

- Sự ra đời của phần mềm quản lý công việc và những tiêu chuẩn Website mới nhất; đây chính là bước quyết định sự làm phẳng thế giới.

- Sự tải lên mạng mọi thông tin tri thức, quản lý, tâm sự cá nhân khiến cho mỗi cá nhân đều có thể trao gửi với cả thế giới, tăng cường sức mạnh của cộng đồng.

- Làm thuê bên ngoài (lãnh thổ quốc gia), theo đó một người Ấn Độ có thể làm nhân viên của hãng máy bay sắp xếp việc bay cho hành khách tại Mỹ.

- Chuyển sản xuất ra nước ngoài.

- Chuỗi cung cấp hàng hóa (kể cả đặc sản của từng vùng) trên toàn cầu.

- Hệ thống chăm sóc khách hàng UPS toàn cầu.

- Hệ thống cung cấp thông tin mạng.

- Các nhân tố xúc tác: tính chất số, di động và ảo.(3)

Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ cũng từng khẳng định: điều thách thức cơ bản là việc cái được gọi là toàn cầu hóa thực ra chỉ là một tên gọi khác dành cho vai trò thống trị của Hoa Kỳ, cũng giống như giai đoạn đầu của toàn cầu hóa chịu sự bá quyền của nước Anh, thì nay dưới sự thống trị của Hoa Kỳ và thế giới không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các ý tưởng Mỹ, các giá trị và lối sống Mỹ.(4)

Trong cuốn Chiếc Lexus và cây ôliu - Toàn cầu hóa là gì?, theo Thomas L.Friedman, về mặt văn hóa, toàn cầu hóa chủ yếu, mặc dù không phải toàn bộ, là sự lan truyền của “một quá trình Mỹ hóa (dù tốt hay xấu) - từ hiện tượng McDonal’s đến Macs rồi đến chuột Mickey”(5) trên cấp độ toàn cầu. Trong vài thập kỷ, ngành công nghiệp văn hóa Mỹ đã phát triển rất mạnh các lĩnh vực thông tin đại chúng, điện ảnh, truyền hình, giải trí... để quảng bá hình ảnh và các giá trị văn hóa Mỹ lan rộng ra khắp thế giới. Đã có tới 70% nội dung chương trình được chuyển tải trên internet là từ nước Mỹ. Con số thống kê thị phần phim Mỹ có lúc lên tới 53,6% tại Italia, 54,1% tại Pháp, 76% tại Đức, 86% tại Anh, 64,2% tại Tây Ban Nha.(6) Đồ ăn nhanh McDonald’s, hệ điều hành Windows, phim Mỹ, quần bò Levis, nhạc Rock, Rap... đã tràn ngập và lấn chiếm thị phần từ Đông Á đến Tây Âu, từ Mỹ Latinh đến Trung Đông, từ vùng văn hóa Kitô giáo đến vùng văn hóa Phật giáo, Hồi giáo... Thậm chí, để thực hiện triệt để ý đồ lan tỏa sức mạnh mềm, điện ảnh Mỹ đã mua lại bản quyền tất cả những phim “bom tấn” cả sức hấp dẫn và chuyển thể bằng một bản khác với những hình tượng theo kiểu Mỹ. Nữ văn sĩ Australia - Mar - garet Werthaim đã có cách nói hóm hỉnh về toàn cầu hóa văn hóa:

“Giống như một loại virus có tính thích nghi tốt, văn hóa Mỹ thâm nhập và tự tái tạo không ngừng... Văn hóa ăn nhanh của Mỹ, nhạc Pop, điện ảnh và truyền hình đã lây sang cơ thể văn hóa của các nước khác, sao chép hệ thống tái sản xuất địa phương, biến tướng, giả dạng văn hóa địa phương...”(7)

Những người tán đồng kiểu này thì cho đây là sứ mệnh mà lịch sử giao cho nước Mỹ. Nhưng không ít ý kiến đã phản đối kịch liệt, cho rằng đây là một kiểu đế quốc văn hóa, áp đặt văn hóa Mỹ cho toàn thế giới và sự bá quyền văn hóa này sẽ dẫn đến sự xâm thực tuyệt đối của một nền văn hóa không hề có một chút liên quan nào đến kinh nghiệm thực tế của phần lớn người dân ở những nước nghèo và tước đi khả năng tự diễn đạt mình của các nền văn hóa trong thế thua thiệt. Áp lực về nguy cơ rạn vỡ, thậm chí là biến mất những bản sắc văn hóa được tạo dựng từ hàng ngàn năm qua các xã hội truyền thống diễn ra không chỉ các nước đang phát triển, mà ngay cả các nước phát triển như Pháp, Đức, Nga, Thụy Điển, Australia... Người ta đã lên án toàn cầu hóa văn hóa đang xóa nhòa hoặc thương mại hóa bản sắc độc đáo của từng dân tộc, thô tục hóa và làm khủng hoảng các tiêu chí văn hóa kinh điển đầy tinh thần nhân văn của châu Âu, làm cùn mòn và mai một các truyền thống mang nặng giá trị trách nhiệm xã hội của châu Á, làm thô thiển, méo mó và lệch lạc các quan niệm đầy ý nghĩa tâm linh của vùng Trung cận Đông...

3. Để chống lại sự áp đặt của toàn cầu hóa văn hóa, nhiều quốc gia đã thực hiện củng cố thành trì bản sắc đồng thời đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa với bên ngoài. Có thể thấy điều này qua việc nâng thị phần phim nội từ 24% lên hơn 40% ở Pháp (từ năm 2001), sự trở về đề tài chiến tranh vệ quốc ở điện ảnh Nga hoặc việc cấm nhập phim Mỹ và đẩy mạnh xây dựng điện ảnh theo giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc ở Iran... Tuy nhiên, sau vài chục năm biến động của bối cảnh quốc tế, đặc biệt là sau sự kiện ngày 11/9/2001 tại Mỹ cùng những bất cập của nền kinh tế thị trường, sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới, nhận thức về giao lưu văn hóa và toàn cầu hóa văn hóa đã có nhiều biến đổi. Tâm lý lo ngại về sự mai một của văn hóa truyền thống đã được giải tỏa bởi một nhận thức mới về vai trò của văn hóa và xu thế phát triển văn hóa chung của cộng đồng nhân loại. Ở tầng sâu của đời sống con người, văn hóa cộng đồng, với tính cách là tổng hòa các giá trị sống, luôn tỏ ra định hình hơn, bền vững hơn so với những thứ văn hóa tiêu dùng có thể du nhập và cập nhật trong thời toàn cầu hóa. Đam mê nhạc Rock, thích xem phim Mỹ, ưa đồ ăn McDonald’s, thường xuyên truy cập internet có thể trở thành nhu cầu thường nhật của nhiều người, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dễ dàng làm thay đổi bảng giá trị mang nặng dấu ấn cộng đồng của họ. Điều này cũng đã được thừa nhận ngay cả ở những cộng đồng người Mỹ gốc Á, Radley Balko - một nhà phân tích thị trường văn hóa - cũng khẳng định: Có nhiều bằng chứng và số liệu cho thấy “sự bá quyền văn hóa” của Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đối với các nền văn hóa khác trong thị trường ấn phẩm văn hóa chỉ là cách nói quá mà thôi(8). Năm 2001, hơn 70% các chương trình truyền hình được nhiều người ưa thích nhất từ 60 quốc giá khác nhau đều là các chương trình truyền hình địa phương. Thị phần âm nhạc nội địa ở Ấn Độ là 96%, ở Ai Cập là 81%, ở Brazin là 73%(9). Theo “Người bảo vệ” - nhật báo Anh, “top” những bộ phim ăn khách nhất năm 2002 ở Nhật Bản, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Ấn Độ đều không phải là những phim nhập khẩu từ Mỹ mà là những phim sản xuất trong nước. Thời báo New York (tháng 1/2005) cũng khẳng định các chương trình truyền hình Mỹ đang mất dần sức cuốn hút tại nước ngoài.(10)

Có thể thấy, giao lưu kinh tế không đòi hỏi phải dựa trên sự đồng nhất về văn hóa. Ngược lại, chính sự khác biệt về văn hóa lại là chất xúc tác thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi, buôn bán... và khiến loài người xích lại gần nhau hơn. Xem xét tiến trình lịch sử nhân loại, nhiều nhà khoa học đã thừa nhận rằng: cùng với giao lưu kinh tế, sự giao lưu văn hóa hay còn gọi là quốc tế hóa đời sống văn hóa đã diễn ra từ lâu, gắn liền với cuộc vượt biển tìm ra châu Mỹ của Christopher Columbus năm 1492, với chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới của Ferdinand Magellan năm 1522, với con đường tơ lụa từ Đông sang Tây của những lái buôn Trung Hoa, với các thể chế quốc tế hóa, từ việc sử dụng vàng làm bản vị trao đổi (Gold Standard, 1870) giữa các loại tiền tệ cùng với sự bành trướng của đế quốc Anh hồi thế kỷ XIX. Tuy nhiên, cho tới ngày nay, nhân loại vẫn đang ở trong một thời kỳ đạt tới cấp độ giao lưu kinh tế toàn cầu và cũng có một cấp độ mới của giao lưu văn hóa - toàn cầu hóa văn hóa - mà ở đó, văn hóa các dân tộc, thông qua giao lưu, dung hợp, thẩm thấu và bổ sung lẫn nhau, không ngừng phá vỡ tính khu vực, quốc gia, hướng tới đạt được tính hòa đồng, chuyển các nguồn khu vực của văn hóa thành nguồn thụ hưởng, sở hữu chung của loài người.

4. Bối cảnh thế giới với những thách thức như chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự không khoan dung về sắc tộc và tôn giáo... đã khiến cộng đồng quốc tế đang lựa chọn sự đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh trên cơ sở tinh thần hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, hướng tới mô hình ba thành phần: đa dạng, đối thoại và phát triển. Toàn cầu hóa văn hóa đã được nhận thức trên tinh thần mới là một quá trình vừa xác lập, phổ biến những giá trị và chuẩn mực mang tính nhất thể hóa trên phạm vi toàn cầu, vừa khẳng định giá trị của các nền văn hóa dân tộc và sự đa dạng hóa của văn hóa nhân loại. Giao lưu văn hóa của nhân loại từ chỗ diễn ra trong khung cảnh nhỏ hẹp đã tiến tới những tầm với của giao lưu liên văn hóa, với những hình thức hội nhập cao, đạt được sự đồng thuận giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Trong sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, các chủ thể của các nền văn hóa khác nhau đã tiếp xúc với nhau thường xuyên hơn trong không gian của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa thông qua mạng truyền thông toàn cầu và điều này đã tạo ra đặc trưng mới của giao lưu văn hóa trên cấp độ toàn cầu.

Với phạm vi toàn cầu, giao lưu văn hóa được củng cố và hậu thuẫn bằng những quan hệ tương hỗ lẫn nhau mang tính vật chất, cuốn tất cả những hình thức giao lưu trong lịch sử vào trong khối nội dung của nó và nâng chúng lên một trình độ mới về chất, mà kết của điều này là vô số các hiệp ước quốc tế đa phương tầm khu vực, châu lục và toàn cầu với các thể chế, các chuẩn mực về dân chủ, nhân quyền, môi trường, lương thực, thực phẩm... đã và đang được áp dụng cho các nền văn hóa khi tham dự vào đời sống toàn cầu.

Toàn cầu hóa về văn hóa được hiểu theo nghĩa là xây dựng những giá trị chung của toàn nhân loại - nền tảng giúp các cộng đồng có thể hợp tác với nhau hiệu quả hơn trong việc cùng nhau tìm ra giải pháp cùng tồn tại và phát triển. Vượt lên những lo ngại rằng: kết quả của toàn cầu hóa có thể làm nảy sinh một nền văn hóa nhất thể mang tính toàn cầu (mà biểu hiện cụ thể là sự xuất hiện các đơn vị văn hóa chung đối với mọi nước như mốt, thể thao, du lịch, văn hóa đại chúng...), nhận thức mới về sự chung sống của các nền văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa được triển khai trong thiện chí của các dân tộc. Đây là kết quả của đối thoại hòa bình chứ không phải là xung đột. Trong quá trình toàn cầu hóa văn hóa, các giá trị nhân văn, nhân bản của nhân loại sẽ có sự gặp gỡ, lan truyền và nhân rộng dẫn tới việc xác lập, phổ biến những giá trị và chuẩn mực chung trên phạm vi toàn cầu. Và chính sự đa dạng của các nền văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay càng làm nảy sinh nhu cầu giao lưu và đối thoại văn hóa. Khát vọng hòa bình và an ninh đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trong tình hình thế giới hiện nay - đòi hỏi nhân loại tiến sang một giai đoạn lịch sử mới với những nhận thức và trách nhiệm đối với hòa bình toàn cầu. Vì thế, đối thoại văn hóa nhân loại ngày càng tìm thấy tiếng nói chung. Những giá trị cơ bản như sự khoan dung, nhân quyền, dân chủ, tôn trọng pháp luật và tôn trọng đa dạng văn hóa... được xem là những giá trị thống nhất và phổ biến.

Để kiềm chế và giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, trong các mối quan hệ văn hóa, các chủ thể có liên quan hoặc quan tâm đến sự đối thoại giữa các nền văn hóa cần phải biết chấp nhận sự khác biệt và đa dạng. Thường thì các sự kiện mang tính đối thoại nhấn mạnh các bản sắc tập thể (quốc gia, sắc tộc, tôn giáo) hơn là những bản sắc của cá nhân hoặc các nhóm xã hội. Đối thoại giữa các nền văn hóa cần phải tạo ra không gian cho sự chấp nhận và coi trọng lẫn nhau đối với các bản sắc văn hóa trùng lặp, đa tầng nấc và năng động của mỗi cá nhân cũng như mỗi nhóm xã hội và văn hóa.

Một yêu cầu cấp thiết hiện nay là củng cố khía cạnh nhân quyền trong đối thoại. Bên cạnh sự tìm kiếm giá trị chung của các nền văn hóa và tôn giáo, nhân loại đang nhấn mạnh các giá trị cơ bản của Tuyên ngôn toàn cầu về Nhân quyền: không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giao hay bất kỳ niềm tin và quan điểm nào - điều đã được cộng đồng quốc tế công nhận từ cách đây 60 năm. Tất cả các nền văn hóa cần phải được tôn trọng một cách bình đẳng, sự chủ động chấp nhận, trong đó có sự tôn trọng lẫn nhau, cần phải được đẩy mạnh hơn là chỉ chấp nhận sự đa dạng. Thực hiện những điều này, toàn cầu hóa văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy hoặc định hướng cho các cuộc đối thoại khác như đối thoại để giải quyết hòa bình những xung đột hiện hữu và ngăn chặn những xung đột tiềm tàng về tôn giáo, sắc tộc hoặc lãnh thổ; đối thoại để triển khai và vận dụng một cách sáng tạo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế về quyền con người, chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; đối thoại để ngăn chặn sự bất công trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển; đối thoại để chia sẻ những thành tựu y học nhằm chống lại những hiểm họa của đại dịch HIV-AIDS và nhiều bệnh dịch nguy hiểm khác đang có nguy cơ lây lan đe dọa cuộc sống nhân loại; đối thoại để tránh nguy cơ của một sự “tự sát toàn cầu” (Edgar Morin) mà nhân loại vô tình hoặc thiếu hiểu biết mà gây ra những thảm họa môi trường khó lường.(11)

Bên cạnh đó, toàn cầu hóa văn hóa cũng được nhìn nhận là một quá trình đấu tranh giữa các mặt đối lập, đầy mâu thuẫn, đa dạng và phức tạp bao gồm cả những đụng độ và mâu thuẫn về văn hóa. Điều kiện cơ bản mà một nền văn hóa dân tộc gia nhập vào không gian văn hóa thế giới cần đạt được là: vừa giữ được bản sắc riêng, lại vừa không đóng kín nền văn hóa của mình. Trên thực tế, sự tác động qua lại giữa toàn cầu hóa và văn hóa bản địa có thể cho thấy những kết quả khác nhau: văn hóa bản địa được thay thế bằng văn hóa toàn cầu; văn hóa toàn cầu và văn hóa bản địa cùng tồn tại; hoặc văn hóa bản địa hùng mạnh phủ nhận văn hóa toàn cầu... Tuy nhiên, một sự thật không thể chối cãi là hiện nay toàn cầu hóa văn hóa đang làm nảy sinh những biến đổi không ngừng của văn hóa, văn học các dân tộc.

5. Trong bối cảnh xu hướng tự do hóa thương mại được đẩy mạnh và xu thế toàn cầu hóa ngày càng tăng, chúng ta đang chứng kiến một thế giới trở nên gắn kết với nhau hơn và hòa nhập hơn. Phải khẳng định rằng nhân loại được hưởng lợi nhiều từ quá trình toàn cầu hóa về văn hóa nhưng vẫn có không ít thách thức. Thế giới ngày nay vẫn phải chứng kiến những xung đột sắc tộc, tôn giáo như các cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông, vùng Vịnh, nhiều nước châu Á, châu Phi, vùng Ban Căng hay ở Đông Timor... Những phản ứng cực đoan như khủng bố, xung đột sắc tộc hay xung đột về tôn giáo như vậy phản ánh tình trạng lạc hậu, bảo thủ về văn hóa của một bộ phận nhân loại và nó tác động trở lại kinh tế và chính trị. Đây là một sự thật nghiệt ngã mà loài người đang phải chứng kiến. Khi các nền văn hóa, văn học giao lưu rộng mở, thì những giá trị phổ biến sẽ xâm nhập vào những giá trị cá biệt. Tại những vùng cá biệt ấy sẽ lại xuất hiện những phản ứng của ý thức “bản địa hóa”, “khu vực hóa” (trong đó có cả những phản ứng cực đoan) làm nên bức tranh đa dạng vô tận của văn hóa toàn cầu.

Tựu trung lại, toàn cầu hóa văn hóa được coi là một xu thế tất yếu khách quan của thời đại mà không một quốc gia nào có thể chối bỏ. Thời cơ mà toàn cầu hóa văn hóa mang lại là hết sức lớn lao, khiến cho những giá trị văn hóa và quyền con người luôn được công khai trao đổi và được tôn trọng (tuy những thách thức mà nó mang lại cũng không hề đơn giản). Có thể khẳng định đây là một “cơ hội vàng” để tăng tốc phát triển, làm giàu thêm cho nền văn hóa, văn học của các dân tộc trên phạm vi thế giới. Quá trình nhận thức về toàn cầu hóa và sự đa dạng văn hóa, văn học có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển văn hóa nhân loại cũng như sự phát triển văn hóa, văn học Việt Nam hiện nay.

N.T.T

 

______________

Chú thích:

(1) C.Mác và F.Ăng-ghen toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội tr. 609

(2) Dẫn theo Nguyễn Văn Dân, Văn hóa và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 85

(3) Thomas L.Friedman: Thế giới phẳng...Sđd, tr. 81-303

(4) Xem Admin (?), Golobalization and Culture: Some Aspects (Toàn cầu hóa và văn hóa: một số khía cạnh), August 24, 2003, http://www. girish-misshra.com/article

(5) Thomas L.Friedman. Chiếc Lexus và cây ôliu - Toàn cầu hóa là gì, Lê Minh dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.Tr 47.

(6) Theo Robert J. Lieber and Ruth E.Weis-bergy, Globalization, Culture and Identities in Crisis (Toàn cầu hóa, văn hóa và khủng hoảng bản sắc), International Journal of Politics, Culture and Society, Vol.16, No.2, Witer 2002, http://www.usembassy/de/events/fachleiter

(7) Dẫn theo Phạm Xuân Nam. Cam kết với tính đa dạng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu. Tạp chí Thông tin khoa học xã hội số 8 năm 2007, tr 5.

(8) Hồ Sỹ Quý, Nhận thức lại toàn cầu hóa và chỉ số toàn cầu hóa của Việt Nam trong 72 nước năm 2007, http://www.chungta.com/Desktop. aspx/Chung-Ta-Suy-Ngam

(9),(10) Xem Phạm Thái Việt. Toàn cầu hóa: những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa. Nxb Kha học Xã hội. Hà Nội - 2006, tr 319-320

(11) Xem Trần Lê Bảo, Đối thoại giữa các nền văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa, http://vns.hnne.edu.vn/WItemdetail.aspx?CatID=27&Sub ID=0&ItemID=367

 

TS. NGUYỄN TOÀN THẮNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 250

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground